Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2023

Qúy Mão... Thiên Di !


Với gia đình tôi, những ngày đầu xuân năm nay quả thật là một năm hứa hẹn nhiều dịch chuyển. Nói theo tử vi, là một năm có cung Thiên Di với một số thành viên trong gia đình qua lại giữa hai nước Úc và Việt Nam theo cả hai chiều, đến và đi!

Ngay từ trước Tết, cháu ngoại từ Melbourne bay về Sài Gòn để ăn Tết với gia đình và cũng là khởi động cho cuộc Thiên Di từ vùng Nam Bán Cầu, vượt Thái Bình Dương đến Việt Nam. Cháu mới đi học tại Úc được một năm nhưng vẫn quyến luyến gia đình và bạn bè ở Sài Gòn nên trở lại nhân nghỉ hè.

 

Mẹ đón con gái Út về nhà ăn Tết

 

Dĩ nhiên là nhận được quà lì xì

 

Gia đình con trai trưởng chúc Tết ông bà nội sáng Mùng Một

 

Ông nội lì xì vợ chồng con trai trưởng


Con rể út mừng tuổi mẹ

 

Ngày Mùng Hai là thời điểm cuộc Thiên Di diễn ra một cách... rầm rộ. Khởi đầu là chuyến đi Úc của cô con gái thứ hai, mẹ cháu. Chuyến đi đúng vào chiều Mùng Hai để đến ăn Tết ở Melbourne với con gái lớn, đã ra trường và đi làm.

 

Con gái trên chuyền bay đến Úc ngày Mùng Hai

 

Sau gần 9 giờ bay, con gái đã hạ cánh xuống Melbourne

 

Hai mẹ con ôm nhau tại phi trường

 

Con gái & Anh rể tại Úc

 

Cũng tội nghiệp cô con gái của tôi, quanh năm suốt tháng quanh quẩn ở nhà chăm sóc mẹ nên dịp Tết này được “thay ca” để cháu đến xứ Kangaroo đón xuân với con gái lớn. Ngược lại, chị lớn của cháu cũng về Sài Gòn ngay vào tối ngày Mùng Hai để tiếp tục săn sóc mẹ thay em.

Cháu lớn về đến Sài Gòn vào lúc gần nửa đêm Mùng Hai Tết. May mắn là có con rể út hiện còn ở Việt Nam trong khi vợ và con gái đang làm việc tại Pháp cho nên mọi việc di chuyển từ nhà ra phi trường của các thành viên trong gia đính đi Úc hoặc từ Úc về đều do cháu đưa hoặc đón.

 

Con gái lớn về đến Tân Sơn Nhất khuya Mùng Hai

 

Con gái lớn kể chuyện Úc Châu

 

Riêng trong ngày Mùng Hai, con rể đã thực hiện hai cuốc xe. Một chở chị dâu ra phi trường vào buổi chiều và rồi lại đón chị lớn từ phi trường về nhà vào buổi tối. Đúng là một ngày làm “con thoi” giữa nhà và phi trường, còn bận rộn hơn cả những người chuyên nghiệp!

Tôi chỉ biết “thầm cám ơn” Chúa và Phật đã sắp xếp một cuộc “Thiên Di Màu Nhiệm” để các thành viên trong gia đình có những dịch chuyển nhân ngày Tết Qúy Mão này! Nghĩ lại mới thấy thế giới này tuy xa về khoảng cách địa lý nhưng lại gần gũi nhờ những tiến bộ của khoa học, kỹ thuật giúp mọi người đến được với nhau.

Chỉ cần chịu khó ngồi trong không gian nhỏ hẹp của chiếc máy bay để rồi được tiếp xúc với một môi trường sống mới cho thỏa lòng mong nhớ người thân.

Theo kế hoạch đã định trước, chồng của con gái lớn sẽ đưa gái nhỏ trở về Sài Gòn và tiện thể đưa vợ và cháu gái về lại Úc để tiếp tục sinh hoạt bình thường sau những ngày Tết Quý Mão bận rộn.

Đúng là một năm Quý Mão... Thiên Di!

*** 

--> Read more..

Thứ Năm, 26 tháng 1, 2023

Đêm Giao Thừa Qúy Mão


Thời khắc đã đến…

Nhâm Dần chạy hụt hơi nhưng vẫn bị Quý Mão đuổi kịp! Và thế là mọi chuyện đã an bài.

Người Việt mình vốn dễ dãi, Cọp hay Mèo cũng được, miễn sao mọi chuyện năm nay sẽ tốt hơn những năm qua: hết dịch bệnh để mọi người  có một cuộc sống dễ thở, an bình và hạnh phúc hơn.

Năm mới thân chúc bạn bè gần xa Nhiều May Mắn.

 

***









***












--> Read more..

Thứ Ba, 24 tháng 1, 2023

Cây mai & Bánh chưng ngày Tết


 * 28 Tết Qúy Mão

 

Thoạt đầu, tính năm nay sẽ chẳng chưng mai... Nghĩ lại, Tết này có cháu ngoại từ Melbourne về thăm nhà nhân dịp nghỉ hè nên dịp này mà thiếu cây mai sẽ mất vui! Thế là đến vườn mai tìm một chậu.

Cây mai lọt vào "mắt xanh" của tôi có “thế” rất đẹp nhưng ngặt chỉ toàn nụ, không biết có kịp nở sáng Mùng Một hay không. Chủ vườn trấn an:

“Ông lấy chậu này đi, bảo đảm hoa nở kịp Tết... chỉ cần tối chịu khó tưới nước âm ấm thì thế nào hoa cũng nở rộ!” 

Tin lời nhà vườn nên “rước” cây mai về cho vui cửa, vui nhà. Đến tối pha nước ấm để “nàng mai” tắm rửa cho... kịp nở.

 

Cây mai “rước” về ngày 28 Tết... chỉ toàn nụ

 

* Sáng 29 Tết, trước khi đi uống cà phê, vội kiềm tra thì... quả thật cây mai đã nở được 2 bông. Thế mới biết, dân làm vườn rất thật thà chứ không gian dối!

 

Sáng 29 Tết… mai đã trổ bông

 

Thế là Tết này nhà có mai nở để mừng cháu ngoại từ xứ Kangaroo về thăm nhà.

Bèn bóc một cái bánh chưng... ăn mừng hoa nở! Người ta thường nói “ăn cơm trước kẻng” còn tôi thì... “ăn bánh chưng trước Tết”!

Ăn bánh chưng tước Tết cũng thú vị lắm. Các cụ ta thường ví “dửng dưng như bánh chưng ngày Tết”... đợi đến Mùng Một bánh chưng sẽ hết ngon vì... “ớn quá”!!!

 

Ăn bánh chưng... mừng mai nở ngày 29 Tết

 

 ***

--> Read more..

Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2023

Năm Qúy Mão... nói chuyện Mèo

 

Đứng đầu danh sách “thú cưng” phải nói đến mèo mặc dù “chú mèo” hay “o mèo” có vẻ “khinh khỉnh”, không “thân thiện” với chủ như chó. Mèo lại có tính hay “ăn vụng” nên ta mới có câu “chó treo, mèo đậy” dù thật tình mèo ta vẫn nổi tiếng với câu “nam thực như hổ, nữ thực như miu”!

 

“Chó treo mèo đậy”

 

Trong vòng tuần hoàn theo âm lịch, con mèo  cũng chiếm một chỗ đứng trong 12 con giáp tượng trưng cho các năm. Dễ gì được liệt vào danh sách “phong thần” khi có đến cả trăm loài động vật phải chịu “lọt sổ”, mèo ta chắc phải “meo meo” một cách kiêu hãnh!

Kể cũng lạ, mèo và chuột là “khắc tinh” của nhau nhưng lại chiếm 2 trong số 12 con giáp. Lạ hơn nữa là “dần, thân, tỵ, hợi” được coi là “tứ hành xung” chứ không phải là “dần, thân... tý, mẹo”. Không ai hiểu nổi các chiêm tinh gia có ý gì khi loại mèo và chuột khỏi danh sách các tuổi không hạp!

Sống quanh quẩn trong nhà nhưng mèo có “tuổi thọ” từ 14 tới 20 năm. “Cụ mèo” già nhất thế giới được sách vở ghi chép đã sống đến 35 năm. Có thể vì mèo là những “vận động viên điền kinh”, đạt tới tốc độ 30 dặm một giờ hay cũng có thể dư sức phóng qua một bức tường cao gần 2 mét.

Mèo là sinh vật ưa “làm đỏm”. Để làm vệ sinh cho cơ thể, mèo thường thè lưỡi và tiết nước bọt vào chân của nó rồi bôi lên mặt và toàn thân thể. Hành động này cho thấy mục đích muốn xóa sạch các vết bẩn, ngay cả hơi tay của con người vừa mới bồng hay vuốt ve nó.

Mèo giữ năng lượng bằng cách ngủ nhiều hơn đa số các loài động vật khác. Thời gian ngủ hàng ngày thường là 12 đến 16 giờ. Một số mèo có thể ngủ 20 giờ trong ngày... Chả thế mà nhà thơ Nguyên Sa đã tả chân “cô mèo” của ông như thế này:

 

“Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm

Như con mèo ngái ngủ trên tay anh

Ðôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình

Ðể anh giận sao chả là nước biển!..”.

 

Mèo chúc Tết

 

Tuy vậy, nhiều nền văn hóa lại có cái nhìn tiêu cực về mèo, điển hình là niềm tin về việc một con mèo đen băng ngang đường, người nào đang đi thì người đó sẽ gặp xui xẻo! 

Điều này dẫn đến việc lùng diệt mèo rộng khắp Châu Âu trong thời Trung cổ. Việc tiêu diệt mèo đã làm tăng số lượng chuột, góp phần gây ra “Cái Chết Đen” lây lan bởi bọ chét trên người những con chuột bệnh.

 

Mèo Xui Xẻo

 

Chắc các bạn cũng có đôi lần nghe tiếng “mèo gào” trong đêm khuya vắng vẻ từ trên mái tôn của một nàng mèo... gọi đực. Tiếng gào thổn thức giữa đêm tựa như tiếng gọi thống thiết của người tình và chỉ một lúc sau là tiếng sột soạt trên mái tôn của cặp tình nhân trong cơn yêu dấu!

Cũng trên mái nhà ở xứ Cờ Hoa, năm 1958 lại xuất hiện phim con mèo trên mái tôn nóng bỏng, “Cat on a Hot Tin Roof”, do hai tài tử gạo cội của Hollywood thủ vai: Elizabeth Taylor và Paul Newman. Phim dựa theo tác phẩm của Tennessee Williams, đã từng đoạt Giải Pulitzer.

Thật ra thì chẳng có con mèo nào xuất hiện trong phim vì phim nói đến các vấn đề của nước Mỹ như cái chết, sự cô đơn cũng như tình trạng đồng tính luyến ái, nghiện rượu. Có chăng cô vợ Margaret, thường được gọi là Maggie hoặc "Maggie the Cat”... nhưng thế cũng đủ cho con mèo hãnh diện được xuất hiện trong văn chương và điện ảnh!

 

Phim “Cat on a Hot Tin Roof” (1958)

 

Trở lại Việt Nam, ngày xưa có một bài học thuộc lòng mang tên “Con Mèo” mà nhiều người trên đầu hai thứ tóc nhưng vẫn còn nhớ như in: 

 

“Chị ơi em có con mèo

Nó hay nghịch ngợm leo trèo lắm cơ

Hôm qua dưới gậm bàn thờ

Có con chuột nhắt nó vồ được ngay…

Meo meo nó hát cả ngày

Em yêu nó lắm luôn tay bế bồng...”


Phái yếu đa số đều thích mèo còn phái mạnh thì phần lớn chỉ thích… “mèo hai chân”! Các bà, các cô coi việc dan díu với “mèo hai chân” chẳng khác gì chuyện xấu xa, “mèo mả, gà đồng”.

Thế cho nên, ông chồng nào lỡ có “mèo hai chân” phải lo dấu cho kỹ như “mèo dấu c…ứt?”. Lỡ mà “sư tử hà đông” biết được thì… “cơm không lành, canh không ngọt”!

 

Mèo Rình Chuột

 

Phụ nữ cũng chính là một con mèo thích chơi trò “mèo vờn chuột”. Bắt được chuột rồi mèo ta không “thanh toán” ngay mà cứ đùa giỡn với chú chuột cho bõ ghét. Phim hoạt họa nhiều tập “Tom and Jerry” đã mang đến cho người xem những chuyện cười ngả nghiêng về hai con vật này.

Theo một thống kê, trong 163 tập phim, chuột Jerry đã giành chiến thắng 123 lần còn mèo Tom chỉ giành chiến thắng có 8 lần. Có 32 lần cả hai bắt tay nhau để chiến đấu với những đối thủ khác với 20 lần giành chiến thắng và 12 lần thất bại.

Trong hầu hết các trận chiến, Tom chẳng bao giờ hãm hại thành công chú chuột Jerry do chú mèo quá ngốc nghếch, chủ quan. Mặc dù loài mèo thường săn đuổi chuột để ăn thịt chúng, nhưng rất hiếm khi Tom thực sự cố gắng ăn thịt Jerry mà thường chỉ để trả thù hoặc trêu chọc chú chuột.

 

Phim “Tom & Jerry”

 

Lời chúc đầu năm dành riêng cho các cặp vợ chồng trẻ là hãy đối xử với nhau như Tom và Jerry, thương đấy nhưng giận cũng từ đấy! Mèo và chuột còn “sống chung hòa bình” được thì vợ chồng không thể nào không... “niệm tình tha thứ”.

Có như thế cuộc sống vợ chồng mới tìm được hạnh phúc dù đôi lúc bất hòa vì “sống với nhau... như chó với mèo”!.

Và cũng có như thế cuộc đời mới đầy đủ “Hỉ - Nộ - Ái - Ố”.

 

Mèo Hạnh Phúc

 

 Mong lắm thay! 

***

* Bài đã đăng trên https://www.facebook.com/saigonnhonews, Giai phẩm báo Saigon Nhỏ,  Xuân 2023, tại California, Hoa Kỳ. 

***
--> Read more..

Thứ Tư, 18 tháng 1, 2023

“Quái kiệt” Trần Văn Trạch và “Chuyến xe lửa mùng năm”


“Mùng năm, mười bốn, hăm ba

Đi chơi cũng lỗ, lọ là đi buôn”


Đối với những người tin dị đoan, những ngày 5, 14, 23 Âm lịch, nhất là vào dịp Tết, đã đã trờ thành “tối kỵ, xui xẻo”. Cũng tựa như người Phương Tây xem ngày “Thứ Sáu 13” là ngày... “không thể xấu hơn”!

Thuờng thì người buôn bán sau khi ăn Tết sẽ chọn ngày mùng 4 hoặc mùng 6 để khai trương năm mới, ít có người dám mở cửa hàng vào ngày mùng 5 Tết chỉ vì ngày đó... “đi chơi cũng lỗ, huống chi là... đi buôn”!

Thế cho nên, vào năm 1952, Trần Văn Trạch đã sáng tác một bản nhạc hài hước ở phần đầu nhưng lại đầy nước mắt vào đoạn kết. Bài hát mang tên “Chuyến xe lửa mùng năm” kể lại chuyện một chàng trai trẻ được nghỉ Tết 3 ngày, từ Sài Gòn đáp chuyến xe lửa về Nha Trang thăm mẹ sau 3 năm xa cách.

 

Chân dung Trần Văn Trạch qua nét bút của họa sĩ Nguyễn Nhật Tân (1989)

 

Cuộc hành trình ngày mùng năm Tết qủa thật là đầy những chuyện khôi hài, dí dỏm. Đến sân ga, anh chàng phải chạy hụt hơi vì lo “lỡ tầu”. Đến lúc lên tầu mới vỡ lẽ đây là chuyến tầu vừa đến ga chứ không phải... chuyến khởi hành!

Phải công nhận Trần Văn Trạch có tài bắt chiếc những tiếng động của xe lửa... y như thật. Lúc thì ì ạch khi lên dốc, lúc thì dồn dập khi xuống dốc. Đi vào ngày mùng 5 Tết nên gặp toàn chuyện xui xẻo, bất ngờ.

Dọc theo đường tầu có những con bò gặm cỏ, chân đeo lục lạc leng keng, nhìn sang bên cạnh có cô hành khách cũng đeo trang sức là chiếc lục lạc. Chàng thanh niên bất giác hỏi: “Cô à... cô có thấy cô khác với con bò ở chỗ nào không?”.

Còn đang ngạc nhiên chưa kịp trả lời, chàng thanh niên đã mau miệng: “Con bò nó đeo lục lạc dưới chân còn cô lại đeo trên tay...”.

Cô gái giận quá nên đốp chát: “Còn anh có thấy mình với con bò giống nhau ở chỗ nào không?”. Chàng trai tình thật trả lời không thấy, cô gái tiếp lời: “Tôi cũng không thấy vì... anh với con bò giống hệt nhau!”.

Truyện trên tầu, có hai ông khách trong toa hỏi nhau: “Anh ơi... bây giờ... là là... mấy giờ rồi?”. Lập lại câu hỏi tới 2 lần mà không có tiếng trả lời, chàng thanh niên lấy làm lạ nên khi người hỏi giờ bỏ đi chỗ khác anh mới hỏi lý do tại sao không trả lời thì được đáp lại:

“Tui... tui... mà trả lời... thì nó... nó oánh... thấy mẹ... tui!”. Hóa ra cả hai ông đều... cà lăm!

 

Trần Văn Trạch (1924-1994)

 

Ngồi trên tầu không có chuyện gì làm, chàng thanh niên giết thì giờ bằng cách đếm thử xem từ Sài Gòn đến Nha Trang có bao nhiêu cột giây thép... “một, hai, ba, bốn...”. Bà ngồi bên cạnh chắc cũng buồn nên cất tiếng hỏi: “Thằng Hai... mày đi đâu vậy Hai?” Chàng trai vừa trả lời vừa đếm: “Dạ thưa tôi đi... 31, về Nha Trang 32, 33, 34...”

Bà nghĩ thằng nhỏ này ăn nói kỳ cục. Bà hỏi tiếp “Nhà em ở Nha Trang hay trên núi?”. Sợ bỏ sót cột điện nên chàng trai trả lời: “Nhà tôi ở 42, 43... miền núi 44, 45...”. Bà kết luận thằng nhỏ này chắc điên rồi... thôi mình đi chỗ khác ngồi!

Xe lửa đang ngon trớn bỗng dừng lại trong khi chưa đến ga, hành khách nhốn nháo hỏi anh thợ máy: “Sao chưa đến nơi mà đã ngừng dọc đường?”. Anh thợ máy đi ngược lại phía sau, tay ôm một... con rùa và trả lời: “Thưa quý vị, tôi có nuôi một con rùa, chắc hôm nay nó nhớ tui nên nó rượt theo xe lửa...”

Hành khách chê anh chạy chậm nên anh mở hết tốc độ rồi bỗng nhiên nghe tiếng rầm... xe lửa lật hai ba tua. Ngày phép nghỉ Tết, ông chủ chỉ cho có 3 ngày: ngày đi, ngày thăm mẹ rồi một ngày về! Thế cho nên, vì muốn gặp mẹ nên chàng thanh niên ráng... “tranh thủ” lội bộ về nhà!

“Cầm dù trên vai, anh em hay coi chừng đi nào... Hãy ráng chứ không còn xa đâu... Hai một, hai một hai... Hết đi rồi đến chạy, hết chạy rồi lại đi... Con nhờ mẹ quá mẹ ơi... Hết đi rồi đến bò... Mẹ già đừng vì con thêm lo... Má ơi, con về rồi nè má...”

Cười cợt ban đầu hóa ra lại biến thành... bi kịch ở đoạn cuối. Chúng tôi nhường lời kể chuyện cho Trần Văn Trạch về “Chuyến xe lửa mùng năm”. Mời các bạn vào Youtube tại https://youtu.be/556LyLiLyK4  để theo dõi tiếp...

 

Trần Văn Trạch cùng một số nghệ sĩ Miền Nam (Từ trái sang phải: Thanh Thúy, Trúc Mai, Thanh Lan, Nguyễn Long, Trần Văn Trạch, Xuân Thu, NS Lê Văn Thiện, Kim Tuyến, Lưu Hồng)

 

Trần Văn Trạch là một ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên. Ông cũng là người đứng đầu ban nhạc Sầm Giang và lại là người đầu tiên tổ chức hình thức “đại nhạc hội”, một tổng hợp các màn trình diễn ca vũ nhạc kịch, xiếc và ảo thuật trên sân khấu.

Không những thế, ông là một nghệ sĩ đa tài, thuộc loại “thập bát ban võ nghệ” với một giọng ca trầm ấm, truyền cảm theo giọng người miền Nam, kèm một kiểu tóc để dài rất ư là... nghệ sĩ.

Những ca khúc hài hước do chính ông sáng tác như Chiếc Đồng Hồ Tay, Tai Nạn Téléphone, Chuyến Xe Lửa Mồng Năm... đã để lại trong lòng người hâm mộ sự cảm phục. Đó là lý do ông được người nghe “tôn vinh” là... “Quái kiệt”!

Và đặc biệt hơn nữa, ông đã sáng tác và trình bày bài “Xổ Số Kiến Thiết Quốc Gia”:

 

“Kiến thiết quốc gia

Giúp đồng bào ta

Xây đắp muôn người

Được nên cửa nhà

 

“Tô điểm giang san

Qua bao lầm than

Ta thề kiến thiết

Trong giấc mộng vàng

 

“Triệu phú đến nơi

Chỉ mười đồng thôi

Mua lấy xe nhà

Giàu sang mấy hồi...

 

Cứ vào mỗi chiều Thứ Ba hàng tuần, suốt từ năm 1952 cho đến tháng 4/1975, đài phát thanh Sài Gòn đều phát bài hát này trong chương trình “xổ số kiến thiết quốc gia”. Ngay cả những chú bé chưa một lần mua vé số cũng nghêu ngao quảng cáo cho... vé số.

Trần Văn Trạch không chỉ sáng tác nhạc hài hước mà đôi khi trong nhạc của ông cũng pha lẫn chút triết lý, như bài "Khi người ta yêu nhau":

 

“Khi người ta yêu nhau

Yêu trong lúc bảy mươi tuổi đầu

Thì không phải vì tiền đâu

Nhưng mà chẳng còn bao lâu...

 

Khai thác giọng ca truyền cảm của mình, Trần Văn Trạch đã đưa ca khúc “Chiều Mưa Biên Giới” của Nguyễn Văn Đông trở thành nổi tiếng tại nước ngoài. Năm 1961, ông đã được đài Europe No.1 và đài Truyền hình Pháp thu âm vả thu hình, ca khúc này đã gây được tiếng vang lớn tại Pháp và Mỹ.

 

Trần Văn Trạch đã có công giới thiệu bài hát "Chiều mưa biên giới" của Nguyễn Văn Đông ra nước ngoài

 

Trần Văn Trạch (Trần Quang Trạch, 1924-1994) sinh tại Mỹ Tho trong gia đình ông Trần Quang Chiêu (Bảy Triều, 1897-1931), vốn là một nghệ nhân nổi tiếng trong ban nhạc cung đình Huế.

Ông có người anh là Trần Văn Khê, tiến sĩ ngành âm nhạc học người Việt Nam đầu tiên tại Pháp và từng là giáo sư tại Đại học Sorbonne, thành viên danh dự Hội đồng Âm nhạc Quốc tế, UNESCO.

Phát hiện được khả năng hài tiềm ẩn trong con người ông Trạch, nên nhạc sĩ Lê Thương viết thử nghiệm một bài ca hài cho ông trình diễn. Đó là bài "Hòa bình 48" (1948) hát nhái tiếng đại bác, tiếng máy bay ném bom...

Lê Thương viết tiếp bài "Liên Hợp Quốc" bằng tiếng Pháp, Anh, Nga, Hoa. Bài "Làng báo Sài Gòn" cũng do ông hát mấy lần thì bị nhà cầm quyền lúc bấy giờ ra lệnh cấm.

 

Trần Văn Khê, Trần Văn Trạch và Lê Thương tại Sài Gòn năm 1949

 

Trần Văn Trạch sống với người vợ Pháp và có một đứa con. Cũng vì thế, ông bị những người theo Việt Minh kết tội là Việt gian. May mắn được anh ruột Trần Văn Khê kịp nhờ người bảo lãnh, nên ông Trạch mới được tha nhưng phải gia nhập vào ban nhạc quân đội của Việt Minh, rồi cùng với anh đi lưu diễn khắp miền Tây Nam Bộ.

Khoảng năm 1946-1947, Trần Văn Trạch không theo ban nhạc nữa mà về Sài Gòn, cùng em gái là Trần Ngọc Sương mở quán giải khát tại khu Bàn Cờ. Nhằm câu khách, đôi khi ông Trạch hát những bài nhạc Pháp cho lính Pháp nghe, nên ông được bạn bè đặt cho anh một cái tên rất "Tây" là Tracco.

Năm 1960, Trần Văn Trạch sang Pháp và thường xuyên hát tại nhà hàng La Table du Mandarin, Quận 1, Paris. Tháng 12/1977, Trần Văn Trạch rời Sài Gòn sang định cư ở Pháp.

Ông cũng đi diễn cho cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ năm 1983 và 1986, ở Úc châu năm 1984. Tháng 2/1994, ông trở về Paris và nằm chữa bệnh ung thư gan tại bệnh viên Tenon.

 

Nhạc sĩ Hoài Linh cùng “Quái Kiệt” Trần Văn Trạch và Nhạc Sĩ Mạnh Phát

 

Trần Văn Trạch mất ngày 12/4/1994, hưởng thọ 70 tuổi. Ông được an táng tại nghĩa trang Cimetière Intercommunal ở Valenton, ngoại ô Paris.


 *** 

--> Read more..

Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2023

Câu chuyện “Thứ Sáu Mười Ba”

“Thứ Sáu 13” là một hiện tượng khuấy động xã hội Phương Tây về “chuyện xui xẻo”. Người Phương Tây tin dị đoan đều cho rằng đó là điềm mang lại sự bất hạnh cũng tương tự như đi dưới một cái thang, làm bể một chiếc gương soi mặt hoặc đi theo đưởng của một con mèo đen…

Con số 12 tượng trưng cho sự viên mãn: một năm có 12 tháng, 12 công trình lao động của Hercules, 12 vị thần Olympus, 12 bộ lạc của người Do Thái… nhưng sang đến số 13 lại là một điềm xui xẻo.

Bộ luật cổ Hammurabi đã tránh điều thứ 13. Bữa ăn tối cuối cùng của Chúa Jesus và 12 tông đồ có tất cả 13 người và ngày hôm sau, nhằm Thứ Sáu, Chúa đã bị đóng đinh trên thập tự giá! Thế cho nên sau này người ta tránh tổ chức một bữa tiệc có 13 người.

Ngày Thứ Sáu cũng là một ngày “không tốt” vì đó là ngày bà Eva trao cho ông Adam trái táo trong Vườn địa đàng và đó cũng là ngày Cain đã giết người anh là Abel.

Vào cuối thế kỷ thứ 19, William Fowler (1827-1897) ở New York, với nỗ lực đả phá chuyện “Thứ Sáu Mưới Ba” nên đã hình thành một tổ chức đặc biệt, lấy tên là “Câu lạc bộ 13”.

Các thành viên trong nhóm có những bữa ăn tối, được tổ chức vào ngày thứ 13 hàng tháng tại phòng số 13 trong căn nhà Knickerbocker của ông. Trước khi nhập tiệc với 13 món, thực khách phải qua một chiếc thang có treo tấm biểu ngữ “Morituri te Salutamus”, tạm dịch là “chúng tôi những người sắp chết xin chào Ngài”.

Có 4 cựu Tổng thống Hoa Kỳ (Chester A. Arthur, Grover Cleveland, Benjamin Harrison và Theodore Roosevelt) lần lượt là thành viên “Câu lạc bộ 13” của William Fowler!

Vào năm 1907, nhà văn Thomas William Lawson sáng tác một tác phẩm mang tên “Friday, the Thirteenth”, xoay quanh chuyện một chuyên gia chứng khoán dựa vào lòng tin dị đoan để tạo lũng đoạn. Thị truờng chứng khoán Wall Street tại New York đã xảy ra chết chóc!  

Năm 1980, có một cuốn phim kinh dị “Friday the 13th” xoay quanh nhân vật Jason chuyên mang mặt nạ đã khuấy đảo người xem vì những cảnh rùng rợn. Phim có những cảnh y hệt như trong truyện tranh với những bộ quần áo mặc trong dịp Halloween hay trong trò chơi video! 

Lịch sử cũng đã ghi lại những chuyện có liên quan đến “Thứ Sáu Mười Ba”. Ngày 13/10/1307, nhằm ngày Thứ Sáu, Vua Philip IV của Pháp đã ra lệnh bắt giữ hàng trăm người thuộc nhóm chống đối. Rất nhiều hiệp sĩ đã bị từ hình sau đó.

Những diễn biến có liên quan đến Thứ Sáu Mười Ba trong thời cận đại phải kể tới việc Đức Quốc Xã oanh tạc Điện Buckingham, Luân Đôn, vào tháng 9/40; một cơn bão khiến hơn 300.000 người tử vong tại Bangladesh vào tháng 11/1970 và chiếc tàu du lịch Costa Concordia bị chìm ngoài khơi nước Ý khiến 30 người thiệt mạng vào tháng 1/2012...

 



Qua những câu chuyện vừa kể, những người tin dị đoan thấy một sự bí ẩn xoay quanh ngày Thứ Sáu Mười Ba. Đối với những người không tin thì họ chỉ thấy có một sự trùng hợp giữa ngày này và những ngày khác.

Trong bài viết này chúng tôi chỉ xin đưa ra những sự kiện, vấn đề Tin hay Không Tin hoàn toàn tùy thuộc vào quan điểm của từng cá nhân. Xét cho cùng, May hay Rủi là chuyện của số phận, chi bằng chúng ta cố sống sao cho hợp với tình người.

Chỉ khi đó ta mới ý thức được Phúc hay Họa là do kết quả của bản thân từng người.

 

* Tham khảo thêm “Friday the 13th” tại:

https://history.com/topics/folklore/friday-the-13th?

 

Ngày Thứ Sáu, 13/1/2023

 

Chúng ta vừa trải qua ngày Thứ Sáu, 13/1/2023… Nhân dịp này xin có một bài thơ dưới đây:

 

“Hôm nay Thứ Sáu Mười Ba

Sáng ra nhìn lịch bỗng ta… hết hồn!

Tại sao ngày tháng cứ dồn

Hết ngày Thứ Sáu lại còn mười ba?

 

“Ngày này không phải riêng ta

Chịu nhiều bất trắc hằng hà chuyện xui.

Nhìn quanh thiên hạ vẫn cười

Vẫn sống, vẫn chết… kiếp người phù du!

 

“Ngày nào chẳng khác ngục tù

Nằm nghe kinh kệ ráng tu phận mình.

Có người vẫn sống an bình

Cho dù Thứ Sáu Mười Ba rập rình!

 

“Hóa ra ngày tháng bất minh

Chuyện cười, chuyện khóc chỉ mình biết thôi.

Bày chi Thứ Sáu Mười Ba

Cuộc đời vốn dĩ ta bà ruổi rong!

 

“Ngày mai Thứ Bảy chờ mong

Xé toang tờ lịch không trông, không cầu

Ngày mai lại đến muôn màu

Điểm tô nét mới, xóa rầu rĩ xưa!

 

*** 

--> Read more..

Thứ Hai, 9 tháng 1, 2023

Báo Tết ngày xưa

“Nam Phong Tết Mậu Ngọ”, xuất bản năm 1918 tại Hà Nội, là tờ báo Xuân (hay còn gọi là báo Tết) đầu tiên của làng báo Việt Nam. Tính đến đến nay, truyền thống làm báo Tết của ta đã được hơn 100 năm.

Với ấn bản đặc biệt, Nam Phong Tạp Chí nổi danh khắp trong Nam ngoài Bắc lúc bấy giờ, số báo mừng Xuân đã bắt đầu cuộc hành trình suốt một thế kỷ để trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt mỗi dịp Tết đến xuân về.

 

Nam Phong Tạp Chí, trang bìa, ấn bản số 1, năm 1917

Nam Phong Tạp Chí chỉ là dạng nguyệt san do L. Marty, một người Pháp rất thông thạo tiếng Việt sáng lập, chủ bút là học giả Phạm Quỳnh đã ra mắt “Số Tết 1918” (và cũng là số Tết duy nhất của tạp chí này) với lối trình bày khác biệt, không đánh số thứ tự theo thường lệ.

Xuân Nam Phong chí có 126 trang, bìa màu vàng cam nhạt, có vẽ hình hai ông cụ già tay cầm cành đào, tượng trưng cho hai vị “Hành khiển phán quan Mậu Ngọ” (cầm nhánh đào tươi) và Đinh Tỵ (cầm nhánh đào không có bông) bàn giao “ấn tín” cho nhau. Trong số Tết này, tất cả các bài viết đều nằm trong khung hoa, có nhiều tranh minh họa và không có quảng cáo.

 

Nam Phong Tết Mậu Ngọ, xuất bản năm 1918

 

Lại cũng có ý kiến cho rằng tờ báo Xuân đầu tiên xuất hiện vào năm 1908, đó là tờ Lục Tỉnh Tân văn, số ra năm Đinh Tỵ, ngày 30/1/1908 tại Sài Gòn. Với số báo thứ nhất ra ngày 15/1/1907, tờ báo viết bằng chữ quốc ngữ với tiêu đề được viết bằng cả chữ Quốc ngữ lẫn chữ Hán.

Lục Tỉnh Tân Văn sử dụng khá nhiều từ Hán-Việt trong các bài báo, ngoài ra các câu châm ngôn chữ Hán cũng được sử dụng nhiều, thậm chí có khi liên tục. Chẳng hạn như trong bài Đạo Tặc, số 3, ngày 18/1/1907, có câu:

“Quân côn đồ cường thạnh, đứa đạo tặc lăng loàn, cướp phá tứ phương, coi dường như không ai trị. Sao vậy? Là vì tại các ông chức việc trong làng hay sợ nó oán trách... Tại các sự tham sanh húy tử, và cái điều tư kỷ, chết ai nấy chịu, cho nên mới loạn ra như vậy”.

 

Lục Tình Tân Văn

 

Tuy nhiên, theo một số nhà nghiên cứu, tờ Lục Tỉnh Tân Văn số năm Đinh Tỵ chỉ là tờ báo ra vào dịp Tết chứ không phải là báo Xuân vì phần hình thức tờ báo này không khác gì tờ báo ra ngày thường.

Tiếp theo tờ Nam Phong tạp chí số Tết 1918, tờ Đông Pháp Thời Báo cũng cho ra mắt số báo Xuân với hai mầu đen, đỏ bán rất chạy vào năm 1927 hoặc tờ Thần Chung, báo của Diệp Văn Kỳ, cũng cho ra mắt số Xuân vào năm 1929.

Phong trào làm báo Xuân thật sự nở rộ trong thập niên 30 của thế kỷ trước với sự ra đời của hàng loạt tờ báo Xuân, như Loa (Hà Nội, 1935), Chơi Xuân (Hà Nội, 1935), Đuốc Nhà Nam (Sài Gòn, 1936), Quà Tết (Sài Gòn,1937), Sách Xuân (Sa Đéc, 1937). Nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến hai tờ báo của nhóm Tự Lực Văn Đoàn là Phong Hóa và Ngày Nay.

 

Bức tranh 2 nhân vật Lý Toét và Xã Xệ của họa sĩ Mạnh Quỳnh trên bìa tạp chí Indochine số Xuân năm 1944

 

Trong giai đoạn này, một số tờ báo ra số Xuân chỉ nhằm để kỷ niệm dấu ấn chứ chưa thật sự có mục đích làm báo Xuân như sau này. Rõ ràng là Lục Tỉnh Tân văn số Xuân 1908 và Nam Phong tạp chí số Tết 1918 là sự mở màn, đặt nền móng cho việc làm báo Xuân. Và báo xuân đã trở thành nét văn hóa ngày Tết của người Việt ngoài thịt mỡ-dưa hành-câu đối đỏ.

Thời xưa, khi kỹ thuật in và công nghệ hình ảnh chưa phát triển như hiện nay, người họa sỹ chính là những người trau chuốt để tạo ra “bộ mặt” đẹp nhất, ấn tượng nhất cho mỗi ấn phẩm. Vào dịp gần Tết, người ta thường thấy Báo Xuân bày trên các sạp báo giống như một cuộc thi hoa hậu với những cô gái như mời gọi người đọc bằng những hình vẽ hấp dẫn...

 

Số báo mùa Xuân, Phụ Nữ Tân Văn, 1932

 

Các họa sỹ nổi tiếng trong lĩnh vực vẽ bìa Báo Xuân thường được nhắc đến như những người làm nên “linh hồn” cho những trang báo Xuân xưa. Và dường như cũng vì vậy, tờ báo Xuân xưa mang trong mình một hồn cốt, một phong vị đặc biệt mà có lẽ những tờ báo hiện đại không thể nào có được.

Ngày nay, cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, việc làm báo liên tục cải tiến về nội dung và hình thức để đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của độc giả. Tuy nhiên vẫn có thể nhận thấy những nét tương đồng với tinh thần làm Báo Xuân ngày xưa. Đó là phần nào phản ánh diện mạo tâm hồn của con người trước thời cuộc.

 

Số mùa xuân Phong Hóa, 1934

 

Báo Xuân thường là sự huy động tư duy sáng tạo đến từ người thiết kế nội dung, trình bày cho đến người viết. Những tờ Báo Xuân thường là nơi tập hợp những tên tuổi quan trọng làm nên giá trị hay thương hiệu của các tờ báo, những cây bút có sức ảnh hưởng với công chúng và có khả năng thực hiện những chủ đề chuyên sâu về lối sống, văn hóa xã hội, thời thế...

Đối với giới làm báo, Báo Xuân là một cuộc chơi thăng hoa và lắng đọng trí tuệ trong nghề nghiệp sau một năm quanh quẩn với thời sự khô khan. Nhu cầu thưởng thức Báo Xuân càng ngày càng đòi hỏi tính chuyên nghiệp, các đối tác quảng cáo trong thời thị trường cũng đánh giá tờ Báo Xuân là nơi quảng bá hình ảnh hiệu quả nhất.

Còn đối với bạn đọc, thói quen mua Báo Xuân để “đọc chậm” trong mấy ngày Tết dù ít nhiều hãy còn được lưu giữ. Đó cũng chính là lý do những số Báo Xuân có số trang dày hơn số thường vẫn được người ta sẵn lòng mua để đọc trong những ngày đầu xuân năm mới.

 

Số Tết, Ngay Nay, Kỷ Mão, 1939

 

Có thể nói, trải qua 100 năm, trên những tờ Báo Xuân đặc biệt, mọi thứ ồn ào, tranh cãi, lộn xộn của đời thường được tạm gác qua một bên, nhường chỗ cho những cảm xúc sâu lắng, chiêm nghiệm, nhìn lại năm đã qua và hy vọng cho năm tới tốt đẹp hơn.

Chúng ta đang ở vào thời đại Internet, ngày nay làm báo chỉ cần đánh máy vi tính, cho lên máy in, chạy ra luôn ba, bốn, năm màu và hàng chục ngàn số trong một vài giờ, được đóng sẵn sàng đưa ra thị trường.

 

Saigon Mới, Xuân Canh Dần, 1950

 

Thời đại “in typo” của ngày xưa thì khác hẳn. Muốn đưa một tấm hình vào trang báo, phải làm bản kẽm, Cliché Dàu là nơi cung cấp những bản kẽm cho các nhà in và các báo. Khuôn khổ bức hình ra sao để nó nằm gọn lỏn trong trang báo phải được tính toán trước hết. Đến lúc thợ lên khuôn mới đưa vào bài báo được.

Trước khi in, thợ nhà in phải làm một bản vỗ, tức là lấy tờ giấy thấm nước như loại giấy bản, đặt lên khuôn trang có dính chút mực, vỗ nhẹ để mực thấm vào giấy, gọi là “morasse”.

Người làm việc sửa morasse được gọi là “thầy cò”. Thường morasse phải sửa đến lần thứ hai thứ ba, lần cuối cùng do Tổng Thư Ký tòa soạn sửa và ký vào tờ “dernière morasse” chịu trách nhiệm nếu có sai sót.

 

Báo Thần Chung, Xuân Giáp Ngọ, 1954

 

Nói sơ qua như thế để bạn có thể hình dung ra phần đầu của công việc làm báo, đấy là báo thường chưa nói đến số Tết còn “ly kỳ rùng rợn” hơn. Đúng là một công việc bỏ ăn bỏ ngủ chứ không phải là chuyện đùa.

Nhân năm hết, Tết đến xin có vài dòng về Báo Xuân ngày xưa để chúng ta nhìn lại quá khứ, một “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong những ngày Tết. Hình như không có báo Tết trong những ngày xuân người ta cảm thấy như thiếu một “cái thú” mà các bản in trên Internet ngày nay không thể nào thay thế được.

Tất cả mọi thứ trên đời này đều có cái giá của nó!

 

Phổ Thông, Xuân Nhâm Dần, 1962

 

Chiến Sĩ Cộng Hòa, Xuân Nhâm Tý, 1972
 

***

 * Tham khảo thêm: “Báo Xuân… Báo Tết…” tại:

https://chinhhoiuc.blogspot.com/.../01/bao-xuan-bao-tet.html

 

***

--> Read more..

Popular posts