Tôi là một người bình thường như mọi người
khác, lại càng không phải là một Triết gia hay bất kỳ một “gia” nào như Lý thuyết
gia, Hùng biện gia hay Đại gia… Có chăng chỉ là hơi “già” với hơn 70 năm sống
và đang sửa soạn… chờ chết!
Một triết gia đã từng than thở: “Ta đến và ta khóc, đó là cuộc sống. Ta ngáp và ta ra đi, đó là cái chết” (We come and we cry, and that is life. We yawn and we depart, and that is death). Bây giờ ngồi viết lại chuyện đời, có lẽ đó là câu ngắn gọn và xúc tích nhất về cuộc đời.
Từ khi chào đời cho đến lúc chuẩn bị xuống lỗ, tôi thấy cuộc đời mình đã trải qua biết bao phen “lên voi, xuống chó”, tràn ngập niềm vui nhưng cũng không ít nỗi buồn, hạnh phúc đó nhưng cũng bất hạnh đó. “Hỷ - Nộ - Ái - Ố” thôi thì đủ cả… nhưng hình như đó là chất xúc tác khiến cho cuộc đời thêm nhiều ý nghĩa.
Benjamin Disraeli cho rằng “Cuộc sống nói chung chỉ có một quy luật: Tuổi trẻ là sự Lầm lỗi, Tuổi thành nhân là cuộc Đấu tranh và Tuổi già là niềm Nuối tiếc!”. Lầm lỗi khi còn trẻ là điều khó tránh khỏi, Đấu tranh khi vào đời là những diễn biến liên tục và đến khi về già nhìn lại những điều đã xảy ra người ta thường có những tiếc nuối muộn màng.
Đời là một bi kịch đối với những kẻ giàu cảm xúc. Bi kịch của tôi là những ngày tự do tối thiểu của mình đã mất đi trong trại cải tạo ở Trảng Lớn, Tây Ninh hay trong 4 bức tường của Lò Bát Quái Chí Hòa vì tội vượt biên!
Tôi đã từng lang thang trong rừng, không phải để làm thơ, mà là chặt cây, lấy lá đem về xây dựng lán trại. Chỉ tiêu được đặt ra cho mỗi chuyến lao động trong rừng nhưng không phải thấm thía câu “lao động là vinh quang” mà là tìm lại những giờ phút hoàn toàn tự do giữa khung cảnh rừng rú không người.
Rồi cũng vẫn là tôi, một mình khám phá những căn nhà có balcon trồng hoa nhìn xuống dòng kênh đào của vùng sông nước Venice, Ý, hay lạc lõng giữa nhưng tòa lâu đài cổ của nước Đức. Và nước Áo chào đón tôi với dòng Danube trong khung cảnh mờ mờ sương khói buổi sáng mùa đông.
Ở xứ người nhưng sao vẫn thấy mình như hòa nhập một cách tự nhiên vào cuộc sống xô bồ ở New York hay phong cảnh thơ mộng của dòng sông San Antonio lững lờ lười chảy. Đó là tiểu bang Texas, xứ sở mà ngày xưa nổi tiếng với những anh cowboy một mình một ngựa trên những cánh đồng cỏ hoang vu.
Tôi gắn bó với nước Úc vì công việc cũng như vì tình cảm riêng tư. Báo Vietnam Investment Review (VIR) là “hợp đồng hợp tác kinh” của tập đoàn Báo chí Úc (ACP) với Việt Nam nên tôi đã có những chuyến đi đến Sydney, nơi ACP đặt trụ sở chính. Trong khi đó, Melbourne lại là nơi gia đình con gái tôi định cư. Vì lý do đó, mối quan hệ với nước Úc luôn luôn được gắn bó.
Bi kịch của đời tôi là những ngày rong ruổi
khắp các chợ, lớn cũng như nhỏ ở Sài Gòn, trên chiếc xe đạp mini, phía sau là những “đồ phụ tùng” của lò dầu hôi để bỏ mối cho các bạn hàng.
Bi kịch của tôi cũng là “được đổi đời” từ một giảng viên trường sinh ngữ đã từng du học để rồi sau đó trở thành anh lao động phổ thông bị sai vặt trong một công trình xây dựng thời “điêu linh”!
Rồi cũng chính anh sai vặt đó lại trở thành một nhà báo tiếng Anh trong thời kỳ được mệnh danh là “đổi mới”, đi đó đi đây đến các quốc gia và lãnh thổ trên thế giới. Dù ở bất cứ cương vị nào, “Tôi vẫn là Tôi”, hoàn toàn không tự ti mà cũng chẳng hề ngạo mạn.
Trong “Thép đã tôi thế đấy”, Pavel Korchagin, nhân vật chính của tác phẩm, tác giả Nikolai A.Ostrovsky đã xây dựng thành công nhân vật Pavel. Và phương châm sống của anh cũng đã trở thành lý tưởng của nhiều thanh niên tại Nga mà người đọc trong thế giới Xã hội Chủ nghĩa vẫn còn nhớ mãi. Anh nói:
“Cái quý nhất của con nguời là cuộc sống. Nó chỉ đến một lần, con người phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng lãng phí, cho khỏi hổ thẹn nhục nhã vì dĩ vãng ti tiện, nhỏ nhoi. Sống sao cho đến lúc hấp hối có thể nói rằng: cả đời ta, cả sức lực ta đã cống hiến cho sự nghiệp cao đẹp nhất đời: Cuộc đấu tranh cho Sự nghiệp Giải phóng Con người”
Bỏ qua cụm từ “Sự nghiệp Giải phóng Con người” ám chỉ cuộc “Cách mạng Tháng 10 Nga”, triết lý đó vẫn hoàn toàn đúng khi ta ứng dụng vào mọi trường hợp chính kiến bất đồng, dù là Cộng Sản hay Tư Bản.
Phải chăng “Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh, lúc đó thép trở nên cứng rắn và không hề biết sợ”? Cuộc đời này chính là lò luyện thép để con người trở nên cứng rắn hơn trước mọi nghịch cảnh.
“Đời dài lê thê qua năm tháng lụi tàn
Nhưng
cũng ngắn ngủi khi ngập tràn hạnh phúc!”
(Những tấm hình đi kèm dưới đây là một đoạn phim ngắn đời tôi… chỉ tiếc một điều là những lúc khốn khó lại không có cơ hội ghi lại cho đầy đủ!)
***
Mua sách Đọc báo tiếng Anh mà không có. Sao không đăng bài tiếp vậy bác?
Trả lờiXóaDạo này tôi khá bận rộn nên "Học báo tiếng Anh" tạm ngưng... Hy vọng sẽ tiếp tục trong tương lai, nếu tình hỉnh có thay đổi. Cám ơn bạn đã quan tâm. Thanks!
Xóa