Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2020

Nạn dịch châu chấu ở Phi Châu

Trong khi cả thế giới đang bị “khủng hoảng” bởi Virus Corona xuất phát từ Châu Á thì tại Châu Phi cũng đang xảy ra dịch châu chấu.


Tuy nhiên, người ta chú ý nhiều đến Corona vì bệnh dịch này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người trong khi dịch châu chấu gây thiệt hại về mùa màng, hay nói một cách khác, ảnh hưởng đến “bao tử” của người dân Châu Phi.

Madagascar ở Tây Phi, là một nước rất nghèo, 90% trong dân số 22 triệu sống ở mức dưới 2 đô la một ngày. Năm 2013 Cơ quan Lương Nông quốc tế (FAO) đưa ra báo động về tình trạng trầm trọng của nạn châu chấu ở Madagascar và cho biết cần nhiều triệu dollar cho công cuộc cứu đói.

Hàng tỷ con châu chấu tràn ngập trên phân nửa quốc gia này. Hàng đàn châu chấu bay như những đám mây, đáp xuống đâu ăn trụi hết cây cối hoa mầu. FAO dự đoán nạn châu chấu sẽ khiến khan hiếm lương thực cho khoảng 60% dân chúng Madagascar với 2/3 mùa màng bị tiêu hủy.


Theo tài liệu của FAO, châu chấu mỗi ngày có thể bay xa tới 50 dặm và các đàn châu chấu trải ra trên mỗi dặm vuông khoảng 200 triệu con, đồng thời tiếp tục sinh đẻ và nở ra những con nhỏ.


Ông Alexandre Huynh, nhân viên FAO làm việc tại thủ đô Antananarivo, Madagascar, nói rằng ở đâu cũng thấy châu chấu, lái xe đi hàng dặm vẫn chưa ra khỏi một đàn châu chấu và chúng bám lên kính xe không còn nhìn thấy đường. Ông cho biết, “Ngoài lương thực và phẩm vật cứu trợ, FAO cần có $22 triệu từ nay đến tháng 6/2013 để mở chiến dịch rộng lớn phun thuốc trừ sâu”.


Những tưởng dịch châu chấu năm 2013 là “lớn nhất thế kỷ” nhưng hiện nay Đông Phi đang đối mặt với một đại dịch cứ ngỡ như chỉ có trong phim ảnh: hàng đàn châu chấu  xuất hiện trên bầu trời, có đến khoảng 150 triệu con trên diện tích một cây số vuông.


Liên Hiệp Quốc đang kêu gọi các nước hỗ trợ khoản tiền 76 triệu đô la để cứu giúp Châu Phi khỏi nạn châu chấu. Các nước ở Châu Phi rất nghèo, Kenya chỉ có mỗi 5 chiếc máy bay chở thuốc diệt trừ côn trùng hại để chống lại đàn châu chấu hàng triệu con.


Đây là đại dịch châu chấu lớn nhất tại Kenya trong 70 năm qua, và theo BBC, đây cũng là đàn châu chấu lớn nhất từng xuất hiện tại Somalia và Ethiopia trong suốt 25 năm qua.


Somalia đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc, cho rằng đàn châu chấu sẽ không rời đi trước mùa gặt trong tháng 4/2020. Nếu điều này xảy ra, hàng triệu người sẽ lâm cảnh thiếu lương thực. Trong khi đó, số tiền viện trợ cho các nước Châu Phi nhằm hạn chế dịch châu chấu mới chỉ tạm dừng ở mức 15 triệu!


AP đưa tin, một phần nguyên nhân khiến châu chấu sinh sôi nảy nở là do biến đổi khí hậu, cụ thể là do “lượng mưa lớn bất thường diễn ra trong vài tháng qua”. Châu chấu không chịu được cảnh khô nóng, nên thông thường chúng sẽ không xuất hiện cho tới khi mùa mưa bắt đầu.


Mưa lớn khiến cây cỏ tốt tươi đã khiến số lượng châu chấu nhân lên chóng mặt. Với 5 chiếc máy bay ít ỏi, người dân Kenya cố gắng tiêu diệt châu chấu nhưng vừa hết đàn này, đàn mới lại xuất hiện với mật độ 1 tuần 1 lần.


Châu chấu không chỉ phá hoại mùa màng Châu Phi, mà còn gây ảnh hưởng tới các chuyến bay quốc tế. Đầu tháng này, phi cơ của Ethiopian Airlines đã phải dừng khẩn cấp sau khi cất cánh chỉ 30 phút, lý do là đàn châu chấu lớn liên tục va vào cửa kính, mũi máy bay và động cơ phản lực.


Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) nói rằng nạn châu chấu tại Kenya có thể diễn biến ngày một xấu, và lan sang các nước Bắc Phi và Trung Phi. Đàn châu chấu sẽ ngày một dày lên khi trong hai tháng tới. Nhiều nông dân Ethiopia đã chứng kiến 90% số hoa màu trồng đều tan biến mỗi khi hàng đàn châu chấu bay qua.


Theo ước tính của FAO, một bầy châu chấu ở Kenya có thể bao phủ diện tích khoảng 2.400 km2. Điều đó có nghĩa là mỗi bầy có thể đến 200 tỉ con châu chấu, mỗi con ngốn một lượng lương thực bằng trọng lượng của nó mỗi ngày.


Nếu không kịp thời kiểm soát, FAO ước tính số lượng châu chấu có thể tăng gấp 500 lần vào tháng 6, và lan sang Uganda, Nam Sudan, gieo rắc thảm họa lương thực cho một trong những khu vực nghèo nhất thế giới.


Qua thống kê của Liên Liên Hiệp Quốc, ngay cả một đàn châu chấu nhỏ cũng có thể ăn hết diện tích cây trồng đủ cung cấp thức ăn cho 35.000 người mỗi ngày. Di chuyển theo gió, đàn châu chấu có thể bay tới 150km một ngày. Hiện giờ chúng đang hướng về phía Nam Sudan, nơi gần một nửa đất nước phải đối mặt với nạn đói kể từ sau nội chiến.


Đã từ lâu người ta vẫn tin rằng cơ quan sinh dục của châu chấu cái cũng giống như các loài khác. Tuy nhiên, những phát hiện mới nhất cho thấy chúng có bộ phận khá lạ: châu chấu đực có thêm một chốt phía bên ngoài cho phép nó gắn chặt cơ thể mình với con cái.


Chúng cũng có một khoang bên trong chứa bộ phận, được coi như “dương vật phức hợp”. Đây là một cấu trúc hỗ trợ việc bám chặt và kích thích bộ phận sinh dục của con cái, còn có một ống dẫn tinh và nhiều cấu trúc hỗ trợ khác. Châu chấu cũng có một khoang riêng được thiết kế để nhận tinh trùng và chứa trứng, cùng với một nắp đậy để đóng kín toàn bộ khoang này lại.


Hai cơ quan này khóa nhau lại khi con đực cưỡi lên người con cái, mở nắp phần sau của mình và đẩy toàn bộ cấu trúc “dương vật phức hợp” ra khỏi cơ thể mình. Nó làm phình cấu trúc ấy lên như một quả bong bóng, bộ phận ấy móc nối với cơ quan sinh dục của con cái và thực hiện quá trình giao phối.


Có thể đó cũng là một trong những lý do chúng sinh sản hàng loạt để tạo thành các đàn châu chấu bay rợp trời ở Châu Phi. Và đó cũng là nguyên nhân của nạn dịch châu chấu.


***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts