Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2025

Đồng đội & Đồng nghiệp

Tôi có những người bạn ngày xưa vừa là “đồng đội” (vì khoác chung áo lính) nhưng quan trọng hơn cả là “đồng nghiệp” (vì cùng dạy Anh Văn tại trường Sinh ngữ Quân đội).

Thời buổi này những bạn bè vừa là đồng đội lại còn là đồng nghiệp được gặp lại nhau phải nói là… thật hiếm vì chúng tôi đã bị “tan đàn, xẻ nghé”, lưu lạc 4 phương trời lại thêm tuổi già lọm khọm, chẳng thiết đi đâu!

Ấy thế mà vừa rồi chúng tôi 3 người bạn còn ở lại Sài Gòn đã có một buổi sáng hội ngộ bên ly cà phê thật đầm ấm. Kể từ ngày “tan hàng, cố gắng” 30/4/1975, chúng tôi mới được gặp nhau vào những ngày đầu tiên của tháng 12 năm 2024 dù vẫn mang tiếng là những người còn được hít thở bầu không khí của Việt Nam!

Công đầu phải kể đến là anh Nguyễn Hoàng Quý, người đứng ra tổ chức buổi “gặp gỡ bỏ túi”. Trước đó anh đã liên lạc được với anh Bùi Trọng Kính, để 3 chúng tôi có dịp gặp lại nhau sau nhiều năm “tuyệt tích giang hồ”!

 

Với Nguyễn Hoàng Quý (phải) và Bùi Trọng Kính (trái)

 

Xét về “thâm niên công vụ” thì anh Kính thuộc khoá đàn anh về trường sớm hơn tôi trong khi anh Quý lại là người về sau. Bây giờ thì “đàn anh, đàn em” không còn là rào cản để phân biệt “trước sau” vì chúng tôi chỉ là những “những kẻ đầu bạc” gặp nhau để ôn lại những “ngày xưa thân ái”.

Khi còn ở trường, anh Kính đảm nhận chức vụ “sĩ quan hành chánh”, làm những công việc quản lý khoá sinh theo học tại trường vì cấp bậc của anh tương đối cao nên được miễn nhiệm vụ “tác chiến… trên lớp học”.

Cũng từ anh Kính tôi mới biết Trung tá Chỉ huy trưởng Trịnh Đình Phi đã ra đi như thế nào trong “ngày cuối cùng của cuộc chiến” khi gia đình ông đã di tản từ trước đó vài ngày. Chỉ tiếc một điều anh Kính vẫn ở lại vì “vướng bận thê nhi”. Âu cũng là… cái số! 

 

Bùi Trọng Kính

 

Tôi và anh Quý có nhiều kỷ niệm vì cùng giữ nhiệm vụ “xông pha nơi chiến trường” tại các lớp tiếng Anh dành cho cả ba binh chủng Hải-Lục-Không quân. Quý là một sĩ quan giảng viên trẻ tuổi, hiền lành, tận tuỵ với chức vụ trong lớp học.

Ngoài công việc của một giảng viên, anh hầu như ít tiếp xúc, chuyện trò với các bạn đồng nghiệp. Có thể nói, anh sống nội tâm trong khi tôi có phần ồn ào hơn vì khoá 4/68 chúng tôi có đến 6 sĩ quan được tuyển thẳng từ Thủ Đức về dạy học tại trường.

 

Nguyễn Hoàng Quý

 

Vào những tháng đầu năm 1975, Quý và tôi được biệt phái về Tổng cục Quân huấn thuộc Bộ Tổng tham mưu để tham gia Ban Tu thư & Dịch thuật với công việc chính là dịch các tài liệu và sách có liên quan đến quân đội.

Cũng vì thế, mối quan hệ của chúng tôi trở nên gắn bó hơn thời gian đầu khi mới về trường. Ban Dịch thuật có khoảng hơn 10 giảng viên đều từ trường Sinh ngữ Quân đội biệt phái sang nhưng vẫn mang huy hiệu của trường.

 

Huy hiệu trường Sinh ngữ Quân đội

 

Công việc đầu tiên là chúng tôi được Tổng cục Quân huấn giao nhiệm vụ dịch cuốn “The Prince” của nhà chính trị lừng danh người Ý, Niccolò Machiavelli (1469-1527). Cuốn sách nghiên cứu về các thể chế chính trị ngày xưa và đã được xuất bản rất nhiều lần từ trước và sau năm 1975.

 

Tác phẩm “The Prince: của Niccolò Machiavelli

 

Công việc dịch thuật tương đối nhàn hạ nếu so với việc hàng ngày phải đứng lớp “vật lộn” với khoá sinh ở trường Sinh ngữ Quân đội, đặc biệt là những lớp bắt đầu làm quen với tiếng Anh.

Chúng tôi thường gọi đùa là “đẩy xe bò” khi phải nhận những lớp có trình độ mới bắt đầu, học bộ sách American English Course (ALC) 1.100 hoặc 1.200 dành cho học viên vỡ lòng. ALC do Defense Language Institute (Viện Ngữ học Quốc phòng - DLI) soạn và gửi từ Hoa Kỳ sang Việt Nam.

Tài liệu giảng dạy chính là bộ ALC được đánh sồ từ 1.100 đến 1.400 (vỡ lòng) và 2.100 đến 2.400 (trung cấp). Mỗi lớp chỉ trên dưới 10 học viên và việc dạy vỡ lòng đòi hỏi giảng viên phải đọc làm mẫu để học viên lập lại cho nên luôn luôn phải dùng câu “repeat after me”.

 

Tài liệu giảng dạy “American English Course”

 

Trở lại với những tháng cuối cùng trước khi Sài Gòn sụp đổ. Trong Bộ Tổng tham mưu áp dụng hình thức cấm trại 100% nhưng vì chúng tôi không thuộc quân số cơ hữu của Tổng cục Quân huấn nên vẫn ra vào các nút chặn thoải mái, quân cảnh tại cổng trại không gây khó dễ.

Chúng tôi vẫn ngày hai buổi đi và về khá tự do. Nhà tôi khi đó ở khu Lăng Cha Cả nên cũng gần Bộ Tổng tham mưu, rất tiện đi lại. Nhưng đến ngày 29/4/1975 phi trường Tân Sơn Nhất bị pháo kích nên tôi quyết định chở gia đình vào Bệnh viện Sài Gòn cho an toàn.

Bà xã tôi khi đó đang làm việc tại bệnh viện nên chi bằng chạy vào đó để tránh những cuộc pháo kích tiếp theo vào phi trường. Thế là trên chiếc Honda 67 có chở theo 4 con còn nhỏ (đứa nhỏ nhất chưa đầy 1 tuổi) đi từ Lăng Cha Cả đến bệnh viện trên đường Lê Lợi thuộc Quận 1.

Thật không ngờ, đó lại là một kỷ niệm khó quên: sau khi đưa gia đình vào tá túc bệnh viện tôi lại đi thẳng vào Bộ Tổng tham mưu để… ứng chiến với các đồng ngũ. Đó là đêm cuối cùng khoác áo lính để sáng hôm sau khoác bộ đồ dân sự chạy về bệnh viện với gia đình!

Sáng hôm đó, trời mưa lất phất nhưng cũng đủ làm ướt khuôn mặt… dường như có cả những giọt nước mắt dành riêng cho một cuộc “đổi đời” kể từ ngày 30/4/1975!

 

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts