Thứ Ba, 28 tháng 9, 2021

Giã từ… Honda !!!

Người tthuờng nói, “có đầu thì phải có cuối”.

Mọi sự nếu đã bắt đầu thì thế nào, không chóng thì chầy, cũng phải đi đến đoạn kết thúc. Đó là lẽ thường tình, mọi người sống trên thế gian này đều phải ung dung chấp nhận, dù đó là một doạn kết mình không mong muốn!

Bao lâu nay chúng ta sống trong đại dịch, một sự khởi đầu bất ngờ, ngoài ý muốn. Con virus Corona đến và đã đảo lộn cuộc sống của chúng ta nhưng thế nào nó cũng phải “bốc hơi”… vào một ngày nào đó.

Nếu mai này hết dịch, mọi người thở phào nhẹ nhõm đón nhận một cái kết “có hậu” dù trước đó Covid-19 đã từng gieo rắc biết bao thảm cảnh chia lìa người thân và đã khiến chúng ta phải từ bỏ mọi thói quen hằng ngày. Quan trọng hơn cả là thay đổi quan niệm sống mà trước đây chúng ta cứ tưởng là… bất di, bất dịch!

Mỗi người đón nhận “đoạn kết” của đại dịch theo hoàn cảnh riêng của mình.

Riêng tôi phải  chấp nhận cái ý tưởng “Giã từ… Hoda !!!” có lẽ là… không giống ai. Tôi ngồi trên yên Honda từ năm tròn 20 tuổi. Tôi mua chiếc xe Honda SS50 bằng số tiền để dành 36.000 đồng năm 1968 từ những tháng lương đầu tiên đi làm.

 

Honda SS50 trên đường phố Sài Gòn

 

Tôi còn nhớ, ngày đầu tiên đến nhà thương bằng chiếc Honda “mới đập thùng” ai cũng trầm trồ, ngắm nhìn, xờ mó. Thậm chí anh y tá người Mỹ còn đòi cho “đi thử” một vòng quanh bệnh viện vì trước khi đi quân dịch anh cũng có một chiếc motorbike ở quê nhà!

Hàng ngày, chiếc Honda cùng tôi đến trường Sinh ngữ từ năm 1969 và cũng đã rong ruổi khắp Sài Gòn trong những ngày cuối tuần. Dạo đó, lưu thông trên đường phố Sài Gòn không như ngày nay, người người nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông.

Tuy vậy, bạn cũng có thể chứng kiến những màn đua xe nếu ra xa lộ nối liền với Biên Hòa. Thỉnh thoảng vẫn có các “yên hùng ngựa sắt” nằm rạp mình phóng xe với tốc độ tối đa cho… “thỏa chí”. Lại có những anh đua với “xe be” chở gỗ dài thườn thượt, có những kẻ “liều mạng” còn chui xuống gầm xe để “giỡn mặt với tử thần” trong gang tấc!

 

Honda SS50

 

Hồi đó có câu quảng cáo trên đài phát thanh cho xe gắn máy của Nhật là phương tiện giao thông “an toàn trên xa lộ… thanh lịch trên đường phố” của các hãng xe Honda, Suzuki, Yamaha, Bridgestone… Đó là chưa kể đến các dòng xe của Ý hay Pháp cũng có mặt trên khắp nẻo đường.

Bạn hãy tưởng tượng trên chiếc Honda 67 có một gia đình 6 người đi từ Lăng Cha Cả đến Bệnh viện Sài Gòn, trước chợ Bến Thành trong buổi sáng ngày 29/4/1975. Đó là gia đình tôi với 4 con nhỏ, đứa nhỏ nhất hãy còn ẵm ngửa, “chạy giặc” về một nơi an toàn nhất sau khi phi trường Tân Sơn Nhất bị… bỏ bom.

Cũng với chiếc Honda 67, tôi chạy và Tổng Tham Mưu (TTM) để “ứng chiến” cùng một số bạn bè đang biệt phái cho Tổng cục Quân huấn. Và đến sáng ngày 30/4/1975 tôi lại cùng Honda ra khỏi TTM với bộ quần áo dân sự. Khi đó có một trận mưa rào, dường như để báo hiệu một cuộc… đổi đời đầy nước mắt!

 

Hình ảnh gợi nhớ ngày nào “chạy giặc” trên chiếc Honda có đền 6 người!

 

Xăng rất khó mua trong thời điêu linh nên chiếc Honda của tôi ”trùm mền” trong nhà là chính. Chiếc xe vẫn cứ nằm đó trong suốt 3 năm chủ nó đi… học tập cải tạo. Đến khi trở về, tôi tiễn chiếc Honda ra chợ trời để đổi lấy tiền mua lương thực, thực phẩm cầm hơi.

Một người bạn trong trại cải tạo bán lại cho tôi chiếc Honda 90 với giá “hữu nghị”. Xe 90 phân khối trông ghồ ghề nếu so với anh Honda 50 ngày nào. Sau này mới biết loại xe Honda 90 đã được “âm thầm” chuyển vào “mật khu” để các chú bộ đội sử dụng. Nó chạy rất khỏe tại địa thế rừng núi!

 

Honda 90 - bộ đội dùng trong mật khu

Đến khi công việc làm ổn định và có mức sống khá hơn, tôi nhường lại chiếc Honda 90 cho một nhân viên trong tòa soạn báo để tậu một chiếc Hoda Dream làm phương tiện đi lại. Rồi lại thực hiện tiếp một cuộc “cách mạng” trong việc đổi xe bằng cách rước một “con” Suzuki Viva.

 

Suzuki Viva

 

Chán Suzuki tôi lại quay về với “người tình cũ”, nàng có tên Honda Airblade. Lúc này tôi đã về hưu nên việc đưa dón cháu ngoại đang học năm cuối cấp trung học là công việc việc chính. Mối liên lạc giữa tôi và cháu (giờ đã sang Úc) có thể nói là “thắm thiết” với những buổi đưa đón cháu ở trường và cả những buổi học thêm chuẩn bị cho cuộc thi tốt nghiệp.

Hai ông cháu đã có những buổi đị từ trường đến McDonalds ăn lót dạ vào buổi chiều vì sau đó cháu phải đến lớp học thêm, không kịp về nhà. Và cũng chính thời gian đó, một “bi kịch” đã xảy ra cho chiếc Airblade của tôi.

Hôm đó tôi ghé Lotteria ngồi uống nước chờ cháu tan buổi học thêm, xe để trước tiệm nhưng lại không có dịch vụ giữ xe! Đến lúc chuẩn bị đi đón cháu thì… “chiếc xe không cánh mà bay!”.

Tôi nghĩ ngay đến việc vào công an phường làm đơn cáo mất… nhưng điều làm tôi lo lắng nhất là giấy tờ tùy thân, kể cả giấy tờ xe, tôi để trong “cốp” của chiếc Honda. Đó là điều mà người ta khuyên “không bao giờ để những vật quý giá trong “cốp” xe!”.

Thật may ngoài sức tưởng tượng, chỉ hai hôm sau tôi nhận được điện thoại từ công an phường báo lên nhận xe đã mất! Thì ra công an đang theo dõi một “ổ” trộm xe trên địa bàn phường và chiếc xe của tôi nằm trong số tang vật của những tên… “quái xế”!

 

Honda Airblade... với biệt danh “xé gió”!

 

Đúng là một chuyện hi hữu “có một không hai”. Nhận xe về mà tôi vẫn tưởng như trong giấc mơ không có thật. Anh con rể lại đưa ra ý kiến, chiếc Airblade lúc này đã quá nặng nề so với sức khỏe của người già… chi bằng mua cho ba chiếc Yamaha Grande nhỏ hơn lại vừa dễ điều khiển hơn.

 

Yamaha Grande, mua năm 2015

 

Thế là tôi làm quen với Yamaha từ đó cho đến ngày giãn cách vì đại dịch. Sau gần 2 tháng lockdown, chiếc xe được “trùm mền” nhưng điều quan trọng là tôi thấy sức khỏe mình ngày càng sa sút với số tuổi ngoài 70 trong những ngày giãn cách.

“Lực bất tòng tâm” cho dù tôi vẫn có thể ngồi trên chiếc xe gắn máy, đi thật chậm rãi nhưng biết đâu được, một ngày nào đó có một thanh niên phóng bạt mạng trên đường và va phải một ông già lụ khụ?

 

Yamaha Grande… sẽ vẫn tiếp tục bị “trùm mền”

 

Nếu mai này hết dịch tôi quyết định “Giã từ… Honda !!!” sau hơn nửa thế kỷ lăn lộn với “con ngựa sắt” trong cuộc đời.

Không biết nên vui hay buồn? Thật tình, tôi chỉ cười một mình để an ủi mình và những người thân đang lo cho ông già phải “xuống đường” với một bầy xe cộ tranh nhau từng cen-ti-mét, chẳng ai chịu nhường ai để chóng… đến nhà thương.

Có vài câu thơ để diễn tả tâm trạng của tôi lúc này. Thơ rằng:

“Hơn nhau chỉ ở nụ cười

Vượt qua nghịch cảnh kiếp người đa đoan.

Cười trong hoạn nạn bất toàn,

Cười lên để thấy cuộc đời… vẫn vui!”

 *** 

--> Read more..

Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2021

Triết lý vụn về cuộc đời

Tôi là một người bình thường như mọi người khác, lại càng không phải là một Triết gia hay bất kỳ một “gia” nào như Lý thuyết gia, Hùng biện gia hay Đại gia… Có chăng chỉ là hơi “già” với hơn 70 năm sống và đang sửa soạn… chờ chết!   

Một triết gia đã từng than thở: “Ta đến và ta khóc, đó là cuộc sống. Ta ngáp và ta ra đi, đó là cái chết” (We come and we cry, and that is life. We yawn and we depart, and that is death). Bây giờ ngồi viết lại chuyện đời, có lẽ đó là câu ngắn gọn và xúc tích nhất về cuộc đời.

Từ khi chào đời cho đến lúc chuẩn bị xuống lỗ, tôi thấy cuộc đời mình đã trải qua biết bao phen “lên voi, xuống chó”, tràn ngập niềm vui nhưng cũng không ít nỗi buồn, hạnh phúc đó nhưng cũng bất hạnh đó. “Hỷ - Nộ - Ái - Ố” thôi thì đủ cả… nhưng hình như đó là chất xúc tác khiến cho cuộc đời thêm nhiều ý nghĩa.

Benjamin Disraeli cho rằng “Cuộc sống nói chung chỉ có một quy luật: Tuổi trẻ là sự Lầm lỗi, Tuổi thành nhân là cuộc Đấu tranh và Tuổi già là niềm Nuối tiếc!”. Lầm lỗi khi còn trẻ là điều khó tránh khỏi, Đấu tranh khi vào đời là những diễn biến liên tục và đến khi về già nhìn lại những điều đã xảy ra người ta thường có những tiếc nuối muộn màng.

Đời là một bi kịch đối với những kẻ giàu cảm xúc. Bi kịch của tôi là những ngày tự do tối thiểu của mình đã mất đi trong trại cải tạo ở Trảng Lớn, Tây Ninh hay trong 4 bức tường của Lò Bát Quái Chí Hòa vì tội vượt biên!

Tôi đã từng lang thang trong rừng, không phải để làm thơ, mà là chặt cây, lấy lá đem về xây dựng lán trại. Chỉ tiêu được đặt ra cho mỗi chuyến lao động trong rừng nhưng không phải thấm thía câu “lao động là vinh quang” mà là tìm lại những giờ phút hoàn toàn tự do giữa khung cảnh rừng rú không người.

Rồi cũng vẫn là tôi, một mình khám phá những căn nhà có balcon trồng hoa nhìn xuống dòng kênh đào của vùng sông nước Venice, Ý, hay lạc lõng giữa nhưng tòa lâu đài cổ của nước Đức. Và nước Áo chào đón tôi với dòng Danube trong khung cảnh mờ mờ sương khói buổi sáng mùa đông.

Ở xứ người nhưng sao vẫn thấy mình như hòa nhập một cách tự nhiên vào cuộc sống xô bồ ở New York hay phong cảnh thơ mộng của dòng sông San Antonio lững lờ lười chảy. Đó là tiểu bang Texas, xứ sở mà ngày xưa nổi tiếng với những anh cowboy một mình một ngựa trên những cánh đồng cỏ hoang vu.

Tôi gắn bó với nước Úc vì công việc cũng như vì tình cảm riêng tư. Báo Vietnam Investment Review (VIR) là “hợp đồng hợp tác kinh” của tập đoàn Báo chí Úc (ACP) với Việt Nam nên tôi đã có những chuyến đi đến Sydney, nơi ACP đặt trụ sở chính. Trong khi đó, Melbourne lại là nơi gia đình con gái tôi định cư. Vì lý do đó, mối quan hệ với nước Úc luôn luôn được gắn bó.    

Bi kịch của đời tôi là những ngày rong ruổi khắp các chợ, lớn cũng như nhỏ ở Sài Gòn, trên chiếc xe đạp mini, phía sau là những “đồ phụ tùng” của lò dầu hôi để bỏ mối cho các bạn hàng.

Bi kịch của tôi cũng là “được đổi đời” từ một giảng viên trường sinh ngữ đã từng du học để rồi sau đó trở thành anh lao động phổ thông bị sai vặt trong một công trình xây dựng thời “điêu linh”!

Rồi cũng chính anh sai vặt đó lại trở thành một nhà báo tiếng Anh trong thời kỳ được mệnh danh là “đổi mới”, đi đó đi đây đến các quốc gia và lãnh thổ trên thế giới. Dù ở bất cứ cương vị nào, “Tôi vẫn là Tôi”, hoàn toàn không tự ti mà cũng chẳng hề ngạo mạn.

Trong “Thép đã tôi thế đấy”, Pavel Korchagin, nhân vật chính của tác phẩm, tác giả Nikolai A.Ostrovsky đã xây dựng thành công nhân vật Pavel. Và phương châm sống của anh cũng đã trở thành lý tưởng của nhiều thanh niên tại Nga mà người đọc trong thế giới Xã hội Chủ nghĩa vẫn còn nhớ mãi. Anh nói:

“Cái quý nhất của con nguời là cuộc sống. Nó chỉ đến một lần, con người phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng lãng phí, cho khỏi hổ thẹn nhục nhã vì dĩ vãng ti tiện, nhỏ nhoi. Sống sao cho đến lúc hấp hối có thể nói rằng: cả đời ta, cả sức lực ta đã cống hiến cho sự nghiệp cao đẹp nhất đời: Cuộc đấu tranh cho Sự nghiệp Giải phóng Con người”

Bỏ qua cụm từ “Sự nghiệp Giải phóng Con người” ám chỉ cuộc “Cách mạng Tháng 10 Nga, triết lý đó vẫn hoàn toàn đúng khi ta ứng dụng vào mọi trường hợp chính kiến bất đồng, dù là Cộng Sản hay Tư Bản.

Phải chăng “Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh, lúc đó thép trở nên cứng rắn và không hề biết sợ”? Cuộc đời này chính là lò luyện thép để con người trở nên cứng rắn hơn trước mọi nghịch cảnh.

“Đời dài lê thê qua năm tháng lụi tàn

Nhưng cũng ngắn ngủi khi ngập tràn hạnh phúc!”

(Những tấm hình đi kèm dưới đây là một đoạn phim ngắn đời tôi… chỉ tiếc một điều là những lúc khốn khó lại không có cơ hội ghi lại cho đầy đủ!) 

***


1971 - Lincoln Memorial, Washington D.C.


1971 - San Antonio River, Texas


1971 - Alamo Village, Texas


1973 - Defense Language Institute, Refresher Course, Texas


1973 - Golden Gate Bridge, California


1992 - Vietnam Investment Review


1992 - Kỷ niệm 1 năm Ngày thành lập báo Vietnam Investment Review


1993 - Statue of Liberty, New York


1993 - San Francisco


1994 - Kuala Lumpur, Malaysia


1995 - Opera House (Sydney)


1995 - Tập đoàn Báo chí Úc (Australian Consolidated Press), Sydney


1996 - Làng ven sông Danube (Áo)


1996 - Bên mộ nhạc sĩ Johann Strauss,  Vienna Central Cemetery (Áo)



1996 - Singapore 


1997 - Bangkok, Thái Lan


1998 - Schönbrunn Palace (Áo)


1998 - Colosseum, Rome, Ý


1998 - Rome


1998 - Vatican, Basilica San Pietro


1998 - Vatican, Basilica San Pietro


1998 - Nhà bên dòng kênh Venice, Ý


2001 - World Cup Stadium, Đại Hàn


2003 -  Boracay Island, Phi Luật Tân


2003 - VIR Friday Review


2007 - Melbourne


2009 - Mùa đông Munich (Đức)


2013 - Melbourne


2013 - Melbourne


2013 - Phillip Island, Penguin Parade (Úc)


2019 - Singapore

***

--> Read more..

Thứ Hai, 20 tháng 9, 2021

Học giả Vương Hồng Sển… đi hớt tóc

Vương Hồng Sển (1902 – 1996) là một nhà văn hóa, học giả, nhà sưu tập đồ cổ. Ông được xem là người có hiểu biết sâu rộng về miền Nam và rất được kính trọng trong giới sử học và khảo cổ.

 

Học già Vương Hồng Sển (1902-1996)

 

Trong số các tác phẩm của Vương Hồng Sển để lại, rất ít người biết ông có một “kho tàng” những chuyện cổ, đặc biệt là những sưu tầm về truyện tiếu lâm. Học giả họ Vương a tâm sự trong Lời tựa của cuốn “Truyện cười cổ nhân”, xuất bản năm 1971:

“Có một món ưa nhứt đời là đồ xưa, nhưng không có tiền mua. Thích hơn hết là nói tiếu lâm, từ chuyện tầm phào vô hại đến chuyện hài hước mua cười, nói trước bữa ăn, nói sau bữa ăn, nói trước khi ngủ, trong khi mơ, sau khi thức dậy, có khi đào lỗ nói rồi lấp lại.

“Có lúc cũng biết nổi cộc, rất ba trợn, chưa biết bợ ai, không làm bậy, còn lương tâm. Tức khí dằn ép quá, không xì ra thì chết. Mà chưa muốn chết.

“Còn yêu đời và muốn thấy thăng bình, trước khi ra đi. Viết tiếu lâm để có tiền mua cà và miếng cơm.

“Xin kiểm duyệt niệm tình đừng cắt cụt.

 

“Chuyện cười cổ nhân” – Vương Hồng Sển

 

Nay đang mùa dịch, giãn cách theo Chỉ thị 16 “Ai ở đâu yên đó” kéo dài đã mấy tháng nay nên nhìn quanh chỉ thấy toàn “người rừng” vì tiệm hớt tóc đã đóng cửa! Lục lại kho tàng chuyện tiếu lâm của Vương Hồng Sển bỗng bắt gặp một chuyện cười của ông có tựa đề “Cái gì không xài nó dài ra”:

“Năm ấy, trước đảo chánh 1954, một vị tu sĩ ngồi chờ trước tôi, tại một phòng hớt tóc ở Chợ Cũ, bên hông Tòa tạp tụng. Bởi ông tới trước, nên khách kia vừa xuống thì đến phiên ông lên ghế ngồi. Anh thợ hớt tóc vừa giũ khăn định choàng, bỗng vị tu sĩ nói một câu mở đề, để cho thấy mình là tay có trí:

“Nè anh thợ! Có phải là cái gì mình không xài thì nó mọc dài ra hoài, phải không hử?” Ý ông muốn ám chỉ tóc râu vô dụng mà vẫn mọc.

“Nhưng anh thợ lại nghĩ khác, nên một tay cầm khăn quên giũ, một tay ôm bụng cười dài, cười ngoặt ngoẹo đến bủn rủn tay chơn không làm gì được. Nhột ý, vị tu sĩ phát cáu:

- Tôi nói có gì lạ mà anh cười dữ vậy. Hớt đi chứ!

- Thưa thầy tha lỗi, anh thợ thưa - nghe thầy nói, con bỗng nhớ thầy là người tu hành, không xài, ắt nó dài lắm!

Vị tu sĩ biết lỡ lời, đỏ mặt, nói để che sượng:

- Ý cái anh nầy, khéo nghĩ tầm bậy tầm bạ không lo mần việc. Ai nói vậy! Hớt lẹ đi không?

 



Lại còn một truyện nữa mang tựa đề “Thầy hù”, chữ ngày xưa người miền Nam gọi thợ hớt tóc:

“Anh thầy hù mới ra nghề, cạo đầu cho người khách kia, phạm một dao thì anh lấy một ngón tay đậy lại, cho máu đừng chảy, đậy hết một bàn tay năm ngón mà hởi còn phạm. Anh ta ngừng lại mà nói với khách rằng: Cái đầu của anh coi vậy mà còn non quá, nên cạo bây giờ chưa được. Để đợi ít năm nữa cho nó già rồi tôi sẽ cạo hết cho”.

 

“Thầy hù”: Cơn ác mộng của trẻ thơ!

 

Nay trong sách không thấy chữ “thầy hù” nên Vương Hồng Sển bình luận:

“Theo tôi hiểu, sự việc như vầy, và xin để cho tôi cắt nghĩa: hồi tôi còn nhỏ, cách nay sáu mươi năm, con nít đi học, lên tới lớp nhứt, dọn thi tiểu học, mà đầu còn cạo trọc lóc trọc lơ, nhẵn nhụi như cái gáo dừa. Tôi nói cạo là cạo bằng dao, chớ không được hớt sát như các thầy các sư ngày nay thường làm: đẩy tông-đơ mà không cho đẩy sát!

“Các cha chú, người Nam, thì hồi đó còn để tóc dài bới lại. Người các chú thì để bím, thắt “bì bi” (đuôi sam), cạo tóc chung quanh sạch bót; còn học trò thì cạo trọc, chỉ có độ vài mươi người làm việc cho Tây, gọi mấy ông mấy thầy, thì tóc hớt ngắn, cho nên nhắc lại, lối năm 1910, bọn đi cạo đầu dạo từ xóm nầy xóm kia, dân chúng đặt cho cái tên lạ lạ, là “thầy hù”.

“Cho đến năm 1911 (Tân hợi), dân Trung quốc làm cách mạng, lật đổ nhà Mãn Thanh, cắt đuôi bím và để tóc hớt cụt theo kiểu Tây phương, từ ấy bọn “thầy hù" bớt nghề cạo đầu, và mới đổi ra nghề hớt tóc như ngày nay vậy. Tuy bỏ nghề cạo đầu chớ vẫn giữ nghề cạo râu và váy tai (ráy tai), lấy cứt ráy.

“Thầy hù váy tai lấy cứt ráy thì khỏi nói, họ làm nhẹ nhàng khéo léo, và đang khi người được váy tê mê tâm thần, gởi hồn trên mây, thì thầy hù kéo lộng váy ra, bịt lỗ tai lại, thổi một hơi gió thật mạnh vào tai, miệng la “hù” một tiếng sát tai làm cho kẻ kia giật mình như từ trên mây rớt xuống, đoạn thọc lông váy tai vào lỗ trở lại, lấy cây nhíp thép búng một cái vèo, rồi kê sát cây nhíp còn rung cho đụng cây lông váy. Người được váy tơ-lơ-mơ sướng cực kỳ, bởi làm cái nghề thổi tai hù lên hù xuống, cho nên thét rồi được danh hiệu là “thầy hù”.

“Một điều khác nữa là phần đông các thầy hù nầy đều là tay bán trời không chứng, ăn đông nói tây, ăn đàng sóng nói đàng gió. Bịa chuyện láo khoét không tin được, thuở ấy chưa có nhựt báo chưa có bộ thông tin tuyên truyền, cho nên các chuyện trên xóm dưới xóm, vợ ai lấy trai, con nào đẻ sẩy, đổ lọp, tâm bôn v.v..., đều do miệng thầy hù học lại, vả chăng thuở ấy, các mẹ muốn con thôi khóc cũng đem thầy hù ra dọa, khiến nên ai ai cũng ngán thầy hù, tin đồn thất thiệt cũng y, mất con nít cũng nghi cho vã, vì đó sanh ra danh từ "đừng thầy hù mầy" tức là "đừng có nói láo như thầy hù, mầy”, và “thầy hù hù con nít” tức là “anh hớt tóc cạo râu đi dọa nạt trẻ con”.

 

“Thầy hù” lấy ráy tai cho khách

 

Trong cuốn “Hơn Nửa Đời Hư”, Vương Hồng Sển cũng nói về “Thầy hù”:

“Thầy hù là danh từ xưa, gọi các thợ hớt tóc cạo râu dạo. Có lẽ vì thuở đó, chung quanh những năm lối một ngàn chín trăm mười mấy, mỗi lần cạo đầu hay hớt tóc cho trẻ con, chúng trẻ thường khóc la không ưng cho cạo hớt, khiến cho thợ phải hù phải doạ, lâu ngày thành tục, hễ nhớ đến thợ hớt tóc thì nhớ lão hay hù hay doạ dẫm, rồi thành danh luôn: “thầy hù”.

“Nhưng cho đến bao giờ, trẻ nít vẫn còn khóc la và, thợ hớt tóc cũng ba hoa chích chòe, nói luôn miệng trong khi làm việc, và nói thét cạn đề phải xoay qua đặt điều nói dối, thành thử ngày nay còn sót lại thành ngữ “nói dóc như thầy hù”. Thêm nữa, có nhiều thợ dở quá, mỗi lần váy tai móc cức ráy, người bị móc đau thấu trời xanh, và muốn phi tang nỗi bất tài của mình, thợ vừa rút móc ra, vừa thổi “hù” một cái vào lỗ lai, “hù! hù”, thổi hai lần khi nào trời xanh chưa thấu, và như vậy họ mang tên thầy hù cũng đáng.” ..

 

"Thầy hù" hành nghề

 

Lối năm 1913, Vương Hồng Sển học lớp nhì (cours moyen) cứ mỗi tháng, mẹ cho ba xu để đi lại tiệm chú Hỉa “cạo đầu cho nó mát”. Lúc đó ông đã lớn “chồng ngồng cái đầu”, thấy gái đã biết mắc cỡ, thế mà mẹ không cho được năm xu để đi cạo cho đường hoàng, lại chỉ phát cho có ba đồng xu khiến cho ông bị chú Hỉa đãi vào hàng… hạ cấp!

Hễ có đủ năm xu thì chú Hỉa cho ngồi ghế dựa, có khăn choàng tử tế cho tóc đừng rớt vào kẽ áo vào thân mình, bằng với giá ba đồng xu, (phải đưa tiền trả trước), tuy chú vẫn cạo và không nói nặng nhẹ gì, nhưng cách cư xử đối đãi đã khác: cho ngồi ghế đẩu, phân nửa bàn tọa ra ngoài, không có khăn choàng.

Muốn tóc khỏi rớt xuống áo quần và xuống gạch, thì chú phát cho miếng nắp hộp thiếc cũ, chú cạo tới đâu, phải lẹ tay đưa miếng thiếc ra hứng, khi nào tóc rớt xuống gạch, khi cạo rồi, mình phải lấy chổi hốt quét sạch sẽ trước khi về, chỉ trả thiếu có hai xu mà chú hành hạ thế ấy, phép tắc thầy hù đời xưa là vậy.

Nhiều khi, đang cạo được một phần hay phân nửa cái đầu, kịp có khách sang và gấp đến, chú Hỉa thôi cạo cho “khách 3 xu” và biểu ra ngồi chờ đâu đó, đợi cho chú cạo đầu lấy ráy tai cho khách xong rồi chú mới tiếp tục cạo cho mình.

Ai đời đầu cạo còn lại phân nửa, mà chú biểu “đi chơi đi” là đi chơi cái gì? Tuy vậy, nhờ tuổi nhỏ nên bao nhiêu cũng tha thứ, ở nhà để mẹ cạo đầu thì dao lụt rát da, hít hà còn không được, thà cho chú Hỉa làm gì thì làm...

Cây dao cạo của chú Hỉa là cây dao cạo Tàu, có hình lưỡi búa, (nên cũng gọi dao cạo lưỡi búa), dày dục mà bén ngót còn hơn dao ngày nay. Trong tay chú Hỉa, cây dao là một nghệ thuật thần sầu, chú kéo chạy tới đâu là tóc rớt tới đó, da đầu êm ru như có thoa mỡ, nhứt là khi chú cạo tới sau ót, chú đi một đường bí quyết, vừa lạnh xương sống vừa khoái rần rần từ gót chân đến đỉnh đầu!

“Cười phấn cợt son, tô điểm tóc tai người tứ xứ.

Mài dao đánh kéo, mở mang mày mặt khách năm châu.”

 

Hớt tóc ven sông

 

Chú Hỉa và chú Sủng, đều là hai lão thầy hù ở chợ Sóc trăng, mà Vương Hồng Sển từng biết mặt biết mày và từng thí nghiệm tài riêng ăn đứt nghề cạo sáu chục năm về trước.

Bây giờ thảy đều lên chức. Vật giá đều leo thang. Thầy lên Ông, ông lên Cụ. Hớt tóc trở thành… một nghệ thuật. Người hành nghề ăn vận lịch sự, đâu còn nhớ ông bạn đồng nghiệp “thầy hù” năm xưa.

 

“Thầy hù” cạo đầu khách nhí

 

Chuyện hớt tóc “thầy hù” ngày xưa trần ai là vậy nhưng chuyện nay trong mùa Covid có tiền cũng chẳng được ung dung ngồi trên ghế nệm để được ông thợ cắt đi những… “Cái gì không xài nó dài ra”!

Giờ thì ai cũng giống ai với cái đầu “người rừng” như trong phim Tarzan ngày nào. Không biết cái con Virus Corona đến bao giờ mới chịu rút lui để thiên hạ trở lại với tiệm hớt tóc?

 

Hớt tóc mùa Covid

 *** 

--> Read more..

Thứ Sáu, 17 tháng 9, 2021

Hiện tượng “Cô Hằng” trong mùa “Cô Vít” !!!

Chưa bao giờ người ta thấy câu “Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí” lại linh ứng đến tình hình xã hội tại Việt Nam đến như vậy!

Trong khi con “Cô Vít” vô hình đang tấn công qua đại dịch Covid-19 một cách khốc liệt thì trong 6 tháng gần đây bỗng xuất hiện một loại virus không kém phần lợi hại bởi một nữ doanh nhân “tài sắc vẹn toàn” mà người ta nói đùa là “Cô Hằng”. 


Cô Hằng thời còn trẻ

 

Người phụ nữ này có tên khai sinh là Nguyễn Thị Thanh Tuyền, còn được gọi là “Tuyền Nổ”, sinh năm 1971 tại miền Tây, rồi sau này đổi tên thành Nguyễn Phương Hằng năm 2010 khi kết hôn với doanh nhân  bất động sản Huỳnh Uy Dũng, Chủ tịch Công ty Cổ phần Đại Nam tại Bình Dương. 


Cô Hằng và ông Dũng “Lò Vôi”

 

Trong một livestream vào ngày 12/4/2021 vừa qua, “Cô Hằng” tiết lộ một cách hãnh diện số tài sản “khủng” của mình:

“Kim cương của tôi lên tới hàng ký đó quý vị… Tất cả các hiệu kim cương ở nước ngoài đều biết mặt tôi, tôi đi những cái xe 40 – 50 tỷ, vài chiếc là chuyện thường. Tôi ở bao nhiêu căn nhà mặt tiền, sổ đỏ tôi cân ký đó nhưng tôi chưa bao giờ đem điều đó là tự hào. 


Cô Hằng khoe kim cương

 

“Cô Hằng” cũng thường nhắc tới  bằng “Giáo sư Thỉnh giảng Danh dự” (Honorary Visiting Professor) của trường đại học hàm thụ Apollos University Hoa Kỳ năn 2018 để chứng tỏ bản thân là một người giàu về cả vật chất lẫn học thức. Nhưng ở một livestream khác, cô cũng thừa nhận mình là người “ít học”, chưa hề… tốt nghiệp trung học! 


CEO Nguyễn Phương Hằng

 

Bài viết này không nhằm mục đích xoáy quanh “Dĩ dãng dơ dáy dễ dì dấu diếm” của “Cô Hằng”, chúng ta chỉ chú trọng đến những gì cô làm trong suốt 6 tháng vừa qua gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội nói chung và cộng đồng mạng nói riêng.  

Cuộc chiến khởi đầu từ ngày 01/3/2021, “Cô Hằng” đã công khai tố cáo lương y Võ Hoàng Yên trên trang cá nhân. Theo vợ chồng Dũng-Hằng, Yên đã lợi dụng niềm tin của họ, ăn chặn tiền cứu trợ, tiền xây chùa mà họ đã tài trợ. Khi xảy ra lũ lụt ở miền Trung, họ cũng đã vận động các nhà tài trợ và chuyển khoản cho ông Yên để nhờ ông cứu trợ.

Trong livestream xuất hiện ngày 4/3/2021, “Cô Hằng” cho rằng ông Yên hoạt động chữa bệnh tại tỉnh Bình Thuận là do có sự bao che của cơ quan chức năng. Cũng vì phát ngôn này, nên vào ngày 16/4, cô đã bị Sở Thông tin & Truyền thông TP HCM xử phạt 7,5 triệu đồng vì cung cấp thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận.

Cả hai vợ chồng đều chấp hành lệnh phạt, xin trả lại Bằng khen của Bình Thuận chỉ xin giữ lại Lệnh phạt “để làm kỷ niệm”. “Cô Hằng” cũng hứa sẽ không livestream tại TP HCM… nhưng lại chuyển địa điểm phát sóng về Bình Dương để từ đó liên tục truyền đi các chương trình… “đấu tố”! 


Cô Hằng và lương y Võ Hoàng Yên

 

Xem ra “phát pháo đầu” trong cuộc chiến chống “thần y” đã được nhiều người xem ủng hộ… nhưng chỉ ít lâu sau, một đoạn ghi âm qua điện thoại giữa “Cô Hằng” và ông Yên hé lộ chuyện tình cảm riêng tư giữa hai người trong đó cô dùng chữ “cuồn cuộn” để mô tả trạng thái của người “đang yêu”.

Từ đó mới có tên “Cuồn Cuộn” để chỉ “Cô Hằng” trong khi ông Yên được coi như “không chấp nhận cuộc tình cuồn cuộn”. Đến đây, số người ủng hộ “Cô Hằng” giảm sút và ông lương y lại được cô đặt một tên mới… “Võ Nằm Yên”, vì ông không lên tiếng.

Cuối tháng 4/2021, “Cô Hằng” lại quay sang chỉ trích nghệ sĩ Hoài Linh, là người được biết là từng được lương y chữa bệnh. Cuộc chiến quay sang giới nghệ sĩ vì không lên tiếng cùng cô để tố cáo hành vi lừa đảo!

Hoài Linh giữ im lặng và không đưa ra bất cứ lời giải thích nào. Đến ngày 22/5/2021, “Cô Hằng” cáo buộc Hoài Linh giữ số tiền quyên góp 13,4 tỷ đồng cho đồng bào miền Trung bị lũ lụt vào hồi cuối năm 2020 làm của riêng.

Hoài Linh sau đó biện hộ rằng anh đã có ý định trao cho người dân trước dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, nhưng vì dịch Covid bùng phát nên đành phải hoãn lại. Hoài Linh sau đó phải trao cho tỉnh Quảng Trị 2,4 tỉ đồng. 


Cô Hằng và Hoài Linh

 

Ngoài Hoài Linh, “Cô Hằng” còn công khai chỉ trích đích danh nghệ sĩ Hồng Vân vì một tài khoản Facebook được cho là của người này đã có những bình luận thiếu khách quan về Cô. 

Có một đoạn ghi âm ngắn được cho là của Hồng Vân với những từ ngữ thiếu tôn trọng khán giả. Sau nhiều ngày giữ im lặng, Hồng Vân đã lên tiếng phủ nhận, khẳng định những cáo buộc của “Cô Hằng” là thiếu chính xác.

Sau khi ca sĩ Vy Oanh chia sẻ cảm nghĩ với nội dung bóng gió đả kích “Cô Hằng”, lập tức bị phản pháo về quá khứ của ca sĩ này như từng "làm bé, đẻ thuê, cướp chồng". Ngày 21/6, Vy Oanh cho biết cô đã gửi đơn tố cáo lên Công an TP HCM vì cho rằng “Cô Hằng” đã sử dụng những ngôn từ phản cảm, xúc phạm đến cá nhân cô cũng như gia đình và các con. 


Tiệc thôi nôi bé Hằng Hữu

 

Ngày 24/8, “Cô Hằng” chuyển chĩa mũi dùi vào “Ông Hoàng nhạc Việt” Đàm Vĩnh Hưng vì "ngâm" tiền từ thiện của người đóng góp, đồng thời cô cũng cho biết đang giữ khoảng "2 kg" giấy tờ sao kê từ tài khoản ngân hàng của anh. Cô tiết lộ số tiền từ thiện thực sự mà nam ca sĩ nhận được lên đến hơn 96 tỉ đồng, hoàn toàn khác so với số tiền trước đó.

Cô cũng cảnh báo trong vòng một tuần nếu “Đàm Vĩnh Biệt” không công khai bản sao kê tổng số tiền từ thiện anh nhận được thì sẽ tung bằng chứng và nhờ đến pháp luật can thiệp mà lại còn “gài độ” 50 tỷ nếu ca sĩ này thực hiện được. Ngay sau đó, Hưng đã chính thức tung lên mạng bản sao kê và “Cô Hằng” lật kèo bằng cách thêm vào những điều kiện khác! 


Cô Hằng và Đàm Vĩnh Hưng

 

Cuộc chiến yêu cầu các nghệ sĩ “sao kê” bùng phát từ đó. Nạn nhân của “sao kê” gần như hầu hết giới showbiz: Trấn Thành, Thủy Tiên, Phi Nhung, Việt Hương… “Chiến dịch sao kê” trở thành một đề tài nóng hổi với công đồng mạng, dĩ nhiên là có những ý kiến “pro” cũng như “con”, kể cả những người “trung lập”!

Nhà báo Hàn Ni (Báo Saigon Giải phóng) cũng tham gia ủng hộ cuộc chiến sao kê bằng cách yêu cầu Quỹ Hằng Hữu phải công khai sao kê. Trước đó, nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó tổng biên tập Báo điện tử VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam) cũng lọt vào “tầm ngắm” của “Cô Hằng”.

Có 2 bài viết liên quan đến cô gồm: "Bà Phương Hằng với các livestream lệch chuẩn: Đã đến lúc cần xử lý nghiêm" "Không thể cho mình quyền xúc phạm bất kì ai trên mạng". VOV trong ngày 13/6; đã bị các hackers tấn công và phóng viên bị khủng bố đến độ… tê liệt!

Báo "lề phải" Thanh Niên cũng vào cuộc ngày 11/9 với bài viết “Trách nhiệm nào cho những lộng ngôn trên mạng xã hội?” với hàng chục ngàn lượt chia sẻ và hàng trăm bình luận, ý kiến của độc giả từ khắp nơi gửi về bày tỏ.

Không chỉ giới showbiz bị ảnh hưởng mà cả ông Đoàn Ngọc Hải, một người làm từ thiện có tiếng, cũng bị “Cô Hằng” cấm cửa sau khi đến Đại Nam cùng tổ chức từ thiện Nhất Tâm trong vụ “lùm xùm” về bình oxy. Nhất Tâm quyết định trả lại bình oxy mà Đại Nam đã cung cấp!

Ngày 1/6, bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Bình Tây, đã khởi kiện “Cô Hằng” đòi bồi thường 1.000 tỷ đồng vì bị cáo buộc lừa đảo, có thương hiệu giả và nhắn tin xúc phạm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín!

Tôn giáo cũng bị “Cô Hằng” xúc phạm qua câu chuyện tiếu lâm của một tên ăn cắp xe đạp xưng tội với cha. Nào ngờ, người mất xe lại chính là ông cha nên, theo lời “Cô Hằng”, cha “chửi thề” bằng ngôn ngữ dung tục!

Kho truyện tiếu lâm của “Cô Hằng” còn có một chuyện liên quan đến một nhà sư ra chợ mua chuối. Sau khi kỳ kèo giá cả, một bạn hàng bên cạnh góp lời nên bán cho người tu hành với giá rẻ. Ông sư bèn thêm vào một câu: “Con đ… này nói đúng đấy!” 


Vợ chồng Cô Hằng và Bằng khen

 

Nói đi thì phải nói lại, “Cô Hằng” có tài hùng biện, livestream nhiều hôm kéo dài đến 4 hoặc 5 giờ mà không biết mệt. Giọng cô sang sảng, lúc lên lúc xuống, cô chửi người ta mà nghe như hát.

Cô lại còn có tài chơi chữ: “Tiền án tiền sự nhiều hơn tiền mặt”, “Mình chơi khô máu, mình bơm máu mình chơi tiếp”, “Trao niềm tin coi chừng nhận hậu quả chứ không phải hiệu quả đâu nha quí zị.”, “Chúng ta ai cũng bất ngờ ngỡ ngàng ngơ ngác và bật ngửa”, “Em có đẹp không quí zị?”… thậm chí còn có những câu từ ngoài chợ búa cũng thuộc “danh ngôn” của cô như “Khinh địch giờ hửi địt!”… 


Người đẹp được mệnh danh là “Thánh Chửi”

 

Nhiều người cho rằng câu nói “gậy ông, đập lưng ông” lại quá đúng trong cuộc chiến sao kê vì thứ vũ khí này gây sát thương cho cả hai bên tham chiến. Cậu IT Nhâm Hoàng Khang, trước đây thuộc phe “Cô Hằng” nay lại tuyên bố sẽ tiết lộ bản sao kê của Quỹ Hằng Hữu chỉ là một hình thức “rửa tiền” để trốn thuế. 


Cô Hằng và Cậu IT Nhâm Hoàng Khang

 

Đến sáng ngày 15/9, Nhân Hoàng Khang lại bất ngờ viết một status trên trang FB của mình:

“Tôi nói là quỹ Hằng Hứu, quỹ này là trong kịch bản của một bộ phim sắp chiếu. Tôi chưa bao giờ nói là quỹ Hằng Hữu của bà Hằng cả. Quỹ này là trong kịch bản, là tôi mơ thấy và đưa ra sao kê, quỹ này thuộc ngân hàng UDB. Tất cả sự trùng hợp từ sao kê quỹ này nếu như trùng hợp với quỹ của một ai đó thì chỉ là ngẫu nhiên.”

(Lưu ý: Nhâm Hoàng Khang viết "quỹ Hằng Hứu" chứ không phải là "quỹ Hằng Hữu” của “Cô Hằng) 


Bản sao kê quỹ “Hằng Hứu” (Ngân hàng UDB - Uganda Development Bank) được Nhâm Hoàng Khang post trên trang FB của mình

 

Trong khi trước đó, ngày 13/9, trên trang FB cá nhân của trợ lý bà Phương Hằng đã đăng tải dòng thông báo cho biết sẽ đóng toàn bộ kênh YouTube sau buổi livestream cuối cùng ngày 12/9. Có lẽ đây là động thái tiếp nối khẳng định chắc chắn cho việc “Cô Hằng” sẽ dừng livestream, rút lui khỏi "cuộc chiến" trên mạng xã hội (?).

"Nguyễn Phương Hằng tôi xin chia sẻ cùng quý vị:

“Sau buổi livestream cuối cùng ngày hôm qua, tôi sẽ đóng toàn bộ kênh YouTube. Câu chuyện này sẽ dừng lại. Tôi trả lại câu chuyện cho cộng đồng và pháp lý.

Nguyễn Phương Hằng"

(hết trích) 


Cơ ngơi Khu du lịch Đại Nam

 

Drama “Cô Hằng” giữa mùa “Cô Vít” càng lúc càng trở thành một một chuyện lùm xùm khó hiểu với đầy đủ “Hỉ - Nộ - Ái - Ố”. Cô cũng đã từng thề sẽ cạo đầu nếu Đinh Lan không bị bắt, dọa sẽ tự thiêu nếu bị chính quyền chà đạp. Những fan của cô tung hô cô là Bồ Tát, là Bao Thanh Thiên, là nữ anh hùng, là người phụ nữ có một không hai tại Việt Nam! 

Sau lần hứa thứ nhất sẽ không livestream tại Sài Gòn, và mới đây, lần thứ hai, cô tuyên bố dừng cuộc chơi nhưng cộng đồng mạng vẫn thắc mắc sẽ có lần thứ ba hay không? Quá tam ba bận, nhiều người tin là như vậy! 


Cô Hằng và những giọt nước mắt!

 

Để tạm thời chờ đợi những gì sẽ xảy ra trong tương lai, chúng tôi xin tặng cô một bài tức cảnh thành thơ với nhan đề “Vịnh Cô Hằng”:

“Đại gia tiền bạc đầy mình

Kim cương hàng ký… thiếu tình, thiếu tâm.

Vi-la, xe xịn hà rầm,

Cô ngồi bảnh chọe lầm bầm dậy khôn.

Nói năng chợ búa, chửi thề:

Tụi bay mau chóng “sao kê” ngân hàng!

Cô ơi, nói ít cho sang

Khổ tai, hại não… cả làng chịu thua!” 

***


--> Read more..

Popular posts