Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2020

“… vẫn chưa già…”

Đó là trích dẫn câu nói của một đồng nghiệp ngày xưa tại Trường Sinh ngữ Quân đội, anh Tôn Thất Lan, năm nay vừa đúng 80. So với thời còn là giảng viên thì dĩ nhiên phải già lắm nhưng bây giờ anh vẫn chưa chịu nhận là mình đã già!

Ngày xưa Trung úy Tôn Thất Lan là một “cây văn nghệ” của trường với cây đàn guitar đứng trên sân khấu trong những buổi ca nhạc “cây nhà, lá vườn”. Anh lại có tài soạn nhạc, loại nhạc tình thời chiến tranh.

Một hiện tượng hơi lạ khi biết anh là thành viên cùa một nhóm “du ca” trong màu áo lính. “Du ca” thường “có mùi” phản chiến, ngược lại với màu áo “treilli” xanh lá cây rừng!  Nhưng cũng nhờ "du ca” mà nhạc sĩ Tôn Thất Lan có cơ hội giũ bỏ quần áo lính để biệt phái về làm giáo chức!

Anh kể con đường trở về “dân sự” của anh cũng “trầy da tróc vẩy” vì Chỉ huy trưởng trường không đồng ý cho đi. Thế là Tôn Thất Lan lại phải tìm “đường tắt” thông qua “du ca”, cụ thể là nhờ nhạc sĩ Phạm Duy! Thế mới biết, sức mạnh của nhạc sĩ: chỉ vài lời của PD cũng đủ để anh… giã từ vũ khí.

Mãi đến hôm nay tôi mới biết chuyện này, dù vẫn thấy anh sáng sáng qua lại quán cà phê tôi thường ngồi để mua bánh mì hoặc bánh cuốn! Dù ở gần nhau trong khu phố, hai người chỉ dơ tay chào nhau rồi anh lại lặng lẽ tiếp bước, chúng tôi gần như ít khi nào nói chuyện.

Chúng tôi “nhìn thấy nhau” được vài năm nay. Có lần gặp anh mua bánh mỳ, tôi mời anh uống cà phê để hàn huyên nhưng anh lại bảo mình đang bận về để sửa soạn đi dậy. Tôi lại nghĩ chắc tính anh “khép kín” nên không muốn tiếp xúc rộng rãi!

Mãi đến hôm nay tôi quyết định “chặn đường” và rủ anh ngồi uống cà phê. Anh đồng ý nhưng chỉ xin một ly trà chứ cà phê anh uống ở nhà rồi. Thôi cũng được, miễn sao chúng tôi có thì giờ hàn huyên bên ly trà.

Anh nói bây giờ thì anh đã nghỉ dậy học nhưng hàng tuần vẫn gặp mặt nhóm “du ca”. Có điều mấy tháng nay vì tình hình bệnh dịch nên phải ở nhà. Hỏi anh làm gì vào lúc này, anh bảo… “ngồi chơi, xơi nước” nhưng lại nói thêm “ngồi nhìn đời trôi đi trước mắt nhưng không buồn mà cũng chẳng vui”!

Anh lại còn chế ra một câu xưa như trái đất: “Đời, c’est la vie; Tình, c’est l’amour; Tiền, c’est l’argent… và đến lúc này thì chờ đoạn kết… c’est la mort!”. Giọng anh không bi quan chút nào mà trái lại, rất vui vì được dịp… “thổ lộ tâm can”.

Tôi hỏi anh, sau 30/4/75 cuộc sống của anh ra sao? Lúc đó anh đang dậy học tại Đà Nẵng vì qua giòng họ Tôn Thất người ta biết ngay anh có dòng máu hoàng tộc, gắn bó với miền Trung. Từ quân đội anh trở về hàng ngũ giáo chức nên chỉ học tập có một năm nhưng ngay sau đó trở lại Sài Gòn.

Ở Sài Gòn anh sống một cuộc đời “ung dung, tự tại”, đi dậy Anh văn những thì giờ rảnh rỗi cũng sáng tác nhạc, ca hát với nhóm du ca… lại còn viết lách, chủ yếu là dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh! Kể cũng lạ, các dịch giả thường chuyển ngữ từ Anh sang Việt còn anh thì lại chọn con đường ngược lại!

Nói chuyện với anh, tôi bỗng khám phá nhiều điều mới lạ. Nhìn anh, một ông già 80, với dáng người lọm khọm, đi đứng từ tốn nhưng đằng sau hình hài đó ẩn chứa một sức mạnh mà những người trẻ hơn chưa chắc gì đã có được!

Tôi thua anh tới 6 tuổi, vẫn thường “tự nhận” là mình già. Nhưng từ chính câu nói của một “ông già thứ thiệt” khiến tôi phải nghĩ lại:

“Già về tuổi tác nhưng vẫn chưa già trong tâm hồn, đó mới là triết lý ở đời”.

 Mấy ai có được suy nghĩ đó? Phải chăng tâm hồn nghệ sĩ trẻ mãi không già?

 

***


* Tham khảo thêm bài viết “Thầy Tôn Thất Lan – Cựu Giáo sư Trung học Phan Châu Trinh, Đà Nẵng” tại http://pctdn71-75.blogspot.com/2013/11/thay-ton-that-lan-cuu-giao-su-trung-hoc.html


* Một số nhạc phẩm của nhạc sĩ Tôn Thất Lan: https://lyric.tkaraoke.com/1477/ton_that_lan/


***


Tôn Thất Lan dạy học tại trường Phan Châu Trinh, Đà Nẵng sau khi được giải ngũ


Tôn Thất Lan trong buổi họp mặt Tất niên năm 2015 của các cựu Giảng viên  Trường SNQĐ


Tấm hình ghi lại những khuôn mặt trong buổi Tất niên 2015 của các giảng viên trường SNQĐ tại Sài Gòn


Hình chụp từ xa anh Lan đang mua bánh mỳ


Ung dung... tự tại


Ai có thể ngờ đây là cuộc đời của một du ca


... vẫn chưa già...

***
--> Read more..

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2020

Những địa danh Sài Gón đang đi vào quên lãng

Ngày nay, các bạn trẻ hầu như là không hiểu “Bồn kèn”, hay có nói rõ hơn gọi là “Bùng binh Bồn kèn” cũng chẳng biết nó ở đâu. Đó chính là “vòng xoay” ở ngay trung tâm Sài Gòn tại Quận 1! Cụ thể hơn là một bồn hoa phun nước nằm ngay ngã tư Đại lộ Charner (Lê Lợi) và Bonard (Nguyễn Huệ). 

“Bồn kèn” được xây dựng từ năm 1920 vào thời Pháp thuộc và cũng là công trình “vòng xoay giao thông” đầu tiên của Sài Gòn. Nhưng tại sao lại gọi là “bồn”? Ban đầu chỉ là một cái bệ cao, hình bát giác. Còn “kèn” là loại nhạc cụ các anh lính Tây trong ban quân nhạc cứ đến chiều Thứ Bảy đến đây biểu diễn kèn đồng!

Thế là nơi này chết tên “Bùng binh Bồn kèn” theo cách gọi của người bình dân. Dưới thời VNCH có xây dựng một đài phun nước với những cây liễu xung quanh nên còn được gọi là “Bùng binh Cây liễu”. Bây giờ thì bùng binh đã được “cải tạo” để trở thành bùng binh…hoa sen.

Người Sài Gòn đa số đều thích vẻ thướt tha của cây liễu hơn là cây sen! Kiến trúc xây dựng có thêm đèn LED, trông “vòng xoay” có vẻ “hiện đại” hơn về đêm nhưng đập bỏ “Bùng bình Cây liễu” để xây mới quả là một sự lãng phí trong tình hình đất nước có nợ công ngày càng chồng chất!

Cũng phải nói thêm, gần “Bồn kèn” ngày xưa còn có “Cửa hàng Charner” (Grands Magasins Charner – GMC) được xây dựng từ năm 1880. Tòa nhà GMC sau đó được đổi tên thành Thương xá TAX. Và đến nay thương xá đã được “hóa kiếp” để trở thành “Trung tâm Thương mại Dịch vụ Văn phòng Khách sạn Satra - Tax Plaza” cao 40 tầng và 6 tầng hầm nhưng… hãy còn nằm trên bản vẽ!

***

Sông Sài Gòn (xưa gọi là sông Thị Nghè) giáp với rạch Bến Nghé, tại chỗ giao nhau có một mũi đất nhô ra ngoài sông và năm 1865, người Pháp dựng tại đây một cột cờ có tên gọi "Cột cờ Thủ Ngữ", dịch từ tiếng Pháp “Mât des Signaux”.

Trên chót ngọn cờ có treo lá cờ vải hoặc một quả bóng sơn đen, ban đêm thì treo đèn màu trắng hoặc đỏ. Đó chính là những dấu hiệu báo tin cho tàu bè biết để tránh nguy hiểm khi ra hoặc vào sông Sài Gòn. Ta có thể hiểu đây là hình thức của một ngọn hải đăng thường thấy trên biển.

Sau đó, ngay tại đây còn có một quán rượu nổi tiếng. Dân nhậu thường là lính Pháp nên mới có tên “Pointe des Blagueurs “, xin tạm dịch là “Mũi đất của những kẻ tán dóc”! Địa điểm “Cột cờ Thủ Ngữ” nằm trên Bến Bạch Đằng, Quận 1, ngày nay.

Quả thật rất nhiều người Sài Gòn cứ tưởng “thủ ngữ” là một địa danh nên viết hoa, rất ít người hiểu đó chỉ là một hình thức biển báo giao thông đường thủy thô sơ từ thế kỷ thứ 19!

Trong “Sài Gòn năm xưa”, học giả Vương Hồng Sển có kể một câu chuyện vui thời Pháp thuộc. Có một cặp vợ chồng chắp nối, vợ là tay "dọn bàn" làm cho Tây, chồng là đầu bếp. Hai người nên duyên và ngày ngày đôi vợ chồng thay phiên nhau gánh gồng từ đầu đường Catinat (Tự Do, sau này đổi thành Đồng Khởi) ra tời mé sông chỗ cột cờ Thủ Ngữ.

Họ bán đồ ăn kiểu Tây như thịt bò bít-tết, trứng ốp-la và các món “hầm bà lằng, hổ lốn”. Dè đâu, khi cuộc làm ăn vừa khấm khá thì anh chồng đổi tính, mèo mỡ lăng nhăng, bỏ gánh lại cho một mình chị vợ đảm đương, cui cút. Chị ta buồn quá bèn cất tiếng rao hàng như sau:

"Thượng thơ, Phó Soái, Thủ Ngữ treo cờ, hò, hơ... Bu-don (bouillon), ỏm lết (omelette), bí tết (beaf steak), xạc xây (sacré)... Mũ ni (menu) đánh đạo, bây giờ mày bỏ tao ơ! Hớ hơ"

Bài hò kể lại lộ trình bán hàng của hai vợ chồng ngày nào: từ Dinh Thượng Thơ, qua Dinh Phó Soái và đến Cột cờ Thủ Ngữ. Chắc hẳn bây giờ người đọc đến tên các dinh này không hiểu chúng nằm ở đâu giữa Sài Gòn, Hòn ngọc Viễn Đông.

Thì đây:

Dinh Thượng Thơ, hình chữ U, nằm gần góc đường Catinat – Lagrandìere, được xây dựng vào năm 1860. Ngày nay, Dinh Thượng Thơ trở thành tòa nhà trụ sở Sở Thông tin & Truyền thông và Sở Công Thương, tại địa chỉ 59-61 Lý Tự Trọng, Quận 1.

Dinh Phó Soái được khởi công xây dựng vào năm 1885. Ngay sau khi xây xong, tòa nhà được Phó Toàn quyền Đông Dương Henri Éloi Danel (1850 - 1898) dùng làm tư dinh. Thời VNCH đổi tên là Dinh Gia Long và hiện nay là Bảo tàng TP. HCM. Địa chỉ: 65 Lý Tự Trọng, ‎Quận 1‎. 

***

Vấn đề đặt ra là liệu những công trình kiến trúc cổ xưa của người Pháp để lại trên đất Sài Gòn có cần được bảo tồn hay lại đập phá để xây những tòa nhà bê tông cốt thép “hoành tráng”, “hiện đại” như trường hợp của Thương xá TAX?

 *** 


Bùng binh Bồn Kèn được xây năm 1920, phía sau lưng là cửa hàng GMC mà sau này gọi là Thương xá TAX


Bùng binh cây liễu thời VNCH


Bùng binh Hoa sen ngày nay


"Les Grands Magasins Charner", tiền thân của Thương xá TAX


Quảng cáo của Công ty "Les Grands Magasins Charner" (GMC) ngày xưa


Mô hình dự án Thương xá TAX mới: Toà tháp Tax Plaza cao 40 tầng... còn nằm trên bản vẽ


Cột cờ Thủ Ngữ tại bến Bạch Đằng do người Pháp xây dựng vào năm 1865


Cột cờ Thủ Ngữ ngày nay


Dinh Thượng Thơ, xây dựng năm 1860


Dinh Thượng Thơ ngày nay


Dinh Phó Soái, xây dựng năm 1885


Dinh Phó Soái nay đổi thành Bảo tàng TP. HCM là nơi lý tưởng chụp hình cưới!

***










--> Read more..

Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2020

Mộng cuồng…

(Lá thư này có tên “Mộng cuồng” vì sau một giấc mơ tác giả vội vùng dậy gõ máy. Chỉ sợ không nói hết ý trong thưnếu để lâu e sẽ mất hết ý nghĩa) 

***

Bạn thân mến,

Thư này viết cho bạn từ một cõi xa xăm vô hình. Ngày xưa người ta dùng những từ ngữ như “âm ti”, “địa ngục” để chỉ nơi tôi hiện sinh sống. Nơi này, ngày nay không biết nên gọi là gì? Cũng có thể đó là “cõi âm” nhưng biết đâu đó lại là “thiên đàng” như người trần vẫn thường mơ ước?

Dân số ở “thiên đàng” hay “địa ngục” mà tôi đang sống (phải nói chính xác hơn là đã chết) hiện tăng “đột biến” kể từ khi có nạn đại dịch mà dưới trần thế gọi bằng đủ các thứ tên: nào là Coronavirus, Dịch cúm Vũ Hán, Virus China, Covid-19...

Theo thống kê ngày 20/8/2020 (Báo Tuổi Trẻ) đã có 789.948 người xuống đây, ấy là chưa kể số người nhiễm bệnh lên đến trên 22,5 triệu trong khi đó con số người hồi phục chỉ ở mức 15,2 triệu. Họ đến từ khắp nơi trên thế giới, đông nhất là từ Châu Mỹ, Châu Á  và Châu Âu.

Có hiện diện ở đây mới thấy những người “chuyển hộ khẩu” đông nhất là Mỹ (176.283 người đã làm xong thủ tục giấy tờ khai tử), kế đến là Brazil với con số 111.189 và Ấn Độ 53.994. Trong khi đó, từ nơi xuất phát dịch bệnh là Trung Quốc, lại không có tên trong “top ten” và Việt Nam, nơi tôi đã từng sinh sống, chỉ mới dừng lại con số 25.

Thật lòng tôi không mong gì gặp lại những đồng hương người Việt ở dưới này. Vui sao được dù ngày xưa các cụ có câu “xa quê hương ngộ cố tri”. Nay thì xin đổi lại là… “xa trần thế ngộ cố tri”, chẳng có gì mừng khi gặp lại nhau dưới địa ngục.

Cũng xin có đôi lời về sinh hoạt của chúng tôi dưới này. Đầu tiên là thủ tục cách ly 14 ngày để xét nghiệm xem có còn dương tính với Covi hay không. Chắc các bạn thắc mắc, chết rồi còn xét nghiệm làm gì? Như các bạn biết đấy, địa ngục có tới 9 tầng. Phải cách ly người mắc bệnh để không lây lan trước khi chuyển đến những tầng kế tiếp!

Bây giờ đang là Tháng Cô Hồn ở trần thế. Dưới này cũng vui như hội vì có quà của người thân gửi xuống. Thôi thì đủ cả: tiền âm phủ, vàng thỏi, nhà lầu, xe hơi, điện thoại và cả những hình nhân xinh đẹp cho những vị “hảo ngọt” để hú hí trong những ngày cô đơn, xa trần thế.

Hà Nội nổi tiếng với phố Hàng Mã, thời Pháp thuộc có tên là “Rue du Cuivre”, được đặt tên chung với Hàng Đồng trong khu phố cổ. Nơi đây có nghề thủ công truyền thống làm “hàng mã” dùng cho công việc cúng lễ làm “y như thật”, có điều chỉ… bằng giấy.

Phố Hàng Mã, chỉ dài khoảng hơn 300m, nhưng thực sự chuyển mình trước “Rằm Tháng 7” một tháng để phục vụ bà con mua sắm đồ cúng cô hồn, tháng của những người đã từ bỏ cõi trần. Tới đây, các bạn sẽ có đủ mặt hàng để mua sắm cho người thân đã khuất và “ship” bằng cách... đốt.

Thời trang hàng mã trong mùa Covid năm nay có gì lạ? 

Đó là sự xuất hiện của “khẩu trang bằng giấy” để gửi xuống âm phủ. Có điều mới chỉ thấy ở Singapore, đất nước vẫn còn giữ được “truyền thống tâm linh” trong tháng cô hồn dù đã “văn minh hiện đại” không kém ai nhưng vẫn không quên tập tục của ông bà xưa để lại.

Khẩu trang được bán với giá không hề rẻ, dù là hàng mã. Có lẽ đắt vì ý nghĩa trong việc người “dương” quan tâm đến người “âm”. “Tiền thật mua của giả” cũng chỉ vì cái tình của người dương thế đối với người đã khuất.

Thư đã dài nên xin phép được ngừng tại đây với hy vọng sẽ... không gặp lại các bạn ở dưới này. Tuy âm dương cách trở nhưng nếu gặp lại sẽ có nhiều phiền toái lắm đấy.

Kính thư,

 ***

Tình hình địch bệnh ngày 20/8/2020

Phố Hàng Mã vào đầu thế kỷ 20

Phố Hàng Mã ngày nay

Tiền âm phủ

Vàng thỏi được bầy bán công khai

Nhà cửa tha hồ chọn

Xe cộ đủ kiểu

Công nghệ thông tin không thiếu thứ gì

Mặt hàng thời trang

Có cả thời trang dành riêng cho phái nữ

Khẩu trang: Thời trang mới nhất trong mùa Covid tại Singapore

***

--> Read more..

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2020

Chuyện/Truyện... Ký Sinh Trùng!

Tiếng Việt cũng thâm thúy lắm. “Truyện” thuộc lĩnh vực văn chương, như truyện ngắn, truyện dài, truyện trinh thám, truyện tranh... Còn Chuyện” thuộc các lĩnh vực đời thường, chẳng hạn như chuyện vui, chuyện tình, chuyện đời, chuyện vẩn vơ, chuyện tầm phào…

Nếu hiểu như vậy thì bộ phim “Kỳ sinh trùng” (Parasite) của Hàn Quốc đã nhận được giải Oscar năm 2020 phải là “truyện phim” đầu tiên đã đoạt giải thưởng “phim không-nói-tiếng-Anh” (tham khào: https://www.facebook.com/notes/nguyen-chinh/oscar-2020-parasite-k%C3%BD-sinh-tr%C3%B9ng/10212754570977376/).  

Phim “Parasite” đề cập đến sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội Hàn Quốc. Bi hài bắt đầu khi cậu con trai cả nhà Kim “mạo nhận” là một sinh viên danh giá để trở thành gia sư kèm tiếng Anh cho tiểu thư nhà Park. Tiếp nối cậu con trai, bố mẹ và cô con gái nhà Kim cũng giả làm những người làm thuê cao cấp, thâm nhập vào nhà Park để... “kiếm miếng ăn”. 

Gia đình họ Kim trong phim Parasite. Họ gia công làm hộp bánh pizza trong một căn nhà tồi tàn tại ngoại ô Seoul

Cũng vì thế, bộ phim mang tên “Parasite”, ám chỉ những thành phầm dựa vào sự khá giả của người khác để sinh sống. Xét cho cùng, điều đó có thể chấp nhận được, người ta dựa vào nhau để sinh tồn. Sự dựa dẫm đó là kết quả của sự sòng phẳng, một bên có tiền và bên kia cung cấp dịch vụ mà giới trưởng giả cần đến.

Phim “Ký sinh trùng” không có anh hùng, cũng không có nhân vật phản diện, nó chỉ nói lên sự phức tạp của tâm lý con người trong xã hội hiện đại. Ai cũng có lý do cho cách họ hành xử. Sức hấp dẫn của bộ phim là ở chỗ không đưa ra bất cứ một bài học đạo đức mang tính rao giảng nào cả mà chỉ đơn giản là phơi bày một góc cạnh của xã hội. 

Đạo diễn Bong Joon Ho và giải 4 giải Oscar 2020 cho phim Parasite tại Hollywood

Đó là “truyện phim Ký Sinh Trùng” ở nước ngoài được khán giả ca ngợi vì nói lên sự thật của xã hội theo nguyên tắc “có vay, có trả”, “có phục vụ thì phải có đền đáp”. Tuy nhiên, sang đến nước ta, “chuyện Ký Sinh Trùng” lại gây một hiện tượng “dậy sóng” trên mạng xã hội.

Báo nhà nước, Tuổi Trẻ Online, đưa tin ngày 17/8/2020: “Nhiều khán giả đã phản ứng khi họ nghe biên tập viên trong bản tin Tài chính - kinh doanh của Đài Truyền hình Việt Nam gọi những người bán hàng rong "sống ký sinh trùng" trên đường phố”.

Trong phần giới thiệu phóng sự, phát thanh viên Anh Quang dùng lời dẫn như sau: "Dịch COVID-19 đã khiến cho những con phố du lịch hay là chủ yếu phục vụ khách nước ngoài tại TP.HCM trở nên tiêu điều. Và khi những con phố không còn sức sống, những gánh hàng rong, vốn được xem là sống ký sinh trùng trên những con phố này sẽ tồn tại ra sao?".

 

Nguyên văn lời của Quang An

Chỉ ít lâu sau, đoạn băng VTV gọi dân bán hàng rong tại TP, HCM là Ký Sinh Trùng đã bị nhanh chóng xóa trên YouTube. Tuy nhiên, vẫn còn bản sao chép lại với tiêu đề “Xóa trên youtube thì còn trên Facebook. Các bạn có thể vào xem tại: https://www.facebook.com/68CHOMHOM/videos/2619015628412005.

Cũng báo “lề phải” Thanh Niên viết: “Nhiều người bức xúc với câu nói của biên tập viên Anh Quang. Họ cho rằng cách nói ẩn dụ này không chính xác và mang tính xúc phạm vì những người bán hàng rong vẫn phải lao động, làm việc vất vả”.

Một tài khoản bình luận: “Người bán hàng rong vẫn đi làm bằng mồ hôi, nước mắt cực nhọc, sao gọi là ký sinh trong ghê rợn vậy. Thật khủng khiếp... Mùa Covid-19 này, kiếm ăn vốn đã khó mà không nghĩ là kiếm sự tử tế còn khó hơn gấp bội".

Một tài khoản khác bức xúc: “Những người bán hàng rong, những vật phẩm họ mua đều có thuế trong đó, sao nỡ gọi họ là ký sinh trùng... Ác gì mà ác dữ vậy? Thời buổi này rất lẫn lộn không biết ai mới là ký sinh trùng?".

Có rất nhiều tranh luận xung quanh vụ việc này, nhiều ý kiến cho rằng đó là do trình độ ngôn ngữ quá kém nên dùng từ cẩu thả, có thể muốn nói "cộng sinh" nhưng lại dùng sai. Cũng có thề biên tập viên bản tin và cả phát thanh viên coi thường người dân sinh sống đường phố, nhưng ví von quá lại thành... miệt thị họ. 

Phải chăng đây là “ký sinh trùng” trên đường phố?

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng: "Chắc anh này không đến nỗi vậy, chỉ vì sính chữ nhưng lại dốt chữ, mới ra sai sót". Ngay sau đó, xướng ngôn viên Anh Quang trên trang FB mang nick “Wang Phố Cổ” đã chính thức xin lỗi khán giả với lý do... “đã đọc nhịu một câu dẫn”! 

Lời xin lỗi của Anh Quang trên Facebook

Nói nhịu, (ở trường hợp Anh Quang là “đọc nhịu”) là một hiện tượng khá thú vị, có liên quan đến chức năng xử lý ngôn ngữ của não, đặc biệt là ở... phụ nữ! Người “nói nhịu” luôn dùng từ vựng xuất phát từ tiềm thức, đặc biệt là họ chuyên mắc phải những từ khá... nhạy cảm!

Chẳng hạn như trường hợp một cô giáo dạy Địa lý cấp 2, từ ngữ "ngụ cư" được dùng khá phổ biến trong bài giảng. Thế nhưng từ ngữ đó được cô “biến tấu” thành... “ngự cu”. Hay Cát Bà là điểm du lịch, ấy thế mà cứ khi nào nhắc tới địa danh đó người có tật “nói nhịu” lại bị nhầm thành “Bát Cà”. 

Một thí dụ về trường hợp... nói nhịu

Tuy nhiên, lý do “đọc nhịu” mà Anh Quang đưa ra hoàn toàn không thể nào thuyết phục được người nghe. Nếu quả thật có tật “đọc nhịu” thì anh không nên xuất hiện trước ống kính truyền hình quốc gia, có đến hàng triệu người theo dõi. VTV vẫn thường được coi là ổ của những thành phần “con ông, cháu cha”. Nhưng phải thay ngay thôi!

Quan trọng hơn cả là trách nhiệm của VTV. Với tư cách là Đài truyền hình Trung ương lẽ ra phải có lời xin lỗi với khán giả vì bản tin này. Đừng để VTV ngày càng lún sâu vào hố ngăn cách giữa nhà đài và người xem.

Lỗi sai lầm nghiêm trọng, một khi đã phát lên sóng quốc gia thì người đứng đầu phải xin lỗi dân trên ngay trên sóng quốc gia... Có lẽ đây không phải là quan điểm của VTV vì đến thời điểm này, người đứng đầu VTV vẫn... “im hơi lặng tiếng”. 

Từ ngữ gậy nhiều tranh cãi: Ký Sinh Trùng

Hình như “văn hóa xin lỗi” vẫn chưa là hiện tượng phổ biến của các cơ quan công quyền. Có chăng sự coi thường người dân, không đáng để xin lỗi? Họ chính là những người chủ thật sự với những đồng tiền thuế, tuy nhỏ nhoi, nhưng thực sự đóng góp để xây dựng nhà nước.

Để chấm dứt bài viết này, chúng tôi xin lập lại một lần nữa bình luận của một người dân đã dẫn ở trên:

“Thời buổi này rất lẫn lộn không biết ai mới là ký sinh trùng?” 

***

Tin mới nhận: Hai ngày sau “sự cố”, sáng nay (19/8/2020), VTV đã có lời xin lỗi "chân thành" đến những người bán hàng rong và khán giả về chuyện "ký sinh trùng". Các bạn có thể đọc tại: https://www.facebook.com/nganha.tran.35/videos/10157972752012144.

Thà muộn còn hơn không!

 *** 

--> Read more..

Thứ Ba, 18 tháng 8, 2020

Đời già !

Trước tiên, xin có vài lời giải thích về hai chữ “Đời già”. Dân viết lách thường kháo với nhau về “nghệ thuật đặt tít”: tựa của một bài viết nên dùng ít chữ nhưng phải làm sao cho... xúc tích!

Tôi cố theo “khuôn vàng thước ngọc” đó nhưng xem ra cái tựa này sao bí hiểm quá, nên đành phải có đôi lời “phụ đề”. “Đời già” chỉ là một cái tựa ngắn gọn của câu “đời người lúc về già”!

Rất khó để định nghĩa như thế nào là già. Trước tiên phải căn cứ vào tuổi tác, tuổi càng cao thì... càng già! Ấy thế mà có những người tuổi tác chẳng bao nhiêu nhưng vẫn được gọi là “già” chỉ vì những ý nghĩ... “già trước tuổi”. Thế cho nên, có già hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố.

Cũng may, “đời già” hiểu theo nghĩa đó thật... đáng thương chứ nói ngược lại, “già đời” ai cũng cũng có... ác cảm! “Cái ông ấy “già đời” rồi mà lại làm như vậy!” hay ác ý hơn, “Già đời mà còn dại!”.

Miên man với chữ “già” bởi vì người viết năm nay đã ngoài 70, cầm tinh con chó, năm Bính Tuất, tính theo tuổi Tây đã được 74 cái... xuân xanh. Người ta bảo con chó nên khổ: phải thức đêm giữ nhà chứ không sung sướng như con heo, chỉ ăn rồi lại ngủ... đợi ngày béo tốt ra nằm ngoài chợ chờ người mua!

Nhớ lại ngày xưa đi học, trong giờ Cổ văn, anh chó than thở về cuộc đời của mình qua tác phẩm “Lục súc tranh công”:

“Ăn thì cơm thừa, canh cặn,

Ăn thì môn sượng, khoai sùng

Tới bữa ăn chẳng luận ít nhiều,

Có cũng rằng, không cũng chớ...”

Ông chủ nhà chỉ cho ăn toàn “cơm thừ canh cặn” mà không nghĩ đến công khó của chó ta luôn trung thành, giữ gìn nhà cửa, tài sản cho gia chủ:

“Vốn như đây gia tài ủy ký,

Mà chủ không tốn kém đồng nào.

Nếu không muông coi trước giữ sau,

Thì của ấy về tay kẻ trộm”. 

Tác phẩm cổ văn “Lục súc tranh công”

Sáu con vật nuôi trong nhà - Trâu, Chó, Ngựa, Dê, Gà, Lợn - tranh nhau kể công trạng của mình và mỗi con đều cho rằng công của mình là nhất. Trâu làm ăn vất vả, có công sinh ra thóc, gạo; Chó có công coi nhà giữ trộm; Ngựa có công đem chủ đi quán về quê, đánh đông dẹp bắc; Dê có công trong việc tế lễ; Gà có công gáy sáng, xem giờ và Heo có công hy sinh thân mình trong việc quan, hôn, tang, tế.

Chủ nhà nghe các con thú tranh nhau kể công nên cũng “nhức đầu” bèn phán:

"Thôi đừng nhĩ ngã thiệt hơn.

 Phú lưỡng bạn dĩ hoà vi quí". 

Sáu con thú nuôi trong nhà

Riêng tôi cầm tinh con chó quả thật trải qua bao chuyện buồn-vui trong suốt cuộc đời, tựa như chuyện “Tái ông thất mã”. Khổ đau cũng nhiều mà sung sướng cũng không ít như người đời thường ví “lên voi, xuống chó”. Thoắt một cái bây giờ đã thấy mình già, chờ ngày xuống lỗ!

Cái triệu chứng đầu tiên của tuổi già là hay quên, mà quên những chuyện quan trọng nhưng lại nhớ toàn chuyện không đâu! Có những lúc không sao nhớ ra tên người bạn thân ngày xưa, ấy thế mà trong một phút bất ngờ sau đó cái tên lại lóe lên không đúng lúc.

Tôi lại còn có thói quen ít uống nước dù biết rằng nước rất cần đối với cơ thể. Nhớ lại ngày nào trong trại học tập cải tạo có triệu chứng của bệnh sạn thận vì “lao động là vinh quang”! Mấy anh bạn cải tạo vốn là bác sĩ ngoài đời khuyên nên phài uống thật nhiều nước may ra nếu cục sạn nhỏ có thể thoát ra ngoài nhờ đường tiểu tiện.

Thế là có dịp viết thư về nhà tôi nhắn rất cần... râu bắp. Ở nhà không hiểu tại sao nhưng cũng cố “sưu tầm” râu bắp. Uống nước nấu bằng râu bắp lợi tiểu nên chắc hòn sỏi quái ác đã thoát ra lúc nào không hay. Thế là hết bệnh!

Mấy hôm nay lại triệu chứng ngày xưa bỗng trở lại, có lẽ cũng vì cơ thể thiếu nước. Đi tiểu nhiều lần nhưng mỗi lần chỉ một ít, mỗi lần đi lại rất khó khăn, cộng thêm sự đau buốt. Tôi bèn nhớ lại ngày xưa và lập lại cách tự điều trị vì nghĩ rằng đến bệnh viện vào thời buổi dịch bệnh có nhiều bất tiện.

Con gái bảo, trong trong phòng, trên bàn làm việc lúc nào cũng phải có chai nước, tính ba lười xuống nhà uống nước lắm! Thế mới biết, “mất bò mới lo làm chuồng”. Quên gì cũng được nhưng đừng quên uống nước. Chẳng thế mà ngày 22 tháng 3 được chọn là “Ngày nước thế giới”! 

22 tháng 3: Ngày nước thế giới

“Đời già” của tôi là vậy. Phải nói đến lúc “già đời” mới học được bài học kinh nghiệm để sinh tồn:

Uống nước, uống nước và... uống nước!  

Giờ thì chai nước là bạn đồng hành thân thiết của tuổi già!

 ***

* Tham khảo truyện “Tái ông thất mã” tại https://www.facebook.com/nguyen.chinh.589/posts/10209502040066136

 ***

--> Read more..

Thứ Tư, 12 tháng 8, 2020

"Lều Chõng" và chuyện thi cử Xưa & Nay

"Lều" "Chõng" đã làm chủ vận mệnh của giang sơn cũ kỹ mà người ta tán khoe là "bốn nghìn năm văn hiến". Những ông ngồi trong miếu đường làm rường cột cho nhà nước, những ông ở nơi tuyền thạch, làm khuôn mẫu cho đạo đức phong hóa, đều ở trong đám "lều chõng" mà ra. Lều chõng với nước Việt Nam chẳng khác một đôi tạo vật đã chế tạo đủ các hạng người hữu dụng hay vô dụng. Chính nó đã làm cho nước Việt Nam trở nên một nước có văn hóa. Rồi lại chúng nó đã đưa nước Việt Nam đến chỗ diệt vong. Với chúng, nước Việt Nam trong một thời kỳ rất dài kinh qua nhiều cảnh tượng kỳ quái, khiến cho người ta phải cười, phải khóc, phải rụng rời hồn vía.

Ngô Tất Tố 

Tác phẩm “Lều Chõng” - Ngô Tất Tố

Trên đây là lời tựa tác phẩm “Lều Chõng” của tác giả Ngô Tất Tố trên báo Thời Vụ, số 109, ra ngày 10/3/1939 tại Hà Nội. Giọng văn nghe chừng như “phản động”, dám cả gan phê phán đám sĩ tử ngày xưa đã khiến Việt Nam vừa trở nên “một nước có văn hóa” nhưng đồng thời cũng đã “đưa nước Việt Nam đến chỗ diệt vong”!

Tác giả nhận xét: “…nước Việt Nam trong một thời kỳ rất dài kinh qua nhiều cảnh tượng kỳ quái, khiến cho người ta phải cười, phải khóc, phải rụng rời hồn vía”… vì cái đám “lều chõng” vốn là “tinh hoa”, những “con mọt sách Thánh Hiền” với “Tứ thư, Ngũ kinh” đến tứ phương Bắc!

Ngày xưa, thi đỗ ra làm quan còn ngày nay lại có những ông làm quan rồi mới đi học “tại chức” để có bằng nọ, bằng kia, lòe thiên hạ. Quan Xưa và Quan Nay chỉ khác nhau ở chỗ anh học trò nghèo chịu khó ăn học để đỗ đạt, “đổi đời”… còn Quan nay đa số là nhờ “phúc ấm gia đình”, “lý lịch trong sạch” nên có cơ hội được cất nhắc! 

Trường thi theo phong cách xưa

Các kỳ thi Nho học ở Việt Nam bắt đầu có từ năm 1075 dưới triều Lý Nhân Tông và chấm dứt vào năm 1919 đời vua Khải Định. Trong 845 năm đó, đã có nhiều loại khoa thi khác nhau, ở mỗi triều đại lại có những đặc điểm khác nhau. Tuy nhiên, trong các đời Lý, Trần, Hồ có một đặc điểm chung là các khoa thi đều do triều đình đứng ra tổ chức. Hệ thống thi cử tuyển người làm quan này gọi là khoa cử.

Theo học giả Đào Duy Anh, năm 1397, triều nhà Trần, Hồ Quý Ly lại bắt đầu định phép thi Hương. Những người trúng tuyển cử nhân trong kỳ thi Hương mới được dự thi Hội tổ chức vào năm sau. Ai đỗ thi Hội thì thi một bài văn sách nữa để định cao thấp, được gọi là thi Đình.

Thi Hội là khoa thi 3 năm một lần do bộ Lễ tổ chức. Từ đời Lê Thánh Tông thi Hương được tổ chức vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu và thi Hội vào năm sau Sửu, Mùi, Thìn, Tuất. Khoa thi này được gọi là "Hội thi cử nhân" hoặc "Hội thi cống sĩ" do đó gọi là thi Hội.

Từ năm 1442 thí sinh đỗ thi Hội mới có học vị Tiến sĩ, dân gian thường gọi là ông Nghè. Vào thời nhà Nguyễn những thí sinh thiếu điểm để đỗ tiến sĩ có thể được cứu xét và cho học vị Phó Bảng. Khoa thi Hội đầu tiên năm 1397 đời Trần Thuận Tông, khoa thi Hội cuối cùng tổ chức năm 1919 thời vua Khải Định, đánh dấu sự chấm dứt của khoa bảng phong kiến Việt Nam.

Sĩ tử ngày xưa có người tóc đã bạc phơ, cũng có người tóc xanh còn dấu trong vành khăn nhiễu. Có người không giấu sự nghèo túng, thân hình gầy guộc trong mảnh áo đơn nhưng cũng có người như muốn khoe vẻ phong lưu, quanh mình quấn mấy lần áo bông sù sù, hai hàm răng còn run cầm cập trong thời tiết giá rét của Hà Nội. 

Một khoa thi tại Nam Định có hơn 10.000 sĩ tử nhưng chỉ chọn được 60 người

Trở lại với “Lều Chõng” của Ngô Tất Tố. Ngày xưa, sĩ tử đi thi phải mang lều và chõng. Ông mô tả những sĩ tử với những đồ đạc lỉnh kỉnh trên đường đến trường thi: “… sườn này cái chõng tre và bộ gọng lều; sườn kia, thì bó áo tơi và cuộn áo lều, hoặc một đôi chiếu cói; trên ngực, quả bầu be và chiếc ống quyển; dưới bụng thì cái yên mộc hay cái tráp sơn”.

Trong cái yên có giấy, mực, dùi, bút... còn mang theo thịt, chả, cơm, bánh và có người lại còn thêm… một bộ bàn đèn để hút thuốc phiện! Không phải sĩ tử nào cũng là người trung thực. Có người mang theo lọ đựng nước, không phải là hình quả bầu mà là một cái lọ sành rộng miệng. Lính kiểm tra lọ bằng cách lấy que khoắng vào trong lọ, tức thì ở dưới lọ, có vật tròn tròn nổi lềnh bềnh lên mặt nước.

Té ra một mớ giấy bản viết chữ nhỏ như con kiến, người ta vo lại và trát sáp ong ở ngoài cho khỏi thấm nước… của phi pháp liền bị tịch thu. Và cái tội "mang sách vào trường" khiến ông học trò ấy bị loại ra khỏi cuộc thi cử.

Trong thời gian làm bài, khi có tiếng trống báo hiệu, sĩ tử phải cầm bài thi chạy nhanh ra nhà Thập đạo để “lấy dấu nhật trung”. Đây là chứng cứ bài làm tại trường thi chứ không phải viết sẵn ở ngoài đưa vào. Lúc trời về chiều thì có tiếng trống “thu quyển” - tức nộp bài thi. Sĩ tử nộp bài xong, hòm đựng bài thi được niêm phong và khiêng vào nhà Thập đạo, khóa bằng sắt, canh phòng cẩn mật. 

Giám khảo trong kỳ thi

Dù quy định nghiêm cẩn, rạch ròi đâu ra đó nhưng vẫn xảy ra sự gian lận lúc chấm thi. Sử còn chép lại vụ lùm xùm liên quan đến con trai Bảng nhãn Lê Quý Đôn. Trong khoa thi Hội năm 1778, giám sinh Đinh Thời Trung đã đổi quyển văn cho Lê Quý Kiệt. Sự việc bị phát giác, Quý Kiệt bị đuổi về làm thứ dân.

Lén lút đem tài liệu vào trường thi cũng từng xảy ra. Năm 1826, Đặng Tế Mỹ bị phát giác và là người đầu tiên bị hình phạt đóng gông trong 1 tháng, sau đó bị đánh bằng trượng rồi mới được tha. Ngoài ra, Mỹ cũng bị tước bằng cử nhân. Chi tiết này cho thấy, nhà Nguyễn rất nghiêm minh xử lý gian lận trong thi cử. 

Thí sinh bị phạt đeo gông trước trường thi

Ngày nay thì khác. Khỏi cần tráo bài thi mà cũng khỏi mang “tài liệu” vào phòng thi mà… vẫn đậu. Có đến hàng trăm trang mạng facebook được lập ra nhằm quảng cáo rao bán và cho thuê thiết bị “tai nghe siêu nhỏ”.

Thậm chí còn có lời mời gọi hấp dẫn “Công nghệ tai nghe quay cóp, 3 năm đèn sách không bằng cắp nách tai nghe” hay “Các bạn chỉ việc ăn chơi tiệc tùng, việc thi cử để chúng tôi lo”…kèm theo giá bán, thậm chí kèm theo những khuyến mãi. 

Quảng cáo các thiết bị gian lận thi cử công nghệ cao nhan nhản trên mạng xã hội

Trong kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông năm 2018, Nguyễn Quang Vinh là cựu Trưởng phòng Khảo thí, thuộc Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Hoà Bình, đã giữ vai trò là chủ mưu trong vụ nâng điểm thi. Có đến 15 bị cáo có liên quan đến vụ gian lận thi cử trong kỳ thi này. 

Phát hiện nhiều thiết bị gian lận trong thi cử

“Lều Chõng” mô tả quan chánh chủ khảo với xiêm xanh và đôi ủng đen có đôi bướm bạc long lanh. Bấy nhiêu thứ đó hợp lại với cây hốt ngà cầm ở trước ngực và chiếc mũ gấm xòe hai cánh ra ngoài hai tai khiến quan trông thật oai vệ.

Ngô Tất Tố mỉa mai: “… đủ làm cho ngài giống hệt những quan phường chèo nếu ngài có bộ râu dài như họ”. 

Chủ khảo hội đồng thi

Trong các lò "rèn đúc nhân tài" bấy giờ (mà ngày nay ta gọi là những “Trung tâm Luyện thi”), thường có hai lớp đại tậptrung tập. Trung tập hàng ngày phải đến nghe sách, hàng tuần phải học làm văn. Còn đại tập thì mỗi tháng tập văn hai kỳ. 

Công bố kết quả sau kỳ thi

Trong lúc quan trường chấm văn, người ta chấm như... ăn cướp, một khắc phải chấm đến mấy chục quyển. Thói thường hễ mà dấu "sơ” đã chấm thế nào, thì dấu "phúc", dấu “giám" lại chấm thế ấy! Thế cho nên nhiều sĩ tử đã bị rớt một cách oan uổng. 

Xem điểm thi Xưa & Nay

Nhà thơ tráo phúng Trần Tế Xương đã phải thốt lên những lời ai oán:

“Mai không tên tớ, tớ đi ngay,

Giỗ Tết từ đây nhớ lấy ngày,

Học đã sôi cơm nhưng chửa chín,

Thi không ăn ớt thế mà cay.” 

***

 Để xả stress, bài viết này riêng tặng các cháu sau những ngày “vật lộn với thi cử” vừa qua... 

*** 

--> Read more..

Popular posts