Phong trào “Thơ mới”,
khoảng thời gian từ 1930 đến 1945, bỗng xuất hiện một nhà thơ mang bút danh “T.T.Kh” với bài thơ "Hai sắc hoa ti-gôn" [1] khiến giới văn nghệ không ngớt lời bàn tán
và thắc mắc về lai lịch và giới tính cụ thể của nhà thơ.
Có người cho rằng đó là Trần Thị Khánh, lai có người quả quyết rằng đó là Phạm Thị Sứ, một nữ sinh trường Đồng Khánh, Hà Nội. Cũng có nghi vấn bài thơ ký tên T.T.Kh lại chinh là tác phẩm của nhà thơ Thâm Tâm [2] nhờ cô em gái mang bản thảo đến tòa soạn báo Tiểu thuyết Thứ Bảy.
Trước đó, vào tháng 7/1937, Tiểu thuyết Thứ Bảy có đăng truyện ngắn "Hoa Ti gôn" của nhà văn Thanh Châu. Khoảng 2 tháng sau, tòa soạn nhận được một phong bì dán kín do một thiếu phụ trạc 20 tuổi, dáng bé nhỏ, nét mặt u buồn mang đến gửi cho báo. Trong phong bì chỉ vỏn vẹn có bài thơ “Hai sắc hoa ti-gôn”, dưới ký tên T.T.Kh.
Trên tạp chí Giáo Dục Phổ Thông, số 49, ra ngày 1/11/1959, tại Sài Gòn, ông Lê Công Tâm cho biết: T.T.Kh chính là thi sĩ Thâm Tâm. Theo ông, Trần Thị Khánh là người yêu của nhà thơ. Hai người yêu nhau, nhưng biết không lấy được nhau nên đã giữ kín mối tình để tránh phiền phức đến cả hai.
Bài "Hai sắc hoa Ti-gôn" được đăng trên Tiểu thuyết Thứ Bảy, số 179, ra ngày 30/10/1937 có những lời thơ vừa ngang trái lại vừa đau khổ:
“...Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi,
Mà từng thu chết, từng thu chết
Vẫn giấu trong tim bóng một người...”
Ngoài bài thơ "Hai sắc hoa Ti-gôn", sự nghiệp văn thơ của T.T.Kh còn 3 bài: “Bài thơ thứ nhất” (Tiểu Thuyết Thứ Bẩy số 182 ngày 20/11/1937), “Đan áo cho chồng” (đăng trên Phụ Nữ Thời Đàm) và “Bài thơ cuối cùng” (trên Tiểu Thuyết Thứ Bẩy, số 217, ngày 23/7/1938).
Theo nhà phê bình
văn học Thụy Khê:
“Hai sắc hoa ty gôn, huyền thoại lãng mạn gắn bó với Thâm Tâm, một trong những nhà thơ tài hoa mệnh yểu thời tiền chiến. T.T.Kh hay Thâm Tâm là người đầu tiên sử dụng hai chữ "người ấy" và đem hình ảnh "hoa ty gôn" vào trong thơ, như một hình tượng nghệ thuật mơ hồ và phiếm định về người tình và cuộc tình tan vỡ.
…
“Ngay khi Hai sắc hoa ty gôn ra đời, giới văn nghệ sĩ đã xôn xao, thi sĩ J. Leiba, người cùng tâm sự với T.T.Kh và là tác giả hai câu thơ nổi tiếng "Người đẹp vẫn thường hay chết yểu. Thi nhân đầu bạc sớm hơn ai", chép lại nguyên văn bài “Hai sắc hoa Ty gôn” trên Ngọ Báo với lời mở đầu:
Anh chép bài thơ tự trái tim
Của người thiếu phụ lỡ làng duyên
Lời thơ tuyệt vọng ca đau khổ
Yên ủi anh và để tặng em”
Nguyễn Bính sau khi đọc “Bài thơ thứ nhất” đã
viết bài “Dòng dư lệ” để tặng T.T.Kh, in lại trong tập “Lỡ bước sang ngang” và
Thâm Tâm có ba bài “Màu máu ti gôn”, “Dang dở” và “Gửi T.T.Kh”… và nhiều thế hệ
sau còn có những bài thơ khác sụt sùi thương cảm cho số phận T.T.Kh…”
(hết trích)
Trong “Bài thơ thứ nhất”, xuất hiện sau “Hai sắc hoa ty gôn” hai tháng, có những manh mối về địa danh để xác định mối tình của T.T.Kh:
“Ở lại vườn Thanh có một mình
Tôi yêu gió rụng lúc tàn canh
Yêu trăng lặng lẽ rơi trên áo
Yêu bóng chim xa nắng lướt mành.
“Vườn Thanh” được
hiểu là tỉnh Thanh Hóa và hai câu cuối thơ cuối cùng cũng hé lộ tên của người
chồng lớn tuổi là “Nghiêm” (?):
“Biết đâu tôi một tâm hồn héo
Bên cạnh chồng nghiêm luống tuổi rồi”.
Về phần Thâm Tâm,
trong bài “Gửi T.T.Kh” có những câu
nói về người con gái tên Khánh:
“Tiếng xe trong vết bụi hồng
Nàng đi thuở ấy nhưng trong khói mờ
Tiếng xe trong xác pháo xưa,
Nàng đi có bốn bài thơ trở về
“Tiếng xe mở lối vu qui
Nay là tiếng khóc nàng chia cuộc đời!
Miệng chồng, Khánh gắn trên môi
Hình anh, mắt Khánh sáng ngời còn mơ
…
Góp hai thứ tóc đôi đầu,
Sao còn đan nối những câu tâm tình?
Khánh ơi còn hỏi gì anh?
Lá rơi đã hết mầu xanh màu vàng".
Người ta cũng có thể
suy luận: Thâm Tâm nhắc đến người yêu tên Khánh. Nếu vậy, T.T.Kh có phải là những
chữ viết tắt của Thâm Tâm – Khánh hay TrầnThị Khánh? Hay cũng có thể là Tuấn
Trình – Khánh, vì Thâm Tâm tên thật là Nguyễn Tuấn Trình?.
***
Hầu hết những nhà phê
bình và biên khảo văn học như Hoài Thanh & Hoài Chân (trong Thi Nhân Việt
Nam); Phạm Thế Ngũ (trong Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên); Nguyễn Hữu
Long & Nguyễn Tấn Trọng (trong Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến)… tất cả đều đặt
các gỉa thuyết về “nghi án” T.T.Kh cũng như người tình Thâm Tâm.
Cho đến nay, tất cả đều chỉ là “nghi án” về hiện tượng văn học có một không hai: huyền thoại của một mối tình lãng mạn nhưng cũng không ít thương đau. Không ai có thể khẳng định lập luận của mình là chính xác chỉ vì những nhân vật chính nay đã không còn để xác định!
Phải chăng đó cũng là điều tạo nên một mối tình huyền thoại độc đáo trong văn chương?
***
Chú thích:
[1] Nguyên tác bài thơ “Hai sắc hoa ti gôn” của T.T.Kh:
“Một mùa thu trước, mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn,
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc,
Tôi chờ người đến với yêu đương.
“Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng
Dải đường xa vút bóng chiều phong,
Và phương trời thẳm mờ sương, cát,
Tay vít dây hoa trắng chạnh lòng.
“Người ấy thường hay vuốt tóc tôi,
“Thở dài trong lúc thấy tôi vui,
Bảo rằng:"Hoa, dáng như tim vỡ,
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi!"
“Thuở ấy, nào tôi đã hiểu gì
Cánh hoa tan tác của sinh ly,
Cho nên cười đáp:"Màu hoa trắng
Là chút long trong chẳng biến suy.
“Đâu biết lần đi một lỡ làng,
Dưới trời đau khổ chết yêu đương.
Người xa xăm quá ! - Tôi buồn lắm,
Trong một ngày vui pháo nhuộm đường...
“Từ đấy, thu rồi, thu lại thu,
Lòng tôi còn giá đến bao giờ
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ...
Người ấy, cho nên vẫn hững hờ.
“Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi,
Mà từng thu chết, từng thu chết,
Vẫn giấu trong tim bóng "một người".
“Buồn quá! hôm nay xem tiểu thuyết
Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa
Nhưng hồng tựa trái tim tan vỡ.
Và đỏ như màu máu thắm pha !
“Tôi nhớ lời người đã bảo tôi
Một mùa thu trước rất xa xôi...
Đến nay tôi hiểu thì tôi đã,
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi !
“Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ,
Chiều thu, hoa đỏ rụng chiều thu
Gió về lạnh lẽo chân mây vắng,
Người ấy ngang sông đứng ngóng đò.
“Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng,
Trời ơi! Người ấy có buồn không?
Có thầm nghĩ tới loài hoa... vỡ
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng?”
[2} Thâm Tâm (1917–1950), tên thật Nguyễn Tuấn Trình, là một nhà thơ, nhà viết kịch Việt Nam và cũng là một họa sĩ. Ông nổi tiếng với bài thơ “Tống biệt hành”, với một phong cách thơ hòa hợp giữa cổ điển và đương đại, thể hiện hào khí rất cao.
Ngoài bài thơ “Tống biệt hành”, Thâm Tâm còn có 3 bài thơ có liên quan đến nhà thơ bí ẩn T.T.Kh: “Gửi T.T.Kh”, “Màu máu Tygôn” và “Dang dở”. Đây là những bài thơ tình được coi là “hay nhất trong năm 1940”.
Trong các bài thơ này, ông tự nhận là người tình cũ của T.T.Kh. Một số người còn cho rằng chính ông là T.T.Kh. Tuy nhiên, vẫn không ai biết chính xác là như thế nào về “nghi án” này.
Bài thơ “Tống biệt hành” của Thâm Tâm, đăng trên “Tiểu thuyết thứ bảy” năm 1940.
Đưa người, ta không đưa qua sông,
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Đưa người ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình, một dửng dưng...
- Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ,
Chí nhớn chưa về bàn tay không,
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm mẹ già cũng đừng mong!
*
Ta biết người buồn chiều hôm trước:
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,
Một chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót
Ta biết người buồn sáng hôm nay:
Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay,
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay...
Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu say.
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét