Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2022

Sợi tóc của nhà văn Thạch Lam

Có thể nói, một trong những truyện ngắn hay nhất của Thạch Lam là “Sợi tóc”. Điều đặc biệt, trong suốt truyện người đọc chỉ thấy tác giả nhắc đến hai chữ “sợi tóc” duy nhất một lần, mà lại ở tận đoạn cuối:

“Chỉ một sợi tóc nhỏ, một chút gì đó, chia địa giới của hai bên... Tôi có tiếc đã không lấy hay không, hay bằng lòng mình vì đã chống giữ lại cái ý xấu?”

 

Nhà văn Thạch Lam (1910-1942)

 

Sợi tóc của Thạch Lam chỉ là một hình tượng hoàn toàn có tính cách trừu tượng để ám chỉ cái ranh giới mong manh giữ Tốt và Xấu, hay nói rộng ra giữa Thiện và Ác. Câu chuyện xảy ra giữa Thành, một người sành sỏi nhưng lại không được khá giả cho lắm… và người anh họ tên Bân, giàu có nhưng lại keo kiệt!

Hai anh em đến hiệu Chabot ở phố Tràng Tiền để mua đồng hồ. Thành chọn cho Bân một cái đồng hồ đeo tay hiệu Movado rất... “thời thượng”. Bân mân mê cầm lên ngắm nghía, xem chừng cũng muốn mua lắm. Nhưng cái tính hà tiện của anh lại thắng cái thích nên anh ta trả lại với lời phân trần:

- Đẹp thì đẹp thật, nhưng mà đắt quá, anh ạ. Thôi, chúng ta lại các hiệu khác mà mua thì hơn.

Vào một hiệu khác ở Hàng Ngang, sau khi mặc cả ráo riết từng hào, Bân bằng lòng mua một cái đồng hồ không mấy ai biết tiếng nên cũng rất rẻ! Lúc trả tiền, Thành thấy Bân móc ra một cái ví da lớn đựng đầy tiền, anh ta đếm giấy bạc rất thong thả và rất cẩn thận khi trả tiền.

 

Chân dung nhà văn Thạch Lam

 

Để ăn mừng mua được đồng hồ mới, Bân đãi Thành một chầu ăn khao. Vốn không ưa cái tính bủn xỉn của Bân nên Thành gọi các món sang trọng, đắt tiền… “cho bõ ghét”. Bân lại còn rủ Thành xuống khu “chị em ta” tại Vạn Thái vì hắn “tâm sự” đã lâu rồi không... xả xui.

Thật tình Thành không thấy hứng thú khi phải đi chơi với một anh có nhiều tiền nhưng lại keo kiệt. Dù nghèo nhưng bản thân Thánh lại khinh Bân vì hắn vừa hà tiện lại vừa ngốc nghếch. Thành định bụng ở chơi xóm cô đầu qua quýt rồi sẽ về sớm.

Trước khi nằm bên bàn đèn hút thuốc phiện tại nhà cô đầu, cả hai cởi áo treo lên mắc. Lát sau, Bân cùng một cô gái đưa nhau vào trong buồng để… “tâm sự”. Vốn tính cẩn thận, Bân đem cả cái áo trong có ví tiền đầy tiền vào giường.

 

Thạch Lam qua nét vẽ của họa sĩ Đinh Cường

 

Ở ngoài một mình cũng chán nên lúc sau Thành sửa soạn ra về. Đến khi lấy áo treo trên mắc Thành mới nhận ra rằng cái áo anh ta đang cầm trên tay không phải là áo của mình!

Thì ra lúc mang áo vào giường nằm, Bân đã mang nhầm áo. Cả hai cùng mặc thứ hàng len giống màu nên rất dễ lầm! Thành thấy cái ví tiền ở túi thò ra ngoài, mấy tờ giấy bạc gấp trong ngăn ví hiện ra rất rõ rệt...

Anh chợt nghĩ, lấy vài tờ thật dễ dàng, chọn lúc mọi người vô ý, Thành sẽ đổi lấy áo ở đầu giường Bân... Mai dậy Bân biết mất chắc chẳng bao giờ dám nghi ngờ cho mình.

Tất cả những cách xếp đặt ấy diễn qua rất nhanh trong trí Thành. Chỉ một thoáng thôi, anh tưởng trước được sự việc xảy ra như thế. Êm thấm và yên lặng, trôi chảy và dễ dàng. Chẳng có gì để sợ!

 

Tác phẩm “Sợi tóc”

 

Thạch Lam viết đoạn kết “Sợi tóc” đầy bất ngờ, có điều không biết đoạn kết đó “có hậu” hay không:

“Tôi đi vào phía giường Bân nằm. Tôi cúi xuống, tì vào thành giường - cố ý tì vào chỗ vắt cái áo - nhìn vào trong, qua màn.

- Anh ở lại nhé - tôi mỉm cười - tri kỷ hết đêm nay cho nó sướng...

“Cô nhân tình khúc khích trong chăn. Và Bân ngửa đầu trông lên, tay với vào tấm màn:

- Mai nhé.

- Oui, à demain.

“Nhưng tôi chưa quay ra. Tôi vẫn cứ tì mình trên thành giường, lưỡng lự, một lát bấy giờ sao lâu thế. Rồi, không biết tại sao, bỗng nhiên:

- Áo anh đây này, đây là áo của tôi.

Và nói thêm bằng tiếng Pháp:

- Anh đếm lại tiền đi. Và để cẩn thận vào trong ấy.

Bân nhỏm nửa người dậy, cầm lấy áo:

- Merci, được rồi.

“Tôi bước một bước lùi ra. Thế là hết. Bây giờ thì không sao đụng đến ví được nữa. Tôi bần thần ngơ ngẩn, mặc lấy chiếc áo của tôi, và đội mũ... Vừa gài khuy, tôi vừa nói mấy câu bông đùa vô vị với cô ả đứng ở chân giường sắp tiễn tôi về. Tôi trùng trình uống nước và hút thuốc, muốn cái thời khắc này cứ kéo dài ra mãi.

(hết trích)

Ngày hôm sau Thành cứ tưởng chừng như mọi chuyện đêm qua đã xảy ra trong giấc mộng! Anh thật ngạc nhiên khi thấy mình vẫn còn là người lương thiện dù cuộc sống hiện tại của anh không lấy gì gọi là dư giả. Anh nhớ lại mình cũng chẳng hề nghĩ đến những chữ như Danh dự, Thánh thiện, Ngay thẳng... như người đời thường nói đến.

Lằn ranh giữa hai thái cực tương phản Thiện & Ác, Cao thượng & Hèn mọn chỉ mong manh như một “Sợi Tóc”... Và đó là sợi tóc của Thạch Lam!

“Sợi tóc” là một tác phẩm không cốt truyện màu mè. Đó là lối viết quen thuộc của Thạch Lam. Ông khai thác những khía cạnh, tuy không bất ngờ nhưng lại đi sâu vào tâm thức qua từng nhân vật.

Nhà thơ Huy Cận đã nhận xét về Thạch Lam:

“Những truyện ngắn của Thạch Lam là hay không phải vì chúng ta có thể xếp các loại truyện ấy vào dòng văn học hiện thực. Những truyện ấy hay vì nó truyền đến cho người xem một cách cảm nhận cuộc đời, một lối cảm xúc xót xa trìu mến trước những cảnh đời nghèo túng, đôi khi tủi cực, đôi lúc hắt hiu.”

 

***

* Tiểu sử tác giả:

Thạch Lam (1910-1942), tên thật là Nguyễn Tường Vinh, em ruột của Nhất Linh và Hoàng Đạo trong nhóm Tự Lực văn đoàn. Ngoài bút danh Thạch Lam, ông còn có các bút danh là Việt Sinh, Thiện Sỹ.

Sau khi đỗ Tú tài, Thạch Lam thôi học để làm báo với hai anh. Buổi đầu, ông gia nhập Tự Lực văn đoàn do anh là Nguyễn Tường Tam sáng lập, rồi được phân công lo việc biên tập tuần báo Phong hóa và tờ Ngày nay của bút nhóm này. Đến tháng 2 năm 1935, thì ông được giao làm Chủ bút tờ Ngày nay.

Theo những gì mà người thân của Thạch Lam kể lại, mặc dù cao tới 1m70, vượt trội hơn khá nhiều chiều cao trung bình của người Việt thời đó, nhưng sức khỏe của Thạch Lam lại rất không tương xứng với chiều cao. Có thể nói, ông thuộc dạng thể chất yếu.

Một tuổi thơ nhọc nhằn cộng với cuộc sống lao lực vì miếng cơm manh áo đã làm Thạch Lam sớm mắc căn bệnh lao phổi, một căn bệnh nan y thời bấy giờ. Ông mất ngày 27/6/1942 tại Hà Nội, hưởng dương 32 tuổi, khi đang còn trong độ tuổi rực rỡ trên văn đàn.

* Tác phẩm:

- Gió đầu mùa (tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Đời nay, 1937)

- Nắng trong vườn (tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Đời nay, 1938)

- Ngày mới (truyện dài, Nhà xuất bản Đời nay, 1939)

- Theo giòng (bình luận văn học, Nhà xuất bản Đời nay, 1941)

- Sợi tóc (tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Đời nay, 1942)

- Một thứ quà của lúa non: Cốm (Nhà xuất bản Đời nay, 1943)

- Hà Nội băm sáu phố phường (Tùy bút, Nhà xuất bản Đời nay, 1943)

 

Tác phẩm của Thạch Lam

***


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts