Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

Việt Nam và “Thế Giới Phẳng”

Trong tác phẩm “The World Is Flat” (Thế Giới Phẳng) của bình luận gia Thomas L. Friedman, báo The New York Times, tác giả nhắc tới hai chữ “Việt Nam” 3 lần. Đó là ở các trang 20, 91 và 117. Trang 20 nhắc lại chiến tranh tại Việt Nam, như vậy là chỉ còn 2 trang có liên quan đến Thế Giới Phẳng, một đề tài mà Friedman giải thích tại sao quả đất tròn nhưng thế giới lại phẳng. Câu trả lời là nhờ công nghệ thông tin nên ranh giới địa lý, chính trị và tri thức giữa các nước không còn là một trở ngại lớn như ngày xưa [*].

Thomas L. Friedman

Chỉ hai trang nhắc đến Việt Nam là con số quá khiêm tốn nếu so với nước láng giềng Trung Hoa, được nói đến quá nhiều trong suốt cuốn sách dài 488 trang của Friedman về một thế giới ảo. Tuy nhiên, người Việt đọc cuốn sách này cũng cảm thấy phần nào an ủi khi còn nhiều nước trên thế giới không hề được tác giả nhắc đến tên trong lãnh vực công nghệ thông tin.  

Bìa sách “The World Is Flat”

Cột mốc lịch sử trong tiến trình Việt Nam hội nhập công nghệ thông tin (Information technology – IT) là ngày 19/11/1997. Đó là ngày Việt Nam chính thức hòa mạng Internet toàn cầu. Thật ra thì Internet đã được thử nghiệm tại Việt Nam từ năm 1991, công đầu thuộc về Rob Hurle, giáo sư tại Đại học Quốc gia Australia (ANU).

Rob Hurle được xem là người đầu tiên đặt nền móng cho sự phát triển Internet tại Việt Nam qua việc mang một “modem” có kích thước to bằng một “cục gạch” để thực hiện việc liên lạc từ Việt Nam đến Úc bằng đường điện thoại viễn liên.

Cũng cần phải nhắc đến ông Trần Bá Thái, thuộc Viện Công nghệ Thông tin Hà Nội, người đã cùng Rob Hurle tiến hành những cuộc thí nghiệm kết nối các máy tính giữa Úc và Việt Nam bằng modem qua ứng dụng một phần mền do Hurle viết cho hệ thống UNIX để có thể sử dụng modem liên lạc.

Tại Việt Nam, khái niệm về modem còn rất mơ hồ đối với những người sử dụng máy tính vào đầu thập niên 90. Modem, viết tắt từ modulatordemodulator, là một thiết bị biến sóng tín hiệu sang dạng mã hóa. Nói một cách chuyên môn hơn, modem chuyển tín hiệu số '1' và '0' của máy tính thành âm thanh mà nó có thể truyền qua đường dây điện thoại. Khi nhận được ở đầu dây bên kia, modem sẽ chuyển âm thanh trở về tín hiệu '1' và '0'.

Một trong những “cục gạch” nền tảng cho Internet

Phải thú thật, vào những năm đầu thập niên 90 tôi hoàn toàn “mù tịt” về IT. May mắn đến với tôi là được làm việc tại báo Vietnam Investment Review (VIR), một tuần báo chuyên về kinh tế - đầu tư của Úc xuất bản tại Việt Nam. Đây là cơ hội để chúng tôi tiếp cận với công nghệ thông tin nhưng không qua đào tạo chính thức mà chỉ “học mò” trên máy tính theo kiểu “đi tắt, đón đầu”.

Tháng 9/1991 VIR bắt đầu ra số báo đầu tiên, phóng viên chúng tôi “viết” bài bằng máy đánh chữ. Chỉ ít lâu sau VIR, có thêm một máy tính, màn hình đen trắng, hiệu Acer, đời… 286! VIR truyền bài vở ra Hà Nội bằng máy fax và tiếp đến là “thời kỳ đột phá ngoạn mục”: giữa Hà Nội và Sài Gòn có thể nhận bài vở qua modem!  

Cảm giác đầu tiên khi dùng “cục gạch” để chuyển bài viết có lẽ là một trong những kỷ niệm khó quên trong cuộc đời làm báo mà bây giờ nhớ lại chẳng khác nào chơi trò ú tim của trẻ con! Trước khi gửi bài phải liên lạc bằng điện thoại, khi đường dây được thông suốt, hai bên thống nhất với nhau bằng cách đếm 1, 2, 3 rồi cùng bật modem.

Từ “cục gạch” phát ra tín hiệu “rè rè” và khi hai bên “bắt tay với nhau”, modem chuyển sang tiếng kêu “rít rít”. Tín hiệu chỉ ngưng khi bài vở đã được truyền xong. Thế là hoàn tất một công đoạn ngắn gọn mà nếu không có modem sẽ phải nhận bài viết qua máy fax, rồi lại đánh máy thành văn bản để in báo.

Sau “bước nhảy vọt” từ fax sang modem vào năm 1993, VIR tiếp tục trang bị cho phóng viên máy nhắn tin (pager) rồi điện thoại di động khiến các đồng nghiệp báo tiếng Việt phải ghanh tị. Có người còn đặt cho VIR cái tên… “Báo Hoàng Gia”.

Đó cũng là điều dễ hiểu. Vào thời điểm này, Hoa Kỳ còn “cấm vận” nên nước Úc là quốc gia Phương Tây “một mình một chợ” trong việc hỗ trợ Việt Nam làm quen với công nghệ thông tin, điển hình là Giáo sư Rob Hurle và tờ báo VIR có mặt tại Việt Nam rất sớm.

Máy nhắn tin hồi đó là một cái hộp hình chữ nhật, mỗi lần có tin nhắn là máy cất tiếng “bíp bíp” còn điện thoại di động đúng là một “cục gạch” có thể dùng làm “vũ khí” phòng thân?

Tôi còn nhớ, ngày đem điện thoại về tòa soạn, sếp VIR khi đó là Nick Mountstephen, đứng tại cửa phòng dùng điện thoại di động gọi vào máy trên bàn cách đó ít bước… Giọng ông oang oang trong điện thoại: “Tôi đang đi tới chỗ anh đây!”.

Bức hình dưới đây chụp năm 1994 khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố chấm dứt thời kỳ cấm vận Việt Nam. Một ngày vui cho riêng VIR và những anh em làm báo tiếng Anh và cả những phóng viên người Úc. Chúng tôi ra số đặc biệt: “Embargo Lifted”!

Cũng qua tấm hình này, các bạn trẻ ngày nay có thể thấy được modem và chiếc điện thoại di động Motorola “to đùng” của 20 năm về trước. Việt Nam đã có điện thoại di động của Mỹ từ trước khi nước này dỡ bỏ cấm vận!

Niềm vui tại VIR trong ngày Mỹ bỏ cấm vận năm 1994:
“Special ! Embargo Lifted”

Trở lại chuyện Giáo sư Rob Hurle và chiếc modem từ Úc mang sang Việt Nam. Năm 1992, Viện Công nghệ Thông tin tại Hà Nội đã mở một hộp thư điện tử với địa chỉ email có đuôi “.au” ở tận Úc châu để liên lạc với Giáo sư Rob Hurle! Theo một số tài liệu, đây chính là những bức điện thư đầu tiên gửi đi từ Việt Nam ra thế giới bên ngoài!

Hơn thế nữa, tháng 9/1993, Giáo sư Rob Hurle và một đồng nghiệp người Úc gốc Việt tại Đại học Tasmania đến Hà Nội để bàn về kế hoạch phát triển Internet tại Việt Nam. Chỉ một năm sau, Giáo sư Rob Hurle và các đồng nghiệp tại Đại học Quốc gia Australia mua tặng Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, một chiếc máy tính.

Chiếc máy tính này còn được đi kèm với modem để thực hiện việc kết nối Internet qua cổng có đuôi… “.au”! Đây cũng có thể coi là chiếc máy tính đầu tiên chính thức có mặt tại Việt Nam với sự tài trợ từ Úc Châu. Giáo sư Rob Hurle cũng là một trong những người đầu tiên nghĩ tới và được ủy quyền trong việc đăng ký tên miền “.vn” cho Việt Nam thay cho tên miền “.au”.

Đến năm 1995, nhu cầu sử dụng Internet tại Việt Nam bắt đầu phát triển và tiền tài trợ từ Chính phủ Úc không còn đủ chi dụng, nên chính phủ Việt Nam bắt đầu tính đến việc “thương mại hóa” bằng cách thu cước từ người sử dụng Internet.

Giáo sư Rob Hurle bắt đầu hợp tác với Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) để phát triển dịch vụ này. Sau 2 năm thử nghiệm, Viện Công nghệ Thông tin thành lập Công ty NetNam và trở thành nhà cung cấp dịch vụ Internet đầu tiên tại Việt Nam. Dịch vụ bao gồm thư điện tử với tên miền “.vn”, ngoài ra còn mở diễn đàn, dịch vụ liên lạc nội bộ và cả một thư viện điện tử.

Khách hàng lên tới hàng ngàn người sau 1 năm hoạt động. NetNam còn mở thêm các dịch vụ thiết kế trang Web, FTP, TelNet… khi Internet được chính thức hoạt động tại Việt Nam từ năm 1997.

Viện Công nghệ Thông tin qua hợp tác với Đại học Quốc gia Australia không phải là cơ quan duy nhất đã thử nghiệm Internet vào Việt Nam từ năm 1994. Cũng trong năm này, Trung tâm Thông tin Khoa học Công nghệ Quốc gia đã liên kết với mạng Toolnet của Hòa Lan và một năm sau, Trung tâm Khoa học & Công nghệ tại Sài Gòn liên kết với Singapore để thiết lập mạng HCMCNET.

Khi lệnh cấm vận của Hoa Kỳ được giỡ bỏ, Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC) thuộc Tổng công ty Bưu chính Viễn thông đã kết nối với Sprintlink (Mỹ) thông qua hai “cổng” kết nối tại Hà Nội và Sài Gòn vào năm 1966. Những đường truyền này có tốc độ tương đối nhanh nhất: 64 Kb/giây.

Theo thống kê của  Internet Pando Networks (Mỹ), năm 2011 Việt Nam đạt tốc độ kết nối Internet trung bình 374 KBps (1 B bằng khoảng 8 b), nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 3 ở Châu Á, sau Hàn Quốc (2.202 KBps) và Nhật Bản (1.364 KBps). Ngược lại, theo báo cáo của Akamai, hãng khảo sát Internet của Mỹ, cuối năm 2011 tốc độ đường truyền Internet Việt Nam đạt khoảng 1,7 Mbps, xếp hạng 32/50 quốc gia được khảo sát và thấp hơn mức trung bình trên thế giới là 2,6 Mbps.

Nguồn thông tin khổng lồ trên Internet kèm theo các dịch vụ tương ứng chính là hệ thống các trang Web liên kết với nhau qua WWW (World Wide Web) khiến người sử dụng tại Việt Nam ngày càng cao. Từ năm 2003 với hơn 800.000 người tăng lên trên 26 triệu người vào năm 2010. 

Thống kê về số người sử dụng Internet tại Việt Nam (2003-2010)

Năm 2007, các hình thức kinh doanh quán cà phê Internet được khai trương tại Sài Gòn và Hà Nội kéo theo số lượng người truy cập Internet ngày càng cao. Theo thống kê mới nhất, số người sử dụng Internet tại Việt Nam trong năm 2014 đã lên con số 36 triệu. Dân số Việt Nam tròm trèm 90 triệu thì số người dùng Internet đã chiếm hơn 1/3, một tỷ lệ khá cao nếu so với nhiều quốc gia thuộc nhóm các nước đang phát triển.

Tuy nhiên, theo Google, mặc dù số người sử dụng trong nước chưa phải là cao so với thế giới nhưng Việt Nam lại là quốc gia có số lượng người truy cập về sex nhiều nhất trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến 2010. Riêng trong năm 2010, Hà Nội là thành phố có nhiều người tìm sex nhất thế giới!

Những con số thống kê đều có hai mặt “tích cực” và “tiêu cực” nêu trên rất đáng để chúng ta suy gẫm. Trên thực tế, Thế Giới Phẳng của Thomas Friedman không trơn tru và bằng phẳng như tác giả suy nghĩ. Thế giới đó luôn có những vùng trũng, những đồi núi gập ghềnh cũng như những đại dương sâu thẳm. Trong một dịp khác, chúng tôi sẽ bàn đến những hệ lụy của Internet đối với Việt Nam.  

“The Internet of Things”
   
***

Chú thích:

[*] Đọc thêm về Thomas L. Friedman qua bài viết “Trái đất tròn nhưng sao thế giới lại phẳng?” tại:

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 9: Thời hội nhập)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

1.         Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
2.         Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
3.         Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
4.         Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
5.         Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
6.         Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
7.         Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
8.         Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
9.         Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

Tác giả đang viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!


2 nhận xét:

  1. Qua anh Chính, người đọc có nhiều thông tin được hệ thống hóa nhưng nó còn là một bài lịch sử Internet ở VN. Cám ơn anh rất nhiều.

    Trả lờiXóa
  2. Chào anh Chinh, xin phép anh cho tôi đăng lại 2 bài "Việt Nam và “Thế Giới Phẳng” ở trang: https://nuocnha.blogspot.com.
    Cảm ơn anh trước.

    Trả lờiXóa

Popular posts