Thứ Năm, 19 tháng 9, 2024

Giảm stress với những vần thơ tếu

Cuộc sống đem lại cho chúng ta quá nhiều căng thẳng, cả về thể xác lẫn tinh thần. Thế cho nên, tôi mới tìm ra được một “giải pháp”, đó là việc tìm đọc những vần thơ vui như một cách để quên đi những trói buộc nhọc nhằn của cuộc đời khi tuồi già kéo đến.

“Bà Chúa thơ nôm” Hồ Xuân Hương có cả một kho tàng “thơ vui” nhưng nhiều người lại bảo rằng đó là “thơ tục”.“Thanh” hay “Tục”, những đấng “trượng phu nam tử” vẫn phải ngả mũ thán phục một bậc nữ lưu “xưa nay hiếm”, một người dám viết những chuyện phòng the theo cách của bà.

Theo tài liệu của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn và Lê Xuân Giáo, nữ sĩ có tới 3 đời chồng dù nhan sắc có phần thua kém chị em! Người chồng đầu tiên là một ông cai tổng có tục danh là Cóc, tiếp đến là quan tri phủ Vĩnh Tường và cuối cùng là quan tham hiệp trấn Yên Quảng Trần Phúc Hiển.

Thơ Hồ Xuân Hương bài nào cũng đầy ắp những hình tượng tính dục nhưng lại được chuyển tải bằng một thứ ngôn ngữ rất “đời thường”, chẳng hạn như “nòng nọc đứt đuôi” hoặc “cửa son đỏ loét tùm hum nóc”:

“Một đèo, một đèo, lại một đèo,

Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.

Cửa son đỏ loét tùm hum nóc,

Hòn đá xanh rì lún phún rêu…”

(Đèo Ba Dội)

 

Cảm tác của hoạ sĩ Bùi Xuân Phai qua bài thơ “Đèo Ba Dội”

 

Hãy tưởng tượng một buổi trưa hè “hây hẩy” gió nồm từ hướng đông thổi về, người thiếu nữ tuy chỉ “nằm chơi” nhưng rồi lại thiếp đi trong giấc ngủ ngày… Yếm đào trễ xuống để lộ đôi “gò bồng đảo” và bên dưới là “lạch đào nguyên”. Những bậc quân tử phải phản ứng ra sao đây?

“… Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm,

Một lạch đào nguyên nước chửa thông.

Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt,

Đi thì cũng dở, ở không xong.”

(Thiếu nữ ngủ ngày)

 

Bài thơ dài “Đánh Cờ” khá dài, chỉ xin trích ra một đoạn:

“… Thọat mới vào chàng liền nhảy ngựa,

Thiếp vội vàng vén phứa tịnh lên.

Hai xe hà, chàng gác hai bên,

Thiếp thấy bí, thiếp liền ghểnh sĩ.

“Chàng lừa thiếp đương khi bất ý,

Đem tốt đầu dú dí vô cung,

Thiếp đang mắc nước xe lồng,

Nước pháo đã nổ đùng ra chiếu…”

 

“Đánh cờ”, tranh Bùi Xuân Phái

 

Nhà thơ “điên” Bùi Giáng đã viết hai câu thơ “tưng tửng” nhưng rất lạ và cũng độc đáo. Ngẫm lại sao thấy những “vần thơ điên” lại… quá đúng:

“Những tưởng xuống trần gian chơi chốc lát,

Nào ngờ ở mãi tận hôm nay”

 

Đôi khi thi sĩ đã có những lần quên lãng… mà chuyện quên đó nhẹ như lông hồng đến độ quên cả chính bản thân mình. Hai câu thơ dưới đây được Bùi Giáng làm từ những ngày còn trẻ chứ không phải vì cái chứng “nhớ nhớ, quên khi” (dementia) khi đã về già:

 

“Xưa kia tôi đã có lần,

Bây giờ tôi đã có phần tôi quên”

 

Nhà thơ Bùi Giáng

 

Phần cuối của bài viết này xin dành đất cho nhà thơ Bút Tre và những bài minh hoạ của các nhà thơ bình dân khác theo phong cách của ông. Thơ Bút Tre vừa độc đáo, vừa sáng tạo, vừa dung tục nhưng lại giàu sức lan tỏa trong dân gian.

Cũng vì thế, Bút Tre đã trở thành một trường phái thơ dân gian rất thịnh hành ở miền Bắc và cho đến sau này cũng được nhiều người ở miền Nam biết đến. Người ta nhớ đến Bút Tre vì thơ ông gần với thể loại ca dao với cách gieo vần bất ngờ và lối dùng chữ đặc biệt.

 

“Làng ta có cái núi voi

Đủ cả đầu đuôi, đủ cả vòi

Voi cũng hăng say đua sản xuất

Đầu thì trồng sắn, đít trồng khoai”

 

“Quê Hương thi sĩ Phú Thò [Phú Thọ]

Chè xanh, cọ biếc, mập to trái chuồi [chuối]

Lòng còn nhớ mãi cái buồi [buổi]

Đầu làm phân bắc, chăn nuồi đàn bo [chăn nuôi đàn bò]

Cu Ba lông mượt giống to

Cách màng văn hoá đất tô lại càng...”

 

“Chị em du kích tài thay

Bắn tàu bay Mỹ rơi ngay cửa mình”

 

“Chị em nô nức đặt vòng

hoa mộ liệt sĩ tỏ lòng biết ơn”

 

Bút Tre Đặng Văn Đăng (1911-1987)

 

Thơ Bút Tre có một mảng, tạm gọi là “hoan hô”, theo đúng tinh thần Xã hội Chủ nghĩa:

“Hoan hô anh Tạ Đình Đề

Trước đi theo địch nay về với ta

Hoan hô anh Lê Quảng Ba

Trước đi theo phỉ nay ra hàng mình

Hoan hô đồng chí Trường Chinh

Trước thân Trung Quốc nay hình như thôi

Hoan hô chị Nguyễn Thị Bình

Được mời ngồi với bác Chinh bác Đồng

Hoan hô bác Vő Chí Công

Cho làm khoán hộ ruộng đồng tốt tươi

Hoan hô bộ trưởng Đỗ Mười

Tác phong chậm chễ mọi người vẫn khen.

Hoan hô đồng chí Trần Hoàn

Lên làm Bộ trưởng chiếu toàn phim hay.

Hoan hô anh Nguyễn Chí Thanh

Anh về phân bắc, phân xanh đầy đồng.

Hoan hô cục trưởng Hà Đăng

Ấn cho tàu chạy băng băng như rùa

Hoan hô anh La Văn Cầu

Cánh tay bị đứt nhưng đầu vẫn nguyên”

 

“Hoan hô đại tướng Võ Nguyên

Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về”

 

“Hoan Hô Đại Tướng Võ Nguyên,

Giáp ta triệt sản chị em ... quần hồng”

 

“Hoan hô đồng chí Phạm Tuân

Bay vào vũ trụ một tuần về ngay”

 

“Hoan hô các cụ trồng cây

Mười cây chết chín một cây gật gù.

Chúng mày có mắt như mù

Mười cây chết cả gật gù ở đâu?”

 

Bút Tre về hưu bên các cháu nội

 

Thật thú vị khi làm một cuộc hành trình từ Bắc vào Nam qua thơ Bút Tre và những bài hoạ của các nhà thơ theo trường phái của ông:

 Anh đi công tác bản Mường

Tè xong một cái lên đường về quê”

 

“Không đi không biết Tam Đao [Tam Đảo]

Đi thì không biết chỗ nào mà ngu [ngủ]

Một giường nó nhét hai cu [cụ]

Thôi thì cố nhịn đến chu nhật về… [chủ nhật]

 

“Chưa đi chưa biết Ðồ Sơn

Ði về mới biết chẳng hơn đồ nhà

Ðồ nhà tuy xấu tuy già

Nhưng là đồ thật hơn là Ðồ Sơn”

 

“Nghệ An nổi tiếng gió Lào

Trẻ già trai gái người nào cũng đen”

 

“Chưa đi chưa biết Cửa Lò

Đi về mới biết nó to thế này”

 

Xuống đến Miền Trung, một hoạt cảnh đa màu sắc nhưng không kém phần “đa ngôn, đa tứ” hiện ra trước mắt người yêu thơ tếu:

 

“Chưa đi chưa biết Huế thương,

Đi rồi mới biết cũng thường như ai,

Nhưng mà Huế thiệt là tài,

Họ chơi dưới nước, mình chơi trên bờ”

 

“Nhớ nhung về thị xã Phan

Thiết tha mơ tưởng cô hàng nước măm [nước mắm]”

 

“Anh đi anh ghé Buôn Mê

Thuột xong một cái thì về với em”

 

“Chưa đi chưa biết Cần Giờ

Đi rồi mới biết họ… không cần gì”

 

“Chưa đi chưa biết Vũng Tàu,

Mần mò Bãi Trước, Bãi Sau: giống nhà!

Vũng nhà tuy hết nõn nà,

Nhưng lành lại tiện khỏi ra Vũng Tàu”

 

“Chưa đi chưa biết Nha Trang,

Đi rồi mới thấy họ sang hơn mình,

Có tắm biển có tắm sình,

Có hồ nho nhỏ cho mình tắm chim”

 

“Chưa đi chưa biết Bình Dương,

Đi rồi mới biết cường dương là cần,

Mát xa rồi lại mát gần,

Âm dương cách biệt một vòng cao su”

 

“Chưa đi chưa biết Bến Tre,

Đi rồi mới biết lắm tre nhiều dừa,

Dừa to dừa nhỏ dừa vừa,

Bóp trên bóp dưới nước dừa đầy tay”

 

“Bút Tre, thơ và giai thoại” của Ngô Quang Nam

 

Vào đến Sài Gòn cũng có khá nhiều vần thơ ca tụng “Hòn Ngọc Viễn Đông”. Nhưng có lẽ đoạn thơ dưới đây kể “Sài Gòn lẩm cẩm chuyện” đáng được lưu lại:

 

“Hôm nay giải phóng Sài Gòn

Bà con phấn khởi chạy bon ra đường

Có cô đang ngủ trên giường

Vội vàng tỉnh dậy, bị thường vào tày [bị thương vào tay]

Ô tô cấp kíu đến ngay

Ðưa vào bệnh viện ba ngày thì khoi… [khỏi]”

 

Quá nhiều vần thơ để người đọc giảm stress… nhưng vì khuôn khổ có hạn nên tạm dừng tại đây chỉ vì:

 

“Bao nhiêu bút sắt mòn rồi,

Bút Tre vẫn để cho người nguồn vui!”

 

Cuối củng (nhưng không kém phần quan trọng) là lời khuyên thiết thực nhất dành cho những nhà thơ theo “trường phái Bút Tre”:

 

“Làm thơ nên tránh vần ồn

Kẻo không lại đụng cái l… chị em”

 

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts