Thứ Ba, 18 tháng 8, 2015

Con cháu chúng ta “giỏi” thật!

Chữ “giỏi” hiểu theo nghĩa đen thì ai cũng biết. Bà mẹ tự hào về con thường hay “tự khen”: “Cháu nhà tôi học giỏi lắm”. Nhưng không phải chỉ đơn giản như vậy, “chữ” và “nghĩa” tiếng Việt còn thâm thúy hơn nữa với nghĩa bóng: “Thằng bé ấy chỉ “giỏi” chơi game thôi!”.

Tiêu đề của bài viết này bao gồm cả hai nghĩa đen và nghĩa bóng khi người ta dùng chữ “giỏi”. Có điều, phạm trù của “giỏi” chỉ giới hạn trong vấn đề con cháu nhưng không gian lại rất rộng: từ trong nước lan ra đến ngoài nước.

Trước tiên xin nói đến chuyện trong nước. Vừa qua, ngày 12/8/2015, trong một cuộc hội thảo giới thiệu sách giáo khoa Văn và Tiếng Việt lớp 6 của nhóm Cánh Buồm ở Hà Nội, em Vũ Thạch Tường Minh, 14 tuổi và là học sinh lớp 8 (tương đương với lớp Đệ Ngũ ngày xưa) đã phát biểu [*]:

“… Con không có tính từ nào khác nên con phải dùng tính từ này, là giáo dục Việt Nam bây giờ con thấy là quá ‘thối nát’ rồi. Mà suốt bao năm qua các vị cải đi, cải lại, cải tiến, cải lùi mà nó vẫn không thay đổi được kết quả gì cả…. Giáo dục Việt Nam không cần cải cách gì nữa, giáo dục Việt Nam cần được cách mạng. Đó mới là điều các vị trong Bộ Giáo dục nên làm. Còn nếu bây giờ các vị không làm thì đến khi nào con thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục con sẽ làm”.

Vũ Thạch Tường Minh đứng lên phát biểu

Thế là cư dân mạng dậy sóng. Người ta thấy xuất hiện các bài báo với cách giựt tít “giật gân” như “Cậu bé lớp 8 đòi làm thay việc của Bộ trưởng Giáo dục ...”, thậm chí có những cái tít như “Giáo dục Việt Nam bị một học sinh lớp 8 “lột xiêm y”…” hay tệ hại hơn nữa, “Đến một đứa bé lớp 8 cũng khẳng định nền giáo dục VN đã thối nát”.

Nhà giáo Phạm Toàn, người lập ra nhóm Cánh Buồm, một nhóm gồm nhiều nhà khoa học hoạt động độc lập đang làm công việc soạn thảo lại các bộ sách giáo khoa mới nhằm góp phần cách tân giáo dục theo phương pháp hiện đại, đã coi phát biểu của em Minh là một dạng… “trưng cầu dân ý”. Là người trong cuộc, ông nói:

“Những ý kiến của cậu bé bột phát một cách hồn nhiên, tức là một thứ ‘trưng cầu dân ý’ bột phát đấy. Xưa nay người ta vẫn nghĩ những đứa bé học ở những trường chuyên, lớp chọn như thế thì không có ý kiến gì về việc học nữa vì nó thỏa mãn rồi. Thế mà cậu bé này không thỏa mãn”.

Ông còn cho rằng một khi không bị tác động bởi một động lực nào khác ngoài ý nghĩa giáo dục, ngoài sự học của con người, thì người ta đồng ý với những gì em phát biểu. Còn nếu như người ta nghĩ đến những thứ khác như uy tín, danh giá, tiền bạc, quyền lực, quyền lợi, chính trị… thì người ta sẽ “tự ái”.

Blogger Đoan Trang phân tích: “Phát biểu của em Minh tạo nên không chỉ một mà nhiều làn sóng dư luận: Một bên hoan hỉ, khen ngợi cậu bé “hậu sinh khả úy”, tranh thủ đả kích thêm một nền giáo dục thối nát tới mức “thằng bé 14 tuổi nó cũng phải chửi”.

Một bên khác, đáng kinh ngạc thay, lại ném đá – nhưng không phải vào nền giáo dục nước nhà – họ ném đá vào em Minh, vì cho rằng phát biểu như thế chỉ là thỏa mãn cái bức xúc cá nhân, tức thời, chứ chẳng mang lại điều gì tốt đẹp.

Họ cũng ném đá em, vì họ khẳng định một thằng bé 14 tuổi thì không thể phát biểu như thế được. Từ đây họ gợi ý rằng hẳn đã phải có những kẻ xấu, những người lớn xấu xa, cơ hội, phản động, thù địch “gài” cho em Minh có những phát ngôn “lạ”, không đúng lứa tuổi của em”.

Bài viết của Đoan Trang đưa ra lời khuyên em Minh: “Bộ trưởng Giáo dục” tương lai ơi, đừng sợ. Và các thầy cô, Ban Giám hiệu trường Hà Nội-Amsterdam (trường cũ của tác giả bài này) cũng đừng e ngại điều gì từ những “người lớn” đầy tinh thần cảnh giác kia, nếu họ xuất hiện”.

Chân dung cậu bé 14 “đòi” làm Bộ trưởng

Phải khẳng định, Minh có “giỏi” mới được vào trường chuyên. Nhưng theo quan niệm của ông Phạm Vũ Luân thì lại… “hơi khác”. Vị Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo đương thời mà em Minh “dọa” sẽ một ngày nào đó “thay thế” lại cho rằng: “Phải học giỏi hoặc khá thì mới được đánh giá đạo đức tốt, còn nếu học kém thì không thể đạo đức tốt được”.

Hóa ra câu “khuôn vàng thước ngọc” mà ngành giáo dục ngày xưa vẫn đề cao – “Tiên học lễ, hậu học văn” – đã được ông Bộ trưởng “cải đi, cải lại, cải tiến, cải lùi mà nó vẫn không thay đổi được kết quả gì cả”. Có thể giả định ông Luân coi “đạo đức” của em Minh “không tốt”, hay nói trắng ra là em chỉ “giỏi” phát ngôn bừa bãi, coi thường quan chức nhà nước, phạm thượng và biết đâu còn bị thế lực thù địch lợi dụng…

Tôi lại nhớ đến một câu thật dí dỏm của nhà văn người Mỹ, Mark Twain. Ông viết: “Chẳng thà mình không nói để người ta tưởng mình ngu, còn hơn mở miệng ra để người ta không còn nghi ngờ gì nữa”.

Các bậc phụ huynh, gồm cả những người ở vai cha chú lẫn ông bà, sẽ nhìn sự kiện em Minh dưới con mắt nào? Người ta có thể tiếc cho em khi có những suy nghĩ không phù hợp với lứa tuổi của em, người ta cũng có thể vỗ tay tán thưởng vì em đã nói lên được những gì mình suy nghĩ. Nhưng có lẽ mọi người đều đồng ý: “Thằng bé giỏi thật!”.  

“Danh ngôn” của ông Bộ trưởng bộ Giáo dục

Tôi rời trường Trung học Ban Mê Thuột năm 1967 nên mãi sau này mới được biết trường hợp của anh Nguyễn Quang Khanh (niên khóa 1972) và chị Nguyễn Ngọc Thu (niên khóa 1973). Trường hợp này cũng có liên quan đến chuyện “giỏi” của lớp… hậu sinh khả úy.

Anh Khanh sau này là một sinh viên sĩ quan tại Trung tâm Huấn luyện Không quân, Nha Trang, chuẩn bị lên đường đi Mỹ học phi hành tại Texas thì miền Nam thất thủ. Mãi đến năm 1991, anh Khanh và chị Thu mới đặt chân đến thành phố Denver, Colorado với người con gái tên Nguyễn Thị Thủy Tiên, khi đó cháu mới 5 tuổi.  

Sinh ra tại Ban Mê Thuột nhưng hấp thụ nền giáo dục Hoa Kỳ từ nhỏ nên Thủy Tiên đã khiến nhiều bạn bè cùng trường phải nể phục vì trí thông minh, tài tháo vát và lối ứng xử khác thường. Thủy Tiên làm quen với chính trường Mỹ lần đầu tiên từ những năm còn ở trung học.

Anh Nguyễn Quang Khanh và con gái, Nguyễn Thị Thủy Tiên  

Năm 2004, cháu tròn 18 tuổi và là học sinh trường trung học St. Mary Academy, Thủy Tiên đã tham gia làm “thực tập viên” cho ban vận động của ứng cử viên Tổng thống John Kerry thuộc đảng Dân chủ.

Tháng 7/2004, Thủy Tiên chuyển đến thành phố Boston, Massachussetts, để làm công việc chuẩn bị cho Đại hội Đảng Dân chủ chọn ứng viên Tổng thống. Sau đó, em về Colorado Springs để tiếp tục vận động cho ông Kerry tại thành phố này.

Joe Biden và Nguyễn Thị Thủy Tiên

Tốt nghiệp trung học, Thủy Tiên theo học tại Đại học Colorado và tốt nghiệp với ba chuyên ngành chính là Quan hệ quốc tế, Chính trị & Kinh tế và ngành phụ là Châu Á học. Năm 2008 cũng là thời điểm đảng Dân chủ Mỹ đang chuẩn bị tổ chức Đại hội Toàn quốc tại Denver để chọn Ứng cử viên tổng thống cho cuộc Tổng tuyển cử.

Cô bé Ban Mê tham gia vào Ban Vận động Tranh cử Trung ương của ông Obama. Theo Thủy Tiên, cháu mong muốn được hoạt động cho nền dân chủ Hoa Kỳ, và tin tưởng vào ước mơ “thay đổi nước Mỹ” của ông Obama.

Thủy Tiên với khẩu hiệu tranh cử của ông Obama

Tại Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ năm 2008, Thủy Tiên được giao một nhiệm vụ khác với năm 2004. Đó là vị trí liên lạc báo chí (press operation assistant), phụ trách khoảng 530 tình nguyện viên khác trong chiến dịch tranh cử của ông Obama. Đồng thời cháu còn làm việc với đại diện các công ty truyền thông ở thủ đô Washington D.C., các giám đốc thông tin và thư ký báo chí của các nghị sĩ Mỹ.

Khi ông Barack Obama được đề cử làm ứng cử viên đảng Dân chủ để ra tranh cử Tổng thống, Thủy Tiên được chọn vào “nhóm điều phối chuẩn bị" (national advance team) trong Ủy ban Vận động Tranh cử, có nhiệm vụ chuẩn bị cho những buổi gặp gỡ công chúng của liên danh Obama - Biden.

Mặc dù làm việc với những người lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm hơn mình, nhưng Thủy Tiên tỏ ra rất tự tin, hoàn toàn không rụt rè, vì đó là công việc cháu đã quen thuộc khi còn là học sinh trung học.

Ứng cử viên Phó tổng thống, Joe Biden, và các thành viên trong Ban vận động tranh cử

Nhắc lại kỷ niệm của thời gian tham gia vận động cho ứng cử viên Tổng thống Obama, Thủy Tiên nhớ nhất là giây phút xúc động khi được tin ông Obama thắng cử. Thủy Tiên kể lại:

"Đêm 4/11, các ủng hộ viên của ông Obama đầy hết sân vận động. Vì tôi ở trong ê kíp vận động quốc gia nên được phái tới Chicago, cùng chờ đón kết quả với gia đình Obama. Đêm ấy, khi ông Obama loan báo thắng cử. Tôi đứng đó nghe, rồi khóc. Không biết tại sao. Mấy tháng trời làm việc rất là khổ, đi hết thành phố này tới thành phố khác không có thì giờ nghỉ ngơi, không có thời gian thăm hỏi gia đình, để rồi cuối cùng công việc mình tham gia đã có kết quả, một kết quả rất là tươi sáng cho nước Mỹ".

Sau khi ông Barack Obama đắc cử Tổng thống, Thủy Tiên chuyển về Washington và tham gia việc tổ chức lễ nhậm chức của Tân Tổng thống Obama ngày 20/1/2009, với nhiệm vụ phụ trách phối hợp những hoạt động của giới truyền thông toàn nước Mỹ và thế giới.

Khi ông Obama đã trở thành Tổng thống mới của nước Mỹ, Thủy Tiên tiếp tục làm việc với Chính phủ mới trong những công việc liên quan đến lĩnh vực truyền thông trong Tòa Bạch Ốc. Cháu cũng đã từng làm việc một thời gian tại Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Hoa Kỳ.

Thủy Tiên trước chiếc “Air Force One” chở Tổng thống Obama

Viết đến đây tôi không khỏi tự hào. Đó là niềm tự hào của người Việt Nam trên khắp thế giới chứ không riêng gì tại Việt Nam:

“Con cháu chúng ta “giỏi” thật”.

***

Chú thích:

[*] Bản tin VOA tiếng Việt:

***
--> Read more..

Thứ Năm, 13 tháng 8, 2015

National Geographic: “Những cái đầu tiên”

Tiêu đề của bài viết này không phải là “những phút đầu tiên” thường gặp trong các đề tài về tình cảm ướt át mà là “những cái đầu tiên” của con người và trái đất trong lĩnh vực  khoa học và khảo cổ học.

Đây là một đề tài được tạp chí National Geographic [1] chọn làm chủ đề cho ấn bản đầu tiên trong năm 2015, số Tháng 1/2015. Số báo này xoay quanh “những cái đầu tiên”… từ thời tiền sử cho thời đương đại.


National Geographic, số Tháng 1/2015

Có thể nói, khi cầm nguyệt san National Geographic trên tay, người đọc dù khó tính đến đâu cũng cảm thấy hài lòng. Nếu không thích chủ đề nào đó của tạp chí, người ta vẫn có thể được ngắm nhìn những hình ảnh sinh động, quý giá có liên quan đến bài viết.

Tuy nhiên, tôi nghĩ số báo đầu năm 2015 sẽ đáp ứng cả hai sở thích: (1) tìm hiểu “những cái đầu tiên” của thế giới và con người cũng như (2) chiêm ngưỡng những bức hình minh họa đi kèm bài viết. Ngay từ những trang đầu tiên của số Tháng 1/2015 National Geographic giải thích:    

“Mọi vật đều có “những cái đầu tiên”. Thật ra thì chúng ta bị tràn ngập về điều đó đến nỗi không còn nhận ra được “những cái đầu tiên” thực sự xảy ra vào thời điểm nào… Chẳng hạn như việc sinh con qua phẫu thuật (cesarean) [2] đã thành công lần đầu tiên tại Hoa Kỳ năm 1794 do chính người chồng của sản phụ thực hiện… Hay sự kiện mặt trăng được con người vẽ ra nhiều thế kỷ trước khi biết đến đáy đại dương”.

Điểm lại lịch sử của con người và trái đất người ta cũng đã khám phá ra những “Ý tưởng sớm nhất” (Earliest Ideas), khoảng 500 năm trước Thiên Chúa Giáng sinh (B.C). Một trong số những sự kiện lâu đời nhất là con người đã học được cách chế ngự lửa từ cả triệu năm trước.

9.000 B.C người ta đã biết chăn nuôi gia súc, trong đó có loài cừu và dê tại Trung Đông, sau đó là heo và các loài gia súc khác. 3.500 BC đã chế tạo được bánh xe trong việc dùng nó làm bàn xoay khi chế tác đồ gốm và sau đó là bánh xe để vận chuyển hàng hóa trên những chiếc xe di chuyển trên mặt đất.

776 B.C là năm có “Thế vận hội” (Olympic Games) đầu tiên với các cuộc tranh tài kết hợp với các hoạt động lễ hội vinh danh thần Zeus, thần cai quản các vị thần và là thần của bầu trời trong thần thoại Hy Lạp. Thần Zeus được coi tương đương như thần Jupiter trong thần thoại La Mã.


“Những ý tưởng sớm nhất”

Thời kỳ Trung Cổ (Middle Ages), kéo dài từ năm 400 đến 1400, với phát minh về thuốc súng vào thế kỷ thứ 9 tại Trung Quốc. Khi đó người Tầu đang mầy mò trong việc tìm ra “thuốc luyện đan trường sinh bất tử” (immortality elixir). “Giả kim thuật” đã có lịch sử hàng mấy nghìn năm. Nó là tiền thân của môn hóa học cận đại và có ảnh hưởng sâu sắc đến khoa học kỹ thuật thời cổ cũng như đời sống loài người.

Năm 859 đã có “trường đại học” đầu tiên tại Qarawlyyin, Ma Rốc, do một phụ nữ, bà Fatima al Fihri sáng lập. Được mệnh danh là "mẹ của những đứa trẻ", bà thành lập “madrasa”  tại Fes. Đây là một trong những tổ chức giáo dục đáng chú ý nhất, còn được gọi là "trường đại học lâu đời nhất thế giới".

Năm 1010 đánh dấu một công trình văn học lớn với Murasaki Shikibu, biệt hiệu của một nữ văn sĩ cung đình thời Heian, Nhật Bản. Bà là tác giả của cuốn tiểu thuyết theo nghĩa hiện đại đầu tiên của nhân loại, kiệt tác Truyện kể Genji (The Tale of Genji), được viết bằng tiếng Nhật.

Tiền giấy được lưu hành từ thế kỷ 12 qua việc cải tiến của các nhà lái buôn người Trung Quốc. Ho dùng tiền giấy để thay thế cho tiền kim loại quá cồng kềnh và nặng nề khi phải di chuyển. Kính đeo mắt đầu tiên được ra đời vào thế kỷ thứ 13 tại Ý.

Thời kỳ Phục hưng (Renaissance) từ 1350 đến 1650, bắt đầu với sự ra đời của máy in năm 1439. Chiếc máy in của Johannes Gutenberg, người Đức, được phát triển và đã tạo ra cuộc cách mạng in ấn rộng khắp thế giới. Nhờ phát minh này, việc in ấn một cuốn sách dày đã trở thành điều đơn giản.

Năm 1507 bản đồ thế giới được hoàn chỉnh, trong đó phía Tây bán cầu xuất hiện lần đầu tiên. Năm 1519 sô-cô-la (chocolate, cocao) của người Aztec ở Trung Mỹ du nhập vào Âu châu thông qua Hermán Corté, nhà thám hiểm người Tây Ban Nha.

Ý tưởng vè tầu ngầm được kỹ sư người Hòa Lan, Cornelis Drebbel, thực hiện vào năm 1620 với một chiếc tầu bằng gỗ bọc da, có tráng một lớp mỡ. Đến năm 1650, Otto von Gueriche, người Đức, sáng chế máy bơm chân không để nghiên cứu ánh sáng và âm thanh trong môi trường chân không.




Thời kỳ Khai sáng (Enlightement) 1650-1800: Vào năm 1679 Giovanni Cassini, người Ý, vẽ một bản đồ khoa học về phong cảnh của mặt trăng nhìn qua viễn vọng kính. Năm 1691 Edmond Halley (người Anh và sau này được đặt tên cho sao chổi Halley) đã đăng ký bản quyền về việc sáng chế chuông lặn (diving-bell) dùng trong việc khám hiểm dưới nước.   

Chiếc đàn piano ngày nay đã được Barttolomeo Cristofori người Ý tạo ra khoảng năm 1700 trong khi chiếc la bàn đầu tiên được phát minh vào giữa thập niên 1700. Đây là thiết bị hàng hải để tìm kinh độ bằng cách đo lường “khoảng cách góc” (angular distance) giữa mặt trăng với một ngôi sao gần nhất.

Năm 1752, tại Hoa Kỳ, Benjamin Franklin và con trai đã thiết kế cột thu lôi nhằm bảo vệ những tòa nhà khi bị sét đánh. Và, như đã nói ở trên, ca mổ cesaren thành công tại Mỹ được thực hiện năm 1794. Thai phụ, bà Elizabeth Bennet, và con được “mẹ tròn con vuông” qua bàn tay của một bác sĩ và cũng là chồng bà!

Trong thời kỳ Cách mạng Công nghệ (Industrial Revolution) 1760-1900, “ngôn ngữ bằng cử chỉ” (sign language) được Abbé Charles Michel de l’ Épée soạn vào thập niên 1770. Ông là một giáo viên người Pháp có ảnh hưởng rất quan trọng trong việc giảng dạy ngôn ngữ ký hiệu của cộng đồng người khiếm thính.

Tại Paris con người đã có thể bay bằng loại khí cầu lên đến độ cao 500 feet được thực hiện vào năm 1783. Cũng tại Pháp, bức hình chụp bằng máy ảnh đầu tiên có tiêu đề “Nhìn từ cửa sổ ở Le Gras” (View From the Window at Le Gras) được thực hiện vào năm 1826, bức hình được đánh giá là thành công đầu tiên trong lịch sử nhiếp ảnh thế giới.

Tem bưu chính đầu tiên xuất hiện tại Anh năm 1840, trên tem là hình bán thân chụp nghiêng của Nữ hoàng Victoria đề giá 1 penny. Đến năm 1876, tại Mỹ, Alexander Graham Bell cho ra đời chiếc điện thoại đầu tiên với câu nói qua điện thoại: “Ông Watson, đến đây, tôi muốn gặp ông”.

Aspirin với tác dụng giảm đau, hạ sốt, chống viêm được chế tạo đầu tiên bởi nhà hóa học người Đức, Felix Hoffmann, vào năm 1897. Chỉ hai tuần sau, Heroin (bạch phiến) cũng được tổng hợp trong phòng thí nghiệm!

Bước qua Thời kỳ Chiến tranh & Hậu chiến (War & Postwar) từ năm 1914 đến 1954 có những phát minh về y học, đáng kể nhất là sự xuất hiện của băng dán (adhesive bandage) xuất hiện vào năm 1920, người phát minh là ông Earle Dickson, người buôn bông vải. Dickson vốn có một người vợ thường hay gặp tai nạn.

Năm 1928, bác sĩ người Scotland, Alexander Fleming, trở nên nổi tiếng với thuốc Penicillin. Chất kháng sinh này được tìm ra qua một sự tình cờ khi phát hiện một loại nấm mốc có màu xanh nhạt.

Năm 1951, nhà hóa học người Áo, Carl Djerassi, đã thành công trong việc tạo ra thuốc tránh thai bằng cách tổng hợp chất hormone từ một loại khoai lang (yam). Năm 1953, George Klein sáng chế chiếc xe lăn chạy bằng điện để hỗ trợ những cựu quân nhân bị thương tật do chiến tranh. Năm 1954 đánh dấu sự thành công trong việc cấy ghép nội tạng. Ca thành công đầu tiên là việc cấy ghép thận từ một trong hai người sinh đôi.




Thời đại Không gian (Space Age) 1957-1980. Khởi đầu là việc đưa vệ tinh vào không gian năm 1957, qua đó Liên Xô đã phóng vệ tinh nhân tạo Sputnik 1 lên quỹ đạo của trái đất. Năm 1961 nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin, người Nga, đã bay trong quỹ đạo 108 phút, đánh dấu bước đầu tiên của con người trong không gian.

Năm 1969 con người lần đầu tiên đổ bộ lên mặt trăng. Phi hành gia người Mỹ, Neil Armstrong, tuyên bố khi ông đi bộ trên mặt trăng: “Đó là bước nhỏ đối với một người nhưng lại là bước nhẩy vọt khổng lồ của nhân loại”.

1969 là năm mở đầu cho thời đại Internet. Dữ liệu được truyền đi giữa các viện đại học ở California, đánh dấu bước đầu tiên cho việc phát triển mạng. Năm 1977, qua sự tài trợ của National Geographic, các nhà khoa học đã hoàn chỉnh “bản đồ địa hình” (topographic map) dưới đáy biển.

Thời đại Thông tin (Information Age) bắt đầu từ năm 1971 cho đến ngày nay. Năm 1971, lập trình viên (programmer) người Mỹ, Ray Tomlinson, đã gửi một tin nhắn được xem như một hệ thống email (email system) trên mạng ARPANET với nội dung chỉ gồm toàn những ký tự ở hàng trên cùng của bàn phím, tình từ trái qua phải: “QWERTYUIOP”.

Trước đó, người sử dụng máy tính chỉ có thể gửi tin nhắn cho những người trên cùng một máy tính. Để phân biệt người nhận tin trên cùng một máy, Ray Tomlinson dùng ký hiệu @ để tách họ và ngày nay như chúng ta thấy, trên địa chỉ email luôn xuất hiện ký hiệu @.

Năm 1982 cũng đánh dấu một thành tựu y học: trái tim nhân tạo được gắn vào cơ thể con người. Trái tim đó mang tên “Jarvik-7” đã hoạt động trong cơ thể giúp bệnh nhân sống thêm được 112 ngày!

Điện thoại thông minh (smartphone) xuất hiện năm 1993. IBM’s Simon là chiếc điện thoại cầm tay (cellular phone) đầu tiên do công ty International Business Machines Corp. (IBM) sản xuất. Đó là chiếc điện thoại có “sự hỗ trợ kỹ thuật số cá nhân” (personal digital assistant - PDA) để phục vụ những chức năng kỹ thuật số như email.

Năm 1996 được đánh dấu bằng một tiến bộ sinh học: Dolly là con cừu cái được nhân bản thành công tại Scotland. Dolly ra đời ngày 5/7/1996 và chết vì bệnh phổi 5 tháng sau khi được nhân bản. Dolly đã nhận danh hiệu “Cừu mổi tiếng nhất thế giới”!




Với nhiều chủ đề nổi tiếng về phong cảnh, lịch sử, khoa học và địa ý trên khắp thế giới, National Geographic giữ vị trí “tạp chí hàng đầu” cả về nhiếp ảnh cũng như bài vở. Vì đòi hỏi tiêu chuẩn cao, hình ảnh phóng sự của tạp chí này được sánh với những ấn phẩm cao nhất về nghệ thuật cũng như kỹ thuật trên thế giới. Ngay từ đầu thế kỷ 20 khi kỹ thuật còn kém, National Geographic đã in hình màu.

Kỹ thuật in ấn của National Geogarphic đã đạt đến trình độ tuyệt hảo với những trang đặc biệt bao gồm 4 trang mà độc giả có thể mở rộng trong một trang báo. Khi thì dàn trải từ trang bên phải, khi thì từ hai trang trái – phải mở rộng thành 4 trang.

4 trang National Geographic trải dài từ một trang bên phải
(Số Tháng 1/2015)


4 trang National Geographic trải dài từ 2 trang trái – phải
(Số Tháng 1/2015)

Cũng vì những lý do đó, National Geographic hiện có 32 phiên bản dùng nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Tổng số phát hành hàng tháng là gần 9 triệu số báo với hơn 50 triệu độc giả. Đó là những con số mà những người làm báo khắp thế giới phải ngưỡng mộ và khao khát! Thế cho nên, độc giả của tạp chí thường giữ lại các số báo cũ để cả gia đình cùng xem và tham khào.


Một bộ sưu tập National Geographic

***

Chú thích:

[1] Hiệp hội Địa lý Quốc gia hay Hội Địa dư Quốc gia Hoa Kỳ (National Geographic Society, viết tắt NGS) là một hiệp hội tư nhân, được thành lập ngày 27/1/1888, bởi 33 thành viên với mong muốn "thành lập một hiệp hội nhằm nâng cao và phổ biến kiến thức địa lý".

Tạp chí National Geographic có ấn bản lần đầu tiên ra mắt 9 tháng sau khi hội được thành lập. Tạp chí này đã trở thành một trong những tạp chí nổi trên tiếng giới. Thiết kế trình bày của tạp chí có khung viền vàng đặc trưng trên bìa ngoài. Ký hiệu khung vàng này đã được đăng ký là nhãn hiệu riêng cho National Geographic.

Tạp chí phát hành 12 ấn bản một năm, mỗi tháng một số. Ngoài ra, tạp chí còn đôi khi có những đặc bản chuyên đề. National Geographic còn được biết đến nhiều vì những phụ bản địa đồ chi tiết. Các tài liệu lưu trữ của hội thậm chí còn được chính phủ Mỹ sử dụng, khi mà khả năng vẽ bản đồ của chính phủ còn hạn chế.

Năm 2001, Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ phát hành một bộ tám đĩa CD-ROM ghi chi tiết tất cả các tấm bản đồ từ năm 1888 tới năm 2000. Trong phần tin về cuộc chạy đua khoa học vũ trụ, National Geographic tập trung vào các thành tựu khoa học.  

[2] Trong y học, “cesarean” là thật ngữ chỉ sự sinh con không theo hình thức bình thường (natural, vaginal, regular birth). Sinh con qua việc mổ lấy thai (cesarean delivery, cesarean section hay C-section) nhằm lấy thai nhi, nhau, màng ối bằng một vết mổ qua thành bụng.

Thuật ngữ “cesarean” có xuất xứ từ Julius Caesar, Hoàng đế La Mã được cho là ra chào đời theo phương pháp sinh mổ. Trên thực tế, hình thức mổ lấy thai đã có từ trước thời của Julius Caesar.

***
Bình luận từ Facebook:





--> Read more..

Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2015

Câu chuyện… “chỉ có mười mấy giây”

Xin nói ngay, câu chuyện “chỉ có mười mấy giây” nhưng đọc lại hơi dài. Trước tiên, người viết xin dẫn chuyện bằng một video clip xuất hiện trên Youtube. Mời bạn đọc bấm vào đường link dưới đây để xem ngay trước khi vào chuyện:
https://www.youtube.com/watch?v=K0XMW0wDW

Đó là video clip mang tên “Đoạn nhạc Trung Quốc trong chương trình ‘Khát vọng đoàn tụ’ VTV”. Ngay từ phần mở đầu, sau lời giới thiệu trang trọng của cô nữ xướng ngôn viên, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đứng dậy, cài nút áo vest và một bản nhạc hùng tráng được cử lên trong bầu không khí trang nghiêm của chương trình “Khát vọng đoàn tụ” nhân kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7/2015 tại Hội trường Bộ Quốc Phòng, Hà Nội.

Phần nhạc nền chào đón ông Trương Tấn Sang lên sân khấu khai mạc chương trình bắt đầu vào phút thứ 4’16’’ và, sau những lời chào mừng của ông, cũng bản nhạc đó đưa ông về chỗ ngồi vào phút thứ 4’30’’. Quả thật, đây là một khúc nhạc hoành tráng khiến người nghe cảm thấy phấn khích…

Ngày xưa, thời VNCH cũng có loại “khai quân hiệu” trong các buổi lễ chính thức khi Tổng thống hoặc các viên chức cao cấp đến chủ tọa một buổi lễ, thường thì các ban quân nhạc tấu lên những đoạn nhạc hùng để buổi lễ thêm phần long trọng. Ở các nước khác cũng vậy cho nên lễ nghi nhạc nền cho các buổi lễ trở thành một phần không thể thiếu của một buổi lễ có tầm vóc quốc gia.

Chuyện đáng nói ở đây là phần nhạc nền trong buổi lễ mang tên “Khát vọng đoàn tụ” đã bị dân cư cộng đồng mạng phát hiện là bài nhạc mang tên “Ca ngợi tổ quốc” của Cộng hòa Nhân dân Trung hoa, ra đời từ ngày kỷ niệm Quốc khánh đầu tiên năm 1950 [1].

Cộng đồng mạng lập tức giấy lên những bình luận bất lợi cho chính phủ và vào ngày 02/08/2015, Tuổi Trẻ Online, một tờ báo “lề phải”, đưa tin: “Xử lý sai sót đưa nhạc nước ngoài vào chương trình “Khát vọng đoàn tụ”:

“Kịch bản chương trình đã được Ban Chỉ đạo Quốc gia 1237 và các cơ quan chức năng thẩm định, thông qua và được tiến hành sơ duyệt, tổng duyệt. Đây là chương trình có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc mang đậm tính nhân văn, khơi dậy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc. Chương trình được tổ chức công phu, gây xúc động đối với khán giả xem truyền hình.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chương trình truyền hình trực tiếp đã không kiểm soát được nội dung để xảy ra sai sót là sử dụng một đoạn nhạc nước ngoài trong chương trình.

Cơ quan cấp trên có thẩm quyền đã tiến hành kỷ luật: Khiển trách đối với Ban Giám đốc Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội và chỉ đạo xử lý nghiêm túc kíp thực hiện chương trình…”

Trước đó, ngày 31/7, trao đổi với Tuổi Trẻ, nhà báo Thiếu tá Tùng Lâm, người dẫn chương trình “Khát vọng đoàn tụ” tối ngày 27/7 cho biết: “Việc có một đoạn nhạc nước ngoài trong chương trình chỉ là những sơ suất rất đáng tiếc xảy ra trong một chương trình rất tốt và không nằm trong kịch bản lúc đầu”.

“Một đoạn nhạc nước ngoài” là chữ của nhà nước ám chỉ Trung Quốc, một danh xưng đã quá quen thuộc với người miền Nam kể từ sau 1975 để thay thế cho tên gọi Trung Cộng. Nhưng, kể từ khi Trung Quốc đem giàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực biển Đông của Việt Nam ngày 1/5/2014 thì hình như cái tên Trung Quốc lại biến mất. Tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam được gọi là “tàu lạ” và đến nay nhạc của Trung Quốc được nói là “nhạc nước ngoài”…

Người Việt Nam hình như bị “phong tỏa” bởi vòng kim cô “4 tốt, 16 chữ vàng” của nước láng giềng Đại Hán. Hơn thế nữa, còn bị “kềm chế” về mặt kinh tế-xã hội, từ những dự án xây dựng cho đến cái ăn, cái mặc hàng ngày đổ vào từ phương bắc.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định: "... những ai vẫn nói tới ‘4 tốt 16 chữ vàng’ thì những người ấy chắc là đã bị ăn ‘bùa lú’ mất rồi". Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đặng Ngọc Tùng, đề cập tới Vụ giàn khoan HD-981 một cách chua xót: "Đây là bài học cho những ai còn mơ hồ về 16 chữ vàng, về 4 tốt".

Trên blog của mình, nhạc sĩ Tuấn Khanh viết: “Những lần tránh né gọi thẳng tên kẻ gây ra các vụ xung đột, cướp bóc và giết ngư dân Việt trên biển, thay thế bằng “tàu lạ, kẻ lạ”, khiến khoảng cách của ý thức phân định ta – giặc bị mù mờ. Thậm chí ngay cả sách lịch sử giáo khoa Việt Nam cũng ngại việc gọi tên Trung Quốc là giặc xâm lược, thì âm nhạc ca ngợi ta hay nhạc ca ngợi “nước lạ” cũng mù mờ vậy thôi. Thời gian bào mòn ý thức và sự tỉnh táo về dân tộc và ngoại bang mới đáng sợ làm sao!”.


Giàn khoan HD 981 tại Biển Đông

Trở lại với chuyện “sai sót” dùng nhạc của “kẻ thù” trong chương trình “Khát vọng đoàn tụ”. Một trong những người chịu trách nhiệm trực tiếp là “tổng đạo diễn”, “Nghệ sĩ Nhân dân” Lê Hùng. Ông tuyên bố với báo chí:

“Đoạn nhạc đó chỉ có mười mấy giây, và không có lời, dùng làm nhạc hiệu để Chủ tịch nước đi lên bục phát biểu thôi và đã được chỉnh sửa ở những lần phát lại sau đó”.

Điều này có nghĩa là phần phát lại trên Youtube của VTV đã được “chỉnh sửa”, người ta khi xem đoạn clip phát lại sẽ không còn nghe tiếng nhạc “Ca Ngợi Tổ Quốc” từ phương bắc. Chữa cháy kiểu này cho thấy việc giải quyết “khủng hoảng truyền thông” được áp dụng quá muộn trong thời đại truyền thông kỹ thuật số của thế giới Internet có độ lan tỏa rất nhanh. Nhưng thôi, thà có còn hơn không!

Điều đáng quan tâm là những lời giải thích của những người trong cuộc chỉ mang tính cách “chữa cháy” trong cơn “dầu sôi lửa bỏng”. Trách nhiệm chính trị đã không nêu đích danh một ai trong khi chế độ kiểm duyệt nói chung rất gắt gao, “không để lọt một sơ xuất” nào! Người ngoài cuộc đâm ra suy nghĩ – có thể đúng, có thể sai – là “sự cố” đã được “nhất trí” của những người trong cuộc!

Bản thân đạo diễn Lê Hùng xem ra cũng chỉ là một con tốt trên bàn cờ, dù ông được tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân” (NSND), một cái đích tột bậc của những nghệ sĩ phục vụ chế độ. Thời nay có rất nhiều mỹ từ nhân danh “Nhân dân” như “nhà giáo nhân dân”, “thầy thuốc nhân dân”, “anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”… theo gương của các nước như Liên Xô cũ, Đông Âu…

Cũng xin nói thêm về NSND Lê Hùng. Nhắc đến ông, người ta phải nhớ đến tên tuổi của một vị đạo diễn bậc nhất ở thể loại kịch hiện nay tại Việt Nam. Ông là người sở hữu nhiều nhất các vở kịch kinh điển và được mệnh danh là con “sói già” của sân khấu kịch.

Một NSND khác, Lan Hương, nhận xét về ông một cách khôi hài nhưng lại thâm thúy: "Anh Lê Hùng giống vị "hoàng đế cởi truồng" trong truyện cổ tích, cứ nghĩ là mình đang mặc quần mà không ai dám nói".


NSND Lê Hùng

Có thể Lê Hùng đã được các đồng nghiệp và báo chí nhà nước “ca tụng” quá nhiều nên không còn… biết mình là ai nữa. Trước khi “sự cố” nhạc Tầu xuất hiện trong một chương trình chính thức của Việt Nam, Lê Hùng đã tâm sự qua một cuộc phỏng vấn:

“Trong số tử vi của tôi nói rằng, vào đúng tháng ấy, năm ấy thì tôi sẽ bị nạn thị phi và rơi vào cung nô, tức là cung của các học trò, nô bộc. Tôi không bất ngờ vì biết trước rồi. Bạn bè tôi nhiều người giỏi việc đó. Họ khuyên tôi nên im lặng. Và đúng là tôi cũng không nói nhiều, không thanh minh, giải thích gì cả. Tôi vẫn an toàn mà. Chuyện đó không ảnh hưởng gì đến lương thưởng hay chế độ hưu trí cũng như tiếng tăm của mình. Vì mình có làm gì sai đâu”.

Tuy nhiên, kể từ khi tổng đạo diễn Lê Hùng để lọt bài nhạc Tầu trong chương trình “Khát vọng đoàn tụ” ông đã làm một việc “sai hoàn toàn” dù đoạn nhạc đó theo như lời ông… “chỉ có mười mấy giây”. Vâng, “chỉ có mười mấy giây” nhưng cũng đủ làm tiêu tan danh hiệu NSND mà ông đã được nhà nước ban thưởng.

Điều quan trọng hơn cả, “chỉ có mười mấy giây”, dù vô tình hay cố ý, đã biến ông từ một NSND thành một “nghệ sĩ thân Tầu”. Người ta lý luận, phải thân Tầu mới dùng nhạc Tầu trong một chương trình kỷ niệm thương binh, liệt sĩ, trong đó có cả những người đã nằm xuống trong cuộc chiến biên giới Việt – Trung năm 1979.

Xét cho cùng, trách nhiệm chính trị còn vượt quá tầm vóc của một NSND, nó nằm ở những người đã trao tặng ông Lê Hùng danh hiệu “cao quý” này.


***

Chú thích:

[1] Ca Ngợi Tổ Quốc (Ode to the Motherland - 歌 唱 祖 国) Nhạc và lời của Vương Tân (王 莘).

Ngày 01/10/1949, Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa với một rừng cờ đỏ năm sao tung bay ở Quảng trường Thiên An Môn. Đó là khoảnh khắc cảm hứng nhất cho hàng triệu người yêu nước Trung Hoa, trong đó có nhạc sĩ Vương Tân (Wang Xin).

Vương Tân bắt đầu viết bài hát này vào cuối tháng 9/1950, ngay sau khi ông nhìn thấy một rừng cờ đỏ năm sao tung bay tại Quảng trường Thiên An Môn một lần nữa, trong giai đoạn chuẩn bị cho lễ kỷ niệm Quốc khánh đầu tiên. Lời bài hát và sáng tác âm nhạc của nó đã được công bố chính thức vào ngày 15/9/1951 trên báo People's Daily (Báo Nhân Dân) của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Chúng tôi xin đưa thêm một video clip khác, cũng sử dụng bài “Ca Ngợi Tổ Quốc” của nhóm làm phim người Hồng Kông làm nhạc nền cho khúc phim tài liệu về cuộc biểu tình tại Thiên An Môn, Trung Quốc. Cùng một bản nhạc nền nhưng có sự khác biệt quá lớn về ý nghĩa chính trị giữa Việt Nam và Hồng Kông:

https://www.youtube.com/watch?v=bOc4LQPzS94&feature=youtu.be

***


(Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

Tác giả đang viết tiếp Chương cuối cùng: Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!
--> Read more..

Popular posts