Thứ Hai, 27 tháng 11, 2023

Dân Quèn Bolsa

Tôi có một anh bạn (và cũng là đồng ngũ hồi còn ở Trường Sinh ngữ Quân đội) có biệt danh Dân Quèn Bolsa vì anh  hiện ở Little Saigon nhưng đi và về Việt Nam thường xuyên.

Tuy về Việt Nam chưa đến độ “như cơm bữa” nhưng Dân Quèn Bolsa có thể xếp vào loại “Việt Kiều nặng tình với quê hương”! Anh cũng chính là người mang 4 cuốn sách “Hồi ức Viễn du” về cho tôi sau bao tháng ngày mong đợi.

Sự nghiệp văn chương của Dân Quèn Bolsa có thể xếp vào loại “xuân thu nhị kỳ” mới thấy xuất hiện nhưng quả thật tôi thấy phục anh vì lối văn nửa châm biếm, nửa đứng đắn. Anh có văn phong tựa Công Tử Hà Đông (bút danh của nhà văn Hoàng Hải Thủy) trong những bài phiếm luận trên báo trước năm 1975.

Công Tử Hà Đông và Dân Quèn Bolsa đều là “dân Bắc Kỳ di cư năm 54” nên gì chứ việc mỉa mai là… “số một”!

Nhân “tướng râu kẽm” Nguyễn Cao Kỳ (1930-2011) qua đời tại Kuala Lumpur, Malaysia, Trịnh Hội (chồng cũ của MC Kỳ Duyên) có viết một bài trên blog với nhan đề “Bố Kỳ”, bày tỏ lòng thương tiếc (chắc cũng để trọn tình, trọn nghĩa với Kỳ Duyên)!

 

Nguyễn Cao Kỳ Duyên & Trịnh Hội khi còn là vợ chồng

 

Ngay từ đầu bài viết, Dân Quèn Bolsa đã “đá giò lái” bài viết này một cách thẳng thừng:

“Xin lỗi Trịnh Hội nha! Tôi vẫn thích đọc blog TH vì khả năng diễn đạt giản dị, rõ ràng của anh, cũng như tài nhận xét sự việc sắc bén và tinh tế. Tuy nhiên hôm nay xem bài Bố Kỳ, thần tượng TH của tôi đã đổ vỡ gần hết. Chỉ còn lại một đặc tính tử tế, nhân nghĩa của anh là còn nguyên vẹn. Thôi thì nhân vô thập toàn, cứ xem như tôi lại có cơ hội mở mắt ra.

“Điều thứ nhất, bố Kỳ là bố của anh (TH), của con cái ông ta chứ đối với bàn dân thiên hạ thì chắc là không phải. Khi đọc đề tựa ‘Bố Kỳ’ của anh, tôi thấy anh láo lắm. Tôi chưa hề nghĩ anh có tính nết này. Anh dạo này hay ca tụng Bắc Kỳ và cũng bắt đầu nhiễm được nhiều tính cách của người Bắc rồi đấy.

“Tôi cũng là người Bắc, Bắc rặc. Vợ cũng Bắc. Nhưng nói thật với anh khi có ai nhận xét về tôi bằng những cụm từ: hình như là người Bắc, giống người Bắc, y như người Bắc, đúng là người Bắc có khác thì tôi khựng ngay. Vì không biết mình đã làm gì, nói gì không tử tế hoặc kém thành thật đến nỗi người ta phải nói thế.

(hết trích)

 

Tướng Nguyễn Cao Kỳ (Biên Hòa, 1967)

 

Trên Blog của mình, Trịnh Hội kể lại ngày mà anh đến gặp “Bố Kỳ” xin hỏi cưới Kỳ Duyên:

“Lần đầu tôi gặp bố là ở nhà của ông ở Nam Cali cách đây khoảng 7, 8 năm về trước. Hôm ấy tôi đến để xin ông cho tôi lấy con gái của ông theo đúng như thông lệ bên Tây phương. Đại khái tôi nói thế này:

“Thưa bác, hôm nay con qua đây để xin bác cho con lấy Duyên làm vợ và cho con gọi bố là bố’. Vừa nói tôi vừa nhìn thẳng vào mắt ông (nhưng tim bên trong lúc ấy nó đang đập lộn xà ngầu).

“Ông nhìn lại tôi nhưng chỉ vài giây thôi sau đó chẳng nói chẳng rằng và không thèm đếm xỉa gì đến lời cầu xin rất thành thật (nhưng nghĩ lại thấy có phần nào hơi quá thẳng thắn của một thằng người Nam lớn lên ở Úc như tôi!), ông quay sang mặt rất tỉnh, cười bảo với các bác bên nhóm Không Quân cũng là chiến hữu ngày xưa của bố đang ngồi cùng bàn:

“Cái thằng này ngày xưa mà nó hỏi tôi như thế này thì tôi cho đem ra bắn ngay lập tức!”.

(hết trích)

 

Nguyễn Cao Kỳ hội ngộ Đặng Tuyết Mai tại Mỹ sau 30/4/1975

 

Dân Quèn Bolsa lập tức “phản pháo”:

“Tôi tin rằng anh có ý tốt khi viết về ổng. Anh nghĩ người ta không hiểu hoặc hiểu lầm ổng nên anh muốn đưa ra những giai thoại nho nhỏ để hóa giải dư luận. Chúng tôi cả đời theo ổng rồi, điêu đứng tủi hổ vì ông mà không biết sao? Còn anh thì cao lắm gặp ổng chục lần ngắn gọn trong nhiệm kỳ phò mã 4 năm lại biết hơn chúng tôi? Không lẽ anh lại nông cạn và tự phụ đến thế sao”?

“Anh nói ông Kỳ có “sense of humour”, tiếng ta có nghĩa là có tính khôi hài. Anh không nói sense of humour của ông có good hay không, nhưng tôi cũng xin coi là good đi (dù sao ông cũng ngủm rồi). Và như vậy thì đây chắc là tính cách độc nhất mà ông có. Vì ngoài tính này ra, suốt cả cuộc đời và suốt cả sự nghiệp của ổng tôi chẳng thấy có người nào đáng tin cậy cho biết ổng có một tính tốt nào khác”.

“Và anh nói ông Kỳ có tính tếu tôi cũng tin ngay. Mặc dù nhận xét và kết luận của anh hình như không giống ai. Bố vợ nói với con rể tương lai “lúc tôi bằng tuổi anh thì tôi đã có đến 6 con rồi đấy nhé” là một câu nói nham nhở chứ tếu chỗ nào? Hay là sense of hunor của anh và ổng cao siêu quá người phàm như tôi không ngộ được?

“Anh Hội à, anh còn trẻ lắm. Có nghĩa là anh không phải sống qua quãng đời ê chề như chúng tôi ở VN trước đây với những lãnh tụ như ông Kỳ. Anh không hiểu được đâu… Tiếc thay anh càng biện luận tôi càng thấy anh ngụy biện.

“Anh càng binh ổng tôi càng thấy hổ thẹn vì ngày xưa đã có 1 lãnh tụ như ổng. Cứ y như là anh chọc c.. ra rồi bắt chúng tôi ngửi. Tôi khuyên anh, chuyện này không được đâu. Đừng đem thương hiệu TH tốt đẹp của anh đi làm chuyện ruồi bu.

“Mở mồm ra là đòi bắn đòi giết người ta, như vậy là quân mất dậy chứ sao bảo là người ‘trực tính’? Có người thì bảo thế là đầu gấu, du côn, ối giào đủ thứ từ. Người Bắc hay lắm cơ anh Hội. Họ có rất nhiều từ để diễn tả tính cách này. Tôi cũng chẳng hiểu vì sao. Có thể ông bố con Giời con Phật của anh lúc còn sống chắc biết”.

(hết trích)

 

Bà Đặng Tuyết Mai (1941-2016) và con gái MC Kỳ Duyên

 

Trịnh Hội còn viết trên Blog: “Không phải ngẫu nhiên mà con gái út của bố được thành danh qua nghề MC trong suốt hai thập niên qua”. Về điều này, Dân Quèn Bolsa tấn công tới tấp:

“Xin lỗi anh, tôi nghĩ tâm thần anh chắc có vấn đề rồi đó. Người Bắc có câu ‘vô duyên chưa nói đã cười’. Mà lại cười hô hố nữa mới ghê. Có nhiều quyển tự điển VN mở tra cứu từ ‘vô duyên’ là thấy ngay hình MC đại tài của anh mà không cần thêm 1 lời định nghĩa nào. Xin lỗi cả anh lẫn MC đại tài của anh, không có ông Nguyễn Ngọc Ngạn thì MC đại tài của anh sẽ ra sao, sẽ làm được gì. Mới nghĩ tới đó là ớn chè đậu rồi không dám nghĩ tiếp. Khiếp! Giời ạ!”

Cuối cùng, Dân Quèn Bolsa viết:

“Anh Hội ơi, tôi đã có lần gặp anh ngoài đời và thật tâm mến mộ anh. Tôi lại là một fan trung thành của blog TH. Anh Hội ơi, xin anh tha cho tôi. Viết gì cũng được, nhưng đừng viết về cha con ổng nữa.

“Những bài blog của anh đa số thật hay. Hay nhất là cái tự nhiên của nó. Hay nhất là anh nói thong thả, khoan thai, dẫn giải người đọc từng bước một thật là tuyệt vời. Văn vẻ giản dị chân phương như người miền Tây. Thầy tôi dậy ‘viết tức là đọc lại’. Có xuôi tai mình thì mới xuôi tai người. Thế cho nên anh thử đọc lại bài Bố Kỳ này của anh xem. Nó gượng gạo thế nào ấy. Nó thiếu tự nhiên, tư tưởng thì nhảy lung tung, lập luận không vũng chắc, thiếu tự tin, nói nhưng lại sợ người ta nghe. Dẫn chứng thì ngây ngô như trẻ con. Ngay cả giọng văn cũng lai lai kiểu Bắc Kỳ sáo rỗng.

“Những bài blog của anh thường đầy tính thuyết phục vì anh không phải chứng tỏ gì cả. Bài viết Bố Kỳ của anh thì không vậy. Hình như anh đang cố gắng chứng tỏ 1 cái gì đó nên kết cuộc lại đâm ra phản cảm. Chẳng thuyết phục được ai. Nghe cứ như Trịnh Hội đang nói chuyện chỉ vì đã được bấm nút. Có phải chính anh cũng đang tự thuyết phục mình điều gì chăng? Hay anh muốn chứng tỏ ta là người quân tử, vẫn sẵn sàng ra tay cứu bồ ‘người xưa’?”

(hết trích)

 

Ông Nguyễn Cao Kỳ gặp gỡ Chủ Tịch TPHCM Lê Thanh Hải, 2005

 

Những lời đã dẫn ở trên, Dân Quèn Bolsa viết vào ngày 28/09/2011 và anh tính comment ngay trên Blog Trịnh Hội nhưng vì dài quá nên không đăng được. Thế cho nên anh gửi cho Blog của tôi (vì là chỗ quen biết) để chia xẻ cho nhiều người cùng đọc!

Và dưới đây là một vài bình luận trên Blog:

“Cái rắc rối trong đời của Tướng Kỳ là vì ông ngồi không đúng chỗ. Nếu ông chỉ là một phi đoàn trưởng hoặc cao hơn, một tư lệnh không quân, ông có nhiều tố chất, khả năng để có thể trở thành một anh hùng. Đằng này ông lại (bị hoặc được) đi vào con đường chính trị trong thời đoạn dầu sôi lửa bỏng của cuộc chiến VN.

”Trước năm 1975, ông đã có những lời nói đi trước ý nghĩ gây ra những scandal mà những đối thủ, kẻ thù của ông đã tận tình khai thác để "đập" lại ông và cái đất nước ông là thành viên trong ban lãnh đạo. Tướng Westmoreland, đại sứ Mỹ tại Sài Gòn Bunker, nhận xét ông Kỳ là người bốc đồng, nói và làm thường thiếu suy xét.

“Sau năm 1975, ông vẫn không thay đổi. Khi quay lại VN, ông đã có những phát biểu (với giọng nói mất bình tĩnh) miệt thị về những chiến hữu cũ của ông và đã gây ra một làn sóng phản đối dữ dội của đông đảo người Việt ở ngoài VN.

 

Gia đình Tướng Nguyễn Cao Kỳ mang tro cốt của ông từ Malyasia về Mỹ

 

Có người còn “bốc thơm” Dân Quèn Bolsa, cho rằng anh viết quá hay hết ý chẳng có gì để nói nữa, xét cho cùng anh chàng TH cũng muốn "chơi đẹp" với bố vợ và vợ cũ NCKD, nhưng anh ta còn quá trẻ để hiểu những gì NCK đã làm trong quá khứ cũng như ổng từng làm khi đã là thằng tỵ nạn. TH nên tham khảo 2 nhân vật Không Quân Trường Sơn Lê Xuân Nhị và Lý Tống để "đả thông tư tưởng".

 

*** 

--> Read more..

Thứ Năm, 23 tháng 11, 2023

Chân dung một người thầy

Có một người thầy, một nhà văn và cũng là một huynh trưởng thuộc thế hệ sáng lập ra phong trào Hướng đạo Việt Nam… nhưng tên tuổi ông được rất ít người Việt biết đến vì các tác phẩm của ông đa số được viết bằng tiếng Pháp trong khi ông lại là một người Việt gốc Phúc Kiến, đã cùng gia đình lập nghiệp tại Việt Nam từ giữa thế kỷ 19!

Ông mang họ Hồng (cùng họ với Hồng Tú Toàn người khởi xướng cuộc cách mạng nông dân miền Nam Trung Hoa và lập Thái Bình Thiên Quốc, trị vì ở Nam Kinh từ 1851 đến 1863). Đổi sang họ Cung cũng chỉ vì khi Vua Tự Đức lên ngôi, tên húy là Hồng Nhậm, nên những ai có họ Hồng phải sửa lại.

Ông sinh tại Huế, năm 1909, cha ông là Cung Quang Bào, một Đốc học. Mẹ là Nguyễn Phúc Thị Bút, trưởng nữ của Quận công Hồng Ngọc và cháu nội của An Thành Vương Nguyễn Phúc Miên Lịch, con út vua Minh Mạng.

Ông sinh trưởng trong một gia đình nghèo và đông con, học xong trung học tại trường Quốc học Huế, ông đã phải ra đời làm việc. Năm 1928, ông được bổ làm trợ giáo tập sự tại trường Nam Tiểu học Nha Trang, nhưng đến đầu năm 1930 bị bãi chức, vì lý do chính trị. Sau đó ông phiêu lưu vào Sài Gòn, Đà Lạt, Huế, Nha Trang.

Năm 1936 cha của ông mất. Vì trách nhiệm đối với gia đình, ông về lại Nha Trang và năm 1941 trở lại nghề dạy học. Ông đã dạy các môn Việt văn, Hán văn, La tinh, Pháp văn, Anh văn, sử địa, kinh tế học, triết học, văn học... ở các trường Kim Yến, Trường Dòng Thánh Giuse Bình Tân, La San, Phanxicô, Collège Français de Nha Trang, Võ Tánh, Lê Quý Đôn...

Trong khoảng 1955-75, ông làm hiệu trưởng trường Trung học đệ nhị cấp Lê Quý Đôn, Nha Trang. Trong thời gian 1972-1975 ông là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Cộng đồng Duyên hải, Nha Trang. Từ 1989 đến 1999, ông là giáo sư thỉnh giảng môn ngôn ngữ và văn chương Pháp tại khoa Pháp văn, Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang.

Về hoạt động xã hội, năm 1944, ông đảm nhiệm khoá huấn luyện hướng đạo cuối cùng ở Trại trường Bạch Mã thay thế Trưởng Tạ Quang Bửu vì bận việc riêng. Năm 1958, Trại trường Quốc gia Tùng Nguyên được thành lập tại Đà Lạt dưới quyền điều khiển của ông. Đây là nơi đào tạo hầu hết các trưởng của thế hệ 1958-1975.

Ông từng làm phụ tá Trại trưởng Trại Huấn luyện Hướng đạo quốc tế Gilwell, Anh Quốc. Đây là nơi huấn luyện các huynh trưởng Hướng đạo. Cho đến năm 2007, dù đã 98 tuổi, nhưng vẫn còn gắn bó với phong trào Hướng đạo tại Việt Nam; hướng dẫn Toán Alpha và Bêta Hướng đạo Việt Nam tại Nha Trang.

Ông là ai?

Một người mang cái tên vừa lạ, vừa khó đọc: Cung Giũ Nguyên (1909-2008). Ông là một học giả tài hoa dù chưa xong đại học, viết tiểu thuyết bằng tiếp Pháp, nổi bật là hai tác phẩm “Le Fils de la baleine” (Kẻ thừa tự của ông Nam Hải - 1956) và Le Domaine maudit (Miền đất dữ - 1961) đều được nhà xuất bản Arthème Fayard phát hành tại Pháp.

Cung Giũ Nguyên viết văn từ năm 1928 và từ đó, đã cộng tác với nhiều tờ báo, cả trong nước lẫn ngoài nước: Đông pháp thời báo (Sài Gòn), Nam Phong (Hà Nội), L’Indochine Nouvelle (Sài Gòn), France-Annam, La Gazette de Huế, Tân Văn (Sài Gòn), Books Abroad (Oklahoma, Hoa Kỳ), France-Asie (Sài Gòn), Bách Khoa (Sài Gòn), Présence Francophone (Sherbrooke, Canada), Đại Học (Huế), Tri Thức (Đà Lạt), La Tribune (Sài Gòn)…

 

Cung Giũ Nguyên (1909-2008)

 

Trong bài viết “Nhà văn Cung Giũ Nguyên và những người học sinh cũ”, Giáo sư Nguyễn Xuân Hoàng kể lại:

“… Rồi câu chuyện về mối tình của Thầy Nguyên với một thiếu nữ. Cô gái kia chắc cùng  tuổi tôi, hay thua tôi một hoặc hai tuổi, còn Thầy Nguyên, tôi biết Thầy lớn hơn tôi chừng 30 tuổi. Người ta đàm tiếu, thêu dệt về mối tình của Thầy.

“Thời gian đó tôi đã vào Sài Gòn, học trường Petrus Ký, nhiều khi nghe người khác kể lại tôi ngạc nhiên tự hỏi tại sao người ta tốn quá nhiều thì giờ về một mối tình đẹp đẽ của Thầy Nguyên như thế! Thầy Nguyên là một con người, và là một con người tài hoa”

(hết trích)

 

Cung Giũ Nguyên, Huynh trưởng Hướng đạo

 

“Mối tình đẹp đẽ với một thiếu nữ” mà Giáo sư Nguyễn Xuân Hoàng nhắc tới là với cô Nguyễn Thị Hoàng, một cô gái Huế, và cũng là người sau này là tác giả của cuốn tiểu thuyết một thời đã khuấy động văn học Miền Nam với tác phẩm “Vòng tay học trò” xuất hiện nhiều kỳ trên Bách Khoa và được tái bản nhiều lần sau bản in đầu tiên năm 1966.

Nhiều ý kiến phê phán tác phẩm này có nội dung “vô luân” do viết về quan hệ tình cảm giữa một cô giáo trẻ và cậu học trò đệ nhị cấp cùng trường. Trên thực tế, cô giáo Trâm chỉ dạy đệ nhất cấp còn anh học trò Minh đang học năm cuối lớp Đệ Nhị.

Trước khi lên Đà Lạt dậy học, gia đình Nguyễn Thị Hoàng sống tại Nha Trang. Những năm theo học tại trường Võ Tánh, Nguyễn Thị Hoàng dính vào scandal một thời là đề tài nóng bỏng tại thành phố biển Nha Trang.

 

“Vòng tay học trò” - Bản in lần thứ 4, tác giả có sửa chữa

 

Cô nữ sinh dan díu và có thai với ông Cung Giũ Nguyên, giáo sư Pháp văn, hơn Nguyễn Thị Hoàng (sinh năm 1939) gần ba mươi tuổi. Biến cố đầy tai tiếng này được dàn xếp êm thấm giữa hai gia đình với lời thú nhận can đảm của người trong cuộc:

“Ông Cung Giũ Nguyên không có lỗi trong vụ này. Lỗi là do tôi dụ dỗ ông ta khi theo học thêm lớp Pháp văn tại nhà, vì tôi muốn có một đứa con thông minh xuất chúng như ông ấy!”.

Đứa con gái sinh ra được đặt tên Cung Giũ Nguyên Hoàng và được bà vợ chính thức của ông Nguyên nuôi dưỡng vì bà này không thể có con. Trong ngày tang lễ của ông Cung Giũ Nguyên (tháng 11/2008) người ta thấy Cung Giũ Nguyên Hoàng phục tang cha, ôm bát nhang đi trước linh vị.

 

Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng

 

Người tình của Nguyễn Thi Hoàng trong “Vòng tay học trò” khi đó không phải là “Thầy Nguyên” mà là một người bạn học của tôi lúc xưa, Mai Tiến Thành, cùng học tại trường Trung học Ban Mê Thuột. Năm Đệ Tam, Thành chuyển sang học tại trường Trần Hưng Đạo Đà Lạt, nơi cô giáo Hoàng dạy các lớp Đệ nhất cấp.

Nhân nghỉ Tết, trong một lần về lại Ban Mê Thuột, Thành rủ tôi ra tiệm sách để tìm mua những tờ nhạc… “có tên Hoàng” trong khi anh chàng chẳng có máu văn nghệ chút nào! Thì ra khi đó mới biết chuyện tình thời học trò của Thành với cô giáo Hoàng mà trong truyện là trò Minh và cô giáo Trâm.

Hình như để giữ cho mối tình “cô giáo-học trò” thi vị hơn, tác giả đã hư cấu thêm để cho cuộc tình chấm dứt tại Sài Gòn và không đả động đến hậu quả của nó: một đứa con đã ra đời.

Đứa bé được đặt tên Mai Quỳnh Chi, giao cho gia đình Thành nuôi nấng tại Ban Mê Thuột và ngày nay đã trở thành một thiếu nữ sống tại nước ngoài.

 

Nguyễn Thị Hoàng, năm 2007 (Ảnh của Thái Kim Lan)

 

Sau 1975, Thành phải đi cải tạo vì trước đó là sĩ quan báo chí Quân đoàn 2. Rồi định cư tại nước ngoài nhưng cũng đã về thăm Việt Nam một lần.

Tôi đã gặp lại Thành tại Sài Gòn và thấy Thành đã thay đổi, từ một chàng trẻ tuổi bay bướm, phá phách ngày nào đã trở thành một người đàn ông trầm tính, ăn nói chững chạc, rất khác với “trò Minh” của tuổi trẻ bão táp trên Đà Lạt.

Thật bất ngờ, đó là lần gặp mặt cuối cùng vì năm 2008 Thành đã từ giã cõi đời tại Hoa Kỳ.

 

Mai Tiến Thành tại nhà quàn Peak Family, Hoa Kỳ

 

Tôi viết những dòng hồi ức này thay một nén hương lòng để tưởng nhớ một người bạn thân thiết từ thời trung học.

 

***

 

* Tham khảo thêm trên Blogspot:

- “Nhà văn nữ trước 1975: Nguyễn Thị Hoàng”

http://chinhhoiuc.blogspot.com/.../nha-van-nu-truoc-1975...

- “Đọc lại Vòng Tay Học Trò của Nguyễn Thị Hoàng”

http://chinhhoiuc.blogspot.com/.../oc-lai-vong-tay-hoc...

 

*** 

--> Read more..

Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2023

Đàn Ông Vs Đàn Bà: Ai hơn Ai?

Mới đây, tạp chí Time tiết lộ lý do “động trời”: tại sao ngày nay phụ nữ Mỹ sống lâu hơn nam giới gần 6 năm qua bài viết của Jamie Duchar, “Why U.S. Women Now Live Almost 6 Years Longer Than Men”.   

Bà Jamie lấy thông tin từ bài nghiên cứu mới nhất của “JAMA Internal Medicine”, một tạp chí y học khá nổi tiếng của Hoa Kỳ. Theo JAMA, tuồi thọ trung bình của người Mỹ vào khoảng 76 nhưng những năm gần đây vì nhiều lý do nên số tuổi này có phần suy giảm ở nam giới trong khi nữ giới lại gia tăng.

Tính đến năm 2011, theo thống kê mới nhất, thì tuổi thọ của nam giới chỉ còn 73,5 tuổi so với 78,3 tuổi ở phụ nữ. Đây là sự cách biệt lớn nhất nếu so với thống kê của năm 1996.   

Như vậy, cách biệt đó đã được ghi nhận từ trước khi bệnh dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu cho nên người ta có thể còn quy về một số lý do khác như bệnh tim mạch, ung thư, dùng thuốc quá liều hay thậm chí là tự tử. Đây là những nguyên nhân thường xảy ra với nam giới, nhiều hơn nữ giới.

 

Sự khác biệt về tuổi thọ giữa Đàn ông và Phụ nữ tại Mỹ

 

Trở lại với câu hỏi “Đàn Ông Vs Đàn Bà: Ai hơn Ai?”, tôi xin kể một chuyện tiếu lâm, có tính cách hư cấu về việc… “tiểu tiện” của cả hai phái: Đàn Ông và Đàn Bà.

Quý bà vốn thường bị chê là “đái không qua được ngọn cỏ” khiến cho phái nữ tức mình, để nghị một cuộc thi đấu với điều kiện lúc “hành sự” hai tay phải chắp sau lưng chứ không được để phía trước.

Xét thấy điều kiện cũng dễ dàng nên cánh đàn ông chấp nhận ngay vì biết chắc thế nào mình cũng thắng. Một bà hiên ngang đứng lên, hay tay chắp sau lưng “tè” ngay và đến lượt một ông cũng làm y như vậy.

Mãi lúc này quý ông mới hiểu ra “âm mưu thâm độc” của quý bà: đàn ông lúc “xả xú-bắp” thường dùng ngón tay để điều chỉnh “vòi nước” nhưng cuộc thi lại bắt phải để sau lưng thế cho nên nước thải ra rơi ngay xuống chân!

Kết cuộc lượng nước tiết ra của các bà quá “quá mạnh” nên vượt xa các đấng mày râu. Trong khi đó, vòi nước của các ông không có sự “lèo lái” của ngón tay nên cứ rỉ ngay xuống chân chứ không chịu… bay xa.

 

Tư thế của đàn ông “đứng tè” (hình chụp tại đường Hàm Tử, Quận 5)

 

Thế mới biết, câu “thông minh vốn sẵn tính trời” đã dành cho các bà! Cộng thêm với “cái uy của một… nội tướng trong gia đình” nên khiến cho “vai trò lãnh đạo” của chị em phụ nữ ngày càng “vững chãi” trong việc “điều binh khiển tướng” trong nhà!

Chuyện sau đây mới đúng là chuyện thật 100% tận bên nước Mỹ chứ không phải hư cấu. Ở thành phố Philadelphia có một viện bảo tàng mỹ thuật trưng bày những tác phẩm nghệ của nhiều nước trên thế giới trong đó có một phòng triển lãm dành cho những tác phẩm sáng tác sau năm 1989 của Đại Hàn.

 

Hình chụp khu trưng bày của Đại Hàn tại Bảo tàng Philadelphia, Mỹ

 

Những sáng tác đương đại này có nhiều thứ "khó hiểu", nhưng có lẽ khó hiểu nhất là những bức ảnh trắng đen của nữ nhiếp ảnh gia Chang Jia (sinh năm 1973) thực hiện năm 2006 với đề tài "Tiểu Tiện Đứng". Nhiếp ảnh gia chụp hình một nữ nhân đứng… "tè".

Quả thật đây là một đề tài nghệ thuật nhiếp ảnh đen trắng độc đáo được trưng bày trước mặt khách đến thăm mà người sáng tác lại là một nhân vật thuộc giới “quần thoa”. Hình ảnh nghệ thuật thật đẹp nhưng có điều khiến một số nhà đạo đức phải… “lắc đầu ngao ngán”.

Tôi cố gắng post lên đây những tấm hình này nhưng lại ngại vi phạm “tiêu chuẩn đạo đức” cho nên những điểm “nhạy cảm” của phụ nữ đã bị người viết che kín. Rất mong các vị trong ban kiểm duyệt miệm tình bỏ qua vì đây chỉ là hình minh họa được trưng bày tại viện bảo tàng!

 

Tư thế của Phụ nữ (hình của Chang Jia, Đại Hàn)

 

Tư thế của Phụ nữ (hình của Chang Jia, Đại Hàn)

 

Tư thế của Phụ nữ (hình của Chang Jia, Đại Hàn)

 

Tư thế của Phụ nữ (hình của Chang Jia, Đại Hàn)

 

Câu chuyện ít ra cũng khiến quý ông vẫn thường tự hào là “thông minh nhất nam từ” phải suy nghĩ lại.

Và “cuộc chiến ai thắng ai” có lẽ vẫn còn tiếp diễn đối với cả hai phe cho đền khi… trút hơi thở cuối cùng!  

 

***

 

* Tham khảo thêm bài viết “Why U.S. Women Now Live Almost 6 Years Longer Than Men” tại:

https://time.com/6334873/u-s-life-expectancy-gender-gap/

 

 

***

--> Read more..

Chủ Nhật, 12 tháng 11, 2023

Phản hồi của độc giả

Tôi có một người bạn trên Facebook mà tôi gọi là “bạn hiền”

Thật bất ngờ, sáng nay đọc trên Thuyvi Viết Vụn có một bài viết dưới đây.

Phàm khi được khen, ai cũng tỏ ra phấn kích, tôi cũng không là ngoại lệ. Thụy Vi đã viết những dòng này và tôi cảm thấy thật sự xúc động.

 

Hình trên FB Thuyvi Viết Vụn

 

ÔNG NGUYỄN NGỌC CHÍNH. TÁC GIẢ CỦA NHIỀU HỒI ỨC. TỪ...

HỒI ỨC MỘT ĐỜI NGƯỜI, HỒI ỨC THỜI ĐIÊU LINH, HỒI ỨC VIỄN DU...

Tôi vừa nhận được sách của ông NGUYỄN NGỌC CHÍNH và Kim Thúy.

Chắc nhiều bạn đọc nhớ Nguyễn Ngọc Chính có trang HỒI ỨC MỘT ĐỜI NGƯỜI? Trang này chắc chắn có con số triệu triệu người đọc.

Vào trang này, khi giở ra chúng ta sẽ nhớ lại từng giai đoạn Lịch sử, Xã hội thời của chúng ta.

Ông viết HỒI ỨC MỘT ĐỜI NGƯỜI tưởng rằng ông viết về đời ông, nhưng khi đọc chúng ta thấy cuộc đời chúng ta trong đó. Ông viết ra hết những gì liên quan tới cuộc sống từ thời thập niên 1950 đến thập niên 1975 và lan man qua cả sau này.

Lối viết của ông rất cuốn hút người đọc, nhưng ông viết rất xác thực. Ông sinh sống ở Cao Nguyên nhưng khi vào Saigon, ông bỏ công khám phá tường tận:

“Bước sang thời quân ngũ tôi đã trở thành cư dân thường trực của Sài Gòn và đây cũng là một cơ hội để tôi khám phá từ những con đường nổi tiếng cho đến những con hẻm không tên trên đất Sài Gòn”.

Nhưng có lẽ quan trọng hơn cả là việc đi sâu vào nếp sống văn hóa-tinh thần của người Sài Gòn, từ ăn-chơi cho đến lối sống, cách suy nghĩ và rất nhiều khía cạnh khác nữa trong tâm hồn người Sài Gòn... Và có hàng 1001 câu chuyện mà khi cần chúng ta đọc bài của ông sẽ nhớ lại rất rỏ mồn một.

Tôi đã không ít lần khi viết về nhân vật nào của VN thời đó, tôi liền vào trang của ông đọc thêm và yên tâm vì sự khả tín của ngòi bút này.

Khen ông, giống như khen “Phò Mã tốt áo”. Vả lại lượng độc giả “đồ sộ” của ông là cách “thẩm định” những tác phẩm mà ông đã viết.

Cảm ơn ông, Tác giả NGUYỄN NGỌC CHÍNH.

(Nếu các bạn muốn đọc HỒI ỨC MỘT ĐỜI NGƯỜI, xin vào trang http://chinhhoiuc.blogspot.com/)

(Nếu các bạn muốn order sách, xin vào trang https://www.facebook.com/thanhuu.nguyen.18)

 

***
--> Read more..

Thứ Ba, 7 tháng 11, 2023

Bên dòng sông Trẹm – Dương Hà

"Bên Dòng Sông Trẹm" là một tiểu thuyết của nhà văn Dương Hà, lần đầu tiên xuất hiện trên báo Sài Gòn Mới năm 1951 dưới hình thức “feuilleton”, một loại truyện dài đăng nhiều kỳ rất “ăn khách” trên các báo hàng ngày đến độ nhiều độc giả chỉ mua báo để đọc truyện chứ không vì theo dõi tin tức thời sự.

Tác giả Dương Hà dàn trải tiểu thuyết qua 30 chương và  một chương kết, dựa vào bối cảnh của dòng Sông Trẹm (còn được gọi là sông Trèm Trẹm), dài khoảng 42km, từ lâu vốn nổi tiếng với cảnh đẹp hữu tình của tỉnh Cà Mau.

Tên sông có tự bao giờ không ai nhớ rõ, chỉ biết vẻ đẹp của nó còn rất hoang sơ, bởi đôi bờ bao phủ những dãy dừa nước, những cánh rừng tràm đưa hương thơm ngát, những cánh đồng lúa xanh rờn thẳng cánh cò bay.

Sông Trẹm đẹp bởi dòng nước thay đổi theo mùa. Mùa mưa nước sông có màu đỏ tựa máu từ rừng tràm đổ về, mùa khô nước sông lại có màu trắng đục, hai bên bở là những hàng dừa nước xanh biếc.

Sông Trẹm chia Rừng U Minh thành hai vùng Thượng và Hạ. U Minh Hạ thuộc tỉnh Cà Mau, U Minh Thượng thuộc tỉnh Kiên Giang. Cầu Vĩnh Thuận được khánh thành năm 2002 bắc qua sông Trẹm, nối Cà Mau với Kiên Giang.

 

Sông Trẹm ngày nay

 

Dọc dòng sông Trẹm là những làng nghề truyền thống nổi tiếng. Chính dòng sông này đã gợi nguồn cảm hứng trong tiểu tiểu thuyết "Bên Dòng Sông Trẹm" với một câu chuyện tình lâm ly, nhiều éo le, trắc trở giữa chàng trai Triệu Vỹ và thôn nữ Mỹ Lan.

Bà Triệu Phú, tên thật là Trần Sương Mai, con gái út của một địa chủ, là góa phụ của ông Triệu Phú, một đại thương gia nhưng vắn số, qua đời vào năm 1947, để lại vợ và một đứa con trai 17 tuổi, Triệu Vĩ, đang học ban Tú tài toàn phần ở Pháp năm đó. Tác giả Dương Hà nhận xét về bà:

“Bà Triệu Phú, người hiền hậu, biết thương kẻ nghèo khốn, nhưng vô tình bà lại trở thành tàn ác, khắt khe vì tâm tính yếu đuối và đầu óc phong kiến còn chứa chấp những tư tưởng cũ rích của những thế hệ xa lắc xa lơ nào. Dù sao bà Triệu Phú cũng là kẻ đáng thương chớ không đáng trách, vì bà chỉ là một trong những người còn sót lại của cái xã hội cũ mục nát nó đã đào tạo bà và giáo huấn bà.”

Bà Triệu Phú bỏ tiền ra xây cất một nhà máy xay lúa, một trại cưa dùng vào việc đóng ghe xuồng, và nhiều xưởng dệt. Hầu hết thanh niên trai tráng và phụ nữ trong làng Thới Bình đều kéo đến làm công cho bà.

Triệu Vĩ sau khi tốt nghiệp kỹ sư canh nông ở Pháp, chàng trở về Thới Bình để phụ giúp mẹ coi sóc công việc làm ăn. Dương Hà mô tả Triệu Vĩ:

“Triệu Vĩ là một thanh niên trí thức ham hoạt động, tánh tình vui vẻ, hiền lương, nhân đức. Chàng có tình thương tất cả mọi người. Chàng khác hẳn với mẹ ở chỗ không phân biệt giai cấp. Chàng có tư tưởng tiến bộ. Luôn tỏ ra thân mật và hết lòng giúp đỡ những gia đình bần hàn gặp hoàn cảnh quẫn bách”.

Thôn nữ Mỹ Lan sinh ra và lớn lên giữa lũy tre làng và những con người chất phác, tâm hồn chân thật và giản dị. Nàng là cô gái út của ông Năm gác gian xưởng dệt, có theo học đến Lớp Nhứt ở trường chợ quận Cà Mau, nhưng cái văn minh thành thị ở vùng đó vẫn không thay đổi được tâm hồn nàng.

Mỹ Lan tin tưởng ở định mệnh và sống trong khuôn khổ nhứt định của tập quán và phong tục Á Đông. Trong một buổi hẹn hò bên dòng sông Trẹm cô đã từng nói với người yêu những suy nghĩ của nàng về “định mệnh”:  

“Em cho rằng định mệnh là do ta chứ chẳng phải do ở trời. Mỗi con người đều có thể tạo riêng cho mình một số mệnh như ý mình mong muốn, nhưng muốn đạt tới kết quả mình cần phải kiên nhẫn, có chí phấn đấu chịu đựng và nhất là lòng tự tin và can đảm. Chúng ta không nên đổ lỗi cho định mệnh một khi chúng ta thất bại một chuyện gì.”

Triệu Vĩ đã phải đối đầu với Năm Hương, tên quản gia trung thành của bà Triệu Phú. Hắn là một nhân vật phản diện, một “cặp rằn”, trên nịnh bợ chủ nhưng lại rất ác độc đối với những công nhân “thấp cổ, bé họng”. Dương Hà mô tả Năm Hương:

“Bản tính lưu manh, ba xạo dâm đãng, gã có đủ mọi tật xấu… Năm Hương giở ngay thủ đoạn bất lương, đạp đổ, áp bức và bộc lộ rõ rệt những tánh xấu của gã… Tuy đã 35 tuổi và mặc dù tính vốn dâm đãng, Năm Hương vẫn chưa có vợ con. Người ta cũng rất làm lạ về việc này. Người ta bàn tán lung tung nhưng vẫn không khám phá được bí mật của Năm Hương.”

Trong một lần đụng chạm giữa Năm Hương và công nhân, Triệu Vĩ đã đứng về phe thợ cưa khiến hắn mất mặt và từ đó, tên “cặp rằn” này quyết trả thù con trai bà chủ với những kế hoạch hiểm độc. 

 

Nhà văn Dương Hà khi còn trẻ

 

Vào khoảng thời gian năm 1954-1955, Triệu Vĩ phải lòng cô gái quê nghèo nhưng đẹp, duyên dáng, nết na đã vấp phải sự phản đối của bà Triệu Phú và sự đố kỵ của Năm Hương. Cả hai đã tìm cách ly gián, giăng bẫy để chia lìa cuộc tình nầy vì không “môn đăng hộ đối”, trong khi Mỹ Lan đã có thai với Triệu Vĩ!

Theo âm nưu của Năm Hương, bà Triệu Phú muốn con mình lên Sài Gòn một tháng để mua sắm những trang thiết bị cần thiết cho nhà máy, đồng thời tìm vài thương gia quen biết đề khuếch trương công việc làm ăn tại Thới Bình. Triệu Vĩ không nghi ngờ gì về kế ly gián này nhưng cũng đau khổ khi phải xa Mỹ Lan.

Năm Hương sau đó phao tin khiến mọi người lầm tưởng rằng nàng đã nhảy xuống dòng sông Trẹm quyên sinh kết thúc đời mình để cậu chủ không còn hy vọng gặp lại. Sau đó Triệu Vĩ đành vâng lời mẹ cưới Ngọc Anh, con gái của một vị bác sỹ theo sự sắp đặt của bà Triệu Phú.

Năm Hương, trong một đêm vắng vẻ đã tìm đến nhà Mỹ Lan giở trò dâm ác hòng cưỡng đoạt Mỹ Lan để trả thù cậu chủ. Mỹ Lan phải tháo thân bỏ nhà trốn ra đi, ẩn náu giữa cánh rừng hoang vắng để được yên thân và chờ ngày sanh nở với sự giúp đỡ của một cụ bà sống đơn độc một mình.

Những tình tiết éo le gây cấn, bi thương, bi đát liên tục và dồn dập xảy ra... Mỹ Lan sau khi sanh nở được một đứa con trai khôi ngô và đó cũng là niềm an ủi duy nhất của đời nàng thì tình cờ trong một buổi đi săn giữa khu rừng xa xôi hoang vắng Năm Hương đã phát hiện ra nàng.

Hắn bàn mưu tính kế hiểm ác với bà Triệu Phú, rình rập chọn thời điểm Mỹ Lan ra ngoài rừng lấy củi đã lẻn vào bắt cóc đứa bé mang đi và phóng hỏa đốt nhà làm cho nàng tưởng rằng đứa con của mối tình bên dòng sông Trẹm đã bị hỏa thiêu.

Niềm đau khổ và tuyệt vọng đến tận cùng đã đẩy Mỹ Lan vào chùa xuống tóc qui y để vơi đi nỗi buồn mất con và mối tình ngang trái. Ngày Mỹ Lan gặp được mặt đứa con cũng là ngày đứa con thân yêu trút hơi thở cuối cùng vì lao vào nhà xưởng để cứu sản nghiệp của cha do Năm Hương đặt mìn phá hoại.

 

Nhà văn Dương Hà (Dương Văn Chánh)

 

Triệu Vĩ kết hôn gượng ép với Ngọc Anh, con gái của bác sĩ Thạch ở chợ Bạc Liêu. Tuy không có tình yêu nhưng Triệu Vĩ nghĩ đã là vợ chồng thì phải có trách nhiệm với nhau. Tác giả đã để người thanh niên phải thốt lên:

“Trời ơi! Có ai hiểu được nỗi khổ của lòng ta? Mẹ đã giết chết cuộc đời tuổi trẻ của ta! Mất Mỹ Lan, đời ta còn có nghĩa gì nữa. Đành rằng vợ ta vô tội, ta đã mang đủ bổn phận làm chồng, nhưng ai bắt buộc được ta khi mà tình cảm của ta đã chết theo tình cảm của Mỹ Lan”.

Định mệnh run rủi khiến Triệu Vĩ nhận được thư của người xưa Mỹ Lan nhưng nay đã mang tên Ni cô Diệu Linh muốn gặp chàng tại bệnh xá khám đường dành cho phụ nữ! Bệnh nhân là người tù mang tên Tuyết có vóc giáng giống y như Mỹ Lan ngày nào.

Cô Tuyết là nữ nghệ sĩ trong một gánh xiếc lưu động mà Triệu Vĩ quen biết… qua đường nhưng lại có con với nàng. Tuyết bị tù vì có liên quan đến một kẻ làm bạc giả.

Trong tù, Tuyết vừa hạ sanh một bé trai, con của Triệu Vĩ, thì bị những người tù nổi loạn giết chết!    

Ở Chương Kết, Ni cô Diệu Linh trong một buổi “biểu tình” của đám tù nhân nữ tại khám đường do Mụ Quỷ Sứ cầm đẩu, trên tay bồng một đứa trẻ. Người quản đốc khám đường còn đang hoang mang thì Diệu Linh cất tiếng bắt đầu tranh luận:

- Đứa bé vô tội! Chị hãy giao nó cho tôi! Mẹ nó đang hấp hối và chính chị gây ra tội lỗi đó, chị chưa hài lòng sao?

- Con khốn nạn đó chết mất rồi chớ còn đâu mà hấp với hối! Tao đã giết nó và giờ sẽ giết luôn con nó nữa! Ha! Ha! Giết! Giết!

- Chị hãy nghe tôi. Hiện thời chị chưa có con, chị chưa biết thế nào là tình mẫu tử. Nhưng rồi chị sẽ có con, chị sẽ yêu con chị và chị sẽ không muốn cho ai giết con chị. Chị hãy giao đứa bé cho tôi!...

Quay sang Triệu Vĩ, Ni cô Diệu Linh trao hài nhi và nói:

- Đây là con của anh. Mẹ nó đã chết nhưng nó sẽ sống bên cạnh anh. Anh hãy thương yêu nó và đặt tên nó là Đức. Trần Đức như thằng Trần Đức, đứa con xấu số ngày xưa của chúng ta… Dĩ vãng đã chết nhưng tương lai đang mở rộng ở chân trời. Giờ đây anh cần phải sống, sống vì con anh để cho mẹ nó được yên lòng nơi chín suối.

Và Dương Hà kết thúc tiểu thuyết “Bên Dòng Sông Trẹm”:

“Sân khám đường chìm đắm trong bầu không khí yên lặng. Ánh đèn mờ nhạt ma trơi dễ sợ phảng phất màu tang tóc đâu đây.

“Ni cô Diệu Linh cúi đầu, nuốt ực niềm cay đắng xuống tận đáy lòng.

“Buồn ơi, buồn mãi không thôi...

(hết trích)

 

Tác phẩm “Bên Dòng Sông Trẹm” – Dương Hà (Ấn bản cũ)

 

Nhà văn, nhà báo Dương Hà, tên thật là Dương Văn Chánh (1934-2018), sinh tại Bạc Liêu nhưng bỏ quê lên sinh sống tại Sài Gòn. Ông đã từng cộng tác với nhiều tờ báo lớn và là tác giả của gần 60 tác phẩm, trong đó cuốn “Bên Dòng Sông Trẹm” được nhắc đến nhiều nhất.

Năm 1952, ông làm thư ký toà soạn cho tờ Mạch Sống, Nhân Loại. Rồi chuyển qua viết phóng sự cho tờ Tiếng Dội của Trần Tấn Quốc. Khoảng 53-54, ông chuyển qua cộng tác với Saigon Mới của bà Bút Trà.

Cũng tại Saigon Mới, Dương Hà viết “feuilleton“ đầu tiên, sau đó cùng lúc viết cho các tờ Phụ Nữ Diễn Đàn, Phụ Nữ Ngày Mai, Thẩm Mỹ… Truyện hàng ngày thường hấp dẫn, phù hợp với độc giả phụ nữ và lôi kéo rất nhiều độc giả nên báo bán rất chạy.

 

Tác phẩm “Bên Dòng Sông Trẹm” – Dương Hà (Ấn bản mới)

 

Truyện của Dương Hà thường dựa vào bối cảnh những địa danh có thực nên độc giả cảm thấy gần gũi với giọng văn “đặc sệt” chất Nam Bộ. Điển hình là "Bên Dòng Sông Trẹm" đã lấy đi nhiều nước mắt của người đọc, nhất là độc giả phái nữ.

Nội dung truyện Dương Hà bao giờ cũng là những mối tình trắc trở nhưng đạo lý cổ xưa vẫn được giữ gìn. Kẻ ác bị đền tội, người hiền lành nếu không nhận một kết cục có hậu thì đổi lại cũng được sự thông cảm, yêu mến của độc giả do nhân nghĩa luôn được đề cao.

"Bên Dòng Sông Trẹm" đã được đưa lên sân khấu cải lương rất ăn khách. Soạn giả Huỳnh Anh chuyển thể thành vở cải lương với sự tham gia của các nghệ sĩ: Minh Phụng, Phượng Liên, Kiều Hoa, Kiều Tiên, Bảo Quốc... Tác phẩm còn được đạo diễn Lê Dân chuyển thể thành phim với các diễn viên: Y Phụng, Lê Tuấn Anh, Hồng Đào, Thanh Vy, Lê Khanh...

 Nhà văn Dương Hà mất ngày 20/8/2018 tại Sài Gòn, hưởng thọ 85 tuổi.

 

Nhà văn Dương Hà (1933-2018)


***
--> Read more..

Thứ Sáu, 3 tháng 11, 2023

Tiểu thuyết “feuilleton” trong làng báo Sài Gòn

“Feuilleton” phát nguồn từ Pháp để ám chỉ những bài viết đăng nhiều kỳ trên báo. Khởi đầu với truyện “La Comtesse de Salisbury” của nhà văn Alexandre Dumas, đăng năm 1836, từ ngày 15/7 đến 11/9, trên tờ Press. Sau đó là truyện “La Vieille Fille” của Balzac từ 23/10 đến 30/11/1836.

 

Tác phẩm "La Comtesse de Salisbury" của Alexandre Dumas

 

Du nhập vào làng báo Việt, “feuilleton” là một sinh hoạt độc đáo của báo chí quốc ngữ thời xa xưa tại Miền Nam. Có thể nói, đi đầu trong thể loại này là “Vè Tam Cang” bằng văn vần được đăng liên tục tám kỳ trên báo “Thông Loại Khóa Trình” (1888-1889) của Trương Vĩnh Ký.

Riêng về tiểu thuyết, “feuilleton” đầu tiên xuất hiện trên báo Nam kỳ phải kể đến loại truyện 1.001 đêm với hai truyện “Bảy chuyến đi của Sinbad”“Chuyện người thợ cao vô duyên bạc phận” thuộc loại bài đăng nhiều kỳ nhất trên “nhựt trình”.

Nhà văn Hồ Biểu Chánh cũng nổi tiếng với những tác phẩm “feuilleton” như “Nhơn tình ấm lạnh”, “Nợ đời”, “Tiền bạc bạc tiền”... đăng trên các báo Phụ Nữ Tân Văn, Trung Lập. Cũng  có tiểu thuyết đăng trên cả hai tờ báo, đó là “Châu về hiệp phố” của Phú Đức, nửa đầu đăng trên báo Công Luận, nửa sau đăng báo Trung Lập.

 

Trang trong với "feuilleton" của báo chí Sài Gòn Xưa

 

Với báo chí Sài Gòn xưa, “feuilleton”món ăn không thể thiếu của người đọc báo. Chính vì truyện luôn là sáng tác mới của các nhà văn, nhà báo nên nhiều người mê tiểu thuyết phải mua và đọc báo hằng ngày, không phải vì tin tức thời sự mà chỉ vì... tiểu thuyết hấp dẫn.

Nhà văn viết tiểu thuyết “feuilleton” có tên tuổi ở miền Nam phải kể đến Lê Hoằng Mưu, Hồ Biểu Chánh, Phú Đức, Ngọc Sơn, An Khê, Bình Nguyên Lộc, Bà Tùng Long, Lê Xuyên…

An Khê có tiểu thuyết “Sóng tình”, do nhà xuất bản Miền Nam in năm 1960, dài đến 695 trang. Nhà văn Lê Xuyên viết tác phẩm “Chú Tư Cầu”, đăng trên báo Sàigòn Mai từ tháng 2 năm 1961 đến tháng 2 năm 1963, xuất bản thành sách vào tháng 3 năm 1963, dài đến 907 trang.

Nhà văn Bình Nguyên Lộc cho biết, ông thích viết “feuilleton” trên giấy kẻ hàng của vở học trò. “Nghề dạy nghề” nên ông cũng rất rành trong việc cần phải viết bao nhiêu trang giấy thì đủ in một kỳ cho nhật báo.

Thông thường, các nhật báo in trên tờ giấy báo khổ 74x58 cm, gấp đôi thành 4 trang báo, tiểu thuyết in ở trang trong. Mỗi trang báo được chia làm 4 “cột” theo chiều dọc, tiểu thuyết in theo phần đó cũng chia làm 4 “cột”.

 

Chính những "feuilletons" bên trong mới mang lại sự ăn khách của tờ báo

 

Sang đến thời truyện chưởng của Kim Dung dịch từ trên báo ở tận Hồng Kông hầu như báo nào ở Sài Gòn cũng đăng truyện kiếm hiệp do Hàn Giang Nhạn hay Từ Khánh Phụng dịch. Đa số độc giả, từ trí thức đến người lao động, thấy “Cô Gái Đồ Long” quá hấp dẫn nên các tờ báo đua nhau có truyện chưởng.

Hai nhân vật chính của “Cô Gái Đồ Long” là Vô Kỵ và Triệu Minh nổi tiếng trong giới mê chuyện kiếm hiệp. Ngay như “ông tướng râu kẽm” Nguyễn Cao Kỳ còn tự nhận mình là Vô Kỵ, bà vợ Đặng Thị Tuyết Mai lại biến thành Triệu Minh!

“Cô Gái Đồ Long” xuất hiện vào thập niên 60, thực ra thì tác giả Kim Dung không hề dùng tựa đề đó cho bộ truyện kiếm hiệp. Tựa nguyên thủy là “Ỷ Thiên Đồ Long Ký” nhưng khi qua đến Sài Gòn dịch giả Từ Khánh Phụng đã đổi tựa thành “Cô Gái Đồ Long”!

Hằng ngày cộng tác viên của các báo ra ngồi chầu chực ở sân bay Tân Sơn Nhứt chờ chuyến bay từ Hồng Kông về để có đoạn mới nhất. Bữa nào chuyến bay gặp trục trặc, các báo đành phải để trang trống với lời xin lỗi độc giả. Người đọc sẽ không ngạc nhiên khi tờ báo đăng “cáo lỗi” vì lý do… báo bên Hồng Kông gửi qua trễ!

 

Nhà văn Kim Dung, người Hồng Kông, và những tác phẩm được dịch tại Sài Gòn

 

“Feuilleton” luôn đòi hỏi phải là truyện mới nên các tiểu thuyết đăng báo đều phải là sáng tác. Theo Bình Nguyên Lộc, là người viết tiểu thuyết “feuilleton” chuyên nghiệp, có lúc ông phải viết đến 11 tiểu thuyết hàng ngày để đăng trên các báo. Nhà văn An Khê còn viết đến 12 tiểu thuyết cho các báo cũng trong một ngày!

Bà Tùng Long (1915 – 2006), ngoài việc phụ trách chuyên mục giải đáp, tâm tình với nữ giới còn viết khá nhiều “feuilleton”. Hồi ký của Bà Tùng Long có ghi lại:

“Tôi thường ghé tòa soạn mỗi buổi sáng, vào thẳng nhà in lấy tờ ruột đã in trang 2 và 3, để coi lại feuilleton của mình đã in đến đâu. Nếu hôm nào người ấn loát trưởng (chef typo) cho biết bài của tôi đã hết, phải đưa thêm, tôi liền ngồi vào bàn tại phòng sắp chữ, viết nối theo đoạn tiểu thuyết hôm trước, đưa liền cho thợ kịp sắp chữ, lên khuôn.

“Tôi luôn luôn lập sẵn dàn bài, tóm lược cốt truyện, phân chương và ghi chi tiết từng chương, định hình nhân vật … cho mỗi truyện. Trước khi viết tiếp cho báo nào, tôi luôn xem lại dàn bài này, nhờ vậy không bao giờ lẫn lộn cốt truyện, hoặc nhân vật truyện này qua truyện nọ. Nói cho đúng, tôi nhờ nghề viết văn mà lần hồi nuôi được chín đứa con, đứa nào cũng vào đại học…

(hết trích)

 

Bà Tùng Long (Lê Thị Bạch Vân, 1915 – 2006)

 

Nhà văn Hoàng Hải Thủy lại đánh giá có phần “tiêu cực” dù ông cũng sống bằng nghề viết tiểu thuyết “feuilleton”:

“Đa số các feuilleton đều kém giá trị nghệ thuật là vì cách làm việc máy móc của các nhật báo: đúng giờ đã định thì phải có bài, hay hoặc dở, hứng thú hoặc chán nản, mạnh khỏe hay đang đau yếu, người viết phải viết cho đủ bài. Đa số người viết lại là những văn nghệ sĩ làm việc tùy hứng, lười viết, chờ đến giây phút đòi hỏi cuối cùng mới ngồi vào bàn viết, tất nhiên không thể nào hay được”.

Để cạnh tranh, nhiều chủ báo thường mướn những nhà văn có tên tuổi viết riêng cho báo mình. Năm 1950, khi thấy Phú Đức viết hấp dẫn độc giả, chủ báo Đinh Văn Khai mời ông viết riêng cho báo Tiếng Chuông. Đó là truyện “Bách Si Ma” và cũng là tiểu thuyết cuối cùng trong đời sáng tác của Phú Đức.

Người viết “feuilleton” gây sóng gió trong làng báo Sài Gòn cũng là nhà văn Phú Đức. Năm 1924, ông chỉ là một thầy giáo tên Nguyễn Đức Nhuận, nhân khi rảnh rỗi đã viết tiểu thuyết đầu tay và gởi cho tờ Trung Lập Báo với đề nghị… “đăng không lấy tiền”!

Đó là tiểu thuyết “Câu chuyện Canh Tràng” được ký dưới bút danh Phú Đức. Sau đó, khi tay nghề đã cao, Phú Đức viết tiểu thuyết cho Trung Lập Báo với số lương kha khá…. 20 đồng/tháng (tiền thời đó).

Năm 1925, Phú Đức cho ra đời tiểu thuyết “Châu về hiệp phố”, được đánh giá là hay nhứt của ông khi xuất hiện trên Trung Lập Báo. Chủ báo khi ấy là ông De Lachevrotière tăng lương cho ông lên 40 đồng rồi sau đó lên đến mức 80 đồng/tháng, tương đương với lương Đốc phủ sứ thời bấy giờ!

Nhận thấy “feuilleton” của mình ăn khách quá, Phú Đức bèn nghĩ cách ra một tờ báo riêng cho mình lấy tên là Bình Dân chỉ đăng toàn tiểu thuyết “feuilleton”. Ấy thế mà chỉ sau 3 tháng ra báo riêng, ông đã tậu được nhà lầu!

 

"Châu Về Hiệp Phố" - Phú Đức (Nguyễn Ðức Nhuận, 1901-1970). NXB Xưa Nay, 1928

 

Vào thập niên 1950-1960 là thời vàng son của những nhà viết tiểu thuyết “feuilleton” tại Sài Gòn, vì thời đó có nhiều nhật báo tại Miền Nam và cũng đây cũng là mảnh đất trù phú dành cho văn học quốc ngữ phát triển, gồm có báo chí và tiểu thuyết. 

Sau năm 1975, “feuilleton” biến mất trên các mặt báo vì có quá nhiều tin bài mà tờ báo thì số trang hạn hẹp nhưng cũng có thể vì không còn những tác giả làm chuyện phi thường là mỗi ngày viết một hai ngàn chữ hấp dẫn để đăng báo?

Tiểu thuyết “feuilleton” là truyện chưa viết xong, chưa in thành sách nhưng đã đăng báo. Nhà văn có thể viết một đoạn rồi đăng báo hoặc viết tới đâu đăng báo tới đó… Thế cho nên, tác giả viết năm bảy trang đủ đăng một kỳ báo rồi đưa cho báo hàng ngày, hằng tuần hay hàng tháng.

Nhà văn Lê Hoằng Mưu thuở sơ khai của tiểu thuyết Miền Nam, cũng như nhà văn Ngọc Sơn vào thập niên 1950, được trả lương cao nhất cho tiểu thuyết của họ và được biệt đãi. Sau này, người làm Chủ bút, người lại có tiền thưởng cao vào dịp cuối năm.

Về phần mình, nhà văn Hoàng Hải Thủy tâm sự:

“Năm 1956 tôi bắt đầu viết tiểu thuyết phơi-ơ-tông cho nhật báo Ngôn Luận, tiền trả mỗi tháng cho truyện của tôi là 4.000 đồng, sau đó lên 5.000 đồng. Đồng bạc Việt Nam Cộng Hòa vững giá trong thời chính phủ Ngô Đình Diệm – cũng có lạm phát nhưng tỷ lệ không đáng kể – và mất giá thê thảm trong những năm sau đó. Năm 1966, 1967 tôi viết tiểu thuyết “Môi Thắm Nửa Đời” – bị anh em gọi là “Môi Thắm Nửa Đùi” – cho nhật báo Chính Luận, được trả 7.000 đồng một tháng…

“Gần năm mươi năm sau ngày tôi viết bộ tiểu thuyết phơi-ơ-tông thứ nhất của tôi – truyện “Nổ Như Tạc Đạn” – năm nay lưu lạc quê người, nhớ và viết về những truyện phơi-ơ-tông, những người viết phơi-ơ-tông ở Sài Gòn ngày xưa, tôi thấy trái tim tôi trĩu nặng. Tôi nhớ những tác giả tiểu thuyết phơi-ơ-tông nổi tiếng một thời ở Sài Gòn nay đã không còn ở cõi đời này: anh Chu Tử trúng đạn thù chết trên đường ra biển ngày 30 Tháng Tư 1975, Trọng Nguyên mất vì ung thư phổi năm 1982, anh Hoàng Ly, tác giả Một Thời Ngang Dọc, Giặc Cái, mất năm 1983, Chú Tư Cầu Lê Xuyên chết năm 2000, anh An Khê, Duyên Anh qua đời ở Pháp…

(hết trích)

 

Nhà văn Hoàng Hải Thủy

 

Như đã thấy, trước năm 1975, tiểu thuyết feuilleton giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành một tờ báo ở Sài Gòn. Một tiểu thuyết feuilleton hấp dẫn, ăn khách, giúp tờ báo có được nhiều độc giả.

Từ đó, tờ báo có thể sống vững, dù phần thời sự, nghị luận nơi trang ngoài của tờ báo không có gì hơn những báo khác. Chỉ nhờ có tiểu thuyết “feuilleton” ăn khách, một tờ nhật báo ở Sài Gòn cũng có thể trở thành một tờ báo lớn, bán chạy.


*** 

--> Read more..

Popular posts