Thứ Ba, 8 tháng 4, 2025

Phong trào Hướng đạo

Trước 1975, vào những ngày Chủ Nhật, Sài Gòn thường xuất hiện những thanh thiếu niên trong bộ đồng phục hướng đạo thường đến các công viên để vui chơi trong sinh hoạt tập thể, tham gia công tác xã hội đồng thời rèn luyện những kỹ năng chuyên môn như thắt nút dây, truyền tín hiệu Morse, Semaphore hay “mưu sinh thoát hiểm”…

Phong Trào Hướng Đạo do Huân Tước người Anh tên Sir Robert Baden Powell sáng lập vào năm 1907, nhằm mục đích giáo dục thanh thiếu niên trở thành người công dân tốt, biết phụng sự xã hội và đóng góp cho cộng đồng.

 

Chân dung Sir Robert Baden Powell (1857-1941)

 

Phong trào Hướng Đạo là một sân chơi lành mạnh và hữu ích. Nhưng muốn đến với sân chơi này phải có cơ duyên và một số điều kiện cần thiết. Ngày xưa, hầu hết thanh thiếu niên đến với phong trào Hướng đạo đều thuộc con nhà khá giả.

Tham gia hướng đạo rất tốn kém, trong đó bao gồm việc sắm đồng phục, nón, giày, một số trang bị trong sinh hoạt hướng đạo. Đó là chưa kể đến việc đóng niên liễm và nhiều thứ linh tinh khác.

Cuối tuần hướng đạo sinh sẽ đến một địa điểm sinh hoạt (thường là các công viên) để vui chơi, dựng lều và để được các anh chị trưởng huấn luyện về các kỹ năng hướng đạo. Thỉnh thoảng, lại còn được tham gia các kỳ trại bên ngoài thành phố.

 

Sir Robert Baden Powell và Phu Nhân tham quan một trại Hướng Đạo Thế Giới

 

Luật hướng đạo xuất hiện cùng với việc xuất bản sách hướng đạo vào năm 1908 và được trình bày, viết hoa, đánh số… bởi chính Baden Powell:

1. VINH DỰ CỦA HƯỚNG ĐẠO SINH PHẢI ĐƯỢC TÍN NHIỆM. Nếu một hướng đạo sinh nói "Trên danh dự của tôi nó là như vậy," thì có nghĩa là như vậy, giống như bạn ấy đã thực hiện một lời tuyên hứa trân trọng nhất. Tuơng tự, nếu một huynh trưởng hướng đạo nói với một hướng đạo sinh, "Tôi tin vào vinh dự của em để làm việc này," thì hướng đạo sinh đó sẽ bắt buộc thực hiện mệnh lệnh đó tốt nhất theo khả năng của mình, và không để bất cứ gì ngăn cản bạn ấy làm việc đó. Nếu một hướng đạo sinh phá vỡ vinh dự của mình bằng cách nói dối, hay không thực hiện đúng mệnh lệnh khi được tin tưởng, bạn ấy sẽ không còn là một hướng đạo sinh, và phải trao trả lại phù hiệu hướng đạo của mình và không bao giờ được phép mang nó lại. Bạn ấy mất cả cuộc đời của mình.

2. HƯỚNG ĐẠO SINH TRUNG THÀNH với cấp trên, với quốc gia, và với nơi mình làm việc. Bạn ấy phải sát cánh với họ thật nghiêm ngặt để chống lại bất cứ ai là kẻ thù của họ hay thậm chí nói xấu về họ.

3. BỔN PHẬN CỦA HƯỚNG ĐẠO SINH LÀ HỮU ÍCH VÀ GIÚP ĐỠ NGƯỜI KHÁC. Bạn ấy phải làm bổn phận của mình trước mọi thứ khác, thậm chí bỏ qua thú vui, sự thoải mái, hay sự an nguy của riêng mình để làm điều đó. Khi gặp khó khăn nhận dạng một trong hai điều phải làm thì bạn ấy phải tự hỏi chính mình, "Cái nào là bổn phận của tôi?" có nghĩa là, "cái nào tốt nhất cho mọi người khác?"… và sẽ làm việc đó. Bạn ấy phải “Sắp Sẵn” (Be prepared) vào bất cứ thời điểm nào để cứu mạng hay giúp đỡ người bị thương. Bạn ấy phải làm một việc thiện mỗi ngày.

 

Tổng thống Hoa Kỳ Calvin Coolidge chào đón 1500 nam Hướng đạo sinh hành hương hàng năm về Tòa nhà Quốc hội năm 1927

 

4. HƯỚNG ĐẠO SINH LÀ BẠN VỚI MỌI NGƯỜI, VÀ LÀ ANH EM VỚI MỌI HƯỚNG ĐAO SINH KHÁC, KHÔNG PHÂN BIỆT GIAI CẤP XÃ HỘI MÀ NGƯỜI ĐÓ THUỘC VỀ. Nếu một hướng đạo sinh gặp một hướng đạo sinh khác, thậm chí một người lạ với mình, bạn ấy phải nói chuyện với người đó, và giúp đở người đó theo cách mà mình có thể làm, hoăc là thực hiện nhiệm vụ mà người đó đang làm lúc đó hay cho người đó thức ăn, hay bất cứ gì người đó đang cần đến. Một hướng đạo sinh không nên là một “Kẻ ta đây”. Kẻ ta đây là một người xem thường người khác vì người khác nghèo hơn mình, hay người đó là người nghèo nhưng lại ghanh tỵ với người khác vì người khác giàu.

5. HƯỚNG ĐẠO SINH PHẢI LỊCH SỰ. Nghĩa là bạn ấy phải lịch sự với tất cả mọi người, nhưng đặc biệt là với phụ nữ, trẻ em, người già, người tàn tật... Và bạn ấy không được nhận lấy bất cứ quà tặng gì khi được xem là giúp ích và lịch sự.

6. HƯỚNG ĐẠO SINH LÀ BẠN VỚI THÚ VẬT. Bạn ấy phải cứu chúng khỏi đau đớn trong khả năng của mình, và không được giết hại bất cứ thú vật nào khi không cần thiết, ngay cả chỉ là một con ruồi vì nó là một sinh vật của Chúa.

7. HƯỚNG ĐAO SINH TUÂN THEO MỆNH LỆNH của đội trưởng hay của huynh trưởng mà không thắc mắc. Ngay cả khi bạn ấy nhận mệnh lệnh mà mình không thích, bạn ấy phải làm như một người lính hay thủy thủ làm, bạn ấy phải thực hiện hết tất cả như nhau bởi vì đó là bổn phận của mình; và sau khi thực hiện xong bạn ấy có thể đến và kể ra bất cứ lý do gì chống lại việc đó: nhưng bạn ấy phải thực thi mệnh lệnh ngay lập tức. Đó là kỷ luật.

8. HƯỚNG ĐẠO SINH VUI TUƠI trong mọi hoàn cảnh. Khi nhận lệnh bạn ấy phải sẵn sàng tuân theo mà không chần chừ, do dự. Hướng đạo sinh không bao giờ càu nhàu khi gặp khó khăn, hay cau có với người khác, cũng không chửi thề khi gặp phiền phức. Khi bạn trể chuyến tàu lửa, hay ai đó giẩm lên ngón chân bạn… không phải là lúc hướng đạo sinh phải làm ồn lên hay dưới bất cứ hoàn cảnh phiền toái nào, bạn nên cố gượng mình nở một nụ cười ngay lập tức, và rồi huýt sáo, và thế là bạn sẽ ổn thôi! Một hướng đạo sinh luôn với một nụ cười và vui tuơi. Điều đó làm cho bạn ấy phấn khởi và làm phấn khởi những người khác, đặc biệt là trong lúc nguy hiểm.

9. HƯỚNG ĐẠO SINH CẦN KIỆM, nghĩa là bạn ấy tiết kiệm từng xu nếu có thể, và bỏ vào ngân hàng để bạn ấy có thể có tiền tiêu cho mình khi mất việc làm, và vì vậy không trở thành gánh nặng cho người khác; hay bạn ấy có thể có tiền để giúp người khác khi họ cần đến.

 

Trại Họp bạn Hướng đạo Thế giới lần thứ nhất, tháng 8 năm 1920 tại Luân Đôn, Anh

 

Đấy là những gì đã được viết cho hướng đạo sinh trên toàn thế giới, lẽ dĩ nhiên ban đầu là chỉ tập trung vào hướng đạo tại Anh. Khi các nhóm khác bắt đầu các tổ chức hướng đạo, mỗi tổ chức đều sửa đổi lại điều luật, thí dụ “trung thành với Nhà vua” được thay bởi cụm từ tương đương thích hợp cho mỗi quốc gia.

Trong suốt những năm sau đó, Baden Powell cũng tự mình sửa đổi lời văn trong điều luật nhiều lần, đáng nói là năm 1911 ông thêm vào:

HƯỚNG ĐẠO SINH TRONG SẠCH TỪ Ý NGHĨ, LỜI NÓI VÀ VIỆC LÀM. Hướng đạo sinh đứng đắn sẽ xem thường những thiếu niên ngu xẩn nói năng bẩn thỉu, và mình không để bị cám dỗ bởi hành vi nói năng hay việc làm bẩn thỉu. Một hướng đao sinh phải trong sạch, tư tưởng trong sạch và đáng mặt đàn ông.

Trong lúc đọc lời hứa, hướng đạo sinh đứng nghiêm, đưa tay phải lên ngang tầm vai, lòng bàn tay đưa về phía trước, ngón tay cái đặt lên móng tay của ngón út và ba ngón còn lại duỗi thẳng. Đó là dấu hiệu “ba ngón tay” tượng trưng cho ba ý nghĩa của lời hứa Hướng đạo.

Ngón cái trên ngón út là biểu tượng của sự đoàn kết, lớn giúp bé, mạnh đỡ yếu. Riêng đối với Sói con và Chim non thì dấu hiệu chỉ gồm có hai ngón tay. Ngón trỏ và ngón giữa đưa lên cao tượng trưng cho hai tai vểnh lên để nghe lời. Ngón cái đè lên hai ngón còn lại tượng trưng cho sự bao bọc, lớn giúp nhỏ, mạnh bảo vệ yếu.

 

Lối chào của hướng đạo

 

Và cuối cùng là Lời hứa hướng đạo:

“Tôi xin lấy danh dự hứa sẽ cố gắng hết sức,

Làm bổn phận đối với tín ngưỡng, tâm linh và quốc gia tôi.

Giúp đỡ mọi người bất cứ lúc nào.

Tuân theo Luật Hướng đạo”.

 

Lễ khai mạc Trại Họp bạn Hướng đạo Thế giới lần thứ 21 năm 2007 với sự tham gia của gần 40 ngàn hướng đạo sinh, tại Essex, Anh

 

Phong trào Hướng đạo đã tồn tại ở Việt Nam gần một thế kỷ, nhưng các hoạt động Hướng đạo chính thức đã ngừng hoạt động do hậu quả của chiến tranh trong những năm 1960 và 1970, dẫn đến việc mất tư cách thành viên chính thức của Tổ chức Phong trào Hướng đạo Thế giới (World Organization of the Scout Movement – WOSM) vào năm 1975.

Tuy nhiên, trong hai thập niên vùa qua, hướng đạo đã chứng kiến một sự hồi sinh ở cấp cơ sở với các hoạt động dành cho Sói con, Thiếu sinh và Tráng sinh được tiến hành hàng tuần bởi các Trưởng Hướng đạo đã được đào tạo.

Hướng đạo bắt đầu ở Việt Nam từ những năm 1920. Trong thời gian này, đội ngũ hướng đạo ban đầu chủ yếu bao gồm trẻ em từ các khu người Pháp, nơi các nhà giáo dục địa phương như Trần Văn Khắc và Hoàng Đạo Thúy đã quan tâm và đi tiên phong trong các đơn vị hướng đạo đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam.

Trung tâm huấn luyện đầu tiên được thành lập vào năm 1938, và Trại Họp bạn Đông Dương đầu tiên được tổ chức vào năm 1941 tại Việt Nam với sự tham gia của các Hướng đạo sinh từ Campuchia và Lào.

 

Huy hiệu Hướng đạo Viêt Nam

 

Phong trào Hướng đạo phát triển mạnh mẽ trong những năm sau đó và Hội Hướng đạo Việt Nam trở thành thành viên của WOSM vào năm 1957. Việt Nam là một trong những nước sáng lập Hội nghị Hướng đạo Khu vực Viễn Đông lần thứ nhất vào năm 1958 (tiền thân của Hội nghị Hướng đạo Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương).

Kể từ khi mất tư cách thành viên chính thức của WOSM vào năm 1975, Phong trào Hướng đạo đã tồn tại trong suốt nhiều năm, với sự gia tăng đáng kể trong vài thập kỷ qua, trong đó các Trưởng Hướng đạo địa phương kiên trì giành lại sự công nhận chính thức trong nước cũng như trong WOSM.

Đơn đăng ký thành viên chính thức từ Pathfinder Scouts Việt Nam để gia nhập WOSM đã được nhận vào tháng 7 năm 2018 và được Ủy ban Hướng đạo Thế giới thông qua vào tháng 10 năm 2018. Sau một cuộc bỏ phiếu chính thức qua đường bưu điện với tất cả 169 Tổ chức thành viên hiện có trong ba tháng qua, Pathfinder Scouts Việt Nam đã trở thành Thành viên thứ 170 của WOSM tính đến ngày 10 tháng 1 năm 2019.

 

Nam và Nữ Hướng đạo từ các quốc gia khác nhau tại Trại Họp bạn Tráng sinh Hướng đạo Thế giới (World Scout Moot) ở Thụy Điển năm 1996

 

Tại Sài Gòn, hướng đạo sinh hoạt tại hầu hết tại các công viên trong thành phố như Tao Đàn, Lê Thị Riêng, Hoàng Văn Thụ... Tổng cộng có khoảng trên dưới 50 liên đoàn, trong đó có nhiều liên đoàn mới thành lập.

* Liên đoàn Âu Lạc do các huynh trưởng Hướng đạo Việt Nam trước 1975, đang sinh sống tại Sài Gòn thuộc Đạo Bắc Đẩu đã quy tụ con em bạn bè gốc Đà Nẵng thành lập nên vào năm 1993. Hiện nay Liên đoàn Âu Lạc đang sinh hoạt tại công viên Hoàng Văn Thụ. Ngày 15 tháng 8 năm 2011, Liên đoàn Âu Lạc được nâng lên thành Đạo Âu Lạc.

* Liên đoàn Quang Trung được thành lập ngày 7 tháng 7 năm 2002 tại Công viên Tao Đàn gồm có Bầy Tam Điệp, Bầy Nhị Hà, Thiếu đoàn Đống Đa, Thiếu đoàn Ngọc Hồi, Kha đoàn Thăng Long, Tráng đoàn Nguyễn Huệ.

* Liên đoàn Tạ Quang Bửu được thành lập ngày 1 tháng 12 năm 2002 tại Công viên Tao Đàn gồm có Bầy Trần Đại Nghĩa, Thiếu Trần Nhật Duật, Kha Hoàng Cầm, Tráng Nguyễn Sơn.

* Liên đoàn Thái Dương được thành lập ngày 17 tháng 6 năm 2007, hiện đang sinh hoạt tại Công viên Tao Đàn, gồm có Bầy Phù Đổng (thành lập 11 tháng 7, 1998), Bầy Lương Thế Vinh (thành lập 3 tháng 6, 2007), Thiếu đoàn Trần Quốc Toản (thành lập 1 tháng 9, 2006), Thiếu đoàn Trương Vĩnh Ký, Tráng Đoàn Trùng Dương (thành lập 17 tháng 6, 2007). Tuy nhiên, có tin liên đoàn này không hoạt động từ 4 năm nay

* Liên đoàn Non Nước, gồm Liên đoàn Non Nước 1 và Liên đoàn Non Nước 2, là một trong những liên đoàn được thành lập sớm nhất ở Sài Gòn, hiện nay đã phát triển thành 2 liên đoàn với 2 Ấu đoàn, 2 Thiếu đoàn, 1 Kha đoàn và 1 Tráng đoàn.

* Liên đoàn Lý Thường Kiệt, do trưởng Trần Văn Hiến thành lập, sinh hoạt tại công viên Hoàng Văn Thụ từ đầu năm 2011 cho đến nay, gồm Ấu đoàn Lý Thường Kiệt, 2 Thiếu đoàn Lý Thường Kiệt và Trưng Trắc, Kha đoàn và Tráng đoàn đều mang tên Lý Thường Kiệt.

 

Huy hiệu Liên đoàn Hồng Bàng (Gia Định)

 

Ngay từ lúc thành lập, Hướng đạo Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn, thu hút rất đông những nhân vật sau này giữ những vai trò trọng yếu trên chính trường miền Bắc cũng như miền Nam như Tạ Quang Bửu, Trần Duy Hưng, Lưu Hữu Phước, Tôn Thất Tùng, Võ Thành Minh, Phạm Ngọc Thạch, Trần Văn Tuyên, Phạm Biểu Tâm, Trần Điền, Cung Giũ Nguyên…

Tuy nhiên vì thời cuộc chính trị và chiến tranh, Hướng đạo Việt Nam bị đình chỉ hoạt động tại miền Bắc Việt Nam vào năm 1954 và rồi toàn cõi Việt Nam vào năm 1975. Ở hải ngoại, Hướng đạo Việt Nam vẫn tiếp tục hoạt động từ khi theo đoàn người di tản đến các trại tạm cư như Vịnh Subic (Philippines), Đảo Guam, Đảo Wake, Trại Pendleton (California), Trại Chaffee (Arkansas)… trước ngày 30 tháng 4 cho đến ngày nay tại các quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Úc, Pháp và Đức.

Đặc biệt là trong thập niên 1980 Hướng đạo Việt Nam đều có mặt tại các trại tị nạn khắp vùng Đông Nam Á và Hồng Kông trước khi các trại tị nạn này đóng cửa vào đầu thập niên 1990.Tại Việt Nam hiện nay cũng có nhiều đơn vị Hướng đạo được thành lập và hoạt động trở lại ở khắp miền Nam.

 

Kỹ năng thắt nút dây mà hướng đạo sinh nào cũng phải biết

 

*** 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts