Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2020

Mộng cuồng…

(Lá thư này có tên “Mộng cuồng” vì sau một giấc mơ tác giả vội vùng dậy gõ máy. Chỉ sợ không nói hết ý trong thưnếu để lâu e sẽ mất hết ý nghĩa) 

***

Bạn thân mến,

Thư này viết cho bạn từ một cõi xa xăm vô hình. Ngày xưa người ta dùng những từ ngữ như “âm ti”, “địa ngục” để chỉ nơi tôi hiện sinh sống. Nơi này, ngày nay không biết nên gọi là gì? Cũng có thể đó là “cõi âm” nhưng biết đâu đó lại là “thiên đàng” như người trần vẫn thường mơ ước?

Dân số ở “thiên đàng” hay “địa ngục” mà tôi đang sống (phải nói chính xác hơn là đã chết) hiện tăng “đột biến” kể từ khi có nạn đại dịch mà dưới trần thế gọi bằng đủ các thứ tên: nào là Coronavirus, Dịch cúm Vũ Hán, Virus China, Covid-19...

Theo thống kê ngày 20/8/2020 (Báo Tuổi Trẻ) đã có 789.948 người xuống đây, ấy là chưa kể số người nhiễm bệnh lên đến trên 22,5 triệu trong khi đó con số người hồi phục chỉ ở mức 15,2 triệu. Họ đến từ khắp nơi trên thế giới, đông nhất là từ Châu Mỹ, Châu Á  và Châu Âu.

Có hiện diện ở đây mới thấy những người “chuyển hộ khẩu” đông nhất là Mỹ (176.283 người đã làm xong thủ tục giấy tờ khai tử), kế đến là Brazil với con số 111.189 và Ấn Độ 53.994. Trong khi đó, từ nơi xuất phát dịch bệnh là Trung Quốc, lại không có tên trong “top ten” và Việt Nam, nơi tôi đã từng sinh sống, chỉ mới dừng lại con số 25.

Thật lòng tôi không mong gì gặp lại những đồng hương người Việt ở dưới này. Vui sao được dù ngày xưa các cụ có câu “xa quê hương ngộ cố tri”. Nay thì xin đổi lại là… “xa trần thế ngộ cố tri”, chẳng có gì mừng khi gặp lại nhau dưới địa ngục.

Cũng xin có đôi lời về sinh hoạt của chúng tôi dưới này. Đầu tiên là thủ tục cách ly 14 ngày để xét nghiệm xem có còn dương tính với Covi hay không. Chắc các bạn thắc mắc, chết rồi còn xét nghiệm làm gì? Như các bạn biết đấy, địa ngục có tới 9 tầng. Phải cách ly người mắc bệnh để không lây lan trước khi chuyển đến những tầng kế tiếp!

Bây giờ đang là Tháng Cô Hồn ở trần thế. Dưới này cũng vui như hội vì có quà của người thân gửi xuống. Thôi thì đủ cả: tiền âm phủ, vàng thỏi, nhà lầu, xe hơi, điện thoại và cả những hình nhân xinh đẹp cho những vị “hảo ngọt” để hú hí trong những ngày cô đơn, xa trần thế.

Hà Nội nổi tiếng với phố Hàng Mã, thời Pháp thuộc có tên là “Rue du Cuivre”, được đặt tên chung với Hàng Đồng trong khu phố cổ. Nơi đây có nghề thủ công truyền thống làm “hàng mã” dùng cho công việc cúng lễ làm “y như thật”, có điều chỉ… bằng giấy.

Phố Hàng Mã, chỉ dài khoảng hơn 300m, nhưng thực sự chuyển mình trước “Rằm Tháng 7” một tháng để phục vụ bà con mua sắm đồ cúng cô hồn, tháng của những người đã từ bỏ cõi trần. Tới đây, các bạn sẽ có đủ mặt hàng để mua sắm cho người thân đã khuất và “ship” bằng cách... đốt.

Thời trang hàng mã trong mùa Covid năm nay có gì lạ? 

Đó là sự xuất hiện của “khẩu trang bằng giấy” để gửi xuống âm phủ. Có điều mới chỉ thấy ở Singapore, đất nước vẫn còn giữ được “truyền thống tâm linh” trong tháng cô hồn dù đã “văn minh hiện đại” không kém ai nhưng vẫn không quên tập tục của ông bà xưa để lại.

Khẩu trang được bán với giá không hề rẻ, dù là hàng mã. Có lẽ đắt vì ý nghĩa trong việc người “dương” quan tâm đến người “âm”. “Tiền thật mua của giả” cũng chỉ vì cái tình của người dương thế đối với người đã khuất.

Thư đã dài nên xin phép được ngừng tại đây với hy vọng sẽ... không gặp lại các bạn ở dưới này. Tuy âm dương cách trở nhưng nếu gặp lại sẽ có nhiều phiền toái lắm đấy.

Kính thư,

 ***

Tình hình địch bệnh ngày 20/8/2020

Phố Hàng Mã vào đầu thế kỷ 20

Phố Hàng Mã ngày nay

Tiền âm phủ

Vàng thỏi được bầy bán công khai

Nhà cửa tha hồ chọn

Xe cộ đủ kiểu

Công nghệ thông tin không thiếu thứ gì

Mặt hàng thời trang

Có cả thời trang dành riêng cho phái nữ

Khẩu trang: Thời trang mới nhất trong mùa Covid tại Singapore

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts