Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2021

Chuyện một Cựu Tổng thống

Tên ông là Ngô Đình Diệm (1901 – 1963), chức vụ cuối cùng trước khi lìa trần: Cựu Tổng Thống của nền Đệ nhất Cộng hòa tại Miền Nam, kéo dài từ năm 1954 đến 1963.

Tùy theo cảm tình và chính kiến, ông còn được mọi người nhắc đến qua nhiều tên gọi khác nhau: từ lãnh tụ, chí sĩ, thầy tu cho đến lý thuyết gia, nhà tư tưởng… của một giai đoạn lịch sử.



Chân dung Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm



Nửa cuối thập niên 50, có cuộc di cư của hàng triệu đồng bào Miền Bắc vào Nam năm 1954. Đa số họ là những người Công giáo, đi theo tiếng gọi “Chúa đã vào Nam” để lập nghiệp tại vùng đất Phương Nam nổi tiếng là trù phú.

Đã có một cuộc thi âm nhạc năm 1956 để ca tụng chí sĩ Ngô Đình Diệm, người đã truất phế Vua Bảo Đại để xây dựng nền Đệ nhất Cộng hòa tại. Bài hát được mang tên “Suy tôn Ngô Tổng Thống” của Ngọc Bích – Thanh Nam.

Hồi đó, khi khán giả đi xem xi nê, cải lương, đại nhạc hội… trước khi mở màn trình diễn mọi người đều đứng dậy lắng nghe quốc ca và bài “Suy tôn Ngô Tổng Thống". Phải đợi cho nhạc dứt hẳn thì mới ngồi xuống. Bài hát có những lời như sau:

“Ai bao năm từng lê gót nơi quê người

Cứu đất nước thề tranh đấu cho tự do

Người cương quyết chống cộng,

bài phong kiến bóc lột,

diệt thực dân đang rắc reo tàn khốc…”




Bài “Suy tôn…” có đoạn điệp khúc:



“Toàn dân Việt Nam nhớ ơn Ngô Tổng thống

Ngô Tổng thống, Ngô Tổng thống muôn năm

Toàn dân Việt nam nhớ ơn Ngô Tổng thống

Xin Thượng đế ban phước lành cho người…”




Bài hát phổ biến đến độ hồi đó trẻ con lại “chế” ra lời 2 của điệp khúc với những lời lẽ rất bình dị nhưng cũng rất gần gũi:



“Toàn dân Việt Nam nhớ ơn tô hủ tiếu

Tô hủ tiếu tô hủ tiếu ngon ghê

Toàn dân Việt Nam nhớ ơn tô hủ tiếu

Xin Thượng đế ban phước lành cho rồi…”



Tổng thống Ngô Đình Diệm



Phải nhìn nhận, ông Ngô Đình Diệm là một trong những chính khách nổi tiếng của Miền Nam. Ông đã từng làm quan triều Nguyễn của Vua Bảo Đại, sau đó làm Thủ tướng, rồi trở thành Tổng thống của nền Đệ nhất Việt Nam Cộng hòa từ năm 1955 đến khi bị lật đổ vào năm 1963.

Tuy nhiên, là một nhà lãnh đạo gốc Công giáo thuần thành, ông bị những người theo Phật giáo phản đối vì thực hiện các chính sách mà họ cho rằng “thiên vị Công giáo”. Tháng 11/1963, một loạt các vụ biểu tình bất bạo động đã gây ra những bất ổn xã hội nghiêm trọng.



Hiệu kỳ “Tiết trực Tâm hư” của Tổng thống Ngô Đình Diệm



Ngô Đình Diệm cùng em trai của mình là Ngô Đình Nhu đã bị ám sát trong một cuộc đảo chính ngày 1/11/1963 của các tướng lĩnh với sự hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ. Một số sử gia coi ông là công cụ chống cộng trong tay người Mỹ, một số thì lại coi ông là “độc tài” và “gia đình trị”, trong khi đó một số khác coi ông là nhà chính trị mang nặng truyền thống phong kiến Việt Nam.



Huy hiệu của Tổng thống Đệ Nhất Cộng hòa

Ngô Đình Diệm là người con thứ 4 trong gia đình 9 anh chị em: anh đầu là Ngô Đình Khôi (Tổng đốc Quảng Nam), kế đến là bà Ngô Đình Thị Giao, Ngô Đình Thục (Tổng Giám mục Vĩnh Long)… Năm người em sau của ông là Ngô Đình Thị Hiệp, Ngô Đình Thị Hoàng, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn và cuối cùng là Ngô Đình Luyện.

Theo Wikipedia, lúc học ở trường Hậu bổ, Ngô Đình Diệm yêu con gái của thầy dạy học và đây là mối tình duy nhất trong cuộc đời tình cảm của ông. Sau khi người con gái đó quyết định đi tu, Ngô Đình Diệm sống độc thân suốt phần đời còn lại của mình.



Đại gia đình



Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về nhân vật lịch sử này. Theo nhà văn Nguyễn Lý Tưởng, trong bài “Bổ Túc Vài Điều về Họ Ngoại của Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận” thì ông Diệm thi vào trường Hậu Bổ. Tốt nghiệp sau 3 năm, ông lần lượt giữ các chức vụ:

- Tri huyện Hương Thủy (1922, năm 21 tuổi),

- Tri huyện Quảng Điền (1923, năm 22 tuổi),

- Tri phủ Hải lăng (1925, năm 24 tuổi),

- Quản đạo Ninh Thuận (1927, năm 26 tuổi),

- Tuần vũ Bình Thuận (1930, năm 29 tuổi),

- Thượng Thư Bộ Lại (1933, năm 32 tuổi) nhưng chỉ được hơn 02 tháng thì từ chức vụ này.


Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Phạm Văn Lưu, trong “Biến Cố Chính Trị Việt Nam Hiện Đại – Ngô Đình Diệm và Bang Giao Việt-Mỹ 1954-1963”, xuất bản tại Melbourne, Australia, thì năm 1919 (18 tuổi chứ không phải năm 1918 như tác-giả Nguyễn Lý Tưởng viết) đã đủ tuổi để thi vào trường Hậu Bổ, và đã đỗ kỳ thi nhập học một cách dễ dàng...

Suốt 3 năm tại trường Hậu Bổ, tức là đến năm 1922, chứ không phải năm 1921 như tác giả Nguyễn Lý Tưởng viết; cũng không phải năm 1926 tức vào năm 25 tuổi như tác-giả Nguyễn Đình Tuyến viết, mà cũng không phải năm 1924 tức vào năm 23 tuổi như tác-giả Hoàng Ngọc Thành viết...

Quyền tri huyện (chứ chưa phải là Tri Huyện chính thức như các tác giả khác viết) huyện Hương Thủy năm 1923 (vào năm 22 tuổi) ông được cử Tri Huyện Huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên.

Ngô Đình Diệm nhất quyết từ bỏ chức vụ Thượng Thư Bộ Lại, từ chức vào ngày 1/9/1933, tức là ngót 4 tháng, gần giống với tác giả Hoàng Ngọc Thành, chứ không phải là hơn 2 tháng như tác giả Nguyễn Lý Tưởng viết.

Theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Thành, trong cuốn “Những Ngày Cuối Cùng của Tổng Thống Ngô Đình Diệm” (xuất bản tại San Jose, CA, năm 1994 thì ông Ngô Đình Diệm là con trai thứ ba (chứ không phải là thứ tư, như nhà văn Tưởng viết) của ông Ngô Đình Khả.

Ông tốt nghiệp năm 1924 khi mới 23 tuổi, chứ không phải là năm 1921 như Nguyễn Lý Tưởng viết và cũng không phải là năm 1926 tức vào năm 25 tuổi như Tiến sĩ Nguyễn Đình Tuyến viết.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Tuyến, trong cuốn “Những Biến Cố Lớn trong 30 Năm Chiến Tranh tại Việt Nam 1945-1975” (Đại Học Đông Nam, Houston, TX) thì:

“Sau khi tốt nghiệp trường Hậu Bổ vào lúc 25 tuổi [tức 1926, chứ không phải 1921 tức vào năm 20 tuổi như Nguyễn Lý Tưởng viết], ông được cử giữ chức Tổng Đốc Phan Thiết [chứ không phải là Tuần Vũ Bình Thuận như ông Tưởng viết]”.

Theo ký giả Tú Gàn (Lữ Giang, tức Nguyễn Cần) trong một bài viết trên “Diễn Đàn Tin Tức” và một số diễn đàn khác thì vào năm 1928 ông được bổ làm Tri phủ Hải Lăng, Quảng Trị (chứ không phải vào năm 1925 như nhiều tác giả khác viết).

Năm 1930 ông được thăng làm Quản Đạo Ninh Thuận, Phan Rang, chứ không phải vào các năm 1927, 1926 như các tác-giả khác viết. Năm 1931 làm Tuần Phủ Bình Thuận, chứ không phải vào năm 1926 như tác-giả Nguyễn Đình Tuyến viết, hoặc năm 1930 như các tác giả Nguyễn Lý Tưởng, Hoàng Ngọc Thành và Phạm Văn Lưu viết.

Cuối cùng, theo ông Bùi Tín, cựu đại tá Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân của đảng Cộng sản Việt Nam, trong bài “Ngô Đình Diệm với tư cách nhân vật lịch sử” thì ông Ngô Đình Diệm vào học Trường Hậu bổ rất sớm, làm tri huyện Hải Lăng khi 28 tuổi, làm tuần phủ Phan Thiết khi mới 30 tuổi.


***


Thật đáng thương cho cố Tổng thống Ngô Đình Diệm, tưởng đã chết đi tức là “yên nghỉ”, nhưng vẫn chưa được… “nghỉ yên”, vì có những người quá yêu mến ông mà phổ biến thêm các chi tiết khác thường, làm nhiễu loạn thông tin.

Năm 1985, Tiến sĩ Vũ Ngự Chiêu, bút danh Chính Đạo, đã có một cuộc phỏng vấn với ông Ngô Đình Luyện (kỹ-sư, em ông Diệm, và cũng là cựu đại sứ VNCH tại Anh) ông Luyện đã tiết lộ một số thông tin chính thức, trong đó có đoạn:

“Ông Ngô Đình Diệm đã được tập ấm chức Cửu Phẩm và làm việc tại Tân Thư viện Huế năm 1917, khi mới 16 tuổi, cho nên đến năm 1918-1919 (17-18 tuổi) thì vào học Trường Hậu bổ là điều khả tín…”

Nhưng khi ông Chiêu hỏi ông Ngô Đình Luyện về tuổi thật của Ngô Đình Diệm, ông Luyện trả lời là “Ông Diệm khai tăng 4 tuổi [từ 16 lên 20 tuổi] để có thể vào trường Hậu Bổ”.

Chương-trình “Open Vault” thuộc hệ thống truyền hình truyền thanh WGBH Hoa Kỳ cũng đã đã hỏi ông Ngô Đình Luyện tại sao Cựu hoàng Bảo Đại lại chọn cử anh của ông là Ngô Đình Diệm làm Thủ Tướng. Ông Luyện trả lời một trong những lý do đó là:

“Cha tôi [Ngô Đình Khả] đã từ chức vì không đồng ý để Pháp đày vua Thành Thái. Lúc đó, một trong các con trai của Người, còn rất trẻ và đã thành đạt là anh tôi đã lên đến đỉnh cao của sự nghiệp với chức Thượng thư Bộ Lại đã từ quan sau sáu tháng nhậm chức…”

Cuộc tổng tuyển cử năm 1955 tại miền Nam Việt Nam là một cuộc trưng cầu dân ý nhằm xác định lãnh đạo tương lai của Quốc gia Việt Nam. Được sự ủng hộ của người Mỹ, cuộc bỏ phiếu đã diễn ra với kết quả Thủ tướng Ngô Đình Diệm đắc cử với hơn 98,2% phiếu bầu.



Kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Tòa Đô chính Sài Gòn


Ngày 23/10/1955 cuộc trưng cầu dân ý diễn ra và đến ngày 26/10 /1955 là ngày thành lập chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Tuy nhên, theo phe chống đối thì đây là “cuộc bầu cử gian lận” trong việc truất phế Quốc trưởng Bảo Đại.



Khai sinh nền Đệ nhất Cộng hòa ngày 26/10/1965



Lá phiếu gồm hai màu: lá màu đỏ in hình ông Ngô Đình Diệm với câu: “Tôi bằng lòng truất phế Bảo Đại và nhìn nhận ông Ngô Đình Diệm làm Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam với nhiệm vụ thiết lập một chế độ dân chủ”.

Lá xanh in hình cựu hoàng Bảo Đại có câu: “Tôi không bằng lòng truất phế Bảo Đại và không nhìn nhận ông Ngô Đình Diệm làm Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam với nhiệm vụ thiết lập một chế độ dân chủ”.

Theo Hoàng Cơ Thụy, trước đó đã có tin đồn rỉ tai, xuất phát từ cơ quan truyền thông của Thủ tướng Ngô Đình Diệm:

“Phiếu đỏ ta bỏ vô bì

Phiếu xanh Bảo Đại ta thì vứt đi!”

***

Quả là cuộc đời chính trị của ông Ngô Đình Diệm có quá nhiều “khúc mắc” nhưng đối với cuộc “đời thường” của ông rất rõ ràng. Ông sống độc thân suốt đời, ông là một tín đồ Công giáo thuần thành, ông ăn uống giản dị trong đó có món ưa thích là lá khoai lang luộc chấm mắn ruốc!



Giấc nghỉ trưa bình dị trong một chuyến kinh lý


Ông có đam mê với nhiếp ảnh và thường chụp hình các cháu, con của ông Nhu, trong Dinh Độc Lập. Ông có “tật xấu” hút thuốc lá “Melia” rất nặng, ăn mặc thì “xềnh xoàng” chỉ “lên bộ” trong các cuộc tiếp đón ngoại giao. Với vóc dáng nhỏ nhắn ông lại có những bước đi thoăn thoắt khiến đoàn tùy tùng phải chạy theo… “bở hơi tai”!




Chụp ảnh là một trong những sở thích của ông Ngô Đình Diệm


Hai ông Diệm – Nhu bắt đầu chuyến đi “định mệnh” của mình vào ngày 1/11/1963 khi cuộc cách mạng của các tường lĩnh xảy ra. Họ chạy đến nhà Mã Tuyên trong Chợ Lớn, rồi tại Nhà Thờ Cha Tam… hai ông đã gục bên nhau trong vũng máu trên một chiếc xe M-113 của quân đảo chánh. Trước đó, năm 1957, ông đã bị “ám sát hụt” tại Hội chợ Ban Mê Thuột.



Thi hài ông Ngô Đình Diệm trên chiếc xe thiết giáp M-113


Cuộc đời của Cựu Tổng Thống đầu tiên Việt Nam Cộng Hòa là vậy!


***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts