Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2020

Gặp lại tác giả “Vòng tay học trò”

Trước hết, xin mạn phép được gọi nhà văn Nguyễn Thị Hoàng là “chị” thay vì “bà”. Chị sinh năm 1939 tại Huế, lớn hơn tôi và nhân vật Minh trong “Vòng tay học trò” (VTHT) 7 tuổi, gọi bằng chị cũng đúng và cũng hợp lý.

Nhân vật Minh trong VTHT, tên thật là Mai Tiến Thành, bạn học rất thân với tôi trên Ban Mê Thuột. Năm Đệ Nhị (1964), Thành chuyển về trường Trần Hưng Đạo, Đà Lạt và đó cũng là năm cô giáo Hoàng từ Nha Trang về dạy trung học Đệ nhất cấp tại trường, có nghĩa là hai người không phải là thầy trò của nhau dù cùng chung mái trường.

VTHT nguyên thủy là một “tiểu thuyết – hồi ức” được ký tên Hoàng Đông Phương đăng nhiều kỳ trên tạp chí Bách Khoa năm 1964. Chuyện xoay quanh cô giáo Tôn Nữ Quỳnh Trâm và học trò Nguyễn Duy Minh, đây cũng là tác phẩm đầu tay được xuất hiện trước công chúng của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng. Hai năm sau, VTHT được chính thức xuất bản và cũng trong năm 1966 được tái bản nhiều lần trong vài tháng.



 

Gần đây nhất, ngày 16/12/2020, chúng tôi có dịp gặp lại chị trong một buổi nói chuyện tại Viện Trao đổi Văn hóa với Pháp (IDECAF) sau một thời gian dài vắng bóng và im tiếng. Bằng một giọng nói của người sinh ra tại miền Trung, nói đúng ra là “giọng Đà Lạt” pha trộn tiếng Huế và Sài Gòn, nhà văn đã ngoài 80 tâm sự trong lời mở đầu:

“Đây là cơ hội cho tôi được nói sau gần nửa thế kỷ phải câm… và hôm nay, người câm nói được và được nói… vì thế, trong giới hạn thời gian quá ngắn ngủi này, tôi xin trình bày một vài nét rất đơn sơ về cuộc đời viết của tôi và rất lấy làm tiếc nếu có những thiếu sót, sơ xuất, xin các vị thứ lỗi”.

 

Toàn cảnh buổi nói chuyện của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng


Theo Nguyễn Thị Hoàng, chị viết văn từ nhỏ, vì viết là một sự giải tỏa và cũng là cuộc nói chuyện với chính bản thân mình: “Tôi viết vì ưa thích, viết để giải tỏa nỗi niềm…Cứ thế từ nhỏ cho đến lúc lớn lên, tôi viết càng lúc càng nhiều và nó trở thành một thói quen không nhịn được…”

Cho đến năm 1964, cuộc đời Nguyễn Thị Hoàng trải qua một khúc quanh mà chị gọi là “một tai họa gần như hủy diệt cuộc đời” và lên Đà Lạt dạy học tại trường Trần Hưng Đạo. Trong vòng chỉ 1 năm tại đây, nhà văn đã có cơ hội tìm lại cuộc sống bình thường và mang nhiều kỷ niệm.

Đó chính là lý do tác phẩm VTHT ra đời qua một mớ bản thảo ghi chép vội vàng trong vòng một tháng khi từ Đà Lạt về Nha Trang năm 1965. Về sau, Tạp chí Bách Khoa đăng một số chương kèm với thơ do chị sáng tác.

 

Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng


Cũng vào thời điểm đó, Nguyễn Thị Hoàng “lâm vào thế trận gia đình, chồng con”, mãi đến năm 1966 nhà xuất bản Kim Anh tìm gặp chị và muốn in cuốn VTHT một cách chính thức. Đó là thời điểm tác phẩm VTHT tham gia nền văn học miền Nam và từ đó trở đi, cây bút nữ này được mệnh danh là một trong “ngũ hổ tướng” bên cạnh Nhã Ca, Túy Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ và Trùng Dương.

Mời các bạn tham khảo thêm về VTHT qua bài viết trên Blogspot:

“Đọc lại Vòng Tay Học Trò (1)”

(http://chinhhoiuc.blogspot.com/.../oc-lai-vong-tay-hoc...)

“Đọc lại Vòng Tay Học Trò (2)”

(http://chinhhoiuc.blogspot.com/.../oc-lai-vong-tay-hoc...)




Sau ấn bản đầu tiên năm 1966, và tái bản 4 lần trong vòng vài tháng, VTHT trở thành “best seller” vào thập niên 60-70. Tuy nhiên, dư luận về cuốn sách mang nhiều ý kiến trái chiều.

Người đọc nói chung ca tụng cuốn sách là một “bước đột phá” trong văn chương miền Nam nhưng một số khác lại phê bình chuyện tình giữa cô giáo và học trò đã phá vỡ truyền thống “tôn sư trong đạo” vốn có của xã hội.

Trong buổi nói chuyện tại IDECAF, Nguyễn Thị Hoàng đã thẳng thắn nhìn nhận: “Trong sự nghiệp viết văn của tôi, không có cái nào là nổi trội, không cái nào gọi là chính yếu hay quan trọng nhất… Dùng chữ quan trọng thì không đúng bởi vì đối với tôi, chẳng có cái viết nào là quan trọng cả!”.




Trong suốt 15 năm im tiếng, kể từ 1974 với cuốn thiểu thuyết cuối cùng “Cuộc tình trong ngục thất” cho đến năm 1990, Nguyễn Thị Hoàng đã im lặng hoàn toàn. Chị nói không phải do tình thế bên ngoài hay bất kỳ hoàn cảnh xã hội nào, mà chỉ vì những xáo trộn của cuộc đời riêng tư.

Năm 1990, do yêu cầu của các nhà xuất bản, Nguyễn Thị Hoàng tổng hợp những bản thảo đã “ngủ yên” để “tái xuất giang hồ” với “Nhật ký của im lặng”. Tác phẩm này gồm nhiều chương và mỗi chương xoay quanh một vấn đề hoặc nhân vật.

Nguyễn Thị Hoàng nhắc lại cầu thủ bóng đá người Pháp, Platini, với cú đá phạt năm 1986 và cứ thế nhiều nhân vật xuất hiện trong “Nhật ký của im lặng” khiến cuốn sách kéo dài tới gần 600 trang!

Để tiếp tục cuộc hành trình văn học, chị đã chuyển từ tiểu thuyết sang một vấn đề trừu tượng hơn là “viết về tâm linh”. Nguyễn Thị Hoàng tâm sự, “đó là khoảng cách đánh dấu sự chuyển biến của hành trình sáng tác”.

Sau đó, Nguyễn Thị Hoàng tiếp tục viết nhưng lại không xuất bản. Chỉ đến lúc đó chị mới thầu hiểu cái “thiên chức của nhà văn”, không cứ gì phải xuất bản mới gọi là nhà văn:

“Viết văn giúp tôi chuyển hóa từ dưới đáy vực sâu, vượt qua khỏi những cái tầm thường, eo hẹp của cuộc đời này… Trong tâm lý, mình cảm thấy trợ trọi, cô quạnh… nhưng khi viết mình tựa như con tằm nhả tơ… Khi viết trong câm lặng mình có thể tận hưởng được những âm hưởng bên trong”. 

 

 


Trở lại với cuốn VTHT, Nguyễn Thị Hoàng khẳng định:

“Nếu nói tác phẩm này là quan trọng nhất, nặng cân nhất… thì không phải như vậy, vì đó chỉ là từ cái nhìn của mọi phía, từ sự yêu chuộng của mọi người. Đối với riêng tôi, đó là chứng tích, là khoảnh khắc đã cứu vớt tôi ra khỏi đoạn đời tưởng đã hủy diệt mình trước đó…

“Khung cảnh của Đà Lạt thật tuyệt vời tựa như bài hát “La chanson d'Orphée” (*)… Thực tâm khi viết tôi không nghĩ về một mối tình ngang trái, tôi chỉ xúc động vì chuyện mình đã được sống lại khi tưởng chừng như mình đã chết. Chỉ vậy thôi!”

(hết trích)

Những lời tâm sự của Nguyễn Thị Hoàng đã khiến người nghe cảm thấy bùi ngùi, xúc động. Riêng tôi, vốn là bạn thân của Mai Tiến Thành, nhân vật học trò tên Minh trong truyện, khiến tôi nhớ lại một người bạn vui tính nhưng “ngang ngược”, hoang tàng nhưng lại “đáng yêu”.

