Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2019

Thư ngỏ gửi nhạc sĩ Trần Long Ẩn


Anh sinh năm 1944, lớn hơn tôi 2 tuổi, nên theo phép lịch sự tôi gọi bằng anh. Xét về tuổi tác thì chúng ta có thể tạm gọi là “đồng thế hệ” nhưng không phải là “đồng chí” vì chúng ta không cùng chí hướng.


Chúng ta cùng được đào tạo từ nền giáo dục của VNCH nhưng về chí hướng thì năm 1972 anh rời Sài Gòn để vào vùng giải phóng. Anh ra đi bí mật đến nỗi mẹ anh ở Bình Định cũng không biết anh đi đâu.

Mẹ anh đã tốn nhiều công sức, thời gian và kể cả tiền bạc đi tìm đứa con trai đi biệt tích, nhưng chẳng thấy tăm hơi. Sau ngày “giải phóng”, hai mẹ con mới gặp lại nhau.

Trong thời gian ở chiến khu suốt hai năm, đến đầu tháng 4/1974, anh được ra miền Bắc học tập. Cùng đi trong đoàn còn có các anh Lê Duy Hạnh, Trương Quốc Khánh, Nguyễn Văn Sanh, Trần Văn Ánh; các chị Hoàng Thị Hạnh, Trần Thị Thanh Lê…

Ở Hà Nội, theo đúng nguyện vọng, anh được vào Trường Âm nhạc Việt Nam và tốt nghiệp, trở thành nhạc sĩ. Dĩ nhiên là anh sáng tác loại “nhạc đỏ”, có lẽ vì… “Hồng còn hơn Chuyên”.

Tôi hoàn toàn không biết anh là một nhạc sĩ. Phải đợi đến khi ra khỏi trại cải tạo năm 1979 tôi mới được nghe trẻ con trong xóm nghêu ngao: “Tổ quốc ơi, ăn khoai mì ngán lắm. Từ Bắc vô Nam, ăn khoai mì dài dài…”

Hỏi ra mới biết đó là nhạc của bài “Tình đất đỏ miền Đông” của anh được “chế lời” cho hợp với hoàn cảnh của thời điêu linh.

Không phải chỉ hát về chuyện ăn khoai mì, bài hát lại còn đả động đến chuyện “lao động” với những lời đặt lại như “Cây cuốc cong, cầu mong cây cuốc gãy…” từ nguyên văn của anh: “Cây lúa non chờ từng cơn mưa nhỏ…”.

Ca khúc “Tình đất đỏ miền Đông” của anh đã đoạt giải nhất cuộc vận động sáng tác ca khúc về đề tài thống nhất đất nước do Hội Văn nghệ Giải phóng tổ chức năm 1976. Bài ca “Cây hai ngàn lá” (phỏng thơ Pờ Sào Mìn) của anh cũng nhận được giải thưởng của Hội nhạc sĩ Việt Nam năm 1994.

Năm 2007, anh còn nhận được giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Anh đã bước lên tột đỉnh của vinh quang với vai trò Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam và đồng thời còn giữ chức vụ Chủ tịch Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh.

Đó là thành quả tất yếu của một nhạc sĩ “chuyên trị nhạc đỏ” theo đúng câu “Ăn cây nào, rào cây ấy” của các cụ ngày xưa để lại… nếu như không có chuyện “lùm xùm” xung quanh phát biểu của anh trong Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

Anh nói trước Hội đồng:

“Cục Biểu diễn nghệ thuật từng bảo tôi, làm sao nhờ anh Năm Ẩn phát biểu giùm rằng, hiện nay không còn khái niệm nhạc cũ trước giải phóng nữa… Tôi nghe sốc và đau lắm”.

“SỐC” và “ĐAU” vì theo anh, “Toàn bộ nền văn học nghệ thuật miền Nam trước 1975 là độc hại, cần phải xóa bỏ hết” (sic).


Anh Ẩn ơi, cái thời “đốt sách, bài trừ văn hóa đồi trụy… tàn dư của Mỹ - Ngụy” đã qua lâu lắm rồi. Bây giờ là thời đại “bùng nổ” của công nghệ thông tin với Internet. Làm sao xóa bỏ được đây hỡi nhạc sĩ Trần Long Ẩn?

Tôi nhớ đến một câu thật dí dỏm của nhà văn người Mỹ, Mark Twain. Ông viết:

“Chẳng thà mình không nói để người ta tưởng mình ngu, còn hơn mở miệng ra để người ta không còn nghi ngờ gì nữa”.

Có đúng vậy không anh Trần Long Ẩn?


***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts