Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Chuyện những người bạn trong thời điêu linh

Sống ở đời ta có rất nhiều bạn. Trừ trường hợp những người “không giống ai”, họ cả đời chẳng có đến một người bạn theo đúng nghĩa.

Từ bạn học chung dưới mái trường thời niên thiếu đến khi trưởng thành sẽ nảy sinh nhiều loại bạn: nào là bạn đồng nghiệp, bạn chung sở thích, bạn “vong niên”, bạn “chí cốt”, bạn “nối khố”, bạn “tâm giao”… rồi lại có kiểu bạn “vàng”, bạn “nhậu”… Loại sau hình như chỉ là “bè” chứ không phải là “bạn” theo đúng nghĩa của nó.

Ngạn ngữ Anh có câu rất thâm thúy: “Bạn trong lúc cần mới thật là bạn” (A friend in need is a friend indeed). Hình như trong lúc sung sướng, giàu có người ta thường có ít bạn. Những người tưởng được gọi là “bạn”, nhưng thực ra chỉ kéo bè, kết đảng tạo thành “nhóm lợi ích”. Khi đó, cái được gọi là tình bạn lại phảng phất một sự lợi dụng hoặc nhờ vả qua lại chứ không còn thuần túy là bạn bè.

Ngược lại, trong cơn nguy biến, trong nỗi khổ ải của cuộc đời, ta vẫn có thể tìm được những người bạn đích thực, họ đến với ta không tính toán, không so đo. Tôi đã có những người bạn như thế trong thời điêu linh. Tôi gọi quãng thời gian sau năm 1975 là giai đoạn “điêu linh” vì hầu như mọi người ở miền Nam ai cũng khổ.

Nếu không nếm mùi học tập cải tạo thì cũng “xất bất xang bang” lo kiếm cơm hàng ngày ngoài xã hội. Nếu không là nạn nhân của những đợt “đánh tư sản”, “cải tạo công thương nghiệp”, “đổi tiền”, “đốt sách” thì cũng bị ám ảnh bởi ba chữ “kinh tế mới”. Thế cho nên đó là thời điêu linh, khổ sở từ vật chất lẫn tinh thần. 

Riêng những người thuộc “đối tượng” cải tạo như chúng tôi thời đó sống biệt lập với thế giới bên ngoài. Xã hội ngày xưa rộng lớn bao nhiêu thì tập trung cải tạo thu hẹp lại bấy nhiêu. Cuộc sống hàng ngày bỗng trở nên có quá nhiều thay đổi, tầm giao tiếp chỉ thu hẹp lại còn trên dưới một trăm người sống với nhau trong một đội. Nhưng đó cũng là lúc nảy nở một tình bạn chân thực nhất.

Khi được tập trung tại Trảng Lớn (Tây Ninh) tại trại cải tạo mang bí số L1T5, hòm thơ 7590, tôi may mắn được ở chung với 2 người bạn xưa cũng là giảng viên trường Sinh ngữ Quân đội. Phạm Gia Đoàn trước tôi một khóa ở Thủ Đức và Nguyễn Bình Quyền là đàn em khóa sau. Hai người bạn này lại là hai hình ảnh tương phản: Đoàn thì mập mạp còn Quyền thì ốm tong teo.

Hồi còn ở trường Sinh ngữ Quân đội, Đoàn “Mập” còn có tên cúng cơm là “Nhị thập tứ hiếu” vì anh là người con hiếu thảo trong gia đình. Không là đứa con ngoan sao được khi mỗi đêm vào trường “ứng chiến” thế nào anh cũng đem theo một bịch quần áo để ủi cho đỡ tốn điện ở nhà. Không chỉ là quần áo của anh mà còn có cả quần áo của các thành viên trong gia đình!

Quyền “Ốm” đã có lần bắt gặp Đoàn “Mập” trên đường đến trường thủ sẵn một bịch nylon thật lớn trên xe Mobylette. Khi đi ngang qua đống rác lớn bên vệ đường, anh kín đáo thả một chân xuống và tay kia đẩy bao rác. Quả là một lối “tiết kiệm” tiền đổ rác của người con hiếu thảo! Đoàn “Mập” nhận “danh hiệu” “Nhị thập tứ hiếu” kể từ khi Quyền “Ốm” phát hiện một tấm gương hiếu thảo có một không hai!

Đoàn còn có một kỷ niệm “để đời” với tôi. Hồi năm 1971 hai đứa cùng đi Lackland tu nghiệp khóa giảng viên Anh ngữ tại San Antonio, Texas, anh thường than thở mỗi khi đi “check mail”: “Lâu lâu mới có thư mà chỉ là thư của bố kể chuyện gia đình, chán chết…”  Thấy Đoàn tả oán tôi thương hại ngỏ ý sẽ nhờ bà xã ở Bệnh viện Sài Gòn giới thiệu một cô để thư từ qua lại trong chuỗi ngày xa nhà.

Thật không ngờ, hai anh chị qua lại thư từ “mùi mẫm” sao đó đến ngày về nước vẫn tiếp tục “tâm sự”, và cuối cùng Đoàn thú nhận với tôi sẽ tiến tới hôn nhân với “Cô ba nhà thương”, đám bạn chúng tôi vẫn thường dùng tên này để chỉ người con gái thường liên lạc thư từ với Đoàn khi còn ở Lackland.

Mà đó là đám cưới “thật”. Vợ chồng tôi vô tình đã trở thành “ông mai, bà mối” và đoạn kết thuộc loại “có hậu”: hai chú nhóc ra đời trước khi Sài Gòn “đổi chủ”!

Trong trại học tập, nhóm chúng tôi phân công Đoàn giữ nhiệm vụ “anh nuôi”, “quản lý” tất cả đồ ăn khô của gia đình gửi vào thăm nuôi của cả nhóm. Tôi nghĩ đó là sự lựa chọn đúng đắn. Giao thức ăn cho Đoàn, một người có tài nấu nướng, chế biến, anh em chẳng còn phải bận tâm về những buổi “đại tiệc” vào ngày cuối tuần để “cải thiện” những bữa cơm cải tạo đạm bạc.

Là “đầu bếp chính” của nhóm trong cải tạo nhưng sau này gặp lại ngoài đời thường, Đoàn đã là hiệu trưởng một trường đại học tư tại Sài Gòn. Ở đời “lên voi, xuống chó” là vậy.

Trên đây là những kỷ niệm “đẹp” về Đoàn nhưng phải thành thật nhìn nhận ai cũng có những cái tốt và những cái xấu. Và Đoàn cũng không phải là ngoại lệ vì anh có cái tật…  “nổ như xác pháo”, đó là chữ của Quyền “Ốm”.

Hồi trong trại cải tạo có một người bạn tù tình cờ nói với tôi: “Anh Đoàn hồi còn nhỏ đã đi du học, đến khi về lại Việt Nam quên cả tiếng Việt!”. Quả thật năm cuối trung học Đoàn xin được học bổng AFS (American Field Service) để sang Hoa Kỳ 1 năm trước khi vào Đại học. AFS là chương trình trao đổi học sinh của Mỹ với các nước nhằm giúp học sinh làm quen với hệ thống giáo dục trung học.

Một năm sống ở xứ người khi còn là một học sinh lớp Đệ Nhị chắc chắn không thể nào ảnh hưởng đến việc quên cả tiếng mẹ đẻ. “Thêm mắm thêm muối” là sở trường của những người nấu ăn, có lẽ “anh nuôi” Đoàn cũng bị “méo mó nghề nghiệp” nên mới “nổ” với các bạn tù. Xem ra những vụ “nổ” như vậy không gây “sát thương” nên Đoàn vẫn là người bạn chí tình của tôi.   

Lại nói thêm về Quyền “Ròm”, dân trường Tây, Jean-Jacques Rousseau, nên có phong thái giống Tây nhưng tính tình lại nóng nẩy, hình như lúc nào cũng chỉ chực đánh nhau dù dáng người ốm yếu. Quyền có thói quên mân mê nút áo trên ngực mỗi khi có điều gì phải suy nghĩ. Tôi có lần hỏi: “Tao thấy mày cứ mân mê nút áo nên thắc mắc chắc đó cũng là thói quen lúc ở nhà, có “xờ” tí vợ không đấy?”. Quyền đánh trống lảng: “Bậy nà!”.             

Phải thành thật nhìn nhận, gương mặt của Quyền lúc nào cũng “cau có, khó chịu”, nhìn ai cũng như muốn “đấm” người ta. Mà chắc chắn nếu có “đấm” được ai thì chỉ một cái đấm trả cũng đủ khiến Quyền gục ngay tại trận.

Hồi mới ở Thủ Đức về trường, Chuẩn úy Quyền chưa được nhận lớp, anh được phân công phụ trách khóa sinh Sinh viên Sĩ quan Không quân. Vì lúc nào cũng “rếch lô” nên khóa sinh thường gọi lén Quyền là “Chuẩn úy Người Dơi”. Không phải vì sức mạnh của Bat Man mà là vì cái thân hình mong manh, lúc nào cũng có thể bay như dơi!

Giảng viên trong trường lại có tên khác dành cho anh: “Quyền Lucky Luke” vì anh có vóc dáng của anh cao bồi trong truyện tranh miền Tây, trông thì nhỏ con nhưng lại làm những chuyện tày trời.

Trước hay sau năm 1975 tính Quyền vẫn không thay đổi. Được cái ở trong cải tạo anh sống hết mình vì anh em nên dù đôi khi có giận anh nhưng không thể nào giận lâu được. Quyền lại có tính hay pha trò nên anh em cũng “chín bỏ làm mười”, sẵn sàng quên đi những bực tức do Quyền mang đến.

Chỉ đến khi sang Mỹ, Quyền mới thay đổi, có lẽ cũng vì tuổi tác. Anh chỉ có một “job” duy nhất từ ngày đến Hoa Kỳ và hiện vẫn làm cho một hãng hàng không tại Houston, Texas. Vốn thông thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp nên Quyền rất được trọng dụng. “Sống lâu lên lão làng” là vậy. Thỉnh thoảng hãng hàng không lại áp dụng chính sách ưu đãi giá rẻ cho nên mỗi khi Quyền có vacation là anh và gia đình đi khắp thế giới với giá đặc biệt dành cho nhân viên.  
    
     Lackland, San Antonio, Texas, 1971
Phạm Gia Đoàn (góc trái), Nguyễn Ngọc Chính (góc phải) và Nguyễn Bình Quyền ngồi bên cạnh

Trong cải tạo tôi có đến 4 anh bạn là bác sĩ, chính xác là bác sĩ quân y, nên cũng có “nợ máu với nhân dân”, dù ngày xưa các anh thường tiếp máu cho các bệnh nhân! Khác với những giảng viên Anh ngữ vốn là sĩ quan “trừ bị” từ Thủ Đức, bác sĩ quân y là những sĩ quan “hiện dịch”.

Trường Quân Y là một trong ba trường sĩ quan hiện dịch của Quân lực VNCH bên cạnh trường Sĩ quan Võ bị Quốc gia Đà Lạt và trường Sĩ quan Chiến tranh Chính Trị. Khóa 1 trường Quân Y Trung Ương (École Principale du Service de Santé Militaire) khai giảng từ năm 1951 tại Bệnh viện Bác sĩ Patterson, phố hàng Chuối, Hà Nội dưới quyền điều hành của Y sĩ Trung Tá Phạm Biểu Tâm, một trong những “cây cổ thụ” của ngành y Việt Nam.

Số sinh viên gia nhập Khóa 1 chỉ có 54 người, đa số là tình nguyện thẳng từ các trường Y Dược và một số tuyển lại từ các sinh viên Y Dược đã bị gọi động viên tại các trường Quân Sự Nam Định và Thủ Đức.

Nói đến quân trường, người ta thường nghĩ đến những tuần lễ “huấn nhục” đầy mồ hôi và nước mắt của những tân sinh viên từ môi trường dân sự bước vào quân sự. Trường Quân y cũng khá nổi tiếng về mặt “huấn nhục”, bức tranh dưới đây là của Y Sĩ Đại úy Nguyễn Hữu Thường, Tiểu đoàn 1, Quân y Nhảy dù:  

Huấn nhục tại trường Quân y

Nhóm cải tạo của tôi có dược sĩ Lâm “Bột”, gọi như vậy vì anh tuy đã là “Trung úy Bác sĩ” nhưng khuôn mặt cũng như tính tình chẳng khác gì một “công tử bột”. Anh ăn nói nhỏ nhẹ, không bao giờ làm mất lòng ai, chỉ phải cái tội đeo lon của chế độ cũ nên đành phải đi học tập cải tạo để nhìn ra tội lỗi của mình.

Khác hẳn với Lâm “Bột”, bác sĩ Như mà anh em gọi bằng tên cúng cơm “Nhôn Lừ” là một con người đầy cá tính, lại có tài đàn hát, một cây “văn nghệ văn gừng” thường giúp vui cả đội trong những buổi “hát chui” vào cuối tuần, vắng bóng quản giáo và vệ binh.

Những người chưa biết Như thường thắc mắc tại sao anh lại có tên “Nhôn Lừ”. Đơn giản thôi, tên đặt theo lối nói lái. Như có vẻ rất khoái cái tên tiếu lâm này. Về sau, khi gặp nhau ngoài đời, tôi có lần hỏi nhỏ: “Bệnh viện có biết tên cúng cơm “Nhôn Lừ” không đấy?”, anh vui vẻ trả lời: “Làm sao mà biết được, chỉ mấy thằng bạn cải tạo mới biết thôi. Nếu biết chắc mấy cô y tá… chạy xa”.

Bác sĩ thứ 3 là Sơn, cũng là dân trường Tây. Sơn “đô” con nhưng không bao giờ dám cà khịa với bất cứ ai trong đội, khác hẳn với anh chàng Quyền “Ròm”, điếc không sợ súng. Anh phục vụ trong quân y dưới miền Tây, gốc người miền Nam chánh hiệu nhưng anh lại trình diện tại Sài Gòn nên chúng tôi mới có cơ hội “đoàn tụ” tại “Đại học” Trảng Lớn.

Bác sĩ thứ 4 là nhân vật chính trong bài viết này: Đại úy Quân y Phạm Kỳ Nam, đơn vị cuối cùng trước khi “tan hàng” là Quân y viện Phan Thanh Giản, Cần Thơ. Đây cũng là nơi Tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh Quân đoàn 4, được quân y viện lo hậu sự sau khi ông tự sát vào tối ngày 30/4/1975 (1).

Dĩ nhiên là Quân y viện Phan Thanh Giản rất nhỏ nếu so với Tổng y viện Cộng Hòa tại Sài Gòn mà có người còn gọi là “hàng không mẫu hạm” với 2.400 giường bệnh và gần 3.000 nhân viên. Dân quân y còn gọi nhà thương lớn nhất của quân đội là “Đại học Gò Vấp” vì Tổng y viện cũng như trường Sinh ngữ Quân đội đều tọa lạc tại Gò Vấp. Gọi như thế vì đây cũng là nơi huấn luyện hậu đại học cho hằng trăm quân y sĩ với 7 chuyên khoa.

Lễ mãn khóa Trường Quân Y QLVNCH

Trở lại với bác sĩ Nam, gia đình anh quả là “nặng nợ” với “cách mạng”. Ngày Sài Gòn thất thủ, trong nhà chỉ có 4 người, thế mà lại chia làm hai phe: mẹ và cô em gái ở nhà chỉ lo tới kỳ thăm nuôi vì cả Nam và bố anh đều đi học tập cải tạo.

Thực ra thì Nam còn 2 người em trai nhưng trước năm 1975 đều du học tại nước ngoài. Bố của Nam là thẩm phán trong chế độ cũ nên phải ra tận ngoài Bắc, khá lớn tuổi nên ông chỉ sống được vài năn trong trại cải tạo và nằm lại trên đất Bắc, nơi ông đã ra đi từ năm 1954.

Nam là một thanh niên tràn trề sức sống, hãy còn độc thân nên tôi thấy trong suốt thời gian sống gần anh trong trại cải tạo Nam luôn luôn giữ được một tinh thần lạc quan với những câu chuyện tiếu lâm. Tuy nhiên, đôi lúc anh cũng nghĩ đến tương lai và tưởng tượng ra một ngày nào đó anh sẽ lập gia đình với một cô “bộ đội cái, cái đít như cái lu”!

Đấy chỉ là một câu chuyện vui của Nam trong một buổi tuối cuối tuần được nghỉ lao động, mấy anh em ngồi hàn huyên bên ly nước “chùm bao” thay cho nước trà ngoài đời. Tôi cũng hiểu, người lạc quan chưa chắc là lúc nào cũng vui và người bi quan chẳng phải là lúc nào cũng buồn. “Sông có khúc, người có lúc” nên vui đấy rồi cũng buồn đấy. Con người sinh ra vốn lúc nào cũng bị nhốt trong cái vòng “Hỉ - Nộ - Ái - Ố”, chỉ đi tu mới có thể thoát ra cái vòng luẩn quẩn đó.    

Gặp Nam lần đầu người ta luôn bị “ấn tượng” bởi mái đầu bạc của anh. Nam giải thích nửa đùa nửa thật với chúng tôi: “Ngũ Tử Tư ngày xưa chỉ một đêm suy nghĩ mà râu tóc đã bạc phơ, còn tao tóc bạc một cách tự nhiên. Hồi còn sinh viên sĩ quan quân y tóc tao đã bạc chứ đâu cần phải vào trại học tập cải tạo mới bạc…”

Sinh viên Sĩ quan Quân y chuẩn bị diễn hành

Thế cho nên cái tên “Nam Đầu Bạc” đã theo anh từ trường quân y vào đến trại cải tạo. Còn một cái tên nữa chúng tôi đặt cho anh: “Nam Già”. Theo tôi, đây là biệt danh ý nghĩa nhất, chữ “già” nói lên những đặc tính của anh. Tuy chỉ lớn hơn tôi 3 tuổi nhưng ở Nam người ta cảm thấy anh “già dặn” từ cách đối xử đến lối sống, từ cách ăn nói cho đến suy nghĩ.

Trong cải tạo, Nam “Già” vẫn thể hiện tác phong của một người chỉ huy. Không ai bầu nhưng anh mặc nhiên là trưởng nhóm lao động chúng tôi vì giọng nói của anh sang sảng mà cũng vì anh sẵn sàng tranh luận với vệ binh ở chừng mực cho phép của một người tù.

Căn cứ Trảng Lớn có phi đạo nhỏ được lát bằng những tấm vỉ sắt dài khoảng 3m, bề mặt là những vòng tròn nhỏ để thoát nước. Công việc đầu tiên của chúng tôi là gỡ những tấm vỉ sắt đó, khiêng về trại nằm cách khoảng 2 km đường chim bay.

Đầu tiên phải nghiên cứu cách lắp đặt các vỉ sắt để tìm cách tháo ra. Một khi đã nắm được thiết kế ban đầu việc còn lại không kém phần nan giải là làm sao “tha” được những tấm sắt nặng nề này về trại để sử dụng cho những mục đích khác như làm cầu tiêu chung, lót quanh bờ giếng để có chỗ tắm giặt…

Tất cả những công đoạn đó đều do người cải tạo tự mày mò khám phá và thực hiện, quản giáo trên trung đoàn chỉ thỉnh thoảng xuống trại kiểm tra. Những bộ óc trước đây chỉ làm công việc quan trọng hoặc chuyên môn giờ thì được vận dụng vào thực tế trước mắt.

Chúng tôi nghĩ ra cách cứ 6 người khiêng một tấm vỉ sắt trên vai tựa như đạo tỳ khiêng quan tài. Quan tài chắc chắn gọn và nhẹ hơn vỉ sắt. Khi khiêng hòm người ta thường chọn những người có chiều cao ngang nhau nhưng ở trại cải tạo làm gì có sự lựa chọn đó, anh nào cao kều thường là những người chịu đựng nhiều nhất nên thường phải lom khom để sức nặng chia đều cho những người khác.

Hàng ngày sống giữa những người bạn bác sĩ nhưng đến khi ngả bệnh mới thấy thấm thía thân phận của người tù. Dù ngoài đời có là gì đi nữa họ cũng đành “bó tay” không giúp được gì hay đúng ra thì chỉ có những lời khuyên không hơn, không kém. Bác sĩ có giỏi cách mấy cũng chỉ đứng nhìn vì trong tay không có đến một viên thuốc.

Lúc đầu vì không quen với các công việc lao động nặng như khiêng vỉ sắt nên tôi thấy mình đau thắt nơi sống lưng, sau đó thêm biến chứng đi tiểu gắt, mỗi lúc buồn tiểu là một cực hình. Các bác sĩ “cải tạo” sau khi “hội chẩn” nói là tôi bị sạn thận hay còn gọi là sỏi thận.

Nam “Già” cho ý kiến: “Hy vọng đây là hòn sỏi nhỏ, mày ráng uống nhiều nước để kích thích bài tiết, đi tiểu nhiều may ra có thể tống nó ra ngoài. Bệnh này cần được nghỉ ngơi nên trước mắt cứ lên tiểu đoàn khai bệnh để được miễn lao động. Tao chắc trên đó cũng chẳng có thuốc men gì…”  

Khi triệu chứng đau thắt vùng lưng càng ngày càng tệ, tôi lên “trạm xá” tiểu đoàn để khai bệnh. Đúng như Nam “Già” tiên đoán, anh y tá trẻ trên ấy cũng chẳng khác gì bác sĩ dưới này, chẳng có thuốc men gì ngoại trừ món “xuyên tâm liên” và… “khắc phục”. Tuy nhiên, anh lại hơn các bác sĩ cải tạo vì có quyền cho phép tôi được miễn lao động 2 ngày.

Tôi biết, ngoài vòng rào trại cải tạo nếu người bị bệnh như tôi kiếm được thuốc lợi tiểu để trị bệnh cũng là chuyện nan giải nên khi được phép viết thư về gia đình tôi chỉ nhắn ráng kiếm thật nhiều râu bắp gửi vào. Tôi không nói uống nước râu bắp lợi tiểu nên chắc hẳn người nhà cũng thắc mắc tại sao chỉ cần râu bắp chứ không cần trái bắp…

Sau vụ sỏi thận tôi lại có thêm biệt danh “Thợ Vịn”, cái tên “Vịn” do Nam “Già” đặt. Chẳng là người bệnh sỏi thận không được làm những việc nặng nhọc nên mỗi khi đi lao động anh em trong toán “mặc nhiên” để tôi “vịn”, nghĩa là một hình thức tham gia cho có lệ chứ không phải làm hùng hục như những người khác. Thật lòng tôi cũng chẳng muốn “vịn” nhưng cứ nghĩ tới những cơn đau thắt lưng đổ mồ hôi hột nên đành đóng vai “thợ vịn”!

Chúng tôi sống chan hòa với nhau trong tình anh em cùng khổ và tìm được nguồn vui trong sự nhường nhịn, chia sẻ như vậy trong suốt gần 3 năm từ Trảng Lớn rồi tiếp đến là Đồng Ban, Trảng Táo quanh quẩn vùng Đông Nam Bộ với núi Bà Đen làm tâm điểm.

Núi Bà Đen có truyền thuyết liên quan đến nửa cuối thế kỉ 18, hồi đó diễn ra những cuộc xâu xé giữa Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn khiến nhân dân khốn khó lầm than. Khi Nguyễn Huệ dấy lên cuộc khởi nghĩa Tây Sơn có một chàng trai tên Lê Sỹ Triệt chia tay người yêu là Lý Thị Thiên Hương lên đường phò Nguyễn Huệ.

Lý Thị Thiên Hương là cô gái xinh đẹp, đức hạnh với làn da ngâm đen, cô ở nhà sống trong vòng vây của cường hào ác bá nhưng vẫn một lòng chung thủy với người yêu. Một hôm, khi bị cưỡng bức, vì giữ tiết hạnh nên người con gái ấy đã leo lên tận đỉnh núi gieo mình tự vẫn.

Thi thể cô được đem về mai táng và nhà chùa đã cho lập đền thờ riêng để người ta cúng bái. Việc hành hương về chùa vào mùa xuân đã trở thành tập tục quen thuộc từ đây tại ngọn núi có tên Bà Đen để tưởng nhớ người con gái có nước da bánh mật.

Núi Bà Đen, Tây Ninh

Chúng tôi lần lượt rời trại cải tạo sau gần 3 năm quanh quẩn dưới chân núi Bà Đen. Người được ra trước nhất là Nam “Già”, nghe đâu bà mẹ ở nhà đã “chạy chọt” để Nam về nông trường Phú Mỹ, Củ Chi. Đến lượt tôi ra trại, qua tin tức bạn bè cải tạo tôi mới biết Nam “Già” làm tại Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, hồi xưa là Bệnh Viện Sùng Chính trong Chợ Lớn.

Bạn tù gặp lại nhau nửa mừng nửa tủi. Mừng vì Nam “Già” đã trở lại phong độ ngày nào trên cương vị một bác sĩ, lại có cả phòng mạch tư trên đường Triệu Quang Phục ở quận 5. Mừng hơn nữa là anh đã lập gia đình với ca sĩ Phương Hồng Quế, thường được gọi là “TV Chi Bảo” hồi trước 1975.

Nam và Quế quen nhau từ những ngày Nam còn phục vụ tại Quân y viện Cần Thơ nơi Quế thường đến hát ủy lạo thương bệnh binh. Họ lập gia đình năm 1979 và có hai người con: Phạm Duy Châu và Phạm Cát Phương.

Quế xuất thân từ “lò” ca nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Đức từ năm 1963, nổi tiếng với những bài ca tụng lính tráng thời chiến tranh. Những bài hát đầu tiên cô xuất hiện trên truyền hình số 9 tại Sài Gòn năm 1968 đã chinh phục khán giả. Những nhạc phẩm mà Phương Hồng Quế thể hiện, nếu không trực tiếp liên quan đến hình ảnh người lính thì cũng gián tiếp đâu đó có bóng dáng người chiến binh. Trong số đó phải kể đến Phố đêm, Tàu đêm năm cũ, Chuyến đi về sáng…   

Phương Hồng Quế

Gia đình Phương Hồng Quế có một căn nhà khang trang ngay mặt tiền trên đường Hai Bà Trưng, gần cầu Kiệu. Tại “tổng hành dinh” này, tôi có dịp gặp lại Đoàn “Mập”, Quyền “Ròm” xuất thân trường Sinh ngữ Quân đội, nhóm bác sĩ “Nhôn Lừ”, Lâm “Bột”…

Hóa ra tình bạn trong tù vẫn còn kéo dài ra ngoài đời thường và lại còn có dịp biết thêm những nhân vật mới như Cường vốn là sĩ quan pháo binh Thủy quân lục chiến, nghe tiếng súng nhiều quá, tai bị “nghễnh ngãng” nên có biệt danh Cường “Điếc”; Huệ vốn là sĩ quan hải quân bị… mắc cạn; chú Định, em của mẹ Nam “Già”, vốn là dân Quốc gia Hành chánh, đã từng là phó quận…

Hầu hết những nhân vật vừa kể đều ra chợ trời thuốc tây trên đường Nguyễn Hữu Cầu, bên hông chợ Tân Định và chỉ cách nhà Nam “Già” vài phút đi bộ. "Đổi đời" nên ai cũng chẳng còn câu nệ trong vai anh đứng chợ trời mua và bán thuốc tây, miễn sao có đồng ra đồng vào nuôi vợ nuôi con qua ngày đoạn tháng.

Phải công nhận Nam “Già” vẫn còn rất nhạy bén trong vai trò… lãnh đạo. Anh nghĩ ngay đến việc xếp tôi vào nhiệm vụ dạy Anh văn cho Phương Hồng Quế, rồi Phương Dung người em gái và cả Thu Hiền, người cháu mới học cấp 2. Thế là “Thợ Vịn” trong tại cải tạo trở thành “Thầy Vịn” cho cả gia đình, ngoại trừ bố và mẹ Phương Hồng Quế đã lớn tuổi.

Tôi thực sự cảm động khi nhận được email của Thu Hiền “ngỗ nghịch” ngày nào giờ đây là Holly Nguyen, Giám đốc Tài chính của KKL Ventures ở tiểu bang Washington. Thư của cháu không có dấu nên tôi phải viết lại ra đây:

“… Con muốn thầy biết rằng bé Hiền lúc nào cũng ghi nhớ và quý trọng công ơn thầy...... nếu không được thầy dìu dắt và dạy dỗ thì chắc rằng con sẽ không có được ngày hôm nay!!!

Con rất là vui mừng khi được gặp lại thầy và thấy thầy vẫn tươi vui, phong độ như ngày nào. Chúc thầy luôn được vui vẻ và hạnh phúc. Bé Hiền”.

Tình bạn giữa tôi và Nam còn ảnh hưởng đến thế hệ tiếp nối. Con gái tôi sau khi tốt nghiệp lại về làm việc tại Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình và ngay trong khoa của Bác sĩ Nam. Hóa ra quả đất vẫn tròn, dù ta ở đâu và vào lúc nào cũng có những cơ hội gặp lại nhau, không những là bản thân mà còn là những người thân.

Nam "Đầu Bạc" 

Nhưng, nhận định trên có phần khập khiễng trong trường hợp của Nam khi gia đình Quế quyết định đi Mỹ qua sự bảo lãnh của một người em đi từ năm 1975. Nam không phản đối để vợ ra đi vì tương lai của 2 con nhỏ nhưng bản thân anh lại luôn có ấn tượng không đẹp với cuộc sống ở nước ngoài nên quyết định ở lại.       

Và thế là tháng 3/1991 Phương Hồng Quế cùng mẹ và 2 con định cư tại Little Saigon. Khi sang định cư tại Hoa Kỳ Quế mở một tiệm bán hoa, kế đó điều hành một văn phòng du lịch rồi lại mở một văn phòng về chuyên về “loan” (vay tiền) và địa ốc. Ngoài việc kinh doanh Quế vẫn xuất hiện trong các băng đĩa VCD và DVD của Thú Nga Paris, Asia, Vân Sơn...

Năm 1994 tôi có dịp về Little Saigon và thăm Quế cùng gia đình, thầy trò gặp lại nhau buồn vui lẫn lộn. Có một điều tôi thầm nhận xét là người ca sĩ này sống rất có tình trong đời thường. Cháu Phạm Duy Châu nay đã tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa tâm lý và người mẹ đó bỏ lại sau lưng một dĩ vãng vàng son để chỉ còn nhìn trước mặt là tương lai của hai con.

Phương Hồng Quế cùng mẹ và hai con Duy Châu & Cát Phương
(Hình chụp tại Little Saigon, 1994)

Thật bất ngờ, tôi nhận được email từ Quế báo tin Nam đã qua đời ngày 19/10/2012. Tôi đã mất đi một người bạn “thật sự” trong thời điêu linh. Và tôi cảm thấy mình có lỗi khi nhớ lại một câu của ai đó đã nói: 

“Tại sao những lời tốt đẹp về bạn lại phải đợi đến lúc người đó qua đời mới được nói ra?” 

được dịch từ câu thơ:

Why should good words ne’er be said
Of a friend till he is dead?

Cáo phó trên Báo Người Việt

 Phân ưu trên báo Viễn Đông

***

Chú thích:

(1) Trên Diễn đàn Cựu sinh viên Quân y (http://www.svqy.org/nguyenkhoanam.html) tác giả Hoàng Như Tùng (Quân y Hiện dịch Khóa 6, nguyên Chỉ huy trưởng Quân y viện Phan Thanh Giản, Cần Thơ) trong bài viết Lễ tưởng niệm tướng Nguyễn Khoa Nam có đoạn:

“Vào khoảng 6 giờ sáng QYV Phan Thanh Giản được điện thoại từ dinh tư lệnh cho biết tướng Nam đã tuẫn tiết bằng súng lục Browning.

Tôi tuy đã dự đoán trước việc này nhưng vẫn bàng hoàng, đau thương trước cái chết của người anh hùng. Bằng xe hồng thập tự, chúng tôi rước xác thiếu tướng về để làm thủ tục khai tử, khâm liệm và an táng. Lần này đón thi thể của vị tướng tư lệnh là đủ mặt nhân viên QYV còn ở lại đơn vị. Ai nấy đều xúc động, rưng rưng nước mắt.

BS trực Trần quốc Đông (hiện ở Úc) làm tờ y chứng. Thủ tục khám nghiệm đã xong, QYV xúc tiến tang lễ. Kiểm điểm tư trang của người quá cố chỉ thấy:

- Một cuốn kinh Phật nhỏ đựng trong một túi nylon.
- Một khẩu súng lục hiệu Browning 7.2 mm
- Một thẻ bài kim khí cá nhân.

Ba món này đã được bỏ vào quan tài để làm vật lưu dấu phòng thất lạc thi hài người chết.

Toàn thành phố Cần thơ xúc động vì hai tướng Hưng, Nam tuẫn tiết. Hội Hồng thập tự, do BS Lê văn Thuấn làm chủ tịch, biếu hai quan tài loại tốt nhất, dành cho tướng Nam và BS Nguyễn văn Tựu, y sĩ đại úy thuộc quân đoàn IV, bị VC sát hại đêm 30-4-75.

Thi thể tướng Nam được trang trọng đặt nằm trên một brancard có trải drap trắng. Ông nằm như ngủ, mặt hiền từ trắng xanh, tay chân còn mềm. Bên cạnh là thi hài của bác sĩ Tựu.

Bàn thờ hai vị được thiết lập đơn sơ nhưng trang nghiêm, có nhang thơm nến cháy. Toàn thể nhân viên QYV buồn bã nghiêng mình tiễn đưa vị anh hùng và người thầy thuốc chết vào giờ thứ 25 của cuộc chiến.

Nắp áo quan đóng lại. Anh em sĩ quan, trong đó có tôi, khiêng quan tài tướng Nam và BS Tựu ra xe dân sự tiến về phía nghĩa trang quân đội Cần thơ. Hướng dẫn xe tang và chỉ huy lễ hạ huyệt do thiếu tá dược sĩ Mai bá Vỵ sĩ quan CTCT thi hành. Một bán tiểu đội cơ hữu của QYV phụ trách việc đào huyệt. Rất may tang lễ  được hoàn tất trước khi người của chế độ mới vào tiếp thu BV”.



(2) Đọc thêm về Phạm Kỳ Nam & Phương Hồng Quế qua bài viết “Góp nhặt buồn vui thời điêu linh: Chợ trời”:

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts