Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2014

Binh Danh & nhiếp ảnh trên lá cây


Nhiếp ảnh là việc tạo ra hình ảnh bằng tác động của ánh sáng với phim hoặc thiết bị nhạy sáng được thực hiện bằng các phương tiện cơ học, hóa học, hay kỹ thuật số thường được gọi là máy ảnh.

Ảnh cố định đầu tiên được chụp năm 1826 bởi Joseph Nicéphore Niépce bằng một máy ảnh hộp gỗ do Charles và Vincent Chevalier sáng chế tại Pháp. Niépce dựa trên khám phá của Johann Heinrich Schultz vào năm 1724 khi ông phát hiện hỗn hợp bạc và phấn bị đen lại khi gặp ánh sáng.

Các máy ảnh đầu tiên thường có thêm hộp trượt ra-vào để lấy độ nét. Mỗi lần thu hình, một tấm chất nhạy sáng được đặt vào chỗ màn ảnh ngắm. Quy trình “daguerreotype”, đặt theo tên của Jacques Daguerre, là dùng tấm đồng, còn quy trình “calotype”, do William Fox Talbot phát minh, thì thu hình lên tấm giấy.

Máy ảnh vào thế kỷ 19 có thân xếp để lấy nét

Trong phạm vi bài viết này chúng tôi không nói đến những hình ảnh tạo ra từ máy ảnh cơ hay máy ảnh kỹ thuật số mà đề cập đến một hình thức mới lạ: “nhiếp ảnh trên lá cây” do một người Mỹ gốc Việt sáng tạo.

Nhiếp ảnh gia kiêm nghệ sĩ Binh Danh còn rất trẻ, anh chào đời tại Việt Nam ngày 9/10/1977. Gia đình Danh vượt biên năm 1979 và định cư tại Hoa Kỳ khi anh mới tròn 2 tuổi. Năm 2002 Danh tốt nghiệp San José State University với văn bằng Cử nhân Nghệ thuật (Bachelor of Fine Arts), chuyên ngành nhiếp ảnh.

Binh Danh cũng là một trong những nghệ sĩ trẻ nhất khi anh học tiếp chương trình Cao học Nghệ thuật (Master of Fine Arts) tại Stanford University khi mới 25 tuổi. Tại đây, anh chọn chủ đề nghiên cứu về “studio art”, tạm dịch là nghệ thuật phòng chụp hình.

Binh Danh

Rời khỏi Việt Nam lúc mới 2 tuổi, Danh có tham vọng muốn tìm hiểu về cuộc chiến tranh tại quê hương mà người Mỹ gọi là “Vietnam War” trong khi ở trong nước lại gọi là “Chiến tranh chống Mỹ”. Anh sưu tầm những hình ảnh về cuộc chiến và tái tạo chúng qua một kỹ thuật mới mà anh gọi là “chlorophyll print”, một hình thức in ảnh phối hợp với chất diệp lục sẵn có trên lá cây để có những tấm… "ảnh diệp lục".

Thay vì có những tấm hình in trên giấy, Danh chọn lá cây hoặc lá cỏ thích hợp ngay trong vườn nhà để in ảnh. Danh bắt đầu thử nghiệm sự kết hợp giữa nhiếp ảnh với quá trình quang hợp của lá cây: anh đặt tấm film âm bản lên lá cây, cố định chúng bằng những tấm kính, sau đó phơi chúng dưới ánh nắng mặt trời.

Anh gọi đó là "ảnh diệp lục" vì chất diệp lục của lá khi tiếp xúc với cường độ ánh sáng khác nhau sẽ chuyển thành những màu sắc khác nhau, tạo nên những chi tiết của ảnh ngay trên lá cây. Dĩ nhiên là những màu sắc kết hợp từ trạng thái diệp lục với ánh sáng mặt trời trên lá cây tạo ra một bức ảnh khác hẳn với ảnh nguyên thủy trên giấy và đó cũng là giá trị của “ảnh diệp lục”.

Tỷ lệ thành công của quá trình “ảnh diệp lục” khá thấp, khoảng 20%, nghĩa là cứ 5 tấm hình anh phơi thì chỉ một tấm thành công. Thời gian phơi có thể là vài ngày nhưng cũng có khi kéo dài hằng tuần vì lý do thời tiết. Mỗi chiếc lá sau khi được kết hợp thành công giữa nhiếp ảnh và sinh học sẽ được Binh Danh che phủ bằng nhựa thông (resin) và được đặt trong khung kính để bảo quản.

Có thể nói, Binh Danh là một nhà nhiếp ảnh không tác phẩm. Bộ sưu tập về cuộc chiến tại Việt Nam mang tựa đề “Immortality, The Remnants of the Vietnam and American War” gồm 11 tấm “ảnh diệp lục”, hay nói khác đi, 11 tấm ảnh đó là của các phóng viên chiến trường được Danh dùng để tái tạo trên lá cây. Hiểu theo một nghĩa khác, đó chính là tác phẩm của anh với sự góp sức của những người khác!

Chúng tôi trình bày 11 tác phẩm này theo thứ tự thời gian thực hiện. Năm 2000 chỉ có duy nhất một bức “ảnh diệp lục” trên nền lá dài theo chiều ngang, hình ảnh một toán binh sĩ Mỹ hành quân tại miền Nam Việt Nam. Chiếc lá nền đã ngả sang màu vàng úa và người xem thấy ngay hiệu ứng của những bóng ma thể hiện qua ảnh. Thế cho nên Binh Danh đặt tên bức này là “Drifting Soul”.


Drifting Soul (2000)

Năm 2005 có tất cả 6 bức được Binh Danh thực hiện. Người ta nhận ra ngay nhóm ảnh này được chia thành 2 chủ đề: (1) chiến tranh đối với những người cầm súng; và (2) hệ quả của nó đối với những thường dân. 

Ở tấm hình nang tên “Battlefield” dưới đây có bóng dáng chiếc trực thăng trên lá và những người lính nổi lên giữa những đường gân lá đã ngả màu trên chiến trường.

Battlefield (2005)

“Barracked” là bức ảnh những người lính tìm sự an toàn giữa những bao cát vây quanh. Ngoài hai người lính Mỹ đội nón sắt xuất hiện ở tiền cảnh ta còn thấy một người nhỏ con, đội nón vải ngồi phía sau. Có thể đoán ngay đó là người Việt, thường là “trung sĩ thông dịch viên đồng hóa” được phân công đi theo các đơn vị của Hoa Kỳ.   



Barracked (2005)

Làm nền cho bức hình kế tiếp chỉ là một nửa chiếc lá. Từ trên sống lá là một chiếc B52 đang thả hàng loạt quả bom từ trên các tầng mây trắng xóa. Binh Danh đặt tên bức hình này là “Fire in the Sky”.

   

Fire in the Sky (2005)
Ở chùm ảnh thứ hai là những nạn nhân vô tội của chiến tranh. Trong bức ảnh “Combust”, những đường gân lá gợi cho người xem hình ảnh những tia sét đánh xuống thi thể người đàn ông nằm chết, trên mình chỉ còn độc chiếc quần đùi mầu đen sậm.
  


Combust (2005)

Hình kế tiếp là một người đàn bà ngồi ôm đứa con nhỏ, hy vọng cô bé vẫn còn sống vì một tay bám víu vai của mẹ. Người đàn bà có khuôn mặt hốt hoảng, miệng bà mở lớn có lẽ vì gào thét trong cảnh lửa đạn. Bức hình “Mother and Child” vừa sống động nhưng cũng vừa cảm động dù được thể hiện trên một chiếc lá có nhiều nếp gấp.



Mother and Child (2005)

“Part of War” là bức ảnh được Binh Danh tái hiện trên lá cây từ một tấm hình đăng trên Life của phóng viên ảnh Ronald L. Haeberle. Hình chụp thi thể nạn nhân của vụ thảm sát Mỹ Lai ngày 16/3/1968 và đã trở thành một trong những “vũ khí” hữu hiệu của những người phản chiến tại Hoa Kỳ.

Trong kho ảnh của tôi trên Flickr có tấm hình gây nhiều tranh cãi đó với gần 1.000 người xem (Xem hình tại: http://www.flickr.com/photos/nguyen_ngoc_chinh/6101598008/in/set-72157607206524413). Và đây là bức ảnh của Ronald L. Haeberle qua kỹ thuật thể hiện trên lá cây của Binh Danh:



Part of War (2005)

Năm 2006 Danh còn thực hiện một tấm hình có liên quan đến những người dân thường trong cuộc chiến. Bức hình mang tên “Untitled” trên một chiếc lá hoàn chỉnh với đầy đủ cuống lá, gân lá. Ánh mắt của người đàn ông trong hình ngồi ôm một em bé nói lên thật nhiều điều và cũng trả lời thật nhiều câu hỏi tại sao lại có chiến tranh?



Untitled (2006)

Lá phong vốn rất cân đối về bố cục nên được Binh Danh chọn làm nền cho một bức hình mang tên Helicopter. Người ta thấy cả một phi đội trực thăng xuất hiện trên bầu trời màu lá úa. Theo tôi, đây là một trong những bức ảnh diệp lục thành công nhất của Danh.


Helicopter (2006)
Một bức hình thành công không kém “Helicopter”“Ambush in the Leaf”, một cái tên vừa gợi ý gần lẫn ý xa. Trước mắt chúng ta thấy một bà mẹ và 2 đứa con ẩn mình qua chiếc lá nhiều cạnh, khuôn mặt của cả ba người dân quê lộ vẻ sợ hãi. 


Họ sợ gì? Tôi nghĩ người mẹ đang cố tìm cách che chở những đứa con trước họng súng của một người lính. Chiến tranh là vậy, dù phần thắng nằm ở phe nào nhưng những người dân vô tội luôn nằm ở phía thua thiệt nhất.    



Ambush in the Leaf (2007)

Tác phẩm cuối cùng của bộ ảnh về chiến tranh tại Việt Nam được Danh thực hiện năm 2008. Cũng vẫn hình ảnh của những chiếc B52 và những quả bom được in trên một chiếc lá, trông tựa như lá sen, và được bố cục theo chiều thẳng đứng. Những cái bóng chập chờn trên lá tạo cảm giác như bóng dáng của tử thần ẩn hiện trên bầu trời có sức tiêu diệt mọi sinh vật trên mặt đất.


Shock & Awe (2008)

Sau chiến tranh Binh Danh đã trở về Việt Nam và sang nước lân cận Campuchia để chứng kiến dấu tích của một thời bom đạn. Tại Campuchia, anh đã đến trại tù S-21 dưới thời Khmer Đỏ của Pol Pot mà trước đó là một trường học. Gần 14.000 người gồm đủ mọi lứa tuổi đã bị hành quyết, đến năm 1979 nơi đây chỉ còn lại vài chục người sống sót. Binh Danh viết về chuyến đi Campuchia: 

“Khi đến Bảo tàng Diệt chủng Tuol Sleng tôi mới hình dung được cảnh chết chóc… Hàng trăm chân dung những tù nhân đã bị giam giữ và thủ tiêu tại đây vẫn còn được lưu trữ, mỗi người đều mang một con số và con số đó theo họ cho đến lúc qua đời”.

Binh Danh chụp lại một số chân dung người Campuchia và khi về Mỹ anh thực hiện một bộ sưu tập 11 bức chân dung trên lá cây và trên cỏ mang chủ đề “Ancestral Altars” vào năm 2005. “Found Portrait # 24” là bức chân dung của một người đàn ông được thực hiện trên cỏ:  

Found Portrait # 24

“The Leaf Efffect: Study for Transmission # 13” là cả một nhành cây nhiều lá, mỗi chiếc lá mang chân dung của một phụ nữ, có tổng cộng 13 chiếc tượng trưng cho 13 số phận những người đã khuất.

Kỹ thuật thực hiện ảnh trên cành phức tạp hơn thực hiện trên lá vì phải sử dụng phim âm bản cho từng người. Như vậy, Binh Danh đã phải dùng tới 13 tấm phim cho 13 chiếc lá. Quả là một công trình đáng khâm phục.


The Leaf Efffect: Study for Transmission # 13

Mùa hè năm 2002, Binh Danh và mẹ về thăm lại hòn đảo Pulau Bidong, Malaysia, nơi gia đình anh đặt chân đến sau khi rời Việt Nam vào năm 1979. Danh kể lại:

“Chúng tôi chụp hình và có cơ hội thu thập được nhiều giấy còn sót lại tại những căn nhà trống vắng. Giấy tờ bao gồm thư từ và hồ sơ của chính phủ Mã Lai… hầu hết đã bị mối mọt ăn hoặc bị xuyên thủng bởi cây cỏ mọc chen. Giấy tờ vẫn còn hiện diện rải rác ở đâu đó sau hơn một thập kỷ…”


Letters from Pulau Bidong Island (2003)

Letters from Pulau Bidong Island (2003)

Binh Danh còn có một bộ sưu tập chân dung những người lính Mỹ đã bỏ mình trên chiến trường Việt Nam dựa theo một trang báo của tạp chí Life năm 1969 mang tựa đề “One Week’s Dead”. Bài báo đưa tin và ảnh của 242 thanh niên Mỹ đã tử trận chỉ trong trong vòng một tuần lễ, tựa như một trang kỷ yếu (year-book) của học sinh trung học nhưng chỉ toàn là di ảnh của người chết.

14 bức chân dung được in trên lá cỏ theo chiều ngang hoặc chiều dọc. Người ta có cảm tưởng như đang chiêm ngưỡng những bức chân dung người chết tại một thảm cỏ trong nghĩa trang tĩnh lặng…

Dead Son # 1

Dead Son # 2

Bằng lối sáng tạo hình ảnh trên lá và cỏ, Binh Danh đã tái tạo nên lịch sử. Kỹ thuật nhiếp ảnh mới lạ của anh đã để lại một dấu ấn đậm nét của quá khứ, một quá khứ nhiều người muốn quên đi nhưng cũng có nhiều người muốn giữ lại. Dù cố quên hay cố nhớ, người ta không khỏi khâm phục tính sáng tạo của anh qua những bức ảnh lá cây. 

Về phần mình, Binh Danh cho biết anh tự coi mình chỉ là người thợ gốm sứ chứ không phải là nhà nhiếp ảnh đúng nghĩa của nó. Tác phẩm do anh “nhào nặn” quả thật đã để lại cho người xem nhiều suy nghĩ.

Binh Danh

***

Bình luận trên FB:




***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)


Tác giả đang viết tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

5 nhận xét:

  1. Tấm "Fire in the sky" là hình chiếc F-4 Phantom chứ đâu phải B.52,tấm "Shock&Awe" là hình những chiếc máy bay Mig của Nga.Bạn có nhầm không ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi đã chỉnh lại theo gợi ý của bạn: hình "Fire in the Sky" tôi đã thêm (?) sau máy bay B52 còn tấm "Shock & Awe" B52 được thay bằng "máy bay". Quả thật về máy bay tôi không rành cho lắm,, xin cám ơn bạn về những góp ý.

      Xóa
  2. Rất đôc đáo một trường phái mới trong nghệ thuật nhiếp ảnh

    Trả lờiXóa
  3. Quá xúát sắc và độc đáo anh ấy đả tạo một ấn tượng mới cho nghành nhiếp ảnh

    Trả lờiXóa
  4. Chào anh Chính, cho phép tôi đăng lại bài này ở trang nhà: https://nuocnha.blogspot.com
    Cám ơn anh trước.

    Trả lờiXóa

Popular posts