Thứ Năm, 6 tháng 9, 2012

Hồi ức về một người thân

Tôi có người anh cả tên Nguyễn Ngọc Nghiêm, anh hơn tôi đến 10 tuổi. Đúng ra thì tôi phải mang tên Chỉnh chứ không phải Chính vì ông anh cả đã là Nghiêm thì đến lượt tôi phải là Chỉnh để hợp nhau lại thành… Nghiêm Chỉnh. Mẹ tôi bảo thế. Không hiểu sao khi làm khai sinh chữ Chỉnh lại hóa thành Chính. Âu cũng là số mạng!

‘Nghiêm Chỉnh’
(Hình chụp tại BMT năm 1966)

Sở dĩ tôi phải chuyển từ trường Nam tiểu học Đà Lạt sang trường Đa Nghĩa vì anh Nghiêm đưa ra ý kiến sẽ kèm tôi để học ‘nhảy’, bỏ năm lớp nhì (tương đương với lớp 4 ngày nay), từ lớp ba lên thẳng lớp nhất để đi thi Tiểu học.

Kinh nghiệm bản thân từ thời niên thiếu khi còn đi học giúp tôi nhận ra nếu biết khéo kết hợp một bên là chuyện học hành khô khan với một bên là văn chương ướt át, người ta sẽ dễ dàng hơn trong việc học.

Ngày xưa khi còn học tiểu học, tôi thích nhất môn toán lớp Nhất về động tử. Đại khái như hai người đi xe đạp cùng chiều hoặc ngược chiều, hỏi sau mấy giờ họ đuổi kịp nhau? hoặc gặp nhau? chỗ gặp nhau cách chỗ khởi hành bao nhiêu kilômét? Những bài toán như vậy rất sống động chứ không phải chỉ toàn con số khô khan.

Thời kỳ đó, trong sách toán còn có những bài thơ về cách tìm thời gian và khoảng cách các động tử đồng chiều hoặc ngược chiều giúp cho học sinh dễ nhớ:

Trên đường kẻ trước với người sau,
Hai kẻ đồng chiều muốn gặp nhau
Vận tốc đôi bên tìm hiệu số
Đường dài chia với khó chi đâu

hoặc tìm thời gian và khỏang các các động tử ngược chiều gặp nhau:

Trên đường kẻ chậm với người mau
Hai kẻ ngược chiều muốn gặp nhau
Vận tốc đôi bên tìm tổng số
Đường dài chia với khó chi đâu.

Anh Nghiêm kèm tôi ‘học nhảy’ - từ lớp Ba, bỏ lớp Nhì để lên thẳng lớp Nhất - nhưng tôi lại không đậu bằng Tiểu học vào cuối năm lớp Nhất lại cũng vì… văn chương. Chuyện là như vầy. Đề thi luận văn yêu cầu học sinh bình giảng câu:

Giàu đâu những kẻ ngủ trưa,
Sang đâu những kẻ say sưa tối ngày.

Theo đầu óc non nớt, tôi lý luận những kẻ giàu có mới ngủ trưa, những người sang trọng mới say sưa! Thế là kỳ thi Tiểu học năm đó tôi bị rớt và ở lại thêm một năm lớp Nhất. Hóa ra đâu vẫn hoàn đấy!

Có thể nói giữa anh Nghiêm và tôi có một khoảng cách khá xa về tuổi tác. Đầu óc trẻ con của tôi suy luận, anh ‘qúa già để làm anh và cũng qúa trẻ để làm chú’. Anh Nghiêm vóc người to lớn, chân tay lông lá nên có lần tôi nghe các bạn của anh học cùng trường Phương Mai (sau này đổi tên là trường Bùi Thị Xuân, Đà Lạt) gọi anh là ‘Lăng-ti-lông’, tôi cũng không hiểu tại sao anh có biệt danh này.

Trong số những người bạn của anh Nghiêm có những người bước sang ngành giáo dục như anh Quy, anh Liễn sau này qua Ban Mê Thuột dạy học vào đúng thời gian tôi cũng theo học tại đó. Thế cho nên, trong lớp thì gọi là thầy nhưng cũng có những giây phút riêng tư tôi lại quen gọi anh Quy, anh Liễn!

Bức hình duy nhất đầy đủ 4 anh em
(chụp tại 31 Lý Thường Kiệt, BMT, 1963)

Một trong những cái thú của anh Nghiêm là sưu tầm các tờ chương trình (program) của các rạp xine từ ngoài Hà Nội, có những tờ rất xưa từ những năm 1930 và cũng có những phim 'thời thượng' như Quo Vadis, Gone With the Wind, Tant Qu’il y Aura des Homes. Các tờ chương trình hồi đó thường có tóm tắt cốt truyện phim, giới thiệu các nam nữ tài tử như Clark Gable, Ava Gardner... tuy in đen trắng, đôi khi có hình màu, nhưng trình bày rất bắt mắt.

Tờ program phát cho những người mua vé vào xem phim nhưng, theo chỗ tôi biết, nếu không mua vé cũng có thể xin tại chỗ bán vé để làm collection. Tôi đoán, anh Nghiêm có được những tờ chương trình của các rạp xine là do cách thứ hai chứ không thể nào hoàn toàn do đi xem phim vì số lượng các tờ program rất lớn. Hơn nữa, có nhiều tờ được in từ trước khi anh ra đời năm 1936!

Bộ sưu tập này anh Nghiêm để lại nhà khi gia nhập Không quân nhưng tôi cũng không hiểu vì sau và vào lúc nào những tờ chương trình này đã biến mất. Nếu còn thì ngày nay sẽ là bộ sưu tập rất quý giá.

Tôi cũng ghiền đi xem phim từ nhỏ. Chủ Nhật nào mẹ cũng cho tiền đi xem phim ở rạp Ngọc Lan gần khu Hòa Bình hoặc thả bộ xuống dốc Minh Mạng đến rạp Ngọc Hiệp. Phim ấn tượng nhất đối với tôi thời đó là Cầu sông Kwai với các tài tử Alec Guiness, William Holden. Trong phim có cảnh các tù binh đồng minh xếp hàng đi dựng cầu dưới sự kiểm soát của quân đội Nhật. Tù binh vừa đi vừa huýt gió bài cầu sông Kwai nghe thật hùng tráng. 

Poster phim ‘Cầu sông Kwai'’

Đúng như cái tên do cha mẹ đặt, anh Nghiêm rất nghiêm khắc trong việc kèm tôi ‘học nhảy’. Anh lúc nào cũng sẵng sàng nhéo tai, thậm chí còn tát thẳng tay nếu tôi không làm theo hướng dẫn của anh. Mẹ tôi nhiều lúc cũng xót xa khi thấy cậu con trai nhỏ bị ông anh lớn trừng phạt. Có lần bà phải thốt lên: “Nó còn bé, dạy nó phải dạy từ từ chứ sao lại dùng những biện pháp mạnh bạo như vậy”.

Anh Nghiêm thường ra đề toán theo sách có bài giải sẵn nhưng anh dấu sách giải. Tôi cũng có những cái ‘khôn lỏi’ của con nít. Mỗi khi làm xong bài toán tôi tò mò muốn biết mình làm có đúng hay không nên thế nào cũng tìm được nơi dấu sách. Gặp bài nào hắc búa là vội tìm sách giải, có hôm ‘tổ trác’ đang tham khảo sách bị anh bắt quả tang nên ăn một cái tát nên thân.

Những kỷ niệm về anh Nghiêm không nhiều vì sau này vào Không quân anh ít về thăm nhà. Theo tôi hiểu, mộng ước của anh là trở thành phi công, cuối cùng anh cũng vào Không quân nhưng chỉ làm việc ở dưới đất chứ không được bay bổng trên trời như anh hằng ao ước.

Trong khi đó, bạn cùng lớp với anh Nghiêm là thầy Đặng Kim Quy sau này cũng vào không quân để tung hoành trên đôi cánh sắt. Không ít bạn học của tôi trên BMT cũng gia nhập không quân như Vĩnh Anh, Nguyễn Mạnh Dũng, Nguyễn Đăng Hoàn, Nguyễn Kim Khoa, Nguyễn Văn Quang, Trịnh Viết Bốn, Trần Hen…

Vào thời anh Nghiêm, một nhân vật được giới thanh niên ưa ‘bay nhẩy’ xem là thần tượng: Đại tá Nguyễn Xuân Vinh (*) và cũng là nhà văn Toàn Phong với tác phẩm Đời Phi Công. Sự phổ biến rộng rãi của cuốn Đời Phi Công đã khiến giới thanh niên, trong đó có anh Nghiêm, hiểu biết thêm về Không quân Việt Nam. Quân lực VNCH đã tuyển mộ được nhiều thanh niên ưu tú để gửi sang theo học những khóa huấn luyện bay những loại phi cơ tối tân của Không Quân và Hải Quân Hoa Kỳ.

Chỉ tiếc một điều là riêng với anh Nghiêm, mộng ước đó không bao giờ trở thành sự thật khi anh phải phục vụ trong ngành radar ở dưới đất. Anh Nghiêm, có lẽ cũng tương tự như những trường hợp bất đắc chí của binh nhì không quân Nguyễn Thụy Long, tác giả Loan mắt nhung, và trung sĩ Dương Hùng Cường trong Buồn vui phi trường với bút hiệu Dê Húc Càn.
 
Tôi nghĩ bất đắc chí là lý do chính khiến anh Nghiêm ít liên lạc với gia đình kể từ khi đi lính. Chỉ thỉnh thoảng biết được tin anh, khi thì ở Tân Sơn Nhất, khi thì ra tận ngoài Đà Nẵng và lần cuối cùng được biết anh đóng tại phi trường Trà Nóc, Cần Thơ. Có thể nói là anh đã đi khắp 4 vùng chiến thuật trong suốt thời kỳ chiến tranh.

Khi gia đình tôi chuyển từ Đà Lạt sang BMT anh có về 2 lần vào những năm 1963 và cuối năm 1966. Anh lên BMT năm 1963 sau khi đi tu nghiệp tại Mỹ và đem quà về cho gia đình.

Tôi còn nhớ anh mua cho tôi một chiếc áo jacket, áo hơi chặt, có lót lông thú bên trong và trên ngực áo có huy hiệu của tiểu bang Hawaii. Chắc anh mua tại Hawaii vì trong số quà của anh có cả xâu chìa khóa có hình những cô gái nhún nhảy với hàng chữ Aloha Hawaii. Chiếc áo jacket này ít khi rời tôi, hễ trời BMT hơi trở lạnh tôi vội vàng diện ngay. Nhiều hôm buổi sáng đi học trời lạnh nhưng đến buổi trưa trời nóng chảy mỡ tôi vẫn mặc jacket về đến tận nhà! 

Sau ngày 30/4/1975 gia đình tôi không biết tin tức gì về anh Nghiêm và coi như anh đã mất tích. Mãi đến đầu năm 1981 tôi mới bất ngờ nhận được một lá thư anh viết bằng loại phong bì aerogram mang con dấu bưu điện Oklahoma City. Thư đề tên người nhận: Y tá Trần Thị Giàu, Bệnh viện Sài Gòn. Trên phong bì còn viết thêm một câu “Cô Trần Thị Giàu, người Huế, có chồng là Nguyễn Ngọc Chính… Ông bà nào có biết chỉ dùm…” (Thư này hiện nay đã thất lạc nên tôi chỉ ghi lại đại ý nội dung).

Tính anh Nghiêm là như vậy. Lúc nào cũng cẩn thận, đôi khi cẩn thận đến mức thái quá. Trong khi những người rời Việt Nam trước ngày 30/4/75 đều đã liên lạc về nhà, anh Nghiêm thì lại sợ những người ở nhà bị liên lụy! Có lẽ anh ở tại tiểu bang Oklahoma ít người Việt nên không nắm rõ tình hình?

Thế rồi anh Nghiêm bất ngờ từ trần ngày 16/10/1985. Cô Loan và chú Thanh ở tiểu bang Kansas được báo tin vì là thân nhân duy nhất tại Mỹ của anh. Gia đình cô Loan lái xe đến tiểu bang Oklahoma lo tổ chức đám tang chu đáo đưa anh đến nơi an nghỉ cuối cùng tại Weatherford, Oklahoma City.

Lúc còn sống, anh Nghiêm có đóng bảo hiểm nhân mạng mà người thụ hưởng là mẹ tôi ở Việt Nam nên cô Loan phải đứng ra lo thủ tục giấy tờ để gia đình ở trong nước có thể thừa hưởng tiền bồi thường. Thủ tục rất nhiêu khê vì phải nhờ luật sư tại Mỹ lo từ đầu đến cuối. Từ Việt Nam, mẹ tôi phải làm giấy ủy quyền cho cô Loan là người thừa kế qua sự can thiệp của luật sư.

Cô Loan dọn dẹp căn phòng của anh Nghiêm

Trong lúc dọn dẹp căn nhà anh Nghiêm ở Weatherford, cô Loan có gom lại một số đồ đạc của anh Nghiêm và gửi về Việt Nam. Trong số đó có một bức thư của anh viết cho gia đình nhưng lại không gửi, cô Loan có ghi ở góc phải: "Chính mến – tờ thư này cô thấy ở nhà Nghiêm, không hiểu sao Nghiêm chưa gửi – viết từ năm 80-81 nên cô copy gửi cho bọn cháu". Thư nguyên văn như sau:

Bức thư anh Nghiêm viết (1980? 1981?)
nhưng lại không gửi về Việt Nam.

Các em thương mến,

Đây là chuyến quà đầu tiên anh gửi về Đà Lạt cho mợ gồm 4m6 hàng soie màu tím than để mợ may áo mặc tết + 2 khăn vuông 1 màu hạt dẻ và 1 màu vàng. Anh cũng kèm theo cho Dung Oanh 2 cây viết nguyên tử + 1 hộp thuốc cảm TYLENOL 100 viên cho người lớn uống mỗi lần 2 viên (khi bị cảm sốt) chỉ uống độ 3 hay 4 lần trong 1 ngày – không được uống quá 8 viên trong 24h [những chữ gạch dưới là của anh Nghiêm – Chú thích của NNC]. Thuốc này rất tốt, trị đau đầu, nhức mỏi, cảm sốt. Nghe cô Loan nói bán được 7 hay 800đ một hộp lận. Còn một hộp thuốc bổ GERITOL gồm 114 viên, có thể uống tối đa 3 viên một ngày, chia làm 3 lần, mỗi lần uống một viên.

Hy vọng quà này không bị thất lạc để anh có thể tiếp tục gửi về nhiều quà cho mợ và các em. Anh đã mua vải đen may quần tây cho Dung và Oanh nhưng vì nặng quá nên anh phải đợi chuyến sau sẽ gửi về cho Dung Oanh. Vậy khi nhận được quà nhớ đánh điện tín cho anh biết để anh gửi tiếp về.  

Anh gửi kèm theo đây là tấm hình chú Thanh chụp cho anh ngày anh ra trường. Hôm phát bằng ra trường có cả gia đình cô Loan sang dự lễ và sau đó anh nghỉ 1 tuần qua bên cô chú Thanh Loan chơi rồi ăn bún chả, cơm Việt Nam thật là tuyệt vời…

Anh Nghiêm và gia đình Cô Loan - Chú Thanh trong buổi lễ tốt nghiệp
(Hình chụp tại Oklahoma, năm 1980)

Thư được photocopy lại nên bị cắt ngang tại đó. Tôi đoán anh Nghiêm không gửi thư này vì không gửi quà về Đà Lạt, thay vào đó anh gửi về Sài Gòn theo địa chỉ của tôi. Vẫn tính cẩn thận, anh sợ người thân bị dòm ngó trên Đà Lạt khi đi lãnh quà, còn gửi về Sài Gòn đỡ rắc rối hơn.

Nhìn danh sách những món quà anh tính gửi về Đà Lạt với những lời dặn dò tỷ mỷ liều lượng uống thuốc có thể thấy ngay anh là người cẩn thận đến chừng nào. Nhìn ảnh cô Loan chụp căn nhà anh sinh sống tại Weatherford trước khi qua đời mới cảm thấy cuộc sống cô đơn của anh nơi đất khách quê người.

Anh Nghiêm tại Oklahoma (1982)

Anh Nghiêm đã sống một cuộc đời cô độc, một thân một mình, không vợ không con ngay từ khi ở Việt Nam cho đến khi từ trần tại Hoa Kỳ vẫn một thân một mình. Một lần nữa, phải nói đến… số mạng.

May He Rest In Peace
 
Chú Thanh bên mộ anh Nghiêm
(hình chụp tháng 5/2007)

***

Chú thích:

(*) Ông Nguyễn Xuân Vinh, ra đời năm 1930 tại Yên Bái, là giáo sư danh dự ngành kỹ thuật không gian (professor emeritus of aerospace engineering) của Đại học Michigan, Hoa Kỳ. Ông là nhà toán học, nhà khoa học không gian xuất sắc của Mỹ đồng thời cũng là cựu Tư lệnh Không quân VNCH từ năm 1958 đến 1962.

Năm 1951 ông nhập ngũ theo lệnh động viên và tham gia khóa 1 Trường Sĩ quan Trừ bị Nam Định và Thủ Đức. Năm 1952-1955 theo học tại Học viện Không quân ở Salon-de-Provence, Pháp (École de l'Air) và sau đó lưu trú tại Pháp và Maroc. Trong thời gian này ông lấy bằng cử nhân toán ở Đại học Marseille.

Ông được bổ nhiệm chức vụ Tham mưu trưởng Không quân VNCH năm 1957 và tháng 2/1958 giữ chức Tư lệnh Không quân. Đến năm 1962, ông rời bỏ chức vụ Tư lệnh để đi du học ở Hoa Kỳ và ông là người đầu tiên được cấp bằng tiến sĩ về khoa học không gian tại Đại học Colorado năm 1965.

Từ năm 1968, ông Vinh làm giảng sư (associate professor) tại Đại học Michigan đến năm 1972, được phong chức giáo sư (professor) của viện đại học này. Cũng trong năm này ông trở thành tiến sĩ quốc gia toán học tại Đại học Sorbonne, Paris, Pháp.

Đại tá Nguyễn Xuân Vinh,
cựu Tư lệnh Không quân VNCH

Năm 1982, ông là giáo sư (chair professor) của ngành toán ứng dụng tại Đại học Quốc gia Thanh Hoa (National Tsing Hua University) ở Đài Loan. Hai năm sau, ông là người Hoa Kỳ thứ ba và là người Á châu đầu tiên được bầu vào Viện Hàn lâm Quốc gia Hàng không và Không gian Pháp (Académie Nationale de l'Air et de l'Espace). Năm 1986 ông trở thành viện sĩ chính thức của Viện Hàn lâm Không gian Quốc tế (International Academy of Astronautics).

Năm 1994 ông nhận giải thưởng Mechanics and Control of Flight của American Institute of Aeronautics and Astronautics và năm 1996, ông nhận giải thưởng Excellence 2000 Award của Pan Asian American Chamber of Commerce.

Khi về hưu vào năm 1998, ông được Hội đồng Quản trị (Board of Regents) tại Đại học Michigan phong tặng chức Giáo sư Danh dự vì công lao đóng góp cho khoa học và giáo dục. Năm 2006, ông nhận Giải thưởng Dirk Brouwer về Cơ học Du hành Không gian của Hội Du hành Không gian Hoa Kỳ (American Astronautical Society).

Trong nhiều năm ông đã được tham gia thuyết trình, thỉnh giảng tại rất nhiều đại học lớn cũng như hội nghị quốc tế khắp nơi trên thế giới bao gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Áo, Đức, Ý, Hoà Lan, Thụy Sĩ, Na Uy, Thụy Điển, Hungary, Israel, Nhật, Trung Quốc, Đài Loan và Úc.

Về văn chương, ông đã có những tác phẩm nổi tiếng như Gương Danh Tướng là một tập sách nhỏ chưa đến 100 trang, do Nha Chiến tranh Tâm lý thuộc Bộ Quốc phòng in vào năm 1956. Tuy nhiên, nổi tiếng hơn cả là cuốn Đời Phi Công (1959) được Giải thưởng Văn chương Toàn quốc năm 1961 của VNCH và cuốn Theo Ánh Tinh Cầu, viết năm 1991.

Cô Loan, với bút danh Hương Kiều Loan, đã có lần phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Vinh trên báo Hồn Quê năm 2001. Trong bài phỏng vấn, ông có nói đến cuốn Đời phi công, tác phẩm đoạt giải trong năm 1961 cùng những nhà văn đàn anh đã thành danh từ nhiều năm trước như các ông Vũ Khắc Khoan và Võ Phiến:

“Đời Phi Công là một tuyển tập những bức thư của một phi công viết cho một thiếu nữ còn đang là sinh viên ở đại học để kể cho nàng nghe cuộc đời của những người hàng ngày bay trên gió mây trời. Tôi bắt đầu viết vào năm 1959 và đăng mỗi tuần một kỳ, vào ngày thứ Hai, trên báo Tự Do là một nhật báo có nhiều độc giả trên toàn quốc. GS Văn khoa Phạm Việt Tuyền là chủ nhiệm. Giới trẻ thời đó hay đón đọc vì ai có một chút mơ mộng cũng có thể tưởng tượng được rằng nếu sau này trở thành phi công thì mình cũng có thể là người viết những bức thư tâm tình đầy thi vị như thế này”.

*** 

(Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 4: Thời niên thiếu)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ) 
Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

***

1 Comment on Multiply

nguyenngocchinh wrote on Feb 7, '11
Ngày 7 tháng 2 năm 2011 tôi có nhận được email của anh Nguyễn Đình Liễn, bạn học của anh Nghiêm tại trường Phương Mai, Đà Lạt. Nội dung như sau:

"Chinh than men,
"Sang nay anh da doc 2 lan DALAT SUONG MU ma Chinh da gui cho anh. That la tran qui, nhung ky niem tuong nhu moi ngay hom qua, de tuong nho va thuong tiec NGHIEM noi ngan trung vinh biet. Gio phut nay anh khong the noi gi voi Chinh ca, chi muon danh thoi gian nghi den nguoi Ban xau so: NGUYEN NGOC NGHIEM.
"Cam on em Chinh nhe !

2 nhận xét:

  1. Trong bài anh có nhắc tới trường Nam Tiểu Học Dalat , tới thập niên 60 nó mang tên gì ? Và trường Phương Mai lúc đầu có cả nam sinh sao ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu tôi nhớ không lầm thì trường Nam Tiểu học Đà Lạt nằm trên đường Đoàn Thị Điểm, không biết ngày nay đổi tên là đường gì. Trường này ở ngay trung tậm thành phố, chỉ vài bước tà đến Khu Hòa Bình. Còn trường Phương Mai dưới thời Bảo Đại gồm cả nam nữ sinh, sang đến thời Ngô Đình Diệm mới đổi là Bùi Thị Xuân chỉ dành riệng cho nữ sinh.

      Xóa

Popular posts