Nguyễn Chánh Tín (1952-2020)
Khi tôi khoác áo lính, Nguyễn Chánh Tín vẫn còn mài đũng quần trên giảng đường trường Luật ở Sài Gòn. Khi tôi đi học tập về có người lại có ý “khen” tôi hao hao giống anh. Tôi bị “sốc” vì lời khen đó vì thầm nghĩ, giống ai cũng được nhưng sao lại giống Nguyễn Chánh Tín?
Lại nghĩ, tôi thà giống một người nào đó có “đầu óc” hơn là vẻ “điểm trai” như anh! Hơn nữa, anh là dân “cách mạng” thuộc loại “nhà nòi”. Cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người có mối quan hệ họ hàng với anh. Cũng vì lý do đó, Chánh Tín thăng tiến khá nhanh.
Sự nghiệp điện ảnh của Chánh Tín lên như diều từ khi anh là tài tử đóng vai phản gián, Đại tá VNCH Nguyễn Thành Luân, nhưng lại hoạt động cho “phía bên kia”. Nói theo người miền Nam trước 1975, Đại tá Luân đã “nằm vùng” nên bị mang tiếng là “đâm sau lưng chiến sĩ”.
Tiểu thuyết “Ván bài lật ngửa” của Nguyễn Trương Thiên Lý
Cuốn truyện được tác giả Trần Bạch Đằng đề tặng: “Tưởng nhớ anh Chín T. và các đồng chí đã chiến đấu, hy sinh thầm lặng”. Trần Bạch Đằng đã từng giải thích, Chín T. tức là Chín Thảo (Phạm Ngọc Thảo), một nhân vật có thật cũng thuộc “phía bên kia”.
Phạn ngọc Thảo là Đại tá của cả hai lực lượng đối nghịch trong trong cuộc Chiến tranh Việt Nam. Ông mang hai màu áo lính: Quân đội Nhân dân Việt Nam tại miền Bắc và Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại miền Nam.
“Nhà tình báo chiến lược” Phạm Ngọc Thảo đã từng là Tỉnh trưởng Bến Tre và được xem là “đối trọng” với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Ngay sau khi Tổng thống Thiệu lên cầm quyền, Phạm Ngọc Thảo đã bị thủ tiêu. Và dĩ nhiên, ông được một trong hai phe ca tụng hết lời.
Phạm Ngọc Thảo
Năm 1983, bộ phim “Ván bài lật ngửa” đã đoạt Giải đặc biệt của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 6. Trong “hào quang” của một “Nghệ sĩ Ưu tú”, Chánh Tín được nhiều phụ nữ theo đuổi, đã có nhiều lần anh bỏ vợ con, ngoại tình với người hâm mộ hoặc bạn diễn.
Sau này, Nguyễn Chánh Tín còn mở Hãng phim Chánh Phương và kinh doanh bất động sản, nhưng tất cả đều không thành công, nợ nần chồng chất. Năm 2007, Chánh Phương sản xuất bộ phim “Dòng máu anh hùng” (The Rebel) với kinh phí 1,5 triệu đô la, trong đó Nguyễn Chánh Tín đã đứng ra bảo lãnh vay mượn ngân hàng số tiền 8,3 tỉ đồng.
Doanh thu không đạt được kết quả mong muốn nên dẫn đến việc Chánh Tín bị phá sản ở vào tuổi xế chiều. Anh đã phải bán ngôi biệt thự ở Quận 10 để cùng vợ dọn vào một căn nhà thuê. Chánh Tín phải vừa đi hát phòng trà, vừa bán quán nhậu để có tiền trang trải cuộc sống.
Trong mối tình sắt son của ca sĩ Bích Trâm với Chánh Tín, cô là người chịu nhiều thiệt thòi khi lấy một nghệ sĩ đẹp trai có tính đào hoa phong nhã. Với sự khéo léo, vun vén hạnh phúc của Bích Trâm, cả hai vẫn giữ được tình vợ chồng từ năm 1974 cho đến ngày anh lìa đời.
Một tháng trước ngày từ trần 4/1/2020, anh viết cho Bích Trâm, người vợ thủy chung, những lời được coi như là “trăn trối” trên Facebook:
“Hơn 45 năm em làm vợ anh, nghĩ lại anh đã lầm lỗi với em quá nhiều. Em vẫn cam chịu, chấp nhận tha thứ. Vào thời gian anh khốn đốn nhất, em vẫn kề cận sát cánh với anh để cùng đi qua và đến hôm nay vợ chồng mình đã ổn định lại cuộc sống dù là không còn khá giả như trước kia. Cảm ơn em, người bạn đời chung thủy!”.
Chánh Tín - Bích Trâm: những ngày còn ca hát trên sân khấu Sài Gòn
Ba nhân vật chính tạo nên “Ván bài lật ngửa” - nhà văn Trần Bạch Đằng, đạo diễn Lê Hoàng Hoa và diễn viên Nguyễn Chánh Tín - đều đã ra đi. “Nghĩa tử là nghĩa tận” nên bài viết này hoàn toàn không có ý phê phán nhưng cũng không ca tụng một chàng “lãng tử” đào hoa.
Chỉ tiếc một điều, “Ván bài lật ngửa” đúng là đã “lật ngửa” một thân phận mà không ít người cảm thấy tiếc cho một cuộc đời… “hai mặt”.
Để thay lời cuối viết cho một người vừa nằm xuống, chúng tôi xin chúc anh an nghỉ nghìn thu!
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét