Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2024

Vùng đất sương mù thời niên thiếu

 Ngay từ những ngày chập chững bước vào đời, Đà Lạt đối với tôi là một vùng đất vừa lạ… lại vừa quen!

Tôi chào đời năm 1946 và đến năm 1953 đã “bay” từ Hà Nội vào thẳng phi trường nhỏ ở Cam Ly thay vì phi trường chính Liên Khương trên Đà Lạt. Mới 7 tuổi, không ngờ đã trải qua một cuộc “thiên di” từ Bắc vào Nam bằng máy bay quân đội vì hồi đó bố tôi phục vụ trong lực luợng Ngự Lâm Quân của Bảo Đại.

 

Phi trường Cam Ly, Đà Lạt

 

Lúc đó, Đà Lạt còn được gọi bằng cái tên “Hoàng triều Cương thổ”, hiểu nôm na là… vùng đất được xây dựng cho riêng vị vua cuối cùng của Việt Nam và những “người đẹp” của nhà vua. Ông được mệnh danh là… “dân chơi hoàng gia”.

Vua Bảo Đại đã chọn vùng đồi núi thơ mộng với những đồi thông xanh biếc, hồ nước trữ tình để biến thành một nơi nghỉ ngơi, săn bắn ngoài những giờ lo việc quốc gia đại sự tại vùng đất Thần Kinh ngoài Huế.

Dĩ nhiên là vua Bảo Đại đã không lầm khi chọn Đà Lạt và cũng may cho số ít thần dân của ông đã quy tụ về đây, trong đó có gia đình tôi.

 

Bố tôi trong bộ quân phục Ngự Lâm Quân

 

Những ngày đầu tiên vào Đà Lạt, gia đình tôi ở nhờ nhà người bạn của bố trên đường Cầu Quẹo, ông cũng là dân Ngự Lâm Quân. Cầu Quẹo ngày nay thuộc đường Phan Đình Phùng, nơi có rạp xinê Ngọc Hiệp, một trong 2 rạp nổi tiếng tại Đà Lạt, rạp kia là Ngọc Lan nằm gần khu Hoà Bình.

Chẳng bao lâu sau, hai người “lính ngự lâm” mua được một căn nhà trên đường Lê Thái Tổ, cách Trại Hầm chẳng bao xa. Nhà là biệt thự của một luật sư người Pháp đang sửa soạn về nước với kiến trúc “song hành”, nghĩa là gồm 2 phần dính vào nhau tựa như một cặp song sinh.

 

Căn nhà tại Đà Lạt, hình chụp năm 2004

 

Đà Lạt khi đó có 2 chùa thuộc loại “xưa nay hiếm”: Chùa Linh Sơn ở ngoài phố còn chùa Linh Phong ở tận Trại Hầm, đặc biệt là nơi tu hành của các sư nữ. Bố mẹ tôi đều quy y tại Linh Phong  và đến khi hai người mất đều an nghỉ trong nghĩa trang Trại Hầm, rất gần với nơi quy y khi còn sinh thời!

 

Chùa Linh Phong, Trại Hầm

 

Tôi đã trải qua thời niên thiếu tại đây, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 3 km. Phương tiện di chuyển hàng ngày của chúng tôi là những chuyến “xe đò” mang tên Trại Hầm - Đà Lạt.

Xuất phát từ thung lũng Trại Hầm (nơi nổi tiếng về các vườn mận Đà Lạt), xe đi theo lộ trình từ đường Lê Thái Tổ rồi đổ một con dốc nhỏ xuống đại lộ Trần Hưng Đạo, nơi có những biệt thự đẹp nổi tiếng dọc hai bên và sau đó bắt đầu đổ một con dốc dài để đến hồ Xuân Hương.

Sau khi vượt qua một chiếc cầu mang tên Ông Đạo, xe đò lại leo một con dốc nhỏ để đến chợ Đà Lạt và kết thúc cuộc hành trình Trại Hầm – Đà Lạt tại bến xe, nơi hội tụ các chuyến khác đến từ Chi Lăng (St. Benoit), khu Địa Dư, Tùng Nghĩa…

 

Bùng binh Đà Lạt & cầu Ông Đạo ngày ấy và bây giờ đã thay đổi rất nhiều

 

Riêng tôi lại còn phải cuốc bộ thêm một đoạn nữa để đến trường Nam Tiểu Học Đà Lạt, nơi tôi bắt đầu việc học hành ở tiểu học. Đến năm sửa soạn lên Lớp Nhì, ông anh tôi lại kèm cho tôi “học nhảy” để đi thi tiểu học nên phải chuyển sang trường Đa Nghĩa để học Lớp Nhất.

 

Hãnh diện với Bảng Danh Dự chụp năm 1954 tại Đà Lạt

 

Trường Đa Nghĩa xa hơn trường Nam Tiểu Học cho nên đoạn đường cuốc bộ từ bến xe đò đến trường mới xa hơn nhiều nhưng tiếc một điều là năm đó tôi lại không đậu Tiểu học cho nên bị “đúp” lại một năm. Thế là đâu vẫn hoàn đấy, phải học lại 2 năm ở Lớp Nhất.

 

Trường Tiểu học Đa Nghĩa

 

Cũng may, khi thi tuyển vào Đệ Thất trường Trần Hưng Đạo tôi đã trúng tuyển nhưng đoạn đường đi bộ đến trường lại dài hơn rất nhiều. Đó cũng là một sự may mắn được vào học trường công cho đến khi chuẩn bị vào năm Đệ Ngũ. Một lần nữa, gia đình tôi lại “thiên di” về Ban Mê Thuột theo bước đường công vụ của bố!

Nhìn lại quãng đường học tập của tôi đã gặp quá nhiều biến đổi nhưng cũng an ủi là những ngày ở Đà Lạt giúp tôi hình thành một thứ tình cảm gắn kết với thành phố sương mù mà tôi, cho đến bây giờ, vẫn coi là “quê hương thứ hai”!

 

Gia đình chụp tại cổng tam quan chùa Linh Phong nhân một chuyến trở về.quê hương thứ hai

 

Đà Lạt là nơi tôi có quá nhiều kỷ niệm của thời thơ ấu. Ngày xưa những học sinh ở xa trường thường phải mang theo “gà-mên” cơm trưa vì trường học 2 buổi. Ngay cả thầy giáo cũng vậy, có thầy cũng ở lại với chúng tôi và khi đó tình thầy trò thắm thiết hơn bao giờ hết.

Đoạn đường từ bến xe đò đến trường thường phải qua nhiều vườn trồng rau hay quả vì chúng tôi chọn đường tắt cho ngắn. Đây cũng là dịp để những học trò lén hái trộm những quả dâu tươi rồi đút ngay vào mồm mặc dù biết rằng dâu có khi được tưới bằng… nước tiểu!

 

Huy hiệu trường Trung học Trần Hưng Đạo Đà Lạt

 

Riêng tại trường Trần Hưng Đạo có một sân banh “mini” gần ngay bên hồ Vạn Kiếp. Thế là thường có những trận banh giao hữu giữa các khu vực của học sinh, nổi bật nhất là khu Địa Dư và Chi Lăng có nhiều cầu thủ xuất sắc trong việc dẫn bóng và ghi bàn.

Sau mỗi trận đấu, cầu thủ hai bên kéo nhau xuống hồ tắm rửa để chuẩn bị vào lớp buổi chiều. Nhiều khi còn cay cú ăn thua nên hẹn nhau lúc tan học sẽ thi đấu tiếp. Mải tranh tài nên nhiều lúc quên cả giờ xe đò chuyến chót rời bến.

Thế là đoạn đường từ trường về đến nhà hơn 3 cây số phải hoàn toàn trông cậy vào cặp giò. Thế vẫn chưa xong, trên đường về nhà còn phải tìm lời giải thích với bố mẹ. Lý do thường là “thầy bắt ở lại học cho xong bài”… hay “không hiểu tại sao xe đò nghỉ sớm hơn mọi ngày”!

 

Tôi trong tấm ảnh đầu tiên để làm thẻ học sinh

 

So với học sinh ngày nay, chúng tôi “quá hiền”! Ngày đó làm gì có những phút đắm mình vào game trên điện thoại, làm gì có việc phóng xe gắn máy về nhà cho lẹ như ngày nay?

Thời buổi văn minh, hiện đại đem lại cho con người nhiều tự do để làm những điều mình thích… Nhưng tự do vốn không phải đơn giản là làm điều mình thích, làm những thứ mình muốn hay sống một cuộc sống mà không vướng bận một điều gì.

Tự do thực sự là khi ta có thể cảm nhận rằng trong một phút giây nào đó của cuộc đời mình ta có thể ngồi lặng yên và nhắm mắt ngủ mà không thấy lo lắng hay phiền muộn nào trong lòng cả.

Cho đến giờ, kỷ niệm của những ngày sống giữa thông xanh và hồ nước lững lờ đã trở thành một hồi ức đẹp trong lòng của một người gần bước sang… chuyến tàu định mệnh của cuộc đời.

Chuyến tàu chót đó không có vé khứ hồi vì chẳng biết sẽ đi về đâu! 

 

***
--> Read more..

Thứ Hai, 27 tháng 5, 2024

Ngày của Mẹ

Hôm nay, 12/5/2024, những người con trên khắp thế giới nhân ngày này thường tưởng nhớ tới Mẹ, người dù đã quá cố hay vẫn còn sống với con cháu trên đời.

Đối với tôi, Ngày của Mẹ năm nay cũng không phải là ngoại lệ… nhưng có điều tôi dùng rất ít chữ để viết về Mẹ… thay vào đó là những hình ảnh Mẹ tôi lúc còn sinh thời.

Phài chăng người ta thường nói một tấm hình có giá trị bằng vạn lời nói!

Cũng may, lục hết kho hình cá nhân về Mẹ mà tôi đã lưu lại thì thấy đó là cả một kho tàng của hồi ức về một người Mẹ tảo tần bên đàn con từ lúc hãy còn là một thiếu nữ sinh sống tại Miền Bắc cho đến khi vào Nam năm 1953 tại Đà Lạt.

Và cuối cùng là tấm hình chỉ chụp rất gần với ngày Mẹ ra đi tại Đà Lạt sau khi đã bôn ba theo chồng từ Hà Nội vào Đà Lạt, rồi lại chuyển sang Ban Mê Thuột và cuối cùng quay về Đà Lạt, nơi bà trút hơi thở lìa đời!


***


Mẹ tôi, một phụ nữ miền Bắc thời tiền chiến. Hình chụp tại Hà Nội


Hình chụp năm 1949 tại Hà Nội.
Người em trai mặc đồ trắng đã qua đời khi tuổi còn nhỏ


Bên "Cậu-Mợ" và 2 em gái. Hình chụp tại Ban Mê Thuột


Hình chụp tại Ban Mê Thuột, 1971. Gia đình tôi với 2 con nhỏ


Ông bà nội và 2 cháu tại Ban Mê Thuột, 1971


Bố Mẹ tôi tại Ban Mê Thuột, 1971


Mẹ tôi tại Đà Lạt


Tấm hình cuối cùng: tôi bên Mẹ trước khi bà lìa đời



Kỷ vật duy nhất còn giữ lại của Mẹ: ang đựng trầu không, cối giã trầu, dao bổ cau...


***

--> Read more..

Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2024

Vật đổi… sao dời

Thế giới quanh ta thay đổi đến chóng mặt. Cái thế giới cà phê của riêng tôi cũng không là ngoại lệ!

Tôi đã di chuyển chỗ ngồi uống cà phê suốt con đường Hoa Sứ. Khởi đầu là Diễm Ly tại ngã tư Hoa Sứ-Hoa Cau rồi nhích lần về phía gần nhà, trụ lại tại Cafe Yesterday tại ngã tư Hoa Sứ-Nhiêu Tứ và cuối cùng hiện đang đóng đô tại Cà Phê Sơn hay thường gọi là Cà Phê Cô Thuý vì có một xe bánh mỳ của ông chủ lò bánh gần nhà.

Riêng đối với Cafe Yesterday lại là một chuyện hơi dài về chủ quán. Yesterday đổi tên thành Mr Bơ và gần đây nhất là cái tên rất lạ: Trông!

Việc sửa sang để thành quán Cà Phê Trông khá là tốn kém vì đã thay đổi hẳn bộ mặt của quán. Công việc kéo dài đến cả tháng và khi tôi “viễn du Hongkong” cũng là lúc quán mở cửa khai trương.

Quầy pha chế của Trông giờ đã quay ra mặt đường chứ không còn ở trong nhà như xưa. Và cái tên của quán nghe cũng thật lạ!

Chỉ riêng cái thế giới cà phê trên đường Hoa Sứ cũng đã đem lại nhiều điều “lắm chuyện” cho những người già cả như tôi!

“Tỷ phú thời gian” nên “dư hơi” bàn chuyện “ruồi bu” là vậy đó!


***















***

 

--> Read more..

Thứ Tư, 22 tháng 5, 2024

Review chuyến viễn du Hồng Kông

Tôi đến Hồng Kông 6 ngày, từ 24/4 đến 2/5/2024. Gọi đó là chuyến “viễn du… dối già” vì quả thật những năm gần đây tôi ít ra khỏi nhà, chỉ trừ mỗi sáng ngồi nhìn người qua lại từ quán cà phê chỉ cách nhà vài trăm bước đi bộ.

Đúng là “dối già” vì giờ tuổi tôi đã gần 80… nhưng con gái đang làm việc tại Hồng Kông thuyết phục tôi nên đi một chuyến vì khoảng cách chỉ nhỉnh hơn thời gian bay đi Hà Nội một chút chứ không kéo dài như các chuyến đi đến Châu Úc hoặc Châu Âu.

Con rể lại còn cẩn thận “tháp tùng” chuyến đi nên hai cha con rời Sài Gòn vào ngày 24/4/2024 trên chuyến bay của hãng Cathay Pacific.

 

Ngày 1/7/1997, Hồng Kông trở thành một phần của Trung Quốc

 

Đã lâu không ra phi trường Tân Sơn Nhất nên thấy nơi đây có vẻ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn ngày xưa. Mọi thủ tục đều được tiến hành qua cổng điện tử, chỉ trừ lúc ký gởi hành lý.

Phi trường Hồng Kông rộng lớn hơn Tân Sơn Nhất với hành khách đến và đi từ khắp thế giới. Tọa lạc tại một ngọn núi được san bằng tại đảo Chek Lap Kok, đây là sân bay dân dụng chính thức và duy nhất của Hồng Kông. Đây cũng là một trong những sân bay lớn nhất châu Á và cả thế giới.

 

Phi trường Hồng Kông

 

Số lượng người thông qua sân bay Chek Lap Kok lên tới 40 triệu hành khách và 3 triệu tấn hàng hóa vào năm 2005 cùng hơn 210.112 lượt cất cánh và hạ cánh. Chi phí xây dựng sân bay này khoảng 20 tỷ USD trên diện tích hơn 12km².

Công trình xây dựng mất 6 năm và được khánh thành năm 1998. Phi trường có tổng cộng 70 cửa lên máy bay, với 63 cửa ra máy bay. “Terminal” là một toà nhà 6 tầng lầu được nối với đường xe lửa cho tiện việc đi lại của hành khách.


Với nhân viên xe lửa tại Phi trường Hồng Kông

 

Hiện đại là thế nhưng cũng có những nghịch lý riêng đối với những người nghiện thuốc lá như tôi!

Hành khách có thể được hút thuốc trong “Smoking Lounge” tại phi trường nhưng lại không có hộp quẹt để mồi thuốc... vì hộp quẹt được khuyến cáo vứt bỏ vào thùng, có nghĩa là… không được hút thuốc! Đến khi tìm được “Smoking Lounge” hay “Sky Garden” trong phi tường thì lại không có hộp quẹt để châm thuốc!

Cũng may, trong phòng hút thuốc vẫn có những người đang hút nên đành phải… “xin tí lửa”! Chắc họ không quan tâm đến việc khuyến cáo bỏ lại hộp quẹt nên mới “ung dung” mồi lửa cho điếu thuốc của mình!

 

“Smoking Lounge” tại Phi trường Hồng Kông

 

Tại Sài Gòn, ngày xưa tôi đã từng sống trên đường Hàm Tử, Chợ Lớn. Cộng đồng người Tàu ở đây nói tiếng Quảng Đông nhưng tại Hồng Kông người ta dùng phổ biến cả hai ngôn ngữ: Quảng Đông và Quan Thoại.

Ở Hồng Kông, gặp người nói tiếng Quảng Đông có thể hiểu lõm bõm một số chữ đã được “Việt hóa” nhưng người Trung Quốc đến từ lục địa lại nói rặt tiếng Quan Thoại hoàn toàn xa lạ!

Hiện tại, ở Hồng Kông có hiện tượng những chiếc xe mà biển của chúng chỉ có một chữ cái đang gây chú ý hơn bao giờ hết vì khác với những xe biển số 2 chữ. Trong một cuộc đấu giá dịp Tết Nguyên Đán, có chiếc xe chỉ có một chữ R trên biển số được trả tới 3,2 triệu USD (khoảng 75,6 tỷ đồng).

Tấm biển số xe mang chữ “Love U” có giá 179.000 USD! Vì nắm trong tay nguồn tài chính vững chắc nên việc giới siêu giàu sở hữu biển số xe có một không hai, không trùng với bất kỳ ai cũng là điều dễ hiểu.

 

Taxi tại Hồng Kông

 

Tại 2 nước ở khu vực Châu Á thì Singapore và Hồng Kông (đều lái xe bên trái) các phương tiện cá nhân lắp biển số trắng ở phía trước và biển số vàng ở phía sau. Tại Việt Nam, việc thay đổi biển số xe kinh doanh vận tải (các loại xe chở khách) sang biển số màu vàng bắt đầu xuất hiện từ 2 năm trước đây.

So với loại biển số dùng nền màu trắng, xanh, đỏ... biển số nền vàng chữ đen cho khả năng nhận diện tốt hơn, đặc biệt là vào ban đêm. Riêng taxi Hồng Kông có hai màu: đỏ ở phần thân xe và trắng ở phần mui xe nên cũng rất dễ nhận diện.

 

Xe hơi đều mang biển số màu vàng tại Hồng Kông

 

Cảnh sát Hồng Kông không thấy xuất hiện nhiểu như ở nước ta. Họ đi thành từng nhóm từ 2 người trở lên tại các địa điểm tập trung nhiều người như Bến cảng Victoria để giữ gìn an ninh trật tự.

Tôi chưa thấy một trường hợp giật điện thoại hay giật túi xách ở những nơi công cộng tại Hồng Kông dù du khách vẫn hớ hênh với chiếc smartphone trên tay. Chợt nghĩ về Việt Nam… nơi mà các tệ nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào chúng ta mất cảnh giác!


Cảnh sát Hồng Kông

 

Trong đêm bắn pháo bông nhân Lễ Lao Động 1/5 tôi mới thấy một lực lượng cảnh sát hùng hậu được tăng cường để giữ trật tự tại bến cảng. Sự hiện diện của họ đúng ra chỉ để giúp người dân yên tâm thưởng thức màn trình diễn ánh sáng bắt đầu từ lúc 8g tối và chỉ kéo dài có 10 phút.

 

Cảnh sát trong đêm bắn pháo hoa

 

Các cửa hàng kinh doanh dịch vụ đều áp dụng việc thanh toán bằng mã QR trên khắp lãnh thổ Hồng Kông. Hình thức thanh toán bằng mã QR được ưa chuộng vì mang đến tiện ích cho cả người thực hiện thanh toán lẫn người nhận thanh toán.

Cách thanh toán bằng mã QR giúp người dùng không cần mang theo tiền mặt mà vẫn có thể mua bán nhanh chóng chỉ với một chiếc điện thoại. Các thông tin chuyển khoản quan trọng đã được chứa trong mã QR giúp tránh sai sót khi giao dịch, gây thất thoát doanh thu.

Theo chính sách của hầu hết ngân hàng, người thực hiện thanh toán sẽ không mất bất kỳ chi phí nào khi thanh toán bằng mã QR. Cũng theo quy định trên, người nhận thanh toán cũng không phải trả phí khi nhận tiền qua mã QR.

 

Mã QR

 

Lại nói đến tài tử Bruce Lee (1940-1973), được biết đến với tên Lý Tiểu Long mà "những người mê phim võ thuật Hồng Kông" tại Việt Nam ưa thích. Ông được coi là “con cưng” của Hồng Kông, được biết đến qua các vai diễn trong những phim như Đường Sơn đại huynh (1971), Tinh Võ Môn (1972); Mãnh long quá giang (1972), Long tranh hổ đấu (1973).

Tại Bến cảng Victoria ở Tsim Sha Tsui (Tiêm Sa Thủy) có một bức tượng Lý Tiểu Long đứng múa võ. Tượng cao 2,5 m nằm trên đại lộ Ngôi sao, một con đường dài 440m, là nơi vinh danh các nhân vật nổi tiếng của điện ảnh Hồng Kông.

 

Bên tượng Lý Tiểu Long

 

Và cuối cùng là câu chuyện ẩm thực tại xứ sở mà đa số người Việt đã từng được nếm khi vào các tiệm Tàu trong Chợ Lớn. Ấn tượng nhất phải nói đến là món thịt vịt được quay theo kiểu Hồng Kông!

