Thứ Năm, 6 tháng 2, 2014

Năm mới đọc lại thơ xuân cũ

Nói đến thơ ngày Tết là phải nhắc đến Tú Xương [1]. Cuộc sống của Ông Tú Vị Xuyên về vật chất rất thiếu thốn, ông luôn ở trong cảnh túng bấn, vất vả khiến cho lời thơ của ông lúc nào cũng mang chút gì đó cay cú, phẫn nộ, buồn phiền…

Tết đến với Trần Tế Xương vẫn đầy đủ như mọi nhà nhưng chỉ hiện hữu qua những vần thơ trào phúng, chẳng hạn như bài Cảm Tết. Xem ra nhà ông có đủ các thứ ăn chơi trong ba ngày Tết nhưng rốt cuộc… lại chẳng có gì:

Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo,
Tiền của trong kho chửa lĩnh tiêu,
Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy,
Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu.
Bánh đường sắp gói, e nồm chảy;
Giò lụa toan làm, sợ nắng thiu.
Thôi thế thì thôi, đành Tết khác.
Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo.

Trần Tế Xương đã lớn tiếng nhạo báng cả một xã hội đương thời với những lời Chúc Tết sói mòn như “sống lâu trăm tuổi”, “giàu sang phú quý”… Nhà thơ mỉa mai gọi những người xung quanh là “nó”, một loại từ ngữ mang đầy tính cách miệt thị. Tú Xương lại còn lớn lối xưng “ông” một cách ngạo mạn để nói lên tâm sự ngao ngán của kẻ “bất đắc chí”: 

Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau:
Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu.
Phen này ông quyết đi buôn cối
Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu:
Trăm, nghìn, vạn mớ để vào đâu ?
Phen này, ắt hẳn gà ăn bạc
Đồng rụng, đồng rơi, lọ phải cầu.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang:
Đứa thì mua tước; đứa mua quan.
Phen này ông quyết đi buôn lọng,
Vừa bán vừa la cũng đắt hàng.

Nó lại mừng nhau sự lắm con,
Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn.
Phố phường chật hẹp người đông đúc,
Bồng bế nhau lên nó ở non.

Đối với Ông Tú Vị Xuyên, năm mới hay năm cũ chỉ là hình thức ước lệ, hay nói khác đi là điều mà thiên hạ bày đặt để phô trương giàu sang phú quý, khăn áo lụa là… thậm chí đến nỗi Sư đi có lọng che và  chú Mán vắt vẻo ngồi trên xe! Thế cho nên mới có bài thơ Năm Mới:

Khéo bảo nhau rằng: mới với me
Bảo nhau rằng cũ chẳng ai nghe
Khăn là bác nọ to tày rế
Váy lĩnh cô kia quét sạch hè.

Công đức tu hành Sư có lọng
Xu hào rủng rỉnh Mán ngồi xe
Phong lưu rất mực ba ngày tết
Kiết cú như ta cũng rượu chè.

Tem kỷ niệm Trần Tế Xương (1870-1907)

Khác hẳn với Tú Xương với giọng điệu trào phúng chua chát, thơ Hàn Mặc Tử [2] được Hoài Thanh mệnh danh là  “...Một nguồn thơ rào rạt và lạ lùng...”“Vườn thơ Hàn rộng không bờ không bến càng đi xa càng ớn lạnh...”. Trong bài Xuân Đầu Tiên nhà thơ đưa người đọc đến một cảnh sắc xuân mới lạ với những tứ thơ bay bổng thoát trần:

Mai sáng mai, trời cao rộng quá
Gió căng hơi và nhạc lên mây
Đôi lòng cũng ấm như xuân ấm
Chỉ có ao xuân trắng trẻo thay.

Bài thơ Mùa Xuân Chín là cả một bức tranh quê mộc mạc với mái tranh “lấm tấm vàng” và trên giàn thiên lý có “bóng xuân sang”. Hàn Mạc Tử đưa người thưởng thức thơ của ông trở về thực tế qua hai câu cuối thật bất ngờ:

Trong làn nắng ửng: khói mơ tan,
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý bóng xuân sang.

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời.
Bao cô thôn nữ hát trên đồi.
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc chơi.

Hàn Mặc Tử (1912-1940) 

Theo tôi, Nguyễn Bính [3] có những bài thơ xuân, thơ Tết tuyệt vời nhất. Thơ Nguyễn Bính đến với người đọc thật bình dị nhưng đằm thắm. Ngôn ngữ bình dân trong thơ ông đi thẳng vào trong tim óc người đọc một cách tự nhiên, không màu mè, bí hiểm như nhiều nhà thơ khác. Chẳng hạn như bài Xuân tha hương, ông sử dụng ngôn ngữ nói chuyện nhưng vẫn thành thơ:

Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Ôi, chị một em, em một chị
Trời làm xa cách mấy con sông

Cột nhà hàng xóm lên câu đối
Em đọc tương tư giữa giấy hồng
Gạo nếp nơi đây sao trắng quá
Mỗi ngày phiên chợ lại thêm đông

Thiên hạ đua nhau mà sắm Tết
Một mình em vẫn cứ tay không
Vườn nhà Tết đến hoa còn nở
Chị gửi cho em một cánh hồng

Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Tết này, ô thế mà vui chán
Nhưng một mình em uống rượu nồng.

Chị ơi, Tết đến em mua rượu
Em uống cho say đến não lòng
Uống say cười vỡ ba gian gác
Ném cái chung tình xuống đáy sông.

Tình chị em máu mủ ruột thịt khiến người đọc rung cảm và Xuân tha hương kết thúc bằng những lời chúc Tết mộc mạc nhưng thắm đượm tình cảm của người em ở xa gửi hết thương yêu cho người chị ở nhà…

Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Cầu mong cho chị vui như Tết
Tóc chị bền xanh, má chị hồng

Trong mùa nắng mới sầu không đến
Giữa hội hoa tươi ấm lại lòng
Chắc chị đời nào quên nhắc nhở:
- Xa nhà, rượu uống có say không?

Nguyễn Bính mồ côi mẹ ngay từ lúc được 3 tháng tuổi nhưng ông vẫn xây dựng một hình ảnh người mẹ qua Tết Của Mẹ Tôi, một người mẹ tảo tần, một đời lo cho chồng, cho con, nhất là vào những ngày Tết:

Nuôi hai con lợn tự ngày xưa
Mẹ tôi đã tính "Tết thì vừa"
Trữ gạo nếp thơm, mo gói bó
Dọn nhà, dọn cửa, rửa bàn thờ.

Nguyễn Bính đã vẽ cảnh Tết “nhà quê” bằng những lời thơ mộc mạc nhưng chứa chan hạnh phúc của người mẹ bên đàn con với những món quà Tết như “pháo chuột”, “tranh gà”:

Nay là hăm tám Tết rồi đây
(Tháng thiếu cho nên hụt một ngày)
Sắm sửa đồ lề về việc Tết
Mẹ tôi đi chợ buổi hôm nay.

Không như mọi bận người mua quà
Chỉ mua pháo chuột và tranh gà
Cho các em tôi đứa mỗi chiếc
Dán lên khắp cột, đốt inh nhà.

Đến sáng mồng một Tết các con mỗi đứa được mừng tuổi “năm xu rưỡi”. Nhưng tại sao lại “năm xu rưỡi” mà không phải là 5 xu hay 6 xu? Ý của mẹ là “cái rưỡi” nói lên sự thừa thãi, dồi dào sẽ đem lại may mắn cho các con. Nguyễn Bính quả thật là ý nhị:   

Sáng nay mồng một sớm tinh sương
Mẹ tôi cấm chúng tôi ra đường
Mở hàng mỗi đứa năm xu rưỡi
Rửa mặt hoa mùi nước đượm hương

Về tình yêu, những dòng lục bát của Nguyễn Bính có sức lan tỏa mãnh liệt trong lòng người đọc qua bài Rượu xuân, vừa vui lại vừa buồn. Thơ lục bát vốn là thế mạnh của Nguyễn Bính với lối gieo vần chân phương, kỹ thuật láy chữ tuyệt vời nhưng vẫn không phá cách:

Cao tay nâng chén rượu hồng,
Mừng em, em sắp lấy chồng xuân nay.
Uống đi! Em uống cho say!
Để trong mơ, sống những ngày xuân qua.

Thấy tình duyên của đôi ta,
Đến đây là ... đến đây là ... là thôi!
Em đi dệt mộng cùng người,
Lẻ loi xuân một góc trời riêng anh.

Nguyễn Bính (1918-1966) 

Không như Nguyễn Bính “chân quê” từ lời đến ý, Xuân Diệu lại khác hẳn: lời thơ của ông “màu mè” và có đôi chút “làm dáng”, ý thơ của ông cũng mang nhiều bất ngờ, khó đoán trước. Chẳng hạn như bài Xuân Không Mùa:  

Xuân không chỉ ở mùa xuân ba tháng;
Xuân là khi nắng rạng đến tình cờ,
Chim trên cành há mỏ hót ra thơ;
Xuân là lúc gió về không định trước.

Thậm chí xuân của ông còn hiện hữu ở cả mùa đông, mùa hè, mùa thu… Đó cũng là điều dễ hiểu vì đối với những kẻ đang yêu, thời gian lúc nào cũng là mùa xuân dài tưởng chừng như vô tận. Chỉ đến khi đôi lứa chia tay mới bước vào mùa đông lạnh giá.

Xuân ở giữa mùa đông khi nắng hé;
Giữa mùa hè khi trời biếc sau mưa;
Giữa mùa thu khi gió sáng bay vừa
Lùa thanh sắc ngẫu nhiên trong áo rộng.

Miễn trời sáng, mà lòng ta dợn sóng,
Thế là xuân. Hà tất đủ chim, hoa?
Kể chi mùa, thời tiết, với niên hoa,
Tình không tuổi, và xuân không ngày tháng

Xuân Diệu (1916 –1985)

Nói về thơ xuân không thể nào bỏ qua bài Ông Đồ của Nguyễn Đình Liên [5]. Bài thơ Ông Đồ được giới phê bình văn học xem là một trong mười bài thơ tiêu biểu cho phong trào Thơ Mới nhưng Nguyễn Đình Liên lại chưa hề xuất bản một tập thơ nào.

Đầu năm 1941, trong một bức thư gửi Hoài Thanh khi đang viết cuốn Thi nhân Việt Nam, Vũ Đình Liên viết "Tôi bao giờ cũng có cái cảm tưởng là không đạt được ý thơ của mình. Cũng vì không tin thơ tôi có chút giá trị gì nên đã lâu tôi không làm thơ nữa". Hoài Thanh nhận xét Vũ Đình Liên đã hạ mình quá đáng.

Vũ Đình Liên là một trường hợp hiếm hoi trong làng thơ khiến nhiều người gọi ông là “nhà thơ một bài” dù con ông còn giữ được khoảng 4.000 bài thơ ông viết. Chỉ cần một bài Ông Đồ cũng khiến người ta nhớ mãi:

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay”.

Nhưng mỗi năm mỗi vắng.
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu...

Ông đồ vẫn ngồi đấy,
Qua đường không ai hay.
Lá vàng rơi trên giấy:
Ngoài trời mưa bụi bay.

Năm nay đào lại nở,
Không thấy ông đồ xưa.
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Trong dịp khai bút đầu xuân Nhâm Tuất 1982, Vũ Đình Liên có viết bài Bóng Ông Đồ, như là muốn họa lại bài thơ cũ Ông Đồ:

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bút nghiên và giấy đỏ
Ngồi đúng chỗ ngồi xưa.

Ôi ! Cái nghiệp nghiên bút
Tô điểm cho cuộc đời
Người chết nghiệp không chết
Nợ tiền kiếp luân hồi.

Trải trăm ngàn dâu bể
Giấy mực màu không thay
Chữ Nhân và chữ Nghĩa
Vẫn những nét thẳng ngay.

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Khăn áo bạc màu dưa
Nhắc cho người qua thấy
Lẽ Nhân đạo, Thiên cơ.

Cách Mạng là nhân nghĩa
Ông Đồ là thi thư
Chữ tuôn dòng Thiện Mỹ
Từ ngón tay ông Đồ.

Bài thơ Ông Đồ vẫn có sức lan tỏa đến tận thời đại ngày nay. Một “thi sĩ bất đắc dĩ” nào đó cũng mượn ý của Nguyễn Đình Liên để nói lên tính thời sự của xã hội hiện tại khi vật giá leo thang chẳng khác nào thời “kiệm ước” trước năm 1975:

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông chủ nhà
Miệng tươi cười hớn hở
“Tăng giá rồi đó nha!”

Vũ Đình Liên năm 66 tuổi (1979)
(ảnh baobinhdinh.com.vn)

Nói đến ông đồ khiến tôi liên tưởng đến một phong tục đẹp trong văn hóa Việt Nam với những câu đối Tết chẳng hạn như:

"Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ.
Cây Nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh"

Một ký giả người Pháp đã viết trên Tuần báo Đông Dương năm 1942 về truyền thống văn hóa này: "... Những ông đồ nghèo đã thuê mướn từ 10 ngày trước tết, một dãy vỉa hè hay mặt tiền của một căn nhà, một góc phố - viết trên những tờ giấy màu đỏ những nét chữ vàng hay bạc... để nhận lấy một số tiền nhỏ nhoi…

Cái tác dụng thần bí ấy đã thúc đẩy người ta phải chi phí một số tiền để mua sắm, trang hoàng ở cửa, ở cột, ở sàn nhà... hoặc trên tường, trên vách... những loại xuân liễn, những câu đối. Mặc dù nền nho học đã cáo chung, nhưng những thầy đồ vẫn xuất hiện trong lớp áo xơ bông, ngồi run lập cập trên manh chiếu để nắn nót những con chữ Nho cuối cùng và câm lặng ấy”.

Nguyễn Công Trứ có câu đối Tết:

"Tối ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa.
Sáng mồng một, rượu say tuý luý, giơ tay bồng ông phúc vào nhà"

Trong số hàng trăm câu đối Tết, tôi thích nhất câu này:

"Không có nhưng giàu, giàu nghĩa, giàu tình, giàu trí tuệ
Không giàu nhưng có, có làng, có xóm, có anh em".

Ông đồ ngồi viết câu đối Tết

Thơ xuân ngày Tết còn nhiều, rất nhiều. Đề tài này gợi hứng cho giới làm thơ, từ các thi sĩ thời tiền chiến như Hồ Dzếnh (Xuân Ở Quê Em, Xuân Đôi Ta, Xuân Ý…), Huy Cận (Sang Xuân…) cho đến các nhà thơ Sài Gòn xưa như Đinh Hùng (Thanh Sắc), Nguyên Sa (Mùa Xuân Buồn Lắm Em Ơi), Kim Tuấn (Anh Cho Em Mùa Xuân), Nguyễn Tất Nhiên (Mùa Xuân Chim Núi), Bùi Chí Vinh (Bài Thơ Lì Xì)…

Sau khi viết bài này tôi tự nhiên ngẫu hứng cũng ti toe làm thơ! Bốn câu thơ “con cóc” dưới đây được sáng tác ngày mồng một Tết Giáp Ngọ và đã post trên Facebook để thay lời chúc xuân đến tất cả mọi người:

Chào năm mới, mùa xuân Giáp Ngọ
Tết của mọi nhà, Tết của niềm vui
Trăm họ an khang, muôn người hạnh phúc
Hưởng lộc trời hòa khúc tân xuân.

***

Chú thích (theo Wikipedia):

[1] Trần Tế Xương (1870-1907) còn được gọi là Tú Xương, tên bố mẹ đặt cho lúc đầu là Trần Duy Uyên. Ông sinh ngày 5/9/1870 tại làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định nên còn được gọi là Ông Tú Vị Xuyên.

Tác phẩm của Tú Xương không có di cảo, không có những công trình đáng tin cậy tập hợp tác phẩm khi tác giả còn sống hoặc vừa nằm xuống. Sinh thời, nhà thơ sáng tác dường như chỉ để tiêu sầu hoặc mua vui, thơ làm đọc lên cho vợ con, bạn bè nghe, rồi tùy ý truyền khẩu.

Nói đến tài làm thơ của Tú Xương, nhiều người đã đặc biệt chú ý đến sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố hiện thực, trào phúng và trữ tình. Với Tú Xương, vẫn chưa thấy chắc chắn có bài thơ chữ Hán nào, chỉ thấy thơ Nôm viết bằng các thể loại cổ điển: thơ luật Đường: thất ngôn bát cú, tứ tuyệt; phú; văn tế; câu đối; hát nói; lục bát. Ở thể loại nào Tú Xương cũng tỏ ra là một nghệ sĩ bậc thầy.

Tên ông không phải là Xương theo nghĩa xương thịt nhưng người đời sau, mấy vị chuyên làm thơ trào phúng đã cố tình đùa nghịch và "xuyên tạc", gắn cho cái nghĩa xương thịt, để rồi tự nguyện suy tôn Tú Xương lên “bậc tổ sư”, còn mình là môn đệ. Và như thế là lịch sử văn học Việt Nam ở thế kỷ 20 bỗng nhiên có một "môn phái" gồm Tú Xương, rồi Tú Mỡ, Tú Sụn, Cử Nạc và thêm "chi phái" Tú Poanh, Đồ Phồn cũng là dòng tú, cử, đồ với nhau cả.

Mộ Trần Tế Xương tại thành phố Nam Định

[2] Hàn Mặc Tử (1912-1940) tên thật là Nguyễn Trọng Trí, là nhà thơ khởi đầu cho dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam. Hàn Mặc Tử cùng với Quách Tấn, Yến Lan, Chế Lan Viên được người đương thời ở Bình Định gọi là Bàn thành tứ hữu, nghĩa là Bốn người bạn ở thành Đồ Bàn.

Theo gia đình Hàn Mặc Tử, thì vào khoảng đầu năm 1935, họ đã phát hiện những dấu hiệu của bệnh phong trên cơ thể ông. Tuy nhiên, ông cũng không quan tâm vì cho rằng nó là một chứng phong ngứa gì đó không đáng kể. Năm 1938-1939, Hàn Mặc Tử đau đớn dữ dội, bên ngoài không ai nghe ông rên rỉ than khóc mà chỉ gào thét trong thơ.

Ông bỏ tất cả quay về Quy Nhơn vào nhà thương Quy Hòa (20/9/1940) và từ trần ngày 11/11/1940 khi mới bước sang tuổi 28. Cuộc đời của ông được biết đến với nhiều mối tình, với nhiều người phụ nữ khác nhau, đã để lại nhiều dấu ấn trong văn thơ của ông - có những người ông đã gặp, có những người ông chỉ giao tiếp qua thư từ, và có người ông chỉ biết tên như Hoàng Cúc, Mai Đình, Mộng Cầm, Thương Thương, Ngọc Sương, Thanh Huy, Mỹ Thiện.


Hàn Mặc Tử và những người tình trong thơ:
Thương Thương, Kim Cúc, Mộng Cầm, Ngọc Sương, Mai Đình

[3] Nguyễn Bính (1918-1966) là một nhà thơ lãng mạn được coi như là nhà thơ của làng quê Việt Nam với những bài thơ mang sắc thái dân dã, mộc mạc. Ông ra chào đời vào đúng ngày mồng ba Tết năm Mậu Ngọ với tên thật là Nguyễn Trọng Bính tại tỉnh Nam Định và chỉ 3 tháng sau mẹ ông mất.

Bài thơ đầu tiên của Nguyễn Bính được đăng báo là bài Cô hái mơ. Năm 1937 Nguyễn Bính gửi tập thơ Tâm hồn tôi tới dự thi và đã được giải khuyến khích của nhóm Tự lực Văn đoàn. Từ năm 1940, Nguyễn Bính bắt đầu nổi tiếng với số lượng thơ khá dày, đề tài phong phú, trong đó chủ yếu là thơ tình.

Vào Huế, Nguyễn Bính gửi thơ ra Bắc đăng báo trong đó có Xuân tha hươngOan nghiệt. Sau đó Nguyễn Bính lại trở về Hà Nội, rồi lại vào Sài Gòn. Trong thời gian này Nguyễn Bính đã gặp nhà thơ Đông Hồ, Kiên Giang. Có lúc ông cư ngụ trong nhà Kiên Giang. Đó là thời ông viết những bài Hành Phương Nam, Tặng Kiên Giang, Từ Độ Về Đây

[4] Xuân Diệu (1916 –1985) nổi tiếng từ phong trào Thơ Mới với tập Thơ thơGửi hương cho gió. Những bài được yêu thích nhất của Xuân Diệu là thơ tình làm trong khoảng 1936-1944, thể hiện một triết lý bi quan, tuyệt vọng về tình ái nhưng lại có một mạch ngầm thúc giục, nhiều khi hừng hực sức sống. Nhờ đó, ông được mệnh danh là "Ông Hoàng Thơ Tình". Sau 1945, thơ ông chủ yếu ca ngợi Đảng Lao động Việt Nam và thơ tình của ông không còn được biết đến nhiều như trước.

Ông tên thật là Ngô Xuân Diệu, quê quán làng Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh nhưng sinh tại Gò Bồi, thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Xuân Diệu lớn lên ở Quy Nhơn, sau khi tốt nghiệp tú tài, ông đi dạy học tư và làm viên chức ở Mỹ Tho (nay là Tiền Giang), sau đó ra Hà Nội sống bằng nghề viết văn, là thành viên của Tự Lực Văn Đoàn (1938–1940).

Xuân Diệu tốt nghiệp cử nhân Luật năm 1943, bên cạnh sáng tác thơ, ông còn tham gia viết báo cho các tờ Ngày NayTiên Phong. Trong sự nghiệp sáng tác thơ văn của mình, Xuân Diệu được biết đến như là một nhà thơ lãng mạn trữ tình, là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” (Hoài Thanh).

[5] Vũ Đình Liên (1913-1996) sinh tại Hà Nội, nhưng quê gốc ở thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Ông đỗ tú tài năm 1932, từng dạy học ở các trường: Trường tư thục Thăng Long, Trường Gia Long, Trường nữ sinh Hoài Đức để kiếm sống. Ông học thêm trường Luật đỗ bằng cử nhân, về sau vào làm công chức ở Nha Thương chính (còn gọi là Sở Đoan) Hà Nội.

Năm 1936, ông được biết đến với bài thơ Ông Đồ đăng trên báo Tinh Hoa. Những bài thơ hiếm hoi được biết đến của ông đều mang nặng nỗi niềm hoài cổ, về lũy tre xưa, về thành quách cũ và "những người muôn năm cũ". Ngoài bài thơ Ông Đồ, ít ai biết Vũ Đình Liên còn có chùm thơ về người đàn bà điên gồm Người đàn bà điên ga Lưu Xá, Gặp lại người đàn bà điênNgười điên – Nàng điên

Chủ đề về những con người nghèo khổ, tàn tạ, thuộc về một thời đã qua là lựa chọn chủ động của Vũ Đình Liên khi sáng tác, dù thơ ông được xếp vào phong trào Thơ Mới – nổi tiếng với những vần thơ ca ngợi tình yêu, tuổi trẻ.

***

Bình luận trên FB:



***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

Tác giả đang viết tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

3 nhận xét:

  1. Trần thị Bảo Vânlúc 12:17 8 tháng 2, 2014



    Đầu Xuân, được đọc một bài viết với nhiều tư liệu thật hay và thú vị!
    Cám ơn bác chủ nhà.

    Tuy nhiên, trong bài viết, có chỗ này Bảo Vân hơi hơi...lấn cấn, bác chủ nhà xem lại sao?
    Đó là:

    - Nguyễn Công Trứ có câu đối Tết:

    "TỐI ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa.
    Sáng mồng một, rượu say tuý luý, giơ tay bồng ông phúc vào nhà"

    - TỐI hay CHIỀU ?
    Vì lẽ:

    1/ "CHIỀU ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa.
    Sáng mồng một, rượu say tuý luý, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà."
    (Nguyễn Công Trứ, câu đối làm vào dịp tết lúc còn hàn vi.)

    http://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%A2u_%C4%91%E1%BB%91i

    2/ CHIỀU ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa.
    Sáng mồng một, rượu say tuý luý, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà.
    (Nguyễn Công Trứ - VĂN HỌC VIỆT NAM -1968 - DƯƠNG QUẢNG HÀM - trang 52 phần Câu Đối)

    P/s:
    Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương đầy hóm hỉnh khi viết câu đối:

    - "TỐI ba mươi, khép cánh càn khôn, ních chặt kẻo Ma Vương đưa quỷ tới.
    Sáng mồng một, lỏng then tạo hóa, mở toang cho thiếu nữ rước xuân vào."



    Trả lờiXóa
  2. Xin phép anh Chính cho tôi đăng lại bài này ở: https://nuocnha.blogspot.com

    Trả lờiXóa

Popular posts