Thứ Năm, 17 tháng 4, 2025

Đọc lại Tây Du Ký

Vào những năm 1590 Tây Du Ký, truyện thuật lại chuyến đi đến Ấn Độ của nhà sư Trần Huyền Trang (hay còn gọi là Đường Tam Tạng) đi lấy kinh được xuất bản với tác giả giấu tên. Tuy nhiên, sau này thường được cho là của tác giả Ngô Thừa Ân.

 

Tây Du Ký, bản tiếng Việt

 

Trong du ký, sư Huyền Trang được Quan Âm Bồ Tát bảo đến Tây Trúc (Ấn Độ) thỉnh kinh mang về Trung Quốc. Đi cùng sư là 4 đệ tử:

(1) một con khỉ đá tên Tôn Ngộ Không, ra đời từ một hòn đá ở biển Hoa Đông, xưng vương ở Hoa Quả Sơn, tìm sư học đạo, đại náo thiên cung, sau đó bị Phật Tổ Như Lai bắt nhốt trong Ngũ Hành Sơn 500 năm. Tôn Ngộ Không tượng trưng cho trí tuệ, lý trí. Lý trí phải dẫn dắt, phải soi đường cho hành động. Thế nên, Tề Thiên với cây thiết bảng luôn đi trước, dẫn đường mấy thầy trò.

 

Tôn Ngộ Không và Tam Tạng (tranh của Nhật Bản)

 

(2) một yêu quái nửa người nửa lợn tên Trư Ngộ Năng. Trư Bát Giới là tính tham và dục, những tâm tính thuộc về bản năng của con người. Khí giới của họ Trư là đinh ba, cào cỏ… để có thể vơ vào cho vừa lòng tham dục. Bát Giới đã trăm lần ngàn lượt đòi chia của, rồi mạnh ai đường nấy đi!

 

Trư Bát Giới

 

(3) một thủy quái tên Sa Ngộ Tĩnh. Sa Tăng tượng trưng cho tính cần cù, nhẫn nại, nhọc nhằn gánh hành lý trong suốt cuộc hành trình. Khí giới của Sa tăng là bảo trượng có đầu dẹp và bén nhọn, để dễ dàng cắm chặt vào mục tiêu. Chí đã định rồi thì không biến đổi, lòng đã quyết rồi thì chẳng chuyển lay.

 

Sa Tăng

 

(4) con ngựa trắng tượng trưng cho xác thân mà Huyền Trang cưỡi có tên là Bạch Long Mã, cũng là một hoàng tử của Long Vương. Con người đi tìm Chân lý, tìm Đạo, cần có xác thân vững vàng, khoẻ mạnh. Không có ngựa tốt thì Đường tăng không tới được Thiên Trúc.

 

Đường Tam Tạng và Bạch Mã

 

Bố cục Tây Du Ký được sắp xếp thành 100 Hồi. Theo truyền thống của truyện Tàu, mỗi Hồi được tóm gọn trong 2 câu thơ dẫn nhập và đó cũng là trọng tâm hoặc ý chính của từng Hồi:

 

Một cảnh trong phim Tây Du Ký

 

Mọi sự so sánh đều mang tính cách “khiên cưỡng” nếu không muốn nói là “khập khiễng” trong trường hợp đem chuyện Tây Du Ký ngày xưa so với chuyện bộ hành về Đất Phật Ấn Độ của sư Minh Tuệ ngày nay.

Cả hai chuyến đi đều gặp nhau vì cùng hướng về miền đất Phật Ấn Độ. Đường Tăng phải vượt qua 81 khổ nạn mới thỉnh được kinh còn sư Minh Tuệ tuy chưa đến được “vùng đất hứa” nhưng đã phải đương đầu với rất nhiều trở ngại cả về tinh thần lẫn sự cách trở về địa lý, luật lệ địa phương…

Hành trình của Đường Tăng chỉ thách thức đối với 5 thầy trò nhưng với sư Minh Tuệ, số người đồng hành lớn gấp đôi, đó là chưa kể đến những người đi theo “hỗ trợ”, những Youtuber vây quanh ghi hình và rất đông Phật tử đến đảnh lễ hàng ngày.

Thậm chí ngay trong nội bộ các sư có nhiều ý kiến trái chiều đối với đoàn “tình nguyện viên” đi cùng để hỗ trợ.

Đường Tăng chỉ một mình với 4 đồ đệ trung thành bên cạnh thế mà còn gặp biết bao thử thách dọc đường huống hồ sư Minh Tuệ bị lạc giữa những người cùng “tập học” và cả những người phàm tục hãy còn nhiều sân si!

Cho đến bây giờ, đoàn bộ hành chỉ mới đi non nửa chặng đường, phần đường còn lại hứa hẹn nhiều gian truân, thử thách hơn nhiều. Hy vọng, hành giả Minh Tuệ với quyết tâm đạt được tâm nguyện của mình, cuối cùng sẽ đến “Vùng Đất Phật”.

Được như vậy, những Phật tử người Việt sẽ ngẩng cao đầu vì Tây Du Ký chỉ là một “thiên du ký theo tưởng tượng” trong khi cuộc bộ hành của sư Minh Tuệ mới là “người thật, việc thật” của thời đại ngày nay!

Mong lắm thay! 

 

Hành giả Minh Tuệ 

*** 

--> Read more..

Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2025

Tuổi già và Giấc mơ

Tôi đang đứng ở sân ga chờ chuyến tàu chót để đi về… cõi vĩnh hằng. Chờ hoài, chờ mãi mà vẫn chưa thấy bóng dáng của con tàu đâu nên đành khoả lấp thời gian bằng cách viết trên máy tính chuyện đời, chuyện người mang tên “hồi ức”!

Cái laptop tôi đang sử dụng cũng thuộc loại sắp phế thải như tôi, cộng thêm việc bàn tay gõ máy không còn nhuần nhuyễn như xưa nên cứ viết được một câu là vội vàng xem lại để phát hiện xem có lỗi đánh máy nào không.

Khổ thế đấy nhưng cũng thấy vui vì một “tỷ phú thời gian” như tôi giờ chỉ còn một cái thú duy nhất là được trải lòng trên bàn phím. Nói thì đơn giản như vậy nhưng trên thực tế còn phức tạp hơn nhiều.

Giá như chỉ viết cho mình đọc thì không sao, đằng này lại ôm đồm một nhóm đối tượng bao gồm cả bạn bè ngày xưa cũng như người đọc mới quen hiện giờ. Thế cho nên, có những ý kiến phản hồi, đôi khi không nói ra, nhưng tôi biết “độc giả của tôi” cũng có phần thất vọng khi đọc.

Ông bà ta ngày xưa có câu “năm người, mười ý”, đó là lẽ thường tình! Tôi vẫn thường tự nhủ “lỗi tại tôi mọi đàng” nên chỉ cầu mong sự thông cảm từ mọi người để… “chín bỏ làm mười”!

Nhớ lại ngày xưa, cái anh nhà báo trẻ hễ ngồi trước máy là gõ một mạch vì còn nhiều việc phải làm. Ngày nay thì phải vật lộn trước bàn phím, gõ rồi lại xoá vì trên màn hình có vô số lỗi mà thật lòng mình không bao giờ muốn.

Thôi thì cũng đành chấp nhận vì đó là “niềm vui duy nhất của tuổi già”. Biết sao được khi “lực bất tòng tâm”. Ý chí và giấc mơ vẫn còn đó nhưng làm sao cưỡng lại những biến chứng của tuổi “thất thập cổ lai hi”.

Rất mong các bạn niệm tình tha thứ khi gặp phải những “hạt sạn” trong các bài viết, dù tôi đã không những kiểm tra trên laptop rồi lại còn chịu khó đọc lại trên điện thoại trước khi đăng.

Những lỗi “chưa phát hiện” đâu đó vẫn còn, bên cạnh đó là những ý tưởng ngày một “già đi” theo năm tháng! Vẫn biết “chín người, mười ý” nhưng đã lỡ đam mê viết lách nên đành phải chấp nhận những lỗi ngoài ý muốn.

Một lần nữa, rất mong bạn đọc thông cảm với “ngọn đèn leo lét” trước giờ lịm tắt.



***



Nhà văn (và cũng là nhà báo) Gabriel Garcia Marquez (1928-2014), người Colombia, nổi tiếng với tác phẩm “Trăm năm cô đơn” (Cien años de soledad - 1967) và ông cũng là người được trao Giải Nobel Văn học năm 1982 đã có lần nói về tuổi già và giấc mơ:

“Không phải người ta ngừng theo đuổi giấc mơ vì mình già đi, người ta già đi vì ngừng theo đuổi giấc mơ đó”.

Gabriel Garcia Marquez (1928-2014)


“Trăm năm cô đơn” - Bản dịch Việt ngữ



***
--> Read more..

Thứ Ba, 8 tháng 4, 2025

Phong trào Hướng đạo

Trước 1975, vào những ngày Chủ Nhật, Sài Gòn thường xuất hiện những thanh thiếu niên trong bộ đồng phục hướng đạo thường đến các công viên để vui chơi trong sinh hoạt tập thể, tham gia công tác xã hội đồng thời rèn luyện những kỹ năng chuyên môn như thắt nút dây, truyền tín hiệu Morse, Semaphore hay “mưu sinh thoát hiểm”…

Phong Trào Hướng Đạo do Huân Tước người Anh tên Sir Robert Baden Powell sáng lập vào năm 1907, nhằm mục đích giáo dục thanh thiếu niên trở thành người công dân tốt, biết phụng sự xã hội và đóng góp cho cộng đồng.

 

Chân dung Sir Robert Baden Powell (1857-1941)

 

Phong trào Hướng Đạo là một sân chơi lành mạnh và hữu ích. Nhưng muốn đến với sân chơi này phải có cơ duyên và một số điều kiện cần thiết. Ngày xưa, hầu hết thanh thiếu niên đến với phong trào Hướng đạo đều thuộc con nhà khá giả.

Tham gia hướng đạo rất tốn kém, trong đó bao gồm việc sắm đồng phục, nón, giày, một số trang bị trong sinh hoạt hướng đạo. Đó là chưa kể đến việc đóng niên liễm và nhiều thứ linh tinh khác.

Cuối tuần hướng đạo sinh sẽ đến một địa điểm sinh hoạt (thường là các công viên) để vui chơi, dựng lều và để được các anh chị trưởng huấn luyện về các kỹ năng hướng đạo. Thỉnh thoảng, lại còn được tham gia các kỳ trại bên ngoài thành phố.

 

Sir Robert Baden Powell và Phu Nhân tham quan một trại Hướng Đạo Thế Giới

 

Luật hướng đạo xuất hiện cùng với việc xuất bản sách hướng đạo vào năm 1908 và được trình bày, viết hoa, đánh số… bởi chính Baden Powell:

1. VINH DỰ CỦA HƯỚNG ĐẠO SINH PHẢI ĐƯỢC TÍN NHIỆM. Nếu một hướng đạo sinh nói "Trên danh dự của tôi nó là như vậy," thì có nghĩa là như vậy, giống như bạn ấy đã thực hiện một lời tuyên hứa trân trọng nhất. Tuơng tự, nếu một huynh trưởng hướng đạo nói với một hướng đạo sinh, "Tôi tin vào vinh dự của em để làm việc này," thì hướng đạo sinh đó sẽ bắt buộc thực hiện mệnh lệnh đó tốt nhất theo khả năng của mình, và không để bất cứ gì ngăn cản bạn ấy làm việc đó. Nếu một hướng đạo sinh phá vỡ vinh dự của mình bằng cách nói dối, hay không thực hiện đúng mệnh lệnh khi được tin tưởng, bạn ấy sẽ không còn là một hướng đạo sinh, và phải trao trả lại phù hiệu hướng đạo của mình và không bao giờ được phép mang nó lại. Bạn ấy mất cả cuộc đời của mình.

2. HƯỚNG ĐẠO SINH TRUNG THÀNH với cấp trên, với quốc gia, và với nơi mình làm việc. Bạn ấy phải sát cánh với họ thật nghiêm ngặt để chống lại bất cứ ai là kẻ thù của họ hay thậm chí nói xấu về họ.

3. BỔN PHẬN CỦA HƯỚNG ĐẠO SINH LÀ HỮU ÍCH VÀ GIÚP ĐỠ NGƯỜI KHÁC. Bạn ấy phải làm bổn phận của mình trước mọi thứ khác, thậm chí bỏ qua thú vui, sự thoải mái, hay sự an nguy của riêng mình để làm điều đó. Khi gặp khó khăn nhận dạng một trong hai điều phải làm thì bạn ấy phải tự hỏi chính mình, "Cái nào là bổn phận của tôi?" có nghĩa là, "cái nào tốt nhất cho mọi người khác?"… và sẽ làm việc đó. Bạn ấy phải “Sắp Sẵn” (Be prepared) vào bất cứ thời điểm nào để cứu mạng hay giúp đỡ người bị thương. Bạn ấy phải làm một việc thiện mỗi ngày.

 

Tổng thống Hoa Kỳ Calvin Coolidge chào đón 1500 nam Hướng đạo sinh hành hương hàng năm về Tòa nhà Quốc hội năm 1927

 

4. HƯỚNG ĐẠO SINH LÀ BẠN VỚI MỌI NGƯỜI, VÀ LÀ ANH EM VỚI MỌI HƯỚNG ĐAO SINH KHÁC, KHÔNG PHÂN BIỆT GIAI CẤP XÃ HỘI MÀ NGƯỜI ĐÓ THUỘC VỀ. Nếu một hướng đạo sinh gặp một hướng đạo sinh khác, thậm chí một người lạ với mình, bạn ấy phải nói chuyện với người đó, và giúp đở người đó theo cách mà mình có thể làm, hoăc là thực hiện nhiệm vụ mà người đó đang làm lúc đó hay cho người đó thức ăn, hay bất cứ gì người đó đang cần đến. Một hướng đạo sinh không nên là một “Kẻ ta đây”. Kẻ ta đây là một người xem thường người khác vì người khác nghèo hơn mình, hay người đó là người nghèo nhưng lại ghanh tỵ với người khác vì người khác giàu.

5. HƯỚNG ĐẠO SINH PHẢI LỊCH SỰ. Nghĩa là bạn ấy phải lịch sự với tất cả mọi người, nhưng đặc biệt là với phụ nữ, trẻ em, người già, người tàn tật... Và bạn ấy không được nhận lấy bất cứ quà tặng gì khi được xem là giúp ích và lịch sự.

6. HƯỚNG ĐẠO SINH LÀ BẠN VỚI THÚ VẬT. Bạn ấy phải cứu chúng khỏi đau đớn trong khả năng của mình, và không được giết hại bất cứ thú vật nào khi không cần thiết, ngay cả chỉ là một con ruồi vì nó là một sinh vật của Chúa.

7. HƯỚNG ĐAO SINH TUÂN THEO MỆNH LỆNH của đội trưởng hay của huynh trưởng mà không thắc mắc. Ngay cả khi bạn ấy nhận mệnh lệnh mà mình không thích, bạn ấy phải làm như một người lính hay thủy thủ làm, bạn ấy phải thực hiện hết tất cả như nhau bởi vì đó là bổn phận của mình; và sau khi thực hiện xong bạn ấy có thể đến và kể ra bất cứ lý do gì chống lại việc đó: nhưng bạn ấy phải thực thi mệnh lệnh ngay lập tức. Đó là kỷ luật.

8. HƯỚNG ĐẠO SINH VUI TUƠI trong mọi hoàn cảnh. Khi nhận lệnh bạn ấy phải sẵn sàng tuân theo mà không chần chừ, do dự. Hướng đạo sinh không bao giờ càu nhàu khi gặp khó khăn, hay cau có với người khác, cũng không chửi thề khi gặp phiền phức. Khi bạn trể chuyến tàu lửa, hay ai đó giẩm lên ngón chân bạn… không phải là lúc hướng đạo sinh phải làm ồn lên hay dưới bất cứ hoàn cảnh phiền toái nào, bạn nên cố gượng mình nở một nụ cười ngay lập tức, và rồi huýt sáo, và thế là bạn sẽ ổn thôi! Một hướng đạo sinh luôn với một nụ cười và vui tuơi. Điều đó làm cho bạn ấy phấn khởi và làm phấn khởi những người khác, đặc biệt là trong lúc nguy hiểm.

9. HƯỚNG ĐẠO SINH CẦN KIỆM, nghĩa là bạn ấy tiết kiệm từng xu nếu có thể, và bỏ vào ngân hàng để bạn ấy có thể có tiền tiêu cho mình khi mất việc làm, và vì vậy không trở thành gánh nặng cho người khác; hay bạn ấy có thể có tiền để giúp người khác khi họ cần đến.

 

Trại Họp bạn Hướng đạo Thế giới lần thứ nhất, tháng 8 năm 1920 tại Luân Đôn, Anh

 

Đấy là những gì đã được viết cho hướng đạo sinh trên toàn thế giới, lẽ dĩ nhiên ban đầu là chỉ tập trung vào hướng đạo tại Anh. Khi các nhóm khác bắt đầu các tổ chức hướng đạo, mỗi tổ chức đều sửa đổi lại điều luật, thí dụ “trung thành với Nhà vua” được thay bởi cụm từ tương đương thích hợp cho mỗi quốc gia.

Trong suốt những năm sau đó, Baden Powell cũng tự mình sửa đổi lời văn trong điều luật nhiều lần, đáng nói là năm 1911 ông thêm vào:

HƯỚNG ĐẠO SINH TRONG SẠCH TỪ Ý NGHĨ, LỜI NÓI VÀ VIỆC LÀM. Hướng đạo sinh đứng đắn sẽ xem thường những thiếu niên ngu xẩn nói năng bẩn thỉu, và mình không để bị cám dỗ bởi hành vi nói năng hay việc làm bẩn thỉu. Một hướng đao sinh phải trong sạch, tư tưởng trong sạch và đáng mặt đàn ông.

Trong lúc đọc lời hứa, hướng đạo sinh đứng nghiêm, đưa tay phải lên ngang tầm vai, lòng bàn tay đưa về phía trước, ngón tay cái đặt lên móng tay của ngón út và ba ngón còn lại duỗi thẳng. Đó là dấu hiệu “ba ngón tay” tượng trưng cho ba ý nghĩa của lời hứa Hướng đạo.

Ngón cái trên ngón út là biểu tượng của sự đoàn kết, lớn giúp bé, mạnh đỡ yếu. Riêng đối với Sói con và Chim non thì dấu hiệu chỉ gồm có hai ngón tay. Ngón trỏ và ngón giữa đưa lên cao tượng trưng cho hai tai vểnh lên để nghe lời. Ngón cái đè lên hai ngón còn lại tượng trưng cho sự bao bọc, lớn giúp nhỏ, mạnh bảo vệ yếu.

 

Lối chào của hướng đạo

 

Và cuối cùng là Lời hứa hướng đạo:

“Tôi xin lấy danh dự hứa sẽ cố gắng hết sức,

Làm bổn phận đối với tín ngưỡng, tâm linh và quốc gia tôi.

Giúp đỡ mọi người bất cứ lúc nào.

Tuân theo Luật Hướng đạo”.

 

Lễ khai mạc Trại Họp bạn Hướng đạo Thế giới lần thứ 21 năm 2007 với sự tham gia của gần 40 ngàn hướng đạo sinh, tại Essex, Anh

 

Phong trào Hướng đạo đã tồn tại ở Việt Nam gần một thế kỷ, nhưng các hoạt động Hướng đạo chính thức đã ngừng hoạt động do hậu quả của chiến tranh trong những năm 1960 và 1970, dẫn đến việc mất tư cách thành viên chính thức của Tổ chức Phong trào Hướng đạo Thế giới (World Organization of the Scout Movement – WOSM) vào năm 1975.

Tuy nhiên, trong hai thập niên vùa qua, hướng đạo đã chứng kiến một sự hồi sinh ở cấp cơ sở với các hoạt động dành cho Sói con, Thiếu sinh và Tráng sinh được tiến hành hàng tuần bởi các Trưởng Hướng đạo đã được đào tạo.

Hướng đạo bắt đầu ở Việt Nam từ những năm 1920. Trong thời gian này, đội ngũ hướng đạo ban đầu chủ yếu bao gồm trẻ em từ các khu người Pháp, nơi các nhà giáo dục địa phương như Trần Văn Khắc và Hoàng Đạo Thúy đã quan tâm và đi tiên phong trong các đơn vị hướng đạo đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam.

Trung tâm huấn luyện đầu tiên được thành lập vào năm 1938, và Trại Họp bạn Đông Dương đầu tiên được tổ chức vào năm 1941 tại Việt Nam với sự tham gia của các Hướng đạo sinh từ Campuchia và Lào.

 

Huy hiệu Hướng đạo Viêt Nam

 

Phong trào Hướng đạo phát triển mạnh mẽ trong những năm sau đó và Hội Hướng đạo Việt Nam trở thành thành viên của WOSM vào năm 1957. Việt Nam là một trong những nước sáng lập Hội nghị Hướng đạo Khu vực Viễn Đông lần thứ nhất vào năm 1958 (tiền thân của Hội nghị Hướng đạo Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương).

Kể từ khi mất tư cách thành viên chính thức của WOSM vào năm 1975, Phong trào Hướng đạo đã tồn tại trong suốt nhiều năm, với sự gia tăng đáng kể trong vài thập kỷ qua, trong đó các Trưởng Hướng đạo địa phương kiên trì giành lại sự công nhận chính thức trong nước cũng như trong WOSM.

Đơn đăng ký thành viên chính thức từ Pathfinder Scouts Việt Nam để gia nhập WOSM đã được nhận vào tháng 7 năm 2018 và được Ủy ban Hướng đạo Thế giới thông qua vào tháng 10 năm 2018. Sau một cuộc bỏ phiếu chính thức qua đường bưu điện với tất cả 169 Tổ chức thành viên hiện có trong ba tháng qua, Pathfinder Scouts Việt Nam đã trở thành Thành viên thứ 170 của WOSM tính đến ngày 10 tháng 1 năm 2019.

 

Nam và Nữ Hướng đạo từ các quốc gia khác nhau tại Trại Họp bạn Tráng sinh Hướng đạo Thế giới (World Scout Moot) ở Thụy Điển năm 1996

 

Tại Sài Gòn, hướng đạo sinh hoạt tại hầu hết tại các công viên trong thành phố như Tao Đàn, Lê Thị Riêng, Hoàng Văn Thụ... Tổng cộng có khoảng trên dưới 50 liên đoàn, trong đó có nhiều liên đoàn mới thành lập.

* Liên đoàn Âu Lạc do các huynh trưởng Hướng đạo Việt Nam trước 1975, đang sinh sống tại Sài Gòn thuộc Đạo Bắc Đẩu đã quy tụ con em bạn bè gốc Đà Nẵng thành lập nên vào năm 1993. Hiện nay Liên đoàn Âu Lạc đang sinh hoạt tại công viên Hoàng Văn Thụ. Ngày 15 tháng 8 năm 2011, Liên đoàn Âu Lạc được nâng lên thành Đạo Âu Lạc.

* Liên đoàn Quang Trung được thành lập ngày 7 tháng 7 năm 2002 tại Công viên Tao Đàn gồm có Bầy Tam Điệp, Bầy Nhị Hà, Thiếu đoàn Đống Đa, Thiếu đoàn Ngọc Hồi, Kha đoàn Thăng Long, Tráng đoàn Nguyễn Huệ.

* Liên đoàn Tạ Quang Bửu được thành lập ngày 1 tháng 12 năm 2002 tại Công viên Tao Đàn gồm có Bầy Trần Đại Nghĩa, Thiếu Trần Nhật Duật, Kha Hoàng Cầm, Tráng Nguyễn Sơn.

* Liên đoàn Thái Dương được thành lập ngày 17 tháng 6 năm 2007, hiện đang sinh hoạt tại Công viên Tao Đàn, gồm có Bầy Phù Đổng (thành lập 11 tháng 7, 1998), Bầy Lương Thế Vinh (thành lập 3 tháng 6, 2007), Thiếu đoàn Trần Quốc Toản (thành lập 1 tháng 9, 2006), Thiếu đoàn Trương Vĩnh Ký, Tráng Đoàn Trùng Dương (thành lập 17 tháng 6, 2007). Tuy nhiên, có tin liên đoàn này không hoạt động từ 4 năm nay

* Liên đoàn Non Nước, gồm Liên đoàn Non Nước 1 và Liên đoàn Non Nước 2, là một trong những liên đoàn được thành lập sớm nhất ở Sài Gòn, hiện nay đã phát triển thành 2 liên đoàn với 2 Ấu đoàn, 2 Thiếu đoàn, 1 Kha đoàn và 1 Tráng đoàn.

* Liên đoàn Lý Thường Kiệt, do trưởng Trần Văn Hiến thành lập, sinh hoạt tại công viên Hoàng Văn Thụ từ đầu năm 2011 cho đến nay, gồm Ấu đoàn Lý Thường Kiệt, 2 Thiếu đoàn Lý Thường Kiệt và Trưng Trắc, Kha đoàn và Tráng đoàn đều mang tên Lý Thường Kiệt.

 

Huy hiệu Liên đoàn Hồng Bàng (Gia Định)

 

Ngay từ lúc thành lập, Hướng đạo Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn, thu hút rất đông những nhân vật sau này giữ những vai trò trọng yếu trên chính trường miền Bắc cũng như miền Nam như Tạ Quang Bửu, Trần Duy Hưng, Lưu Hữu Phước, Tôn Thất Tùng, Võ Thành Minh, Phạm Ngọc Thạch, Trần Văn Tuyên, Phạm Biểu Tâm, Trần Điền, Cung Giũ Nguyên…

Tuy nhiên vì thời cuộc chính trị và chiến tranh, Hướng đạo Việt Nam bị đình chỉ hoạt động tại miền Bắc Việt Nam vào năm 1954 và rồi toàn cõi Việt Nam vào năm 1975. Ở hải ngoại, Hướng đạo Việt Nam vẫn tiếp tục hoạt động từ khi theo đoàn người di tản đến các trại tạm cư như Vịnh Subic (Philippines), Đảo Guam, Đảo Wake, Trại Pendleton (California), Trại Chaffee (Arkansas)… trước ngày 30 tháng 4 cho đến ngày nay tại các quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Úc, Pháp và Đức.

Đặc biệt là trong thập niên 1980 Hướng đạo Việt Nam đều có mặt tại các trại tị nạn khắp vùng Đông Nam Á và Hồng Kông trước khi các trại tị nạn này đóng cửa vào đầu thập niên 1990.Tại Việt Nam hiện nay cũng có nhiều đơn vị Hướng đạo được thành lập và hoạt động trở lại ở khắp miền Nam.

 

Kỹ năng thắt nút dây mà hướng đạo sinh nào cũng phải biết

 

*** 

--> Read more..

Thứ Tư, 2 tháng 4, 2025

Có thể bạn chưa biết về Tháp Eiffel

Cho dù có đến đây để “nhìn tận mắt, rờ tận tay” toà tháp cao sừng sững giữa thủ đô Paris hoa lệ nhưng chúng ta vẫn chưa thể tự hào là người biết rõ Tháp Eiffel ngoài những thông tin đã được công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Mọi người đều biết tên của ngọn tháp này được đặt theo tên của kiến trúc sư Gustave Eiffel. Biết vậy nhưng ông đồng thời còn là một nhà thầu, một nhà chuyên môn về các kết cấu kim loại và là một nhà khí tượng học.

 

Gustave Eiffel (1832-1923)

 

Tuy nhiên, ông lại không phải là người sáng tạo ra công trình này, mà chủ nhân thực sự của bản vẽ ban đầu chính là 2 đồng nghiệp của ông: Maurice Koechlin và Emile Nouguier.

Gustave Eiffel đã sửa chữa nhiều điểm trong bản vẽ gốc và ngay sau đó, ông đã nhanh chóng mua lại bản quyền từ 2 nhà thiết kế ban đầu để có thể sở hữu độc quyền về ngọn tháp tương lai này.

Sau hơn 26 tháng thi công (1887–1889) Tháp Eiffel chính thức được hoàn thành để chào mừng cuộc Triển lãm Thế giới năm 1889 tại Paris. Kể từ đó, ngọn tháp đã trở thành công trình cao nhất thế giới và giữ vững danh hiệu trong suốt hơn 40 năm, cho đến khi tòa nhà Chrysler ở New York ra đời vào năm 1930.

 

Toàn cảnh Tháp Eiffel

 

Tháp Eiffel nặng khoảng 9.000 tấn được làm hoàn toàn bằng sắt và kim loại qua 12.000 chi tiết nên chiều cao của tháp sẽ bị ảnh hưởng khi nhiệt độ thay đổi vì hiệu ứng giãn nở nhiệt. Vào mùa hè, tháp cao hơn khoảng 17cm và ngược lại, vào mùa đông, độ cao của tháp giảm từ 10-20 cm.

Tháp có tất cả 3 tầng với nhiều không gian cung cấp dịch vụ khác nhau. Ngoài hai nhà hàng Altitude 95Le Jules-Verne nằm ở tầng hai và ba, tháp còn có các hiệu ăn nhanh, phòng trưng bày, cửa hàng lưu niệm, điểm truy cập Internet, cửa hàng bán các con tem kỷ niệm của Pháp.

 

Thông số kỹ thuật của Tháp Eiffel

 

Tuy nhiên, rất ít người biết rằng Gustave Eiffel còn sở hữu “một căn hộ riêng” trên đỉnh tháp. Trong bản vẽ thiết kế hoàn thiện của tháp Eiffel, ông đã vẽ thêm một phòng rộng gần 92m2 dành riêng cho bản thân mình!

Nằm ngay dưới chóp tháp ở cùng khối với đài quan sát, phần lớn không gian cùa căn hộ “riêng tư” bị ảnh hưởng bởi các chi tiết kỹ thuật của tháp như các thanh đỡ thang máy, và bệ cầu thang dẫn từ tầng dưới vào căn hộ.

Căn hộ vẫn có đủ không gian cho nhà bếp, nhà tắm và một phòng khách, thậm chí còn có một chiếc piano. Gustave Eiffel dùng gian phòng riêng này làm nơi thực hiện các nghiên cứu và thử nghiệm khoa học, cũng như tiếp những vị khách quý, trong đó có nhà phát minh huyền thoại người Mỹ, Thomas Edison.

Từ năm 2015, căn hộ đặc biệt này không còn bị giới hạn mặc dù du khách vẫn không được phép vào đây, họ chĩ có thể chiêm ngưỡng căn hộ qua một lớp kính. Bên trong, còn có tượng sáp của ông Eiffel và con gái Claire tiếp vị khách mời nổi tiếng Thomas Edison để tái hiện chuyến thăm viếng năm xưa.

 

Gustave Eiffel (phải) và con gái tiếp Thomas Edison trong căn hộ đặc biệt trên Tháp Eiffel

 

Từ khi khánh thành cho đến nay, tháp Eiffel đã đón khoảng 250 triệu lượt khách đến thăm. Với số lượng du khách lớn "đổ về" như vậy, tháp Eiffel cần đến khoảng 500 nhân viên để phục vụ.

Ngoài chức năng du lịch, tháp Eiffel còn sử dụng cho mục đích khoa học với một phòng thí nghiệm về khí tượng và hàng không tại tầng cao nhất của tháp. Ngày nay, tháp tiếp tục là một trạm phát sóng truyền thanh và truyền hình cho toàn vùng Paris.

 

Tháp Eiffel giữa Paris

 

Còn nhiều câu chuyện cứ tưởng như được “thêu dệt” từ Tháp Eiffel. Năm 1925, một kẻ lừa đảo đã từng "bán" tòa tháp Eiffel thành công cho một đại lý sắt vụn, mặc dù anh ta không sở hữu tòa tháp này.

 

Một kẻ lừa đảo đã từng “bán” tòa tháp Eiffel cho một đại lý sắt vụn!

 

Cũng có người từng "cưới" tháp Eiffel! Đó là một phụ nữ Mỹ tên là Erika Aya mắc hội chứng kỳ lạ, cô chỉ yêu và có tình cảm với những vật vô trị vô giác. Erika đã "yêu" Tháp Eiffel đến mức quyết định… kết hôn với tòa tháp này và đổi tên mình thành Erika La Tour Effil vào năm 2007.

Chuyện tình của Erika và Tháp Eiffel đã tạo cảm hứng cho các nhà sản xuất Mỹ làm nên bộ phim tài liệu “The Woman Who Married The Eiffel Tower”!

 

Erika Aya, người đã từng “kết hôn” với tháp Eiffel

 

Tôi viết bài này vào ngày 1/4/2025, ngày mà các nước Phương Tây gọi là “Poisson d’Avril” (Cá Tháng Tư) hay “April Fools” (Tháng Tư của những người thích đùa). Người ta tin rằng vào ngày đầu tháng 4 mọi người có thể nghĩ ra những chuyện đùa nhưng vô hại!

Chuyện người phụ nữ Mỹ “kết hôn” với Tháp Eiffel như đã kể ở trên lại là “chuyện thật” chứ không phải là “chuyện đùa”. Viết ra đây nhân ngày Cá Tháng Tư để thân tặng những thân hữu đọc giải trí chứ hoàn toàn không có ý kể lại một chuyện vui “nhảm nhí” nhân ngày April Fools!

 


 

Lại có thơ rằng:

 

“Hôm nay ngày một tháng tư

Chúc bạn vui vẻ, ngôn từ tự do”

 

*** 

--> Read more..

Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2025

Chuyện về thần đồng âm nhạc Mozart

Wolfgang Amadeus Mozart là một trong những bậc thầy về soạn nhạc nổi tiếng với dòng nhạc cổ điển. Có thể nói, bước từ trong nôi ra đến sân khấu của nhà hát Royal Albert Hall, nhạc của Mozart đã được nghe khắp nơi cho đến ngày nay.

Ra đời trong một gia đình âm nhạc người Áo tại thành phố Salzburg năm 1756, ngay từ lúc còn bé Mozart đã thể hiện một thiên tài âm nhạc. Cuộc đời ngắn ngủi của Mozart kết thúc năm 1791 khi ông mới 35 tuổi nhưng đã để lại cho đời hơn 600 tác phẩm âm nhạc.

 

Chân dung Wolfgang Amadeus Mozart (1756-1791)

 

Nhạc Mozart bao gồm nhều thể loại như những tác phẩm dành cho piano, nhạc thính phòng, nhạc giao hưởng, nhạc tôn giáo và nhạc Opera. Ông đã được nhiều nhà soạn nhạc sau này ngưỡng mộ và các tác phẩm của ông trở thành một phần quan trọng trong nhiều buổi hoà nhạc.

Joseph Haydn, nhà soạn nhạc trứ danh người Áo, ông cũng là người hâm mộ Mozart dù hai người cách nhau đến 20 tuổi. Joseph Haydn nhận xét về người bạn vong niên: "Hậu thế sẽ không thể có người tài năng như Mozart trong 100 năm nữa!".

Mozart sinh ngày 27/1/1756 tại căn nhà số 9 Getreidegasse ở Salzburg. Thành phố này từng là thủ phủ của Tổng giáo phận Giáo hội Công giáo La Mã, một công quốc giáo hội thuộc Đế quốc La Mã Thần thánh mà sau này thuộc Áo.

 

Chân dung Mozart thời thơ ấu

 

Mozart là con út trong số 7 người con nhưng có đến 5 người đã mất khi còn bé. Chị gái duy nhất còn lại của ông là Maria Anna Mozart, khi cô bé được 7 tuổi đã bắt đầu được cha dạy các bài học về chơi đàn phím, trong lúc đó cậu em trai 3 tuổi Mozart ngồi nhìn và nghe. Cô chị hồi tưởng:

“Cậu ấy thường dành nhiều giờ liền trên phím đàn để chơi… niềm vui của cậu hiện rõ khi nghe nhạc... Ở tuổi lên 4, cha tôi đã bắt đầu dạy cậu một vài bản nhạc đơn giản trên phím đàn. Với sự mềm mại và chính xác tuyệt vời, cậu chơi đàn không một chút lỗi... Năm 5 tuổi, cậu đã sáng tác bản nhạc đầu tiên”.

 

Ba cha con trong một gia đình âm nhạc

 

Ông Leopold cuối cùng đã từ bỏ sự nghiệp sáng tác của mình để tập trung phát triển tài năng của con trai. Trong những năm đầu đời, cha của Mozart là người thầy duy nhất của ông. Cùng với âm nhạc, ông còn dạy các con nhiều ngoại ngữ và các môn học khác.

Mozart viết bản giao hưởng đầu tiên năm lên 8 tuổi và bản nhạc kịch Opera đầu đời khi mới 11 tuổi. Trong suốt thời niên thiếu, Mozart cùng gia đình đã thực hiện nhiều chuyến đi khắp Châu Âu, tại đó ông cùng người chị gái đã biểu diễn như “những thần đồng âm nhạc”.

 

Từ trái sang phải: Chị gái Mozart, Mozart và Leopold Mozart. Bức chân dung treo trên tường là mẹ của Mozart

 

Ông Leopold và Mozart lên đường đến Ý, để lại mẹ và chị gái ở nhà. Chuyến đi kéo dài từ tháng 12/1769 tới tháng 3/1771. Ông Leopold muốn phô diễn các khả năng của con trai như một nghệ sĩ trình diễn và một nhạc công trưởng thành. Chẳng bao lâu Mozart được nhận làm thành viên của dàn nhạc giao hưởng Học viện Nghệ thuật Accademia Filarmonica.

Cũng vì Mozart cùng cha đi khắp thế giới nên ông cũng đã biết nhiều ngôn ngữ. Chỉ mới 10 tuổi, ông đã nói được tiếng Đức (ngôn ngữ chính thức của Áo) và các ngôn ngữ khác như Ý, Pháp, Anh, lại còn biết thêm cả “tử ngữ” La Tinh!

Sử sách ghi lại rằng, vào năm 1762, có một giai thoại liên quan đến Công chúa Marie Antoinette và thần đồng âm nhạc Mozart khi cả hai đều còn là những đứa trẻ. Cậu bé nhạc sĩ khi đó mới 7 tuổi được mời lên kinh đô Vienne trình diễn trước văn võ bá quan triều đình Áo.

Chuyện kể lại rằng Mozart trong lần trình diễn này đã bị trượt chân trên sân khấu và bất ngờ té xuống. Một cuộc hội ngộ bất ngờ xảy ra khi Công chúa Antoinette (dù chỉ lớn hơn Mozart có 2 tháng) vội vàng chìa tay cho nhạc sĩ vịn để đứng dậy.

Công chúa hỏi Mozart muốn nhận phần thưởng gì sau buổi diễn. Chàng nhạc sĩ đáp ngay mà không cần suy nghĩ… cậu bé Mozart đã đề nghị xin được cưới Công chúa Marie Antoinette làm vợ!

 

Công chúa Marie Antoinette

 

Quá đỗi bất ngờ và không thể nén cười trước lời thỉnh cầu độc đáo của cậu bé nhạc sĩ thiên tài, Công chúa đành khất: "Ta sẽ xét lại lời thỉnh cầu này khi ngươi đã đủ tuổi trưởng thành".

Có lẽ trong thâm tâm, “Công chúa nhỏ” lúc đó hẳn phải tự hào khi dung nhan của cô đã trở thành niềm ngưỡng mộ rộng khắp trong nhân gian ngay từ lúc đó!

Quả thật như vậy. Công chúa Marie Antoinette trở thành Vương hậu nước Pháp khi kết hôn với Thế tử nước Pháp, người sau này trở thành vua Louis XVI.

Tuy nhiên, cuộc đời “hồng nhan đa truân” của bà về sau có nhiều thăng trầm gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử. Trong cuộc cách mạng Pháp 1789, cuộc đời bà đã phải kết thúc trên đoạn đầu đài ở tuổi 38.

 

Quang cảnh nơi thi hành án chém đầu Hoàng hậu Marie Antoinette, năm 1793

 

Ước vọng hồn nhiên của “cậu bé” Mozart được sống chung với Marie Antoinette mãi mãi vẫn chỉ là “một giấc mơ” của “Thần đồng Âm nhạc”!

 

***
--> Read more..

Thứ Hai, 24 tháng 3, 2025

Tây Du Ký và những kiếp nạn

Vốn là người tinh thông 72 phép biến hóa, trong trời đất là người đi mây về gió, nhưng vì bảo hộ Đường Tăng thỉnh kinh, trong suốt dọc đường Ngộ Không đã chịu qua không biết bao nhiêu khổ cực.

Xưng là Tề Thiên Đại Thánh, Ngộ Không chỉ quỳ lạy ba người: Phật Tổ, Quán Thế Âm Bồ Tát và Đường Tăng. Tuy nhiên, Ngộ Không cũng đã từng chịu khuất nhục vì cứu Đường Tăng mà dập đầu trước yêu ma. Đó có thể coi như là “một sự nhẫn nhục phi thường”!

Ngộ Không tuy vẫn còn hung ác, ngang bướng, nhưng lại một lòng nguyện tu luyện, kiên định, thấy việc nghĩa không chùn bước, không oán cũng không hận. Tuy nhiên, Đường Tăng lại chưa đủ “thiện tâm”, không nhìn thấy “thiện niệm” ở Ngộ Không nên mới đuổi học trò đi tới 3 lần.

Tại sao Bồ Đề Tổ Sư lại phải đuổi Tôn Ngộ Không xuống núi một cách vội vàng? Bồ Đề Tổ Sư ban đầu nhận Tôn Ngộ Không làm đồ đệ nhưng lại không dạy phép thuật. Để rèn giũa tính khí của khỉ đá, trước tiên vị đại tiên để hắn làm việc linh tinh và dạy hắn đạo pháp trên núi trong suốt bảy năm trước khi bắt đầu dạy những kỹ năng chiến đấu và phép thuật.

Nhưng vừa dạy phép thuật cho đồ đệ rồi lại đột nhiên Ngài quyết định đuổi Tôn Ngộ Không đi, và còn cấm hắn sau này nhận làm đệ tử của mình. Rõ ràng là Tôn Ngộ Không vẫn chưa học hết kỹ năng, đặc biệt là cách chiến đấu dưới nước. Bởi vậy, dọc đường thỉnh kinh, Tôn Ngộ Không dù có phép thuật cao cường nhưng vẫn phải nhờ Trư Bát Giới và Sa Tăng “dụ” yêu quái lên bờ sau đó mới ra tay.

Ngay cả 72 phép biến hình mà Tôn Ngộ Không tự hào nhất cũng chưa được luyện tập tinh thông, luôn có một số sai sót nhỏ. Chẳng hạn khi chiến đấu với Nhị Lang Thần, Tôn Ngộ Không bị phát hiện cái đuôi khỉ sau khi biến thành một ngôi chùa hoang. Thậm chí, dù là học phép thuật trường sinh nhưng vẫn suýt mất mạng trong kiếp nạn gặp Hồng Hài Nhi, nếu không có Trư Bát Giới cứu.

Thực tế cho thấy, ngay cả khi các đồ đệ mắc một lỗi nhỏ cũng có thể được Bồ Đề Tổ Sư dạy để sửa lại nhưng lại không với Tôn Ngộ Không. Chi tiết này cho thấy việc Tôn Ngộ Không bị đuổi vì huyênh hoang khoe phép thuật chỉ là những cái cớ mà thôi.

Thật ra thì Ngài nóng lòng muốn đuổi Tôn Ngộ Không đi là vì ngài có khả năng biết trước tương lai, hiểu rõ sẽ có một người khác sắp đến núi Linh Đài Phương Thốn để học phép. Bồ Đề Tổ Sư phải đuổi Tôn Ngộ Không đi để cả hai không chạm mặt nhau.

Vậy ai sắp lên núi và tại sao Tôn Ngộ Không lại phải tránh né? Rất đơn giản, người này chính là Lục Nhĩ Mỹ Hầu. Nếu không thì làm sao có thể giải thích rằng hắn cũng biết tất cả những gì Tôn Ngộ Không biết?

Núi Linh Đài Phương Thốn thực ra là nơi ngự của cả Bồ Đề và Như Lai, có giả thuyết hai người chính là một mà thôi. Như Lai ban đầu hóa thân làm Bồ Đề Tổ Sư nhận Tôn Ngộ Không làm đệ tử để chuẩn bị cho việc thỉnh kinh sau này, và Lục Nhĩ Mỹ Hầu không chỉ là nhân tố dự phòng mà còn là một bài “test”, kiểm tra về Tôn Ngộ Không.

Nếu Tôn Ngộ Không không thể vượt qua trở ngại đó, Như Lai sẽ để Lục Nhĩ Mỹ Hầu hoàn toàn thay thế. Cuối cùng, Ngộ Không đã hộ tống Đường Tăng về phương Tây, thỉnh được chân kinh và đạt được… giác ngộ.

Phật giảng từ bi, lấy thiện đãi người, cấm chỉ sát sinh… nhưng nếu thấy người phóng hỏa, giết chóc thì lấy thiện nào để đãi người? Khi Đường Tăng nghỉ tại nhà Dương Lão Bá, ông kể con trai ông vô công rồi nghề, chỉ biết nghĩ đến những chuyện độc ác… rồi lại còn dẫn một đám cường đạo khác đuổi giết Đường Tăng.

Ngộ Không vì nhiệm vụ bảo vệ sư phụ nên ra tay diệt trừ đạo tặc nhưng lại bị Đường Tăng kết luận là “sát tâm” không thiện, không cho tiếp tục đi thỉnh kinh nữa mà đuổi về. Ngộ Không tìm Bồ Tát khóc lóc, Người khuyên giải hắn:

“Cường đạo tuy là không tốt, nhưng dù sao cũng là thân người, ngươi không nên một gậy đánh chết bọn họ. So cường đạo với yêu ma vốn là khác nhau, sao có thể đánh đồng! Ngươi diệt trừ yêu ma là công đức của ngươi, nhưng ra tay lấy mạng người thì ngươi không đủ nhân đức!”.

Sau đó, Bồ Tát lưu Ngộ Không lại bốn ngày, chưa cho hắn trở về vội. Trong bốn ngày đó, Ngộ Không đã trải qua những gì thì tác giả Ngô Thừa Ân không đề cập đến nhưng có suy đoán cho rằng bốn ngày đó là thời gian Bồ Tát dùng để hắn hiểu hơn về tâm từ bi và thiện đãi với con người.

Trong Tây Du Ký, khi ở Nữ Nhi Quốc, Đường Tăng bị Tỳ Bà Tinh bắt nhốt, bị ép phải làm chồng, tìm mọi cách dây dưa nhưng vẫn không hề lay động được tâm trí. Bất luận yêu quái buông “lời ngon tiếng ngọt” dụ dỗ, Đường Tăng vẫn coi như tiếng gió thoảng qua, một lòng niệm Phật, không khởi bất cứ tâm sắc dục nào.

Ở hồi thứ 56 trong Tây Du Ký, khi ra tay tiêu diệt 6 tên thổ phỉ người trần mắt thịt, Ngộ Không liền bị Đường Tăng đuổi đi. Khi đó liền xuất hiện một Tôn Hành Giả khác quấy nhiễu an nguy của Đường Tăng, chia rẽ tình cảm sư huynh đệ Bát Giới và Sa Tăng đối với Ngộ Không.

Trong truyện lần lượt dùng tên của 6 tên cướp để hình dung lục căn: Nhãn Khán Hỷ (Mắt thấy mừng), Nhĩ Thính Nộ (Tai nghe giận), Tỵ Khứu Ái (Mũi ngửi thích), Thiệt Thường Tư (Lưỡi nếm nghĩ), Thân Bổn Ưu (Thân vốn lo) và Ý Kiến Dục (Ý thấy muốn). Trong lần thứ nhất khi bị đuổi, Tôn Ngộ Không thưa với Đường Tăng trước khi ra đi:

"Thưa sư phụ, con đi thì cũng đành thôi, chỉ hiềm vì chưa báo đền được công ơn của sư phụ". Đường tăng hỏi: "Ta có công ơn gì với mi?". Ngộ Không vội vàng quỳ xuống khấu đẩu nói:

"Lão Tôn này nhân vì đại náo thiên cung, gây nên tội tự hại mình, bị Phật Tổ Như Lai giam cầm ở Lưỡng Giới Sơn, nhờ được Quan Âm Bồ Tát cho đệ tử thụ giới hạnh, lại nhờ sư phụ cứu thoát ra, nếu không cùng sang Tây Thiên với người thì tránh sao khỏi câu “quên ơn chẳng phải là người, quân tử, muôn kiếp nghìn đời để tiếng chê".

Lần thứ hai khi chia tay với Đường Tăng, Hành Giả quỳ xuống thưa: "Cứ để thế này mà đi về thì còn mặt mũi nào trông thấy người cố hương!". Cho tới lần thứ ba, Đại thánh không nén đau khổ, bèn nói:

"Sư phụ mắng oan con, sự bất quá tam, con mà không đi, thực là không biết hổ thẹn. Con đi! Đã đành là đi, chỉ e sự phụ thiếu người thủ hạ. Quên ơn chẳng phải là quân tử, ơn nghĩa sư phụ bao giờ mới có thể đáp đền? Gặp nơi ma thiêng nước độc, con đi rồi ai sẽ bảo vệ sư phụ, ai sẽ diệt quái trừ yêu? Con theo sư phụ bấy lâu, ngày nay nửa đường bỏ dở, chưa thành được công quả, mời thầy ngồi lên nhận cho con lễ tạ, con đi mới được an tâm".

Đường Tăng quay lưng đì không thèm nhìn lại! Đại Thánh bèn dùng phép biến hóa, biến ra ba vị Hành Giả cùng bản thân là bốn quay xung quanh sư phụ lễ xuống. Tôn Ngộ Không ngậm ngùi từ biệt sư phụ, lộn nhào tên mây, về thẳng Hoa Quả Sơn trên lưng chừng trời nhìn xuống lại nhớ tới Đường Tăng, không cầm được hai dòng lệ nhỏ, phải dừng bước trên mây, hồi lâu mới đi.

Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh cũng chính là 3 thử thách lớn mà Đường Tăng phải vượt qua. Đó là Tình – Ái – Dục. Toàn bộ 81 kiếp nạn của Đường Tăng đều do các vị thần an bài để kiểm chứng sự nhất lòng tu đạo của Đường Tăng, bởi vậy, thử thách lần này cũng chính là bài kiểm tra bản tính và nhân cách của Đường Tăng.

Phật Tổ quả là cao tay khi ra một bài toán khó bắt thầy trò Đường Tăng phải có lời giải đáp chuẩn xác. Nhưng cuối cùng, những điều tốt đẹp của Tôn Ngộ Không đã được minh chứng.

Phải ở hoàn cảnh ngặt nghèo, con người ta mới bộc lộ được cá tính. Quá trình trải qua 81 kiếp nạn là việc dần từ bỏ “ma tính” để trở nên từ bi, đắc đạo.

 

Năm thầy trò Đường Tăng trên đường thỉnh kinh

 

***

 

* Tham khảo thêm: 81 kiếp nạn của thầy trò Đường Tăng:

1. Kim Thiền bị biếm.

2. Đẻ ra hụt chết.

3. Đầy tháng quăng sông.

4.Tìm mẹ báo oan.

5. Ra thành gặp hổ.

6. Trượt ngã xuống hố.

7. Tại núi Song Xoa.

8. Trên núi Lưỡng Giới.

9. Đổi ngựa khe sâu.

10. Đêm bị lửa thiêu.

11. Mất áo cà sa.

12. Thu hàng Bát Giới.

13. Gặp quái Hoàng Phong.

14. Thỉnh mời Linh Cát.

15. Lưu Sa khó vượt.

16. Thu phục Sa Tăng.

17. Bốn thánh hóa phép.

18. Trong quán Ngũ Trang.

19. Nhân sâm khó sống.

20. Ngộ Không bị đuổi.

21. Lạc rừng Hắc Tùng.

22. Mang thư nước Bảo Tượng.

23. Hóa hổ điện Kim Loan.

24. Gặp ma núi Bình Đính.

25. Bị treo động Liên Hoa.

26. Cứu vua nước Ô Kê.

27. Bị ma hóa thân.

28. Núi Hiệu Sơn gặp quái.

29. Gió cuốn thánh tăng.

30. Hành Giả bị hại.

31. Mời thánh hàng yêu.

32. Chìm sông Hắc Thủy.

33. Vận chuyển nước Xa Trì.

34. Đánh cuộc thua được.

35. Nén đạo bênh tăng.

36. Đường gặp sông lớn.

37. Chìm xuống thiên hà.

38. Lồng cá hiện thân.

39. Gặp quái núi Kim Đâu.

40. Thiên thần khó thắng.

41. Hỏi Phật ngọn nguồn.

42. Uống nước ngộ độc.

43. Nước Tây Lương giữ cưới.

44. Động Tỳ Bà gặp tai.

45. Ngộ Không bị đuổi lần hai.

46. Hai khỉ khó phân xử.

47. Hỏa Diệm Sơn chắn lối.

48. Mượn quạt Ba Tiêu.

49. Bắt trói ma vương.

50. Trai thành quét tháp.

51. Lấy báu cứu sư.

52. Ngâm thơ rừng Kinh Cực.

53. Gặp nạn Tiểu Lôi Âm.

54. Thiên thần bị khốn.

55. Nghẽn lối hẻm Hy Thị.

56. Chữa bệnh vua nước Chu Tử.

57. Cứu chữa gầy còm.

58. Bắt yêu cứu hoàng hậu.

59. Bảy tình mê muội.

60. Thần Đa Mục bị thương.

61. Nghẽn lối núi Sư Đà.

62. Quái chia ba sắc.

63. Trong thành gặp nạn.

64. Mời Phật hàng ma.

65. Cứu trẻ con nước Tỳ Khưu.

66. Phân rõ thực giả.

67. Cứu quái rừng Hắc Tùng.

68. Buồng sư mắc bệnh.

69. Khốn đốn ở động Vô Để.

70. Bị nạn ở nước Diệt Pháp.

71. Gặp ma núi Ẩn Vụ.

72. Quận Phượng Tiên cầu mưa.

73. Mất trộm binh khí.

74. Đại hội đinh ba.

75. Gặp nạn núi Trúc Tiết.

76. Chịu khổ núi Huyền Anh.

77. Đuổi bắt tê giác.

78. Nước Thiên Trúc kén rể.

79. Bị giam ở phủ Đồng Đài.

80. Thoát thai bến Lăng Vân.

81. Gặp nạn nơi Thông Thiên hà.

 

***
--> Read more..

Popular posts