Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

Hội ngộ "Sài Gòn + Đà Lạt => Đà Nẵng" (1)

Hôm nay, 24/06/2017, Đà Nẵng tiếp một đợt du khách đổ bộ lên thành phố cảng miền Trung. Lý do chúng tôi sẽ đề cập đến sau. Dưới đây là phóng sự bằng hình ảnh ghi nhận từ Đà Nẵng ngày hôm nay.

Từ Sài Gòn, Đà Lạt chúng tôi đổ về Đà Nẵng nơi có người con gái út đang làm việc và nhiệm kỳ của cháu sẽ chấm dứt vào cuối tháng 8 năm nay. Cháu sẽ rời Đà Nẵng để tiếp tục nhận một nhiệm sở mới ở Singapore.


Đây là chuyến hội ngộ tại vùng đất miền Trung nhiều kỷ niệm và cũng là thành phố mới nổi với nhiều cái hay và lạ! Mời các bạn theo dõi phóng sự ngắn dưới đây.

Đà Nẵng nhìn từ trên máy bay

Phi cơ giảm cao độ

Chuẩn bị đáp xuống phi trường Đà Nẵng

Trên đường từ phi trường về tòa nhà Azura, nơi con gái tôi ở trên tầng lầu thứ 27, chúng tôi được nhìn lại một số quang cảnh, cầu và đường của Đà Nẵng. 

Tôi đã đến Đà Nẵng nhiều lần nhưng mỗi lần mang một ý nghĩa khác nhau. Đây có lẽ là lần cuối vì không biết còn có dịp nào không khi con gái sẽ không còn làm việc tại Đà Nẵng. 

Cháu cũng mời cả cô em gái tôi từ Đà Lạt vào Đà Nẵng trong dịp này. Cũng vì thế có thể coi đây là dịp hội ngộ của gia đình trước khi cháu chia tay với thành phố trong suốt nhiệm kỳ 3 năm làm việc với TotalGas Danang.

Cầu Rồng

Cầu Treo

Cầu Phước Thuận 

Đại gia đình gồm 3 thế hệ đều có mặt tại tòa nhà Azura cho cuộc hội ngộ. Mọi người háo hức chờ đến tối để xem đêm chung kết bắn pháo hoa.


 Từ tòa nhà Azura nhìn xuống trung tâm Đà Nẵng

Thế hệ thứ nhất

Thế hệ thứ hai


Thế hệ thứ ba

(Còn tiếp)

***








--> Read more..

Thứ Tư, 21 tháng 6, 2017

Từ “7-up” tiến lên… “70-up”

(Chuyện phiếm)

Sinh nhật vừa qua (19/06/2017) tôi nhận được email của một anh bạn già báo một tin vui, nguyên văn như sau:

“Đọc cái tin này thì dzui góa xá là dzui nên dzội dzàng báo cho các cụ để cùng dzui.
Nhưng mờ... hỏng biết đớn chừng nào mới thực sự được dzui. Ba cụ ghi danh trước, tới ngày nó bán tớ sẽ gởi biếu mỗi cụ một kết”.

Anh bạn tôi nhắc lại trên thị trường nước giải khát ngày nay có nhiều loại đang rất hút khách, chẳng hạn như Coca-Cola, Pepsicola… Pepsico lại còn có thêm “7up” là loại nước uống màu trắng, thoang thoảng hương chanh và rất được giới trẻ “từ 7 tuổi trở lên” ưa chuộng theo cái tên đã được “cầu chứng tại tòa”.

Ở Việt Nam ta, thay vì đọc là “se-vân-ấp” theo cách phát âm tiếng Anh, có nhiều người đã Việt hóa thành “se-vân- úp”. Nghe cũng hay hay… “úp” hay “ấp” cũng như nhau, uống vào thấy đã khát!   

7up được ông Charles Leiper Grigg “sáng chế” vào năm 1929 với cái tên ban đầu là "Bib-Label Lithiated Lemon-Lime Soda". Sản phẩm này được giới thiệu đúng hai tuần trước khi xảy ra “Cuộc khủng hoảng phố Wall” năm 1929. Từ năm 1950, trong thành phần 7Up có chứa thêm “lithium citrate”, một loại thuốc an thần không có chất gây nghiện.

7-up logo

Tiếng Anh còn có danh từ “baby-boomer” để chỉ thế hệ người Mỹ sinh ra sau thế chiến thứ 2 (1939-1945), chẳng hạn như tôi, ra đời năm 1946 cũng là một “baby-boomer”. Thế hệ này đông lắm, vì không còn chiến tranh nên nhà nhà yên tâm “sản xuất babies”, nói theo tiếng Anh là “making babies”!

Lại nói về những người lính Mỹ sau mấy năm cầm súng trên các mặt trận hồi Đệ nhị Thế chiến đều lần lượt trở về xứ Cờ Hoa. Đó là nguyên nhân sâu xa của hiện tượng “bùng nổ” (boom) của một thế hệ trẻ con được sinh ra đời.

Đời người có những tuổi được coi là những cột mốc đáng nhớ: 16 (được lái xe), 18 (được đi lính), 21 (được uống rượu và đi bầu), 65 (được lãnh medicare và tiền già/hưu). Riêng tôi, tuổi 70 cũng là một dấu mốc đáng nhớ và đáng buồn. Ở vào tuổi này coi như đã lên tới đỉnh Everest của cuộc đời và từ đó chỉ có đường xuống dốc (có phanh hay không thì còn tùy) mà thôi.

Cho đến hôm nay, các “baby-boomers” đều đã trở thành “lão làng”… nếu họ “sống lâu”. Không lý nào “các cụ” cứ uống 7-up vốn chỉ dành cho lớp thanh niên “từ 7 tuổi trở lên”.
Đầu óc kinh doanh của giới doanh nhân rất nhạy bén với nhu cầu của thị trường. Phải có một thứ nước giải khát dành riêng cho “các cụ”.

Thế là nhiều ý tưởng mới lạ được các “think-tanks” của những công ty lớn nghĩ ra để phục vụ những bậc cao niên. Một trong những kế hoạch (được giữ bí mật tuyệt đối ở Pepsico) vì họ sẽ cải tiến “7-up” thành “70-up” dành riêng cho những vị thuộc loại “cổ lai hi”, cụ ông cũng như cụ bà!

Có cần thay nước trà bằng “70-up” không đây?

Nghe đâu giá thành của sản phẩm “70-up” dành riêng cho các cụ có phần hơi mắc hơn “7-up” vì, cũng nghe đâu, nước giải khát này có pha chất “Daily Dose Cialis”. Cialis được bào chế và bán ra thị trường từ năm 2003 tại Hoa Kỳ. Cho đến thời điểm hiện nay, Cialis đã trở thành sản phẩm bán chạy chỉ đứng sau Viagra, một loại thuốc cường dương.

Nhưng liệu Cialis có thực sự tốt và an toàn như quảng cáo hay chỉ là “chiêu trò” của nhà quảng cáo? Và Cialis nếu được pha trong “70-up” liệu có công hiệu trong vòng 36 tiếng sau khi uống? 
Cialis, hộp 4 viên 20mg
   
Như đã ghi ở phần đầu bài viết, đây chỉ là “chuyện phiếm” kể lại bức thư của một người bạn nhân ngày tôi kỷ niệm sinh nhật 71. Tác giả bài viết này hoàn toàn không chịu trách nhiệm về những thông tin “mật” của Pepsico và “70-up” do ông bạn già của tôi cung cấp.

Hạnh phúc của tuồi già


***
--> Read more..

Thứ Hai, 19 tháng 6, 2017

“Tân Sơn Nhứt” hay “Tân Sơn Nhất”?

Gần đây trên cộng đồng mạng dấy lên phong trào đòi lại đất “quốc phòng” cho phi trường Tân Sơn Nhất. Bài viết này không bàn về chuyện đất đai có vẻ “nhạy cảm” về chính trị mà chỉ nói đến chuyện ngôn ngữ trong tiếng Việt.

Vấn đề đặt ra là “Tân Sơn Nhứt” hay “Tân Sơn Nhất”? Nhiều hình xưa cho thấy tên gọi “Tân Sơn Nhứt” thuộc dòng “chính chủ”, được sử dụng một cách chính thức và được coi là “trademark” của phi trường lớn nhất miền Nam. Đó là điều không thể chối cãi với những chi tiết lịch sử.

Phi trường được xây dựng vào năm 1930 ở làng Tân Sơn Nhứt, thuộc quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định. Chuyến bay đầu tiên từ Paris đến Sài Gòn ở sân bay Tân Sơn Nhứt là vào năm 1933, chuyến bay này kéo dài 18 ngày. Năm 1956 Mỹ cho xây dựng phi trường rộng hơn, dài hơn 3000 m, bằng bê tông. Trong khi đó sân bay do Pháp xây dựng năm xưa dài hơn 1500 m, bằng đất đỏ. Tuy nhiên tính theo diện tích thì phi trường vào năm 2016 chỉ còn 1/4 đến 1/5 so với phi trường Tân Sơn Nhứt năm 1975.

Phi trường Tân Sơn Nhứt thời Pháp thuộc

Tại sao lại có tên “Phi trường Tân Sơn Nhất”?

Mặc dù không được chính thức đổi tên bằng bất kỳ một văn bản nào của chính phủ VNCH nhưng, theo tôi, “Tân Sơn Nhứt” đã được nhiều người gọi là “Tân Sơn Nhất” kể từ sau cuộc di cư của hơn 1 triệu người miền Bắc vào Nam năm 1954, khi Hiệp định Genève được ký kết, chia đôi nước Việt Nam thành hai quốc gia.

Đó là “hiện tượng ngôn ngữ” chứ không phải là một thay đổi mang màu sắc chính trị. Người di cư miền Bắc vào Nam khi đó không quen với cách gọi “Nhứt” nên đổi sang “Nhất” và lâu ngày trở thành thói quen được cả người Nam lẫn Bắc chấp nhận.

Cổng Phi Long của Không quân trong Phi trường TSN năm 1961

Tôi là người từ Hà Nội vào Nam năm 1953, trước cuộc di cư năm 1954 của số đông người miền Bắc. Những ngày đầu tiên vào Đà Lạt tôi có dịp khám phá những chuyện thật trẻ con về vấn đề ngôn ngữ.

Chúng tôi chơi trốn tìm, tôi đinh ninh là bạn mình trốn sau cánh cửa nhưng cu cậu (người miền Nam) lại xuất hiện sau tấm màn đỏ và reo lêu: “Lêu lêu mắc cở”. Người Bắc không có chữ “mắc cở” nên tôi suy luận: “mắc cở” là... cái màn cửa màu đỏ.

Có thể gọi đó là “cultural shock” ở mức độ trẻ con khi có sự khác biệt về ngôn ngữ giữa hai miền Nam-Bắc. Người miền Bắc nói “Nhặt hộ tôi qủa bóng” nhưng người miền Nam dùng những từ khác hoàn toàn để diễn tả cùng ý nghĩa: “Lượm giùm qua trái banh”.

Ở trong Nam, bạn bè cùng lớp gọi nhau bằng “trò”, sau này tiếng trò được thay bằng “bạn”. Ở trường, học sinh người Bắc gọi cây “bút” nhưng ở miền Nam lại gọi là cây “viết”“cục tẩy” được thay bằng “cục gôm” tại miền Nam, v.v...
Những người Bắc mới di cư vào Nam thường có khuynh hướng bắt chiếc sử dụng những từ và cách phát âm của miền Nam, chẳng hạn như hột vịt đọc thành hột ‘dzịt’, đôi vớ (tất) thành đôi ‘dzớ’. Quả thật nghe rất… chướng tai!

Bảng chào mừng của căn cứ Không quân TSN năm 1967

Hiện tượng này cũng xảy ra sau năm 1975, số người miền Bắc nhập cư miền Nam ngày càng đông và người ta thấy những trường hợp người Bắc cố sửa giọng Nam để hòa nhập. Tại sao người ta không giữ giọng điệu của địa phương mình khi đến một địa phương khác? Để thích nghi hay sợ kỳ thị?  

Đối với những học sinh di cư từ Bắc vào Nam như tôi cũng không phải là ngọai lệ. Đó là vấn đề thích nghi. Tôi cố theo lối phát âm miền Nam khi ở trường vui chơi với bạn bè nhưng khi về đến nhà tôi lại giữ nguyên giọng Bắc. Cho đến bây giờ tôi vẫn giữ giọng Bắc khiến nhiều người vẫn tưởng tôi là “Bắc kỳ 75” chứ không ngờ là “Bắc kỳ 54”!

Dù sao đi nữa, tôi vẫn hãnh diện là Bắc kỳ 54, có người còn gọi là Bắc kỳ 9 nút (5+4=9 nút) để phân biệt với Bắc kỳ 2 nút (7+5=2 nút). Tôi hoàn toàn không thấy sự kỳ thị khi được “dán nhãn” là “Bắc kỳ 54”!

Hình ảnh phi trường TSN năm 1967

Không biết một thi sĩ nghiệp dư nào đó làm cả một bài thơ nói về sự khác biệt về từ ngữ giữa hai miền Nam-Bắc:

“Bắc bảo kỳ, Nam kêu cọ
Bắc gọi lọ, Nam kêu chai
Bắc mang thai, Nam có chửa
Nam xẻ nửa, Bắc bổ đôi
Ôi! Bắc quở gầy, Nam than ốm
Bắc cáo ốm, Nam khai bịnh
Bắc định đến muộn, Nam liền la trễ
Nam mần sơ sơ, Bắc làm lấy lệ
Bắc lệ tuôn trào, Nam chảy nước mắt
Nam bắc vạc tre, Bắc kê lều chõng
Bắc nói trổng thế thôi, Nam bâng quơ vậy đó
Bắc đan cái rọ, Nam làm giỏ tre,
Nam không nghe nói dai, Bắc chẳng mê lải nhải
Nam cãi bai bải, Bắc lý sự ào ào
Bắc vào ô tô, Nam vô xế hộp
Hồi hộp Bắc hãm phanh, trợn tròng Nam đạp thắng
Khi nắng Nam mở , Bắc lại xoè ô
Điên rồ Nam đi trốn, nguy khốn Bắc lánh mặt
Chưa chắc Nam nhắc từ từ, Bắc khuyên gượm lại
Bắc là quá dại, Nam thì ngu ghê
Nam sợ ghê, Bắc hãi quá
Nam thưa tía má, Bắc bẩm thầy u
Nam nhủ ưng ghê, Bắc mê hài lòng
Nam chối lòng vòng, Bắc bảo dối quanh
Nhanh nhanh Nam bẻ bắp, hấp tấp Bắc vặt ngô
Bắc thích cứ vồ, Nam ưngchụp
Nam rờ bông bụp, Bắc vuốt tường vi
Nam nói: Mầy đi! Bắc hô: Cút xéo!
Bắc bảo: cứ véo, Nam: ngắt nó đi.
Bắc gửi phong bì, bao thơ Nam gởi
Nam kêu: muốn ói, Bắc bảo: buồn nôn
Bắc gọi tiền đồn, Nam kêu chòi gác
Bắc hay khoác lác, Nam bảo xạo ke
Mưa đến Nam che, gió ngang Bắc chắn
Bắc khen giỏi mắng, Nam nói chửi hay
Bắc nấu thịt cầy, Nam thui thịt chó
Bắc vén búi tó, Nam bới tóc lên
Anh Cả Bắc quên, anh Hai Nam
Nam: “Ăn đi chú”, Bắc: “Mời anh xơi”
Bắc mới tập bơi, Nam thời học lội
Bắc đi phó hội, Nam tới chia vui
Thui thủi Bắc kéo xe lôi, một mình xích lô Nam đạp
Nam thời mập mạp, Bắc cho là béo
Khi Nam khen béo, Bắc bảo là ngậy
Bắc quậy sướng phê, Nam rên đã quá
Bắc khoái đi phà, Nam thường qua bắc
Bắc nhắc môi giới, Nam liền giới thiệu
Nam ít khi điệu, Bắc hay làm dáng

“Tán mà không thật, Bắc bảo là điêu
Giỡn hớt hơi nhiều, Nam kêu là xạo
Bắc nạo bằng gươm, Nam thọt bằng kiếm
Nam mê phiếm, Bắc thích đùa
Bắc vua bia bọt, Nam chúa la-de
Bắc khoe “bùi bùi lạc rang”, Nam “thơm thơm đậu phọng”
Bắc xơi na vướng họng, Nam ăn mãng cầu mắc cổ

“Khi khổ Nam tròm trèm ăn vụng, Bắc len lén ăn vèn
Nam toe toét “hổng chịu đèn“, Bắc vặn mình “em chả”
Bắc giấm chua “cái ả”, Nam bặm trợn “con kia”
Nam mỉa “tên cà chua“, Bắc rủa “đồ phải gió”
Nam nhậu nhẹt thịt chó, Bắc đánh chén cầy tơ
Bắc vờ vịt lá mơ, Nam thẳng thừng lá thúi địt
Đến khi Nam địt, Bắc hô đánh rắm
Khi tắm, Nam xách thùng thì Bắc bê
Nam bỏ trong rương, Bắc tuôn vào hòm
Nam lết vô hòm, Bắc mặc áo quan
Bắc xuýt xoa: “Cái Lan xinh cực!”
Nam trầm trồ: “Con Lan đẹp hết chê!”

Phủ phê Bắc trùm chăn, no đủ Nam đắp mền
Tình Nam duyên Bắc có thế mới bền, mới lâu!

Phi trường TSN năm 1970

Trở lại vấn đề “Nhứt” hay “Nhất” chúng ta có rất nhiều trường hợp khác biệt về ngôn ngữ để chứng minh: người Bắc đặt tên con là Chính (như trường hợp của tôi) nhưng nếu sinh trưởng trong một gia đình miền Nam, chắc chắn tên tôi sẽ là “Chánh”!

Ngày xưa, họ “Hoàng” chỉ có ở miền Bắc và họ “Huỳnh” chỉ có ở trong Nam. Cũng có thay đổi  tương tự đối với họ “Vũ” và “Võ” khiến ta chỉ cần nhìn vào cái tên cũng có thể đoán được xuất xứ. Ngày nay sự phân biệt đó hầu như không còn được chú ý đến nữa.

Phi trường TSN trước 1975

Thế cho nên, “Tân Sơn Nhứt” hay “Tân Sơn Nhất” chỉ là cách gọi theo vùng miền từ thời VNCH chứ không phải từ sau 1975. Bằng chứng là tôi (năm nay đã ngoài 70) chưa một lần nói “Tân Sơn Nhứt” và những bạn gốc từ miền Nam cũng dùng “Tân Sơn Nhất” trong ngôn ngữ hàng ngày.

Xin nhắc lại, dùng “Nhứt” hay “Nhất” không phải là “sự kỳ thị chính trị” mà xuất phát từ sự khác biệt về ngôn ngữ vùng miền. Đó là điều tôi muốn nói trong trường hợp “Tân Sơn Nhứt - Tân Sơn Nhất”.

Hành khách lên Air Vietnam tại TSN trước 1975


***
--> Read more..

Thứ Hai, 12 tháng 6, 2017

Bảo Đại: Vị vua cuối cùng triều Nguyễn

Tôi không phải là nhà viết sử mà chỉ là người sưu tầm các tài liệu về những nhân vật lịch sử từ những nguồn khác nhau. Bài viết này mang hình thức của một bài “điểm sách” hơn là một bài “chính sử” nên những ý kiến mang tính cách cá nhân của từng tác giả.

Theo tôi, nhân vật nổi bật trong lịch sử cận đại của Việt Nam chính là Bảo Đại. Ông là vị vua cuối cùng của triều Nguyễn và cũng là người “bàn giao” chế độ quân chủ phong kiến sang một trào lưu mới của thế giới dân chủ.   

Nhìn chung, hình như các sử gia khi viết về Bảo Đại thường tỏ ra lúng túng dù họ thuộc về phe phái nào đi nữa. Lúng túng vì không muốn bỡn cợt với thái độ thiếu tôn kính về một ông vua. Tuy nhiên, các nhà viết sử cũng lúng túng khi xác định Bảo Đại là người đại diện cho khuynh hướng nào và nhất là khi phải đánh giá vai trò thực sự của ông trong lịch sử cận đại.

Để giải đáp những thắc mắc đó, tôi nghĩ, Bảo Đại chỉ đại diện cho chính mình, cho chính những cá tính của mình cũng như những thành quả (cả tốt lẫn xấu) của một ông vua đang trong giai đoạn thoái trào của chế độ quân chủ. Nhận xét này thoạt nghe có vẻ phiến diện nhưng ta cũng có những bằng chứng lịch sử để đi đến một kết luận như vậy.

Bảo Đại trong lễ tấn phong Đông cung Thái tử, ngày 28/3/1922

Triều Nguyễn có tất cả là 13 vị vua và Bảo Đại là ông vua cuối cùng. Theo người Phương Tây, con số 13 vốn là một số không hứa hẹn nhiều may mắn nhưng hình như con số này đã theo ông trong suốt cuộc đời, kể từ năm 1913 ông sinh ra đời!

Bảo Đại lên ngôi vua khi mới 13 tuổi. Nếu tính từ khi lên ngôi năm 1926 đến khi thoái vị năm 1945 là 19 năm nhưng thật ra trong 19 năm đó có một thời gian dài du học tại Pháp và chỉ đến ngày 8/9/1932 ông mới chính thức trị vì đất nước. Đến 30/8/1945 vua Bảo Đại thoái vị, như vậy ông chỉ thực sự trị vì có 13 năm.

Lúc sinh thời, vua Bảo Đại có với Hoàng hậu Nam Phương 5 người con, với bà Thứ phi Mộng Điệp 3 người, với bà Thứ Phi Ánh 2 người, với bà Vicky 1 người. Theo tiết lộ của Nguyễn Đắc Xuân (người đã có nhiều công trình biên khảo về Bảo Đại), bà Thứ Phi Mộng Điệp cho biết trong sổ gia đình của Bảo Đại còn hai người con nữa nhưng không ghi tên mẹ là ai. Như vậy, Bảo Đại có 13 người con chính thức được ghi nhận!

Cũng theo tài liệu của Nguyễn Đắc Xuân,  ngày 1/8/1997, Bảo Đại qua đời tại trung tâm y tế Van-de-grace, đến ngày 6/8/1997 ông mới được đem chôn cất tại nghĩa trang Thiên Chúa giáo Passy (Paris). Tháng 8, trời thu Paris trong xanh rất đẹp, nhưng khi thi hài ông sắp được hạ huyệt (giờ tốt đã được chọn trước) thì trời đột ngột đổ mưa làm tất cả những người dự đám tang đều ướt đẫm. Trời mưa làm huyệt mộ ngập nước nên không thể nào tiến hành nghi lễ hạ huyệt, nhưng giờ lành lại không đợi ai bao giờ nên mọi người ra sức tát cạn nước vì e giờ tốt qua đi, khi nước được tát cạn, trời đã bớt mưa thì đồng hồ điểm đúng 13 giờ… Như vậy ông vua này được hạ huyệt lúc 13 giờ! (http://gactholoc.net/c29/t29-357/2013-nho-ong-vua-nguyen-voi-6-con-so-13.html).

Phả hệ triều Nguyễn với 13 đời vua

Có thể nói, một trong những tài liệu đầy đủ nhất về cuộc đời Bảo Đại là cuốn “Bao Daï ou les Derniers Jours de l'Empire d'Annam” của tác giả người Pháp Daniel Grandclément, nhà xuất bản JC Lattès (1997). Cuốn sách gồm 34 Chương, được Nguyễn Văn Sự dịch sang tiếng Việt với tựa đề “Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của vương quốc An Nam”, Nhà xuất bản Phụ Nữ (2006). 

Chân dung Bảo Đại hiện lên dưới ngòi bút của sử gia Daniel Grandclément như những gì mọi người Việt đã biết về ông: hào hoa, lịch lãm và sành điệu, săn bắn giỏi, lái xe hơi cũng như máy bay giỏi, khiêu vũ, đánh golf, chơi quần vợt giỏi. Chỉ có một điều ông không rành cho lắm: Làm Vua một nước. 

Nhận xét cay nghiệt của Grandclément được giải thích qua lời thú nhận của Bảo Đại: “Người Pháp lúc nào cũng muốn tôi ngồi yên một chỗ, không cho thân mật với dân nên trong hai mươi năm trời làm vua tôi ra Bắc một lần, vào Nam kỳ một lần, cũng là đi lướt qua, không thấy rõ ràng một điều gì. Xung quanh tôi họ đặt toàn những người mật thám. Tôi rất buồn biết mình không thể làm chi có ích cho đất nước .”.

Theo Grandclément, hành động lớn nhất trong đời làm vua của Bảo Đại là lúc ông thoái vị vào năm 1945, ông đi vào lịch sử chỉ bằng một câu nói: “Tôi muốn làm dân một nước tự do hơn là làm vua một nước nô lệ”.

Grandclément mô tả ngày ông về nước: “Ông bận chiếc hoàng bào thêu kim tuyến, khoác chéo vai dải Bắc đẩu Bội tinh. Một trăm phát đại bác mặt đất nổ ran chào mừng. Hai bên bờ dân chúng tụ tập đông nghịt chào đón. Họ quì xuống sụp lạy khi vị vua trẻ đi qua, giống như những ngọn cỏ bị gió thổi rạt trên cánh đồng”. 

Thế nhưng, Bảo Đại lại viết trong hồi ký của mình: "Sau nhiều năm sống tự do tôi có cảm tưởng từ nay bước vào nơi giam cầm..."

Vị vua hai mươi tuổi chủ toạ buổi chầu truyền thống trong đó các vị quan lại đầu ngành trong bộ máy hành chính nhà nước đến chúc mừng Nhà vua mới trở về sau một thời gian dài vắng mặt. Trước hết, Nhà vua phát biểu bằng tiếng Pháp. Điều này đã xúc phạm các vị quan trẻ có tinh thần dân tộc lẫn các vị quan già được nhào nặn trong nền văn hoá Trung Hoa.

Trong ngôn ngữ của Voltaire, chứ không phải bằng tiếng mẹ đẻ, Nhà vua giải thích cho đám cận thần đầu bạc cũng như đầu xanh có nhiều tham vọng rằng không muốn có những hình thức chào hỏi quá cung kính. 

Từ nay các quan vào chầu sẽ không phải lạy, nghĩa là không phải quỳ gối cúi rạp mình trán chạm đất khấu đầu ba lần liên tiếp trước sân rồng mà không một ai dám ngẩng đầu nhìn vua. Từ bây giờ sau tiếng xướng chói tai của quan tuyên cáo, các quan bước thong thả đến xếp hàng ngang trước mặt vua.

Chưa hết lúng túng ngạc nhiên, đôi chút lộn xộn vì sáng kiến cải tiến này, các quan chắp tay, khuỷu ép sát vào người, nghiêng mình vái ba lần. Việc bỏ lạy được thi hành đồng thời ở kinh đô và các tỉnh, là một sự việc quan trọng về mặt lịch sử đối với một nước có nhiều biểu tượng. 

Báo chí đồng loạt reo lên: "Nước An Nam trẻ vừa tuyên bố đã đến lúc giảm nhẹ sự giám hộ hơi nặng nề của quá khứ".

“Bao Daï ou les Derniers Jours de l'Empire d'Annam”
của tác giả người Pháp Daniel Grandclément

Quyển sách thứ hai là cuốn “Bảo Đại (1913-1997)” của tác giả Trần Gia Phụng, nhà xuất bản Non Nước Toronto phát hành năm 2014 tại Canada. Đây là tác phẩm dày khoảng 400 trang, gồm 22 Chương với các tiểu đề rất “đời thường” như “Năm cụ khi không rớt cái ình”, “Trai năm thê bảy thiếp”, "Mắc lừa bọn du côn”, “Họa phúc vô thường” hay “Cựu hoàng thành quốc trưởng”.

Theo “Lời nói đầu” của tác giả, “Bảo Đại (1913-1997)” không phải là một quyển thông sử, cũng không phải là quyển dã sử hay tiểu thuyết lịch sử. Sách kể chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của Bảo Đại, có thể xem như quyển tiểu sử hay một một thứ truyện đời của Bảo Đại theo ngôn ngữ bình dân.

Bảo Đại là ông vua “tân học” đầu tiên và lại là ông vua cuối cùng của triều đình nhà Nguyễn. Ông lên cao rồi xuống thấp, mà nói nôm na theo kiểu bình dân là ông “lên voi xuống chó” hai lần. Lại còn có nhiều chi tiết đáng tranh cãi bao quanh đời ông cho nên  có nhiều chuyện thú vị để kể lại.

Cuộc sống tình cảm của Bảo Đại cũng thú vị, vì có điều lạ là khi ở ngôi vua, Bảo Đại không có cung phi mỹ nữ như các vua trước đó của nhà Nguyễn, nhưng khi thoái vị ông lại lăng nhăng nhiều vợ giống như một số người đàn ông bình thường khác của thời kỳ mà xã hội Việt Nam còn cho phép đa thê.

Có nhiều chương sách đọc qua nghe hơi lạ tai, chẳng hạn như “Năm cụ khi không rớt cái ình”, kể chuyện triều đình Huế cải tổ năm 1933, hoặc “Mắc lừa bọn du côn” là câu chuyện vua Bảo Đại thoái vị vì Bảo Đại vì nghe lời tuyên truyền của Việt Minh. Sau đó, biết mình bị Việt Minh lừa phỉnh, Bảo Đại đã thốt ra với Trần Trọng Kim khi hai người gặp lại nhau ở Hồng Kông là: “Chúng mình một già một trẻ mắc lừa bọn du côn”.

Bên cạnh những câu chuyện “đời thường”, tác giả còn trích dẫn nhiều câu thơ hay câu ca dao rất có ý nghĩa. Chẳng hạn như hai câu Kiều: 

“Khi sao phong gấm rủ là 
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường” 

Tác giả dùng hai câu này để so sánh những ngày vua Bảo Đại còn ngự trị trên ngai vàng với hình ảnh của Quốc trưởng Bảo Đại bị quẳng xuống đất ngay trước Tòa Đô Chánh sau cuộc trưng cầu dân ý của Thủ tướng Ngô Đình Diệm tại Sài Gòn.

Chúng ta thường nghĩ rằng khi lưu vong đến Hồng Kông, Bảo Đại nhận tiền của Pháp để tiêu xài, nhưng theo tác giả, những lá thư mới phát hiện của bà Agnès (chị của hoàng hậu Nam Phương) thì mới vỡ lẽ ra là khi Bảo Đại đến Hồng Kông, ông liền liên lạc với bà Charles, mẹ đỡ đầu của Bảo Đại ở Pháp. Bà Charles nói chuyện ngay với ngân hàng Đông Dương, trụ sở chính ở Pháp, để ngân hàng Đông Dương ở Hồng Kông giao dịch và chu cấp cho Bảo Đại.

Bảo Đại cũng là vị vua đã sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Thừa Thiên, Huế, văn bản này đã được đăng trên “Nam Triều Quốc Ngữ Công Báo” ngày 30/3/1938. Thêm vào đó, cũng có những bích chương về sự thống nhất đất nước của “Đế quốc Việt Nam”, tên gọi của nước Việt Nam thời đó.

Theo các sách trước đây, Bảo Đại là một nhân vật lịch sử bị nhiều gièm pha và bị nhiều tai tiếng. Theo tác giả Trần Gia Phụng, những việc nầy đến từ nhiều phía.

Từ triều đình Huế vì những tin tức giật gân về xuất xứ của Bảo Đại, nào là Bảo Đại con ông quan nầy, hoặc con ông hoàng kia bắt nguồn từ sự tranh chấp ngôi báu hoặc ngôi hoàng thái hậu của bà Từ Cung, mẹ vua Bảo Đại, từ trong triều đình mà ra…

Từ thực dân Pháp vì Bảo Đại không chịu nghe lời quan chức bảo hộ Pháp mà luôn luôn đòi hỏi nới rộng chủ quyền của Việt Nam, rồi đòi độc lập, thống nhất đất nước, lại tuyên bố độc lập năm 1945.

Từ Việt Minh vì lúc đầu Bảo Đại nhận làm cố vấn cho Hồ Chí Minh, nhưng rồi ông lại tự tách ra, thương thuyết với Pháp, thành lập chính thể Quốc Gia Việt Nam chống cộng sản nên cộng sản rất ghét Bảo Đại.

Từ phía chính phủ Ngô Đình Diệm vì chính phủ Diệm tổ chức Trưng cầu dân ý truất phế Quốc trưởng Bảo Đại nên tung ra những khẩu hiệu tuyên truyền nhằm chống lại Bảo Đại.

Trong phần kết luận của tập sách, Trần Gia Phụng cho rằng Bảo Đại có những đam mê như cờ bạc, phụ nữ, nhất là săn bắn, nhưng ông chỉ ăn chơi trong những lúc nhàn vi hoặc thất sủng, lao vào những thú vui trên đây để quên thời sự, chẳng có hại gì đến quốc sự và chẳng thâm lạm công quỹ.

Tác giả cũng xác nhận rằng Bảo Đại không có những hành động cách mạng, anh hùng mạnh, nhưng theo tác giả, trong lúc cầm quyền, Bảo Đại là một người hoạt động ôn hòa, vận động cho quyền lợi đất nước một cách thầm lặng.


“Bảo Đại (1913-1997)” của Trần Gia Phụng

Phần tham khảo cuối cùng tôi dành cho Nguyễn Đắc Xuân, người đã tham gia phong trào tranh đấu chống Mỹ và thoát ly ra vùng chiến khu Huế cùng anh em Hoàng Phủ Ngọc Tường và Hoàng Phủ Ngọc Phan. Sau 1975, ông là Tổng thư ký Hội văn nghệ thành phố Huế. Nguyễn Đắc xuân có đoạn viết về “công dân Vĩnh Thụy”:

“Hồi đó, Hội đồng lập hiến được thành lập để làm dự thảo Hiến pháp. Ông cố vấn Vĩnh Thụy là thành viên của Hội đồng, thành phần rộng rãi, trong Việt Minh, ngoài Việt Minh, nhân sĩ, trí thức có tiếng tăm…  Ông Vĩnh Thụy tưởng là người ăn chơi nhưng không ngờ lại có những hiểu biết khá rộng về pháp lý và có nhiều ý kiến hay”.


“Cố vấn Vĩnh Thụy ra nước ngoài vào ngày 16/3/1946. Mấy tháng sau, Bác Hồ đã gởi một lá thư trao đổi công việc với ông. Trong lá thư ấy Bác đã nhắc nhở ông phải luôn luôn nhớ đến vai trò quan trọng mà đất nước đang giao phó cho ông. Ông phải sống xứng đáng với vai trò đó. Nhà sử học Pháp Jean Lacouture đã được đọc lá thư ấy và đã trích dẫn vào sách HO CHI MINH, (Le Seuil, 1967), một đoạn sau:

“Ngài chớ quên rằng Ngài là đại diện cho nước Việt Nam và lịch sử Việt Nam. Ngài phải làm thế nào để đời sống của Ngài xứng đáng với cái tên mà Ngài đang mang, xứng đáng với Tổ quốc chung, với nền độc lập của chúng ta đến nay mới giành lại được” (tr.114).

(Hết trích)

Trước khi vĩnh biệt cõi đời ngày 31/7/1997, Bảo Đại đã nhờ người viết hồi ký “Con rồng An Nam” (Le Dragon d’Annam), trả lời phỏng vấn trên đài Phát thanh Pháp, trả lời phỏng vấn đài truyền hình Pháp về sự kiện ông thoái vị. 

Nguyễn Đắc Xuân trích một số câu hỏi của nhà báo sử gia Fédéric Mittérand và câu trả lời của Bảo Đại (do kỹ sư Bùi Hữu Lân dịch qua Việt ngữ):

– Lúc ấy Ngài đã biết gì về chủ nghĩa Cộng sản? Ngài đã nắm hết chủ nghĩa Cộng sản?

– Không, tôi biết rất ít.

– Trong khoảng thời gian hai năm ấy (1945-1946), Ngài đã ở bên cạnh ông Hồ, và Ngài đã giúp cho ông ta nhiều việc quan trọng. Nếu phải lập lại việc này hôm nay, Ngài cũng sẽ lập lại chăng? Ngày nay Ngài đánh giá việc này thế nào?

– Còn tùy. Nếu là vì hạnh phúc của nhân dân tôi, tôi cũng sẽ làm vậy (Cà dépend. Si c’est pour le bien de mon peuple, je le ferais).

Ảnh chụp vua Bảo Đại ở Hồng Kông năm 1948 sau khi chấp nhận sống lưu vong

***

Rất mong những tài liệu từ nhiều nguồn về Bảo Đại sẽ giúp người đọc có một cái nhìn rộng rãi và đa dạng hơn về vị vua cuối cùng của triều Nguyễn.


***
--> Read more..

Thứ Tư, 7 tháng 6, 2017

Lính thú thời xưa (3): Lính Việt tham gia Đệ nhất thế chiến

Năm 1915, quân đội Pháp đã chịu thiệt hại nặng nề trên các chiến trường tại Âu châu thời Đệ nhất thế chiến cho nên Chính phủ Bảo hộ Pháp tại Việt Nam có kế hoạch bổ sung quân số bằng người Việt cho các mặt trận tại Âu châu.

Theo tài liệu của cựu Đại tá Maurice Rives trong “Les militaires indochinois en Europe (1914-1918)”, Chính phủ Bảo hộ đã chiêu mộ 93.411 người Việt trực tiếp tham gia chiến tranh, trong đó có 43.430 lính chiến đấu, 9.019 y tá, 5.339 người phục dịch và hành chánh, 48.981 lính thợ chuyên nghiệp như thợ máy, thợ sơn, thợ da, thợ làm thuốc súng, vũ khí, lái xe, bác sĩ, kỹ sư, tải thương.

Nguồn gốc của những người tại Đông Dương đến Pháp gồm: 24% người thuộc Bắc kỳ (Tonkin), 32% người Trung kỳ (Annam), 22% người Nam kỳ (Cochinchine) và 22% người Cam Bốt. Ngân quỹ Đông Dương cũng đóng góp 541 triệu quan cho chi phí chiến tranh của “mẫu quốc”.

Thêm vào đó có 175 khẩu đại bác được chuyển từ Đông Dương sang cảng Marseille cộng thêm hàng chục tấn hàng hóa các loại cũng được chuyển đi để cung ứng cho các chiến trường tại Châu Âu. Đặc biệt trong số này còn có cả xe cyclo (pousse-pousse) cũng được chuyển về Pháp để tải thương.

Con người và vật dụng được vận chuyển theo đường biển qua Phi Châu, cập các cảng Cameroune, Djibouti, Madagascar, Ai Cập…trước khi đến cảng Marseille, Pháp. Đoạn đường di chuyển quá dài đã làm cho một số người chết vì bệnh tật trước khi đặt chân lên đất Pháp.

Tuy nhiên, chính phủ Bảo hộ rất quan tâm đến thành phần lính từ Đông Dương. Họ cấp phát quần áo mùa đông, thậm chí phân phát trầu, cau, ớt và thành lập một xưởng làm nước mắm trên đất Pháp.

Lính Đông Dương cũng được công nhận là dũng cảm, gan dạ, bình tĩnh và có kỷ luật. Nhiều người được thưởng huy chương “Thập giá Chiến tranh” và được xem là “anh hùng” của nước Pháp trong Đại chiến thứ nhất. Đa số đã hy sinh, hài cốt của họ còn để lại tại Đài kỷ niệm Douaumont (L’ossuaire de Douaumont) cũng như tại Nghĩa trang Géré và d’Udonista ở Albanie.

Nước Pháp đã dựng tượng chiến sỹ và người lao động Đông Dương để ghi nhớ công lao. Tượng về Đông Dương nhưng còn gọi là "Tượng người lính An-nam chiến thắng" (Monument du Souvenir Indochinois: statue du "soldat annamite victorieux").


Dưới đây là những ảnh sưu tầm về lính Việt trên đất Pháp trong thời Đệ nhất thế chiến:

Năm 1915, những người lính An Nam cập cảng Marseille cùng binh lính Pháp tham gia Chiến tranh Thế giới thứ I


Năm 1916, lính An Nam nghỉ chân trong lúc đóng quân cạnh Ypres, Bỉ


Tại mặt trận sông Marne, binh lính An Nam trong các chiến hào


Năm 1916, lính An Nam tại chiến trường Hy Lạp.


Văn hóa Việt vẫn được những người lính mang theo tới tận trời Âu


Một hình ảnh rất thuần Việt: hút thuốc Lào


Những người lính Việt xuống ga đầu mối Saint Raphael, Pháp trên đường đến Trung tâm Huấn luyện.


Quân trang, quân phục tươm tất- ghệt da, áo buông ngoài quần, thắt lưng, ba lô vuông với chiếc nồi cá nhân. Thứ lạ lẫm nhất đối với mấy nhân viên hỏa xa có lẽ là chiếc nón chóp.


Vóc dáng những người lính khá to cao và đồng đều, chứng tỏ họ được tuyển lựa kĩ càng.


Những chiếc chiếu cói bên những chiếc ghế giường mây trên sân ga.


Những người lính mới đến đang bốc dỡ hàng từ các toa tầu xuống xe tải. Trời nóng một anh lính bỏ ghệt cho thoáng.


Cận cảnh những chiếc xe tải thời thế chiến thứ nhất đến đón đơn vị về Trung tâm Huấn luyện.  


Người dân tò mò nhìn theo đoàn xe.


Một số người lính theo xe tải đến một kho hàng trong khu vực nhà ga.


Những người lính hành quân ra khỏi ga, về trung tâm huấn luyên. Cùng lúc một tiểu đoàn khác (phía bên trái), kết thúc khóa huấn luyên, hành quân ngược lại, ra ga để đến các đơn vị chiến đấu.


Những người phía bên trái hàng quân đội mũ "quả dưa" là các sĩ quan người Pháp. Đơn vị này trên đường ra chiến trường.


Đơn vị lính Việt chờ ở sân ga để chuẩn bị lên tầu ra mặt trận


Cuối cùng, họ đã lên tầu


Cùng lúc đó, đơn vị lính mới đến trực chỉ quân trường. Dân địa phương ra xem.


Những ngày đầu ở quân trường họ nghe cấp chỉ huy phổ biến kỷ luật đơn vị.


Đội ngũ sẵn sàng bước vào huấn luyện trên bãi tập.


Luyện tập trên thao trường.


Những bài tập về diễn hành.


Bài tập về chiến thuật bộ binh.


Bài tập đội hình chiến thuật "Ô vuông" nổi tiếng một thời. Nhưng vào năm 1916 trên chiến trường đã có đạn pháo nên rất dễ bị tiêu điệt khi bị giữ đội hình này.


Bài tập "bò hỏa lực" dưới lắn đạn súng máy.


Bài tập xung phong.


Những người lính làm tạp dịch trong doanh trại.


Một trong nhiều bức ảnh Văn phòng Chiến tranh Pháp quốc cung cấp cho tạp chí "The Illustrated War News" của Anh. Chúng tôi nghĩ đây là một loại bếp dã chiến của quân đội thời thế chiến.


Cũng có cảnh nấu nướng tự túc.


Bữa cơm của người lính tập.


Lính Việt trồng rau trong vườn gần Điện Versailles.


"Nhớ nhà châm điếu thuốc..."


Lính An Nam tại Saint-Raphael, đây là những người lính thiện chiến nhất trong chế độ bảo hộ Pháp đang trên đường ra mặt trận.


Họ cũng dành thì giờ cho việc lau chùi súng.


Lính Annam cũng được gắn huy chương tại Pháp.


Nghĩa trang dành cho binh lính Đông Dương tại Gironde, nơi những người con đất Việt yên nghỉ.


R.I.P: Rất nhiều người lính Việt đã bỏ mình trên đất Pháp trong thời Thế chiến thứ nhất.


***


































--> Read more..

Popular posts