Chúng tôi vào một tiệm mang tên Monogamous, quán “nhỏ & hẹp ngoài sức tưởng tượng” tại một căn phố có những lối đi ngoằn nghèo những bậc thang nhưng lại có cách trang trí đậm nét Tàu từ thời Mao Trạch Đông, toạ lạc ngay tại trung tâm Hồng Kông.

 

Lối vào nhỏ hẹp của Monogamous

 


Lối vào được trang trí bằng chiếu áo “đại cán” của Mao Trạch Đông

 

Nghe nói đây là một quán ăn cũng khá nổi tiếng với món được gọi là “Peking Duck”. Vịt quay Bắc Kinh vốn có tiếng nên chúng tôi ba người gọi một nửa con vịt, được bày trên một cái đĩa kèm theo “đồ phụ tùng” gồm một cái “xửng” đựng “homemade pancake” (giống như bánh tráng của ta), kèm theo đĩa dưa leo và củ cải trắng được cắt thành từng miếng dài…

 

Thưởng thức món “Peking Duck”

 

Một nừa con vịt quay

 

Con gái tỏ ra thành thạo với món vịt quay nên cuốn cho bố một miếng thịt vịt kèm dưa leo, củ cải… Tất cả được gói trong một loại bánh tráng “pancake” như món chả giò của ta. Thật tình ăn tạm được chứ không xuất sắc như lời ca tụng món Vịt quay Bắc Kinh!

 

Vịt quay được gói kèm dưa leo & củ cải trong một “homemade pancake”

Hồng Kông còn có món “Duck Pizza” là món thịt vịt được chế biến như bánh “pizza” của Ý. Chúng tôi đã nếm thử món này khi order từ nhà hàng, ship đến tận nhà.

Kể cũng lạ vì chắc trên thế giới này chỉ ở nơi đây mới có món ”thịt vịt pizza” kết hợp hai phong cách ẩm thực giữa Đông và Tây!

  

Món “Duck Pizza”

 

***

Thay lời kết về Hồng Kông:

Thật đúng như ngày xưa các cụ thường nói “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Chuyến “viễn du… dối già” của tôi đã mở rộng tầm mắt trước một thế giới không ngừng thay đổi ngày nay!

Một người lớn tuổi như tôi không ngờ lại có dịp “mở mắt” để nhìn sang một vùng lãnh thổ nổi tiếng mà chỉ cách Việt Nam có hơn 2 giờ bay. Đúng là một chuyến viễn du dối già!

Tạm biệt Hồng Kông và cũng cám ơn con gái đã tạo điều kiện mang lại cho bố một tuần rong chơi những điểm đặc biệt cũng như thưởng thức những món “đặc sản” của xứ Cảng Thơm theo như tên gọi ngày xưa của lãnh thổ Hồng Kông!

 

Trở về sau chuyến đi Hồng Kông

 

***
--> Read more..

Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2024

Hongkong’s Fireworks on Labor Day

Last night, on the occasion of Labor Day, we three had an unexpected opportunity to see fireworks at Victoria Harbor in Tsin Shatsui.

We arrived at the place 45 minutes before the show, scheduled at 8 PM. All the roads leading to the harbor were blocked for people to walk to the scene, managed by many policemen…

So many people gathered at the pier as we arrived. Everyone was so eager to wait for the event, particularly the foreigners.

Loud speakers repeatedly announced the countdown of the light show in Cantonese, Mandarine and English as well.

Everybody focused out to the sea, particularly the fireworks launching boat. And finally the light festival started exactly at 8 PM.

Cellphones and cameras tried to capture the best angles of colorful firework scenes for 10 minutes.

***

After the symphony of light, people start moving out of the harbor peacefully and orderly…

The expectation of disorder and stampede didn’t exist and we peacefully leave the show.

It was an interesting experience for me on the Labor Day since it is a public holiday in Hongkong.

Tomorrow I leave this territory after a six-day visit to the land of the Chinese outside of China mainland…

***

* Video clip: Fireworks in Hongkong
https://www.facebook.com/1780417289/videos/pcb.10219623191928607/908062137788761


***


Waiting eagerly


Victoria Harbor


Hongkong’s skyline at night


My daughter


Everybody relaxed... waiting for Labor Day's fireworks


Here comes the light festival


Fireworks at sea


It’s all red


Light flower


Greenfield!


The light against Hongkong skylines


Just relax & enjoy the show!


Sea of red water


The booming of light


Look at the sea at this moment


My daughter and her husband


After the lights end


People leaving the harbor


Leaving the scene...


***

--> Read more..

Popular posts