Thứ Bảy, 3 tháng 7, 2021

Hoàng Xuân Việt - Bách khoa Danh ngôn Từ điển

Hoàng Xuân Việt tên thật là Nguyễn Tùng Nhân, sinh ngày 13/8/1928 tại Vĩnh Thành, Bến Tre, mất ngày 20/7/2014. Ông là một học giả, nhà văn, dịch giả, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục và đồng thời là một nhà hùng biện.

Ông tốt nghiệp cao học tại trường Đại chủng viện Saint Joseph và Saint Sulpice, theo học và nghiên cứu chuyên sâu những môn triết học, thần học, xã hội học, phụ nữ học, thiên văn học và năng lực hạnh tâm.

Hoàng Xuân Việt có thể sử dụng thành thạo tiếng Hi Lạp, La Tinh, Hán Nôm, Anh, Pháp, Bồ Đào Nha. Ông đã từng đảm nhiệm vị trí hiệu trưởng của Trường Nhân Xã Học Làm Người (1966 – 1975), Trường Hán Nôm Học Làm Người Nguyễn Trãi (1993 – 2001).

Ông là tác giả của 373 đầu sách trong nhiều lĩnh vực. Cùng với Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần, Phạm Cao Tùng, ông là một trong bốn học giả nổi bật trong loại sách "Học làm người".


Học giả Hoàng Xuân Việt (1928-2014)



Năm 1969, Hoàng Xuân Việt viết cuốn “Bách khoa Danh ngôn Từ điển” do nhà xuất bản Khai Trí ấn hành. Sách dày 513 trang với những danh ngôn kim cổ được xếp theo thứ tự mẫu tự, từ đề tài “Ác” cho đến “Xử thế”.

Ngoài ra, còn có phần Phụ lục, bao gồm Danh sĩ quốc tế và Danh ngôn tiêu biểu của Trung Hoa, Ấn Độ, Hy Lạp, La Tinh, Pháp, Anh-Mỹ, Nga, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Bắc Âu (Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển). Cuối cùng là phần phụ lục về các thánh thư: Ước Thư (Thánh Kinh), Phật Kinh, Sách Talmud và Kinh Coran.



Bách khoa Danh ngôn Từ điển - Khai Trí ấn hành



Nói đến danh ngôn, người ta thường dùng chữ “trưng dẫn” với hàm ý đưa những câu nói của người xưa vào trong câu chuyện hoặc trong việc viết lách của mình. Đó là cái “tật” cố hữu từ muôn đời trước và cho đến ngày nay vẫn y như vậy. Ở Phương Đông thì hay nói “Khổng Tử viết… Mạnh Tử viết…” còn Phương Tây thì “Aristote nói… Thánh Thomas d’Aquin nói…”.

Ngay trong phần Tựa của “Bách khoa danh ngôn từ điển”, Hoàng Xuân Việt đã đưa ra nhận xét:

“Trưng dẫn bị kết án là vì bị lạm dụng bởi một số nhà cầm bút muốn quảng cáo cái thư viện trong bụng mình. Người ta cũng kết án trưng dẫn vì nó tố cáo người cuồng tín ẩn núp sau nó đến nỗi tắc nghẽn đi óc sáng tạo và phán đoán độc lập. Người ta không chịu viết một cái gì của mình mà cứ chất đống trưng dẫn…”

Quả đúng như vậy! Đó chính là sự lạm dụng một cách thái quá những danh ngôn của người xưa mà quên đi những gì có trong vốn kiến thức của mình. Sự thật thì cái gọi là “trưng dẫn” chỉ nên áp dụng một cách hạn chế, chỉ nên dùng trong những trường hợp cần làm sáng tỏ những điều mà ta muốn nói bằng cách đưa ra những ý của người xưa cho câu chữ thêm xúc tích.

Nói tóm lại, nên dùng danh ngôn để trích dẫn trong những trường hợp đặc biệt cần thiết. Đó là nghệ thuật trưng dẫn đúng chỗ, đúng lúc lại còn phải để ý đến yếu tố duyên dáng trong việc dẫn lời người xưa!

Theo Hoàng Xuân Việt, những cái được gọi là “danh ngôn” ngoài những ý tưởng của các văn hào tên tuổi ngày xưa còn bao gồm cả cách ngôn, châm ngôn, ngạn ngữ, tục ngữ, ca dao, phong dao… Vì thực ra, những câu đó là của “ai đó” nhưng theo thời gian được truyền tụng từ thế hệ này sang thế hệ khác để trở thành… “vô danh”!

Có điều, không phải “danh ngôn” nào trong từ điển này đều được coi là “chân lý”. Một vần đề nữa, theo ông, “cũng còn sợ cái nạn dịch là diệt, là phản… nguyên tắc là khi nào nắm thực vững ý chí của tác giả tôi mới dám dịch… còn không thì tôi bỏ…”

Như đã nói ở trên, “Bách khoa Danh ngôn Từ điển” từ trang 19 đến trang 409 là tổng hợp những danh ngôn được xếp theo thứ tự chủ đề từ “Ác” đến “Xử thế”, đánh số thứ tự từ 1 đến 3749. Vì khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi chỉ có thể trích dẫn một số danh ngôn tiêu biểu và có ý nghĩa thâm thúy nhất.



Một số tác phẩm của Hoàng Xuân Việt


4. “Công việc giúp ta thoát 3 cái ác: Buồn chán, Tật xấu và Túng thiếu” - Voltaire

52. “Không có đất nào êm dịu bằng quê cha đất tổ” - Homère

60. “Xứ sở tôi dù phải hay quấy vẫn là xứ sở của tôi” - Chesterton

74. “Yêu là tìm chính hạnh phúc của mình trong hạnh phúc của kẻ khác” - Léibnitz

87. “Trong ái tình đã thỏa mãn, nét hấp dẫn đã bị cướp đi” - Thomas Corneille

95. “Ái tình như đỉnh núi cao: leo lên người ta ca hát, xuống dọc bên sườn người ta than khóc” - André Theuriet

105. “Không thể yêu lại lần thứ hai điều mà người ta đã thật hết yêu” - La Rochefoucauld

117. “Yêu không phải là nguời này nhìn người kia, mà cả hai cùng nhìn về một hướng” - Saint Exupery

131. “Còn trẻ yêu như điên / Về già điên mới yêu” - Ngạn ngữ Pháp, thế kỷ 17

140. “Bạn giết một người bạn, bạn là tên sát nhân. Bạn giết muôn ngàn người, bạn là vị anh hùng” - Beilby Portéus

216. “Tình bạn được dần dần cấu thành theo thời gian bằng thực hành, bởi giao tiếp lâu dài. Nó cần giúp đỡ. Thiếu săn sóc, tín nhiệm và tử tế, nó sẽ tiêu vong” - La Bruyère

239. “Tình bạn là ái tình không có cánh” - Lord Byron

246. “Trong xã giao, đừng đổi bạn thành thù mà hãy đổi thù thành bạn” - Pythagore

270. “Ở đâu pháp luật chấm dứt thì ở đó bạo quyền bắt đầu” - W. Pitt

300. “Làm sao ta mong ai khác giữ bí mật được cho ta nếu chính ta, ta giữ không được” - La Rochefoucauld

346. “Trong chiến tranh cũng như trong ái tình, muốn chấm dứt phải nhìn gần” - Napoléon

379. “Khi bố thí bạn đừng thổi kèn lên. Khi bố thí bạn hãy làm sao tay trái không biết việc tay mặt làm” - Tân Ước (Math VI 2, 3-4)

450. “Làm hài lòng dân, không làm thất vọng những bộ óc lớn… đó là cách ngôn của kẻ biết cầm quyền” - Machiavel

500. “Công bình không sức mạnh thì bất lực, còn sức mạnh không công bình thì tàn bạo” - Pascal

537. “Người cộng sản ăn bánh của họ và cũng muốn ăn luôn bánh của bạn nữa” - Digeste Catholique

545. “Bạn hãy cười và thế gian sẽ cười lại với bạn. Bạn hãy khóc và bạn khóc cô đơn” - E. W. Wilcox

575. “Hết mọi cố gắng của bạo lực không thể làm yếu chân lý và chỉ khiến nó cất cánh cao hơn” - Pascal

608. “Chết là chấm dứt cuộc lao tù tối tăm cho những linh hồn cao cả” - Pétrarque

609. “Khi mất tất cả, không còn hy vọng nữa thì sống là ô nhục và chết là bổn phận” - Voltaire

634. “Ai muốn hòa bình hãy chuẩn bị chiến tranh” - Végèce

649. “Ta phải đưa chiến tranh đến hòa bình chớ đừng đưa hòa bình đến chiến tranh” - Platon

656. “Chiến tranh không tránh được: xã hội còn giai cấp, còn người bóc lột người thì còn chiến tranh” - Lénine

680. “Chính phủ nào tốt hơn hết? Đó là chính phủ tập cho người dân tự cai trị” - Goethe

686. “Chính trị là chiến tranh không đổ máu và chiến tranh là chính trị đổ máu” - Mao Trạch Đông

687. “Nếu muốn nắm thiện cảm của quần chúng, phải nói cho họ những điều phi lý nhứt, sống sượng nhứt” - Hitler

734. “Trong oán thù và yêu thương, đàn bà dã man hơn đàn ông” - Nietzsche

788. “Một quốc gia mạnh khi luật pháp của nó mạnh” - Publilius Syrus

795. “Dân tộc nô lệ, nghệ thuật làm cho nó tự do. Dân tộc tự do, nghệ thuật làm cho nó vĩ đại” - Victor Hugo

870. “Đám táng huy hoàng để an ủi người sống hơn là người chết” - Thánh Augustin

874. “ Gọi đàn bà là “phái yếu” là một sự lăng mạ, Đó là bất công của đàn ông đối với đàn bà” - Gandhi

877. “Đẹp và được yêu, đó mới chỉ là đàn bà. Xấu và biết làm cho được yêu, đó mới là nữ hoàng” - J. Barbey d’Auvellivy

885. “Đàn bà không bao giờ thấy điều người ta làm cho mình mà chỉ thấy điều người ta không làm” - G. Courteline

897. “Giữa cái có và cái không của người đàn bà không có chỗ đứng cho một cây kim gút” - Cervantès

1003. “Thằng điên tưởng mình khôn, và người khôn tự nhận mình chỉ là một người điên” - Shakespeare

1045. “Đàn ông không vợ là đầu không mình, đàn bà không chồng là mình không đầu” - J. P. Richter

1064. “Sống vô ích là chết trước khi sống” - Goethe

1081. “Không ai đem người mù ra khỏi tối tăm” - Kinh Coran

1128. “Tương lai con cái là công việc của người mẹ” - Napoléon

1134. “Có nhiều cách làm hư con: Người ta làm hư tinh thần nó bằng khen ngợi nó quá lố, làm hư ý chí nó bằng cái gì cũng chìu nó, làm hư trái tim nó bằng lo lắng, tôn thờ nó quá” - Dupanloup

1142. “Phúc hay họa của tuổi già thường chỉ là hậu quả cuộc đời quá khứ của ta” - Sainte Beuve

1150. “Ta phải đề phòng tuổi già đừng làm tinh thần ta nhăn như khuôn mặt” - Montaigne

1168. “Nếu bạn sống chung với người què thì bạn học đi cà thọt” - Plutarque

1175. “Giáo dục của một dân tộc được xét đoán theo cách cư xử của nó ờ ngoài đường” - E. De Amicis

1183. “Nếu có một đứa con phải giáo dục, tôi sẽ lo cho nó cái gì trước hết? Tạo nó thành thiện nhân hay vĩ nhân? Tôi tự đáp: “Phải tạo nó thành Thiện Nhân” - Diderot

1198. “Tôi nói thật cùng anh chị em rằng con lạc đà chui qua lỗ cây kim còn dễ hơn người giàu vào nước Thượng Đế” - Jésus Christ

1211. “Tiền bạc chỉ chui vào nhà người danh dự qua ngưỡng cửa nhân đức” - Amyot

1243. “Hãy tự đặt mình ở địa vị kẻ mình giận đi. Có khi ta giận vì tự ái tầm bậy muốn làm cho kẻ khác điều ta không muốn thiên hạ làm cho mình” - Sénèque

1384. “Hiện hữu hay không hiện hữu đó là vấn đề” - Shakespeare

1398. “Kiến thức đến mau còn khôn ngoan đến chậm” - Tennyson

1408. “Vinh quang Thiên chúa trên trời và hòa bình dưới thế cho người thiện tâm” - Luc II, 4

1411. “Họa phẩm là một bài thơ để coi thay vì cảm giác và bài thơ là một họa phẩm để cảm thay vì để coi” - Léonard de Vinci

1450. “Có những điều mà người ta chỉ có thể nói được khi hôn nhau” - M. Maertelinck

1473. “Trong mọi trường hợp, ban hãy kết hôn đi. Nếu được người vợ tốt, bạn sẽ hạnh phúc. Nếu gặp người vợ xấu bạn sẽ thành triết gia. Đó là điều hay nhất cho con người” - Socrate

1497. “Hắn như con gà trống tưởng rằng mặt trời mọc lên để nghe nó gáy” - G. Eliot

1505. “Hiền nhân gieo hương nhân đức bốn phương trời” - Đức Thích Ca

1804. “Kỷ niệm hạnh phúc không còn là hạnh phúc. Kỷ niệm của đau khổ là đau khổ kéo dài” - Lord Byron

2009. “Lười biếng là mẹ; con trai của nó là trộm cắp, con gái của nó là đói khát” - Victor Hugo

2150. “Giá cái mũi của Cleopatre ngắn hơn thì toàn bộ mặt thế giới đã thay đổi” - Pascal

2219. “Có ba thứ ngu dốt: Không biết điều phải biết, Biết bậy điều đang biết và Biết điều không nên biết” - La Rochefoucauld

3273. “Giáo hội sống bằng cái gì nếu không phải bằng tội lỗi của tín đồ” - Hitler

3317. “Tôi đến thế gian này trần truồng và tôi phải trần truồng lìa bỏ nó” - Cervantès

3606. “Vinh quang giống như vòng tròn dưới nước càng lúc càng lan rộng ra… đến nước chót thì tan” - Shakespeare

***

* Tham khảo: https://tusachtiengviet.com/.../bach-khoa-danh-ngon-tu...


***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts