Thứ Ba, 14 tháng 8, 2018

Viết ngắn chuyện toa tầu MTR Made in China


Nhủ với lòng phải viết thật ngắn. Thiên hạ viết về chuyện này nhiều rồi, có viết dài cũng chỉ là lập lại. Toa tầu trên cao dài 4 toa ở Hà Nội có thể được coi là dài nhưng, khổ nỗi,  chuyện phía sau nó lại còn dài hơn nữa.

Hà Nội 2018 đã có đường sắt trên cao, dài hơn 13km với đường ray khổ 1,435m, tốc độ 35km/giờ. Hồng Kông (thập niên 1960) và Singapore (1987) gọi đó là MTR (Mass Transit Railway). Chúng ta “lạc hậu” hơn nên mãi năm nay mới có nhưng “thà có còn hơn không”, nhất là tình trạng đường bộ “tụ nước” như hiện nay!

Tuyến đường Cát Linh – Hà Đông do Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt (EPC) của Trung Quốc đảm nhiệm thi công. Dĩ nhiên phải là Trung Quốc vì ta vay tiền của anh bạn láng giềng “4 tốt, 12 chữ vàng”. Dĩ nhiên phải là “công nghệ” của Trung Quốc từ việc thiết kế, thi công đến đóng các toa tầu.   

Năm 2008 tổng mức đầu tư cho dự án này là 552 trệu USD, trong đó có 419 triệu vay của Trung Quốc. Đến năm 2016 dự án được điều chỉnh lên 868 triệu (tăng 315 triệu so với ban đầu). Đó là chuyện “lùm xùm” đầu tiên khiến không ít người quan tâm và thắc mắc sau gần 8 năm thi công.

Ngày 11/8/2018 nhà thầu EPC tổ chức chuyến tham quan cho cán bộ, công nhân và “người dân sống chung quanh dự án”. Trước đó 1 ngày, những bảng chỉ dẫn dọc tuyến đường xuất hiện với 2 ngôn ngữ: tiếng Hoa và tiếng Việt. Chữ Tàu viết dòng trên, to hơn cả chữ Việt bên dưới. Đó là chuyện “lùm xùm” thứ hai mang tính cách “thể diện quốc gia”, đi ngược với tập tục quốc tế.

Hơn thế nữa, “Thẻ lên tàu” trong ngày 11/8 cũng vẫn là tiếng Hoa rồi mới đến tiếng Việt khiến người ta có cảm giác đang sử dụng đường sắt tại Trung Quốc chứ không phải ở Hà Nội. Thế là cộng đồng mạng “dậy sóng phản đối”… và thế là cuốn sách “1.500 câu đàm thoại tiếng Hoa thực dụng” của Nhà xuất bản Thanh niên chắc chắn sẽ “tái bản” dài dài…

Nhà thầu Trung Quốc vội vàng giải thích: “Do có nhiều công nhân, kỹ thuật viên Trung Quốc làm việc nên phải in thẻ có tiếng Trung, nhưng thẻ không phát hành ra bên ngoài”. Ban quản lý dự án đường sắt của Việt Nam cũng khẳng định đang kiểm soát các nội dung in trên thẻ!

Đó mới chỉ là giai đoạn “lùm xùm sơ khởi” khi tàu chưa chính thức đi vào hoạt động. Có thể đoán trước đến cuối năm nay sẽ còn nhiều chuyện xung quanh đoàn tàu Cát Linh – Hà Đông với vận tốc 35km/giờ. Những người lạc quan cho rằng “Chạy chậm nhưng mà chắc” nhưng những người bi quan thậm chí còn đòi “tẩy chay” đường sắt trên cao vì nhiều lý do.

Cần làm rõ những chuyện bất thường trong suốt thời gian liên tục “đội vốn” từ ngày khởi công 10/10/2011. Tính đến nay, dự án đã “đội” khoảng 7.000 tỷ đồng sau nhiều lần giãn tiến độ thi công.

Đó là một thử thách quá lớn đối với niềm tin của mọi người. Trả lời báo chí về những ý kiến cho rằng cần thanh tra dự án, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, cho biết:

“Theo kế hoạch của Thanh tra Chính phủ, dự án Cát Linh – Hà Đông không có tên trong các dự án bị thanh tra trong năm 2018”.

***

Như đã nói ở phần đầu, đây là bài viết ngắn nhưng viết tới đây đã dài đến hơn 600 chữ, chưa kể hình ảnh đi kèm. Thôi thì mời các bạn xem những bức ảnh minh họa để có một cái nhìn đầy đủ về… “MTR Made in China”.

***

MTR Hồng Kông



Bảng chỉ dẫn bằng tiếng Hoa & Việt


Thẻ lên tàu sử dụng trong ngày 11.8.2018


Cuốn sách này chắc chắn sẽ là Bestseller trong tương lai


Đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong giai đoạn thi công


Tuyến đường... mềm mại


Đường sắt... trong mơ


Hình ảnh để so sánh


Một ngày lỗ 1,8 tỷ đồng

***











Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts