Thứ Ba, 4 tháng 9, 2018

Hãy giữ tiếng Việt trong sáng


Bài viết này không có tham vọng đưa ra những phương pháp “cải tiến” tiếng Việt như một số trí thức khoa bảng ngày nay đã và đang làm. Ngược lại, chúng tôi vẫn giữ nguyên những gì chúng ta đã có trong tiếng Việt nhưng lại chú trọng đến việc chỉnh sửa một số cách viết sai mà các vùng miền đang mắc phải.

Phải thừa nhận, miền Bắc và Nam có những cái sai trong cách viết. Những cái sai quan trọng đó đã khiến cho tiếng Việt không được trong sáng khi viết. Người miền Nam thường mắc lỗi mỗi khi dùng chữ trong đó có dấu hỏi hay dấu ngã trong, trong khi đó, người miền Bắc lại không phân biệt được những chữ bắt đầu bằng “s” hay “x”; “ch” hay “tr”. Hãy đọc đoạn văn dưới đây bao gồm cách viết sai.

“Chính “tã” là một phần “quang” trọng của “chử” viết trong tiếng Việt. Nhưng “khỗ nổi” một số người miền Nam lại thường không “đễ” ý “mổi” khi viết. Tên là “Quang” hay “Quan” “củng” thường bị “lẩn” lộn vì chữ “g” ở cuối. Lý do chính là vì người ta thường đọc sao viết vậy!”

Người miền Nam có khuynh hướng thêm hoặc bớt chữ “t” hay “c” ở cuối một số từ ngữ. Chẳng hạn như “mạt sát” lại viết thành “mạc sát”; “mạt vận” đổi thành “mạc vận” hoặc “khóc thét” lại viết thành “khóc théc”; “giáo mác” thành “giáo mát”.

Ở miền Tây nhiều người nói “Bắt con cá gô, bỏ vô gổ, nó kêu gột gột” chẳng qua là vì chữ “r” không đọc được nên phải dùng “g” để thay thế. Tương tự như vậy, ta có “xong gồi” thay cho “xong rồi”… Tuy nhiên, khi viết, nếu muốn dùng tiếng Việt một cách trong sáng, chúng ta bắt buộc phải trở về với những quy ước chính tả đã được thống nhất.

“Bắt con cá gô, bỏ vô gổ, nó kêu gột gột”

Ngược lại, người miền Bắc lại tỏ ra “hờ hững” với việc phân biệt trong chữ “ch” và “tr”. Chẳng hạn như ở một số địa phương niền Bắc viết “bánh trưng” ngày Tết thay vì “bánh chưng”. Có đến phân nửa số người vùng ngoài viết thành “bánh trưng”, trong đó có cả những người có học hành đàng hoàng.

Tìm trên Google với từ '”bánh chưng'”, ta có 3.260.000 kết quả hiển thị, còn “bánh trưng” chỉ có 377.000. Đáng buồn, trong hơn 300.000 kết quả hiển thị “bánh trưng”, có nhiều trường hợp được trích từ các trang web chính thống của báo chí, của các sở ban ngành, trường học và từ bài viết, trang cá nhân của những người nổi tiếng.

Ban tổ chức lễ hội Đền Hùng 2010 cho căng một tấm biển rất to với dòng chữ “bánh trưng, bánh giày” (Ảnh VNE)

Tiếng Việt ngày nay có chữ “chưng”, với hàm ý đưa ra, bày ra cho nhiều người thấy để khoe. Ngoài ra, lại còn có chữ “trưng”, nghĩa là để ở vị trí dễ thấy nhất, sao cho càng nhiều người nhìn thấy rõ càng tốt (Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê).

Bánh chưng thường đi với bánh giầy. Người viết đôi khi lại dùng chữ “bánh dầy” hay “bánh dày” theo cách phát âm khác nhau của vùng miền. Dầy (dày) dùng để chỉ khoảng cách giữa hai mặt đối nhau. Giầy (giày) là đồ bọc bàn chân, dùng để đi.

Bánh giầy hình tròn và dẹt. Nó không dầy như… bánh chưng. Nhưng nó cũng không giống chiếc giầy mà ta mang dưới chân!

Địa danh Phủ Giầy nằm tại xã Vân Cát, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định (ngày nay là xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Hà). Phủ Giầy có mấy tấm bia được khắc dựng vào những năm 1921-1925, thời Khải Định. Các bia này chép lại sự tích Mẫu Liễu Hạnh và các tục lệ thờ cúng Mẫu.

Dân gian tôn bà là “Mẫu Thượng Thiên”, gọi nôm na là “Mẫu Giời”. Cũng chỉ vì người miền Bắc quen gọi “ông trời” là “ông giời” nên “giời” được nói trại thành “giầy” chăng? Ngày kỵ mẫu Liễu Hạnh (mồng ba tháng ba) lễ có một mâm cơm thịnh soạn, gồm 100 cái bánh giầy, lợn một con và hoa quả tùy tâm cốt lấy điều thành kính.

Thế nhưng, không hiểu sao vẫn có nhiều người mắc lỗi chính tả này, khi mà truyện “bánh chưng, bánh giầy" hầu hết người Việt đều biết. Truyện được chép trong sách “Lĩnh Nam chích quái” do Trần Thế Pháp sưu tập ghi lại từ thế kỷ XIV:

“Lại lấy nếp nấu xôi đem giã cho nhuyễn, nhào thành hình tròn để tượng trưng cho Trời, gọi là bánh giày”. 

Cũng nên nói thêm là tiếng Việt ta phát âm "d" và "gi" không khác nhau nên một số người miền Bác nhầm lẫn "dầy" tức là dày, mỏng nên mới viết là "bánh dầy". Tuy nhiên, theo qui tắc chính tả tiếng Việt hiện tại, viết "bánh giầy" là chuẩn xác nhất.

Bánh giầy

Theo VTC, sáng 27/3/2017, nhiều độc giả phản ánh về việc trên một số phố thuộc phường Mỹ Đình 2 (Nam Từ Liêm, Hà Nội) xuất hiện hàng loạt các bảng khẩu hiệu với nội dung phấn đấu xây dưng đô thị “xanh - sạch - đẹp”.

Tuy nhiên, những câu khẩu hiệu này xuất hiện một lỗi sai chính tả đến “ngớ ngẩn” khi tên hành chính của quận Nam Từ Liêm cũng bị viết sai. Hầu hết các bảng khẩu hiệu này đều bị sai lỗi chính tả “Nam Từ Liêm” thành… “Nam Từ Niêm”. Lỗi chính tả trên khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên, bởi nó quá vô duyên.

“Không thể hiểu nổi tại sao đến tên quận mà cũng viết sai. Quá cẩu thả và vô trách nhiệm, chẳng lẽ không có đơn vị nào kiểm duyệt? Khẩu hiệu hoành tráng mà sai cái lỗi không thể chấp nhận được, làm xấu bộ mặt của địa phương” (một độc giả “bức xúc”).

Theo ghi nhận của phóng viên, tại tuyến phố Nguyễn Hoàng, Hàm Nghi ở Thủ đô Hà Nội, có đến hàng chục bảng khẩu hiệu loại lớn được lắp đặt với nội dung:

“Đảng bộ và nhân dân quận Nam Từ Niêm đẩy mạnh các phong trào thi đua quyết tâm xây dựng quận trở thành đô thị xanh - sạch - văn minh - hiện đại”.

Trả lời phóng viên VTC News, ông Nguyễn Công Trình (Chánh Văn phòng UBND quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: quận đã nhận được thông tin và giao cho phòng Văn hóa Thông tin xuống tháo dỡ, xử lý. Cũng theo giải thích của lãnh đạo quận, việc để xảy ra lỗi chính tả là do đơn vị in ấn và quảng cáo!

Những bảng khẩu hiệu này đều bị sai lỗi chính tả
Nam Từ Liêm biến thành Nam Từ Niêm.

Việc nhầm lẫn giữa “l” và “n” hoặc ngược lại là một vấn đề lớn đối với người miền Bắc, trong cả cách phát âm lẫn chính tả. Hiện tượng này thường được mô tả là “nói ngọng”. Thậm chí cả đến ông Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo đương thời đôi khi trong phát biểu cũng bị “lỡ lời”…

Dân gian ta có câu “Chửi cha không bằng pha tiếng” nên chúng ta đành chấp nhận cách phát âm theo vùng miền. Tuy nhiên, một khi đã viết trên giấy tờ, văn bản dĩ nhiên phải sử dụng đúng quy tắc chính tả. Có như vậy ta mới giữ cho tiếng Việt được trong sáng, không bị hiểu lầm.

Thiết nghĩ, tôn trọng những quy tắc chính tả khi đặt bút viết cũng là một trong những cách gìn giữ ngôn ngữ thiết thực nhất.

  
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts