Thứ Ba, 7 tháng 3, 2017

Hai Bà Trưng

Hàng năm, vào ngày 8 tháng 3 Âm lịch, là ngày giỗ hay là lễ hội tưởng nhớ Hai Bà Trưng, cũng là Ngày Phụ nữ Việt Nam tại miền Nam trước kia và hiện nay được tổ chức tại nhiều nơi ở các cộng đồng người Việt tại nước ngoài.

Mãi đến năm 1975 mới có Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 làm lu mờ hình ảnh của hai vị anh thư nước Việt. Theo trang web IWD (International Women’s Day), chỉ có 27 quốc gia lấy ngày này làm ngày lễ kỷ niệm, chiếm vỏn vẹn 14% trên tổng số 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc mà thôi!


Đa số là các nước này thuộc khối Cộng sản như Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, Cuba, Lào, Campuchia, Afghanistan, Armenia, Azerbaijan, Belarus, Georgia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Moldova, Mông Cổ, Montenegro, Nga, Tajikistan, Turkmenistan, Ukraine, Uzbekistan, Zambia, Burkina Faso, Guinea-Bissau, Madagascar, Uganda và Nepal.


Khởi nghĩa Hai Bà Trưng là cuộc khởi nghĩa chống Bắc thuộc đầu tiên trong lịch sử Việt Nam do hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa đã đánh đuổi lực lượng cai trị nhà Đông Hán ra khỏi Giao Chỉ, mang lại độc lập trong 3 năm cho người Việt tại đây.

Căn cứ theo giả thuyết do “Thiên Nam ngữ lục” nêu mà sử gia Đào Duy Anh đồng tình, cuộc nổi dậy chống nhà Đông Hán đã diễn ra vào nửa cuối năm 39 và bị Tô Định trấn áp khiến Thi Sách bị hại. Sau khi Thi Sách bị Tô Định giết, Trưng Trắc và các Lạc tướng càng căm thù, quyết tâm chống lại nhà Hán để trả thù. Bà cùng Trưng Nhị mang quân bản bộ về giữ Hát Môn.

Hai Bà Trưng cởi voi tấn công giặc Hán (tranh Vi Vi)

Tháng 9 năm 39, Trưng Trắc và Trưng Nhị tập hợp các tướng lĩnh cùng nhau làm “Hội thề” ở cửa sông Hát (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) thuộc huyện Mê Linh thời đó. “Thiên Nam ngữ lục” ghi lời thề của Trưng Trắc như sau:

"Một xin rửa sạch nước thù
Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kêu oan ức lòng chồng
Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này"

Hai Bà Trưng khởi nghĩa (Tranh dân gian Đông Hồ)

Dưới sự lãnh đạo của hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị, nhiều lực lượng chống ách đô hộ của nhà Đông Hán đã kết hợp làm một, trở thành một phong trào khởi nghĩa rộng lớn người Việt, đánh đổ sự cai trị của nhà Hán trên toàn bộ lãnh thổ Âu Lạc và Nam Việt cũ.

Điều này được các sử gia đánh giá là một sự thức tỉnh của tinh thần dân tộc Việt, một sự tái nhận thức quan trọng về quyền sống theo cách riêng của người Việt. Cuộc khởi nghĩa phản ánh ý thức dân tộc đã khá rõ rệt của Lạc tướng và Lạc dân trong các bộ lạc hợp thành nước Âu Lạc cũ.

Ý thức về độc lập chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt trên con đường hình thành qua hơn 200 năm mất nước - khoảng thời gian mà các triều đại phong kiến phương Bắc ráo riết thực hiện đồng hóa nhằm biến Âu Lạc vĩnh viễn là quận huyện của Trung Quốc – vẫn tồn tại và phát triển trong lòng người Việt.

Đây là cuộc khởi nghĩa chống sự cai trị của Trung Quốc đầu tiên của người Việt trong 1000 năm Bắc thuộc. Các Lạc tướng cùng hậu duệ của họ là đại biểu của phong trào này. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng do phụ nữ đứng đầu, trong thế giới tư tưởng “trọng nam khinh nữ” của đế chế Hán cổ đại, được xem là sự đối chọi quyết liệt về văn hóa, nếp sống, nếp tư duy của đôi bên Nam – Bắc, Việt - Hán.

Voi diễn hành nhân ngày Lễ Hai Bà Trưng 7/3/1957 tại Sài Gòn

“Đại Nam quốc sử diễn ca” có đoạn kể về cuộc khởi nghĩa của Hai bà Trưng:

“Bà Trưng quê ở Châu Phong
Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân

Ngàn tây nổi áng phong trần
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên
Hồng quần nhẹ bước chinh yên
Đuổi ngay Tô Định, dẹp yên biên thành

Kinh kỳ đóng cõi Mê Linh
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta
Ba thu gánh vác sơn hà
Một là báo phục hai là Bá Vương

Uy danh động tới Bắc Phương
Hán sai Mã Viện lên đường tấn công
Hồ Tây đua sức vẫy vùng
Nữ nhi địch với anh hùng được sao!

Cẩm Khê đến lúc hiểm nghèo
Hai Bà thất thế cùng liều với sông!
Trước là nghĩa, sau là trung
Kể trong lịch sử anh hùng ai hơn”.

Lễ Hai Bà Trưng ở Sài Gòn năm 1961

***


1 nhận xét:

Popular posts