Nhà văn Hoàng Hải Thủy tên thật là Dương Trọng Hải, sinh
năm 1933 tại Hà Đông. Cũng vì thế ông còn lấy tên Công tử Hà Đông, bút hiệu xuất
hiện trên trang Web “Hoàng Hải Thủy a.k.a.
Công tử Hà Đông” (https://hoanghaithuy.wordpress.com/).
Trang Web này có khoảng hơn 300 bài viết từ Hoa Kỳ.
Tại sao ông lại chọn “Công
tử Hà Đông” chứ không phải là công tử ở các địa danh khác như “Hà Thành”
hay “Sè Gòn” chẳng hạn? Ông trả lời trong một cuộc phỏng vấn năm 2011:
“Tôi ra đời, lớn
lên ở thị xã Hà Đông. Hà Đông cách Hồ Gươm Hà Nội 11 cây số, có xe điện qua lại
ngày 4, 5 lượt. Vì quá gần Hà Nội nên Hà Đông không có gì đặc biệt cả. Ăn cao
lâu, đi xem xi-nê, đi xem bói, mua thực phẩm Tết, quần áo, giày mũ, người Hà
Đông đều ra Hà Nội. Thanh niên Hà Đông ăn diện không khác thanh niên Hà Nội
nhưng vẫn là thanh niên Hà Đông. Không ai dám tự nhận trên báo mình là Công Tử
Hà Nội, nhưng nhận mình là Công Tử Hà Đông thì được. Vì Công Tử Hà Đông là một
thứ công tử tỉnh lẻ, không giống ai, không được ai trọng.”
Nhà văn Hoàng Hải Thủy ngày nay đã ngoài…
“tám bó”
Hầu hết những gì người đọc muốn tìm hiểu về nhà văn “lưu
vong” này đều được “Viết ở Rừng Phong”, một thị trấn nhỏ thuộc tiểu bang
Virginia, Hoa Kỳ. Theo cách gọi của Hoàng Hải Thủy, đây là “Xứ của tình nhân” (Virginia is for Lovers) với rừng cây phong thật
thơ mộng.
Hoàng Hải Thủy tâm sự với người đọc về cuộc đới viết lách
của minh ngày xưa:
“Thưở ấy, những năm
1960, tôi đang ăn chơi đến ngất ngư con tầu đi, tức ăn chơi xả láng, tôi đang ở
trên đỉnh thang phong độ cao nhất đời tôi, tôi chia thời gian sống của tôi ra
làm 3 Việc: (1) Làm, (2) Học, và (3) Chơi.
“Tôi phải Làm Việc
để có tiền sống và chơi. Tôi phải Học để có thể làm việc. Tôi chơi vì tôi ham
chơi và tôi chơi để tôi có thể làm việc và học. Chia thời gian ra 3 phần đều
nhau như thế nhưng vì ham chơi, phần Chơi của tôi luôn lấn vào phần Học, còn
Làm thì tôi bắt buộc phải Làm để có Tiền.
(hết trích)
Hoàng Hải Thủy, năm 25 tuổi, trong căn nhà
78/5 đường Mayer, 1957 (ngày nay là đường Hiền Vương, Tân Định, Sài Gòn)
Từ Rừng Phong bên xứ Huê Kỳ khi tuổi đời đã “bảy bó lẻ mấy que”, Hoàng Hải Thủy viết:
“Trong trí nhớ của
tôi nay vẫn còn nguyên hình ảnh chàng phóng viên lãng tử của nhật báo Sàigònmới
năm xưa – năm 1960 – chàng phóng viên ăn dziện đúng mode Italie: sơ-mi hai túi
ngực, hai cây bút Bi Parker cắm ở túi áo, một bút mực đen, một bút mực đỏ, đồng
hồ tay Internamatic mua ở Bangkok, quần sanspli, giầy mocassin Trinh’s Shoes Tự
Do 500 đồng một đôi, trong túi áo ngực có bao thuốc điếu Lucky Strike, hay bao
Philip Morris Vàng, quẹt máy Dupont Trắng dắt ở túi đựng bật lửa nơi lưng quần.
Chàng phóng viên mới ba mươi tuổi mà tóc đã “không bạc, tóc chàng là tóc
argenté.”
Những bài viết về Hoàng Hải Thủy rất nhiều nên chúng tôi
chia thành nhiều “phân đoạn” với những chủ đề khác nhau. Ở phần thứ nhất chỉ
nói đến những nhân vật “có tiếng” ở Sài Gòn ngày xưa mà tác giả đã có cơ hội gặp
gỡ, và quan trọng hơn cả là những nhận xét về họ. Tất cả những nhân vật đó đều
gặp nhau trong “Sài Gòn Vang Bóng”.
Sài Gòn Vang Bóng
Trước hết, hãy điểm qua những nhân vật nữ Sài Thành mà
Hoàng Hải Thủy tiếp xúc. Nổi bật có Dân biểu Hạ Viện Kiều Mộng Thu, mà ngày xưa
báo chí Sài Gòn đặt tên là “Kiều Lá Đổ” chỉ
vì tập thơ “Lá đổ trên mười đầu ngón tay”
của bà được xuất bản trong thời làm dân biểu.
Kiều Mộng Thu tên thật là Trương Ngọc Thu, sinh năm 1941
tại Long Xuyên, học lực tú tài, đã dậy học, viết báo, làm thơ nhiều năm trước
khi trở thành dân biểu. Bà kết hôn với ông Phó Tỉnh trưởng Nguyễn Chánh Sắc và
hành động đáng nhớ nhất của bà là “cắt
tay lấy máu viết bức huyết thư trong lễ ra mắt của Mặt trận Nhân dân Cứu đói”.
Dĩ nhiên bà là “cái gai” trước mắt chính quyền. Sau tháng
4/1975, bà Kiều Mộng Thu tuyệt tích giang hồ khiến Hoàng Hải Thủy chẳng biết bà
có bị đi tù vì là Dân biểu Hạ viện VNCH hay không.
Còn có một bà Nghị viên Đô Thành cũng nổi tiếng không kém
là bà Trần Kim Thoa. Bà xuất thân là chủ Nhà in Tín Ðức Thư Xã ở đường
Sabourain, sau năm 1956 đổi tên là đường Tạ Thu Thâu. Tín Ðức Thư Xã do ông
thân của bà lập nên, chuyên xuất bản loại truyện Tàu như Phong Thần, Ðông Chu
Liệt Quốc, Tam Quốc Chí...
Thời làm nghị viên, bà Thoa được các ký giả nhật báo Sài
Gòn gọi là “Bà Nghị Nín Tè” chỉ vì trong
một cuộc họp hội đồng đô thành, bà nghị than phiền cả thành phố Sài Gòn không
có một nhà tiểu tiện khiến cho chị em bán hàng rong phải… nín tè!
Những nhân vật thời VNCH (tranh của Họa sĩ Ớt)
Có thể nói, người đàn bà mà Hoàng Hải Thủy còn giữ mãi “ấn
tượng tốt đẹp” trong thời làm báo là bà Bút Trà, chủ báo Sàigòn Mới. Bà là phụ
nữ đầu tiên làm chủ một tờ báo ở Sài Gòn dù chẳng có nghề báo nhưng với một quyết
tâm bà đã hình thành một tờ báo mà người lao động bình dân thích đọc hàng ngày.
Đối với một số người trí thức, Sàigòn Mới thuộc loại báo
“lá cải”, chuyên khai thác những chuyện “giựt gân, câu khách” như chuyện
“Tình-Tiền-Tù-Tội” hoặc “xe cán chó”... Các báo khác vì chuyện cạnh tranh nên sửa
tên bà Bút Trà thành… “Bút Tè”!
Hoàng Hải Thủy tâm sự với người đọc:
“Từ ngày sang Hoa Kỳ,
tôi vẫn để nhiều thì giờ tìm trên Internet những tài liệu về tờ nhật báo
Sàigònmới năm xưa. Nhưng tôi thất vọng. Có thể nằm ở đâu đó trong kho Internet
Khổng Lồ Thế Giới có những tài liệu, hình ảnh về những tờ nhật báo của Sài Gòn
trước năm 1975, như những tờ báo hàng đầu Tự Do, Ngôn Luận, Chính Luận, Tiếng
Chuông, Tia Sáng, Trắng Ðen, Bút Thép, Ðại Dân Tộc. Xong tôi không tìm thấy gì
cả. Ngay cả một tấm ảnh của bà Bút Trà, bà chủ nhiệm nhật báo Sàigònmới, tôi
cũng không tìm thấy trên Internet. Rõ hơn: tôi không có ảnh bà Bút Trà”.
Theo Hoàng Hải Thủy, báo Sàigòn Mới không hẳn là “lá cải”
nhưng cũng không phải là một nhật báo hàng đầu. Cái khéo của tờ báo là tìm ra nhiều
hình thức mới lạ để “câu khách”, tăng số lượng phát hành (tirage). Ông phân
tích “chiến thuật-chiến lược làm báo” của gia đình ông bà Bút Trà và các con:
“Mãi đến năm 1957
nhờ sáng kiến tặng phụ bản bản đồ Việt Nam, bản đồ thế giới rồi phụ bản mầu đủ
thứ chim cò, ngao sò ốc hến của anh con thứ năm là Năm Thành, báo Sàigòn Mới
tăng vọt số báo bán. Anh con thứ sáu là Sáu Khiết xuất bản Tuần báo Phụ Nữ Ngày
Mai. Tiền đổ vào nhà Sàigòn Mới như nước. Bà Bút Trà xây và làm chủ Rạp Xi-nê
Kim Châu đường Nguyễn Văn Sâm…”
Từ Rừng Phong, ông kể lại trong Sài Gòn Vang Bóng một câu
chuyện tại tòa soạn báo:
“Lúc 11 giờ trưa
ngày 11 Tháng 11, năm 1961, hay ngày 1 Tháng 11 năm 1961, khi những ông sĩ quan
làm đảo chính Nguyễn chánh Thi, Vương văn Ðông, Phạm văn Liễu..vv.. đã lên phi
cơ bay sang Nam Vang, một tuyên cáo ủng hộ phe đảo chính được đưa tới toà báo
Sàigòn Mới.
“Tuyên cáo do một số
nhân sĩ ký tên, trong số có các ông Nguyễn Tường Tam, Phan Khắc Sửu, Trần Văn
Tuyên, Phan Quang Ðán .. Báo Sàigònmới đăng Tuyên Cáo này hay không? Người quyết
định đăng hay không là ông Bút Trà. Ông nói nhà báo không ủng hộ phe nào cả, có
tin là nhà báo đăng. Và nhật báo Sàigòn Mới đã đăng bản Tuyên Cáo ấy.
“Hình như cả làng
báo Sài Gòn hôm ấy chỉ có báo Sàigòn Mới đăng Tuyên Cáo ủng hộ phe Quân Nhân
Làm Ðảo Chính. Những người ký tên trong Tuyên Cáo ủng hộ phe đảo chính, không
phải nhật báo Sài Gòn Mới ủng hộ, nhưng vì đăng bản Tuyên Cáo đó báo Sàigòn Mới
“có tội” với chính phủ. Báo không bị đóng cửa nhưng bị một phen xính vính.
(hết trích)
Làm báo hay viết văn cũng là một nghề gặp nhiều chuyện
“trái cẳng ngỗng”. Có một tấm hình báo Sàigòn Mới trên Internet mà ông thấy thật…
“vô lý”. Tướng Nguyễn Viết Thanh tử nạn phi cơ trên mặt trận Cao Miên ngày 19/5/1970,
nhật báo Sàigòn Mới bị chính phủ Nguyễn Khánh đóng cửa Tháng 4/1964, làm sao
báo một tờ báo bị đóng cửa năm 1964 lại
có thể đăng tin một vị Tướng Quân đội VNCH tử nạn năm 1970?
Rõ ràng đây là “fake photo”! Vì một lý do nào đó, một người
nào đó đã làm giả tấm ảnh của Nhật báo Sàigòn Mới.
“Fake photo”: Nhật báo Sàigòn Mới bị đóng cửa
năm 1964, trong trang báo trên đây đăng tin Tướng Nguyễn Viết Thanh tử nạn phi
cơ năm 1970
Sàigòn Mới chỉ “làm ăn phát đạt” từ năm 1957 đến đầu năm
1964. Sau đó tờ báo biến mất, không còn một dấu vết trong làng báo Sài Gòn. Khi
tờ báo bị “bức tử”, ông Bút Trà sống với
bà vợ nhỏ, bà Bút Trà về trông coi nhà bảo sinh có từ trước của bà ở gần Trường
Tiểu Học Bàn Cờ đường Phan đình Phùng. Sau năm 1975, ông Bút Trà chết trong
nghèo đói và bệnh tật.
Tháng 10/2010, Hoàng Hải Thủy viết một bài về một nhân vật của
Sài Gòn xưa: Luật sư Trương Ðình Dzu và về vụ người con trai của ông là Trương Ðình Hùng, bị Cơ Quan FBI bắt về tội làm gián điệp cho Việt Cộng năm
1978 ở Virginia. Bài viết có đoạn:
“Những năm 1960 trời
đất Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa yên bình, Sài Gòn an ninh, có hai Hội Quốc Tế ở
Sài Gòn, một hội là Hội Lyons – Lyons Club – hội thứ hai là Hội Rotary – Rotary
Club – Luật Sư Trương Ðình Dzu là Hội Trưởng Hội Rotary Việt Nam. Có thời ông
là Thống Ðốc Hội Rotary Ðông Nam Á. Ông ra ứng cử chức vụ Tổng Thống hai lần. Lần
thứ nhất ông tranh cử với Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, lần thứ hai ông tranh cử với
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Lần tranh cử thứ hai, liên danh của ông về nhì,
ông bị Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bắt, kết tội “Làm suy yếu tinh thần chống Cộng,”
cho ông vào tù một thời gian. Ông nằm phơi rốn trong Nhà Tù Chí Hòa (*).
…
“Một buổi chiều năm
1967, Ứng cử viên Tổng Thống Trương Ðình Dzu họp báo ở Khách sạn Continental.
Là phóng viên nhật báo Sàigònmới tôi đến dự. Tôi từng khó chịu khi thấy những
ông ứng cử viên Tổng Thống ăn không nên đọi, nói không nên lời, trả lời mấy câu
hỏi vẩn vương của ký giả Việt thôi mà đã ngắc ngứ. Tôi ngượng mặt khi tôi phải
thấy những ông chính khách Việt mở cuộc hội báo khi bị bọn phóng viên Mỹ, Pháp
hỏi mặt cứ ngẩn tò te. Tôi thán phục tài hùng biện của Ứng cử viên Trương Ðình
Dzu khi tôi thấy ông trả lời bọn phóng viên Pháp Mỹ; ông nói thao thao, đường
hoàng. Phóng viên Mỹ hỏi, ông trả lời bằng tiếng Anh xong, ông chuyển sang nói
tiếng Pháp. Phóng viên Pháp hỏi, ông trả lời bằng tiếng Pháp, xong ông chuyển
sang nói tiếng Anh. Tôi có cảm tưởng ông nói – mà không cần nói – với bọn nhà
báo Pháp, Mỹ.
(hết trích)
Luật sư Trương Đình Dzu trong một cuộc họp
báo ở Sài Gòn năm 1968
Bây giờ ngồi nhớ lại, Hoàng Hải Thủy làm sao có thể “Là phóng viên nhật báo Sàigòn Mới” đến
dự họp báo của Luật sư Dzu năm 1967 khi tờ báo đã bị đóng của năm 1964?
Ông tự... “thanh minh thanh nga”:
“Viết về những chuyện
xẩy ra bốn mươi, năm mươi năm xưa, có những chuyện tôi nhớ sai. Vì nhớ sai nên
tôi viết lại không đúng. Một nguyên do chính làm tôi không nhớ đúng nhiều chuyện
xưa là năm xưa chẳng bao giờ tôi tự nhủ: “Mình phải nhớ kỹ chuyện này để mai
sau khi có thể mình viết ra cho đồng bào mình cùng biết.”
***
Trước khi chấm dứt bài này cũng xin nói thêm, người con út của luật sư Dzu, anh
Trương Đình Vượng, bị động viên vào Thủ Đức thuộc khóa đàn em của tôi. Ra trường
với cấp bậc Chuẩn úy anh lại được tuyển thẳng về làm giảng viên Anh ngữ tại Trường
Sinh ngữ Quân đội. Quả là một sự tình cờ hi hữu và cũng là “cái duyên may” khi
chúng tôi cùng phục vụ dưới cùng một mái trường!
Hẹn các bạn ở bài viết sau, chúng ta sẽ còn nhiều chuyện
để nói về Hoàng Hải Thủy, một trường hợp hiếm có trên văn đàn Sài Gòn ngày nào.
***
Chú thích:
(*) Luật sư Trương Đình Dzu ra ứng cử chức vụ Tổng Thống
hai lần. Lần thứ nhất ông tranh cử với Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, lần thứ hai
ông tranh cử với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Trong cuộc tranh cử lần 2, ông bị
đưa ra trước Toà án Quân sự Ðặc biệt ngày 26/7/1968 và bị xử phạt án 5 năm tù. Nhưng vì áp lực của công chúng miền Nam và ngoại quốc, ông Dzu được thả
sau 5 tháng tù ở Chí Hòa!
Bà vợ ông Trương Đình Dzu trước Quốc hội với
biểu ngữ phản đối việc chồng bà bị bắt
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét