Thứ Tư, 9 tháng 12, 2020

“Công tử Hà Đông”... bên hông Hà Nội!

Miền Nam có câu “Hồng Kông… bên hông Chợ Lớn” nên có lẽ miền Bắc cũng tương tự… “Hà Đông… bên hông Hà Nội”. Người có biệt danh “Công Tử Hà Đông” mà người hâm mộ dí dỏm thêm vào “bên hông Hà Nội” đã vĩnh viễn ra đi. Nhưng tại sao lại lấy tên “Công Tử Hà Đông” mà không là “Công Tử Hà Nội’? Ông giải thích:

“Tôi ra đời, lớn lên ở thị xã Hà Đông. Hà Đông cách Hồ Gươm Hà Nội 11 cây số, có xe điện qua lại ngày 4, 5 lượt. Vì quá gần Hà Nội nên Hà Đông không có gì đặc biệt cả. Ăn cao lâu, đi xem xi-nê, đi xem bói, mua thực phẩm Tết, quần áo, giày mũ, người Hà Đông đều ra Hà Nội. Thanh niên Hà Đông ăn diện không khác thanh niên Hà Nội nhưng vẫn là thanh niên Hà Đông. Không ai dám tự nhận trên báo mình là Công Tử Hà Nội, nhưng nhận mình là Công Tử Hà Đông thì được. Vì Công Tử Hà Đông là một thứ công tử tỉnh lẻ, không giống ai, không được ai trọng.”

Ông rời Hà Nội năm 1951, trước đợt di cư của đồng bào miền Bắc vào Nam năm 1954. Sài Gòn là vùng đất để ông có cơ hội “Nổ Như Tạc Đạn” là phóng tác đầu tay của ông năm 1956, lấy bối cảnh Sài Gòn, chứ không phải là bên Tây như trong nguyên tác “Après moi, le déluge”. 

Kể từ đó, ông có một chuỗi tiểu thuyết nổi đình nổi đám. Và cũng tại đây, ông mới thực sự là... “Công tử Sài Gòn”. Ông kể:

“Trong trí nhớ của tôi nay vẫn còn nguyên hình ảnh chàng phóng viên lãng tử của nhật báo Sàigònmới năm xưa – năm 1960 – chàng phóng viên ăn dziện đúng mode Italie: sơ-mi hai túi ngực, hai cây bút Bi Parker cắm ở túi áo, một bút mực đen, một bút mực đỏ, đồng hồ tay Internamatic mua ở Bangkok, quần sanspli, giầy mocassin Trinh’s Shoes Tự Do 500 đồng một đôi, trong túi áo ngực có bao thuốc điếu Lucky Strike, hay bao Philip Morris Vàng, quẹt máy Dupont Trắng dắt ở túi đựng bật lửa nơi lưng quần. Chàng phóng viên mới ba mươi tuổi mà tóc đã “không bạc, tóc chàng là tóc argenté.”

Độc giả cũng thích “Sài Gòn Vang Bóng” của ông vì ông viết về những nhận vật nổi tiếng ở Sài Gòn mà lại còn có những nhật xét riêng về họ (https://chinhhoiuc.blogspot.com/2019/11/cay-but-hoang-hai-thuy-va-sai-gon-vang.html).

Từ Dân biểu Hạ viện Kiều Mộng Thu được mang biệt danh “Kiều Lá Đổ”, bà Nghị viên Đô thành mang tên Trần Kim Thoa được biết đến qua tên “Bà Nghị Nín Tè”… đến bà Bút Trà, chủ báo Sài Gòn Mới, bị báo chí châm chọc qua bút danh… “Bút Tè” chỉ vì tờ báo của bà được xếp vào loại “lá cải”! 

Sự nghiệp văn chương của ông rất đa dạng. Từ “Vũ Nữ Sài Gòn” đến nàng “Kiều Giang”, ông đưa người đọc từ trong nước ra đến thế giới bên ngoài qua một lối văn mà người ta gọi là “phóng tác”. Văn ông viết dựa theo cốt truyện nước ngoài nhưng lại rất gần gũi với người đọc.

“Kiều Giang” kỳ thực là nàng Jane Eyre của Charlotte Bronte. Ông dùng tên Kiều Giang, đứa con gái cưng của ông, khi đó mới vừa 6 tuổi, để đặt tên sách! “Đỉnh Gió Hú” lại có xuất xứ từ một địa danh ở một đất nước xa xôi mang tên “Wuthering Heights”. Chuyện “Điệp Viên 007” hay “Thầy Nô” (Dr No) là những nhân vật gián điệp nổi tiếng thế giới được đưa vào khung cảnh hoàn toàn Việt Nam, từ lời ăn tiếng nói đến cách hành xử.

Có một mảng văn chương mà ít người để ý đến là tài làm thơ của ông sau năm 1975, lúc hãy còn ở lại Sài Gòn. Khi đó, dân miền Nam đang trong thời “điêu linh” nên ông làm thơ về những món quà gửi từ nước ngoài về cứu trợ:

“Chẳng phải đồ lô, vẫn của nhà

Ðồ zin em gửi tận Uy-Dza

Vải hoa, soie Pháp, vui lòng mẹ

Hộp quẹt, quần jeans, mát dạ cha

Camay, Colgate mồm thơm lại

Maalox,  Lyneo mắt sáng ra

Còn non, còn nước, còn đồ ngoại

Còn đồ em thơm cứ như hoa ..”

Nhưng thực tế là “đồ Mỹ” đa số đều chạy ra “chợ trời” để người bán đổi lấy tiềng đong gạo sống qua ngày. Thế cho nên:

“Chợ bầy những đọa cùng đầy

Vàng phơi nắng quái, ngọc vầy mưa sa

Bán đồ toàn những người ta

Mua đồ thì rặt những Ma cùng Mường

Chợ Trời hay Chợ Đoạn Trường

Đầu âm phủ, cuối thiên đường là đây!”

Người ông thương yêu nhất đời là bà vợ ông, Alice Đỗ Thị Thủy. Ông tâm sự, trong một đêm “nằm phơi rốn” (sic) giữa “Lầu Bát Giác” của Khám lớn Chí Hoà, ông làm bài thơ “Anh chỉ sống để chờ em đến” gửi về cho vợ:

“Như Trái Đất chỉ quay để chờ nắng lên

Anh chỉ sống để chờ Em đến.

Giòng Thời Gian muôn kiếp lênh đênh

Ta muôn kiếp vẫn yêu, vẫn mến…”

Và ông cũng tự tìm ra lời giải đáp cho những hiện tượng nheo nhóc xảy ra bên ngoài bức tường lao lý:

“Sáu năm dài dập dồn dâu bể

Đời sống ta cơ cực Thành Hồ

Anh lặng biết sao em buồn thế

Sao em gầy sao tóc em khô!”

***

Đọc đến đây chắc các bạn có thể đoán được “Ông” là ai!

Người đó chính là Hoàng Hải Thủy, nhà văn nổi tiếng vừa từ trần ngày 6/12/2020 tại Rừng Phong, Virginia, Hoa Kỳ. Ông qua đời tại “Xứ của tình nhân” (Virginia is for Lovers) với rừng cây phong thơ mộng, hưởng thọ 87 tuổi. 

***

* Các bạn có thể tham khảo thêm bài viết “Văn & Thơ Hoàng Hải Thủy” tại  https://www.blogger.com/.../524766369.../8154820475342108006

***

Phân ưu

 

Hoàng Hải Thủy tại Pleiku năm 1971

 

Hoàng Hải Thủy và người bạn đời, Alice

 

Hoàng Hải Thủy và vợ khi vừa đến định cư ở Hoa Kỳ, năm 1994

 

Kiều Giang

 

Sài Gòn Vang Bóng

 ***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts