Thứ Năm, 30 tháng 8, 2018

Học trò thời xưa

Không biết nên gọi cuốn sách “Tuấn chàng trai nước Việt” là tiểu thuyết hay hồi ức. Ngay phần mở đầu sách, tác giả Nguyễn Vỹ đã khẳng định: “Bộ sách này không phải một tiểu thuyết. Cũng không phải là một ký ức cá nhân…”. Cuốn sách được viết năm 1959 tại Sài Gòn và dựa vào bối cảnh đất nước trong hai thập niên 1900-1910 với nhân vật chính là Tuấn.

Tên cúng cơm của Tuấn là Chuột. Đến khi đi học, Chuột được thầy giáo đặt tên là Trần Anh Tuấn và với tư cách của một nhân chứng thời đại, Tuấn thuật lại một cách vô tư, khách quan và chân thật những diễn biến của đất nước khi người Pháp đến Miền Nam.

Tác phẩm “Tuấn chàng trai nước Việt” – Nguyễn Vỹ (1959)

Vào đầu thế kỷ 20, chữ Hán còn rất thịnh hành, chữ quốc ngữ được rất ít người học, thậm chí còn chê bai. Năm 1910, thằng Chuột khi đó mới 9 tuổi, đã vào học Lớp Năm (lớp Một ngày nay) để bắt đầu học chữ quốc ngữ tại một tỉnh ở miền Trung.

Vào thời đó, những đứa con nít như Chuột đều sợ hãi mỗi khi gặp “ông Tây, bà Đầm”. Chúng chạy trốn vô nhà và chỉ ló đầu ra nhìn khi họ đã đi qua! Nguyễn Vỹ còn đưa ra hai nhân vật: cậu Bốn, một thanh niên thuộc loại đẹp trai nhất xóm, anh đem lòng thầm yêu trộm nhớ cô Ba Hợi. Chuột nói với bạn (tên Đít) về cậu Bốn:

“- Ảnh sợ Tây vậy, chớ hôm trước gặp cô Ba Hợi con gái ông Bá Hộ đi chợ về, ảnh cứ đeo theo chọc hoài, không sợ đâu mầy ơi! Cô Ba không thèm nói gì hết, để cho ảnh cứ đi theo cho tới gần ngõ cổ mới quay lại bảo ảnh: "Nhà tôi có con chó dữ lắm, cậu đừng xớ rớ đây, tôi xịt nó ra cắn thì chịu đấy". Vậy mà anh Bốn cũng không sợ con chó Vện của cô Ba Hợi, mầy ơi!
- Ảnh cứ đứng ngoài ngõ hả?
- Ừ, mầy biết ảnh mê cô Ba Hợi lắm. Mẹ tao nói thế đó. Tại cô Ba Hợi có nhan sắc hơn hết thẩy ở đây.
- Cô Ba Hợi có xịt chó ra cắn ảnh không?
- Không. Nhưng không biết cổ có méc với ông Bá Hộ làm sao mà ông cầm cây roi mây chạy ra ngõ... Anh Bốn thấy cái roi của ổng, sợ quýnh cắm đầu cắm cổ chạy thẳng một mạch về nhà, mầy ơi…(hết trích)

Một lớp học vùng ven

Ở xóm Cửa Bắc, chỉ có thằng Chuột là đi học “Trường Nhà Nước” vào năm 1910. Nói một cách nôm na, Chuột thuộc loại “Lắc-léo-mê-dòng-lô”, được phiên âm từ tiếng Tây “bồi”: “L'élève maison l'eau”, ám chỉ “Học Trò Nhà Nước”.

Số là thầy giáo cứ đến nhà thằng Chuột, thuyết phục cha mẹ nó cố xin cho nó đi học. Thầy còn đem cho nó một xấp “giấy tây” thật trắng, một quyển vở ngoài bìa có in hình “Bà Đầm xoè” thật đẹp, một cây bút, một ngòi bút, một bình mực, một cây thước, một cây bút chì và một cục “gôm”.

Tuy thầy giáo đã dụ dỗ nó ba lần bảy lượt, mà thằng Chuột cứ nhất định không đi học Trường Nhà Nước, nó muốn học “chữ ta” tức là chữ Nôm. Sau cùng, một hôm thầy giáo đến hăm dọa cha mẹ nó: "Chú thím không cho thằng Chuột đi học thì Quan Tây bỏ tù, đừng có trách tôi, nghe không?".

Thầy giáo cũng thú thật rằng thầy được lịnh Quan Đốc và Quan Sứ bảo phải đi kiếm con nít tới học cho đông vì Trường Nhà Nước chưa có học trò. Mấy ngày đầu Tuấn chỉ muốn trốn học, vì thầy giáo bắt học “chữ Quốc Ngữ” ABC. Chuột thấy kỳ cục quá… không giống những chữ “Thiên trời, Địa đất, Thất mất, Tồn còn, Tử con, Tôn cháu, Lục sáu, Tam ba...”.

Thầy giáo bắt nó học “Ba, Bă, Bâ, Bi…”, nó vừa học vừa tức cười. Nó mắc cở, nhưng vì nó sợ ba mẹ nó bị bắt bỏ tù nên nó phải đi học. Trường tỉnh mà vẫn ít học trò, lớp Năm mà chỉ có 7 đứa, lớp Tư cũng 7 đứa, lớp Ba 6 đứa. Lớp Nhì, lớp Nhất chưa có trò nào.

Thầy giáo bảo thằng Chuột về nhà dụ những đứa trẻ khác đi học, Nhà Nước phát cho giấy bút, mực, khỏi phải mua, lại còn phát cho nó một cái mũ trắng nữa. Nó rủ thằng Đít, con chú thợ mộc, nhưng thằng Đít không chịu đi. Thằng Đít nhất định ở nhà học chữ “Thánh Hiền”. Cha nó, chú thợ mộc, muốn thế.

Trong tháng đầu, mỗi lần thằng Chuột đi học là nó cứ khóc tuy nó đã 9 tuổi rồi, cái chởm tóc trên đỉnh đầu đã dài xuống đến ót. Nhưng học được một năm, nó biết chút ít “tiếng Tây”.

Dân Cửa Bắc đồn rùm lên là thằng Chuột giỏi tiếng Tây lắm, mới học một năm mà đã nói được chữ Tây. Nó vô tình trở thành người quảng cáo chữ Tây và Trường Nhà Nước cho cả dãy phố Cửa Bắc. Nhờ nó mà tháng 9/1910, sau kỳ nghỉ hè trường có thêm khá đông học trò.

Thầy đồ và lớp học chữ Nho

Trường hợp của cậu Bốn khác hẳn với chuyện đi học của thằng Chuột. Cậu nhất định chê chữ Tây không có nghĩa lý cao thâm bằng chữ Ta. Vả lại, cậu đã 18 tuổi rồi, chữ Hán cậu đã giỏi, đã thuộc hết “Tứ Thư Ngũ Kinh”, còn học chữ Quốc Ngữ và tiếng Tây làm chi nữa?

Không dè rốt cuộc cậu cũng phải học chữ Quốc Ngữ. Nguyên do là tại cô Ba Hợi, con gái ông Bá Hộ ở bến Tam Thương. Không biết ai bày vẽ cho cổ từ hồi nào, mà cô ở nhà đã học chữ Quốc Ngữ, thuộc vần xuôi, vần ngược, bắt đầu đánh vần và viết được rồi.

Cô đi chợ, mua một đồng tiền bột phẩm tím về nhà bỏ trong một cái ve, đổ nước sôi vào, hoà thành ra mực. Cô đến một tiệm lớn của khách trú mua một “manh giấy Tây” giá là một tiền, cô bọc lá chuối thật kỹ, cho khỏi nhớp. Cô cũng mua một cán bút, một ngòi bút.

Những lúc rảnh, cô tập viết chữ Quốc Ngữ một mình. Kể ra ở tỉnh cô Ba Hợi là một cô gái tân tiến nhất lúc bấy giờ trong giới phụ nữ, nghĩa là chỉ có mình cô là con gái học chữ Quốc Ngữ mà thôi. Cô phải học lén ở nhà với một ông thầy vì sợ chúng bạn ngạo.Một hôm cô Ba đi chợ, tình cờ gặp lại cậu Bốn Thanh, khăn đeo áo dài với cái búi tóc trên đầu mà lại… đi chưn không. Đến chỗ vắng, chàng thanh niên chận cô Ba Hợi giữa đường để tán tỉnh. Nguyễn Vỹ tả lại cách tán gái của chàng thanh niên Nho học:

- Cô Ba ơi! cô nỡ lòng nào chê bai kẻ tiện sĩ này sao? Tôi không thấy mặt cô mộtngày thì nhớ cô lòng thắt ruột đau. Sách có chữ “Nhất nhật bất kiến như tam thu hề”,mà cô không thương xót tôi sao đành! Cô ơi, sách lại có chữ “Xuân bất tái lai”, thì giờ chạy mau như bạch câu quá khích, hay là cô còn chọn đá thử vàng mới kết duyên TầnTấn?

Cô Ba đội nón, còn cúi mặt xụp xuống nữa, không dám ngó cậu Bốn, nhưng cô la lớn: “Cậu không để tui đi, tui la làng la xóm bây giờ đây”.

Câu Bốn sợ cô Ba la làng, nên phải đứng né qua một bên để cô Ba đi, nhưng cậucứ lẽo-đẽo theo sau nói lải-nhải hoài. Cô Ba làm thinh không trả lời một tiếng. Tối hômấy, dọn dẹp bếp núc xong, cô lấy một tờ giấy Tây, bình mực tím và cây viết… cổ vừađánh vần Quốc Ngữ, vừa viết thật kỹ:

“CẬU BỐN

“Chừng nào cậu đọc được bức thư này, thì tôi mới nói chuyện với cậu. Còn cậu không đọc được thư này, thì cậu đừng có nói chuyện với tui mất công. Thư bất tận ngôn.

Nguyễn Thị Hợi”

(hết trích)

Học trò thời Pháp thuộc

Hôm sau, cô Ba đi chợ, dắt thằng em trai 6 tuổi đi theo. Đi khỏi nhà được một quãng, gần chỗ ngã tư rẽ ra Cửa Bắc, cô gặp cậu Bốn Thanh đứng câu cá nơi mương. Cậu giả vờ câu cá mà thực ra là mong được gặp cô Ba đi chợ như mọi ngày.

Cô thò tay trong yếm (năm 1910, cô Ba mặc yếm cũng như đời nay mặc coóc-xê), cô rút ra phong thư bằng giấy Tây mà cô đã viết đêm qua. Cô đút thư trong bàn tay của đứa em trai và nói thầm gì với nó. Cô bước đi thật nhanh, để em đứng lại sau đưa thư cho cậu Bốn Thanh. Nó sợ sệt nói ấp úng: “Chị tui đưa cho chú cái này nè”.

Chàng trai vui mừng cầm giấy thì đứa bé đã chạy thật lẹ để theo kịp chị nó. Chàng mở giấy ra coi, đứng tần ngần một lát, mắc cở đỏ mặt tía tai… vì chàng không biết chữ Quốc Ngữ. Chàng không đọc được bức thư của cô Ba Hợi, tức quá, không biết là cổ viết gì?

Thế là chàng nhất định phải tìm người dạy chữ Quốc Ngữ. Thầy giáo chỉ cho chàng học A,B,C, Ba, Bă, Bâ... không ai xa lạ: chính là thằng Chuột! Thằng Chuột thật là quái ác. Thanh đã dặn nó đừng tiết lộ cho ai biết câu chuyện “bức thư quốc ngữ” của cô Ba Hợi, thế mà thằng nhỏ lại đi mách lẻo cùng cả dãy phố, làm cho ai nấy ôm bụng cười.

Từ hôm đó, cả ngày Thanh không dám bước chân ra phố. Chàng lén đưa tiền bảo thằng Chuột mua dùm giấy, bút và mực để nó cứ tối tối đến dạy cho chàng học chữ Quốc Ngữ. Thằng Chuột đã học hết vần xuôi vần ngược, và đã tập viết, tập đọc, ba tháng sau khi đến trường nên nó đủ sức dậy lại cậu.

Tuy nhiên, thân sinh của cậu Bốn là ông Xã không bằng lòng. Một hôm ông rầy con với giọng bực tức: “Mầy đã 18 tuổi, thằng Chuột 9 tuổi mà nó làm Thầy mầy, thiệt ốt nhột quá”. Ông còn nói, học A.B.C. đó là “chữ Tây” chứ đâu phải “chữ Ta”.

Cậu Bốn giải thích đó là chữ Tây nhưng đánh vần thành ra… chữ Ta. Thí dụ như muốn viết chữ "cha", thì đánh vần ch.a.cha.. Chữ "mẹ" thì đánh vần m-e-me-nặng-mẹ. Cuối cùng, vì sợ ba rầy, cậu nói với Chuột là cậu đã đánh vần được chữ quốc ngữ nên từ nay khỏi đến dạy nữa.

Thầy giáo dạy môn địa lý

Biết quốc ngữ nên để trả lời cho người đẹp, chàng thanh niên tên Lê Văn Thanh đã viết một bức thư dài hai trang giấy tây với chữ thật to.. vì mới tập viết! Và thế là chuyện tình của Lê Văn Thanh – Nguyễn Thi Hợi đã tiến tới một đoạn kết… có hậu.

Cả khu phố Cửa Bắc, và cả làng Chánh Lộ, ở ngay tỉnh lỵ, không ai ngờ cậu Bốn Thanh học trò chữ Nho của ông Tú Phong, bây giờ lại cắp vở đến Trường Nhà Nước học chữ Tây. Ai hỏi tại sao thì cậu trả lời: “Tại Nhà Nước Đại Pháp bắt buộc, khôngđi học thì bị tù”.

Thật tình cô Ba Hợi yêu cậu Bốn Thanh, nhưng cô chỉ bằng lòng làm vợ của cậu với một điều kiện là người yêu của cô phải đi học chữ Tây ở trường Nhà Nước, phải thi đậu làm thầy Thông, thầy Ký.

Chàng Thanh đã 18 tuổi bắt đầu vào học lớp Năm! Nhưng chàng không ngượng, vì thời bấy giờ theo học chữ Hán học trò toàn là 17, 18 sắp lên. Tụi con nít như thằng Chuột chưa phải là học trò chánh hiệu. Vả lại, Trường Nhà Nước mới mở, học trò còn hiếm lắm.

Chân dung một học trò

Ngày nhập học, Lê Văn Thanh, vẫn để búi tóc trên đầu, vẫn bịt khăn đen, mặc áo dài đen, chân mang guốc, cặp hai quyển vở và cây bút sắt, cây bút chì, thước gạch, bình mực tím, bẽn lẽn đến trường. Đây là một ngôi trường lợp tranh, vách tường bằng phên tre quét vôi, nền tô xi-măng. Ông Đốc là người Việt Nam nói:

“Trưa nay về nhà, trò phải cúp tóc ca-rê, bỏ cái búi tóc kia đi và đừng bịt khăn... Chiều nay cậu cúp tóc rồi Nhà Nước sẽ cho cậu một cái mũ trắng để đội”.

Ba cậu phản đối kịch liệt, ông nói: “Làm con, có cái búi tóc ở trên đầu để thờ Cha kính Mẹ mà cắt bỏ đi, thì còn gì là Cha con, Mẹ con nữa!... Mầy mà nghe lời người ta cắt bỏ cái búi tóc là tao nhẩy xuống giếng tao tự tử!”

Ông Xã khóc, bà Xã khóc, chàng thanh niên Lê văn Thanh cũng khóc, nhưng rốt cuộc cái búi tóc trên đầu chàng cũng phải cắt bỏ đi, tóc phải cúp "carré" vì Quan Đốc học trường Nhà Nước đã truyền lịnh như thế.

Nhưng năm 1910, tận nơi tỉnh lỵ ở Trung Việt, chỉ mới có một vài người làm nghề hớt tóc. Chú Bảy theo ghe nước mắm vào Đồng Nai học nghề cúp tóc trước đó một vài năm. (Lúc bấy giờ các tỉnh Trung Việt, người ta vẫn gọi Sài Gòn là Đồng Nai, danh từ Saigon chưa được thông dụng).

Chú mua kéo, toon-đơ, dao cạo, cũng ở tại Đồng Nai, đem về mở tiệm cúp tóc ở tỉnh lỵ.Nói là mở tiệm, nhưng chú chỉ thuê một xó hè của một tiệm buôn khách trú, đặt mộtcái bàn con, một chiếc ghế đẩu, và treo một tấm kiếng trên vách tường. Thế là đủ chochú hành nghề.

Chú treo tấm vải trắng phía ngoài đường, trên vải chú viết bằng mực Tàu, một chữ Tây "COIFFEUR" và chua ở dưới hai chữ Hán (Thế Phát: Cắt Tóc). Chữ Quốc Ngữ vì chưa được truyền bá, ít người biết, nên chú thợ hớt tóc chỉ viết quảng cáo bằng chữ Hán và chữ Tây. Chú để chữ Tây cho oai, bắt chước chữ Tàu học lỏm trong Đồng Nai, và thỉnh thoảng chú còn nói với mấy bác lính tập: "Tui làm cốp phơ cho quan Công Sứ".

Cậu Thanh tình thật đến nhờ chú Bẩy đem đồ nghề qua nhà cúp tóc vì ông già còn phải cúng ông bà để cho cắt tóc. Chú Bẩy cốp phơ gật đầu lia lịa. Chú còn nói cái búi tóc trên đầu mình là của ông bà cha mẹ. Cắt nó đi là có tội, cho nên phải cúng ông bà.

Chú “cốp phơ” gói đồ nghề đến nhà ông Xã. Trên bàn thờ có bầy một hộp trầu cau, một nải chuối chín và một con gà luộc. Một mâm gỗ lớn đựng mười chén cháo và mười đôi đũa, đặt trên bộ ván kê trước bàn thờ. Ông Xã thắp đèn hương, đứng khấn vái hồi lâu. Ông khấn như sau:

“Bữa nay, thằng con bất hiếu Lê văn Thanh, tuân lệnh Quan, phải cắt tóc để đi học trường Nhà Nước, nên có lễ vật để cáo với liệt vị tiền nhân, các bậc Cao tằng Tổ khảo với Tổ phụ, Tổ mẫu, chứng giám. Xin vong linh liệt vị phù hộ cho con cháu, để nó học hành, công danh hiển đạt” 

“Coiffeur” ngày xưa

Mỗi năm Thanh đều lên lớp, đến năm 22 tuổi anh học hết lớp Nhất, được đi thi “Khoá Sanh”, nói theo tiếng Pháp là thi “Ri me” (Primaire). Thi “Ri me” rất khó vì có ông Tây chấm thi, và hầu hết các môn thi bằng chữ Tây.

Lê văn Thanh bây giờ đã hoàn toàn là một cậu học trò “Trường Pháp Việt”, học chữ quốc ngữ, chữ Tây, nói tiếng Tây, tuy chưa phải là thứ tiếng Tây đúng đắn, nhưng cũng cứ nói được, hiểu được khá nhiều để có thể bập bẹ đối đáp với “ông Tây bà Đầm”.

Một tuần lễ sau khi tuyên bố kết quả kỳ thi “Ri me” năm 1915 là ngày cậu Khoá Lê Văn Thanh được “vinh quy bái tổ” về làng. Tám giờ sáng, cậu mặc áo dài đen mới may bằng “vải trăng đầm”, mang đôi guốc, đội mũ trắng, được quan Đốc học dẫn đến chào Quan Công Sứ Pháp và Quan Tuần Vũ.

Trước cổng dinh Quan Tuần, chức sắc và dân làng sở tại đã về tựu rất đông với cờ quạt, trống chiêng, và một chiếc xe kéo gỗ, bánh bọc bằng niềng sắt. Lúc bấy giờ, từ khoảng năm 1910 đến 1920, chưa có bánh xe bằng cao su.

Ông Xã phải giết một con bò và một con heo để đãi làng, đãi dân. Kể từ đây, chàng thanh niên Lê Văn Thanh được lên địa vị “khoá sanh”, được miễn khỏi xâu, khỏi thuế, lại còn được đứng vào hàng chức sắc Hương Cả.

 Lễ Vinh quy Bái tổ

***

* Thay thời kết:

Học chữ quốc ngữ và tiếng Tây hồi đầu thế kỷ 20 xem ra cũng không có gì là khó. Chỉ một cậu bé 9 tuổi như thằng Chuột cũng có thể chỉ cho người người lớn như chú Bốn Thanh. Thời gian cũng chỉ mất vài tháng vừa đánh vần xuôi, vần ngược mà lại còn có thể viết ra giấy.

Ấy thế mà các vị khoa bảng ngày nay không hài lòng với tiếng Việt. Họ muốn cải tiến. Nhưng hình như càng sửa lại càng làm cho tiếng Việt mất đi sự trong sáng vốn có từ bao đời nay.

Phải chăng chuyện của tác giả Nguyễn Vỹ trong “Tuấn chàng trai nước Việt” có thể coi như bài học cho các Giáo sư, Tiến sĩ và các quan chức ngày nay? Các vị hãy dừng lại những “tối kiến” trước khi làm cho tương lai tiếng Việt… ngày một tối tăm! Xin đừng để con em chúng tôi trở thành những con chuột bạch trong phòng thí nghiệm.

Mong lắm thay.

Lớp học ngày xưa

***

* Vài dòng về tác giả Nguyễn Vỹ:

- Nguyễn Vỹ là nhà báo, nhà thơ thời tiền chiến. Các bút hiệu khác của ông là: Tân Phong, Tân Trí, Lệ Chi, Cô Diệu Huyền.

- Năm 1937, Nguyễn Vỹ sáng lập tờ “Việt – Pháp” lấy tên là “Le Cygne”, tức Bạch Nga. Báo có nhiều bài viết chỉ trích đường lối cai trị của người Pháp nên bị đóng cửa. Còn bản thân ông bị kết tội phá rối trị an và phá hoại nền an ninh quốc gia, bị tòa án tuyên phạt 6 tháng tù và 3.000 quan tiền.

- Năm 1939, quân Nhật vào chiếm đóng, Nguyễn Vỹ lại tranh đấu chống Nhật, bằng cách soạn và cho xuất bản hai quyển sách chống chế độ quân phiệt Nhật. Nguyễn Vỹ bị nhà cầm quyền Nhật bắt giam tại ngục Trà Khê.

- Năm 1945, thế chiến thứ hai chấm dứt, Nguyễn Vỹ sáng lập tờ báo “Tổ quốc” tại Sài Gòn, rồi tờ “Dân chủ” xuất bản ở Ðà Lạt, cả hai tờ báo lần lượt bị đình bản. Năm 1952, một nhật báo khác, tờ “Dân ta”, sống được một thời gian, cuối cùng cũng bị đóng cửa.

- Năm 1958, ông đứng ra chủ trương bán nguyệt san “Phổ Thông”, chú trọng về nghệ thuật và văn học, tạp chí này được coi là có nhiều uy tín đối với làng báo miền Nam. Ngoài ra, ông còn cho ra tuần báo “Bông Lúa”, tuần báo thiếu nhi “Thằng Bờm”. 

***


--> Read more..

Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2018

“Ông Năm” Yersin

Vào thế kỷ thứ 19, người Việt ở Nha Trang gọi Bác sĩ Alexandre Émile Jean Yersin (1863-1943) là “Ông Năm”. Theo cấp bậc nhà binh, ông là Đại tá Quân y trong lực lượng viễn chinh của quân đội Pháp tại Đông Dương với lon mang 5 vạch, tức “quan năm”.

Ông Năm lại còn được người bản xứ gọi thân mật là “Ông Tư” vì theo cách gọi của người Miền Nam, ông là người con út thứ ba trong gia đình của một giáo sư người Pháp và sinh sống tại Thụy Sĩ. Yersin mồ côi cha khi mới ra đời được ba tuần tuổi do bố ông bị xuất huyết não.  

Yersin nhận văn bằng Tiến sĩ Y khoa khi mới 25 tuổi, sau đó ông qua Berlin (Đức) để kịp ghi danh theo học lớp vi trùng học do Bác sĩ Heinrich Hermann Robert Koch (1843-1910) giảng dạy. Giáo sư Koch là một bác sĩ và nhà sinh học nổi tiếng với việc tìm ra trực khuẩn bệnh than (1877), trực khuẩn lao (1882) và vi khuẩn bệnh tả (1883).

Tuy nhiên, nhà khoa học trẻ đầy triển vọng này không chịu hài lòng với môi trường học thuật “đỉnh cao” ở Paris. Năm 1890, Yersin quyết định rời nước Pháp để đến Đông Dương. Đó cũng là lần đầu trong đời ông thấy biển.

Trải nghiệm này khơi nguồn khát vọng được đi và khám phá, sẵn lòng từ bỏ tương lai xán lạn trong nghiên cứu khoa học ở Paris như là một môn đệ của Louis Pasteur (1822-1895). Trong một bức thư gửi mẹ, Yersin viết từ Đông Dương:  

“Con sẽ không buồn nếu phải rời Paris vì con thấy chán ngấy kịch nghệ, đám thượng lưu làm con kinh tởm, và đời mà không đi khám phá thì còn gì là đời!”.

Chính Pasteur viết thư đề cử Yersin làm bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho hành khách và thủy thủ của hãng tàu Messageries Maritimes. Ông phục vụ trên tàu Volga, một con tàu cũ kỹ chạy bằng buồm và hơi nước trên tuyến hàng hải Sài Gòn – Manila, chuyên chở 67 hành khách cùng vài tấn hàng hóa.

Trong thời gian qua lại giữa hai thành phố Sài Gòn và Manila, Yersin tổ chức những chuyến thám hiểm ở Philippines và Nam Kỳ. Từ đó, ông tích lũy kiến thức cùng kinh nghiệm cho ước mơ khám phá những vùng đất mới tại xứ An Nam.

Cũng trong thời gian này, Bác sĩ Albert Calmette (1863-1933), một môn đệ khác của Pasteur, đến Sài Gòn tìm gặp Yersin. Calmette đề nghị hợp tác trong việc thành lập chi nhánh Viện Pasteur ở Sài Gòn năm 1891, đây là Viện Pasteur đầu tiên ngoài nước Pháp của Viện Pasteur Paris.

Cả chuyến đi cũng như chuyến về, tàu Volga đều dừng lại ở Nha Trang, một vịnh nước yên tĩnh, đầy nắng ấm và cát trắng. Yersin đã bị mê hoặc bởi vùng đất hoang dã với mảng thực vật trên đất liền đẹp rực rỡ, bên trên là những đỉnh núi mây mù chưa từng ai đặt chân đến và cũng chưa hề được vẽ bản đồ.

Alexandre Émile Jean Yersin (1863-1943)

Với tâm nguyện phục vụ dân nghèo bên cạnh việc nghiên cứu khoa học, Ông Năm đã quyết định chọn Nha Trang làm quê hương thứ hai. Đầu tiên, ông dựng tại Xóm Cồn một căn nhà gỗ đơn sơ để chữa bệnh cho dân nghèo. Yersin khám bệnh miễn phí, ông viết cho mẹ:

“Mẹ hỏi con có thích ngành y không. Có và không. Con rất vui được chữa trị cho những người đến nhờ con khám, nhưng con không muốn biến y học thành một cái nghề, nghĩa là con sẽ không bao giờ có thể đòi một người bệnh trả tiền vì đã chữa bệnh cho người đó. Con coi y học là thiên chức, là mục vụ. Đòi tiền để chữa trị cho bệnh nhân thì chẳng khác nào nói với người đó rằng: tiền hay mạng sống."

Yersin nói tiếng Việt một cách “lõm bõm”. Thứ tiếng Việt “trọ trẹ”, chẳng hạn từ ngữ “người ta” ông dùng để chỉ cả người lẫn vật, số ít cũng như số nhiều. Ông Năm yêu trẻ, ông thường chiếu phim cho trẻ em Xóm Cồn xem. Một hôm, chúng đánh vỡ chậu hoa, ông bảo người giúp việc: "Đừng rầy đánh, người ta sợ."

Thời bấy giờ, ngư dân tránh được tai họa do bão cũng là nhờ Ông Năm quan sát thiên văn để báo trước cho họ. Ngư dân lại có thói quen hay uống rượu say, cãi lộn, gây gổ, chửi nhau, thậm chí ẩu đả. Ông lặng lẽ lấy máy quay phim, ghi lại những chuyện không hay ấy.

Sau đó, mời dân Xóm Cồn đến xem phim. Ông hỏi họ như vậy có hay không, đẹp không? Ai nấy đều xấu hổ. Nhờ đó mà Xóm Cồn thời ấy gần như hết nạn say rượu, đánh chửi nhau.

Nhà riêng của Yersin tại Nha Trang (nay là Nhà nghỉ Bộ Công An)

Cuộc đời của Ông Năm không chỉ gắn bó với dân chài Xóm Cồn, Nha Trang. Tháng 6/1893, được sự ủy thác của Toàn quyền Đông Dương Jean-Marie de Lanessan, Yersin tổ chức một đoàn thám hiểm theo đường bộ từ Đồng Nai lên Di Linh. Cuối cùng, ông khám phá Cao nguyên Lâm Viên.

Trong nhật ký, Yersin ghi nhận có vài làng của người sắc tộc D'Lat nằm rải rác trong vùng. Ông viết:

“Từ trong rừng thông bước ra, tôi sững sờ khi đối diện một bình nguyên hoang vu, giống như mặt biển, tràn đầy những làn sóng màu xanh lá cây. Sự hùng vĩ của rặng Langbiang hòa lẫn vào đường chân trời tây bắc tạo nên bối cảnh tráng lệ, gia tăng vẻ đẹp của vùng đất này."

Đến năm 1899, tại vùng đất được Yersin khám phá, Toàn quyền Paul Doumer cho thiết lập một khu nghỉ dưỡng dành cho người Âu châu, sau này đó chính là thành phố nghỉ mát Đà Lạt.

Cuối năm đó, với một lực lượng hùng hậu - ngoài 54 người tùy tùng còn có một toán lính tập mang súng theo hộ tống - Yersin khởi hành cũng từ Đồng Nai, lên Đà Lạt, rồi đi tiếp đến cao nguyên Đắc Lắc, vào Attopeu ở nam Lào, rồi lại theo hướng đông ra biển, để đến Đà Nẵng vào ngày 17/5/1894.

Cuộc khảo sát lần này thăm dò một vùng đất rộng lớn trải rộng từ vĩ tuyến 11 ở phía nam đến vĩ tuyến 16 ở phía bắc. Ông ghi lại trong nhật ký:

“Đường đi thật là khủng khiếp. Trong 4 ngày liên tiếp, chúng tôi phải vượt qua một vùng núi hiểm trở, trèo xuống, leo lên, cứ đơn điệu như thế làm cho chúng tôi rất mệt mỏi... Cây cối chen chúc. Không có đường mòn. Chúng tôi phải khòm lưng chui qua các bụi tre. Vì trời mưa nên rừng có nhiều vắt không thể tả được. Những người Việt Nam đi cùng với chúng tôi bị sốt rét, mặc dầu đã uống thuốc ngừa...”

Lộ trình các chuyến thám hiểm của Yersin

Trong khi Yersin đang chuẩn bị cho cuộc thám hiểm kế tiếp thì bệnh dịch hạch đã bộc phát ở miền nam Trung Hoa và lan truyền xuống Đông Dương, gây tử vong cao, và trở thành mối đe dọa cho tất cả cảng biển có giao dịch thương mại với Trung Hoa. Nhà cầm quyền thuộc địa Pháp bèn cử Yersin đến Hồng Kông để nghiên cứu bệnh dịch hạch.

Yersin là người đầu tiên chứng minh rằng trực khuẩn dịch hạch hiện diện ở chuột bệnh và người bệnh chỉ là một, nhờ đó ông đã giải thích được phương thức truyền bệnh. Cũng trong năm ấy, khám phá này được cộng tác viên Émile Duclaux gửi đến Viện Hàn lâm Khoa học Pháp, trong một bài báo nhan đề “La Peste Bubonique de Hong-Kong” (Bệnh dịch hạch ở Hồng Kông).

Năm 1895 ông trở lại Viện Pasteur ở Paris và cùng với Émile Roux, Albert Calmette và Armand Borrel đã điều chế ra huyết thanh chống bệnh dịch hạch đầu tiên. Cùng năm đó, ông trở về Đông Dương và lập một phòng thí nghiệm nhỏ tại Nha Trang để sản xuất huyết thanh. Năm 1896, ông thành lập trại chăn nuôi Suối Dầu, nuôi ngựa để sản xuất huyết thanh.

Cũng vào năm 1896, Yersin đến Quảng Châu, ông được phép công khai tiêm huyết thanh điều chế tại Nha Trang cho một bệnh nhân tại đây, và nghiễm nhiên trở thành người thầy thuốc đầu tiên cứu sống một bệnh nhân dịch hạch.

Yersin và lán tre, nơi ông tìm ra trực khuẩn gây bệnh dịch hạch Hồng Kông năm 1894

Năm 1898, Ông Năm trở lại Nha Trang và với sự hỗ trợ từ Toàn quyền Doumer, ông xây dựng Viện Pasteur Nha Trang. Ông mua một khu đất rộng 500 héc-ta ở Suối Giao (nay là Suối Dầu) để làm nơi nghiên cứu nông nghiệp và chăn nuôi.

Ông cho trồng cây cà phê Liberia, các loại cây thuốc, cây coca để sản xuất cô-ca-in sử dụng trong ngành dược, tuyển chọn nhiều loại thực vật và động vật từ khắp nơi trên thế giới để nuôi trồng tại đây, biến nó thành một cộng đồng nông nghiệp và khoa học.

Là người đầu tiên nhập giống cây cao su về trồng tại Việt Nam, Yersin trở thành chủ một đồn điền cao su, lúc đầu rộng khoảng 100 hec-ta, kiếm tiền đủ để trang trải chi phí điều hành Viện Pasteur Nha Trang.

Trong thời gian này, sản xuất huyết thanh chống dịch cho bò đã trở thành nguồn thu nhập chính của Yersin, giúp ông có sức mở rộng việc nghiên cứu. Trung tâm thí nghiệm này về sau trở thành Viện thú y đầu tiên ở Đông Dương.

Yersin còn ra công nghiên cứu thêm về các loại chim, nghề làm vườn và sưu tầm các loại hoa. Ông cũng mở một chiến dịch trồng rừng, đồng thời khuyên dân làng bỏ tập tục “chặt đốt cây rừng”. Ông còn trồng thử nghiệm cây “canh-ki-na” để sản xuất thuốc ký ninh chữa bệnh sốt rét tại Dran và Di Linh.

Yersin là một con người “đa năng, đa hiệu”. Ông là chuyên gia về nông học nhiệt đới, nhà vi trùng học, nhà dân tộc học, nhiếp ảnh gia, kể cả việc nghiên cứu khí tượng. Ông làm một con diều thật lớn, thả lên độ cao một ngàn mét, để quan sát khí quyển và dự đoán giông bão.

Ông giúp những người dân chài thường khi bị mất tích trên biển mỗi lúc có lốc xoáy vụt đến. Yersin thuyết phục Fichot, một kỹ sư thủy văn phục vụ trong hải quân và rất say mê thiên văn học, đến sống với ông trong ngôi nhà lớn ở Xóm Cồn với kính thiên văn được lắp đặt trên sân thượng, để cùng nhau nghiên cứu khí tượng.

Trong những ngày cuối đời, Yersin lại gắn bó với niềm đam mê mới: văn chương. Ở tuổi tám mươi, ông lại học tiếng Latin, tiếng Hy Lạp, và biên dịch những tác phẩm kinh điển của Phèdre, Virgile, Horace, Salluste, Cicéron, Platon, và Démosthène.

Tượng Yersin tại Nha Trang

Năm 1902, Toàn quyền Paul Doumer, trước khi rời Đông Dương, mời Yersin từ Nha Trang ra Hà Nội để mở một trường đào tạo y khoa, một bệnh viện và một trung tâm vệ sinh. Theo Yersin, Trường y Đông Dương  "ước tính việc xây dựng sẽ tốn một triệu rưỡi franc!". Đây là một số tiền lớn, nhưng ông cho rằng vẫn rẻ hơn nhiều, lại hữu ích hơn nếu so với cái nhà hát ở Sài Gòn.

Yersin được bổ nhiệm làm hiệu trưởng đầu tiên của Trường Y Đông Dương, tiền thân của Đại học Y Hà Nội. Ông thiết lập giáo trình theo hình mẫu đại học Pháp – sáng khám bệnh ở bệnh viện, chiều dành cho lý thuyết – đích thân ông giảng dạy trong các giờ vật lý, hóa học, và phẫu thuật.

Đại học Y Hà Nội (năm 1930)

Ngày 1/3/1943, Ông Nam từ trần tại nhà riêng ở Nha Trang, thọ 80 tuổi. Ông để lại di chúc với những lời lẽ như sau:

“Tôi muốn được chôn ở Suối Dầu. Yêu cầu ông Bùi Quang Phương giữ tôi lại tại Nha Trang, đừng cho ai đem tôi đi nơi khác. Mọi tài sản còn lại xin tặng hết cho Viện Pasteur Nha Trang, và những người cộng sự lâu năm. Đám táng sẽ làm giản dị, không huy hoàng, không điếu văn.”

Dù vậy, rất đông người tìm đến để đưa tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Nhiều người dân Xóm Cồn và Nha Trang than khóc và để tang cho ông. Đoàn người đưa tang dài đến hơn ba cây số. Dân chúng coi ông là “công dân Nha Trang” vì ông đã sống ở đây tròn 50 năm.

Di sản của Yersin quá lớn! Toàn dân Việt Nam, hơn mọi dân tộc khác, phải ghi ơn ông mãi mãi. Vua Bảo Đại đã truy tặng ông Bội tinh Kim khánh. Dân nghèo nhớ ông vì lòng nhân hậu. Bệnh nhân không quên công trình y khoa của ông.

Năm 2014 Việt Nam truy tặng ông là “công dân danh dự” và cho ra mắt bộ sưu tập tem bưu chính mang hình ảnh ông.

Tem phát hành chung Việt Nam – Pháp:
Kỷ niệm 150 năm sinh Yersin (1863-1943)

Người Việt đã quá quen thuộc với những cái tên như Pasteur, Calmette và Yersin vì họ đã từng sinh sống và làm việc tại xứ An Nam, tên gọi của Việt Nam hồi thế kỷ thứ 19. Tên của những bác sĩ này, cho đến ngày nay, đã trở thành những tên đường, tên trường học và tên viện nghiên cứu tại nhiều thành phố trên khắp Việt Nam.

Lycée Yersin (nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt) là một ngôi trường được khởi công xây dựng năm 1927 và khai giảng năm 1935 là một kiến trúc đẹp và độc đáo của Đà Lạt. Tại thành phố này, cũng mang tên ông còn có Công viên Yersin và một ngôi trường thành lập năm 2004, Đại học Yersin.

Đó là sự tri ân “không biên giới” của người Việt đối với những người nước ngoài đã cống hiến cả đời cho đất nước Việt Nam. Dù họ không mang quốc tịch Việt Nam nhưng người Việt vẫn coi như… đồng bào!

Mộ “Ông Năm” Yersin tại Suối Dầu, Nha Trang

***

--> Read more..

Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2018

“Cam Dai Bay”


Tháng 11/2013 tôi có bài viết “Từ Ha Long Bay, Cam Ranh Bay đến… Cam Dai Bay” trên Blogspot (http://chinhhoiuc.blogspot.com/2013/11/tu-ha-long-bay-cam-ranh-bay-en-cam-dai.html). Đối với một số bạn đọc, bài viết này không có tính chất “thanh cao” vì đề cập đến một vấn đề kém “tế nhị”, xuất xứ từ những dòng chữ “Cấm đái bậy” tại Việt Nam.

Bây giờ, đã là 5 năm sau bài viết đó, có một tin trên báo Daily Mail (Anh) cũng lại có một bài viết liên quan đến việc tiểu tiện ngay tại Paris vốn là “thủ đô hoa lệ” của nước Pháp.

Người Pháp “chế” ra một từ ngữ mới, gọi là “uritrottoir” hay “urinoir”, để ám chỉ những nơi tiểu tiện ngay giữa chốn phồn hoa đô hội. Mời các bạn xem hình trên Daily Mail, ngày 13/8/2018:

“Uritrottoir” trên bờ sông Seine

Cách trang trí một “uritrottoir” (tạm dịch một cách thanh cao là “nơi tiểu tiện trên lề đường”) được ngụy trang thật “bắt mắt” và “thi vị” với hoa tươi trồng trên nột nền đỏ rực rỡ rất ư là… “nghệ thuật”. Tuy nhiên, theo bài báo, có nhiều người phản đối “sáng kiến” này.

Dĩ nhiên đa số người phản đối gay gắt là dân “địa phương” Parisiens, có lẽ vì là người “tại chỗ” nên các nhu cầu của “tiếng gọi thiên nhiên” đã được giải quyết ngay tại nhà của họ. Chỉ khổ cho du khách lúc cần mà không tìm được nhà vệ sinh công cộng, dù phải trả bằng tiền.

Xét cho cùng, “uritrottoir” là giải pháp hoàn toàn có tính cách “nhân văn” để giúp những người mang nặng “bầu tâm sự”. Không nằm trong “tứ khoái” như người Việt mình quan niệm nhưng tiểu tiện vốn là một phần “không thể tách rời” của đại tiện.

Thế cho nên, trút được những gánh nặng trong lòng “một cách hợp pháp” cũng là một trong những điều mang lại sự thoải mái cho một chuyến du lịch đến “kinh đô ánh sáng” Paris. Vì lý do đó, tôi hoàn toàn ủng hộ những điểm đậm chất “nhân văn” như “uritrottoir” của người Pháp.

Nét mặt “sảng khoái” của một du khách khi tìm được chỗ để… giải tỏa bầu tâm sự

Nhưng (lại có chữ “Nhưng” thật oái oăm), những người tranh đấu cho quyền bình đẳng giữa nam và nữ lại có lý do để phản đối. Họ không chống lại “uritrottoir” trên đường phố nhưng cứ nhìn vào bảng hướng dẫn chỉ thấy toàn nơi tiểu tiện cho quý ông, chẳng lẽ phái yếu không có nhu cầu này sao?

Đó là vấn đề “nóng bỏng” mà các nhà quản lý cần quan tâm nếu không sẽ bị mang tiếng là… “trọng nam khinh nữ”. Đã là con người thì mọi nhu cầu của sự bài tiết sẽ không phân biệt “quý ông” hay “quý bà”. Hãy mau mau giải quyết vấn đề này cho phụ nữ. Chỉ trừ trường hợp thế giới này không có sự hiện diện của… những nụ hoa biết nói!

Rõ ràng là “uritrottoir” này chỉ dành riêng cho quý ông!

Người Pháp vốn “gallant”, nhất là đối với phụ nữ. Thế cho nên, “không chóng thì chầy” thế nào họ cũng có cách giải quyết thỏa đáng để đem lại “quyền bình đẳng” cho giới “liễu yếu đào tơ”.

Để chấm dứt bài viết này, xin có điều lưu ý các du khách (thuộc loại “Hai Lúa” như tôi) khi đến Paris. Hình dưới đây là ảnh của một “uritrottoir” chứ không phải là “lavabo” để rửa mặt. Điều này sẽ không thừa vì nó trông… không có gì giống “hố giải” ở bên nhà.

Lưu ý các du khách “Hai Lúa”: Đây không phải là “lavabo” để rửa mặt!

***

* Xem thêm bình luận trên Facebook tại: 
https://www.facebook.com/notes/nguyen-chinh/cam-dai-bay/10209642891227327/

***

--> Read more..

Thứ Ba, 14 tháng 8, 2018

Viết ngắn chuyện toa tầu MTR Made in China


Nhủ với lòng phải viết thật ngắn. Thiên hạ viết về chuyện này nhiều rồi, có viết dài cũng chỉ là lập lại. Toa tầu trên cao dài 4 toa ở Hà Nội có thể được coi là dài nhưng, khổ nỗi,  chuyện phía sau nó lại còn dài hơn nữa.

Hà Nội 2018 đã có đường sắt trên cao, dài hơn 13km với đường ray khổ 1,435m, tốc độ 35km/giờ. Hồng Kông (thập niên 1960) và Singapore (1987) gọi đó là MTR (Mass Transit Railway). Chúng ta “lạc hậu” hơn nên mãi năm nay mới có nhưng “thà có còn hơn không”, nhất là tình trạng đường bộ “tụ nước” như hiện nay!

Tuyến đường Cát Linh – Hà Đông do Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt (EPC) của Trung Quốc đảm nhiệm thi công. Dĩ nhiên phải là Trung Quốc vì ta vay tiền của anh bạn láng giềng “4 tốt, 12 chữ vàng”. Dĩ nhiên phải là “công nghệ” của Trung Quốc từ việc thiết kế, thi công đến đóng các toa tầu.   

Năm 2008 tổng mức đầu tư cho dự án này là 552 trệu USD, trong đó có 419 triệu vay của Trung Quốc. Đến năm 2016 dự án được điều chỉnh lên 868 triệu (tăng 315 triệu so với ban đầu). Đó là chuyện “lùm xùm” đầu tiên khiến không ít người quan tâm và thắc mắc sau gần 8 năm thi công.

Ngày 11/8/2018 nhà thầu EPC tổ chức chuyến tham quan cho cán bộ, công nhân và “người dân sống chung quanh dự án”. Trước đó 1 ngày, những bảng chỉ dẫn dọc tuyến đường xuất hiện với 2 ngôn ngữ: tiếng Hoa và tiếng Việt. Chữ Tàu viết dòng trên, to hơn cả chữ Việt bên dưới. Đó là chuyện “lùm xùm” thứ hai mang tính cách “thể diện quốc gia”, đi ngược với tập tục quốc tế.

Hơn thế nữa, “Thẻ lên tàu” trong ngày 11/8 cũng vẫn là tiếng Hoa rồi mới đến tiếng Việt khiến người ta có cảm giác đang sử dụng đường sắt tại Trung Quốc chứ không phải ở Hà Nội. Thế là cộng đồng mạng “dậy sóng phản đối”… và thế là cuốn sách “1.500 câu đàm thoại tiếng Hoa thực dụng” của Nhà xuất bản Thanh niên chắc chắn sẽ “tái bản” dài dài…

Nhà thầu Trung Quốc vội vàng giải thích: “Do có nhiều công nhân, kỹ thuật viên Trung Quốc làm việc nên phải in thẻ có tiếng Trung, nhưng thẻ không phát hành ra bên ngoài”. Ban quản lý dự án đường sắt của Việt Nam cũng khẳng định đang kiểm soát các nội dung in trên thẻ!

Đó mới chỉ là giai đoạn “lùm xùm sơ khởi” khi tàu chưa chính thức đi vào hoạt động. Có thể đoán trước đến cuối năm nay sẽ còn nhiều chuyện xung quanh đoàn tàu Cát Linh – Hà Đông với vận tốc 35km/giờ. Những người lạc quan cho rằng “Chạy chậm nhưng mà chắc” nhưng những người bi quan thậm chí còn đòi “tẩy chay” đường sắt trên cao vì nhiều lý do.

Cần làm rõ những chuyện bất thường trong suốt thời gian liên tục “đội vốn” từ ngày khởi công 10/10/2011. Tính đến nay, dự án đã “đội” khoảng 7.000 tỷ đồng sau nhiều lần giãn tiến độ thi công.

Đó là một thử thách quá lớn đối với niềm tin của mọi người. Trả lời báo chí về những ý kiến cho rằng cần thanh tra dự án, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, cho biết:

“Theo kế hoạch của Thanh tra Chính phủ, dự án Cát Linh – Hà Đông không có tên trong các dự án bị thanh tra trong năm 2018”.

***

Như đã nói ở phần đầu, đây là bài viết ngắn nhưng viết tới đây đã dài đến hơn 600 chữ, chưa kể hình ảnh đi kèm. Thôi thì mời các bạn xem những bức ảnh minh họa để có một cái nhìn đầy đủ về… “MTR Made in China”.

***

MTR Hồng Kông



Bảng chỉ dẫn bằng tiếng Hoa & Việt


Thẻ lên tàu sử dụng trong ngày 11.8.2018


Cuốn sách này chắc chắn sẽ là Bestseller trong tương lai


Đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong giai đoạn thi công


Tuyến đường... mềm mại


Đường sắt... trong mơ


Hình ảnh để so sánh


Một ngày lỗ 1,8 tỷ đồng

***











--> Read more..

Popular posts