Thành nay đã trở thành người thiên cổ. Anh ra đi ngày 10/12/2008 tại Hoa Kỳ. Ước gì anh có mặt trong buổi nói chuyện của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng, để được nghe và được thấy kỷ niệm của mình tại Đà Lạt.

 

R.I.P. Mai Tiến Thành! 

***

 (*) Bài hát “La chanson d'Orphée” - Dalida trình bày: https://www.youtube.com/watch?v=DBMxLZ2ReGU


***


--> Read more..

Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2020

Nước mắm qua thi ca

“Ngán thay cái mũi vô duyên,

Câu thơ thi xã, con thuyền Nghệ An”

Thi ca và nước mắm tưởng chừng như chẳng bao giờ gặp nhau. Một đằng là những gì tinh túy nhất của văn chương chữ nghĩa cao sang… còn một đằng thì bình dân trần tục, thường xuất hiện trong bữa ăn truyền thống của gia đình người Việt! 

Ấy thế mà thi ca và nước mắm lại kết hợp với nhau, nhuần nhuyễn qua tài nghệ của một nhà thơ “sinh bất phùng thời” Cao Bá Quát. Họ Cao phải bịt mũi mỗi khi “bị” nghe thơ của thi văn đoàn do các ông Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương thành lập và ông đưa ra câu ví von, thơ chẳng khác gì những con thuyền chở nước mắm của xứ Nghệ An!

Bài viết này không bàn về thơ hay hoặc thơ dở mà chỉ bàn về nước mắm qua thi ca Việt Nam từ ngàn xưa tới giờ. Trước hết, chúng ta đi vào kho tàng ca dao:

“Nạ dòng vớ được trai tơ

Đêm nằm hí hửng như vơ được vàng

Trai tơ vớ phải nạ dòng

Như nước mắm thối chấm lòng lợn thiu”

Đối với những người “nghiện” nước mắm thì đây là thứ nước chấm “tuyệt vời”, nhất là còn pha thêm chanh ớt, đường tỏi. Mỗi móm ăn lại có loại nước mắm riêng, để ăn bánh bột lọc miền Trung thì phải làm nước mắm mặn nhưng bánh hỏi của miền Nam lại phải có nước mắm ngọt. Nhà nghèo thì dùng nước mắm kho quẹt đến độ con cá gỗ dầm trong nước mắm chỉ để… mút cá mà vẫn thấy ngon!

 

Nước chấm được pha chế tùy theo khẩu vị

 

Nhưng không phài chỉ người Việt mới dùng nước mắm vì loại nước chấm này còn được sử dụng ở Thái Lan với tên gọi là “nam pả”, ở Phi Luật Tân là “patis”, Nam Dương là “kecap ikan”, Triều Tiên là “yeotagal”, miền Nam Trung Hoa là “yu lu” còn Nhật Bản là “shottsuru”.

Nước mắm được dịch là “fishsauce” trong tiếng Anh, “la saumure” trong tiếng Pháp nhưng thực ra chỉ có một số ít người Phương Tây chịu nổi “cái mùi thum thủm” của nước mắm. Chẳng qua là vì nước mắm có mùi rất nặng nên nhiều người nước ngoài không thích.

 

Nước mắm công nghiệp ngày nay

 

Nhưng vẫn có những “ông Tây, ông Mỹ” sau một thời gian ở Việt Nam, lấy vợ người bản xứ, đã nghiện nước mắm và trờ thành “Tây Nước Mắm”. Chẳng hạn như nhà thơ Mỹ, Bruce Weigl, từng đi quân dịch ở Việt Nam đã tự nhận mình là… “đại sứ nước mắm“.

Bruce Weigl thường cho nước mắm vào món ăn và được bạn bè khen ngon! Khi trở về Mỹ, ông thèm nước mắm quá, lúc đó nước mắm Việt Nam chưa được xuất khẩu nên loay hoay tự làm nước mắm trong sân. Mùi nước mắm đã làm cảnh sát sục đến nhà vì hàng xóm báo có mùi… “kỳ lạ”. 

Ông Didier Corlou, từng là đầu bếp chính của khách sạn Sofitel Metropole Hanoi, đã từng tuyên bố: “Nước mắm, một loại gia vị thần kỳ, sợi dây xuyên suốt nền ẩm thực Việt Nam từ Bắc vào Nam, đó là tinh túy của biển”.

Nhà hàng hải người Anh, William Dampier, trong chuyến ghé Đàng Ngoài năm 1688 có ghi lại cách sản xuất nước mắm khi ngư dân trộn cá với muối và nước rồi nén trong hũ đậy kín. Sau một thời gian, xác cá nhừ nát ra thì người Việt gạn ra phần nước dùng, gọi là “nuke-mum” (nước mắm).

Christophoro Borri, nhà truyền giáo Phương Tây đến xứ An Nam và viết một bản tường trình năm 1621 gửi về La Mã. Ông viết:

“Đàng Trong có bờ biển dài nên dân chúng đánh cá quanh năm. Họ còn đánh cá để làm nước mắm dùng cho bữa ăn. Họ dự trữ nước mắm trong nhà như người phương Tây trữ rượu vang trong hầm lạnh.

“Họ chuyên chú đánh cá chủ yếu là vì thứ nước cá này dùng một mình thì không nuốt được, nhưng được dùng để gợi lên hương vị và kích thích tì vị để ăn cơm vốn nhạt nhẽo và không có mùi vị nếu không có thứ nước đó…”.

 

Nước mắm được... “ủ chượp”


Dĩ nhiên nước mắm làm từ cá nhưng nhiều loại cá khác nhau. Trờ lại với ca dao, ta có nhiều loại cá để làm nước mắm:


“Nước mắm ngon dầm con cá liệt

Em có chồng nói thiệt anh hay”


“Nước mắm ngon dầm con cá trắng

Thấy em làm dang nắng anh thương”


“Nước mắm ngon dầm con cá bẹ

Anh biểu em rình, lén mẹ qua đây”

 

“Nước mắm ngon dầm con cá đối

Em biểu anh chờ để tối em qua”

 

Ngưới ta còn ca tụng nước mắm và xem đó là món “quốc hồn, quốc túy”:

 

“Đã là đân Việt ở đời

Không ăn nước mắm không đời nào khôn

Đến Võ Đang ở Côn Lôn

Còn ăn nước mắm múa côn múa quyền”

 

Nhà thơ Đỗ Trung Quân, “Quê hương là chùm khế ngọt”, đã thổ lộ hết tấm chân tình đối với món… “nước mắm quê hương”:

 

“Đời ta chẳng thể đi xa

Nơi không nước mắm là ta đi về

Bảo nhà quê - thì nhà quê

Nơi không nước mắm ta về nhà ta

Chân trời lạ - chân trời xa

Để người trẻ tuổi thay cha đi giùm

Mẹ ta những rạ cùng rơm

Thơ ta vắt giọt cá cơm mà thành...”

 

Tĩn nước mắm ngày nay

 

Trong nghề làm nước mắm, người ta có những tên gọi riêng để phân biệt: “Nước đục” là nước từ cá chảy ra trong ngày đầu tiên muối cá, còn đục máu cá, được đổ lại vào thùng ướp cá. “Nước bổi” là các lượt chất lỏng được tạo thành do sự phân hủy cá, chảy ra trong thời gian đầu mới muối, chưa phải là nước mắm, cũng được đổ lại thùng cá.

Cuối cùng mới ra nước mắm nhỉ, nước mắm kéo lù, nước mắm cốt: đó là loại nước mắm được hứng từ các giọt đầu tiên nhỉ ra từ lỗ thông nằm gần sát đáy thùng chứa. Khi những giọt nước mắm này rỉ ra thì người ta biết nước mắm đã thành.

Nước mắm nhỉ có độ đạm cao, vị mặn nhẹ, màu vàng trong, mùi thơm đặc biệt, được các nhà sản xuất để giành một ít dùng riêng. Đặc biệt nước mắm nhỉ nguyên chất này dù không có chất bảo quản, cũng có thề để lâu cả chục năm mà không hề hấn gì, màu chỉ sậm đi và mùi thơm không còn bốc như lúc mới nhỉ.

 

Chế biến nước mắm tại… “nhà thùng”

 

Muốn chở được nước mắm đi khắp Việt Nam từ hồi xa xưa, người Phan Thiết đã chế ra “cái tĩn” bằng đất sét trên có nắp đậy, rồi hàn lại bằng thứ keo gồm đặc biệt, mỗi tĩn nặng 3,7 lít, bên ngoài buộc dây lá để xách hoặc khiêng...

 

Làm nước mắm thủ công rồi chiết sang “tĩn”

 

Chủ các hãng nước mắm thường thuê các cô mười tám, đôi mươi, khỏe mạnh, dẻo dai để gánh một lúc từ 6 - 10 tĩn lên ghe. Các cô mặc áo bà ba, quần lãnh đen, khi gánh nặng, mồ hôi làm ướt áo quần, dán vào đôi trái đào tơ mơn mởn khiến các chàng trai trên ghe mê mẩn. Thế mới có câu:

 

"Nước mắm ngon còn dầm con cá đối,

Em chữa có chồng nói dối làm chi!"

 

Chuyển tĩn xuống ghe

 

Hiện nay có gần 3.000 cơ sở lớn nhỏ trong cả nước làm nước mắm theo cách “ủ chượp”: rửa sạch cá, ướp muối, rồi bỏ vào trong những cái vại bằng đất. Đó là chưa kể nước mắm tại gia mà mấy bà nội trợ ở Sài Gòn ra chợ mua cá, nhét vô lu chượp muối. Làm một lu nước mắm, ăn cả năm không hết, vừa ngon lại vừa an toàn vì không có chất phụ gia.

 

Nước mắm truyền thống

 

Gân đây có xảy ra cuộc chiến giữa “nước mắm truyền thống”“nước mắm công nghiệp”. Bà cựu chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc vốn hiền lành và ỏn ẻn kiểu nhà quê, nhưng trong một buổi hội thảo về nước mắm bà đã lên tiếng bênh vực mước mắm truyền thống trước luận điệu xuyên tạc… “nước mắm thạch tín”.

 

Tĩn nước mắm ngày xưa

 

Để kết thúc bài viết này, xin mời các bạn thưởng thức một bài thơ mà chúng tôi không biết tên tác giả. Thơ rằng:

 

“Cuối cùng chốt thế này luôn

Đã ăn nước mắm phải yêu nước nhà

Hãy nhớ lời của ông bà

Cá không ra mắm thì là… cá ươn!”

 

Chiết nước mắm sang chai

 ***

--> Read more..

Thứ Hai, 14 tháng 12, 2020

Tôn sư trọng đạo

“Tôn sư trọng đạo” ngày nay

Học trò ngồi phán, ông thầy đứng nghe.

Hai tay khúm núm, rụt rè

Trò ngồi ngất ngưởng, ông thầy xếp re!”

 

Hoa hậu Đỗ Thị Hà và Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, PGS.TS Phạm Hồng Chương

 

Điểm qua một số bài viết trên mạng xã hội:

* FB Thiếu Khanh:

“Ngày 8/12/2020, Trường Đại học Kinh Tế Quốc Dân, Hà Nội, rất vinh dự được nghênh tiếp Hoa Hậu Đỗ Thị Hà xa giá đến thăm. PGS Tiến sĩ Hiệu Trưởng thay mặt nhà Trường đã vô cùng hân hạnh chấp tay trịnh trọng báo cáo thành tích nhà trường với Hoa Hậu, và được Hoa Hậu ban lời vỗ về khích lệ.

“Đây là vinh dự ngàn năm mới có một lần, không những của nền giáo dục nước nhà nói chung, và ngành Đại học nói riêng, nhất là các Giáo sư, Tiến sĩ được đích thân Hoa Hậu ban lời khen ngợi, mà cả thế giới cũng chưa có nơi nào có được vinh dự như thế. Mọi người rất cảm động; có người không cầm được nước mắt.

“Chúc mừng nền giáo dục nước nhà đang phát huy quang đại!

 

Toàn cảnh buổi lễ tiếp đón Hoa hậu thăm trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội

 

* FB Nguyễn Lương Hải Khôi:

“Thay mặt tập thể nhà trường, thầy báo cáo với Hoa hậu thành tích giáo dục nhiệm kỳ qua và kế hoạch đại hội sắp tới. Về nhiệm vụ của thầy giáo, cô giáo, Hoa hậu nhắc nhở:

“Nhiệm vụ của các cô giáo, thầy giáo rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Muốn làm tròn nhiệm vụ phải luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, không ngừng bồi dưỡng đạo đức cách mạng, lập trường chính trị; phải ra sức đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ”.

“Hoa hậu nói các thầy giáo, cô giáo phải là tấm gương sáng cho người học về cái đúng, cái tốt, cái đẹp trong cuộc sống.

 

Tân hoa hậu Đỗ Thị Hà được xếp ngồi ghế trung tâm của buổi gặp mặt cùng với hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

 

* FB Trương Châu Hữu Danh:

“Đón hoa hậu Đỗ Thị Hà về làm việc tại trường, hội trường trường hôm ấy đông nghịt người. Giáo sư tiến sĩ thạc sĩ ai nấy đều hồi hộp, mắt chăm chăm hướng lên hàng ghế danh dự.

“Ðúng 14 giờ 15 phút, hoa hậu từ phía sau hội trường bước ra cùng với các đồng chí quản lý hoa hậu. Cả hội trường đứng dậy hô vang: "Hoa hậu đẹp quá" cùng với những tràng vỗ tay như sấm dậy. Hoa hậu giơ cao hai tay rồi hạ xuống, tiếng vỗ tay mới ngừng.

“Một sự xúc động khó tả tràn ngập cả hội trường rồi tự nhiên có những giọt nước mắt nóng hổi trào ra. Mới mấy hôm trước, Hà đang là sinh viên bình thường, nhìn không xúc động. Nay lên hoa hậu, cũng nhan sắc đó mà dường như đẹp gấp vạn lần.

“Hoa hậu không ngồi trên hàng ghế Chủ tịch đoàn mà trên một chiếc ghế đặt phía trước. Hoa hậu muốn tất cả mọi người ở phía dưới hội trường đều được nhìn nhan sắc hoa hậu. Hoa hậu ngồi đó với bộ áo dài vàng như mỡ gà, vẻ mặt tươi cười đôn hậu. Với lời lẽ giản dị, chân tình, thân mật như một sinh viên trong trường, hoa hậu thân ái thăm hỏi, động viên giáo sư tiến sĩ cố mà dạy tốt học tốt.

“Trong không khí trang trọng và niềm tự hào to lớn được đón tiếp Hoa hậu kiêm SV của trường về thăm và làm việc, đồng chí Hiệu trưởng vui mừng báo cáo với Hoa hậu và các đồng chí cùng đi trong đoàn về những thành tựu trường đạt được trong thời gian qua. Trong đó nổi bật và tự hào nhất là lần đầu tiên trong lịch sử đã có bà Hoa hậu, nhầm, đồng chí Hoa hậu ngồi đây.

“Đáp lại thịnh tình và sự đón tiếp trọng thị, hài lòng với những gì trường đạt được, tâm đắc với báo cáo của hiệu trưởng, đồng chí Đỗ Thị Hà đề nghị, căn dặn trường phát huy thành quả hơn nữa, dạy tốt, học tốt.

“Đồng chí hoa hậu cũng không quên trình diễn một vòng sân trường trước sự háo hức của SV và khép nép khúm núm pha lẫn phấn khởi của thầy cô cùng tiếng hoan hô vang dội, hò reo như sấm...

 

Hoa hậu Đỗ Thị Hà và bố mẹ

 

* Báo Tuổi Trẻ trong bài viết Thực hư về bức ảnh hoa hậu Đỗ Thị Hà ‘thất lễ’, hiệu trưởng ‘khúm núm’… có đoạn viết:

“Một số bài đăng trên mạng xã hội bình luận về bức ảnh này khá gay gắt, cho rằng "thầy đứng nói trước trò như trong bức hình" là không thuận mắt. Bên cạnh đó, có tranh luận về vị trí ngồi chính giữa của hoa hậu”.

Liên hệ với PGS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - về bức ảnh gây "bão" này, Tuổi Trẻ Online nhận được nhiều "đính chính".

Đầu tiên, ông Phạm Hồng Chương khẳng định đây không phải là cuộc về thăm trường của hoa hậu như các báo và mạng xã hội loan tin, mà là ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam "giao lại" sinh viên Đỗ Thị Hà cho nhà trường sau khi cô thực hiện các nghĩa vụ của một tân hoa hậu với các nhà tài trợ và các hoạt động thiện nguyện.

Về chuyện đứng chắp tay "khúm núm" báo cáo trước sinh viên của mình, ông Phạm Hồng Chương "đính chính" không phải ông đang "báo cáo" với tân hoa hậu mà là ông đang đáp từ với nhà báo Lê Xuân Sơn - trưởng ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam - sau khi ông này có phát biểu trao lại sinh viên Đỗ Thị Hà cho nhà trường để nhà trường có trách nhiệm giúp đỡ hoa hậu thực hiện trách nhiệm xã hội của một hoa hậu và quan trọng hơn là phải hoàn thành quá trình học tập.

 

Trước khi về thăm trường, Hoa hậu đã được đón rước long trọng tại quê hương Thanh Hoá

*** 

--> Read more..

Thứ Tư, 9 tháng 12, 2020

“Công tử Hà Đông”... bên hông Hà Nội!

Miền Nam có câu “Hồng Kông… bên hông Chợ Lớn” nên có lẽ miền Bắc cũng tương tự… “Hà Đông… bên hông Hà Nội”. Người có biệt danh “Công Tử Hà Đông” mà người hâm mộ dí dỏm thêm vào “bên hông Hà Nội” đã vĩnh viễn ra đi. Nhưng tại sao lại lấy tên “Công Tử Hà Đông” mà không là “Công Tử Hà Nội’? Ông giải thích:

“Tôi ra đời, lớn lên ở thị xã Hà Đông. Hà Đông cách Hồ Gươm Hà Nội 11 cây số, có xe điện qua lại ngày 4, 5 lượt. Vì quá gần Hà Nội nên Hà Đông không có gì đặc biệt cả. Ăn cao lâu, đi xem xi-nê, đi xem bói, mua thực phẩm Tết, quần áo, giày mũ, người Hà Đông đều ra Hà Nội. Thanh niên Hà Đông ăn diện không khác thanh niên Hà Nội nhưng vẫn là thanh niên Hà Đông. Không ai dám tự nhận trên báo mình là Công Tử Hà Nội, nhưng nhận mình là Công Tử Hà Đông thì được. Vì Công Tử Hà Đông là một thứ công tử tỉnh lẻ, không giống ai, không được ai trọng.”

Ông rời Hà Nội năm 1951, trước đợt di cư của đồng bào miền Bắc vào Nam năm 1954. Sài Gòn là vùng đất để ông có cơ hội “Nổ Như Tạc Đạn” là phóng tác đầu tay của ông năm 1956, lấy bối cảnh Sài Gòn, chứ không phải là bên Tây như trong nguyên tác “Après moi, le déluge”. 

Kể từ đó, ông có một chuỗi tiểu thuyết nổi đình nổi đám. Và cũng tại đây, ông mới thực sự là... “Công tử Sài Gòn”. Ông kể:

“Trong trí nhớ của tôi nay vẫn còn nguyên hình ảnh chàng phóng viên lãng tử của nhật báo Sàigònmới năm xưa – năm 1960 – chàng phóng viên ăn dziện đúng mode Italie: sơ-mi hai túi ngực, hai cây bút Bi Parker cắm ở túi áo, một bút mực đen, một bút mực đỏ, đồng hồ tay Internamatic mua ở Bangkok, quần sanspli, giầy mocassin Trinh’s Shoes Tự Do 500 đồng một đôi, trong túi áo ngực có bao thuốc điếu Lucky Strike, hay bao Philip Morris Vàng, quẹt máy Dupont Trắng dắt ở túi đựng bật lửa nơi lưng quần. Chàng phóng viên mới ba mươi tuổi mà tóc đã “không bạc, tóc chàng là tóc argenté.”

Độc giả cũng thích “Sài Gòn Vang Bóng” của ông vì ông viết về những nhận vật nổi tiếng ở Sài Gòn mà lại còn có những nhật xét riêng về họ (https://chinhhoiuc.blogspot.com/2019/11/cay-but-hoang-hai-thuy-va-sai-gon-vang.html).

Từ Dân biểu Hạ viện Kiều Mộng Thu được mang biệt danh “Kiều Lá Đổ”, bà Nghị viên Đô thành mang tên Trần Kim Thoa được biết đến qua tên “Bà Nghị Nín Tè”… đến bà Bút Trà, chủ báo Sài Gòn Mới, bị báo chí châm chọc qua bút danh… “Bút Tè” chỉ vì tờ báo của bà được xếp vào loại “lá cải”! 

Sự nghiệp văn chương của ông rất đa dạng. Từ “Vũ Nữ Sài Gòn” đến nàng “Kiều Giang”, ông đưa người đọc từ trong nước ra đến thế giới bên ngoài qua một lối văn mà người ta gọi là “phóng tác”. Văn ông viết dựa theo cốt truyện nước ngoài nhưng lại rất gần gũi với người đọc.

“Kiều Giang” kỳ thực là nàng Jane Eyre của Charlotte Bronte. Ông dùng tên Kiều Giang, đứa con gái cưng của ông, khi đó mới vừa 6 tuổi, để đặt tên sách! “Đỉnh Gió Hú” lại có xuất xứ từ một địa danh ở một đất nước xa xôi mang tên “Wuthering Heights”. Chuyện “Điệp Viên 007” hay “Thầy Nô” (Dr No) là những nhân vật gián điệp nổi tiếng thế giới được đưa vào khung cảnh hoàn toàn Việt Nam, từ lời ăn tiếng nói đến cách hành xử.

Có một mảng văn chương mà ít người để ý đến là tài làm thơ của ông sau năm 1975, lúc hãy còn ở lại Sài Gòn. Khi đó, dân miền Nam đang trong thời “điêu linh” nên ông làm thơ về những món quà gửi từ nước ngoài về cứu trợ:

“Chẳng phải đồ lô, vẫn của nhà

Ðồ zin em gửi tận Uy-Dza

Vải hoa, soie Pháp, vui lòng mẹ

Hộp quẹt, quần jeans, mát dạ cha

Camay, Colgate mồm thơm lại

Maalox,  Lyneo mắt sáng ra

Còn non, còn nước, còn đồ ngoại

Còn đồ em thơm cứ như hoa ..”

Nhưng thực tế là “đồ Mỹ” đa số đều chạy ra “chợ trời” để người bán đổi lấy tiềng đong gạo sống qua ngày. Thế cho nên:

“Chợ bầy những đọa cùng đầy

Vàng phơi nắng quái, ngọc vầy mưa sa

Bán đồ toàn những người ta

Mua đồ thì rặt những Ma cùng Mường

Chợ Trời hay Chợ Đoạn Trường

Đầu âm phủ, cuối thiên đường là đây!”

Người ông thương yêu nhất đời là bà vợ ông, Alice Đỗ Thị Thủy. Ông tâm sự, trong một đêm “nằm phơi rốn” (sic) giữa “Lầu Bát Giác” của Khám lớn Chí Hoà, ông làm bài thơ “Anh chỉ sống để chờ em đến” gửi về cho vợ:

“Như Trái Đất chỉ quay để chờ nắng lên

Anh chỉ sống để chờ Em đến.

Giòng Thời Gian muôn kiếp lênh đênh

Ta muôn kiếp vẫn yêu, vẫn mến…”

Và ông cũng tự tìm ra lời giải đáp cho những hiện tượng nheo nhóc xảy ra bên ngoài bức tường lao lý:

“Sáu năm dài dập dồn dâu bể

Đời sống ta cơ cực Thành Hồ

Anh lặng biết sao em buồn thế

Sao em gầy sao tóc em khô!”

***

Đọc đến đây chắc các bạn có thể đoán được “Ông” là ai!

Người đó chính là Hoàng Hải Thủy, nhà văn nổi tiếng vừa từ trần ngày 6/12/2020 tại Rừng Phong, Virginia, Hoa Kỳ. Ông qua đời tại “Xứ của tình nhân” (Virginia is for Lovers) với rừng cây phong thơ mộng, hưởng thọ 87 tuổi. 

***

* Các bạn có thể tham khảo thêm bài viết “Văn & Thơ Hoàng Hải Thủy” tại  https://www.blogger.com/.../524766369.../8154820475342108006

***

Phân ưu

 

Hoàng Hải Thủy tại Pleiku năm 1971

 

Hoàng Hải Thủy và người bạn đời, Alice

 

Hoàng Hải Thủy và vợ khi vừa đến định cư ở Hoa Kỳ, năm 1994

 

Kiều Giang

 

Sài Gòn Vang Bóng

 ***

--> Read more..

Thứ Hai, 7 tháng 12, 2020

Tự trào

Trông gầy như que tăm,

Ít đi, chỉ muốn nằm

Tuổi già ngày chồng chất,

Ngày tháng bỗng lạnh căm!

 

Húp cháo ngon hơn cơm,

Thịt thà trông phát ớn

Còn đâu tái, nạm, gầu

Những ngày ăn phở sớm.

 

Cá là bạn thiết thân

Dễ nhai, chẳng phải nhần

Răng cái còn, cái mất

Cố gắng mà nuôi thân.

 

 


Thất thập cổ lai hi

Bỗng dưng muốn cười khì

Sống thọ chi cho lắm?

Chứng kiến cảnh ai bi!

 

 


 ***

--> Read more..

Popular posts