Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

Lính thú thời xưa (1): Lính triều Nguyễn

Đây là loạt bài về lính thú thời xưa, bao gồm từ thời các vua Nguyễn cho đến thời Pháp thuộc. Việt Nam trong thời Pháp thuộc được chia thành “ba kỳ”: Tonkin (Bắc kỳ), Cochinchine (Nam kỳ) và Annam (Trung kỳ).

***

Tại Trung kỳ (Annam) thuộc quyền các vua triều Nguyễn từ 1802 đến 1945, do đó việc tổ chức các lực lượng vũ trang do triều đình phụ trách. Các loại lính bao gồm:

(1)  “Lính Kinh Đô” có nhiệm vụ bảo vệ Hoàng gia và Kinh thành Huế;
(2)  “Lính Thượng Tứ” gồm kỵ binh và bộ binh;
(3)  “Lính Kỹ Thuật” gồm lính chuyên lo về binh khí và sau này còn có vũ khí nặng như súng thần công.

 Các loại quân thời Nguyễn. Tranh viện Viễn Đông Bác Cổ. Bảo tàng Hà Nội

Tại Trung kỳ, lính thú được các vua triều Nguyễn thành lập với mục gìn giữa giang sơn miền Trung đồng thời bảo vệ triều đình. Họ còn được gọi là “Lính Khố Vàng”. Sở dĩ có tên “Lính Khố Vàng” vì người lính thắt lưng bằng dây vải vàng. Ngoài ra trên đầu cón có nón là nón dấu trên chóp làm bằng thau.

Tranh vẽ thế kỷ 19 với hai phụ nữ (trái) và ba người lính (phải) thời nhà Nguyễn.
Lính cầm súng trường và đao

Về vũ khí, ngoài đao và kiếm, họ được trang bị súng hỏa mai, loại súng nạp trên đầu và phải châm ngòi mới phát nổ được. Thời Gia Long còn có súng đại bác “thần uy tướng công” được gọi tắt là “thần công”. Lính bấy giờ còn đi chân đất chưa có giày dép như sau này.

Đại bác “Thần uy tướng công” (hàng dưới) đúc triều Gia Long (1817)

Gươm, giáo

Gươm triều Nguyễn

Thời bấy giờ, tùy theo nhu cầu, xã thôn lập sổ đinh (sổ thanh niên trai tráng) trong xã rồi chọn ra 3 lấy 1 hoặc 5 lấy 1... rồi nộp giao cho quan huyện tập trung chuyển lên phủ.. làm nhiệm vụ ở địa phương hoặc triều đình điều động theo nhu cầu.

Câu ca dao “Ba năm trấn thủ lưu đồn / Ngày thời canh điếm, tối dồn việc quan” gợi ý thời xưa cũng có “chế độ quân dịch” (ngày nay gọi là “nghĩa vụ quân sự”) kéo dài một thời gian ba năm. Người lính được điều động đến các vùng xa xôi để trấn tại biên giới, đồn bóp trọng yếu của quốc gia.

Lính ngự lâm

Tìm hiểu về lính thú dưới triều Nguyễn ta có thể hiểu tại sao thành Gia Ðịnh bị mất dễ dàng vào tay người Pháp, ba tỉnh Biên Hòa, Gia Ðịnh, Ðịnh Tường phải nhường cho lực lượng tấn công vượt trội của đội quân đến từ châu Âu. Cuối cùng, ba tỉnh ở Nam Kỳ: Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên bị mất trong vòng có 5 ngày!

Bức họa mô tả cuộc tấn công thành cổ Sơn Tây của quân Pháp

Nhà sử học Trần Trọng Kim đã nhận xét về việc võ bị thời Tự Đức:

“Tuy bấy giờ nước ta có lĩnh võ sinh, có quan võ tiến sĩ, nhưng mà thời đại khác đi rồi, người ta đánh nhau bằng súng nạp hậu, bằng đạn trái phá chứ không bằng gươm bằng giáo như trước nữa. Mà quân lính của mình mỗi đội có 50 người thì chỉ có 5 người cầm súng điểu thương cũ, phải châm ngòi mới bắn được, mà lại không luyện tập, cả năm chỉ có một lần tập bắn. Mỗi người lính chỉ được bắn có 6 phát đạn mà thôi, hễ ai bắn quá số ấy thì phạt.

“Quân lính như thế, binh khí như thế, mà quan thì lại cho lính về phòng, mỗi đội chỉ để độ chừng 20 tên tại ngũ mà thôi. Vậy nên đến khi có sự, không lấy gì mà chống giữ được”.

Các lực lượng vũ trang bảo vệ Hoàng gia (1919-1926)

Lính Ngự lâm dưới triều Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn (1926–1945)

Kỵ binh Hoàng gia


***
--> Read more..

Thứ Ba, 23 tháng 5, 2017

Những sự kiện đầu tiên trong đời

Điều mà người ta thường gọi là “những cái đầu tiên trong đời” bao hàm một phạm vi rộng lớn và cả một không gian trải dài. Riêng đối với tôi, giờ chỉ còn thu gọn với vài cột mốc biến cố được coi là “trọng đại” trong đời.

Có những sự kiện tưởng chừng như tầm thường dưới mắt người này nhưng lại vô cùng ý nghĩa với những người khác. Đó cũng là điều dễ hiểu vì mỗi người chúng ta đều có những hoàn cảnh riêng mà chỉ người trong cuộc mới cảm thấy quan trọng.  


Mời các bạn đi ngược về quá khứ để nhìn lại những cái đầu tiên trong đời tôi.

Tấm hình đầu tiên: Ba anh em tôi tại Hà Nội trong đó có một người em trai đã mất khi hãy còn nhỏ. Mẹ tôi ngày xưa thường nói về cậu trai cưng đã khuất... Giá mà Quang (đứng bên phải) còn sống thì sẽ có một tương lai sáng sủa nhất trong số anh em chúng tôi!

Hình bốn mẹ con tôi chụp trên đường Trần Xuân Soạn, gần hồ Halais (ngày nay gọi là Hồ Thiền Quang), Hà Nội, năm 1949.

Tôi có chiếc xe hơi đầu tiên… chụp năm 1952 tại Hà Nội. Dĩ nhiên đây chỉ là chiếc xe hơi đồ chơi nhưng cũng có đủ: volant để lái và phía dưới có hai bàn đạp để chạy!. Dàng đứng chắc do ông phó nhòm đạo diễn! 

Em gái tôi có con ngựa gỗ… Đế của con ngựa hình vòng cung nên khi ngồi, tay nắm hai bên tai ngựa và cứ thế là nhún nhảy với cảm giác… ngựa phi đường xa. 
Các bạn có để ý không? Phía sau bức hình là chiếc Velo Solex!

Ngôi trường đầu tiên của tôi: Năm 1952, Trường Puginier Hà Nội. 
Puginier là tên của Giám mục Paul Puginier, giám mục địa phân Tây Đàng Ngoài (1868 – 1892), đặt Tòa Giám Mục ở Kẻ Sở. Trường Puginier chính thức thành lập từ năm 1895 và đóng cửa ngày 15/09/1954 sau Hiệp định Geneve. Danh tiếng của trường cũng lùi lại trong quá khứ chỉ còn vọng lại đâu đó với những lời tri ân của các cựu học sinh La San tại Hà Nội như là những tiếng thì thầm trong cõi lòng đôi khi chỉ đủ một người nghe.

Hình chụp tại Vĩnh Yên, 1953 trước khi vào Nam.
Nhà cô tôi ở Vĩnh Yên, cô chú mở tiệm chụp hình nên chụp thoải mái. Ngày xưa trong phòng chụp có "phông" vẽ phong cảnh để hình chụp thêm sống động.

Hình chụp với người em họ tại Vĩnh Yên, 1953, trước khi vào Nam.

Tấm hình đầu tiên chụp tại Đà Lạt… 
Năm 1953 gia đình tôi vào Đà Lạt  và chụp tấm hình này năm 1954. Chú bé đầu đội mũ berret, mặc chiếc áo len “cổ lọ” và trên ngực có những giòng nhạc…. trên tay chú là tấm “Bảng danh dự” của trường Nam tiểu học Đà Lạt.

Tấm hình chụp chân dung đầu tiên để làm “Thẻ Học Sinh” năm 1956 tại Đà Lạt.

***






--> Read more..

Thứ Tư, 17 tháng 5, 2017

Thi cử ngày xưa

Ngày xưa, "lều” và “chõng" là một hiện tượng đặc thù của nền “văn hóa thi cử” Việt Nam. Đây cũng là tựa đề của cuốn truyện “Lều Chõng” mà Ngô Tất Tố đã giới thiệu trên báo “Thời Vụ”, số 109 ra ngày 10/3/1939, với những nhận xét có phần cay đắng về giới “lều chõng”:

"Lều" "Chõng" đã làm chủ vận mệnh của giang sơn cũ kỹ mà người ta tán khoe là "bốn nghìn năm văn hiến". Những ông ngồi trong miếu đường làm rường cột cho nhà nước, những ông ở nơi tuyền thạch, làm khuôn mẫu cho đạo đức phong hóa, đều ở trong đám "lều chõng" mà ra.

“Lều chõng với nước Việt Nam chẳng khác một đôi tạo vật đã chế tạo đủ các hạng người hữu dụng hay vô dụng. Chính nó đã làm cho nước Việt Nam trở nên một nước có văn hóa. Rồi lại chúng nó đã đưa nước Việt Nam đến chỗ diệt vong. Với chúng, nước Việt Nam trong một thời kỳ rất dài kinh qua nhiều cảnh tượng kỳ quái, khiến cho người ta phải cười, phải khóc, phải rụng rời hồn vía…”

Trường thi theo phong cách xưa

Dưới triều nhà Lý và nhà Trần, cả ba tôn giáo - Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo - đều được coi trọng và đối xử một cách công bằng. Triều đình nhà Lý đã mở các khoa thi “Tam trường” để lấy người bổ làm quan. Sang đời Hậu Lê thì Nho học độc tôn. Triều nhà Lê còn mở khoa thi kinh điển dành riêng cho các nhà tu hành một cách hạn chế.

Một khoa thi tại Nam Định: có hơn 10.000 sĩ tử nhưng chỉ chọn được 60 người

Đến thời vua Minh Mệnh, Nho học suy vi. Khi Việt Nam tiếp xúc với Tây phương qua thời kỳ Thuộc địa của người Pháp, tình trạng xã hội biến thiên nhanh chóng, Nho học phải nhường chỗ cho các học thuật mới. Việt Nam sau khi trở thành thuộc địa thì bỏ khoa cử mà theo Pháp học, riêng ở miền Bắc vào năm 1915 và miền Trung, năm 1918, việc thi cử theo lối cũ mới kết thúc.

Các kỳ thi Nho học ở Việt Nam bắt đầu có từ năm 1075 dưới triều Lý Nhân Tông và chấm dứt vào năm 1919 đời vua Khải Định. Trong 845 năm đó, đã có nhiều loại khoa thi khác nhau, ở mỗi triều đại lại có những đặc điểm khác nhau. Tuy nhiên, trong các đời Lý, Trần, Hồ có một đặc điểm chung là các khoa thi đều do triều đình đứng ra tổ chức. Hệ thống thi cử tuyển người làm quan này gọi là khoa cử.

Giám khảo trong kỳ thi

Theo học giả Đào Duy Anh, năm 1397, triều nhà Trần, Hồ Quý Ly lại bắt đầu định phép thi Hương. Những người trúng tuyển cử nhân trong kỳ thi Hương mới được dự thi Hội tổ chức vào năm sau. Ai đỗ thi Hội thì thi một bài văn sách nữa để định cao thấp, được gọi là thi Đình.

Nhà Hậu Lê, vua Lê Thái Tổ đánh thắng nhà Minh, vẫn chưa định phép thi Hương, thi Hội, đến đời vua Lê Thái Tông mới hạ chiếu thi khảo trong nước. Kỳ thi này lấy hơn ngàn người trúng tuyển, chia làm ba hạng: hạng nhất và nhì bổ vào Quốc tử giám còn hạng ba vào trường ở các đạo để học tập, họ được miễn lao dịch.

Công bố kết quả sau kỳ thi

Thi Hội là khoa thi 3 năm một lần ở cấp trung ương do bộ Lễ tổ chức. Từ đời Lê Thánh Tông thi Hương được tổ chức vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu và thi Hội vào năm sau Sửu, Mùi, Thìn, Tuất. Khoa thi này được gọi là "Hội thi cử nhân" hoặc "Hội thi cống sĩ" (các cử nhân, cống sĩ, tức là người đã đỗ thi Hương ở các địa phương, tụ hội lại ở kinh đô để thi) do đó gọi là thi Hội.

Trước năm 1442, thí sinh đỗ cả 4 kỳ được công nhận là trúng cách thi Hội, nhưng không có học vị gì. Nếu không tiếp tục thi Đình thì vẫn chỉ có học vị hương cống hoặc cử nhân. Chỉ sau khi thi Đình, người trúng cách thi Hội mới được xếp loại đỗ và mới được công nhận là có học vị các loại tiến sĩ.

Từ năm 1442 thí sinh đỗ thi Hội mới có học vị Tiến sĩ (tức Thái học sinh - tên dân gian là ông Nghè). Người đỗ đầu gọi là Hội Nguyên.Vào thời nhà Nguyễn những thí sinh thiếu điểm để đỗ tiến sĩ có thể được cứu xét và cho học vị Phó Bảng (ông Phó Bảng hay Ất tiến sĩ). Khoa thi Hội đầu tiên năm 1397 đời Trần Thuận Tông, khoa thi Hội cuối cùng tổ chức năm 1919 thời vua Khải Định, đánh dấu sự chấm dứt của khoa bảng phong kiến Việt Nam.

Chủ khảo hội đồng thi

Kỳ thi cao nhất là thi Đình tổ chức tại sân đình nhà vua. Nơi thi là một cái nghè lớn, nên sau này người ta thường gọi các vị vào thi là các “Ông Nghè”. Nhà vua trực tiếp ra đầu đề, và sau khi hội đồng giám khảo hoàn thành việc chấm bài, cân nhắc điểm sổ, chính nhà vua tự tay phê lấy đỗ. Người đỗ đầu gọi là Đình Nguyên.

Đôi khi lúc chấm bài, chủ khảo (trong đó có cả vua) thấy người thủ khoa không đạt được điểm số tối thiểu để gọi là Trạng. Những khoa này sẽ không có trạng nguyên - thủ khoa giữ cấp Đình nguyên (như trường hợp Lê Quý Đôn đỗ cao nhất nhưng chỉ được cấp vị Đình nguyên Bảng nhãn). Theo lệ cũ, người nào đã thi Hội đỗ vào thi Đình đều không bị đánh hỏng,. Riêng chỉ có khoa thi năm 1496, vua Lê Thánh Tông thân hành xem xét và đã đánh hỏng 11 người.

Thời nhà Nguyễn, thi Đình chỉ đối sách một bài rất dài. Quan trường hội đồng xét văn rồi đứng lên Ngự lãm, điểm cao lấy vào hạng Tiến sĩ, điểm thấp thì vào hạng Phó bảng. Vào năm 1828 vua Minh Mạng chỉnh đốn lại khoa cử và bỏ Đệ nhất giáp. Học vị trạng nguyên, bảng nhãn không còn trên khoa bảng từ đó.

Tân khoa ra mắt chức sắc vào thời Pháp thuộc

Lê Quý Đôn khi bình về việc thi cử đời nhà Hậu Lê cho rằng: “Quốc giao khôi phục sau khi nhiễu nhương thì nhà Nho vắng vẻ, đến đời Hồng Đức mở rộng khoa mục thì kẻ sĩ xô về hư văn, đời Đoan Khánh trở đi thì sĩ tập suy bại quá lắm”.

Vua Minh Mệnh triều Nguyễn cũng đã phê phán : “Lâu nay khoa cử làm cho người ta sai lầm. Văn chương vốn không có qui củ nhất định, mà nay những người làm văn cử nghiệp thì câu nệ hủ sáo, khoe khoang lẫn nhau, biệt mối nhà một lối, nhân phẩm cao hay thấp do tự đó. Học như thế thì trách nào nhân tài chẳng mỗi ngày một kém đi”.

Pham Kế Bính đưa ra nhận xét: “Xưa nay lối khoa cử của ta là một con đường rộng rãi phẳng phiu cho bọn sĩ phu. Sĩ phu có do con đường ấy xuất thân mới là chinh đồ, mà sự vinh hạnh về sau cũng bởi đó mà ra cả. Bởi vậy nhân tâm nước mình say mê bia đá bảng vàng, cố sức dùi mài truyện hiền, kinh thánh, có người đầu bạc mà vẫn chịu khó đeo bộ lều chiếu để đua ganh với bọn thiếu niên. Mà rút lại thì có gì đâu, học cũng chẳng qua là học văn chương, thi cũng chẳng qua là thi văn chương...”

***

* Hình ảnh sử dụng trong bài này có xuất xứ từ bài viết “L'enseignement en Indochine” trên trang web http://belleindochine.free.fr/


***
--> Read more..

Thứ Bảy, 13 tháng 5, 2017

Lại bàn về cá

Lisa Ericson là một nhà hoạt động nghệ thuật và đồng thời là một họa sĩ chuyên vẽ tranh “siêu thực” (hyperrealistic) trong bối cảnh thiên nhiên.

Tranh của cô thường chọn chủ đề về động vật dựa trên những sự giao thoa giữa các sinh vật với nhau. Sự tương quan đó hoàn toàn trừu tượng. Chẳng hạn như giữa chuột và bướm, hai sinh vật này tưởng chừng như chẳng có gì liên quan đến nhau theo suy nghĩ của mọi người. Tuy nhiên, qua óc tưởng tượng phong phú của Lisa, đó là cả một sự gắn bó kỳ lạ.



Trong bài này, chúng tôi chọn những bức tranh “siêu thực” của Lisa có liên quan đến biển. Những bức tranh dưới đây mô tả mối tương quan giữa San hô trong môi trường biển. Mối tương quan đó được thể hiện qua phần đuôi cá, ẩn dấu bằng những bụi san hô sống động sau lưng. 










Bức hình cuối cùng hoàn toàn không thuộc trường phái “siêu thực”. Trái lại, đó rất “hiện thực” để người thưởng ngoạn có thể thấy sự tinh vi và tỷ mỷ trong việc sáng tác của Lisa Ericson. Tranh của cô đã được triển lãm vào tháng 12/2016 tại Gallery Portland, Oregon, Hoa Kỳ. Cuộc triển lãm mang tên "Supernature". 


***

Tôi chọn tranh cá và san hô vì một lý do rất dễ hiểu: “Môi trường biển của Việt Nam ngày càng tồi tệ do chính bàn tay của con người tàn phá”. 

Đó là một thực tế không thể chối cãi kể từ khi cá chết hàng loạt dọc theo bờ biển miền Trung. Ngư dân không còn bám biển. Người dân không còn thoải mái khi ăn cá.

Những hệ lụy của hiện tượng biển đã chuyển từ vấn đề xã hội & môi trường sang vấn nạn chính trị mà những người có trách nhiệm vẫn loay hoay không tìm ra một lối thoát. 

“Cá cần nước sạch – Dân cần minh bạch”!  

Người xưa thường hãnh diện khi nói về Việt Nam, một đất nước có “tiền rừng, bạc biển”… Tuy nhiên, cả rừng lẫn biển ngày nay đâu còn là nguồn lợi mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho chúng ta nữa.

***


--> Read more..

Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

Lại một bất ngờ thú vị

Thứ Sáu, 6/5/2017, tôi nhận được điện thoại từ Phong Quang, cựu phóng viên ảnh của “Vietnam Investment Review” từ hồi đầu thập niên 90s. Anh Quang báo tin đã nhận được cuốn sách “Hồi ức Sài Gòn” do con mua tại Hoa Kỳ gửi về. Anh hẹn ngày mai 9g anh em gặp nhau tại Starbucks, chỗ góc đường Lê Thánh Tôn-Pasteur uống cà phê. Anh còn nói thêm, bác sĩ Tuấn Anh cũng sẽ có mặt.

Cách đây mấy tháng, tôi cũng gặp Phong Quang và Tuấn Anh tại buổi ra mắt “Sài Gòn không phải ngày hôm qua” của Phúc Tiến tại Đường Sách. Tôi vốn “lười” đi nhưng với hai bạn này đã rủ thì thế nào cũng phải tới.

Sáng Thứ Bảy chưa ra khỏi nhà thì Phong Quang còn inbox nhắn thêm: “Anh Chính, anh vui lòng mặc trang phục công sở khi đi uống café hôm nay nhé. Có việc cần. Cảm ơn anh”. Quả thật tôi rất thắc mắc nên trả lời: “Ghê thế!”.

Ba người hẹn nhau và tôi là người đến sớm nhất. Có lẽ vì đã lớn tuổi nên bao giờ có hẹn tôi cũng đến sớm vì sợ bất trắc dọc đường. Phong Quang đến với đống đồ nghề lỉnh kỉnh, tôi đoán chắc anh sẽ đi “tác nghiệp” đâu đó sau chầu café. Có lẽ đoán được thắc mắc không nói ra của tôi nên Phong Quang giải thích ngay.

Anh đã hẹn với một chiếc cyclo lúc 10g để thực hiện một “kịch bản” anh sắp xếp trước. Phong Quang lấy ra cuốn “Hồi ức Sài Gòn” vừa nhận được qua một người bạn “xách tay” mang về, anh chỉ vào chiếc cyclo và nói ngay:

“Tôi muốn thực hiện một cảnh tương tự như bìa sách trước Tòa Đô Chánh, lấy đúng góc cạnh của hình xưa nhưng thay vào đó, người ngồi trên cyclo sẽ là một “ông già” chứ không phải người thiếu nữ năm xưa… Còn người ngồi sau đạp cyclo sẽ nhờ Bác sĩ Tuấn Anh..”

Quang còn chuẩn bị mang theo một mũ “phớt” để tôi đội, quyển sách cũng đã có sẵn, lại kèm theo một iPad nữa cho có vẻ “hiện đại”… 


Ký tặng sách cho Phong Quang

Thật bất ngờ với những ý tưởng của Phong Quang! Tôi nhớ, anh đã từng “dàn dựng” nhiều hình ảnh cho các nhân vật nổi tiếng như nhạc sĩ Phạm Duy, Văn Cao, Nguyễn Ánh 9, Trịnh Công Sơn… Tuy nhiên, đối với tôi – một người “vô danh tiểu tốt” – thì đây là một bất ngờ lớn.

Có lẽ cũng xuất xứ từ tình bạn “thâm căn cố đế” và cũng là tình đồng nghiệp ngày xưa nên anh mới làm thế. Tôi nhớ lại chiếc mũ phớt màu đen mà Phong Quang mang theo cùng đồ nghề nhiếp ảnh. Hình như chiếc mũ này cũng là một “đạo cụ” anh đã dùng khi thực hiện “con đường cái quan” với Phạm Duy. Không biết tôi có nhớ lộn không?

Quang cũng đưa ra những nhận xét rất chân tình và cũng rất chính xác về cuốn “Hồi ức Sài Gòn”. Theo anh, sách thiếu phần mục lục để độc giả có thể tìm đọc những bài mình thích trong số 39 bài viết. Sách sẽ dàn trang đẹp hơn nếu cứ mỗi bài viết được bắt đầu ở những trang chẵn nhằm tạo sự chú của người đọc. Rồi các hình ảnh minh họa cần chăm chút hơn nữa để làm tăng giá trị của cuốn sách!    

Khi Bác sĩ Tuấn Anh đến, Phong Quang tặng anh cái cái tripod để chụp hình. Cái chân máy ảnh 3 càng này còn có một “monopod” ở giữa để sử dụng trong những địa thế chật hẹp. Tuấn Anh rất thích chụp ảnh (mà tripod chính là cái giá để đỡ mày ảnh không bị rung khi chụp) nên món quà của Phong Quang rất có ý nghĩa.

Phong Quang còn mang theo hình bìa scan từ cuốn “Hồi ức Sài Gòn” để tặng Tuấn Anh và tôi. Quá là chu đáo! Cuối cùng anh mới nói với Tuấn Anh về chuyện dàn dựng và ngỏ ý nhờ bác sĩ ngồi đạp xe cyclo trong việc phục dựng lại cảnh Sài Gòn xưa.  Tuấn Anh hoan hỉ chấp nhận đề nghị và tôi chỉ có một yêu cầu là thời gian chụp ảnh chỉ kéo dài độ 5 hay 10 phút trước Tòa Đô Chánh… để tránh thiên hạ dòm ngó!

