Chủ Nhật, 20 tháng 6, 2021

“Cậu” tôi

Trong gia đình người Bắc ngày xưa (nhất là ở Hà Nội) người ta thường gọi đấng thân sinh ra mình là Cậu, cũng như Mẹ được gọi là Mợ. Trong khi đó, Cậu Mợ đối với những người ở các vùng khác chỉ đơn thuần là những người thân thích trong họ hàng, không hơn không kém.

Những tác phẩm của Tự lực Văn đoàn (nhóm Nhất Linh Nguyễn Tường Tam) đa số lúc nào cũng xuất hiện Cậu Mợ khi đề cập đến đấng sinh thành, thay vì Cha Mẹ, Ba Má hay những danh xưng đặc biệt mang tính cách vùng miền như Bầm, Đẻ, Tía…

“Cậu” của tôi dáng người tầm thước nhưng lại đi theo “binh nghiệp” từ lúc… còn nhỏ. Số là khi còn nhi đồng, ông nội tôi đã gửi Cậu vào “Thiếu sinh quân”, ngày xưa dưới thời Pháp thuộc gọi là “Enfant de Troupe”. Thế là suốt đời Cậu mang đủ sắc áo nhà binh cho đến thời Đệ nhị VNCH.

 

Cậu tôi hồi trẻ

Tôi chào đời năm 1946 tại làng Và, Bắc Ninh, khoảng 5 giờ sáng. Chỉ có hai mẹ con và cô đỡ vì lúc đó đang có cuộc đụng độ giữa Việt Minh và Quốc dân đảng. Mợ tôi kể lại khi đó mới cảm thấy thế nào là “cô đơn” vì Cậu còn mải lo chinh chiến. Mãi đến chiều mới thấy “bác bếp” xuất hiện với cơm nước dành cho bà đẻ!

 

Cậu Mợ tôi

Khi về Hà Nội, Cậu tôi “chuyển ngành” sang “cảnh binh”, phục vụ tại bót Hàng Trống. Cũng vì thế, bố con tiếp xúc với nhau hàng ngày có phần gần gũi hơn. Trên nguyên tắc là vậy nhưng tôi vẫn thấy Cậu lo chuyện công việc ngoài đời nhiều hơn chuyện gia đình!

 

Cậu tôi tại bót Hàng Trống, Hà Nội

Khi đến tuổi đi học, Cậu gửi tôi vào bán trú (demi-pension) ở trường dòng Puginier, nằm trên đường Carreau, nay là đường Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Đây là trường mang tên Paul-Francois Puginier, Giám mục địa phận Tây Đàng Ngoài và cũng là thành viên của Hội Thừa sai Paris. Trường được xây từ năm 1897.

Lần đâu tiên đi học, mà lại là trường dòng nên quả thật là một kinh nghiệm đáng nhớ cho chú bé sinh trưởng trong một gia đình vốn theo đạo Phật. Lúc nào học trò cũng phải đọc kinh trước khi học trong lớp và cả đến buổi trưa trước khi ăn cũng thế. Mà tôi đâu có biết gì về kinh kệ nên cứ ê a trong miệng!

 

Trường Puginier, Hà Nội, ngôi trường đầu tiên tôi đi học

Học ở Puginier chưa đầy một năm gia đình tôi lại bay thẳng vào Đà Lạt năm 1953 vì Cậu tôi khi đó đã chuyển qua Ngự Lâm Quân của cựu hoàng Bảo Đại. Vùng đất được mệnh danh là Hoàng Triều Cương Thổ, đất của nhà vua, lúc đó còn rất ít người và tôi chính thức bước vào bậc tiểu học tại trường Nam tiểu học Đà Lạt.

 

Cậu tôi trong trang phục Ngự Lâm Quân tại Đà Lạt, năm 1953

Khi ông Ngô Đình Diệm lên cầm quyền, Cậu tôi lại chuyển sang phục vụ trong Quân đội Quốc gia Việt Nam, tham gia các chiến dịch lớn như dẹp lực lượng Bình Xuyên, rồi đến các chiến dịch dẹp các lực lượng ly khai như Cao Đài, Hòa Hảo tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đây là quãng thời gian Cậu tôi phải thường xuyên xa nhà, năm thì mười họa mới có phép về thăm gia đình vẫn còn ở trên Đà Lạt. Thế rồi, một lần nữa, Cậu tôi lại chuyển ngành trở lại với lực lượng cảnh sát tại Ban Mê Thuột. Thêm một lần, gia đình tôi chuyển về một thị trấn thường được mệnh danh là Buồn Muôn Thuở, lại còn được gọi là Bụi Mù Trời.

 

Gia đình tôi tại Ban Mê Thuột, năm 1971 (Hai cô em gái hai bên và hai cháu nội ngồi với ông bà)

Đến tuổi về hưu, Cậu tôi và gia đình lại trở về ngôi nhà xưa trên Đà Lạt với vườn lan. Ông cụ vốn là người thích phong lan, thậm chí còn thường xuyên tổ chức các buổi đi rừng để săn lùng lan với sự góp sức của người Thượng rất rành về việc đi rừng.

Ngoài thì giờ chăm sóc lan, ông còn mua nhiều sách, những loại như “Học làm người” hay sách nghiên cứu về Phật giáo, Đạo lý… Những cuốn sách này ông viết ý kiến của mình ngay trên sách hoặc gạch dưới những chỗ tâm đắc. Cậu tôi cũng chẳng bao giờ phải nói ra những điều ông suy nghĩ vì biết rằng… tôi sẽ đọc!

 

Tấm hình duy nhất chụp hai bố con khi Cậu tôi lên trường Bộ binh Thủ Đức thăm con

Rồi ập đến ngày Sài Gòn thất thủ và chỉ vài năm sau Cậu tôi cũng ra đi về miền vĩnh hằng. Lúc ông cụ mất, tôi đang cùng đoàn sinh viên Mỹ thực hiện chuyến du khảo “cross-country” từ Sài Gòn đi ngược ra miền Bắc nên không về kịp.

Khi trở lên Đà Lạt thì Cậu tôi đã nằm trong lòng đất lạnh, không biết là “lạnh” hay “ấm”… vì có thể đó cũng là mảnh đất “ấm áp yêu thương” đã che chở cho một con người với một quãng đời tung hoành trên khắp nẻo đường đất nước?

 

“Ngày của Cha” (Father’s Day) là một ngày lễ tôn vinh người cha đã gắn kết với người Mẹ để tạo một gia đình cho các con. “Father’s Day”, được quy định là ngày Chủ nhật thứ 3 trong tháng Sáu hằng năm.

Năm nay, “Ngày Của Cha” là ngày 20/6/2021 nên cũng nhân dịp này có đôi dòng về người cha của tôi. Những hồi ức về “Cậu tôi” có thể không có gì đặc sắc nhưng tận sâu thẳm đáy lòng tôi, người cha đó vẫn chiếm một chỗ… không thể nào quên! 

“Dad, thank you for inspiring my life, for giving my love, for being forgiving, for being affectionate, kind and caring. You’re the best!” 

(Bố là người truyền cảm hứng cho con, là người cho con tình yêu, cho con sự tha thứ và sự âu yếm, ân cần, chăm sóc. Bố là người tuyệt vời nhất!) 

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts