Chủ Nhật, 28 tháng 12, 2014

Qùa Giáng Sinh

Ở các nước Phương Tây, Giáng Sinh là dịp người ta nghĩ đến quà. Cha mẹ tặng quà cho con cái, con cái tính đến việc biếu quà cho các bậc sinh thành. Những người đang yêu hay đã nên vợ, nên chồng nghĩ đến những món quà cho “một nửa kia của mình”. Bạn bè, đồng nghiệp cũng tính đến quà Giáng Sinh cho những người mình quý mến. Ngay cả những người hảo tâm cũng quan tâm đến những người bất hạnh để an ủi họ bằng những món quà mang ý nghĩa từ thiện.


Cứ đến Giáng Sinh tôi lại nhớ đến truyện ngắn của O. Henry [*], một trong những người viết truyện ngắn nổi tiếng của Hoa Kỳ và cũng là nhà văn lừng danh thế giới. Tôi muốn nói đến truyện “The Gift of the Magi” mà ngày xưa hồi còn ở Trung học đã có dịp được đọc. Có nhiều bản dịch tiếng Việt với các tựa đề mang tên khác nhau như “Món quà Giáng Sinh”, “Món quà của nhà thông thái” hay “Món quà của các đạo sĩ”.

Nhân vật chính trong truyện là một cặp vợ chồng trẻ, James và Della, được O. Henry viết và in lần đầu tiên ngày 10/4/1906. Truyện xảy ra một ngày trước lễ Giáng Sinh và cũng như bao nhiêu người khác, James và Della phải tính đến việc mua quà tặng cho nhau. Có điều cặp vợ chồng này rất nghèo nên phải chắt chiu từng đồng để mua những món quà mà đối với họ có ý nghĩa nhất.

Chỉ một ngày trước lễ Giáng Sinh, Della vét hết trong túi và thấy cô chỉ có vỏn vẹn 1 đô-la và 87 xu nhưng cô  lại ao ước mua một sợi dây cho chiếc đồng hồ bỏ túi quý giá của James. Chiếc đồng hồ vàng này là tài sản duy nhất của gia đình truyền lại nhưng chưa bao giờ James có đủ tiền để mua sợi dây.

Đối với James, mái tóc nâu dài, thướt tha, óng mượt của Della là cả gia tài mà anh hãnh diện. Mái tóc đó lâu nay thiếu một bộ kẹp tóc mà James chắc Della thầm ao ước. James quyết định, với bất cứ giá nào anh sẽ mua tặng Della bộ kẹp tóc trong dịp Giáng Sinh. 


O. Henry dẫn người đọc truyện đến những tình tiết éo le, đầy bất ngờ vào đêm Giáng sinh khi James về nhà. Người kể chuyện viết:

“Thế rồi cửa mở, Jim bước vào. Anh ấy trông rất gầy và cần có một cái áo khoác mới. Jim nhìn chằm chằm vào Della. Cô không thể hiểu được anh đang nghĩ gì, cô sợ. Anh ta không giận dữ, cũng chẳng ngạc nhiên. Anh đứng đó, nhìn cô với ánh mắt kỳ lạ. Della chạy đến bên Jim òa khóc: "Đừng nhìn em như thế, anh yêu. Em bán tóc chỉ để mua cho anh một món quà. Tóc sẽ dài ra mà. Em phải bán nó thôi, Jim à. Hãy nói "Giáng sinh Vui vẻ", em có một món quà rất hay cho anh này!"

"Em đã cắt mất tóc rồi à?" Jim hỏi.

"Đúng thế, em đã cắt và bán rồi, vì vậy mà anh không còn yêu em nữa ư? Em vẫn là em mà!" Della nói.

Thì ra Della đã đến tiệm làm tóc giả để bán tóc của mình với giá 20 đô-la. Cộng thêm 1 đô-la trong túi, Della mua sợi dây cho chiếc đồng hồ bỏ túi cho James và về nhà với 87 xu còn lại.

James sững sờ nhìn vợ với mái tóc ngắn cũn cỡn. Lại một bất ngờ kế tiếp: James vòng tay ôm lấy Della và rút từ túi áo ra một vật gì đấy đặt lên bàn. Anh nói:

“Anh yêu em, Della, dù cho tóc em ngắn hay dài. Hãy mở cái này ra em, sẽ hiểu tại sao khi nãy anh sững sờ đến vậy.”

Della xé bỏ lớp giấy bọc ngoài và kêu lên sung suớng, nhưng liền sau đó những giọt nước mắt hạnh phúc rơi xuống trên má nàng. Quà Giáng Sinh cho Della là một bộ kẹp tóc, những chiếc kẹp dành cho mái tóc dài, óng ả của Della. Cô đã mơ ước có đuợc nó khi trông thấy lần đầu tiên qua cửa kính của một gian hàng. Những cái kẹp rất đẹp và rất đắt tiền. Bây giờ chúng đã thuộc về cô nhưng tóc cô thì không còn đủ dài để kẹp nữa!

Della nâng niu món quà trong tay, mắt tràn đầy hạnh phúc. “Tóc em sẽ chóng dài ra thôi, Jim", nói xong cô chợt nhớ đến dây đồng hồ vàng tặng Jim và chạy đi lấy. Khi Della đưa chiếc dây đồng hồ cho James. Nàng nói:

“Đẹp không anh? Em đã tìm kiếm khắp nơi đấy, giờ thì anh sẽ phải thích thú nhìn ngắm nó hàng trăm lần mỗi ngày thôi. Nhanh lên, đưa đồng hồ cho em, Jim, hãy nhìn nó với sợi dây mới này.”

Người đọc chuyện đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi James không làm theo lời Della. Ngược lại, anh ngồi xuống mỉm cuời nói: “Della, hãy cất những món quà này đi. Chúng thật đáng yêu. Em biết không, anh đã bán chiếc đồng hồ để mua kẹp tóc cho em. Giờ thì chúng ta có thể bắt đầu bữa ăn tối được rồi em yêu".

Đó là một câu chuyện thật cảm động về tình yêu của hai bạn trẻ đã hết lòng dành cho nhau. Cái cách họ đối phó với những thách thức của việc mua quà tặng Giáng sinh với số tiền ít ỏi mà họ có.

Cốt truyện và tình huống trớ trêu của cuối truyện là một câu chuyện tình cảm động với một bài học về cách tặng quà và trở thành một câu chuyện phổ biến để thích ứng với những tình huống trớ trêu và biểu lộ tình cảm cho nhau trong những dịp đặc biệt, nhất là trong mùa Giáng sinh.


O.Henry tâm sự: “Tôi đã vụng về kể cho bạn nghe một câu chuyện không có hậu về hai cô cậu khờ dại trong một căn hộ nghèo nàn, đã hy sinh những tài sản quý giá của mình một cách không khôn ngoan chút nào. Nhưng lời cuối cùng để nói với những người khôn ngoan thời buổi này là trong những người tặng quà, hai người này là khôn ngoan nhất. Và tất cả những ai trao quà theo cách của họ, kể cả người cho và người nhận, ở bất cứ nơi đâu, đều là khôn ngoan nhất. Họ chính là những nhà thông thái thật sự”.


“The Gift of the Magi” là câu chuyện Giáng Sinh của năm 1906. Bây giờ đã là thế kỷ thứ 21 và chúng ta có thêm một câu chuyện về quà tặng Giáng Sinh vào năm nay, 2014. Chuyện quà Giáng Sinh của năm 1906 xảy ra tại thành phố hoa lệ New York nhưng chuyện năm 2014 lại xảy ra tại Kansas City, thành phố lớn nhất tiểu bang Missouri.    

Kansas City có diện tích 820  km² bao gồm các quận Jackson, Clay, Cass và Platte với dân số ước tính khoảng trên hai triệu người. Tại đây, trong suốt hơn 10 năm qua, cứ vào dịp Giáng Sinh một  thương gia ẩn danh dành ra một trăm ngàn đô la tiền mặt, toàn là giấy 100, để tặng cho người nghèo trong thành phố. Người ta gọi ông là “Ông Già Noel Bí Mật” (Secret Santa).

Một cư dân Kansas City tên Jen Behrend cho biết: “Ông Già Noel Bí Mật” của Kansas  đã có năm ông ấy đến trạm xăng QuikTrip và trả tiền xăng cho mọi xe đến đây hoặc khiến mọi người tại trạm xăng phải ngạc nhiên khi tặng mỗi người tờ 100 đô-la. Ông ấy dấu tên nhưng tôi hy vọng ông ấy biết là những người sống ở Kansas City đều ái mộ ông vì tấm lòng hảo tâm”.

Năm 2014 “Ông Già Noel Bí Mật” đã thay đổi cách tặng quà. Thay vì tự tay phát những tờ 100 đô-la, ông nhờ Cảnh sát quận Jackson làm việc đó. Nhiệm vụ của họ là chạy trên xa lộ, tìm những xe xấu xí nhất như bị móp méo, sơn xe bị trầy sướt hoặc kính bị nứt bể… 


Cảnh sát chặn những chiếc xe này lại không phải vì vi phạm luật giao thông. Thay vào đó, cảnh sát mở đầu với lời chúc “Merry Chirstmas” và tặng chủ xe mỗi người một tờ 100 đô-la làm quà Giáng Sinh.

Nhà từ thiện dấu tên & dấu mặt hội ý với cảnh sát

… Và phân phát cho cảnh sát mỗi người 10 tờ giấy 100 đô-la để thay mặt ông tặng quà cho những người nghèo:


Phản ứng đầu tiên của những người bị cảnh sát chặn xe trên xa lộ là sự lo lắng. Họ lo sốt vó vì đã nghèo mà lại gặp eo.


Nhưng không, sự lo lắng biến mất khi cảnh sát chúc họ “Merry Christmas” và chìa ra món quà 100 đô-la.


Và niềm vui vỡ òa khi một món quà Giáng Sinh… từ trên trời rơi xuống.


Cảnh sát còn hào phóng tặng 200 đô-la nếu trên xe có hai người. Thế là niềm vui được nhân đôi.


Ngoài việc tặng quà Giáng sinh cho những người lái xe “cà tàng” trên xa lộ, “Ông Già Noel Bí Mật” còn nhờ cảnh sát vào siêu thị tặng những tờ 100 đô-la cho các bà nội trợ, những kẻ vô gia cư trong dịp mua sắm cuối năm.


Ở Việt Nam cũng có những nhà từ thiện sẵn sàng phân phát tiền cho người nghèo. Nhưng  chắc chắn họ không bao giờ nhờ cảnh sát giao thông đi phân phát hộ theo kiểu Mỹ… Làm như vậy chẳng khác nào “giao trứng cho ác”!

Bạn không tin vào câu chuyện quà Giáng sinh này? Bản tin đã được đài CBS đưa vào phần tin tức ngày 12/12/2014:


Đã có gần 50 triệu lượt người trên thế giới vào xem clip. Bạn cũng có thể vào xem tại: 



***

Chú thích:

[*] O’Henry (1862 – 1910) là nhà văn nổi tiếng người Mỹ, tên thật là William Sydney Porter. Truyện ngắn của ông nổi tiếng là dí dỏm, dễ hiểu, giàu tình cảm và luôn có những cái kết bất ngờ một cách khéo léo.

Năm 1894, ông thành lập tờ tuần san hài hước “The Rolling Stone” và làm chủ bút. Tờ báo này không mấy thành công nên chết yểu sau một năm. Ông cũng làm phóng viên cho báo khác và thỉnh thoảng đóng góp vẽ hí họa.

Cuộc đời của O. Henry chỉ gặp toàn chuyện trắc trở. Ông qua đời trong nghèo khổ tại thành phố New York ngày 5/6/1910 vì bệnh lao phổi cộng thêm chứng xơ gan. Năm 1919, Hội Nghệ thuật và Khoa học (Society of Arts and Sciences) thiết lập "Giải thưởng Tưởng niệm O. Henry" (O. Henry Memorial Awards), hàng năm trao cho những truyện ngắn xuất sắc.

Tại Việt Nam đã có nhiều bản dịch một số truyện ngắn của O. Henry. Truyện ngắn “The Gift of the Magi” (Quà Giáng Sinh) và  “The Last Leaf” (Chiếc lá cuối cùng) đã được đưa vào chương trình quốc văn trước năm 1975.

Đọc truyện ngắn của O. Henry bằng tiếng Việt trên Việt Nam Thư Quán:


O. Henry - William Sydney Porter

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

1.         Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
2.         Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
3.         Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
4.         Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
5.         Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
6.         Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
7.         Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
8.         Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
9.         Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

Tác giả đang viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!













--> Read more..

Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

Việt Nam và “Thế Giới Phẳng”

Trong tác phẩm “The World Is Flat” (Thế Giới Phẳng) của bình luận gia Thomas L. Friedman, báo The New York Times, tác giả nhắc tới hai chữ “Việt Nam” 3 lần. Đó là ở các trang 20, 91 và 117. Trang 20 nhắc lại chiến tranh tại Việt Nam, như vậy là chỉ còn 2 trang có liên quan đến Thế Giới Phẳng, một đề tài mà Friedman giải thích tại sao quả đất tròn nhưng thế giới lại phẳng. Câu trả lời là nhờ công nghệ thông tin nên ranh giới địa lý, chính trị và tri thức giữa các nước không còn là một trở ngại lớn như ngày xưa [*].

Thomas L. Friedman

Chỉ hai trang nhắc đến Việt Nam là con số quá khiêm tốn nếu so với nước láng giềng Trung Hoa, được nói đến quá nhiều trong suốt cuốn sách dài 488 trang của Friedman về một thế giới ảo. Tuy nhiên, người Việt đọc cuốn sách này cũng cảm thấy phần nào an ủi khi còn nhiều nước trên thế giới không hề được tác giả nhắc đến tên trong lãnh vực công nghệ thông tin.  

Bìa sách “The World Is Flat”

Cột mốc lịch sử trong tiến trình Việt Nam hội nhập công nghệ thông tin (Information technology – IT) là ngày 19/11/1997. Đó là ngày Việt Nam chính thức hòa mạng Internet toàn cầu. Thật ra thì Internet đã được thử nghiệm tại Việt Nam từ năm 1991, công đầu thuộc về Rob Hurle, giáo sư tại Đại học Quốc gia Australia (ANU).

Rob Hurle được xem là người đầu tiên đặt nền móng cho sự phát triển Internet tại Việt Nam qua việc mang một “modem” có kích thước to bằng một “cục gạch” để thực hiện việc liên lạc từ Việt Nam đến Úc bằng đường điện thoại viễn liên.

Cũng cần phải nhắc đến ông Trần Bá Thái, thuộc Viện Công nghệ Thông tin Hà Nội, người đã cùng Rob Hurle tiến hành những cuộc thí nghiệm kết nối các máy tính giữa Úc và Việt Nam bằng modem qua ứng dụng một phần mền do Hurle viết cho hệ thống UNIX để có thể sử dụng modem liên lạc.

Tại Việt Nam, khái niệm về modem còn rất mơ hồ đối với những người sử dụng máy tính vào đầu thập niên 90. Modem, viết tắt từ modulatordemodulator, là một thiết bị biến sóng tín hiệu sang dạng mã hóa. Nói một cách chuyên môn hơn, modem chuyển tín hiệu số '1' và '0' của máy tính thành âm thanh mà nó có thể truyền qua đường dây điện thoại. Khi nhận được ở đầu dây bên kia, modem sẽ chuyển âm thanh trở về tín hiệu '1' và '0'.

Một trong những “cục gạch” nền tảng cho Internet

Phải thú thật, vào những năm đầu thập niên 90 tôi hoàn toàn “mù tịt” về IT. May mắn đến với tôi là được làm việc tại báo Vietnam Investment Review (VIR), một tuần báo chuyên về kinh tế - đầu tư của Úc xuất bản tại Việt Nam. Đây là cơ hội để chúng tôi tiếp cận với công nghệ thông tin nhưng không qua đào tạo chính thức mà chỉ “học mò” trên máy tính theo kiểu “đi tắt, đón đầu”.

Tháng 9/1991 VIR bắt đầu ra số báo đầu tiên, phóng viên chúng tôi “viết” bài bằng máy đánh chữ. Chỉ ít lâu sau VIR, có thêm một máy tính, màn hình đen trắng, hiệu Acer, đời… 286! VIR truyền bài vở ra Hà Nội bằng máy fax và tiếp đến là “thời kỳ đột phá ngoạn mục”: giữa Hà Nội và Sài Gòn có thể nhận bài vở qua modem!  

Cảm giác đầu tiên khi dùng “cục gạch” để chuyển bài viết có lẽ là một trong những kỷ niệm khó quên trong cuộc đời làm báo mà bây giờ nhớ lại chẳng khác nào chơi trò ú tim của trẻ con! Trước khi gửi bài phải liên lạc bằng điện thoại, khi đường dây được thông suốt, hai bên thống nhất với nhau bằng cách đếm 1, 2, 3 rồi cùng bật modem.

Từ “cục gạch” phát ra tín hiệu “rè rè” và khi hai bên “bắt tay với nhau”, modem chuyển sang tiếng kêu “rít rít”. Tín hiệu chỉ ngưng khi bài vở đã được truyền xong. Thế là hoàn tất một công đoạn ngắn gọn mà nếu không có modem sẽ phải nhận bài viết qua máy fax, rồi lại đánh máy thành văn bản để in báo.

Sau “bước nhảy vọt” từ fax sang modem vào năm 1993, VIR tiếp tục trang bị cho phóng viên máy nhắn tin (pager) rồi điện thoại di động khiến các đồng nghiệp báo tiếng Việt phải ghanh tị. Có người còn đặt cho VIR cái tên… “Báo Hoàng Gia”.

Đó cũng là điều dễ hiểu. Vào thời điểm này, Hoa Kỳ còn “cấm vận” nên nước Úc là quốc gia Phương Tây “một mình một chợ” trong việc hỗ trợ Việt Nam làm quen với công nghệ thông tin, điển hình là Giáo sư Rob Hurle và tờ báo VIR có mặt tại Việt Nam rất sớm.

Máy nhắn tin hồi đó là một cái hộp hình chữ nhật, mỗi lần có tin nhắn là máy cất tiếng “bíp bíp” còn điện thoại di động đúng là một “cục gạch” có thể dùng làm “vũ khí” phòng thân?

Tôi còn nhớ, ngày đem điện thoại về tòa soạn, sếp VIR khi đó là Nick Mountstephen, đứng tại cửa phòng dùng điện thoại di động gọi vào máy trên bàn cách đó ít bước… Giọng ông oang oang trong điện thoại: “Tôi đang đi tới chỗ anh đây!”.

Bức hình dưới đây chụp năm 1994 khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố chấm dứt thời kỳ cấm vận Việt Nam. Một ngày vui cho riêng VIR và những anh em làm báo tiếng Anh và cả những phóng viên người Úc. Chúng tôi ra số đặc biệt: “Embargo Lifted”!

Cũng qua tấm hình này, các bạn trẻ ngày nay có thể thấy được modem và chiếc điện thoại di động Motorola “to đùng” của 20 năm về trước. Việt Nam đã có điện thoại di động của Mỹ từ trước khi nước này dỡ bỏ cấm vận!

Niềm vui tại VIR trong ngày Mỹ bỏ cấm vận năm 1994:
“Special ! Embargo Lifted”

Trở lại chuyện Giáo sư Rob Hurle và chiếc modem từ Úc mang sang Việt Nam. Năm 1992, Viện Công nghệ Thông tin tại Hà Nội đã mở một hộp thư điện tử với địa chỉ email có đuôi “.au” ở tận Úc châu để liên lạc với Giáo sư Rob Hurle! Theo một số tài liệu, đây chính là những bức điện thư đầu tiên gửi đi từ Việt Nam ra thế giới bên ngoài!

Hơn thế nữa, tháng 9/1993, Giáo sư Rob Hurle và một đồng nghiệp người Úc gốc Việt tại Đại học Tasmania đến Hà Nội để bàn về kế hoạch phát triển Internet tại Việt Nam. Chỉ một năm sau, Giáo sư Rob Hurle và các đồng nghiệp tại Đại học Quốc gia Australia mua tặng Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, một chiếc máy tính.

Chiếc máy tính này còn được đi kèm với modem để thực hiện việc kết nối Internet qua cổng có đuôi… “.au”! Đây cũng có thể coi là chiếc máy tính đầu tiên chính thức có mặt tại Việt Nam với sự tài trợ từ Úc Châu. Giáo sư Rob Hurle cũng là một trong những người đầu tiên nghĩ tới và được ủy quyền trong việc đăng ký tên miền “.vn” cho Việt Nam thay cho tên miền “.au”.

Đến năm 1995, nhu cầu sử dụng Internet tại Việt Nam bắt đầu phát triển và tiền tài trợ từ Chính phủ Úc không còn đủ chi dụng, nên chính phủ Việt Nam bắt đầu tính đến việc “thương mại hóa” bằng cách thu cước từ người sử dụng Internet.

Giáo sư Rob Hurle bắt đầu hợp tác với Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) để phát triển dịch vụ này. Sau 2 năm thử nghiệm, Viện Công nghệ Thông tin thành lập Công ty NetNam và trở thành nhà cung cấp dịch vụ Internet đầu tiên tại Việt Nam. Dịch vụ bao gồm thư điện tử với tên miền “.vn”, ngoài ra còn mở diễn đàn, dịch vụ liên lạc nội bộ và cả một thư viện điện tử.

Khách hàng lên tới hàng ngàn người sau 1 năm hoạt động. NetNam còn mở thêm các dịch vụ thiết kế trang Web, FTP, TelNet… khi Internet được chính thức hoạt động tại Việt Nam từ năm 1997.

Viện Công nghệ Thông tin qua hợp tác với Đại học Quốc gia Australia không phải là cơ quan duy nhất đã thử nghiệm Internet vào Việt Nam từ năm 1994. Cũng trong năm này, Trung tâm Thông tin Khoa học Công nghệ Quốc gia đã liên kết với mạng Toolnet của Hòa Lan và một năm sau, Trung tâm Khoa học & Công nghệ tại Sài Gòn liên kết với Singapore để thiết lập mạng HCMCNET.

Khi lệnh cấm vận của Hoa Kỳ được giỡ bỏ, Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC) thuộc Tổng công ty Bưu chính Viễn thông đã kết nối với Sprintlink (Mỹ) thông qua hai “cổng” kết nối tại Hà Nội và Sài Gòn vào năm 1966. Những đường truyền này có tốc độ tương đối nhanh nhất: 64 Kb/giây.

Theo thống kê của  Internet Pando Networks (Mỹ), năm 2011 Việt Nam đạt tốc độ kết nối Internet trung bình 374 KBps (1 B bằng khoảng 8 b), nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 3 ở Châu Á, sau Hàn Quốc (2.202 KBps) và Nhật Bản (1.364 KBps). Ngược lại, theo báo cáo của Akamai, hãng khảo sát Internet của Mỹ, cuối năm 2011 tốc độ đường truyền Internet Việt Nam đạt khoảng 1,7 Mbps, xếp hạng 32/50 quốc gia được khảo sát và thấp hơn mức trung bình trên thế giới là 2,6 Mbps.

Nguồn thông tin khổng lồ trên Internet kèm theo các dịch vụ tương ứng chính là hệ thống các trang Web liên kết với nhau qua WWW (World Wide Web) khiến người sử dụng tại Việt Nam ngày càng cao. Từ năm 2003 với hơn 800.000 người tăng lên trên 26 triệu người vào năm 2010. 

Thống kê về số người sử dụng Internet tại Việt Nam (2003-2010)

Năm 2007, các hình thức kinh doanh quán cà phê Internet được khai trương tại Sài Gòn và Hà Nội kéo theo số lượng người truy cập Internet ngày càng cao. Theo thống kê mới nhất, số người sử dụng Internet tại Việt Nam trong năm 2014 đã lên con số 36 triệu. Dân số Việt Nam tròm trèm 90 triệu thì số người dùng Internet đã chiếm hơn 1/3, một tỷ lệ khá cao nếu so với nhiều quốc gia thuộc nhóm các nước đang phát triển.

Tuy nhiên, theo Google, mặc dù số người sử dụng trong nước chưa phải là cao so với thế giới nhưng Việt Nam lại là quốc gia có số lượng người truy cập về sex nhiều nhất trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến 2010. Riêng trong năm 2010, Hà Nội là thành phố có nhiều người tìm sex nhất thế giới!

Những con số thống kê đều có hai mặt “tích cực” và “tiêu cực” nêu trên rất đáng để chúng ta suy gẫm. Trên thực tế, Thế Giới Phẳng của Thomas Friedman không trơn tru và bằng phẳng như tác giả suy nghĩ. Thế giới đó luôn có những vùng trũng, những đồi núi gập ghềnh cũng như những đại dương sâu thẳm. Trong một dịp khác, chúng tôi sẽ bàn đến những hệ lụy của Internet đối với Việt Nam.  

“The Internet of Things”
   
***

Chú thích:

[*] Đọc thêm về Thomas L. Friedman qua bài viết “Trái đất tròn nhưng sao thế giới lại phẳng?” tại:

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 9: Thời hội nhập)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

1.         Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
2.         Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
3.         Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
4.         Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
5.         Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
6.         Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
7.         Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
8.         Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
9.         Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

Tác giả đang viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!


--> Read more..

Popular posts