Ký tặng "bìa sách" cho BS Tuấn Anh

Ba chúng tôi ngồi nói chuyện chờ cyclo. Đã hơn 10g mà vẫn chưa thấy bóng dáng chiếc cyclo. Nóng ruột nên Phong Quang điện thoại hỏi và cuối cùng được biết anh cyclo không thể vào trung tâm Quận 1.

Tưởng câu chuyện chấm dứt ở đây nhưng anh Quang lại có một giải pháp khác, cũng tựa như ngày xưa mỗi lần có đảo chính các tay chính trị-quân sự đều có phương án “Bravo” nhưng cũng có thêm “Bravo 1” để thích nghi với diễn biến của tình hình thực tế.

“Bravo 1” của Quang là chụp hình lấy backgound vẫn là Tòa Đô Chánh, không có cyclo thì đi bộ vậy. Thế là tôi có dịp được học hỏi thêm kinh nghiệm của những “người mẫu” trong các buổi chụp hình. Không phải chuyện đơn giản như ta nghĩ.

Gặp những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, “người mẫu” sẽ cảm thấy không “thoải mái” chút nào vì mọi hành động, cử chỉ đều phải theo ý của “đạo diễn”. Đi tới, đi lui, qua đường, dừng lại… nhất nhất đều theo ý của người chụp. Trên tay lại phải cầm cuốn sách và iPad, khi thì nhìn tòa nhà, khi thì nhìn vào ống kính, lúc thì đứng “suy tư”… có khi phải diễn lại hai hay ba lần, cho đến khi “phó nhòm” cảm thấy hài lòng!




Chưa hết. Lại còn phải chọn chỗ để ghi những bức hình chân dung… “ông già”. Lúc đứng “phơi sáng” ngoài nắng, khi thì tần ngần dưới bóng cây. Thôi thì đủ kiểu – profile, close-up – nhưng con số hình có lẽ chưa đến “trăng-sít mốt” như ngày xưa chụp bằng máy cơ.



Các bạn chắc cũng thắc mắc, còn ông bác sĩ làm gì? Tuấn Anh cũng bấm máy. Hôm sau tôi nhận được một tấm hình đen trắng Tuấn Anh ghi lại cảnh “người mẫu” và “đạo diễn” đang chỉ trỏ:


Cũng vào ngày hôm sau “sự kiện trọng đại”, Phong Quang inbox:
“Vui vì dường như làm cho anh trẻ lại được chục tuổi! Giống như đang còn đi làm”.

Tôi vội vàng trả lời:
“Thanks Phong Quang… một buổi sáng Thứ Bảy đầu bất ngờ và thú vị”.


***


--> Read more..

Thứ Sáu, 5 tháng 5, 2017

Nghề chơi cũng lắm công phu: Sưu tầm hộp quẹt Zippo


* Tháng 8/2014 tôi đã post một bài viết với nhan đề “Câu chuyện phía sau những chiếc hộp quẹt Zippo” http://chinhhoiuc.blogspot.com/2014/08/cau-chuyen-phia-sau-nhung-chiec-hop.html, trong đó điểm qua một số giai đoạn lịch sử của Zippo. Đây là bài viết thứ hai đi sâu vào khía cạnh sưu tầm hộp quẹt Zippo, một cái thú (hobby) của nhiều người, ở trong cũng như ngoài nước thuộc đủ mọi quốc tịch trên thế giới.

***

Một con số phỏng đoán (dĩ nhiên chưa có độ chính xác cao): khoảng 200.000 chiếc hộp quẹt Zippo đã được khắc kỷ niệm bởi các GI’s (Government Issues – ám chỉ quân nhân Hoa Kỳ) tại Việt Nam trong suốt chiều dài cuộc chiến. Tuy nhiên, việc sưu tầm Zippo không phải chỉ giới hạn trong giai đoạn Chiến tranh Việt Nam mà còn ở việc tìm kiếm những chiếc hộp quẹt từ trước đó nữa.

Chiếc Zippo có một lịch sử gắn liền với quân đội Hoa Kỳ từ thời đệ nhị thế chiến. Chính xác hơn là năm 1945 đã có một số quân nhân Mỹ được gửi sang Việt Nam giúp lực lượng kháng chiến Việt Minh chống lại quân đội Nhật trong cuộc chiến tại Thái Bình Dương.

Thời chiến tranh Đông Dương, có các loại hộp quẹt Olympic và Drago dùng trong quân đội Pháp. Trong trận Điện Biên Phủ cũng có một số phi công người Mỹ tại các căn cứ Gia Lâm và Bạch Mai, họ cũng tặng một số Zippo cho các phi công lái Dakota người Pháp để làm kỷ niệm.

Tại Việt Nam thời chiến tranh Đông Dương, người Pháp còn có lực lượng Quân đội Viễn chinh (La Légion Étrangère), còn được gọi là đội quân “Mũ Kepi Trắng” (Les Képi Blanc). Họ là những binh sĩ cuối cùng rời khỏi Hà Nội năm 1954 khi Hiệp định Genève được ký kết.

Hộp quẹt của Đội quân Viễn chinh Pháp tại Việt Nam trong cuộc Chiến tranh Đông Dương

Tại Nhật Bản, các nhà sưu tập lại chú ý đến hình ảnh “người phụ nữ Á Đông và con chim hòa bình” (La femme à l'oiseau) được khắc trên hộp quẹt Zénith là một kỷ vật từ thời kỳ PX (Post Exchange – một hình thức các cửa hàng bán lẻ phục vụ quân đội Hoa Kỳ) được mở cửa tại đây.  

“La femme à l'oiseau” – Kỷ niệm từ Nhật Bản

Trong cuộc chiến Triều Tiên cũng đã có sự tham gia của quân đội Hoa Kỳ và như thế, chiếc Zippo theo chân người lính ra tận chiến trường.

Zippo từ thời chiến tranh Triều Tiên (1952)

Zippo được sản xuất theo từng đợt và mỗi đợt đều có “code” nằm bên dưới đáy hộp quẹt. Với những mã số này, người sưu tầm có thể xác định niên đại cũng như đánh giá sự quý hiếm của Zippo mà mình sở hữu.


Code Zippo sản xuất năm 1952, thời Chiến tranh Triều Tiên

Zippo sản xuất năm 1967 thời Chiến tranh Việt Nam

Zippo sản xuất năm 1968

Những dòng chữ được khắc trên hộp quẹt trong chiến tranh Việt Nam có code từ các năm 1965 đến 1973. Đó là thời điểm quân đội Hoa Kỳ đến và rút khỏi Việt Nam theo Hiệp định Paris.

Có hai cách khắc chính trên hộp quẹt: khắc bằng tay (thủ công) và khắc bằng máy (được gọi là “máy vẽ (khắc) truyền” – Pentograph). Nhiều khi người lính cũng tự khắc lấy và những “tác phẩm điêu khắc” mộc mạc này nhiều khi còn quý hơn đối với những người sưu tập!

“Tự biên… tự diễn”

Thợ khắc thủ công

Máy vẽ (khắc) truyền” – Pentograph

Lính Mỹ khắc hộp quẹt tại Sài Gòn

Những thông điệp khắc trên hộp quẹt rất đa dạng. Từ những câu triết lý nghiêm trang “To love each other is not to look at each other but to look together at the same aim” đến những câu bất cần đời theo ngôn ngữ của lính “If I had a farm in Vietnam and a home in hell. I’d sell my farm and go home”. Từ những tâm trạng khắc khoải của người lính xa nhà “I can’t live without you, I can’t anymore but I can’t die” đến những ngán ngẩm trước sự chết chóc “There is nothing so sweet as the smell of death in the morning”.

Thông điệp trên hộp quẹt…

… là những gửi gấm nỗi lòng

Zippo cũng xuất hiện trong quân lực VNCH với huy hiệu của các binh chủng như Nhảy dù, Thủy quân Lục chiến, Biệt động quân, Biệt kích 81…

Zippo của binh chủng Nhảy dù

Đặc biệt hơn cả là những chiếc hộp quẹt quà tặng của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu kèm theo chữ ký. Những món quà này thường được tặng cùng với “Anh dũng Bội tinh” hay “Chiến thương Bội tinh” dành cho những quân nhân xuất sắc.

Qùa tặng của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu


***  
--> Read more..

Popular posts