Thứ Tư, 10 tháng 8, 2016

Từ “Brexit”… đến “Chexit”

Kho tàng ngôn ngữ của nhân loại thật phong phú. Trong khi một số ngôn ngữ đã biến mất để trở thành “tử ngữ” thì những “sinh ngữ” ngày một đa dạng với kho từ vựng ngày một phong phú. Điển hình là tiếng Anh, thường được coi là một trong những ngôn ngữ toàn cầu trong cuộc sống hàng ngày cho đến các lãnh vực khoa học và chính trị. Bài viết này chỉ xin đề cập đến chuyện chính trị qua tiếng Anh.

Gần đây, đọc báo trong nước và nước ngoài, người ta thấy nổi lên một thuật ngữ mới. Đó là “Brexit”, một từ ngữ ghép bởi Britain, British (Nước Anh) và Exit (lối thoát, thoát ra) với hàm ý nước Anh có cuộc trưng cầu dân ý: ở lại hay rời khỏi Liên minh Châu Âu (European Union – EU).

Cờ Liên minh Châu Âu

Theo “The New York Times”, những người ủng hộ Brexit cho rằng trong 4 thập kỷ qua, EU đã thay đổi quá nhiều về quy mô: từ 6 quốc gia thành viên năm 1950 lên đến 28 thành viên năm 2013 khiến liên minh này ngày càng trở nên quan liêu, trì trệ và tầm ảnh hưởng của nước Anh ngày càng suy giảm.

Các vấn đề khác được nêu lên là làn sóng nhập cư vào EU từ những nước có xung đột cũng như sự chênh lệch trong mức sống giữa các nước thành viên cũ thuộc Tây Âu và các nước thành viên mới, đa số từ Đông Âu.

Không phải khẩu hiệu Brexit xuất hiện lần đầu vào năm 2016. Trên thực tế, nước Anh vào năm 1975 cũng đã có một cuộc trưng cầu dân ý về việc đi hay ở chỉ 2 năm sau ngày gia nhập. Khi đó, hơn 67% người Anh chọn “ở lại”.

Lá phiếu Trưng cầu Dân ý ngày 23/6/2016 

Trở lại với Brexit “tập hai”, những người muốn “ở lại” cho rằng sự “ra đi” của nước Anh sẽ phải trả một giá đắt về mặt kinh tế. Hầu hết các chuyên gia kinh tế và các tập đoàn lớn cũng đứng về phía “ở lại”.

Họ cho rằng nếu “ra đi”, tốc độ tăng trưởng của Anh sẽ sụt giảm mạnh, đồng Bảng yếu đi đáng kể và trung tâm tài chính London sẽ chịu nhiều thiết hại. Điều đặc biệt là nước Anh, tuy là thành viên của EU nhưng lại không sử dụng đồng Euro mà vẫn giữ đồng Bảng từ ngày gia nhập cho đến nay.

Kể cả những chuyên gia kinh tế ủng hộ Brexit cũng phải thừa nhận nếu việc “ra đi” được dân chúng ủng hộ sẽ có những tác động tiêu cực trong ngắn và trung hạn. Họ dự báo phải đến năm 2030 Anh mới có thể khá hơn.

Thủ tướng Anh David Cameron là người dẫn đầu phong trào “ở lại” và sau ngày trưng cầu dân ý 23/6/2016 ông đã phải từ chức vì Brexit thắng thế. Tuy nhiên ngay sau đó, có tin nột số người ủng hộ Bexit lại tỏ ra tiếc nuối vì quyết định của mình. Đó là cái giá phải trả cho sự tự do, dân chủ của thể chế!

Vận động trưng cầu dân ý

Theo báo “The Observer”, thắng lợi của Brexit đã làm chao đảo thị trường vốn và tài chính, không những của nước Anh mà còn ảnh hưởng đến toàn thế giới. Trái phiếu của chính phủ Mỹ lên giá; đồng dollar, đồng franc Thụy Sĩ và yên Nhật cùng tăng giá một cách rõ rệt nhất so với đồng bảng Anh. Rõ ràng là những tác động này đã vượt qua biên giới nước Anh, lan sang các nước EU và cuối cùng là cả thế giới.

Ngoài những tác động tài chính, lại còn những hậu quả về thương mại toàn cầu cũng như sự dịch chuyển lao động ngay trong nội bộ EU. Theo nhận định của một số chuyên gia, có thể nói, Brexit đánh dấu một bước thụt lùi lớn của tiến trình toàn cầu hóa. Những hệ lụy đó không thể lắng xuống trong thời gian trước mắt mà cần sự điều chỉnh lâu dài của các nền kinh tế.

Trong khi thế giới hiện đang đối mặt với đà tăng trưởng yếu và đầu tư thấp, bất cứ kế hoạch kiềm chế thiệt hại nào đều phải bao gồm giải pháp nhanh chóng xác lập những “luật chơi” mới dành cho nước Anh và mối quan hệ của Anh với EU.

Xem ra, “vụ ly dị chính trị” của nước Anh với EU mang tầm ảnh hưởng lớn hơn phạm vi hoạt động của EU, lan tỏa đến toàn thế giới bằng những rạn nứt mang tính cách “ăn miếng, trả miếng” trên quy mô toàn cầu. Và như vậy, toàn cầu hóa đang phải đối đầu với những khó khăn nối tiếp khó khăn!

Brexit và sự rạn nứt của EU

Trong tương lai, chúng ta có thể ghép Exit với bất kỳ một nước nào trong EU. Chẳng hạn như Frexit (Pháp), Italexit (Ý), Swexit (Thụy Điển), Netherlexit (Hà Lan)... theo gương Brexit! Đó là những Exit không ai muốn có theo chiều hướng toàn cầu hóa.

Gần đây nữa, chúng ta lại có Chexit xuất hiện tại Phi Luật Tân với hàm ý China Exit. Đôi khi khẩu hiệu Chexit còn được viết dưới dạng CHexit, trong đó CH là chữ tắt của China để tương phản với PH, chữ tắt của Philippines.

Nếu Brexit ám chỉ sự chia tay của nước Anh với EU thì Chexit lại là lời kêu gọi, nói một cách thẳng thừng: China hãy “cút” đi. Nếu Brexit tạo ra sự rạn nứt trong EU thì CHexit là khẩu hiệu tống tiễn người khách không mời ra khỏi Biển Đông.

Như đã nói ở trên, ngôn ngữ ngày càng được bổ sung bằng nhiều từ vựng, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Ngày nay trên một số trang mạng xã hội đã thấy xuất hiện thuật ngữ “hashtag” gồm một từ ngữ hay một chuỗi ký tự, sau dấu #. Nói một cách đơn giản, hashtag là một tập hợp thông tin liên quan đến một chủ đề chung. Chẳng hạn như “#CHexit” trong chủ đề Bắc Kinh hãy “cút” khỏi Biển Đông dưới đây:  


Hashtag: #CHexit

Trong #CHexit ở trên, ta thấy hình ảnh đối đầu giữa Trung Quốc và Phi Luật Tân trong trò chơi “oẳn tù tì” (One, two, three) mà ở Việt Nam trẻ em cũng thường chơi. Tất cả chỉ có 3 lựa chọn - kéo, búa và giấy – Phi ra búa đập kéo của Tầu là hình ảnh muốn nói lên vụ kiện “đường lưỡi bò” lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) của Liên Hiệp Quốc.

Người dân Phi biểu tình chống Bắc Kinh

Ngày 12/7/2016 PCA đã ra phán quyết bác bỏ chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông. Thắng lợi của Phi trong vụ kiện được coi như thắng lợi chung của những nước có liên quan đến tham vọng làm chủ Biển Đông của Trung Cộng đồng thời cũng được các cường quốc có lực lượng thương thuyền thường xuyên đi lại trên Biển Đông như Mỹ, Úc, Nhật ủng hộ.  Tờ “The Wall Street Journal” nhận định:

“Phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực về vụ kiện biển Đông đã đẩy Trung Quốc vào thế kẹt: Hoặc phớt lờ luật pháp quốc tế hoặc chịu "nhường sân" cho các nước láng giềng và Mỹ”.

Tuy nhiên, phán quyết này cũng có thể làm thay đổi cục diện giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực. Mỹ và các đồng minh – đặc biệt là Phi Luật Tân – sẽ gặp không ít khó khăm khi phải tìm cách sử dụng phán quyết để kiềm chế Trung Quốc nhưng vẫn bảo vệ quyền lợi kinh tế và tránh đối đầu về quân sự.


Tòa Trọng tài Thường trực (PCA)

Điều đáng buồn cho Việt Nam là thái độ nửa vời của chính quyền, một mặt không quá “hồ hởi” vì vẫn tin tưởng nơi ông bạn tốt với “4 tốt” và “16 chữ vàng” (Láng giềng hữu nghị, Hợp tác toàn diện, Ổn định lâu dài, Hướng tới tương lai), một mặt đàn áp các cuộc biểu tình chống Bắc Kinh xâm lược của những người yêu nước!

Muốn "Chexit" tại Việt Nam, trước hết phải... "thoát Trung".

Hãy chia sẻ tình hình Biển Đông và đừng quên #CHexit để phát động phong trào tống cổ bè lũ bành trướng Bắc Kinh ra khỏi Biển Đông.



***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10 – Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

1.            Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
2.            Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
3.            Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
4.            Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
5.            Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
6.            Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
7.            Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
8.            Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
9.            Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ) 

Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!


***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts