Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2020

Ngày nhuận: 29/2/2020

Dương lịch (còn gọi là “Lịch Gregory”) mà chúng ta dùng ngày nay cứ 4 năm một lần lại có “Năm nhuận” (Leap Year).

Nói một cách đơn giản, một năm có 365 ngày nhưng trên thực tế trái đất phải quay quanh mặt trời mất 365,2421 ngày! Con số lẻ 2421 cứ cộng dồn để điều chỉnh cho đúng với một năm 365 ngày nên mới có… Năm nhuận!

Trái đất quay quanh Mặt trời

Công đầu trong việc đưa Năm nhuận vào dương lịch thuộc về Hoàng đế La Mã Julius Caesar và người kế vị Caesar Augustus với sự hỗ trợ của người Ai Cập. Dưới thời trị vì của Julius Caesar, tháng Hai ban đầu có 30 ngày trong khi tháng Tám có 29 ngày. Tháng Bảy (July) được đặt theo tên ông có 31 ngày.

Chân dung Julius Caesar

Sau khi người kế vị Caesar Augustus lên ngôi, để biểu hiện sự uy nghiêm cũng như muốn lưu danh sử sách, Augustus đã quyết định lấy thêm hai ngày của tháng Hai và bù đắp vào tháng Tám. Đây cũng là tháng sinh nhật của ông và đặt tên là August (tức tháng Tám) mà ngày nay vẫn còn sử dụng!

Tượng Caesar Augustus

Nếu có “Năm nhuận” thì dĩ nhiên trong năm đó phải có “Ngày nhuận” (Leap Day). Thường thì mỗi năm vào tháng 2 chỉ có 28 ngày. Năm nay là Năm nhuận cho nên mới có ngày 29/2. Đây là một hiện tượng mà những người bình thường ít ai để ý đến, có lẽ vì chỉ xuất hiện mỗi bốn năm một lần.

Gần đây nhất là các năm nhuận 2004, 2008, 2012, 2016, 2020… Đặc biệt, năm nào có số năm chỉ chia hết cho 100 nhưng không chia hết cho 400 thì không phải là Năm nhuận. Ví dụ như các năm 1700, 1800, 1900, 2100... chỉ có 365 ngày.

Ngày nhuận

Theo truyền thuyết, vào thế kỷ thứ V khi một nữ tu sỹ người Ireland tên là St Bridget đã phàn nàn với thần hộ mệnh của nước này, Thánh Patrick, về việc người phụ nữ phải đợi chờ quá lâu để “nửa kia” tỏ lời cầu hôn.

Thánh Patrick sau đó đã quyết định chọn ngày 29/2 là ngày phụ nữ có thể chủ động cầu hôn với nam giới để đi tới bến bờ hạnh phúc. Năm 1288, Scotland đã thông qua đạo luật cho phép phụ nữ được “cầu hôn nam giới trong năm nhuận”. Luật này chẳng khác gì tục lệ hôn nhân theo mẫu hệ mà ta thường thấy còn sót lại ngày nay.

Cầu hôn nam giới trong Ngày Nhuận!

Có điều ít ai để ý đến những người “trót” sinh ra vào ngày 29/2. Họ là những “leaper” hay "leaping" theo cách gọi của người Phương Tây. Oái ăm là sinh nhật được kỷ niệm hàng năm nhưng lại không có ngày 29/2 trong những năm không nhuận.

Làm sao đây? Chỉ còn một trong 2 cách để giải quyết chuyện tổ chức kỷ niệm ngày sinh của mình: hoặc chọn ngày 28/2 hoặc ngày đầu tháng Ba… nếu như không muốn phải 4 năm mới được tổ chức sinh nhật một lần.

Leap Day

Có xấp xỉ khoảng 4,1 triệu người trên thế giới sinh ra vào ngày 29/2. Một số người nổi tiếng đáng chú ý sinh ra vào ngày này như Giáo hoàng Paul III (1468), nhà thơ John Byrom (1692), nhà soạn nhạc người Ý Gioachino Rossini (1792)…

Có nhiều người tin rằng năm nhuận là những năm “xui xẻo”. Theo họ, điều này có thể giải thích nạn dịch Virus Corona đang lan tràn khắp thế giới trong năm nay.

Trước đó, ngày 29/2 cũng là ngày kỷ niệm “Bệnh hiếm gặp”. Ngày này được giới thiệu lần đầu tiên vào 2008 khi một nhóm bệnh nhân mắc phải các chứng bệnh này đến từ nhiều nước khác nhau tụ hội lại và tổ chức một chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng.

Sinh ngày 29/2

Bỏ qua những suy nghĩ về tâm linh hoặc mê tín, chúng ta hãy nghĩ đến Ngày nhuận để chia xẻ niềm vui sinh nhật của những người sinh ra vào ngày 29/2.

Ngày nào cũng vẫn chỉ là… một ngày trong cuộc sống phù du này. Thế cho nên:

HAPPY BIRTHDAY TO THOSE WHO WERE BORN ON LEAP DAY!

***
--> Read more..

Thứ Ba, 25 tháng 2, 2020

Chuyến bay… bão táp


Thông thường, trên một chuyến bay có hai hạng: Hạng Nhất (First Class) và Hạng Thương Gia (Business Class). Gần đây nhất, có một chuyến bay được mệnh danh là “Bão Táp” chỉ có mỗi một hạng: đó là “Coronavirus Class”, tạm dịch là “Hạng Coronavirus”.

Báo New York Post (ngày 22/02/2020) tiết lộ những tấm hình “có một không hai” về chuyến bay “hồi hương” của 329 du khách Mỹ trên chiếc tầu du lịch Diamond Princess. Họ khởi hành từ ngoài khơi bờ biển Yokohama (Nhật Bản), nơi chiếc tầu đã bị từ chối cho cặp bến trong cơn đại dịch Corona.

Tầu du lịch Diamond Princess

Tầu Diamond Princess đến hải phận Yokohama ngày 3/2/2020 với 3,700 khách du lịch. Tầu đã bị “từ chối” cặp cảng vì có một số hành khách dương tính Virus Corona, trong đó có 14 khách đến từ Hoa Kỳ, mặc dù họ chưa xuất hiện những triệu chứng của dịch!

Sau thời gian cách ly trên tầu Diamond Princess, 328 khách người Mỹ cuối cùng đã được hồi hương trên 2 chuyến bay thuê để về nước. Chuyến bay “Xuyên-Thái-Bình-Dương” từ Yokohama về Mỹ kéo dài hơn 10 tiếng đồng hồ.

Phi cơ của hãng Kalitta được thuê bao để chở khách trên tầu Diamond Princess về Mỹ, ngày 17/2/2020

Khi tập trung tại phi trường Tokyo để lên máy bay về nước, xét nghiệm cuối cùng cho kết quả có 14 hành khách dương tính với Virus Corana. Dĩ nhiên, những hành khách này được “cách ly” với những người khác trên chuyến bay về Mỹ.

Những tấm hình New York Post có được trên “chuyến bay bão táp” là của một hành khách dấu tên. Người này đã có mặt trên 1 trong 2 chuyến bay của Boeing 747 được xử dụng làm phi cơ chở hàng.

Hình chụp chuyến bay #N716CK, rời phi trường Haneda, Tokyo và đáp xuống Lackland Air Force Base, Texas

Phi cơ đã đáp xuống Căn cứ Không quân Lackland (Lackland AFB) thuộc tiểu bang Texas. (Năm 1971 tôi đã học khóa Giảng viên Anh ngữ tại Lackland AFB… nhưng cũng may, đó là chuyện của 50 năm về trước!) 

Chuyến bay thứ hai đáp xuống phi trường tại Căn cứ Không quân Travis (Travis AFB), thuộc tiểu bang California. Đây cũng là “lộ trình” xuyên Thái Bình Dương của những du học sinh Việt Nam cách đây hơn nửa thế kỷ.

Hành khách trên chuyến bay... bão táp

Tất cả hành khách trên cả hai chuyến bay đều được xét nghiệm 2 lần trong suốt chuyến bay. Dĩ nhiên, vì là chuyến bay “cách ly” nên được chia từng khu vực chỉ gồm 3 chỗ ngồi mỗi khu. Có đến 8 hành khách với kết quả dương tính qua xét nghiệm ngay trong chuyến bay. Họ được đưa vào khu “vây kín” mà người ta gọi là… “khu trừng phạt”!

14 hành khách dương tính với virus được cách ly trong những khoang đặc biệt trên máy bay

Trên phi cơ có hai lối đi, không có “áo phao an toàn” dưới ghế ngồi nhưng lại có những hộp nhỏ lắp đặt trên lối đi để hành khách có thể ho, hắt hơi hay khạc nhổ khi cần. Những hộp này được một xe tải đặc biệt bốc dỡ ngay khi phi cơ hạ cánh.

Dĩ nhiên trên phi cơ không có chương trình chiếu phim giải trí như thông thường. Thay vào đó là những chương trình của cơ quan phòng dịch, nhắc nhở hành khách về những điều cần làm và cần tránh trước tai họa của dịch Corona!

Khi phi cơ đáp xuống đất, hành khách được chào đón và cung cấp chăn đắp của Hội Hồng Thập Tự. Kể từ khi đáp xuống trên đất Mỹ, họ còn phải bị cách ly thêm hai tuần nữa. Quả thật, đây là một chuyến bay “bão táp”!

Nhân viên phi hành đoàn trong trang phục phòng dịch từ đầu xuống chân

Trong bài viết của New York Post như trên đã dẫn, Tổng thống Donald Trunp tỏ ra “giận dữ” (furious) khi hay tin 14 người dương tính với Virus Corona cũng được đưa về cùng với du khách trên tầu Diamond Princess.

Trang Viet Page News có bài viết “Tổng Thống Donald Trump Tỏ Ra Giận Dữ Khi Giới Chức Mỹ Đưa Những Người Nhiễm Covid-19 Về Nước” (https://news.vietpage.com/tong-thong-donald-trump-to-ra...). Bài viết có đoạn:

“Ban đầu, ông Trump được thông tin rằng 2 chuyến bay sẽ chở những công dân Mỹ không bị nhiễm bệnh về nước, còn những người bị nhiễm bệnh sẽ tiếp tục ở lại Nhật Bản để cách ly. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao đã tiến hành đưa cả người không nhiễm bệnh lẫn người nhiễm bệnh về nước mà không thông báo cho Tổng thống biết, điều này khiến ông Trump rất tức giận và nổi cơn thịnh nộ với các cố vấn cấp cao trong tuần này.

“Chỉ đến khi kế hoạch này được diễn ra, Tổng thống Trump mới nắm được thông tin kế hoạch mới. Ông phàn nàn rằng kế hoạch này đã phá hủy toàn bộ nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh của chính quyền của ông".

Tổng thống Donald Trump

***

Tham khảo:

***

--> Read more..

Thứ Hai, 24 tháng 2, 2020

Ngựa hoang…

“Ngựa hoang nào dẫm nát tơi bời 
Đồng cỏ nào xanh ngát lưng trời…” 


Người ta đồn đãi rất nhiều về “con ngựa hoang” xuất hiện vào cuối thập niên 1960 tại Sài Gòn. Khởi đầu là tác phẩm “Vết thù hằn trên lưng ngựa hoang” được nhà văn Duyên Anh (1935-1997) viết năm 1967.


Tiếp theo đó là bản nhạc “Vết thù trên lưng ngựa hoang” của Ngọc Chánh, lời Phạm Duy qua giọng ca Elvis Phương. Trong đó có một đoạn huýt sáo (không biết có phải của ca sĩ này hay không) nhưng đó là một nhạc tuyệt vời mang âm hưởng của phim cowboy Mỹ. Đó là phim “The Good, the Bad, the Ugly”. 


“Vết thù trên lưng ngựa hoang” cũng được Liên Ảnh Công ty sản xuất qua tài nghệ của đạo diễn Lê Hoàng Hoa. Phim quy tụ nhiều tài tử nổi tiếng như Thanh Nga, Trần Quang, Bạch Tuyết, Túy Hoa, Kiều Hạnh… Lại thêm các “cây cười” như Xuân Phát, Thanh Việt.


Nhân vật chính trong tiểu thuyết có tên Hoàng Guitar, được Duyên Anh đem vào truyện từ một nhân vật ngoài đời thật là Hoàng Sayonara, tay du đãng khét tiếng đồng thời là quân sư của Đại Cathay. Sở dĩ Hoàng có tên Sayonara là do anh đàn guitar khá “điệu nghệ” bản Sayonara rất nổi tiếng vào thời đó.

Hoàng là mẫu “du đãng có học”. Anh trầm tĩnh, làm gì cũng suy trước nghĩ sau trong khi các tay giang hồ khác như Du “chột” hay Chín “cùi” chỉ là những dân “võ biền”, lúc nào cũng sẵn sàng… “động thủ”. Anh rất “trí thức”, lúc nào cũng kè kè trong túi bao thuốc Bastos de Lux và chiếc hộp quẹt Ronson.

Hoàng thi đậu Tú tài 2, dư sức lên Đà Lạt để gia nhập trường Võ bị nhưng lại thích ở Sài Gòn làm giang hồ dưới trướng Đại Cathay. Tiền kiếm được như nước nhưng Hoàng không để dành mua nhà cửa mà chỉ sống nay đây mai đó khắp hang cùng ngõ hẻm Sài Gòn nên được đàn em gọi lén là… “Ngựa Hoang”.

Thú vui của Hoàng là kiếm được bao nhiêu tiền lại dẫn đàn em vô đập phá ở các snackbar và vũ trường. Có giai thoại chưa được kiểm chứng kể lại: Hoàng Sayonara từng nhậu cùng đàn em một chầu hết 50 lượng vàng tại vũ trường Arc En Ciel trong Chợ Lớn!

Sau này khi băng giang hồ Đại Cathay lần lượt bị cảnh sát bắt vào trại Cửu Sừng ngoài Phú Quốc thì Hoàng Sayonara tỉnh ngộ. Anh hoàn lương quay về sống cùng bạn gái năm xưa tên Ngọc.

Khi vợ mang thai con đầu lòng, sinh kế thiếu thốn nên Hoàng phải “tái xuất giang hồ” để làm “phi vụ cuối cùng” với một băng chôm chỉa đồ PX (Post Exchange) của lính Mỹ tại một kho hàng ở Tân Thuận.

Thật oan nghiệt khi phi vụ cuối cùng thất bại. Hoàng lãnh trọn một băng M-16 của quân cảnh Mỹ vào lưng. Anh lìa trần khi chưa kịp nhìn mặt đứa con đầu lòng.


Khi bản nhạc “Vết thù trên lưng ngựa hoang” xuất hiện, nhiều người cứ ngỡ bài hát này nói về tay giang hồ nức tiếng Sài Gòn năm xưa là Đại Cathay, người đứng đầu “Tứ trụ Sài Gòn”: “Đại, Tỳ, Cái, Thế”. Đó là Đại Cathay, Huỳnh Tỳ, Ngô Văn Cái và Nguyễn Kế Thế.


Ngày xưa, có rất nhiều tay anh chị như Dzũng ĐaKao, tướng cướp Bạch Hải Đường… bắt chước Anh hùng Lương Sơn Bạc, hay Robin Hood, họ là những Anh hùng đơn thân độc mã, hào hoa, giang hồ mã thượng, lấy của người giàu chia cho người nghèo…

Cuộc đời của Hoàng cuối cùng phải nói lời từ biệt với trần thế… và cũng là một sự sắp xếp kỳ lạ của định mệnh, đó là bản nhạc mang tên Sayonara - Từ biệt... ở tận xứ Phù Tang đã “vận” vào cái tên của Hoàng. Có người lại còn ví cuộc đời của tác giả Duyên Anh về sau cũng phảng phất những “Vết thù trên lưng ngựa hoang”!


Người ta tự hỏi, bước chân vào giang hồ đã khó, mà bước ra lại càng khó hơn chăng? Cuộc đời của Hoàng Sayonara từ trong tiểu thuyết Duyên Anh đã được gói trọn trong bài hát với những lời ca:

“Ngựa hoang nào dẫm nát tơi bời 
Đồng cỏ nào xanh ngát lưng trời 
Ngựa phi như điên cuồng 
Giữa cánh đồng dưới cơn giông 
Vì trên lưng cong oằn 
Những vết roi vẫn in hằn 

Một hôm ngựa bỗng thấy thanh bình 
Thảm cỏ tình yêu dưới chân mình 
Ân tình mở cửa ra với mình 
Ngựa hoang bỗng thấy mơ 
Để quên những vết thù 

Ngựa hoang muốn về tắm sông nhẫn nhục 
Giòng sông mơ màng mát trong thơm ngọt 
Ngựa hoang quên thù oán căm 
Từ nơi tối tăm về miền tươi sáng 

Ngựa hoang về tới bến sông rồi 
Cởi mở lòng ra với cõi đời 
Nhưng đời ngựa hoang chết gục 
Và trên lưng nó ôi 
Còn nguyên những vết thù…” 


*** 
* Mời các bạn thưởng thức nhạc phẩm “Vết thù tên lưng ngựa hoang”, Nhạc Ngọc Chánh, lời Pham Duy, tiếng hát Elvis Phương tại: https://www.youtube.com/watch?v=Dn1DwfwqRps 

* Xem thêm "Huyền thoại giang hồ Sài Gòn"
--> Read more..

Thứ Ba, 18 tháng 2, 2020

Oscar 2020: Parasite - Ký Sinh Trùng


Lần đầu tiên trong lịch sử giải thưởng 92 năm của Academy Award có một phim “không-nói-tiếng-Anh” đã đoạt giải thưởng Phim xuất sắc nhất. Không những thế, phim Parasite còn nhận được thêm 3 Oscars nữa cho các giải Đạo diễn xuất sắc, Phim quốc tế xuất sắcKịch bản gốc xuất sắc.

Đoàn làm phim Parasite tại lễ trao giải Oscar lần thứ 92 ngày 9/2/2020 tại Hollywood, Los Angeles, California

Parasite, dịch theo tiếng Việt là “Ký sinh trùng” và nói một cách bình dân là… “ăn bám lẫn nhau”! Bản thân cái tên cũng đủ nói lên tính cách “bi hài” trong xã hội Đại Hàn mà ngày nay ta gọi là Hàn Quốc. Phải chăng, đó cũng là nếp sống ngày nay trên toàn thế giới?

Bên cạnh kỳ tích tại Oscar 2020, Parasite cũng đoạt được hàng chục giải thưởng lớn nhỏ tại các liên hoan phim, trong đó có giải Cành Cọ Vàng tại Liên hoan phim Cannes của Pháp năm 2019.

Giải Cành Cọ Vàng, tại Cannes cho Parasite, năm 2019

Người đầu tiên phải nói đến là đạo diễn Bong Joon Ho. Ông là một nhà biên kịch nổi tiếng người Hàn Quốc với những tựa phim quen thuộc như The Host (2006), Snowpiercer (2013) và Okja (2017). Phim của ông nhắm vào việc khai thác những vấn đề xã hội dưới góc nhìn “hài kịch đen”, trong đó đan xen vui nhộn, chua xót và cả ám ảnh.

Đạo diễn Bong Joon Ho và giải 4 giải Oscar 2020 cho phim Parasite tại Hollywood

Parasite đề cập đến sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội ngày nay, lấy cảm hứng từ một số trải nghiệm của ông Bong thời còn trẻ: làm gia sư môn toán cho con một gia đình giàu có ở Hàn Quốc.

Parasite xoay quanh gia đình Kim gồm 4 người, họ sinh sống tại một trong những khu tồi tàn nhất thành phố Seoul. Cả gia đình chỉ sống nhờ việc gia công hộp giấy cho một cửa hàng bánh bánh pizza.

Gia đình họ Kim trong phim Parasite… họ gia công làm hộp pizza trong một căn nhà tồi tàn

Bi hài bắt đầu khi cậu con trai lớn nhà Kim “mạo nhận” là một sinh viên để trở thành gia sư kèm tiếng Anh cho tiểu thư nhà Park. Thật ra thì anh chàng này chỉ mới tốt nghiệp trung học, thi trượt vào đại học nhưng lại làm giấy tờ giả để trở thành một sinh viên danh giá.

Kim trong vai gia sư kèm Anh văn cho một tiểu thư gia đình thượng lưu

Tiếp nối cậu con trai, cô con gái nhà Kim cũng được người anh giới thiệu là một người “có tài về nghệ thuật hội họa” để kèm cậu út nhà Park vốn có vấn đề về tâm lý.

Hai anh em nhà Kim trong căn nhà… ổ chuột

Thông qua những dàn dựng khéo léo qua nhiều “kịch bản lừa đảo”, lần lượt ông bố Kim cũng thâm nhập vào gia đình Park để làm tài xế. 


Ông Kim trong vai trò tài xế nhà Park

Bà Kim cũng lọt vào xã hội thượng lưu trong vai trò người giúp việc sau khi “dàn dựng” để hất cẳng người làm trước. Rốt cuộc, cả 4 người trong gia đình Kim đều “ăn bám” vào gia đình Park để… “kiếm miếng ăn”. Họ đóng vai hoàn toàn không có liên hệ về gia đình trước mắt nhà Park!

Bà Kim trong vai người giúp việc

Hóa ra “ký sinh trùng” là những người nghèo bám vào cơ ngơi của người giàu để sinh tồn… Trong khi đó, người giàu dựa vào sự phục dịch của người nghèo để giáo dục con cái, để được di chuyển và cũng được phục vụ cơm nước hàng ngày.

Hiểu theo một nghĩa khác, “Parasite” cũng chính là bà vợ ngây ngô, xinh đẹp… bám vào ông chồng giàu có như ông Park. Mục đích thầm kín là để có một cuộc sống giàu sang, sung túc!

Bà Park… quyền quý, cao sang

Khu phố nghèo trong Parasite được Bong Joon Ho đưa vào phim là địa điểm có thật ở ngoài đời.  Ông đã chọn làng Guryong - khu ổ chuột nghèo nhất xứ kim chi, để khắc họa một cách chân thực khoảng cách giàu-nghèo trong phim.

Từ cửa hàng bán pizza bình dân cho đến cửa hàng bán tạp hóa trong khu phố nghèo đều từ ngoài đời thường đi vào phim. Khu ổ chuột Guryong nằm trên một vùng đất thấp với những căn nhà chật hẹp lại dễ chịu cảnh ngập lụt mỗi khi mùa mưa đến. Tuy nhiên, lượng khách du lịch tới làng Guryong tăng đáng kể sau khi Parasite đoạt giải Oscar.


Khu ổ chuột Guryong


Bộ phim khởi đi từ “chiến lược” của gia đình Kim vốn nằm dưới đáy xã hội trong thành phố Seoul. Bốn thành viên trong gia đình Kim tìm cách xâm nhập và sống theo kiểu “ký sinh” vào gia đình Park giàu có, thượng lưu. Đó là một cuộc đấu tranh ngấm ngầm nhưng cũng đầy châm biếm về hai giai tầng xã hội.

Nhưng đến lúc ta tưởng như gia đình Kim nắm được thế thượng phong thì một cú lật đổ bất ngờ. Người giúp việc cũ tình cờ khám phá sự thật về 4 người nhà Kim vì bản thân bà cũng đã nuôi ông chồng dưới tầng hầm bí mật. Họ cũng là… ký sinh trùng!

Khám phá bí mật của người làm cũ về gia đình nhà Kim

Bộ phim không có anh hùng cũng không có nhân vật phản diện nhưng lại nói lên sự phức tạp của tâm lý con người trong xã hội hiện đại. Ai cũng có lý do “chình đáng” cho cách hành xử của họ. Sức hấp dẫn của bộ phim là ở chỗ Bong Joon Ho không đưa ra bất cứ một bài học đạo đức mang tính rao giảng nào cả.

Tất cả còn tùy suy nghĩ của từng cá nhân.Tuy nhiên, bộ phim chứa đầy yếu tố châm biếm, hài hước pha lẫn chua cay, đắng ngắt. Ngay cả ở những tình huống bi thảm nhất, đạo diễn Bong vẫn lồng vào đó những chi tiết hài hước và một chút tia hi vọng. Bộ phim kết thúc trong một bữa tiệc sinh nhật “hoành tráng” của cậu út nhà Park.

Cậu út nhà Park

“gia sư hội họa” nhà Kim bị đâm chết bởi chồng của người làm cũ với chiếc bánh sinh nhật trên tay để mừng học trò cưng. Trong phim có nhắc lại lời của ông Kim nói với con trai, “người tính không bằng trời tính”. Có lẽ chân lý đó là bất di bất dịch trong bất cứ trường hợp nào!

Cái chết của của cô gia sư nhà Kim

Theo nhận định của hãng tin AFP, chiến thắng của Parasite năm 2020 có thể giúp xóa tan những chỉ trích đối với Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ, tức là tổ chức trao các giải Oscar. Viện này từ lâu vẫn bị xem là thiếu sự đa dạng về sắc tộc và văn hóa trong việc xét chọn các phim tranh giải.

Nhận giải cùng đoàn phim, nhà sản xuất Kwak Sin-ae cho biết: “Tôi nghẹn lời vì hạnh phúc. Không thể tưởng tượng chúng tôi đã chiến thắng. Tôi cảm nhận rõ, lúc này đây, mọi người đang chứng kiến khoảnh khắc lịch sử. Xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất đến Viện hàn lâm Điện ảnh Mỹ vì mang đến kết quả này”.

Bà Miky Lee, 61 tuổi, có thể nói là người đứng sau sự thành công của Parasite, tuyên bố: “Tôi thật sự muốn bày tỏ sự biết ơn của tôi đối với khán giả Hàn Quốc. Họ là những người đã ủng hộ nhiệt tình cho nền điện ảnh nước nhà để mang lại vinh quang qua giải Oscar này…” 

Bà Miky Lee trong lễ nhận giải Oscar cho phim Parasite

Bà Lee vốn là cháu gái của người sáng lập công ty Samsung và cũng là người chủ của tập đoàn chuyên về giải trí và truyền thông CJ E&M. Năm 1995, CJ đầu tư 300 triệu đô la vào hai lãnh vực giải trí & truyền thông để tạo nên cái mà ngày nay người ta thường gọi là “Korean Pop”. Cụ thể là các “cụm rạp” có đến 455 địa điểm khắp thế giới.

Năm 2000, CJ Entertainment ra đời và trở thành công ty sản xuất phim lớn nhất nước. Công ty này đã tài trợ cho 4 cuốn phim của đạo diễn Bong và kết quả là Parasite chính là phim đã nhận Oscar năm nay!

Chính phủ Hàn Quốc cũng là một nguyên nhân thúc đẩy sự phát triển của ngành điện ảnh trong nước. Năm 1996, Tòa án Hiến pháp đã xác định quyền kiểm duyệt phim ảnh là “vi hiến” và từ đó tạo điều kiện cho việc “bùng nổ” phim ảnh Hàn Quốc.

Luật cũng hạn chế những phim nước ngoài bằng “hạn ngạch” (quota) để từ đó phim ảnh trong nước bắt đầu chiếm thế thượng phong. Trên mạng xã hội, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã chia xẻ lời chúc mừng phim Parasite đoạt giải Oscar:

“Tôi rất tự hào về đạo diễn Bong Joon Ho, các diễn viên và mọi người trong đoàn phim. Bộ phim đã lay động trái tim của cả thế giới với câu chuyện đậm tính Hàn Quốc. Parasite làm tôi một lần nữa phải nghĩ đến sức mạnh cảm xúc mà một bộ phim có thể mang lại”.

Niềm vui của đoàn làm phim Parasite khi nhận giải Oscar

Cuối cùng là một “tin vui” nữa. Tại Việt Nam, nhà phát hành Parasite đã thông báo phim sẽ trở lại màn ảnh lần thứ hai kể từ ngày 17/2/2020. Trong lần công chiếu đầu tiên vào tháng 6 năm 2019, Parasite đã lập kỷ lục phim Hàn Quốc có doanh thu cao nhất thị trường Việt Nam khi thu về gần 65 tỉ đồng.

***

* Các bạn có thể xem phim Parasite (Ký sinh trùng), với phụ đề Việt ngữ theo đường link: https://vuviphimmoi.com/xem-phim-ky-sinh-trung-k1-223938...

***

--> Read more..

Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2020

Thời gian còn lại


* Lời giới thiệu: Người ta thường nghĩ Valentine’s Day chỉ dành cho những cặp tình nhân trẻ. Nhà văn nữ Phương Lan lại có ý kể lại câu chuyện của một đôi tình nhân vào lứa tuổi “thất thập cổ lai hy” để nói lên một ý tưởng rất lạ trong ngày 14/2.

Chuyện lấy một bối cảnh trải dài từ thời son trẻ đến những ngày… gần đất xa trời. Từ những ngày còn ở quê hương với những thăng trầm của cuộc sống cho đến những ngày “tạm dung” êm đềm nơi đất khách quê người.

Tất cả đều gói trọn trong “Thời gian còn lại”… đó là những năm tháng cuối đời của một cặp tình nhân luống tuổi đang chờ ngày trở về với cát bụi. Họ vẫn bên nhau sau 50 năm chung sống… Có điều không biết ai sẽ “đi” trước vào cuối cuộc hành trình!


Dọn bàn xong xuôi, ông Phong mới đẩy cái xe lăn của vợ đến bên bàn ăn, dịu dàng:

- Ăn đi em! Ráng ăn một chút cho khoẻ.

Bà Phong chớp mắt, nét mặt thoáng vẻ bối rối, đã lâu lắm, từ ngày các con khôn lớn, cái tiếng “em" thân mật đó ít khi được dùng tới, chỉ trừ những lúc riêng tư có hai vợ chồng.  Mỗi khi được ông gọi bằng em, bà đều cảm động, nhớ đến cái thuở mới yêu nhau, thời gian đi nhanh thật, vậy mà thoáng chốc đã gần năm mươi năm... Bà ngước cặp mắt ướt rượt lên nhìn chồng, môi thoáng một nụ cười cảm động trên khuôn mặt già nua đầy những nếp nhăn:

- Hôm nay mình cho tôi ăn món gì vậy?

- Miến gà. Tôi mới học được ở trong sách nấu ăn. Ông nói và ân cần cầm đôi đũa đặt vào tay bà, bàn tay còn cử động được, bà ăn thử xem có ngon không? À nhưng.. tôi đãng trí quá, lại quên rau răm rồi.

- Hề gì, không có rau răm thì đã làm sao? Bà gắp một đũa, đưa lên miệng, suýt xoa kêu nóng, ông nấu thì phải ngon rồi, ngon tình, ngon nghĩa…

Bà ngưng lại, hỉ mũi, nghẹn lời không thể nói tiếp, mấy sợi miến mắc trong cổ làm bà ho lên mấy tiếng. Ông hốt hoảng:

- Bà có sao không?

Thấy tay bà run rẩy, ông thương cảm:

- Để tôi xúc cho bà ăn nhé?

- Thôi khỏi! Tôi ăn lấy được mà.

Bà lắc đầu, không muốn làm phiền chồng thêm, ông đã cực khổ vì bà nhiều quá rồi.  Mấy hôm nay bà không được khoẻ, ăn gì cũng thấy đắng miệng, nhai những sợi miến, bà có cảm tưởng như đang nhai những cọng rơm, nhưng bà vẫn cố nuốt, bà phải ăn cho ông vừa lòng, ông đã bỏ bao nhiêu tình thương vào đó.


Tội cho ông, xưa kia đường đường là một thiếu tá tiểu đoàn trưởng, có trong tay cả mấy trăm binh lính dưới quyền, sẵn sàng nghe ông ra lệnh. Ông hô lên một tiếng là mọi người đều răm rắp tuân lời, ông lo toàn những việc quốc gia đại sự, đâu thèm để ý đến những việc nhỏ nhặt chỉ dành cho đàn bà, như nồi cơm, trách cá? Tội cho ông, khi xưa vẫy vùng bốn bể, nào ngờ khi về già, thế giới của ông chỉ thu hẹp trong bốn bức tường của một căn nhà nhỏ. Còn đâu cái oai phong của một vị chỉ huy trong quân đội? Ông bây giờ nhẫn nhục làm những công việc đi chợ, nấu ăn, quét nhà, rửa chén… Ông làm việc đó đã gần tám năm rồi, từ khi bà bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người, phải ngồi xe lăn. Ông thương vợ, không muốn cho bà phải sống những ngày tàn ở trong viện dưỡng lão, nên ngoài nhiệm vụ nấu ăn, ông còn kiêm luôn nhiệm vụ y tá, ngày đêm hầu hạ, phục dịch bà từ việc ăn uống, thuốc men, đến vấn đề vệ sinh, tắm rửa…

Bà lão bệnh tật nên khó tính, mướn người giúp việc không vừa ý, bà luôn miệng gắt gỏng, càu nhàu, nên chẳng ai muốn làm lâu. Người của Sở xã hội đưa tới để giúp bà tắm rửa, vệ sinh hàng ngày, bà chê không khéo léo, lại hay mạnh tay làm bà đau… Bà chỉ vừa lòng có một người mà bà cho rằng có đủ lương tâm, lòng kiên nhẫn, lại khéo léo, dịu dàng bà trông cậy được: đó là ông Phong tội nghiệp, chồng của bà. 

Ông Phong lãnh trách nhiệm, chấp nhận sự hy sinh, không phải vì không còn con đường nào khác, mà vì lòng yêu thương vợ chân thành. Vợ chồng chia ngọt xẻ bùi, đi bên nhau đã gần năm mươi năm, lẽ nào ông bỏ bà độc hành trên chặng đường cuối cùng? Ôi! ông Trời cay nghiệt đã lấy đi hết mọi thứ đã ban phát cho vợ chồng ông. Ôi! thời gian tàn nhẫn đã để lại dấu vết khi đi qua… Nhìn thân hình dúm dó, tàn tạ của bà bây giờ, thật khó mà tuởng tượng có một thời bà đã từng là hoa khôi của một trường nữ trung học danh tiếng. Cô nữ sinh yêu kiều, tóc thề bỏ xoã ngang vai, thẹn thùng dấu mặt sau vành nón bài thơ, đã làm ông mê mẩn, đắm đuối dạo nào…

Cái thời hoa mộng ấy đã qua rồi, nhưng vẫn lưu lại trong ký ức ông những kỷ niệm khó quên, những dấu vết không bao giờ phai mờ. Mỗi khi nhớ lại quá khứ, cả một thời dĩ vãng xa xưa lại hiện về làm ông cảm động…

Em, tiểu thơ khuê các, còn tôi, chàng trai phong sương, rày đây, mai đó, thế mà hai cuộc đời lại gắn bó với nhau, có phải là do duyên số trời đã định sẵn cho đôi ta? Làm vợ tôi, em chịu biết bao nhiêu thiệt thòi, tôi bất tài, không lo cho em được cuộc sống xa hoa, em chẳng so bì hơn thiệt, bằng lòng với hạnh phúc nhỏ nhoi.

Em, cô vợ bé bỏng, độc tài, và ghen khiếp! Em cấm tôi không được uống rượu, hút thuốc, em sầm mặt mỗi khi tôi vô tình nhìn hơi lâu một cô gái đẹp. Mỗi khi đi xa về, tôi lại bị em gạn hỏi, lục lọi, ngửi áo, tìm dấu vết của những bông hoa dại bên đường… Em ghen khiếp! Nhưng tất cả chỉ vì em yêu tôi, em mang trong bụng mầm sống của tôi, em chịu những cơn đau xé ruột để sanh cho tôi những đứa con xinh đẹp, giống bố…

Em vất vả nhọc nhằn chăm sóc con cái, giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp, cho chồng con những bữa ăn ngon, những phút giây thoải mái mỗi khi trở về… Còn tôi, tôi đã cho em được gì? Ngoài những năm tháng dài vắng nhà triền miên, để em phải sống mỏi mòn trong cô đơn? Mong em hiểu cho, chỉ vì nặng nợ núi sông, tôi đã đặt nợ nước lên trên tình nhà. Tôi đã nén lòng không tỏ ra mềm yếu những lúc phải rứt áo xa em, bởi tôi biết mai đây đời lửa đạn, người chiến sĩ ra đi không chắc sẽ có ngày về.

Tội nghiệp em, người thiếu phụ Việt Nam thời loạn ly, có mấy khi được ở gần chồng?  Thời xuân sắc, bao nhiêu người vây quanh em, nhưng sao em lại chọn tôi? để suốt năm suốt tháng phải sống trong lo sợ, phập phồng? Những cái Tết tôi đi hành quân không về, em đón xuân một mình, những buổi chiều cuối tuần, nhìn vợ chồng người ta dìu nhau đi dạo phố, em có buồn không? Em, con chiên ngoan đạo, chẳng tối nào quên đọc kinh, chẳng chủ nhật nào em không đến giáo đường. Em cầu nguyện cho tôi tránh được hòn tên mũi đạn, có bao giờ em cầu nguyện cho chính thân em? Chúa nghe  lời cầu xin của em, nên tôi đã trở về bình yên.

Nhưng hết chiến tranh rồi, những năm tháng dài đăng đẳng tôi đi tù cải tạo, em lại làm chinh phụ cô đơn… Tội nghiệp em, chẳng quản rừng thiêng nước độc, đường xá xa xôi, thân cò lặn lội đi thăm chồng. Em eo sèo bán buôn chợ trời, một mình vừa làm mẹ, vừa làm cha, nuôi con nên người, em chặt dạ bền lòng, đợi chồng về. Tóc em thôi hết mượt mà, da em đen xạm vì gió sương… Nhưng em ơi! Chính vì thế mà đôi ta lại nặng thêm nghĩa ân tình.

Chỉ sau khi qua cơn hoạn nạn, khi đầu đã hai thứ tóc, vợ chồng mình mới được sống bên nhau, mới hoàn toàn là của nhau.

Nhưng chúng ta hạnh phúc chẳng được bao lâu, trời lại giáng hoạ, em bây giờ tàn phế, ngồi trên xe lăn, mọi việc đều trông cậy vào tôi, tôi cho gì, em được hưởng nấy, chẳng bao giờ kêu ca. Ngày xưa, em đã đảm đương công việc nội trợ một cách tài tình, cho chồng con những bữa cơm ngon lành, nhà cửa luôn luôn sạch sẽ, ngăn nắp. Em vén khéo, coi sóc mọi việc trong, ngoài chu đáo, tôi chẳng phải bận tâm và chẳng bao giờ nghĩ đến công khó của em. Chỉ tới bây giờ, khi hứng trách nhiệm, tôi mới thấy mình vụng về, lúng túng làm sao. Tài nấu bếp của tôi dở nhất thế giới, mà chẳng bao giờ nghe em chê, em quả là một người vợ đại lượng nhất. 

Dạo này em hơi gầy đi, tại em bệnh tật hay tại tôi vụng nuôi? Bác sĩ nói em phải siêng tập đi mới có thể phục hồi. Trớ trêu làm sao, khi về già, người ta trở lại cái thuở sơ sinh, đầu tóc lơ thơ, răng không có đủ, nên chỉ uống sữa và ăn được đồ mềm, có người còn phải đeo tã… Người già có khác chi trẻ thơ, đâu có thể tự lo cho mình được. Nhìn em tập đi lần từng bước một trong cái walker, tôi đau lòng, em bây giờ thê thảm quá rồi. Tôi cũng chẳng hơn gì, cũng già yếu hom hem, nhăn nheo xấu xí… Chúng ta cũng giống như những cây đũa mục, cũng may còn đủ cả đôi. Em bây giờ sự sống chỉ trông cậy vào tôi, em chỉ còn mình tôi, tôi nguyện đem hết sức già ra để nâng đỡ, che chở cho em. Em hãy dựa vào tôi mà bước đi cho vững, em nhé! Chúng ta hãy dìu nhau đi nốt quãng đường còn lại…


Nhìn thân hình siêu vẹo của ông lão, cố gồng mình nâng đỡ mỗi khi mình té, bà Phong thở dài:

- Thật tội cho ông, vất vả vì tôi nhiều quá, chắc ông nợ tôi từ kiếp trước.

Ông cười hiền lành:

- Chúng ta cùng nợ nhau, cái nợ ân tình… Mình nhớ chứ? Ngày đám cưới, chúng ta đã thề nguyện trước bàn thờ Chúa là sẽ đi bên  nhau trọn đời, thương yêu nhau, săn sóc cho nhau những lúc khoẻ mạnh, cũng như những khi hoạn nạn, ốm đau. Những lời thề đó, tôi vẫn giữ mãi, mình biết vì sao không? Ông cười hề hề, cúi xuống đặt một cái hôn lên trán bà, giọng khôi hài, là vì tôi yêu cái cục nợ đời của tôi…

Bà khẽ nhếch môi cười, nhưng cặp mắt lại rất buồn:

- Lúc đó, chẳng bao giờ tôi ngờ là sẽ có ngày hôm nay. Trời bắt tội tôi bệnh tật làm khổ cho mình quá, tôi cứ áy náy trong lòng, nhiều lúc chỉ muốn chết sớm cho mình đỡ cực.

Ông giật mình, cau mày trách:

- Sao mình lại nói thế? Bao nhiêu năm mình săn sóc tôi, bây giờ mình đau yếu phải để tôi chăm lo lại cho mình chứ? Tôi có khó nhọc cách mấy cũng chưa thể bù lại được công lao cả đời mình đã vất vả vì tôi. Vợ chồng ăn ở với nhau ngần ấy năm, chẳng lẽ mình không hiểu tôi? Chẳng lẽ mình lại không biết rằng mình đã chiếm một địa vị quan trọng thế nào trong cuộc đời của tôi ư? Mình là một nửa của tôi, mình bỏ đi, làm sao tôi sống?

Ông ngưng lại, nhìn dáng bà tiều tụy, lòng ông như chùng xuống. Chậm rãi ngồi xuống bên vợ, ông quàng tay ôm ngang lưng bà, thủ thỉ:

 - Mình biết không? dạo này tôi hay có những giấc mơ lạ lắm. Tôi mơ mình và tôi đi chơi rồi lạc nhau, tự dưng bỗng thấy mình đứng cách tôi một khoảng rất xa, giữa một đám người lạ, họ xô đẩy làm mình mỗi lúc một xa tôi hơn, chỉ trong nháy mắt đã xa tít tắp...  Tôi cuống quít chạy theo, gọi mình khan cả cổ nhưng mình không nghe thấy.  Thoáng một cái mình đã mất hút trong đám đông, tôi hốt hoảng đi tìm, sợ hãi không thể tả.  Giật mình thức giấc, thấy mình bên cạnh tôi mới yên tâm, và thở phào sung sướng vì đó chỉ là một cơn ác mộng. Tôi sợ cô đơn, càng về già, tôi càng cần mình hơn bao giờ hết. Tôi không dám nghĩ tới sau này khi một người đi trước, người còn lại sẽ ra sao? Bây giờ vẫn còn đủ đôi, chúng ta hãy tận hưởng những tháng ngày còn được ở bên nhau. Tôi yêu mình, mình phải sống cho tôi, chúng ta sống cho nhau...

Ông chưa dứt câu, mắt bà đã đầm đìa những lệ, bàn tay còn cử động được, tìm tay ông nắm chặt. Hai vợ chồng già im lặng ngồi bên nhau, không ai nói, nhưng tình yêu đã trao nhau tràn trong ánh mắt. Nhìn những giòng lệ chưa khô trên đôi má nhăn nheo của vợ, ông thương cảm, cô thiếu nữ yêu kiều năm xưa giờ đây đã thành một người đàn bà luống tuổi, nhưng bản chất vẫn yếu đuối, nhút nhát, luôn luôn cần đến sự che chở của chồng. Vô tình bà đã khơi dậy trong ông cái nam tính của một người đàn ông, điều đó làm ông sung sướng, tự hào, và càng yêu thương bà nhiều hơn, bây giờ cũng vậy. Mắt lấp lánh niềm vui, ông âu yếm vỗ nhẹ lên vai bà như dỗ dành:

- Tôi chỉ muốn mình hiểu lòng tôi, vậy mà vụng về quá, tôi lại làm mình khóc. Thôi, để tôi lau nước mắt cho, mình đừng khóc nữa, ai lại khóc trong một ngày rất đẹp như hôm nay? Xem kìa! mặt trời đang lên, đẹp và ấm áp lắm, để tôi đưa mình ra sân sau sưởi nắng nhé.

Ông nói và mở cửa, đẩy xe của bà ra vườn, đến gần cái băng đá, ông dừng lại, chậm chạp ngồi xuống, đưa mắt nhìn lên bầu trời trắng đục. Bây giờ hãy còn sớm, không khí còn mang cái mát mẻ, tinh khôi của buổi sớm mai. Nơi chân trời phía đông, một vầng hồng vừa nhô lên, chiếu những tia sáng làm hồng những đám mây, mặt trời xuất hiện như một quầng lửa đỏ, bình minh thật đẹp, thật rực rỡ. Trên bãi cỏ xanh mịn, còn đọng lại những giọt sương đêm lóng lánh, có hai con bướm vàng đang bay lượn nhởn nhơ.  Một làn gió nhẹ thổi tới làm lá rơi lả tả, lá rơi nhiều quá, rụng ngập cả lối đi… Trời đã cuối thu rồi, mùa đông sắp tới, những chiếc lá cuối cùng còn bám ở trên cây cũng đã khô héo, những mầm non đã sẵn sàng để nhú ra, và những lá già sẽ được thay thế bằng lá non khi mùa xuân tới… Bốn mùa sẽ tuần tự đến rồi đi như một quy luật của tạo hoá.

Nhìn mái tóc bạc phơ của bà như sáng lên trong nắng ánh cuối thu, ông cảm động, nói với bà mà như đang nói với chính mình:

- Chúng ta cũng như những chiếc lá mùa thu kia thôi, lá khô rồi rụng, nhưng cây đâu có chết? bởi vì sẽ có lớp lá non thay thế. Con người cũng vậy, khi chết đi, chỉ có thể xác là trở thành cát bụi, nhưng con cháu mang trong cơ thể dòng máu của cha mẹ, sẽ tiếp nối sự sống đời đời.  Cho nên về một phương diện nào đó, cái chết không phải là một sự hủy diệt hoàn toàn...

Ông chợt ngưng, vì một cơn gió mạnh vừa thổi tới, suýt làm bay cái khăn len của bà.  Ông vội vã chụp được, quàng lại vào cổ cho vợ, săn sóc hỏi:

- Hôm nay gió hơi nhiều, mình có lạnh không?

Bà lắc đầu, nhìn hai cây mai, cây đào đã trụi hết lá và những nụ non mơn mởn đã đơm chi chít đầy cành, bà sung sướng nghĩ thầm mùa đông rồi sẽ qua đi và một mùa xuân nữa lại sắp tới, hai ông bà lấy nhau cũng vào mùa xuân... Bà chớp mắt, trên khuôn mặt nhăn nheo thoáng nở một nụ cười, bà nói với chồng bằng giọng êm ái, tình tứ như thuở còn đôi mươi:

- Ở bên mình tôi chưa bao giờ thấy lạnh, bởi vì tình yêu của mình đã sưởi ấm tim tôi.

Mỉm cười cảm động, ông cúi xuống run run hôn lên mái tóc bạc phơ của bà, thì thầm:

- Tết này là vừa đúng 50 năm mình về với tôi. Năm mươi năm chia ngọt xẻ bùi, mình luôn luôn sát cánh bên tôi cùng vượt qua bao nhiêu chông gai, sóng gió, cám ơn mình vẫn đi bên tôi cho đến cuối đời. Chúng ta đã xong bổn phận làm cha mẹ, con cái thành đạt cả rồi, bây giờ là lúc thảnh thơi, vợ chồng mình sống cho nhau. Thời gian còn lại chẳng biết bao lâu, mỗi ngày trời cho đều đáng quí. Chúng ta hãy cám ơn trời, vì trên chặng đường cuối cùng, chúng ta vẫn còn đủ cả đôi, đó chẳng phải là một điều may mắn hay sao?

Bà gật đầu, cầm tay ông ấp lên má:
- Cái may mắn nhất của đời tôi là được làm vợ mình. Mình là cây đại thụ cho tôi dựa, chỉ ở bên mình tôi mới cảm thấy yên ổn và sung sướng. Đừng bao giờ xa tôi, mình nhé.

Ông ôm xiết vợ vào lòng:

- Tôi sẽ đi bên mình cho tới hết con đường. Chỉ có cái chết mới chia lìa được chúng ta mà thôi.

Bà tựa đầu vào ngực chồng với dáng vẻ an tâm, tin tưởng và rất hạnh phúc.

Ông nhìn vợ, trên khuôn mặt in đầy những dấu vết của thời gian, đôi mắt già vẫn long lanh sáng và ông thấy hình ông hiện ra trong đó, trên đôi đồng tử của bà. Tim ông bỗng đập nhanh, thương quá người bạn đồng hành đã cùng ông trôi nổi khắp bốn phương trời, và sau cùng dạt đến miền đất xa lạ này, người vợ tào khang suốt đời tận tụy, hy sinh cho chồng con, người bạn đời đã chia ngọt sẻ bùi với ông, luôn luôn trung thành với ông cho dù có những lúc lên voi, xuống chó. Suốt đời bà chỉ biết có ông, trong mắt bà chỉ có hình bóng của ông... Tự dưng ông thấy xúc động và thương vợ hơn bao giờ hết, lặng lẽ ông tìm tay bà xiết chặt.

Có tiếng chim ríu rít trên cành, hai vợ chồng cùng ngắm đôi chim nhỏ đang rỉa lông cho nhau với một vẻ thích thú.

Bà Phong thấy lòng lâng lâng sung sướng, cuộc đời của bà từ khi về làm bạn với ông, về vật chất tuy không dư dả, nhưng hạnh phúc luôn luôn tràn đầy. Nghĩ đến người chồng thủy chung, độ lượng đã hết dạ thương yêu, che chở cho bà trong suốt cuộc đời, tim bà bỗng đập nhanh xao xuyến, bà ngước nhìn ông với cặp mắt chan chứa ân tình.

Ông Phong đang nghĩ năm nay nhà mình sẽ ăn một cái Tết thật lớn để kỷ niệm 50 năm chung sống của ông bà, con cháu sẽ về đông đủ cả. Ông nhẩm tính xem nên mua mấy chậu quất, hay cúc vàng và thược dược để trưng trong nhà, chợt nghe tiếng hít mũi của vợ, ông quay lại nhìn và kêu lên:
         
- Mình sao thế? Lại khóc nữa à?

Bà cúi mặt, hơi có vẻ xấu hổ:

- Tôi khóc vì hạnh phúc quá, mình ạ.

Ông thở ra một hơi dài, mỉm cười:

- Vậy mà làm tôi hết hồn. Mình vẫn mít ướt như xưa, không thay đổi...

- Tôi lúc nào mà chẳng vậy?

Ông cười khà khà, vỗ nhẹ lên vai bà âu yếm:

- Cái món võ khí ấy của mình lợi hại lắm đó nghe, lần nào mình khóc, tôi cũng thấy mềm lòng và lại phải dỗ. Thôi được rồi, mình ráng đứng dậy đi, tôi chỉ cho xem cái này đẹp lắm.

Ông nói và quàng tay qua lưng vợ, giúp bà đứng lên, ông dìu bà đi vài bước tới một chỗ thoáng, không bị những tàng cây che khuất.

- Mình nhìn kìa! Mặt trời đang từ từ lên sau rặng núi phía xa và chim chóc ríu rít bay lượn từng đàn trên nền trời bình minh vẩn mây hồng đẹp quá. Ước gì thời gian đừng trôi, để giây phút hạnh phúc tuyệt vời này sẽ còn mãi.

Bà ngả đầu vào vai ông, mỉm cười:

- Những lúc ở bên nhau như thế này, tôi sung sướng lắm. Ngày nào vợ chồng mình còn đủ đôi, tôi thấy đời vẫn đẹp, mình ạ.

Ông Phong ghì sát vợ vào ngực mình, cả hai lắng nghe tiếng tim đập của nhau, thấy lòng ấm áp vô cùng.  Trời cuối thu lành lạnh, nhưng mùa thu vẫn đẹp lắm.


* Nghe đọc truyện “Thời gian còn lại” tại  https://youtu.be/F5SqUD5rLWY 

***

--> Read more..

Popular posts