Thứ Hai, 27 tháng 1, 2020

Cà phê tất niên với bạn già

27 Tết Canh Tý: Bạn già điện thoại, hẹn gặp cà phê tất niên tại Diễm Ly, địa chỉ “cà phê một mình” quen thuộc.

Bạn già Nguyễn Văn Hưởng vốn đã cùng “mài đũng quần” từ thời trung học tại xứ “Buồn Muôn Thuở” nhưng lại có tên “Buồn Mà Thương” như một người bạn đã từng đặt tên cho Ban Mê Thuột!

Hưởng lớn tuổi hơn tôi, sinh năm 1942, nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên đi học muộn. Anh cũng đã từng làm đến chức “Hội trưởng” của cái hội mà chúng tôi gọi là “Ái hữu cựu học sinh TH BMT”. Nghe thì tên gọi rất “kêu” nhưng chỉ là một nhóm đồng môn cũ mà số “thành viên” chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Ngày đó, sau khi học tập trở về, tôi gặp Đoàn Đình Nga ngồi bơm hộp quạt ga trên lề đường Trương Minh Giảng. Hưởng thì đạp cyclo kiếm sống qua ngày, sau đó chuyển qua nghề “huấn luyện viên”… dậy chó. Một cái nghề rất “thời thượng” trong thời buổi “điêu linh”, chuyên phục vụ cho giới… “tư-bản-đỏ-yêu-chó” mới xuất hiện sau năm 1975!

Về sau, nhóm bạn “chí cốt” gặp nhau vào những ngày Chủ Nhật trên căn gác nhà tôi ở gần Lăng Cha Cả. Nhóm được “mở rộng” với các “hội viên” như Cung Duy Bách (cũng đạp cyclo như Hưởng), Trịnh Viết Bốn (to con nhưng nay đã “vắn số”), Nguyễn Khắc Vỵ (học giỏi nhất lớp nhưng cũng… “vắn số”), Nguyễn Ngọc Thiệp, Nguyễn Văn Hồng (thuộc thành phần “tư sản còn sót lại” từ ngày nào)…

Thời bấy giờ, ai cũng chạy đi kiếm ăn, lo “cơm-áo-gạo-tiền”, nên được gặp nhau vào những ngày cuối tuần là cơ hội quý giá của thời… “sa cơ, thất thế”. Tôi may mắn tìm được chân “lao động phổ thông” cho một công trường xây dựng tại tòa nhà Thép Miền Nam trên đường Nguyễn Du.

Người chủ hợp tác xã thương tình "dân học tập về" nên giao cho việc “đập gạch” làm đá dăm để đổ bê tông rồi sau đó lại được giao cho việc trét mát-tít những khung cửa kính từ dưới đất lên những tầng trên cao. Đổi lại, được hợp tác xã cấp giấy chứng nhận “có công ăn việc làm ổn định” để khỏi phài đi… kinh tế mới!

Hưởng thì “chuyển nghề” từ đạp cyclo sang nghề… dậy chó. “Thời thế tạo anh hùng” nên anh đã trở thành “huấn luyện viên quân khuyển” tại quận Bình Thạnh. Học trò là những chú bẹc-giê vốn được chủ cưng chiều, thậm chí còn đến trường bằng xe… “chuyên chở học sinh”!

Những “nhà giàu mới” nuôi chó bằng thịt, cá trước những cặp mắt thèm thuồng của mọi người, trong đó có cả… “ông thầy dậy chó”. Bãi huấn luyện là vườn hoa Tao Đàn, sau này khi việc làm ăn phát đạt, Hưởng còn có bãi dậy chó riêng, lại còn “phát triển” thêm một chiếc xe có nhiệm vụ đến tận nhà… rước chó đi học!




"Chuyện chó” của Hưởng hầu như chiếm hầu hết buổi hội ngộ tất niên“… chỉ có hai người. Tôi chỉ có dịp hãn hữu xen vào khi tặng anh một chai rượu làm quà nhân dịp cuối năm.

Thật tình thì đó là món quà tặng cho người chủ hôn trong đám cưới của con gái tôi. Hưởng đã đứng ra làm “chủ xị” từ lễ cưới trong gia đình đến tiệc cưới ở nhà hàng. Một chai rượu mừng xuân của vợ chồng con gái chẳng là bao, chẳng nói lên hết tầm lòng của người “thọ ơn” đối với người chủ hôn.


Tất cả chỉ gói ghém một tấm lòng “biết ơn” của những người trong cuộc. Mong anh nhận cho nhân ngày cuối năm!



***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts