Ngày xưa, khi còn là một thanh niên tràn trề nhựa sống,
tôi đã nhiều lần nghêu ngao câu hát của Y Vân qua bài “Ngăn cách”:
“Không! Trăm không
ngàn lần, không ai giận hờn nếu đã hay rằng:
Lòng người như chiếc
lá, nằm trong cơn gió vô tình"
Thật tình, chưa bao giờ phải sống trong tâm trạng của một
kẻ thất tình nhìn người yêu lên xe hoa nhưng tôi vẫn thích những lời buồn của
người khác:
“Từ ngày mai ngăn
cách, hết rồi là khi đưa đón
Có mấy ai không buồn
lúc duyên chưa tròn thương mến
Em lên xe hoa rồi!
Biết rằng sầu để một người
Rượu hồng chẳng được
say mà đành lòng nếm chua cay!”
“Ngăn
cách” – Nhạc Y Vân
Bên Tàu có nàng Ý Nương và chàng Lý Sinh là họ hàng con
cô con cậu nên bị cha mẹ ngăn cấm yêu nhau. Thế cho nên họ mới “tương tư” đến nỗi
nàng phải làm bài thơ “Trường Tương Tư”
để bày tỏ nỗi niềm bị ngăn cách:
“Ngã tại Tương
giang đầu,
Quân tại Tương
giang vĩ.
Tương tư bất tương
kiến,
Đồng ẩm Tương giang
thủy”
Ai đó đã dịch nôm là:
“Chàng ở đầu sông
Tương
Thiếp ở cuối sông
Tương
Nhớ nhau mà không gặp
Cùng uống nước sông
Tương”
Nàng
Ý Nương với “Trường Tương Tư”
Sông Tương ở tận bên Tàu nhưng tại Việt Nam, năm 1949, nhạc
tiền chiến cũng có bài “Ai về sông Tương”
của Thông Đạt, một bút danh khác của nhạc sĩ Văn Giảng. Hóa ra sông Tương được
nhạc sĩ đưa vào âm nhạc để giãi bày mối tương tư của hai người trẻ yêu nhau trong bối cảnh là dòng sông Hương (chứ không phải sông Tương bên Tàu)!
“Thu nay về vương
áng thê lương
Vắng người duyên
dáng tôi thương
Mối tình tôi vẫn cô
đơn
“Xa muôn trùng lưu
luyến nhớ em
Mơ hoài hình bóng
không quên
Hương tình mộng say
dịu êm…”
“Ai
về sông Tương” – Thông Đạt và vợ
Nước Việt phải chịu một thời gian dài “chia cắt” từ năm
1954 cho đến 1975. Hiện tượng chia cắt đất nước là một biến cố xã hội – chính
trị sâu đậm nhất trong lòng người Việt. Hiệp định Geneve năm 1954 hình thành 2
miền Nam – Bắc với hai thể chế chính trị khác biệt.
Giới tuyến chia cắt là dòng sông Bến Hải và chiếc cầu Hiền
Lương ở vĩ tuyến thứ 17. Năm 1954 cũng đánh dấu cuộc di cư lịch sử của một triệu
đồng bào miền Bắc vào Nam. Ở chiều ngược lại, cũng có các đợt “tập kết” của người
miền Nam ra Bắc. Lòng người nói chung là ly tán và cuộc chiến tranh giữa 2 miền
xảy ra từ đó.
Toàn cảnh cầu Hiền Lương & sông Bến Hải (1959)
Ngày xưa miền Nam chưa có từ ngữ “cách ly” để diễn tả tâm
trạng bị ngăn cách, không thể gặp nhau trong thời đại dịch. Ở Phương Tây, người
ta gọi là “social distancing”, vì
COVID-19 là một bệnh lây nhiễm qua tiếp xúc nên phải giữ khoảng cách với xã hội.
Như thế có nghĩa là tự mình cô lập với bên ngoài, dù bản
thân mình có nhiễm bệnh hay không. Thế là có hiện tượng làm việc tại nhà “On-Line” với sự trợ giúp của công
nghệ thông tin. Nói thì đơn giản nhưng chuyện sống tách biệt với thế giới bên
ngoài cũng lắm nhiêu khê.
Social balancing
Ngoài những tác động về tinh thần, cách ly với xã hội còn
những hệ quả liên quan đến đời sống vật chất. Ăn uống thất thường là một thử
thách sự kiên trì của người cách ly nhưng có lẽ chuyện ngủ nghê cũng phức tạp
không kém. Cứ tưởng tượng hai vợ chồng cùng tự cách ly với bên ngoài thì cuộc sống
sẽ như thế nào?
Những năm sau thế chiến thứ 2, những người lính từ các
chiến trường trở về nhà và họ đã sinh ra một thế hệ mà người ta gọi là “baby boomer”. Đó là sự “bùng nổ” với
hàng loạt những đứa trẻ ra đời trong thời gian ông bố “giã từ vũ khí” để về nhà.
Thế cho nên,
đã có những chuyên gia về tâm lý đề ra công thức: “Social distancing = Baby boomer” để nói lên hậu quả của việc vợ chồng cách ly chung. Ông bà ta thường
nói “Rảnh rỗi sinh nông nỗi” là vậy.
Xưa:
cha ông giải cứu thế giới – Nay: Tôi giải cứu thế giới
Ở trường
hợp thứ hai, khi người chồng
hoặc vợ phải tự cách ly riêng một
mình. “Xa mặt thì cách lòng”,
rất đễ đi đến ly dị! Khi
đó, công thức 1 sẽ thay đổi bằng công thức 2 thật bi thảm: “Social
balancing = Divorcing boomer”.
Trường hợp thứ 3, chắc là khá phổ biến: cứ hết ăn rồi nằm,
ít vận động cơ thể, nên thế nào bụng cũng… “phát tướng” như Ông Địa. Vòng bụng
tăng theo tỷ lệ thuận với thời gian bệnh dịch kéo dài. Nhưng bù lại là không phải
chui vào “cái giường” có 6 tấm mà ai cũng sợ!
Một
cái chết không ai muốn
Có một tấm hình rất đầy đủ ý nghĩa chụp một cặp thanh niên mà tôi thấy được trên
trang mạng xã hội. Hình đám
cưới trong mùa dịch, chụp trước Tòa Đô Chính ở Sài Gòn: đường xá vắng tanh và đáng
chú ý là cô dâu “mặc váy đen” tung tăng bên
chú rể, bất chấp Corona!
Tội nghiệp cho đôi trẻ. Vì yêu nhau nên bất chấp mùa dịch
và cô dâu đã chọn áo cưới có “màu áo đen tang tóc” thay vì chiếc
soireé trắng tinh hay mầu hồng lãng mạn!
Đám cưới mùa dịch… cô dâu mặc váy đen
Nếu không đủ can đảm để vượt qua những khó khăn trong mùa dịch như cặp tình
nhân đã nói ở trên, đây là lời
cuối dành cho các bạn trẻ:
“Nếu
yêu nhau hãy tạm xa nhau”.
Đó là lời được
cho là của Virus Corona.
***
* Video “Ngăn cách” – Nhạc Y Vân, giọng ca Ngọc Lan: https://www.youtube.com/watch?v=r_0JANVRWv0
* Video “Ai về sông Tương” – Nhạc Thông Đạt, giọng ca Hà Thanh: https://www.youtube.com/watch?v=3r1EYOFJwdQ
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét