Có một người thầy, một nhà văn và
cũng là một huynh trưởng thuộc thế hệ sáng lập ra phong trào Hướng đạo Việt
Nam… nhưng tên tuổi ông được rất ít người Việt biết đến vì các tác phẩm của
ông đa số được viết bằng tiếng Pháp trong khi ông lại là một người Việt
gốc Phúc Kiến, đã cùng gia đình lập nghiệp tại Việt Nam từ giữa thế kỷ
19!
Ông mang họ Hồng (cùng họ với Hồng Tú Toàn người khởi xướng cuộc cách mạng nông dân miền Nam Trung Hoa và lập Thái Bình Thiên Quốc, trị vì ở Nam Kinh từ 1851 đến 1863). Đổi sang họ Cung cũng chỉ vì khi Vua Tự Đức lên ngôi, tên húy là Hồng Nhậm, nên những ai có họ Hồng phải sửa lại.
Ông sinh tại Huế, năm 1909, cha ông là Cung Quang Bào, một Đốc học. Mẹ là Nguyễn Phúc Thị Bút, trưởng nữ của Quận công Hồng Ngọc và cháu nội của An Thành Vương Nguyễn Phúc Miên Lịch, con út vua Minh Mạng.
Ông sinh trưởng trong một gia đình nghèo và đông con, học xong trung học tại trường Quốc học Huế, ông đã phải ra đời làm việc. Năm 1928, ông được bổ làm trợ giáo tập sự tại trường Nam Tiểu học Nha Trang, nhưng đến đầu năm 1930 bị bãi chức, vì lý do chính trị. Sau đó ông phiêu lưu vào Sài Gòn, Đà Lạt, Huế, Nha Trang.
Năm 1936 cha của ông mất. Vì trách nhiệm đối với gia đình, ông về lại Nha Trang và năm 1941 trở lại nghề dạy học. Ông đã dạy các môn Việt văn, Hán văn, La tinh, Pháp văn, Anh văn, sử địa, kinh tế học, triết học, văn học... ở các trường Kim Yến, Trường Dòng Thánh Giuse Bình Tân, La San, Phanxicô, Collège Français de Nha Trang, Võ Tánh, Lê Quý Đôn...
Trong khoảng 1955-75, ông làm hiệu trưởng trường Trung học đệ nhị cấp Lê Quý Đôn, Nha Trang. Trong thời gian 1972-1975 ông là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Cộng đồng Duyên hải, Nha Trang. Từ 1989 đến 1999, ông là giáo sư thỉnh giảng môn ngôn ngữ và văn chương Pháp tại khoa Pháp văn, Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang.
Về hoạt động xã hội, năm 1944, ông đảm nhiệm khoá huấn luyện hướng đạo cuối cùng ở Trại trường Bạch Mã thay thế Trưởng Tạ Quang Bửu vì bận việc riêng. Năm 1958, Trại trường Quốc gia Tùng Nguyên được thành lập tại Đà Lạt dưới quyền điều khiển của ông. Đây là nơi đào tạo hầu hết các trưởng của thế hệ 1958-1975.
Ông từng làm phụ tá Trại trưởng Trại Huấn luyện Hướng đạo quốc tế Gilwell, Anh Quốc. Đây là nơi huấn luyện các huynh trưởng Hướng đạo. Cho đến năm 2007, dù đã 98 tuổi, nhưng vẫn còn gắn bó với phong trào Hướng đạo tại Việt Nam; hướng dẫn Toán Alpha và Bêta Hướng đạo Việt Nam tại Nha Trang.
Ông là ai?
Một người mang cái tên vừa lạ, vừa khó đọc: Cung Giũ Nguyên (1909-2008). Ông là một học giả tài hoa dù chưa xong đại học, viết tiểu thuyết bằng tiếp Pháp, nổi bật là hai tác phẩm “Le Fils de la baleine” (Kẻ thừa tự của ông Nam Hải - 1956) và “Le Domaine maudit” (Miền đất dữ - 1961) đều được nhà xuất bản Arthème Fayard phát hành tại Pháp.
Cung Giũ Nguyên viết văn từ năm 1928 và từ đó, đã cộng tác với nhiều tờ báo, cả trong nước lẫn ngoài nước: Đông pháp thời báo (Sài Gòn), Nam Phong (Hà Nội), L’Indochine Nouvelle (Sài Gòn), France-Annam, La Gazette de Huế, Tân Văn (Sài Gòn), Books Abroad (Oklahoma, Hoa Kỳ), France-Asie (Sài Gòn), Bách Khoa (Sài Gòn), Présence Francophone (Sherbrooke, Canada), Đại Học (Huế), Tri Thức (Đà Lạt), La Tribune (Sài Gòn)…
Trong bài viết “Nhà văn Cung Giũ Nguyên và những người học sinh cũ”, Giáo sư Nguyễn Xuân
Hoàng kể lại:
“… Rồi câu chuyện về mối tình của Thầy Nguyên với một thiếu nữ. Cô gái kia chắc cùng tuổi tôi, hay thua tôi một hoặc hai tuổi, còn Thầy Nguyên, tôi biết Thầy lớn hơn tôi chừng 30 tuổi. Người ta đàm tiếu, thêu dệt về mối tình của Thầy.
“Thời gian đó tôi đã vào Sài Gòn, học trường Petrus Ký, nhiều khi nghe người khác kể lại tôi ngạc nhiên tự hỏi tại sao người ta tốn quá nhiều thì giờ về một mối tình đẹp đẽ của Thầy Nguyên như thế! Thầy Nguyên là một con người, và là một con người tài hoa”
(hết trích)
“Mối
tình đẹp đẽ với một thiếu nữ” mà Giáo sư Nguyễn
Xuân Hoàng nhắc tới là với cô Nguyễn Thị Hoàng, một cô gái Huế, và
cũng là người sau này là tác giả của cuốn tiểu thuyết một thời đã
khuấy động văn học Miền Nam với tác phẩm “Vòng tay học trò” xuất hiện nhiều kỳ trên Bách Khoa và được tái
bản nhiều lần sau bản in đầu tiên năm 1966.
Nhiều ý kiến phê phán tác phẩm này có nội dung “vô luân” do viết về quan hệ tình cảm giữa một cô giáo trẻ và cậu học trò đệ nhị cấp cùng trường. Trên thực tế, cô giáo Trâm chỉ dạy đệ nhất cấp còn anh học trò Minh đang học năm cuối lớp Đệ Nhị.
Trước khi lên Đà Lạt dậy học, gia đình Nguyễn Thị Hoàng sống tại Nha Trang. Những năm theo học tại trường Võ Tánh, Nguyễn Thị Hoàng dính vào “scandal” một thời là đề tài nóng bỏng tại thành phố biển Nha Trang.
Cô nữ sinh dan díu và có thai với ông Cung
Giũ Nguyên, giáo sư Pháp văn, hơn Nguyễn Thị Hoàng (sinh năm 1939) gần ba mươi
tuổi. Biến cố đầy tai tiếng này được dàn xếp êm thấm giữa hai gia đình với lời
thú nhận can đảm của người trong cuộc:
“Ông Cung Giũ Nguyên không có lỗi trong vụ này. Lỗi là do tôi dụ dỗ ông ta khi theo học thêm lớp Pháp văn tại nhà, vì tôi muốn có một đứa con thông minh xuất chúng như ông ấy!”.
Đứa con gái sinh ra được đặt tên Cung Giũ Nguyên Hoàng và được bà vợ chính thức của ông Nguyên nuôi dưỡng vì bà này không thể có con. Trong ngày tang lễ của ông Cung Giũ Nguyên (tháng 11/2008) người ta thấy Cung Giũ Nguyên Hoàng phục tang cha, ôm bát nhang đi trước linh vị.
Người tình của Nguyễn Thi Hoàng trong “Vòng tay học trò” khi đó không
phải là “Thầy Nguyên” mà là một
người bạn học của tôi lúc xưa, Mai Tiến Thành, cùng học tại trường
Trung học Ban Mê Thuột. Năm Đệ Tam, Thành chuyển sang học tại trường
Trần Hưng Đạo Đà Lạt, nơi cô giáo Hoàng dạy các lớp Đệ nhất cấp.
Nhân nghỉ Tết, trong một lần về lại Ban Mê Thuột, Thành rủ tôi ra tiệm sách để tìm mua những tờ nhạc… “có tên Hoàng” trong khi anh chàng chẳng có máu văn nghệ chút nào! Thì ra khi đó mới biết chuyện tình thời học trò của Thành với cô giáo Hoàng mà trong truyện là trò Minh và cô giáo Trâm.
Hình như để giữ cho mối tình “cô giáo-học trò” thi vị hơn, tác giả đã hư cấu thêm để cho cuộc tình chấm dứt tại Sài Gòn và không đả động đến hậu quả của nó: một đứa con đã ra đời.
Đứa bé được đặt tên Mai Quỳnh Chi, giao cho gia đình Thành nuôi nấng tại Ban Mê Thuột và ngày nay đã trở thành một thiếu nữ sống tại nước ngoài.
Sau 1975, Thành phải đi cải tạo vì
trước đó là sĩ quan báo chí Quân đoàn 2. Rồi định cư tại nước ngoài
nhưng cũng đã về thăm Việt Nam một lần.
Tôi đã gặp lại Thành tại Sài Gòn và thấy Thành đã thay đổi, từ một chàng trẻ tuổi bay bướm, phá phách ngày nào đã trở thành một người đàn ông trầm tính, ăn nói chững chạc, rất khác với “trò Minh” của tuổi trẻ bão táp trên Đà Lạt.
Thật bất ngờ, đó là lần gặp mặt cuối cùng vì năm 2008 Thành đã từ giã cõi đời tại Hoa Kỳ.
Tôi viết những dòng hồi ức này thay một nén
hương lòng để tưởng nhớ một người bạn thân thiết từ thời trung học.
***
* Tham khảo thêm trên Blogspot:
- “Nhà văn nữ trước 1975: Nguyễn Thị Hoàng”
http://chinhhoiuc.blogspot.com/.../nha-van-nu-truoc-1975...
- “Đọc lại Vòng Tay Học Trò của Nguyễn Thị Hoàng”
http://chinhhoiuc.blogspot.com/.../oc-lai-vong-tay-hoc...
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét