Thứ Năm, 25 tháng 11, 2021

Hiện tượng Thơ & Nhạc Nguyễn Tất Nhiên

Trước 1975, Sài Gòn có một hiện tượng trong sinh hoạt văn học – nghệ thuật khá lý thú. Đó là trường hợp Nguyễn Tất Nhiên (1952 - 1992), được mọi người biết đến như một nhà thơ nhưng cũng ít người biết anh còn là một nhạc sĩ.

Nguyễn Tất Nhiên tên thật là Nguyễn Hoàng Hải, sinh ngày 30/5/1952 tại xã Bình Trước, quận Đức Tu, tỉnh Biên Hòa. Anh học trường Trung học Công lập Ngô Quyền từ năm 1963 cho tới năm 1970.

Khi mới chập chững bước vào Trung học Đệ nhất cấp, Nguyễn Tất Nhiên đã làm thơ và bạn bè khen thơ của anh hồi đó “rất xuất sắc”. Năm 1966, khi mới 14 tuổi, Nguyễn Tất Nhiên đã lập một “thi văn đoàn” mang tên “Tiếng Tâm Tình” với bạn học là Đinh Thiên Phương, tên thật là Đinh Thiên Thọ.

Hai anh “thi sĩ học trò” đã chung nhau xuất bản một tập thơ mang tựa đề “Nàng thơ trong mắt” với bút hiệu Hoài Thi Yên Thi (Nguyễn Tất Nhiên) và Đinh Thiên Phương (Đinh Thiên Thọ). Gia đình Nguyễn Tất Nhiên có tiệm may âu phục lớn ngay trong trung tâm thành phố, còn gia đình Đinh Thiên Thọ có tiệm tạp hóa rất khá giả… nên tiền in thơ… là chuyện nhỏ!

Sự nghiệp của Nguyễn Tất Nhiên thời gian đầu không mấy thành công, thơ in ronéo tặng cho các nữ sinh chẳng ai buồn đọc. Tập thơ xuất bản, gửi bán trong tiệm sách ở đầu chợ Biên Hòa, để lâu giấy vàng cả ra cũng chẳng ai mua!

Đầu óc Nhiên được mô tả là lúc nào cũng như mơ mộng, suy nghĩ đâu đâu, không tập trung ngay cả trong khi còn đang đi học. Bạn bè thời đó gọi đùa Nhiên là “Hải-ngố” hay “Hải-khùng”.

Phải đợi đến khi thơ của Nhiên được một giáo sư trong trường gửi cho tạp chí Sáng Tạo mới được mọi người chú ý. Các nhạc sĩ Phạm Duy, Nguyễn Đức Quang thấy thơ của tác giả Nguyễn Tất Nhiên nào đó đăng trên báo vừa hay vừa lạ nên phổ nhạc. Từ đó Nguyễn Tất Nhiên bắt đầu nổi tiếng.

Năm 1972, Nguyễn Tất Nhiên nhận được giấy gọi nhập ngũ Trường Sĩ quan Thủ Đức, nhưng khi mới đi trình diện khám sức khỏe tại Trung tâm Nhập ngũ số 3 đường Tô Hiến Thành thì bị các bác sĩ trong Hội đồng Giám định Y khoa… chê và cho về với lý do “tâm thần không ổn định”.

Cũng như nhiều thi sĩ khác, đã làm thơ thì chắc chắn sẽ có một… “nàng thơ”! Ở trường hợp Nguyễn Tất Nhiên, đó là người bạn học cùng lớp mang tên Duyên, nàng là một “cô Bắc kỳ di cư” hồi năm 1954.

 

Chân dung Nguyễn Tất Nhiên (1952-1992)

 

Chính cô Duyên là nguồn cảm hứng cho những bài thơ đã khiến Nguyễn Tất Nhiên được mọi người biết đến như “Cô Bắc Kỳ nho nhỏ” (Phạm Duy phổ nhạc), “Linh mục” (Nguyễn Đức Quang phổ nhạc thành “Vì tôi là linh mục”), “Ma sơ” (Phạm Duy phổ nhạc thành “Em hiền như ma sơ”), “Khúc tình buồn” (Phạm Duy phổ nhạc thành “Thà như giọt mưa”)…

Có điều mọi người ít biết đến là Nguyễn Tất Nhiên đã có 4 năm học đàn và sáng tác ca khúc với nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa. Những sáng tác của anh phải kể đến Chiều trên đường Hồng Thập Tự, Khi nào em vượt biển, Như màu nắng sân trường, Sài Gòn trên đường Nguyễn Du, Sông chiều áo trắng, Paris thu khúc, Trên nát tan tôi…

Năm 1980, Nguyễn Tất Nhiên sang định cư tại Pháp, rồi sang Mỹ sống ở Quận Cam.

Ngày 3/8/1992, người ta thấy anh nằm chết trong một chiếc xe hơi cũ, đậu dưới bóng cây trong sân chùa tại California. Mộ Nguyễn Tất Nhiên nằm trong “Vườn vĩnh cửu” thuộc nghĩa trang Westminster phía tây Little Saigon và thường được những người du khách Việt đến thăm viếng.

Theo lời nhà báo Đoàn Thạch Hãn thì bút hiệu Nguyễn Tất Nhiên là do nhà thơ Du Tử Lê đặt. Nhiên bảo, ngay lần đầu mới gặp, Du Tử Lê đã chê cái bút hiệu Hoài Thi Yên Thi.

Nhiên hỏi Du Tử Lê: “Bạn bè em ai cũng chê. Cái bút hiệu này hơi sến phải không?”. Lê đáp: “Tất nhiên”. Du Tử Lê nói thêm: “Họ Nguyễn hả? Ừ thì lấy luôn là Nguyễn Tất Nhiên đi”. Thế là cái tên định mệnh đó ra đời, gắn chặt với thi nghiệp của một con người tài hoa bạc mệnh.

Người ta nói thơ của Nguyễn Tất Nhiên viết về tình yêu của tuổi trẻ qua những cảm xúc cũng như tư tưởng “kỳ cục”! Anh thổi một làn gió mới vào thơ Việt Nam với đầy những ý tưởng kỳ lạ: Người yêu là dao nhọn, là tín đồ duy nhất… còn anh là linh mục, giảng lời tình nhân gian.

Đó chính là cách ẩn dụ táo bạo để nói về cái tình cảm âu yếm trong đau khổ, lạc quan trong bi thiết của những người yêu nhau. Những dòng thơ “kỳ lạ” của anh được đón nhận như một “hiện tượng”, bên cạnh đó là các nhạc sĩ nổi tiếng đã phổ nhạc để phổ biến rộng rãi.

Một hiện tượng kết hợp nhuần nhuyễn giữa Thơ và Nhạc hiếm có trong sinh hoạt nghệ thuật của Miến Nam trước thời kỳ 1975.

 

Nguyễn Tất Nhiên qua nét vẽ của họa sĩ Đinh Cường

 

* Những bài hát phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên:

- Thà như giọt mưa (Phạm Duy)

- Cô Bắc kỳ nho nhỏ (Phạm Duy)

- Hai năm tình lận đận (Phạm Duy)

- Em hiền như Masoeur (Phạm Duy)

- Anh vái trời (Phạm Duy)

- Hãy yêu chàng (Phạm Duy)

- Vì tôi là linh mục (Nguyễn Đức Quang)

- Trúc Đào (Anh Bằng)

- Nỗi sầu khổ dịu dàng (Nguyễn Hữu Nghĩa)

- Lời buộc ràng trăm năm (Nguyễn Hữu Nghĩa)

- Như những hoàng hôn (Nguyễn Hữu Nghĩa)

- Xin chở tình ta theo (Nguyễn Hữu Nghĩa)

- Con sáo sang sông (Võ Tá Hân)

 

Nguyễn Tất Nhiên

 

* Thơ Nguyễn Tất Nhiên (Nguồn: Thơ Nguyễn Tất Nhiên, Nxb Nam Á, Paris, 1982):


Khúc tình buồn

1

người từ trăm năm

về qua sông rộng

ta ngoắc mòn tay

trùng trùng gió lộng

người từ trăm năm

về khơi tình động

ta chạy vòng vòng

ta chạy mòn chân

nào hay đời cạn

người từ trăm năm

về như dao nhọn

ngọt ngào vết đâm

ta chết âm thầm

máu chưa kịp đổ

 

2

thà như giọt mưa

gieo xuống mặt người

vỡ tan vỡ tan

nào ta ân hận

bởi còn kịp nghe

nhịp run vồi vội

trên ngọn lông măng

1970

(Bài thơ đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài hát “Thà như giọt mưa”:  https://www.youtube.com/watch?v=a-KMG1yoG8Q).

 

Nhà thơ và Nàng thơ

 

Hai năm tình lận đận

1.

hai năm tình lận đận

hai đứa cùng xanh xao

mùa đông, hai đứa lạnh

cùng thở dài như nhau

hai năm tình lận đận

hai đứa cùng hư hao

hai năm tình lận đận

hai đứa đành xa nhau

em vẫn còn mắt liếc

anh vẫn còn nôn nao

ngoài đường em bước chậm

trong quán chiều anh ngóng cổ cao


2.

em bây giờ có lẽ

toan tính chuyện lọc lừa

anh bây giờ có lẽ

xin làm người tình thua

chuông nhà thờ đổ mệt

tượng Chúa gầy hơn xưa

Chúa bây giờ có lẽ

rơi xuống trần gian mưa

anh bây giờ có lẽ

thiết tha hơn tín đồ

nguyện làm cây thánh giá

trên chót đỉnh nhà thờ

cô đơn nhìn bụi bậm

làm phân bón rêu xanh

 

3.

hai năm tình lận đận

em đã già hơn xưa!

(Bài thơ đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài hát cùng tên: https://www.youtube.com/watch?v=595Pxl7R44c).

 

Có phải đây là cô Bắc kỳ tên Duyên?

 

Duyên của tình ta con gái Bắc


ta sẽ về thương lại nhánh sông xưa

thương lại bóng hình người năm năm trước...

em nhớ giữ tính tình con gái Bắc

nhớ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền

nhớ dịu dàng nhưng thâm ý khoe khoang

nhớ duyên dáng, ngây thơ... mà xảo quyệt!

ta sẽ nhớ dặn dò lòng nên tha thiết

nên vội vàng tin tưởng chuyện vu vơ

nên yêu đương bằng khuôn mặt khờ khờ

nên hùng hổ... để đợi giờ thua thiệt!

nghe nói em vừa thi rớt Luật

môi trâm anh tàn héo nụ-xa-vời

mắt công nương thầm khép mộng chân trời

xin tội nghiệp lần đầu em thất vọng!

(dù thật sự cũng đáng đời em lắm

rớt đi Duyên, rớt để thương người!)

ta - thằng ôm hận tú tài đôi

không biết tìm ai mà kể lể

chim lớn thôi đành cam rớt lệ

ngày ta buồn thần thánh cũng thôi linh!

nếu vì em mà ta phải điên tình

cơn giận dữ đã tận cùng mê muội

thì đừng sợ, Duyên ơi, thiên tài yếu đuối

tay tre khô mối mọt ăn luồn

dễ gãy dòn miểng vụn tả tơi xương

khi tàn bạo siết cổ người yêu dấu!

em chẳng bao giờ rung động cũ

ta năm năm nghiệt ngã với tình đầu

nên trở về như một con sâu

lê chân mỏng qua những tàn cây rậm

nuôi hy vọng sau ngàn mưa nắng lậm

lá-xanh-em chưa dấu lở loang nào

để ta còn thi sĩ nhất loài sâu

nhìn lá nõn, tiếc, thèm... đâu dám cắn!

nếu vì em mà thiên tài chán sống

thì cũng vì em ta ngại bước xa đời!

1972

 

Nguyễn Tất Nhiên (thứ hai từ trái qua) và các bằng hữu ở Westminster, Hoa Kỳ.

 

Trúc đào

 

Trời nào đã tạnh cơn mưa

Mà giông tố cũ còn chưa muốn tàn

Nhà người tôi quyết không sang

Thù người tôi những đêm nằm nghiến răng

Quên người - nhất quyết tôi quên

Mà sao gặp lại còn kiên nhẫn chào

Chiều xưa có ngọn trúc đào

Mùa thu lá rụng bay vào sân em

Mùa thu lá rụng êm đềm

Như cô với cậu cười duyên dại khờ

Bởi vì hai đứa ngây thơ

Tình tôi dạo ấy là... ngơ ngẩn nhìn

Thế rồi trăng sáng lung linh

Em mười sáu tuổi giận hờn vu vơ

Sang năm mười bảy không ngờ

Tình tôi nít nhỏ ngồi mơ cũng thừa

Tôi mười bảy tuổi buồn chưa

Đầu niên học mới dầm mưa cả ngày

Chiều nay ngang cổng nhà ai

Nhủ lòng tôi chỉ nhìn cây trúc đào

Nhưng mà không hiểu vì sao

Gặp người xưa lại nhìn nhau mỉm cười?

1973

(Bài thơ đã được nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc thành bài hát cùng tên).

 

Mộ Nguyễn Tất Nhiên

 

Linh mục

 

1.

dĩ vãng là địa ngục

giam hãm đời muôn năm

tôi - người yêu dĩ vãng

nên sống gần Satan

ngày kia nghe lời quỉ

giáng thế thêm một lần

trong kiếp người linh mục

xao gầy cơn điên trăng!

 

2.

vì tôi là linh mục

không mặc áo nhà giòng

nên suốt đời hiu quạnh

nên suốt đời lang thang!

vì tôi là linh mục

giảng lời tình nhân gian

nên không có thánh kinh

nên không có bổn đạo

nên không có giáo đường

vì tôi là linh mục

phổ lời tình nhân gian

thành câu thơ buồn bã

nên hạnh phúc đâu còn

nên người tình duy nhất

vừa thiêu huỷ lầu chuông

vì tôi là linh mục

không biết mặt thánh thần

nên tín đồ duy nhất

cũng là đấng quyền năng!

 

3.

tín đồ là người tình

người tình là ác quỉ

ác quỉ là quyền năng

quyền năng là tín đồ

tín đồ là người tình

 

4.

vì tôi là linh mục

không biết rửa tội người

nên âm thầm lúc chết

tội mình còn thâm vai...

1970

(Bài thơ đã được nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang phổ nhạc thành bài hát “Vì tôi là linh mục”).

 

***

 

Ma Soeur

 

đưa em về dưới mưa

nói năng chi cũng thừa

phất phơ đời sương gió

hồn mình gần nhau chưa?

tay ta từng ngón tay

vuốt lưng em tóc dài

những trưa ngồi quán vắng

chia nhau tình phôi thai

xa nhau mà không hay

(hỡi em cười vô tội

đeo thánh giá huy hoàng

hỡi ta nhiều sám hối

tính nết vẫn hoang đàng!)

em hiền như ma-sơ

vết thương ta bốn mùa

trái tim ta làm mủ

ma-sơ này ma-sơ

có dịu dàng ánh mắt

có êm đềm cánh môi

ru ta người bệnh hoạn

ru ta suốt cuộc đời

(cuộc đời tên vô đạo

vết thương hành liệt tim!)

đưa em về dưới mưa

xe lăn đều lên dốc

chở tình nhau mệt nhọc!

đưa em về dưới mưa

áo dài sầu hai vạt

khi chấm bùn lưa thưa

đưa em về dưới mưa

hỡi em còn nít nhỏ

chuyện tình nào không xưa?

vai em tròn dưới mưa

ướt bao nhiêu cũng vừa

cũng chưa hơn tình rụng

thấm linh hồn ma-sơ

1971

(Bài thơ đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài hát “Em hiền như Ma Soeur”).

 *** 

--> Read more..

Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2021

Người già rụng răng!

Các cụ ngày xưa thường nói “cái răng, cái tóc là góc (vóc) con người” nhưng, theo tôi, đối với người già “cái răng” quan trọng hơn “cái tóc” rất nhiều.

Tóc thì có thể thay đổi theo tuổi tác từ màu đen sang màu bạc… nhưng khi về già, răng không thể nào tự mọc được, cho nên phải… làm răng giả để ăn!

Đã ngoài 70 cho nên tôi đã đến nha sĩ rất nhiều lần, không phải để làm đẹp mà là để nhổ nhũng chiếc lung lay và làm răng giả. Lúc trước, khi còn vững tay lái nên có thể đi xe gắn máy đến tận Bệnh viện Răng-Hàm-Mặt trên đường Trần Hưng Đạo để làm răng tới hai lần.

Cũng vì có người quen làm bệnh viện nên đi xa một chút cũng không nề hà gì, miễn là được chăm sóc tận tình, chu đáo. Sau hơn 4 tháng lockdown đợt vừa rồi, răng tôi ngày một tệ, nha chu gần hết, ăn uống khó khăn nên ngày một gầy đét như một… “bộ xương cách trí”!

Hồi còn ngồi cà phê sáng một mình trên đường Hoa Sứ gần nhà có một phòng nha khoa bên kia đường nên tôi quyết định ghé để nha sĩ khám và tư vấn cách giải quyết hàm răng “vô trật tự” đang ngày một “xuống cấp”. Chỉ cần đi bộ vài phút chứ không phải đi xe lên tận bệnh viện.

Quả là một sự tình cờ hi hữu, phòng nha khoa mang tên Hoa Cười lại nằm trên đường Hoa Sứ! Chắc nha sĩ muốn “chơi chữ” với Hoa… và nhắc nhở khách hàng đến một địa chỉ dễ nhớ.


Nha khoa Hoa Cười


Thế là những ngày đầu tháng 11 tôi đi bộ đến Nha khoa Hoa Cười để hy vọng tìm lại được “nụ cười” đã từ lâu vắng bóng trên bờ môi của một người già “thất thập cổ lai hi”. Không phải là “nụ cười đẹp” mà chỉ cần một nụ cười rạng rỡ trước các món ăn hàng ngày!

Phòng khám tuy nhỏ nhưng rất lịch sự với những hình ảnh trang trí, dĩ nhiên là những bức hình mang chủ đề về răng. Tiếp tôi, ngoài một nha sĩ có tên của một nhạc sĩ trùng tên với Tuấn Khanh (một nhạc sĩ nổi tiếng trước năm 1975 với bản nhạc “Hoa soan bên thềm cũ”) còn có một trợ lý và một nhân viên tiếp tân.


Hình ảnh trang trí phòng khám


Nha sĩ Tuấn Khanh trạc độ trên dưới 50 với vóc dáng của một người ưa chuộng thể thao, anh lắng nghe những gì tôi trình bày và cuối cùng dẫn tôi vào phòng khám với những trang thiết bị chuyên môn, có cả máy chụp X-quang để quan sát những chiếc răng lâu nay đã “hành” tôi trong việc ăn uống.

Nha sĩ Tuấn Khanh đưa ra một kế hoạch điều trị theo từng bước. Trước mắt sẽ từ từ nhổ hết các răng hư, rồi làm “hàm tháo ráp”… sau đó, nếu thấy không ổn, sẽ phải cấy “implant” vào răng hàm dưới để giữ hàm cố định khi nhai.



Nha sĩ Tuấn Khanh

Implant là kỹ thuật tân tiến trong nha khoa nhưng khi nhìn vào hình ảnh bắt ốc vít vào lợi... người ta sẽ tưởng tượng sự đau đớn khi đặt chúng vào. Hơn nữa, đặt một con vít chi phí rất tốn kém, khoảng từ 1.500 đến 1.600 đô la cho mỗi cái!

Nha sĩ Tuấn Khanh trấn an, chỉ đặt implant trong trường hợp “chẳng đặng đừng”. Thật ra thì tiền bạc không thành vấn đề vì chi phí do các con đài thọ, nhưng tôi nghĩ thầm trong bụng, chỉ nhổ và làm hai hàm giả để hàng ngày có thể nhai “trệu trạo”, được tới đâu hay tới đó!

Thế là tôi bắt đầu thực hiện hai kế hoạch: nhổ và làm hàm giả. Nha sĩ Tuấn Anh là người rất tình cảm, anh kể lại chuyện anh đã làm răng cho bố anh cách đây gần 10 năm và ông cụ nay đã 86 tuổi mà ăn uống vẫn bình thường.

Theo kế hoạch, tôi bắt đầu đến Hoa Cười để nhổ răng, mỗi lần 2 chiếc, cách nhau vài ngày vì theo lời Tuấn Khanh, điều kiện sức khỏe của người cao tuổi không cho phép nhổ nhiều cái một lần.

Khi viết bài này, tôi đang chuẩn bị bước vào giai đoạn làm hàm răng giả và trong thời gian từ một đến hai tháng bác sĩ sẽ theo dõi sự vận hành của hàm răng mới. Tuấn Khanh nói một cách chân tình:

“Cháu hoàn toàn không mong gì chú phải bước vào giai đoạn implant vì sức khỏe của người già không ổn định… Chỉ mong sao chú có thể ăn uống được bình thường là tốt lắm rồi!”

Tôi rất xúc động vì câu nói đó. Thời buổi này đa số người ta kinh doanh vì lợi nhuận trước mắt, rất ít có người nghĩ đến yếu tố “tình cảm” giữa người và người. Nha sĩ Tuấn Anh thuộc số ít những người vừa mở phòng khám nhưng cũng vẫn giữ được tình người!

Cô Trợ lý (và cũng là người bạn đời của nha sĩ) cũng rất “tâm lý”. Cô gửi tin nhắn một ngày trước những cái hẹn để nhắc nhở khách hàng mỗi khi đến làm răng. Điều này khiến “bệnh nhân cao tuổi” cảm thấy được chăm sóc một cách “tận tình”…



Nha sĩ Tuấn Khanh và “người bạn đời” Trợ lý Huyền Thu (hình trên FB)


Tôi tự nhủ sẽ viết một bài về chuyện “Người già rụng răng” để nói lên những suy nghĩ của mình về trường hợp này. Kết thúc bài viết, xin ghi lại nơi đây những dòng “tự giới thiệu” của Nha khoa Hoa Cười để bạn đọc tham khảo thêm:

“Được thành lập năm 2004 đến nay, Nha khoa Hoa Cười tuy không phải là một trung tâm nha khoa lớn nhưng lại là một trung tâm nha khoa chuyên sâu về chất lượng điều trị cũng như đáp ứng được những nhu cầu đều trị chuyên sâu khác.



“Nha khoa Hoa Cười cung cấp các dịch vụ về răng như khám, tư vấn và chụp phim (miễn phí), cạo vôi, phủ Composite Nano, chỉnh nha, niềng răng, trám răng thẩm mỹ, điều trị tủy răng, bệnh nha chu và cắm ghép Implant”.


(hết trích)



Brochure của Nha khoa Hoa Cười


P/S:

* Địa chỉ Nha khoa Hoa Cười: 35 Hoa Sứ, Phường 7, Quận Phú Nhuận.

* Facebook của Nha sĩ Tuấn Khanh: https://www.facebook.com/khanh.tuan.5209

* Facebook của Trợ lý Huyền Thu và cũng là người bạn đời của Nha sĩ: https://www.facebook.com/profile.php?id=100010967711690


***
--> Read more..

Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2021

Chuyện một Cựu Tổng thống

Tên ông là Ngô Đình Diệm (1901 – 1963), chức vụ cuối cùng trước khi lìa trần: Cựu Tổng Thống của nền Đệ nhất Cộng hòa tại Miền Nam, kéo dài từ năm 1954 đến 1963.

Tùy theo cảm tình và chính kiến, ông còn được mọi người nhắc đến qua nhiều tên gọi khác nhau: từ lãnh tụ, chí sĩ, thầy tu cho đến lý thuyết gia, nhà tư tưởng… của một giai đoạn lịch sử.



Chân dung Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm



Nửa cuối thập niên 50, có cuộc di cư của hàng triệu đồng bào Miền Bắc vào Nam năm 1954. Đa số họ là những người Công giáo, đi theo tiếng gọi “Chúa đã vào Nam” để lập nghiệp tại vùng đất Phương Nam nổi tiếng là trù phú.

Đã có một cuộc thi âm nhạc năm 1956 để ca tụng chí sĩ Ngô Đình Diệm, người đã truất phế Vua Bảo Đại để xây dựng nền Đệ nhất Cộng hòa tại. Bài hát được mang tên “Suy tôn Ngô Tổng Thống” của Ngọc Bích – Thanh Nam.

Hồi đó, khi khán giả đi xem xi nê, cải lương, đại nhạc hội… trước khi mở màn trình diễn mọi người đều đứng dậy lắng nghe quốc ca và bài “Suy tôn Ngô Tổng Thống". Phải đợi cho nhạc dứt hẳn thì mới ngồi xuống. Bài hát có những lời như sau:

“Ai bao năm từng lê gót nơi quê người

Cứu đất nước thề tranh đấu cho tự do

Người cương quyết chống cộng,

bài phong kiến bóc lột,

diệt thực dân đang rắc reo tàn khốc…”




Bài “Suy tôn…” có đoạn điệp khúc:



“Toàn dân Việt Nam nhớ ơn Ngô Tổng thống

Ngô Tổng thống, Ngô Tổng thống muôn năm

Toàn dân Việt nam nhớ ơn Ngô Tổng thống

Xin Thượng đế ban phước lành cho người…”




Bài hát phổ biến đến độ hồi đó trẻ con lại “chế” ra lời 2 của điệp khúc với những lời lẽ rất bình dị nhưng cũng rất gần gũi:



“Toàn dân Việt Nam nhớ ơn tô hủ tiếu

Tô hủ tiếu tô hủ tiếu ngon ghê

Toàn dân Việt Nam nhớ ơn tô hủ tiếu

Xin Thượng đế ban phước lành cho rồi…”



Tổng thống Ngô Đình Diệm



Phải nhìn nhận, ông Ngô Đình Diệm là một trong những chính khách nổi tiếng của Miền Nam. Ông đã từng làm quan triều Nguyễn của Vua Bảo Đại, sau đó làm Thủ tướng, rồi trở thành Tổng thống của nền Đệ nhất Việt Nam Cộng hòa từ năm 1955 đến khi bị lật đổ vào năm 1963.

Tuy nhiên, là một nhà lãnh đạo gốc Công giáo thuần thành, ông bị những người theo Phật giáo phản đối vì thực hiện các chính sách mà họ cho rằng “thiên vị Công giáo”. Tháng 11/1963, một loạt các vụ biểu tình bất bạo động đã gây ra những bất ổn xã hội nghiêm trọng.



Hiệu kỳ “Tiết trực Tâm hư” của Tổng thống Ngô Đình Diệm



Ngô Đình Diệm cùng em trai của mình là Ngô Đình Nhu đã bị ám sát trong một cuộc đảo chính ngày 1/11/1963 của các tướng lĩnh với sự hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ. Một số sử gia coi ông là công cụ chống cộng trong tay người Mỹ, một số thì lại coi ông là “độc tài” và “gia đình trị”, trong khi đó một số khác coi ông là nhà chính trị mang nặng truyền thống phong kiến Việt Nam.



Huy hiệu của Tổng thống Đệ Nhất Cộng hòa

Ngô Đình Diệm là người con thứ 4 trong gia đình 9 anh chị em: anh đầu là Ngô Đình Khôi (Tổng đốc Quảng Nam), kế đến là bà Ngô Đình Thị Giao, Ngô Đình Thục (Tổng Giám mục Vĩnh Long)… Năm người em sau của ông là Ngô Đình Thị Hiệp, Ngô Đình Thị Hoàng, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn và cuối cùng là Ngô Đình Luyện.

Theo Wikipedia, lúc học ở trường Hậu bổ, Ngô Đình Diệm yêu con gái của thầy dạy học và đây là mối tình duy nhất trong cuộc đời tình cảm của ông. Sau khi người con gái đó quyết định đi tu, Ngô Đình Diệm sống độc thân suốt phần đời còn lại của mình.



Đại gia đình



Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về nhân vật lịch sử này. Theo nhà văn Nguyễn Lý Tưởng, trong bài “Bổ Túc Vài Điều về Họ Ngoại của Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận” thì ông Diệm thi vào trường Hậu Bổ. Tốt nghiệp sau 3 năm, ông lần lượt giữ các chức vụ:

- Tri huyện Hương Thủy (1922, năm 21 tuổi),

- Tri huyện Quảng Điền (1923, năm 22 tuổi),

- Tri phủ Hải lăng (1925, năm 24 tuổi),

- Quản đạo Ninh Thuận (1927, năm 26 tuổi),

- Tuần vũ Bình Thuận (1930, năm 29 tuổi),

- Thượng Thư Bộ Lại (1933, năm 32 tuổi) nhưng chỉ được hơn 02 tháng thì từ chức vụ này.


Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Phạm Văn Lưu, trong “Biến Cố Chính Trị Việt Nam Hiện Đại – Ngô Đình Diệm và Bang Giao Việt-Mỹ 1954-1963”, xuất bản tại Melbourne, Australia, thì năm 1919 (18 tuổi chứ không phải năm 1918 như tác-giả Nguyễn Lý Tưởng viết) đã đủ tuổi để thi vào trường Hậu Bổ, và đã đỗ kỳ thi nhập học một cách dễ dàng...

Suốt 3 năm tại trường Hậu Bổ, tức là đến năm 1922, chứ không phải năm 1921 như tác giả Nguyễn Lý Tưởng viết; cũng không phải năm 1926 tức vào năm 25 tuổi như tác-giả Nguyễn Đình Tuyến viết, mà cũng không phải năm 1924 tức vào năm 23 tuổi như tác-giả Hoàng Ngọc Thành viết...

Quyền tri huyện (chứ chưa phải là Tri Huyện chính thức như các tác giả khác viết) huyện Hương Thủy năm 1923 (vào năm 22 tuổi) ông được cử Tri Huyện Huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên.

Ngô Đình Diệm nhất quyết từ bỏ chức vụ Thượng Thư Bộ Lại, từ chức vào ngày 1/9/1933, tức là ngót 4 tháng, gần giống với tác giả Hoàng Ngọc Thành, chứ không phải là hơn 2 tháng như tác giả Nguyễn Lý Tưởng viết.

Theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Thành, trong cuốn “Những Ngày Cuối Cùng của Tổng Thống Ngô Đình Diệm” (xuất bản tại San Jose, CA, năm 1994 thì ông Ngô Đình Diệm là con trai thứ ba (chứ không phải là thứ tư, như nhà văn Tưởng viết) của ông Ngô Đình Khả.

Ông tốt nghiệp năm 1924 khi mới 23 tuổi, chứ không phải là năm 1921 như Nguyễn Lý Tưởng viết và cũng không phải là năm 1926 tức vào năm 25 tuổi như Tiến sĩ Nguyễn Đình Tuyến viết.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Tuyến, trong cuốn “Những Biến Cố Lớn trong 30 Năm Chiến Tranh tại Việt Nam 1945-1975” (Đại Học Đông Nam, Houston, TX) thì:

“Sau khi tốt nghiệp trường Hậu Bổ vào lúc 25 tuổi [tức 1926, chứ không phải 1921 tức vào năm 20 tuổi như Nguyễn Lý Tưởng viết], ông được cử giữ chức Tổng Đốc Phan Thiết [chứ không phải là Tuần Vũ Bình Thuận như ông Tưởng viết]”.

Theo ký giả Tú Gàn (Lữ Giang, tức Nguyễn Cần) trong một bài viết trên “Diễn Đàn Tin Tức” và một số diễn đàn khác thì vào năm 1928 ông được bổ làm Tri phủ Hải Lăng, Quảng Trị (chứ không phải vào năm 1925 như nhiều tác giả khác viết).

Năm 1930 ông được thăng làm Quản Đạo Ninh Thuận, Phan Rang, chứ không phải vào các năm 1927, 1926 như các tác-giả khác viết. Năm 1931 làm Tuần Phủ Bình Thuận, chứ không phải vào năm 1926 như tác-giả Nguyễn Đình Tuyến viết, hoặc năm 1930 như các tác giả Nguyễn Lý Tưởng, Hoàng Ngọc Thành và Phạm Văn Lưu viết.

Cuối cùng, theo ông Bùi Tín, cựu đại tá Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân của đảng Cộng sản Việt Nam, trong bài “Ngô Đình Diệm với tư cách nhân vật lịch sử” thì ông Ngô Đình Diệm vào học Trường Hậu bổ rất sớm, làm tri huyện Hải Lăng khi 28 tuổi, làm tuần phủ Phan Thiết khi mới 30 tuổi.


***


Thật đáng thương cho cố Tổng thống Ngô Đình Diệm, tưởng đã chết đi tức là “yên nghỉ”, nhưng vẫn chưa được… “nghỉ yên”, vì có những người quá yêu mến ông mà phổ biến thêm các chi tiết khác thường, làm nhiễu loạn thông tin.

Năm 1985, Tiến sĩ Vũ Ngự Chiêu, bút danh Chính Đạo, đã có một cuộc phỏng vấn với ông Ngô Đình Luyện (kỹ-sư, em ông Diệm, và cũng là cựu đại sứ VNCH tại Anh) ông Luyện đã tiết lộ một số thông tin chính thức, trong đó có đoạn:

“Ông Ngô Đình Diệm đã được tập ấm chức Cửu Phẩm và làm việc tại Tân Thư viện Huế năm 1917, khi mới 16 tuổi, cho nên đến năm 1918-1919 (17-18 tuổi) thì vào học Trường Hậu bổ là điều khả tín…”

Nhưng khi ông Chiêu hỏi ông Ngô Đình Luyện về tuổi thật của Ngô Đình Diệm, ông Luyện trả lời là “Ông Diệm khai tăng 4 tuổi [từ 16 lên 20 tuổi] để có thể vào trường Hậu Bổ”.

Chương-trình “Open Vault” thuộc hệ thống truyền hình truyền thanh WGBH Hoa Kỳ cũng đã đã hỏi ông Ngô Đình Luyện tại sao Cựu hoàng Bảo Đại lại chọn cử anh của ông là Ngô Đình Diệm làm Thủ Tướng. Ông Luyện trả lời một trong những lý do đó là:

“Cha tôi [Ngô Đình Khả] đã từ chức vì không đồng ý để Pháp đày vua Thành Thái. Lúc đó, một trong các con trai của Người, còn rất trẻ và đã thành đạt là anh tôi đã lên đến đỉnh cao của sự nghiệp với chức Thượng thư Bộ Lại đã từ quan sau sáu tháng nhậm chức…”

Cuộc tổng tuyển cử năm 1955 tại miền Nam Việt Nam là một cuộc trưng cầu dân ý nhằm xác định lãnh đạo tương lai của Quốc gia Việt Nam. Được sự ủng hộ của người Mỹ, cuộc bỏ phiếu đã diễn ra với kết quả Thủ tướng Ngô Đình Diệm đắc cử với hơn 98,2% phiếu bầu.



Kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Tòa Đô chính Sài Gòn


Ngày 23/10/1955 cuộc trưng cầu dân ý diễn ra và đến ngày 26/10 /1955 là ngày thành lập chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Tuy nhên, theo phe chống đối thì đây là “cuộc bầu cử gian lận” trong việc truất phế Quốc trưởng Bảo Đại.



Khai sinh nền Đệ nhất Cộng hòa ngày 26/10/1965



Lá phiếu gồm hai màu: lá màu đỏ in hình ông Ngô Đình Diệm với câu: “Tôi bằng lòng truất phế Bảo Đại và nhìn nhận ông Ngô Đình Diệm làm Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam với nhiệm vụ thiết lập một chế độ dân chủ”.

Lá xanh in hình cựu hoàng Bảo Đại có câu: “Tôi không bằng lòng truất phế Bảo Đại và không nhìn nhận ông Ngô Đình Diệm làm Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam với nhiệm vụ thiết lập một chế độ dân chủ”.

Theo Hoàng Cơ Thụy, trước đó đã có tin đồn rỉ tai, xuất phát từ cơ quan truyền thông của Thủ tướng Ngô Đình Diệm:

“Phiếu đỏ ta bỏ vô bì

Phiếu xanh Bảo Đại ta thì vứt đi!”

***

Quả là cuộc đời chính trị của ông Ngô Đình Diệm có quá nhiều “khúc mắc” nhưng đối với cuộc “đời thường” của ông rất rõ ràng. Ông sống độc thân suốt đời, ông là một tín đồ Công giáo thuần thành, ông ăn uống giản dị trong đó có món ưa thích là lá khoai lang luộc chấm mắn ruốc!



Giấc nghỉ trưa bình dị trong một chuyến kinh lý


Ông có đam mê với nhiếp ảnh và thường chụp hình các cháu, con của ông Nhu, trong Dinh Độc Lập. Ông có “tật xấu” hút thuốc lá “Melia” rất nặng, ăn mặc thì “xềnh xoàng” chỉ “lên bộ” trong các cuộc tiếp đón ngoại giao. Với vóc dáng nhỏ nhắn ông lại có những bước đi thoăn thoắt khiến đoàn tùy tùng phải chạy theo… “bở hơi tai”!




Chụp ảnh là một trong những sở thích của ông Ngô Đình Diệm


Hai ông Diệm – Nhu bắt đầu chuyến đi “định mệnh” của mình vào ngày 1/11/1963 khi cuộc cách mạng của các tường lĩnh xảy ra. Họ chạy đến nhà Mã Tuyên trong Chợ Lớn, rồi tại Nhà Thờ Cha Tam… hai ông đã gục bên nhau trong vũng máu trên một chiếc xe M-113 của quân đảo chánh. Trước đó, năm 1957, ông đã bị “ám sát hụt” tại Hội chợ Ban Mê Thuột.



Thi hài ông Ngô Đình Diệm trên chiếc xe thiết giáp M-113


Cuộc đời của Cựu Tổng Thống đầu tiên Việt Nam Cộng Hòa là vậy!


***
--> Read more..

Chủ Nhật, 7 tháng 11, 2021

Từ Waco đến Bồng Lai

Waco là một thị trấn hiền hòa, nhỏ bé thuộc tiểu bang Texas, gần thành phố San Antonio, nơi tôi du học khóa Giảng viên Anh ngữ năm 1971 tại Defense Language Institute. Từ San Antonio đến Waco khoảng 290km, chừng 2 tiếng rưỡi lái xe.

Tuy diện tích nhỏ bé, Waco đã đi vào lịch sử Hoa Kỳ với vụ bao vây và phá hủy cơ sở vật chất của “Brand Davidians”, một giáo phái ly khai thuộc giáo hội “Cơ đốc Phục lâm ngày Thứ Bảy” (The Seventh Day Adventist Church). Cuộc đột kích này đã dẫn đến một trận hỏa hoạn kéo dài hai giờ, khiến 76 người thuộc giáo phái và 4 đặc vụ thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia phải hy sinh.

 

Cờ của giáo phái “Branch Davidian”

 

Tạp chí Waco Tribune-Herald (ngày 27/3/1993), cáo buộc David Koresh, thủ lãnh của giáo phái, vi phạm chế độ đa thê, ăn ở với ít nhất là 150 người vợ, kể cả việc loạn luân với các con của mình. 

Giáo phái “Brand Davidians” do Victor Houteff sáng lập 1934, ông qua đời năm 1955, kế tiếp là thủ lãnh Benjamin Roden với triết lý “… là một thành viên của giáo phái, bạn phải tách mình khỏi thế giới hiện tại vì đó là một thế giới của tội lỗi… để trở thành người tốt…”

Vernon Howell tham gia giáo phái năm 1983 và trở thành lãnh đạo kế tiếp, đổi tên thành David Koresh vào năm 1990. Các thành viên của giáo phái tiết lộ phải đọc Thánh kinh ngày 3 lần và vì là một người thích âm nhạc, các buổi học thánh kinh thường được Koresh cho xen kẽ bằng những bài hát với tiếng đàn guitar…

 

Thủ lãnh “Branch Davidian” - David Koresh.

 

Một tín đồ còn tiết lộ trên truyền hình ABC: “… David Koresh tin rằng mình là Vua David, ông ấy cũng đã dùng âm nhạc để thuyết phục rất nhiều người, cũng tựa như ca sĩ trên sân khấu…”.

Năn 1992, Koresh khuyến khích tín đồ làm quen với các loại vũ khí vì ông tin rằng trong tương lai giáo phái sẽ bị chính phủ Mỹ tấn công. Và đó cũng là lý do giáo phận trở thành một pháo đài với đầy đủ vũ khí, đạn dược.

 

Giáo phái “Branch Davidian” trong cuộc bao vây ở Waco

 

Koresh tin tưởng ông đang thực hiện một sứ mạng của Thượng đế và ông cũng cho rằng mình là người thuyết giảng Thánh kinh một cách chính xác nhất cho những tín đồ. Điều quan trọng là ông muốn tách rời họ khỏi thế giới mà ông nghĩ là… đầy tội lỗi, xấu xa!

Nữ tín đồ không được trang điểm hay đeo trang sức, họ chỉ được phép mặc những chiếc áo dài màu trắng đơn giản. Koresh còn dạy họ cách ăn uống, và những thức ăn cấm kỵ là đường, bột mì đã được chế biến, những sản phẩm của sữa. Ông giải thích những sản phẩm của sữa chỉ dành cho trẻ nhỏ nên đã là người lớn thì không cần đến những thứ đó! 

Cuộc sống trong giáo phái nói chung là “vui”… chừng nào tín đồ tỏ ra vâng lời, thực hiện những điều David Koresh thuyết giảng. Tín đồ sẽ sống trong sợ hãi một khi làm trái ý ông, hình phạt là những trận đòn vào bất cứ lúc nào, bất kể giờ giấc, có nghĩa là 24/7 quanh năm. 

Koresh luôn luôn nói với tín đồ là ngày tàn của thế giới đang đến gần và họ được chọn là những người cuối cùng còn sống sót. Họ chính là David, những đứa con của Thượng đế. Mọi người trong cộng đồng cùng nhau chăm sóc những đứa trẻ chứ không riêng gì cha mẹ chúng.

Trên danh nghĩa, David Koresh chỉ có bà vợ duy nhất là Rachel Jones nhưng trên thực tế ông có toàn quyền trong giáo khu, mà ông gọi là “Căn nhà của David” (House of David). Không chỉ là quan hệ những nữ tín đồ trưởng thành mà đối tượng còn là con gái của họ đang ở lứa tuổi vị thành niên.

Những tín đồ của David Koresh khi ra điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ đều cho rằng họ đã bị “tẩy não” để sống tại giáo sứ “Brand Davidians” tại Waco. Koresh qua đời ngày 19/4/1993 trong vụ đột kích của lực lượng chính phủ vào “sào huyệt” của giáo phái như đã nói ở trên. 

 

Khu nhà của giáo phái trong ngọn lửa giữa trưa ngày 19/4/1993

 

Cách thị trấn Waco nửa vòng trái đất, tại tỉnh Long An vào cuối tháng 10/2019 có vụ xô xát giữa khoảng 50 người đến Tịnh thất Bồng Lai tìm một người con gái tên Diễm My là con của cặp vợ chồng Võ Văn Thắng - Đoàn Thị Tuyết Mai.

Vụ Waco năm 1993 tại Mỹ và Tịnh thất Bồng Lai năm 2019 tại Việt Nam có nhiều điểm tương đồng: cả hai đều có liên quan đến tôn giáo và đều có những bạo động tuy ở mức độ khác nhau. Duy nhất có điều khác biệt là Waco đã đi vào dĩ vãng và Bồng Lai cho đến nay vẫn còn là một vụ “lùm xùm”, chưa đi đến giai đoạn kết thúc. 

Theo lời tố cáo của anh Thắng và chị Mai, con gái của họ đã bị “dụ dỗ”, bỏ nhà lên Tịnh thất để… tu hành. Bồng Lai còn có tên "Thiền am bên bờ vũ trụ" do ông Lê Tùng Vân (90 tuổi), pháp danh Hoà thượng Thích Tâm Đức hay còn được gọi là “Thầy Ông Nội”!

 

Ông Lê Tùng Vân là người chủ cơ sở mang tên Tịnh thất Bồng Lai

 

Bồng Lai có 5 “chú tiểu mồ côi” đã tham gia chương trình “Thách thức danh hài” và đoạt giải “quán quân” hai mùa liên tiếp trên truyền hình. Vụ “lùm xùm” bắt đầu từ đó khiến cơ quan nhà nước phải vào cuộc.

 

5 chú tiểu trên sân khấu “Thách thức danh hài”

 

Theo kết quả điều tra, phần lớn người sinh sống ở đây đều xuống tóc, mặc áo tương tự người tu hành… Họ tổ chức sinh hoạt như một tu viện Phật giáo, làm nhiều clip nhận là tịnh thất và đã nhận được rất nhiều tài trợ cả trong lẫn ngoài nước.

Cuộc điều tra chỉ công bố kết quả nhưng không có những biện pháp xử lý rốt ráo theo pháp luật nên tưởng chừng như “chìm xuồng”. Tịnh thất Bồng Lai sau đó được đổi tên là “Thiền am bên bờ vũ trụ” sau cuộc điều tra.

Gần đây nhất, vụ Tịnh thất Bồng Lai bỗng trở nên được mọi người chú ý khi bố mẹ của Diễm Ly xuất hiện trên livestream ngày 24/10/2021 của bà Nguyễn Phương Hằng, CEO Công ty Đại Nam ở Bình Dương.

 

Diễm My

 

Bên cạnh sự xuất hiện của cặp Thắng-Mai còn có sự hiện diện của Lê Thanh Minh Tùng, tự xưng là con trai ruột người đứng đầu Tịnh thất Bồng Lai" Lê Tùng Vân. Anh Tùng đã lên tiếng về những hành vi không đúng đắn của “cha ruột mình” ngay trên sóng livestream của bà Phương Hằng ngày 24/10/2021.

Ngay hôm sau lại có video clip của ông Lê Tùng Vân với tiêu đề “Thầy Ông Nội Lê Tùng Vân có đôi lời gửi đến cô Nguyễn Phương Hằng !!”: https://www.facebook.com/watch?v=249000953876820, trong đó có lời kêu gọi:

"Phương Hằng con, con giúp giùm thầy, con giúp thầy chứng minh cho kì được theo lời của Lê Thanh Minh Tùng... chứng minh thầy là cha ruột của Lê Thanh Minh Tùng. Để làm chi, để thầy bù lại tội lỗi của thầy lúc còn trẻ”.

 

Lê Thanh Minh Tùng - tự xưng là con trai ruột người đứng đầu Tịnh thất Bồng Lai

 

Drama Nguyễn Phương Hằng đã kéo dài suốt 7 tháng nay, bắt đầu từ việc tố cáo lương y Võ Hoàng Yên, sau đó kéo theo giới nghệ sĩ, nhà báo, luật sư… Và tới bây giờ, với vụ mới nhất về Tịnh thất Bồng Lai, cộng đồng mạng vẫn chia thành 3 phe: ủng hộ, chống đối và trung lập.

Không biết đến bao giờ mới tới điểm dừng để mọi người được trở về với… “trạng thái bình thường”?

(Bài viết “Từ Waco đến Bồng Lai” chỉ mong góp nhặt những thông tin tham khảo để bạn đọc tiện theo dõi và phán xét về hai cơ sở tôn giáo ở Hoa Kỳ và Việt Nam)

***

  

--> Read more..

Popular posts