Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2025

Chuyện về thần đồng âm nhạc Mozart

Wolfgang Amadeus Mozart là một trong những bậc thầy về soạn nhạc nổi tiếng với dòng nhạc cổ điển. Có thể nói, bước từ trong nôi ra đến sân khấu của nhà hát Royal Albert Hall, nhạc của Mozart đã được nghe khắp nơi cho đến ngày nay.

Ra đời trong một gia đình âm nhạc người Áo tại thành phố Salzburg năm 1756, ngay từ lúc còn bé Mozart đã thể hiện một thiên tài âm nhạc. Cuộc đời ngắn ngủi của Mozart kết thúc năm 1791 khi ông mới 35 tuổi nhưng đã để lại cho đời hơn 600 tác phẩm âm nhạc.

 

Chân dung Wolfgang Amadeus Mozart (1756-1791)

 

Nhạc Mozart bao gồm nhều thể loại như những tác phẩm dành cho piano, nhạc thính phòng, nhạc giao hưởng, nhạc tôn giáo và nhạc Opera. Ông đã được nhiều nhà soạn nhạc sau này ngưỡng mộ và các tác phẩm của ông trở thành một phần quan trọng trong nhiều buổi hoà nhạc.

Joseph Haydn, nhà soạn nhạc trứ danh người Áo, ông cũng là người hâm mộ Mozart dù hai người cách nhau đến 20 tuổi. Joseph Haydn nhận xét về người bạn vong niên: "Hậu thế sẽ không thể có người tài năng như Mozart trong 100 năm nữa!".

Mozart sinh ngày 27/1/1756 tại căn nhà số 9 Getreidegasse ở Salzburg. Thành phố này từng là thủ phủ của Tổng giáo phận Giáo hội Công giáo La Mã, một công quốc giáo hội thuộc Đế quốc La Mã Thần thánh mà sau này thuộc Áo.

 

Chân dung Mozart thời thơ ấu

 

Mozart là con út trong số 7 người con nhưng có đến 5 người đã mất khi còn bé. Chị gái duy nhất còn lại của ông là Maria Anna Mozart, khi cô bé được 7 tuổi đã bắt đầu được cha dạy các bài học về chơi đàn phím, trong lúc đó cậu em trai 3 tuổi Mozart ngồi nhìn và nghe. Cô chị hồi tưởng:

“Cậu ấy thường dành nhiều giờ liền trên phím đàn để chơi… niềm vui của cậu hiện rõ khi nghe nhạc... Ở tuổi lên 4, cha tôi đã bắt đầu dạy cậu một vài bản nhạc đơn giản trên phím đàn. Với sự mềm mại và chính xác tuyệt vời, cậu chơi đàn không một chút lỗi... Năm 5 tuổi, cậu đã sáng tác bản nhạc đầu tiên”.

 

Ba cha con trong một gia đình âm nhạc

 

Ông Leopold cuối cùng đã từ bỏ sự nghiệp sáng tác của mình để tập trung phát triển tài năng của con trai. Trong những năm đầu đời, cha của Mozart là người thầy duy nhất của ông. Cùng với âm nhạc, ông còn dạy các con nhiều ngoại ngữ và các môn học khác.

Mozart viết bản giao hưởng đầu tiên năm lên 8 tuổi và bản nhạc kịch Opera đầu đời khi mới 11 tuổi. Trong suốt thời niên thiếu, Mozart cùng gia đình đã thực hiện nhiều chuyến đi khắp Châu Âu, tại đó ông cùng người chị gái đã biểu diễn như “những thần đồng âm nhạc”.

 

Từ trái sang phải: Chị gái Mozart, Mozart và Leopold Mozart. Bức chân dung treo trên tường là mẹ của Mozart

 

Ông Leopold và Mozart lên đường đến Ý, để lại mẹ và chị gái ở nhà. Chuyến đi kéo dài từ tháng 12/1769 tới tháng 3/1771. Ông Leopold muốn phô diễn các khả năng của con trai như một nghệ sĩ trình diễn và một nhạc công trưởng thành. Chẳng bao lâu Mozart được nhận làm thành viên của dàn nhạc giao hưởng Học viện Nghệ thuật Accademia Filarmonica.

Cũng vì Mozart cùng cha đi khắp thế giới nên ông cũng đã biết nhiều ngôn ngữ. Chỉ mới 10 tuổi, ông đã nói được tiếng Đức (ngôn ngữ chính thức của Áo) và các ngôn ngữ khác như Ý, Pháp, Anh, lại còn biết thêm cả “tử ngữ” La Tinh!

Sử sách ghi lại rằng, vào năm 1762, có một giai thoại liên quan đến Công chúa Marie Antoinette và thần đồng âm nhạc Mozart khi cả hai đều còn là những đứa trẻ. Cậu bé nhạc sĩ khi đó mới 7 tuổi được mời lên kinh đô Vienne trình diễn trước văn võ bá quan triều đình Áo.

Chuyện kể lại rằng Mozart trong lần trình diễn này đã bị trượt chân trên sân khấu và bất ngờ té xuống. Một cuộc hội ngộ bất ngờ xảy ra khi Công chúa Antoinette (dù chỉ lớn hơn Mozart có 2 tháng) vội vàng chìa tay cho nhạc sĩ vịn để đứng dậy.

Công chúa hỏi Mozart muốn nhận phần thưởng gì sau buổi diễn. Chàng nhạc sĩ đáp ngay mà không cần suy nghĩ… cậu bé Mozart đã đề nghị xin được cưới Công chúa Marie Antoinette làm vợ!

 

Công chúa Marie Antoinette

 

Quá đỗi bất ngờ và không thể nén cười trước lời thỉnh cầu độc đáo của cậu bé nhạc sĩ thiên tài, Công chúa đành khất: "Ta sẽ xét lại lời thỉnh cầu này khi ngươi đã đủ tuổi trưởng thành".

Có lẽ trong thâm tâm, “Công chúa nhỏ” lúc đó hẳn phải tự hào khi dung nhan của cô đã trở thành niềm ngưỡng mộ rộng khắp trong nhân gian ngay từ lúc đó!

Quả thật như vậy. Công chúa Marie Antoinette trở thành Vương hậu nước Pháp khi kết hôn với Thế tử nước Pháp, người sau này trở thành vua Louis XVI.

Tuy nhiên, cuộc đời “hồng nhan đa truân” của bà về sau có nhiều thăng trầm gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử. Trong cuộc cách mạng Pháp 1789, cuộc đời bà đã phải kết thúc trên đoạn đầu đài ở tuổi 38.

 

Quang cảnh nơi thi hành án chém đầu Hoàng hậu Marie Antoinette, năm 1793

 

Ước vọng hồn nhiên của “cậu bé” Mozart được sống chung với Marie Antoinette mãi mãi vẫn chỉ là “một giấc mơ” của “Thần đồng Âm nhạc”!

 

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts