Hiển thị các bài đăng có nhãn Thời hội nhập. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thời hội nhập. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 27 tháng 1, 2021

Happy Australia Day! (26/01/2021)

Đối với tôi, nước Úc vừa xa lạ lại vừa thân quen!

Thật ra tôi được đào tạo thành Giảng viên Anh ngữ tại Hoa Kỳ trước năm 1975, lẽ ra nước Mỹ phải thân thiết hơn Úc. Ấy thế mà hình ảnh chú Kangaroo lúc nào cũng đậm đà hơn Tượng Nữ thần Tự do!

Nước Úc đến với tôi khá muộn. Năm 1991 tôi mới có dịp làm quen với Australia khi cộng tác với báo Vietnam Investment  Review (VIR), một trong những tờ báo tiếng Anh đầu tiên trong thời kỳ Đổi Mới tại Việt Nam.

Lúc đó VIR chỉ có hai người Úc, Nick Mouthstephen làm chủ và Alex McKinnon là phóng viên của tờ báo. Mãi sau này, khi VIR đã có tiếng tăm, Tập đoàn Báo chí Australian Consolidated Press (ACP) mới nhảy vào thị trường báo tiếng Anh tại Việt Nam bằng cách mua lại tờ báo.

Như vậy, cơ duyên trong sự gắn bó của tôi với nước Úc bắt đầu từ đó và càng lúc càng khắng khít.

Tôi đã đến Úc tất cả là 3 lần. Năm 1995 đến “làm quen” với Tập đoàn ACP tại Sydney. Năm 2007 và 2013 đến Melbuourne thăn gia đình con gái đang định cư tại đây.

Sự gắn bó với nước Úc ngày một chặt chẽ một phần cũng là do đứa cháu ngoại “đầu đàn” của tôi đến Melbourne năm 2017 và cháu vừa tốt nghiệp Bachelor of Business (Accounting) tại Victoria University.

Hơn thế nữa, chúng tôi đang chờ tình hình Covid-19 sáng sủa hơn để gửi tiếp em gái của cháu sang Melbourne học cùng chị với sự bảo trợ của dì và bác các cháu!

Hôm nay, ngày 26/1/2021, là ngày Quốc khánh Australia nên có đôi dòng về nước Úc thông qua một số hình ảnh chụp từ các chuyến đi. Lời chúc của tôi: 

“Happy Birthday Australia!” 

***


Happy Australia Day!


1995 - Thăm Tập đoàn ACP, Sydney




1995 - Harbour Bridge, Sydney


1995 - Opera House, Sydney


1995 - Chợ VN tại Cabramatta, Sydney


2007 - Tại nhà con gái ở Melbourne


2007 - Queen Victoria Market, Melbourne


2007 - Flinders Street Station, Melbourne


2007 - St. Kilda Beach, Melbourne


2007 - Altona Beach, Melbourne


2007 - Beechworth, Melbourne


2007 - Casino Crown, Melbourne


2007 - Federation Square, Melbourne


2007 - Thăm thầy cũ, Bright


2007 - Gặp lại bạn bè xưa


2013 - Home in Melbourne


2013 - Twelve Apostles


2013 - Great Ocean Road


2013 - Chocolate Factory


2013 - Penguin Parade


2013 - Thủ đô Canberra


2013 - Gặp lại đồng nghiệp Trường Sinh ngữ Quân đội


2013 - Bạn cũ ở Melbourne


2013 - Với Elvis Phương trong đêm nhạc "Một thời để nhớ", Melbourne

***


















































--> Read more..

Thứ Tư, 15 tháng 1, 2020

Vụ Đồng Tâm: Đọc lại hồ sơ cũ


Vụ tranh chấp đất đai tại Đồng Tâm từ năm 2017 đến nay đã bước sang một giai đoạn có thể nói là “bi kịch” giữa chính quyền và người dân sở tại. Có thể nói, đây đang là đề tài thời sự “nóng bỏng” khi đã có một số thương vong về cả hai phía.

Để có một “mảnh ghép” cho đề tài này, chúng tôi lục lại hồ sơ qua một bức thư của kiến trúc sư Trần Thanh Vân gửi Chủ tịch UBND Hà Nội, Nguyễn Đức Chung.

Thư được viết ngày 26/7/2017, trong thư có 2 phần: (1) vụ Đồng Tâm và (2) vụ Khách sạn 4 sao Novotel On The Park tại Công viên Thống Nhất, tháng 6/2008. Thư phân tích những sai lầm của phía chính quyền trong quá khứ.

Dưới đây là bức thư ngỏ của Kiến trúc sư Nguyễn Thanh Vân, qua cái nhìn của một chuyên gia trong lãnh vực đất đai và đồng thời phân tích những sai lầm của chính quyền Hà Nội. 

Xin lập lại, thư được viết từ năm 2017.

***

THƯ NGỎ GỬI ÔNG CHỦ TỊCH UBND HÀ NỘI NGUYỄN ĐỨC CHUNG

Thưa ông Nguyễn Đức Chung,

Tôi là Trần Thanh Vân, là Kiến Trúc sư Cảnh quan có trên 50 năm thâm niên, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, làm việc tại Hà Nội và đã đóng góp không ít cho việc xây dựng, phát triển và bảo vệ Hà Nội.

Hôm nay tôi viết thư này, không có mục đích gì khác ngoài việc khuyên ông nên suy nghĩ, cân nhắc thật kỹ một lần nữa, việc xử lý sự vụ xảy ra ở Đồng Tâm, để trước hết là bảo vệ sự ổn định an ninh xã hội của chính quyền Hà Nôi, mà ông là người đứng đầu, thứ nữa là bảo vệ quyền lợi của bà con nông dân ở thôn Hoành, Đồng Tâm, và cao hơn tất cả là bảo vệ sự thật, bảo vệ công lý mà tất cả mọi người đều phải tuân theo, bởi vì đó là nguyên tắc mà ông Trời sẽ thưởng phạt khen chê phân minh.

Thưa ông,

Khi nghe tin xảy ra đụng độ ở Đồng Tâm cách đây 3 tháng, có thể dẫn đến hậu quả xấu, khiến tôi hết sức lo lắng.

Mấy hôm sau, tôi lại nhận được tin ông Chủ tịch đã về tận Đồng Tâm, giải tỏa mối xung đột đó và ra lệnh sẽ cho thanh tra toàn diện trong thời gian hai tháng, làm tôi thở phào nhẹ nhõm.

Nhưng đến hôm nay, Thanh tra đã chính thức có kết luận và tôi thật sự thất vọng, nên không thể không có đôi điều lo ngại muốn nói với ông.

Thưa ông Chủ tịch,

Tôi biết nông dân vốn hiền lành chất phác, tuy ít học, nhưng không vì thế mà người khác được quyền coi thường họ, để lừa họ, nhất là ở những làng quê sát nách Trung tâm Ba Đình, Hà Nội, như thôn Hoành, lại có những đảng viên CS lão thành đáng kính như cụ Kình và trong thời buổi hiện nay, chưa nói đến trình độ thông tin đã phát triển khi ở làng quê thôn xóm nào cũng có khá nhiều điện thoại thông minh (smartphone) để người ta có thể định vị bất kỳ một địa điểm nào được nhắc đến.

Điểm mấu chốt của vấn đề tranh chấp mà bản kết luận thanh tra nhắc đến là sân bay Miếu Môn, một vùng đất hình chữ nhật chạy theo hướng Tây Bắc Đông Nam từ huyện Chương Mỹ xuống xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức… thì kết thúc.

Là một người rất có kinh nghiệm trong quy hoạch và đọc bản đồ, tôi nhận thấy bản kết luận thanh tra cố tình nói loanh quanh làm rối trí người đọc và cố “nhét” được cánh đồng Sênh vào diện tích sân bay một cách gượng ép và vô lối.

Xin hỏi ông, tại sao sân bay Miếu Môn được quy hoạch từ năm 1981 trên khu đất có diện tích hơn 236 ha là một hình chữ nhật chạy dài theo hướng từ Tây Bắc xuống Đông Nam, phần lớn nằm trên huyện Chương Mỹ, xuống đến xã Đồng Tâm thì kết thúc?

Nhìn trên bản đồ Google, chúng tôi thấy hình địa phận sân bay được thể hiện rất rõ, nhưng tại sao kết luận của Thanh tra lại nói bừa rằng đất cánh đồng Sênh là đất sân bay? Và nếu thế thì ranh giới sân bay tự nhiên nở to và quay ngang, trông giống như lưỡi rìu bổ củi?

Thưa ông chủ tịch,

Nếu ông tin kết luận thanh tra là đúng thì xin ông đề nghị Thanh tra trình ra hình vẽ nào, văn bản nào và vì lý do nào sân bay lại có hình thể quái quỷ thế?

Bởi vậy, thưa ông Chủ tịch, một sự bất tín là vạn sự bất tin, xin ông hãy cho kiểm tra ngay lối làm việc tắc trách, coi thường sự thật, thậm chí còn lươn lẹo, dối trá trong kết luận thanh tra vừa rồi của đoàn thanh tra dưới quyền ông. Hoặc bằng không, điều gì sẽ xảy ra tôi không dám nói trước.

Nói đến đây tôi không thể không nhắc đến một chuyện tệ hại khác đã từng xảy ra làm xấu mặt UBND TP Hà Nội.

Xin kể tóm tắt:

Tháng 6.2008, Thành phố Hà Nội cấp phép cho khách sạn 4 sao NOVOTEL ON THE PARK được khởi công xây dựng trên diện tích 1ha tại Công viên Thống Nhất, thì dư luận bắt đầu nổi lên phản đối.

Riêng tôi đã bỏ ra 6 tháng để tìm hiểu kỹ lưỡng và viết một bức thư cho chủ đầu tư, khuyên họ nên rút lui và trước khi gửi đi, tôi đã gửi đến UBND Hà Nội, cảnh báo ông chủ tịch UBND Nguyễn Thế Thảo nghiên cứu xem xét…

Thế rồi ngày 9/2/2009 thì bức thư của tôi đã được đăng công khai trên Vietnamnet và bản tiếng Anh được một bạn kiến trúc sư người Mỹ gửi tới chủ đầu tư là Tập đoàn Accor Châu Á – Thái Bình Dương và SIH Investment Ltd có trụ sở tại Singapore.

Ngay lập tức, ngày 13/2 Hà Nội tổ chức họp báo, tuyên bố hai điều hệ trọng:

1- Ông phó TGĐ công ty Du lịch Hà Nội công bố, đây là công trình đền ơn đáp nghĩa với nhân dân Thụy Điển, vì Thụy Điển là nước đi đầu đã giúp VN trong những ngày chống Mỹ cứu nước. Công ty Du lịch Hà Nôi được dùng 1ha đất công viên để “góp vốn” trong dự án tình nghĩa này.

2- Ông Phó văn phòng UBND giải thích thêm: Về địa điểm đã được bàn thảo kỹ từ năm 1990, đến năm 1996 thì Thủ tướng Võ Văn Kiệt đồng ý, cho phép xây dựng trong công viên Thống nhất.

3- Cuối cùng đại diện UBND Hà Nội tuyên bố “Vẫn cho phép Dự án khách sạn được triển khai. Đề nghị các báo không được tiếp tục”

Thế là các báo bị “bịt miệng”. Nhưng làn sóng sôi nổi phản biện của giới trí thức vẫn tiếp tục.

Mấy ngày sau tại phòng tiếp khách của ông KTS Nguyễn Thế Thảo, Gs KTS Nguyễn Thế Bá, chủ tịch Hội Quy hoạch Đô thị và Xây dựng VN đưa cho Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo bản sao công văn của văn phòng TTg viết ngày 12/6/1996, truyền đạt lệnh của Thủ tướng Võ Văn Kiệt rằng khách sạn phải chuyển đi nơi khác và mấy ngày sau nữa, ngài Đại sứ Thụy Điển, ông Rolf Berman gửi công văn đến UBND Hà Nội thông báo hãng Hàng Không Bắc Âu – SAS mà Thụy Điển có góp vốn trước đây, không có một chút liên quan gì đến dự án xây khách sạn tại Hà Nôi.

Vậy ra công văn của Thủ tướng gửi cho Hà Nội thì không lưu trữ đước, mà nơi khác đã lưu hộ?

Hài hước hơn nữa, ông phó TGĐ du lịch Hà Nội lâu nay cứ tưởng Công ty du lịch Hà Nội góp 1ha đất công viên để liên doanh với Thụy Điển, hóa ra họ liên doanh với đối tác với khác?

Cuối cùng theo lệnh của Thủ tướng Chính phủ, khách sạn tai tiếng này phải dừng thi công, cho dù đã có lúc họ đòi Hà Nội đền bù cho họ họ 64 triệu USD vì cái gọi là “Chi phí cơ hội”.

Thưa ông Chủ tịch,

Tôi không rõ 8 năm trước đây thì ông đang làm gì? Ở đâu? Nhưng tôi thì biết chắc chắn rằng ông Luật sư Nguyễn Văn Hoạt, chủ tịch Mỹ Đức hiện nay, lúc đó đang là người cận kề với ông KTS Nguyễn Thế Thảo, là người biết rất rõ chuyện này?

Tôi thành thật khuyên ông nên bàn bạc với ông Hoạt cách xử lý việc Đồng Tâm cho tốt để khỏi hối tiếc.

Nếu 8 năm trước, lớp trí thức chúng tôi đã kiên nhẫn làm rõ sự thật rồi cho qua, mà không chấp nhặt những thói xấu của những kẻ ngoan cố, thì với nông dân hôm nay, họ không chịu đựng sự áp đảo vô lý và sẽ không lịch sự tha thứ đâu.

Kính ông.

Trần Thanh Vân

***
--> Read more..

Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2018

“Cam Dai Bay”


Tháng 11/2013 tôi có bài viết “Từ Ha Long Bay, Cam Ranh Bay đến… Cam Dai Bay” trên Blogspot (http://chinhhoiuc.blogspot.com/2013/11/tu-ha-long-bay-cam-ranh-bay-en-cam-dai.html). Đối với một số bạn đọc, bài viết này không có tính chất “thanh cao” vì đề cập đến một vấn đề kém “tế nhị”, xuất xứ từ những dòng chữ “Cấm đái bậy” tại Việt Nam.

Bây giờ, đã là 5 năm sau bài viết đó, có một tin trên báo Daily Mail (Anh) cũng lại có một bài viết liên quan đến việc tiểu tiện ngay tại Paris vốn là “thủ đô hoa lệ” của nước Pháp.

Người Pháp “chế” ra một từ ngữ mới, gọi là “uritrottoir” hay “urinoir”, để ám chỉ những nơi tiểu tiện ngay giữa chốn phồn hoa đô hội. Mời các bạn xem hình trên Daily Mail, ngày 13/8/2018:

“Uritrottoir” trên bờ sông Seine

Cách trang trí một “uritrottoir” (tạm dịch một cách thanh cao là “nơi tiểu tiện trên lề đường”) được ngụy trang thật “bắt mắt” và “thi vị” với hoa tươi trồng trên nột nền đỏ rực rỡ rất ư là… “nghệ thuật”. Tuy nhiên, theo bài báo, có nhiều người phản đối “sáng kiến” này.

Dĩ nhiên đa số người phản đối gay gắt là dân “địa phương” Parisiens, có lẽ vì là người “tại chỗ” nên các nhu cầu của “tiếng gọi thiên nhiên” đã được giải quyết ngay tại nhà của họ. Chỉ khổ cho du khách lúc cần mà không tìm được nhà vệ sinh công cộng, dù phải trả bằng tiền.

Xét cho cùng, “uritrottoir” là giải pháp hoàn toàn có tính cách “nhân văn” để giúp những người mang nặng “bầu tâm sự”. Không nằm trong “tứ khoái” như người Việt mình quan niệm nhưng tiểu tiện vốn là một phần “không thể tách rời” của đại tiện.

Thế cho nên, trút được những gánh nặng trong lòng “một cách hợp pháp” cũng là một trong những điều mang lại sự thoải mái cho một chuyến du lịch đến “kinh đô ánh sáng” Paris. Vì lý do đó, tôi hoàn toàn ủng hộ những điểm đậm chất “nhân văn” như “uritrottoir” của người Pháp.

Nét mặt “sảng khoái” của một du khách khi tìm được chỗ để… giải tỏa bầu tâm sự

Nhưng (lại có chữ “Nhưng” thật oái oăm), những người tranh đấu cho quyền bình đẳng giữa nam và nữ lại có lý do để phản đối. Họ không chống lại “uritrottoir” trên đường phố nhưng cứ nhìn vào bảng hướng dẫn chỉ thấy toàn nơi tiểu tiện cho quý ông, chẳng lẽ phái yếu không có nhu cầu này sao?

Đó là vấn đề “nóng bỏng” mà các nhà quản lý cần quan tâm nếu không sẽ bị mang tiếng là… “trọng nam khinh nữ”. Đã là con người thì mọi nhu cầu của sự bài tiết sẽ không phân biệt “quý ông” hay “quý bà”. Hãy mau mau giải quyết vấn đề này cho phụ nữ. Chỉ trừ trường hợp thế giới này không có sự hiện diện của… những nụ hoa biết nói!

Rõ ràng là “uritrottoir” này chỉ dành riêng cho quý ông!

Người Pháp vốn “gallant”, nhất là đối với phụ nữ. Thế cho nên, “không chóng thì chầy” thế nào họ cũng có cách giải quyết thỏa đáng để đem lại “quyền bình đẳng” cho giới “liễu yếu đào tơ”.

Để chấm dứt bài viết này, xin có điều lưu ý các du khách (thuộc loại “Hai Lúa” như tôi) khi đến Paris. Hình dưới đây là ảnh của một “uritrottoir” chứ không phải là “lavabo” để rửa mặt. Điều này sẽ không thừa vì nó trông… không có gì giống “hố giải” ở bên nhà.

Lưu ý các du khách “Hai Lúa”: Đây không phải là “lavabo” để rửa mặt!

***

* Xem thêm bình luận trên Facebook tại: 
https://www.facebook.com/notes/nguyen-chinh/cam-dai-bay/10209642891227327/

***

--> Read more..

Thứ Ba, 14 tháng 8, 2018

Viết ngắn chuyện toa tầu MTR Made in China


Nhủ với lòng phải viết thật ngắn. Thiên hạ viết về chuyện này nhiều rồi, có viết dài cũng chỉ là lập lại. Toa tầu trên cao dài 4 toa ở Hà Nội có thể được coi là dài nhưng, khổ nỗi,  chuyện phía sau nó lại còn dài hơn nữa.

Hà Nội 2018 đã có đường sắt trên cao, dài hơn 13km với đường ray khổ 1,435m, tốc độ 35km/giờ. Hồng Kông (thập niên 1960) và Singapore (1987) gọi đó là MTR (Mass Transit Railway). Chúng ta “lạc hậu” hơn nên mãi năm nay mới có nhưng “thà có còn hơn không”, nhất là tình trạng đường bộ “tụ nước” như hiện nay!

Tuyến đường Cát Linh – Hà Đông do Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt (EPC) của Trung Quốc đảm nhiệm thi công. Dĩ nhiên phải là Trung Quốc vì ta vay tiền của anh bạn láng giềng “4 tốt, 12 chữ vàng”. Dĩ nhiên phải là “công nghệ” của Trung Quốc từ việc thiết kế, thi công đến đóng các toa tầu.   

Năm 2008 tổng mức đầu tư cho dự án này là 552 trệu USD, trong đó có 419 triệu vay của Trung Quốc. Đến năm 2016 dự án được điều chỉnh lên 868 triệu (tăng 315 triệu so với ban đầu). Đó là chuyện “lùm xùm” đầu tiên khiến không ít người quan tâm và thắc mắc sau gần 8 năm thi công.

Ngày 11/8/2018 nhà thầu EPC tổ chức chuyến tham quan cho cán bộ, công nhân và “người dân sống chung quanh dự án”. Trước đó 1 ngày, những bảng chỉ dẫn dọc tuyến đường xuất hiện với 2 ngôn ngữ: tiếng Hoa và tiếng Việt. Chữ Tàu viết dòng trên, to hơn cả chữ Việt bên dưới. Đó là chuyện “lùm xùm” thứ hai mang tính cách “thể diện quốc gia”, đi ngược với tập tục quốc tế.

Hơn thế nữa, “Thẻ lên tàu” trong ngày 11/8 cũng vẫn là tiếng Hoa rồi mới đến tiếng Việt khiến người ta có cảm giác đang sử dụng đường sắt tại Trung Quốc chứ không phải ở Hà Nội. Thế là cộng đồng mạng “dậy sóng phản đối”… và thế là cuốn sách “1.500 câu đàm thoại tiếng Hoa thực dụng” của Nhà xuất bản Thanh niên chắc chắn sẽ “tái bản” dài dài…

Nhà thầu Trung Quốc vội vàng giải thích: “Do có nhiều công nhân, kỹ thuật viên Trung Quốc làm việc nên phải in thẻ có tiếng Trung, nhưng thẻ không phát hành ra bên ngoài”. Ban quản lý dự án đường sắt của Việt Nam cũng khẳng định đang kiểm soát các nội dung in trên thẻ!

Đó mới chỉ là giai đoạn “lùm xùm sơ khởi” khi tàu chưa chính thức đi vào hoạt động. Có thể đoán trước đến cuối năm nay sẽ còn nhiều chuyện xung quanh đoàn tàu Cát Linh – Hà Đông với vận tốc 35km/giờ. Những người lạc quan cho rằng “Chạy chậm nhưng mà chắc” nhưng những người bi quan thậm chí còn đòi “tẩy chay” đường sắt trên cao vì nhiều lý do.

Cần làm rõ những chuyện bất thường trong suốt thời gian liên tục “đội vốn” từ ngày khởi công 10/10/2011. Tính đến nay, dự án đã “đội” khoảng 7.000 tỷ đồng sau nhiều lần giãn tiến độ thi công.

Đó là một thử thách quá lớn đối với niềm tin của mọi người. Trả lời báo chí về những ý kiến cho rằng cần thanh tra dự án, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, cho biết:

“Theo kế hoạch của Thanh tra Chính phủ, dự án Cát Linh – Hà Đông không có tên trong các dự án bị thanh tra trong năm 2018”.

***

Như đã nói ở phần đầu, đây là bài viết ngắn nhưng viết tới đây đã dài đến hơn 600 chữ, chưa kể hình ảnh đi kèm. Thôi thì mời các bạn xem những bức ảnh minh họa để có một cái nhìn đầy đủ về… “MTR Made in China”.

***

MTR Hồng Kông



Bảng chỉ dẫn bằng tiếng Hoa & Việt


Thẻ lên tàu sử dụng trong ngày 11.8.2018


Cuốn sách này chắc chắn sẽ là Bestseller trong tương lai


Đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong giai đoạn thi công


Tuyến đường... mềm mại


Đường sắt... trong mơ


Hình ảnh để so sánh


Một ngày lỗ 1,8 tỷ đồng

***











--> Read more..

Thứ Tư, 7 tháng 2, 2018

Bàn về chuyện… ăn uống


Tôi thích những chữ bình dân, chẳng hạn như “ăn uống”, một phần vì nó lột tả được ý nghĩa rõ ràng, không màu mè như… “ẩm thực”. Từ ngữ Hán Việt dĩ nhiên được dùng rất nhiều trong ngôn ngữ hàng ngày, chẳng hạn như “tổ quốc”, “quê hương”… nhưng nói đến chuyện “ẩm thực” ta thường có ý ám chỉ đến các nhà hàng sang trọng như trong ngôn ngữ quảng cáo về “ẩm thực cung đình”.

“Ăn” được xếp hạng nhất trong “tứ khoái” của một đời người, dù đó là những cái khoái mà các nhà đạo đức phải nhíu mày khi nghe đến. Tôi nghĩ đó là “đạo đức giả” vì trong một lúc nào đó các vị cũng “hùng hục” như bất cứ một người bình dân nào. Này nhé, (1) họ cũng ăn một cách “khí thế”, (2) ngủ một cách “say sưa”, (3) làm tình một cách “nồng nhiệt” và (4) bài tiết một cách “thoải mái”!

“Ăn nhậu”

Ăn thường đi kèm với uống. Cũng tựa như các đại gia khi “ăn nhậu” phải có rượu bia đưa cay hay một người lao động chỉ uống một ly trà đá trong bữa ăn đạm bạc. Có những người “ăn” cả những thứ… không thể ăn được. Chẳng hạn như “ăn xi măng”, “ăn sắt thép” trong những công trình xây dựng. Họ được xếp vào loại… “ăn tạp”.

Có những quan tham nhũng “ăn tiền”, đó là những đồng tiền không phải của mình nhưng họ vẫn “ăn” vì người khác dâng đến tận miệng. Bị cảnh sát thổi còi, người ta nghĩ ngay đến chuyện “ăn tiền”. Hóa ra có những người “ăn bám” vào những người khác để sống. Họ là những kẻ “ăn trên ngồi chốc” khiến một quan chức chính phủ đã từng phải thốt lên: “Họ “ăn” không từ một thứ gì”! Ăn như thế người ta gọi là “ăn bẩn”.

“Ăn tiền”

Ăn lại đi kèm với nói. Bình thường thì “rượu vào lời ra” nhưng có những trường hợp đặc biệt của những kẻ “quyền cao chức trọng”, họ vừa được “ăn” lại vừa được “nói”, họ nói những điều cao xa, viển vông, không tưởng. Ở nhiều nơi, khi đi “ăn giỗ” người ta lại được chủ nhà gói thêm ít trái cây mang về làm quà, đúng là “vừa được ăn, được nói, được gói mang về”.

Ngoài việc “ăn giỗ”, có những thứ “ăn” mang lại rất nhiều niềm vui như ăn mừng tân gia, ăn tất niên, ăn đầy tháng, ăn tiệc… “ăn hỏi” có lẽ là nguồn vui không những cho những cặp uyên ương mà còn cho cả gia đình đôi bên. “Ăn” mà không ăn nhưng cũng vẫn vui là vậy.

Cũng có những thứ “ăn” mang lại buồn khổ, xui xẻo, chết chóc. Chẳng hạn như không ai lại muốn mình bị “ăn kẹo đồng” hay “ăn đạn”, một thuật ngữ ngày xưa được dùng để diễn tả chuyện xui xẻo trong chiến tranh. Nhẹ hơn thì “ăn đòn”, kể cả người lớn lẫn trẻ con theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng!

Cũng thuộc loại xấu là những người “ăn hại đái nát”, họ là những người vô tích sự, chẳng làm được việc gì cho ra trò mà lại còn gây hại cho người khác. Hai hình ảnh “ăn” và “đái” tưởng chừng như đối nghịch nhưng suy cho cùng việc đái nát nhà cửa, nát cây cối cũng tựa như các loài động vật hạ đẳng chứ không phải là con người!

Có một loại người xấu xa không kém là những kẻ “vong ơn bội nghĩa”, “lừa thầy phản bạn”. Người ta dùng hình ảnh rất “đời thường” nhưng cũng rất “mỉa mai” để mô tả họ: “ăn cháo đá (đái) bát”.

Có những trường hợp không thực sự ăn vào miệng như “ăn có”, “ăn theo”, có nghĩa là người khác ăn nhưng bản thân mình cũng được hưởng. Đó là chuyện của các “cậu ấm, cô chiêu” hưởng được sự giàu sang phú quý của cha mẹ. Trường hợp gần đây nhất là một số quan chức tuy chẳng có công trạng gì nhưng vẫn nhảy vào “dấy máu ăn phần” khi các cháu U-23 trở thành Á quân túc cầu châu Á.

“Ăn theo”

Có những kiểu ăn rất tốn tiền như ăn quà, ăn vặt, ăn khao… nhưng cao cấp hơn và cũng cần nhiều tiền hơn là “ăn chơi”. Kiểu ăn này thường thấy ở các trọc phú và các quan chức. Họ vừa “ăn” lại vừa “chơi” bằng đồng tiền bòn rút từ đồng loại hoặc người dân vô tội. Đó là nghịch lý của xã hội khi “người ăn không hết, kẻ lần không ra”.

Đối với những kẻ liều lĩnh, họ chỉ biết “được ăn cả, ngã về không”. Họ chủ trương “ăn may” cho nên một khi thất bại họ trở thành những kẻ… “ăn mày quá khứ”. Xét cho cùng, không ai muốn “ăn mảnh” mà chỉ vì.. “gặp thời thế, thế thì phải thế”.

Lại có những người “cố đấm ăn xôi”, họ lăn xả vào miếng ăn, bất kể nhục vinh! Các cụ ta thường nói “miếng ăn là miếng nhục” với hàm ý để có được miếng ăn, người ta phải bất chấp cả danh dự của mình. Thời nay, câu này lại thường được nói đến để bênh vực phẩm giá của người Hà Nội trước hiện tượng bún quát, phở mắng, cháo chửi. Vừa mất tiền lại vừa bị nghe những lời “nghịch nhĩ” như vậy khiến nhiều người cho rằng có các tiền cũng chẳng thèm vào ăn!

Ngày xưa, “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” là kim chỉ nam cho cách xử thế qua hai việc “ăn” và “ngồi”. Ngày nay, hầu như câu châm ngôn này đã đi vào quên lãng. Qua rồi cái thời “nam thực như hổ, nữ thực như miu”… hổ và mèo chỉ biết cắm đầu vào ăn cho sướng miệng… vì cả nam lẫn nữ đều chỉ nhắm cái đích…“ăn sung mặc sướng”.

“Ăn Tết” ngày xưa

Cuối cùng, xin bàn đến chuyện “ăn” dù mỗi năm chỉ có một lần: đó là chuyện “ăn Tết”. Chữ “ăn” ở đây vừa trừu tượng lại vừa cụ thể, ngoài ý nghĩa thưởng thức bánh chưng, bánh tét, thịt mỡ, dưa hành, tôm khô, củ kiệu, uống trà, uống rượu… chữ “ăn” còn bao hàm một quãng thời gian nghỉ ngơi thoải mái bên người thân và bạn bè sau hơn 300 ngày mưu sinh quần quật.

Còn nhỏ chỉ mong đến ngày được “ăn tết”, được mặc quần áo mới, được tiền lì xì… Lớn lên khi đã có gia đình chỉ lo sao cho con cái được “ăn tết” đầy đủ, sung túc. Về già cũng “ăn tết” nhưng lại để nhìn quãng đời đã qua và tương lai sửa soạn xa rời… “cõi tạm”.

“Ăn Tết” trở thành một ý nghĩa tinh thần, thiêng liêng đối với người Việt, cả ở trong lẫn ngoài nước. Thế cho nên, tôi không tán thành loại bỏ việc “ăn Tết” trong tương lai.

Chúng ta đã đánh mất nhiều giá trị tinh thần trong thời gian qua nên không lý nào chuyện “ăn Tết” chỉ có vài ngày cũng bị xóa sổ? 

“Ăn Tết” truyền thống

***

--> Read more..

Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2017

Chuyện “Cái Nòn”

Tựa đề câu chuyện “Cái Nòn” tôi không đánh máy sai chính tả mà lấy từ một đoản văn của nhà báo Bùi Bảo Trúc [1]. Ông đã qua đời năm 2016 tại Hoa Kỳ và bài viết “Cái Nòn” nằm trong cuốn sách “Thư gửi bạn ta Chuyện Thật Mà Như Đùa”, gồm 86 chuyện cực ngắn do nhà xuất bản Vietstream phát hành tháng 12/2016 tại Hoa Kỳ.

Mới đọc tựa đề chuyện “Cái Nòn” (viết vào tháng 12/2015) người ta không khỏi thắc mắc: “Cái nòn là cái gì? Tại sao lại có tên “Cái Nòn”? Ngay câu đầu truyện, ta có thể hiểu được thâm ý của tác giả:

“Vào internet đọc báo ở trong nước tôi ghét nhất là những bức hình trên báo chụp những người đàn ông đội những cái nón cối màu cứt ngựa”.

À… như vậy là Bùi Bảo Trúc rất “dị ứng” với cái nón cối… nhưng mãi đến đoạn kết mới hiểu lý do tại sao tác giả gọi là “Cái Nòn” chứ không phải là “Cái Nón”. Ông kể lại sự tích một hôm trời mưa nặng hạt, bác Hồ xuống thăm “cơ sở” và nhà thơ “bình dân” Bút Tre [2] kể lại:  

“Chị Định đón bác dưới mưa
Chị sợ bác ướt, chị đưa cán nòn…”

Sách của Bùi Bảo Trúc

“Cái Nòn” của Bút Tre là vậy! Và “Cái Nòn” của Bùi Bảo Trúc cũng xuất xứ từ đấy. Tuy nhiên, đối với nhà văn Nguyễn Bá Chổi, cái nón cối lại mang “nhiều ấn tượng nhất” trong số nhiều loại nón như mũ phớt, mũ lưỡi trai, mũ nồi, mũ rừng, mũ nhựa, mũ sắt và… mũ “bảo hiểm” mà ngày xưa còn có tên “mũ an toàn” (safety helmet). Tác giả tâm sự:

“Ngày ấy, sau Chiến Thắng Điện Biên Phủ một thời gian không lâu, quê tôi, làng Yên Phú bên bờ Sông La, lần đầu tiên đón tiếp các chú Bộ đội Cụ Hồ về đóng quân tại nhà dân. Đó cũng là lần đầu tiên tôi được thấy tận mắt cái nón cối.

“Chiến thắng Điện Biên, Bộ đội ta kéo quân trở về, giữa mùa hoa nở”. Nghe các chú ấy hát, tôi hình dung những cái nón cối nhấp nhô trên đường phố Hà Nội giữa tiếng reo hò của đồng bào Thủ Đô, thấy oai phong lẫm liệt hùng tráng làm sao; bây giờ hồi tưởng laị cảm xúc lúc ấy, và để diễn tả cho chính xác hơn, chắc phải mượn mấy chữ của Công tử Hà Đông [biệt hiệu của nhà văn Hoàng Hải Thủy – Chú thích của NNC], “cảm khái cách gì”.

“Tình yêu nón cối” của tôi đã không qua mắt mẹ tôì dù bà luôn đi sớm về tối với đôi quang gánh trên vai lo việc buôn bán nơi chợ bên kia sông,và bà đã đi chợ Huyện sắm cho hai anh em tôi mỗi đứa một cái nón Cối và một đôi dép Lốp (sau này được biết còn gọi là dép Bình Trị Thiên hay dép Râu). Cái món thời trang quý hiếm này, hai anh em tôi may mắn có sớm nhất trong làng khiến những đứa khác trầm trồ càng làm tôi hãnh diện, và thích đi đó đây ngoài... đường.

“Nhưng rồi ngày vui qua mau. Làng bỗng xuất hiện một tốp người lạ cũng đội nón Cối mang dép râu, quần áo màu nâu và vai mang cái xắc cốt dây dài thượt... và không lâu sau đó dân làng người nhìn nhau xa lạ, kẻ nói nhau xầm xì, và những cuộc đấu tố... Bữa ăn cơm phải đóng kín cửa và nghe mẹ dặn "nay con phải gọi cá bằng cà, và thịt bằng dưa. Nhớ nha con, không thì chết cả nhà".

(hết trích)

Bộ đội cụ Hồ và chiếc nón cối

Nhân Nguyễn Bá Chổi có nhắc đến “Công tử Hà Đông” tức nhà văn Hoàng Hải Thủy nên cũng cần nói thêm đôi điều. Bài viết “Giải pháp Bảo Đại” trên trang mạng “Hoàng Hải Thủy a.k Công tử Hà Đông” (https://hoanghaithuy.wordpress.com/2008/03/11/gi%E1%BA%A3i-phap-b%E1%BA%A3o-d%E1%BA%A1i/) có đăng một bức hình với caption “Vua Bảo Đại xuất hiện trong một nghi lễ chính thức với quan chức Pháp năm 1930”, Hoàng Hải Thủy xác định “là không đúng”. Tác giả viết:

“Vua Bảo Đại chỉ về nước chính thức làm Vua năm 1934. Tôi đăng ảnh xưa này để quí vị thấy cái Nón Cối – Quan Tây gọi là – casque colonial – cát cô-lô-nhần, được các quí quan Đại Pháp đội vào nước ta từ những năm 1880, 1890. Ông Tây, bà Đầm từ giã 3 nước Đông Pháp, Nón Cối của quí quan Đại Pháp ở lại với người An-nam Bắc Kỳ mãi cho đến nay. Người Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa không dùng Nón Cối. Chủ Tịt Hồ chí Minh đáng được chính phủ Pháp ghi công là “người có công bảo tồn Nón Cối, di sản Văn Minh Phú-lăng-sa ở Đông Dương.”

Nhà văn Hoàng Hải Thủy phản bác chú thích của tấm hình này

Nhà văn Bùi Bảo Trúc cũng đã xác định về lai lịch của chiếc nón cối trong bài viết “Cái Nòn” đã dẫn:

“Những chiếc mũ cối ấy lại có nguồn gốc rất thực dân. Chính người Pháp đã đem nó vào Việt Nam. Nó được làm bằng bấc nên nó còn được gọi là mũ liège. Nó nhẹ, không giữ nóng nên rất thích hợp cho các vùng nhiệt đới.

“Ở Ấn Độ, ở Phi châu, ở Đông Nam Á nó đều có mặt. Kiểu có thể hơi khác nhau nhưng chung chung thì nó vẫn giống nhau. Bác sĩ Schweitzer đội nó ở rừng già Phi châu, toàn quyền Doumer đội nó trong bức ảnh chụp chung với vua Khải Định, phó vương Mountbatten ở Ấn Độ… và tôi cũng bị bắt đội nó trong mấy năm tiểu học. Có thể vì thế mà tôi thù ghét nó suốt bao nhiêu năm nay”

(hết trích)

Bác sĩ Albert Schweitzer và chiếc nón thuộc địa tại Phi châu (hình chụp năm 1933)

Cái nón cối xuất hiện tại Việt Nam thời xa xưa có mầu trắng hay mày vàng nhạt. Hình như nó mang những cái tên như “mũ muồng”, “mũ thuộc địa” thường thấy trên đầu mấy anh Tây thực dân mặc quần “short” áo “chemise” tay ngắn. Người ta cũng thấy những học sinh thời thuộc địa mặc quần áo dài chân mang “sandale” hay “pantoufle” trắng đội thêm chiếc nón muồng trên đầu.

Những người già trong làng Phương Trung kể lại: Ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, người Pháp đã phát hiện lưu vực ven sông Luộc, nhất là vùng đất xã Hồng Nam, Hoàng Hanh, Phương Chiểu có điều kiện thổ nhưỡng rất phù hợp với việc trồng cây muồng. Cũng từ việc phát hiện đó mà nơi đây đã hình thành nên vùng thâm canh cây muồng và sản xuất mũ muồng bán cho “quan Tây” và lính Pháp thời bấy giờ.

Một cơ sở sản xuất “mũ muồng”, thôn Phương Trung, xã Phương Chiểu, Tiên Lữ, đạt sản lượng trên 4 vạn cốt mũ mỗi năm

***

Trên đây là những “chuyện xưa, tích cũ” còn chuyện mới nhất bây giờ là niên khóa 2017-2018 trường Trung học Phổ thông Thanh Chương 3 tại Nghệ An đồng loạt đội nón cối trong ngày khai giảng. Theo báo chí, “… Từ ý tưởng học môn Quốc phòng phải đội mũ cối, sáng 5/9, học sinh trường THPT Thanh Chương 3 mặc quần áo chỉnh tề, đội mũ cối dự lễ khai giảng năm học mới”.

Cũng theo báo “lề phải”, ý tưởng này được Đoàn trường đưa ra từ hai năm trước. Đây là lần thứ hai trường tổ chức khai giảng bằng cách cho học sinh đội mũ cối. Thầy Nguyễn Nhật Đức, Bí thư đoàn trường, chia sẻ: "Năm trước, học sinh có đội nhưng chỉ được gần 30% học sinh hưởng ứng". Theo thầy Đức, việc đội mũ cối vừa tạo ra nét riêng, học sinh được che nắng, mưa, đảm bảo sức khỏe.

Thầy Phan Bá Tiến - Hiệu trưởng trường THPT Thanh Chương 3 - cho biết khi Đoàn trường đề xuất ý tưởng này, ban giám hiệu hưởng ứng nhiệt tình. Nhà trường đánh giá cao những ý tưởng mà Đoàn trường đề ra.

Ngày khai giảng niên học 2017-2018 tại Nghệ An

Xin miễn bình luận thêm về sự kiện này. Nghĩ sao còn tùy chính kiến của mỗi người nhưng tác giả bài viết này chỉ xin một câu kết như sau:

“Từ chuyện “cái nòn” sang đến chuyện “cái nón” quả thật có nhiều ý nghĩa. Lịch sử của cái nón cối cũng khiến người đọc phải suy nghĩ. Và cuối cùng, chuyện học sinh đội mũ cối đi khai giảng niên học thật “ly kỳ”, ngoài sức tưởng tượng của nhiều người. Hóa ra chuyện “cái nòn” ngày nào đành thua chuyện “cái nón cối” đi vào trường học ngày nay!”.


***

Chú thích:

[1] Trong “tiểu sử tự thuật” Bùi Bảo Trúc lúc còn sinh thời viết về mình có đoạn:

“Bùi Bảo Trúc sinh năm 1944 ở miền Bắc nhưng chỉ ở Hà Nội có đúng 10 năm đầu. Sống ở miền Nam nhiều hơn miền Bắc, và sống ở ngoài Việt Nam lâu hơn là sống ở trong nước. Dậy học ở Sài Gòn rồi cho một community college ở Washington DC.

“Làm phát ngôn viên cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975 rồi làm cho đài phát thanh Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) trong hơn 20 năm cho đến khi về hưu. Viết cho một số báo chí Việt ngữ ở hải ngoại như đã gắn bó với nghề cầm bút từ thời còn đi du học và sau khi về nước. Dính cả với truyền thanh và truyền hình Việt Nam ở nước ngoài. Cũng đã làm truyền hình ở Sài Gòn hồi năm 1968”

(hết trích)

[2] Phải nói thêm cho rõ, thơ Bút Tre là loại thơ bình dân xuất xứ từ miền Bắc với phong cách thơ mang một sắc thái lạ: “cưỡng từ đổi nghĩa, sửa dấu ép vần” lại thêm đặc điểm thường hay dùng lối “cắt tên, xuống dòng” gây ngộ nhận và thích thú cho người đọc. Tham khảo thêm về Bút Tre tại http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/10/but-tre-va-truong-phai-tho-binh-dan.html

***


--> Read more..

Popular posts