Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021

Mặt trận miền tây đã… “tạm” im tiếng súng !!!

Ba tháng nay, trên mạng xã hội đã dậy sóng vì “chuyện của một người đàn bà”!

CEO Nguyễn Phương Hằng của Đại Nam đã bắn phát súng đầu tiên tố giác “Thần y” Võ Hoàng Yên lừa đảo suốt 14 năm nay. Tiếp theo là “đám nghệ sĩ”, khởi đầu là danh hài Võ Hoài Linh và sau đó một loạt nghệ sĩ tên tuổi khác… bị bà Hằng đưa vào tầm ngắm.

Lời qua, tiếng lại… xuất hiện trên mạng dồn dập với lời chửi bới thô tục, “vô văn hóa, vô học, vô cảm…” ngày một nhiều của hai phe, cả ở trong nước lẫn hải ngoại.

Những người không thuộc phe nào thì hàng ngày phải “chịu trận” trong những buổi Live Streams trên YouTube lẫn Comments trên Facebook. Trong khi đó, “con cầu gai” đang tấn công dồn dập vào sinh mạng của người Việt trên cả nước!

Chúng tôi xin trích dẫn một số “danh ngôn” của CEO Nguyễn Phương Hằng được trích từ Facebook và các buổi Live Streams:

- Thần Điêu Đại Bịp

- Một mét vuông 3, 4 thằng lừa đảo

- Công ty Trách nhiệm Hữu hạn MỘT MÌNH TAO

- Tiền án tiền sự nó nhiều hơn tiền mặt

- Khinh địch sẽ bị hửi địt

- Ngu nhất mà tưởng khôn nhì

- Chân lý là chân lý, chứ chân lý không phải là chân tường

- Tôi sẽ làm cho nó thân bại danh liệt, cho nó thành Võ Nằm Yên mãi mãi suốt đời

- Anh hùng hảo hán núp vô háng giờ phải bị lôi ra

- Nó mướn giang háng để chơi giang hồ với mình

- Có mình má nó đẻ chứ chúng ta chó đẻ hết

- Những chân lý cùn

- Cố quá có khi thành quá cố

- Sau sự cao quý là sự đốn mạt , trụy lạc

- Càng diễn càng dở, càng cố càng tồi bại

- Chơi xong chạy, đăng xong gỡ bài

Cho đến ngày 28/5/2021 người ta mới thấy Bộ Thông tin & Truyền thông có văn bản “đề nghị các tỉnh, thành tăng cường công tác quản lý, xử lý người livestream xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân khác, sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục…”.

Ngay sau đó, CEO Nguyễn Phương Hằng tuyên bố: “Buổi livestream ngừng lại, vì tôi bị bệnh hai hôm nay. Khi nào khỏi bệnh, tôi sẽ thông báo để trực tuyến cùng quý vị. Tôi biết quý vị rất mong chờ gặp tôi, tôi biết quý vị rất yêu mến tôi, nhưng tôi xin lỗi quý vị, vì tôi không khỏe. Tôi hứa sẽ trở lại vào tuần sau”.

Như vậy, cộng đồng mạng “thở phào nhẹ nhõm” vì ít ra… “Mặt trận miền tây đã… “tạm” im tiếng súng”. Không biết tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu… chúng ta hãy chờ xem.

***

P.S: Chúng tôi cũng sưu tầm trên mạng một số “danh ngôn” của CEO Nguyễn Phương Hằng để các bạn tham khảo trong khi chờ đợi màn kế tiếp của Drama sau khi bà Hằng… hết bệnh!

 *** 























***




























--> Read more..

Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2021

Tức cảnh… làm thơ!

Chị Hằng ngồi gốc cây đa,

Hỏi thăm chú Cuội đi đâu vắng nhà?

Chú Cuội đi chợ đường xa,

Mua mắm, mua muối giỗ cha chị Hằng.

 

(Nhại thơ… con mèo)

 

Nguyễn Phương Hằng

 

Dưới trần dương thế đang căng,

Thiên hạ chửi bới lăng xăng rối bời.

Trách nhau sao lại lắm lời,

Thần y, nghệ sĩ một thời lên ngôi.

 

“Lai-chim” hằng mấy tháng ròng,

Thương cho thiên hạ quay mòng hoang mang.

Chia phe, kết đảng chửi nhau,

Lớp thì “cuồn cuộn”, lớp thì lau nhau.

 

Nguyễn Phương Hằng & Chồng Huỳnh Uy Dũng (Dũng 'lò vôi')

 

“Hằng tôi thấy sự bất bình,

Nên đăng đàn chửi, chẳng vì một ai.

Mai đây năm rộng, tháng dài,

Sẽ còn chửi tiếp kẻo hoài ngày xuân”.

 

Chửi xa rồi lại chửi gần,

Chửi cho sụp đổ tường thành lâu nay.

Chửi cho nát bấy tụi mày,

Chửi cho tan tác một bầy mafia.

 

Nguyễn Phương Hằng & “Thần y” Võ Hoàng Yên

 

Hàng ơi xin nhớ một điều,

Chửi chi cho lắm, thuốc liều mất hay.

Chi bằng tạm rút vài ngày,

Để xem con tạo xoay vần ra sao.

 

Nguyễn Phương Hằng & Nghệ sĩ hài Hoài Linh

 

Lời khuyên rất đỗi ngọt ngào,

Xin chị đừng chửi “mình tao” mà buồn!

 

(Những chữ để trong ngoặc kép được trích từ phát ngôn của chị Hằng)

 

Nguyễn Phương Hằng 

*** 

* Tham khảo thêm: 

https://chinhhoiuc.blogspot.com/2021/05/hoi-uc-nhan-ky-niem-46-nam.html


***

--> Read more..

Thứ Tư, 26 tháng 5, 2021

Ca dao về tình yêu

Ca dao, người xưa còn gọi là “phong dao”, xuất hiện rất nhiều trong ngôn ngữ dân gian của người Việt.

Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc (1890-1942), nhà giáo và cũng là một học giả uy tín, đã có một công trình sưu tầm lấy nhan đề là “Tục ngữ - Phong giao” được xuất bản năm 1928 tại Hà Nội.

Trong quyển sách đã dẫn có đến 6.500 câu tục ngữ và hơn 850 ca dao, được sắp xếp một cách khoa học theo mẫu tự. Vì khuôn khổ hạn hẹp của bài viết này, chúng tôi chỉ  xin trích ra một mảng nhỏ trong kho tàng ca dao của học giả Nguyễn Văn Ngọc với chủ đề về tình yêu trai gái.

 



Tác giả là người miền Bắc nên những câu ca dao này được viết theo lối chính tả của người đàng ngoài, có những từ ngữ đôi chỗ rất khác với miền Nam. Chẳng hạn như “giời” thay vì “trời”, “trai” được viết thành “giai”, “giăng”“trăng”, “lời nói” được đổi thành “nhời nói"“bã trầu” biến thành “bã giầu”.

Ví dụ như trong câu ca dao định nghĩa hai chữ Yêu và Ghét, người miền Nam mới đọc câu đầu sẽ phải “khựng” lại vì gặp chữ “bã giầu” nhưng rồi cũng hiểu ra, “giầu” đây là “trầu không” mà các cụ ngày xưa thường ăn. Vế thứ hai là “cau” càng làm rõ nghĩa… trầu cau:

“Yêu nhau thời ném bã giầu,

Ghét nhau thời ném vỡ đầu nhau ra.

Yêu nhau cau bẩy bổ ba,

Ghét nhau cau bẩy bổ ra làm mười”.


Đoạn ca dao dưới đây rất nhiều người biết về cách dậy con, cả trai lẫn gái. Dĩ nhiên là cách hành xử theo nề nếp cổ xưa chứ không như ngày nay:

“Con ơi muốn nên thân người,

Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha.

Gái thời giữ việc trong nhà,

Khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa.

Giai thời đọc sách, ngâm thơ,

Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa.

Mai sau nối được nghiệp nhà,

Trước là đẹp mặt, sau là ấm thân”.

 

Rất ít người hiểu được những thủ tục nhiêu khê khi người con gái rời gia đình để xuất giá theo chồng. Trước bàn thờ tổ tiên có những nghi thức cổ truyền trong việc quỳ lậy mà ngày nay hầu như mọi gia đình đều bỏ qua:

“Lạy cha ba la lạy, một quì,

Lạy mẹ bốn lạy, con đi lấy chồng.

Mẹ sắm cho con cái yếm nhất phẩm hồng.

Trước là đáp nghĩa cùng chồng,

Sau là họ mạc cũng không chê cười”.

Con ơi! Nhớ bấy nhiêu nhời.”

 

Và đây là tiêu chuẩn mẫu mực về một người vợ… trong mơ:

“Những người thắt đáy lưng ong,

Vừa khéo chiều chồng, vừa khéo nuôi con.

Những người béo trục, béo tròn,

Ăn vụng như chớp, đánh con cả ngày”.

 

Chuyện kén chồng cũng cả là một vấn đề nan giải nên mới có những vần thơ vui nhưng “cảnh báo” người con gái:

“Đi đâu mà chẳng lấy chồng?

Người ta lấy hết, chổng mông mà gào.

Gào rằng: Đất hỡi giời ơi!

Sao không thí bỏ cho tôi chút chồng?

Ông giời ngoảnh lại mà trông:

Mày hay kén chọn, ông không cho mày”.

 

Tuy nhiên, cũng cần tránh những cảnh “làm lẽ” trong một xã hội đa thê của ngày xưa. Người vợ lẽ thực ra chỉ là một danh từ thậm xưng… kỳ thật chỉ là “ôsin” trong gia đình chồng:

“Lấy chồng làm lẽ khổ thay,

Đi cấy, đi cầy chị chẳng kể công.

Đến tối chị giữ lấy chồng,

Chị cho manh chiếu nằm không nhà ngoài.

Đêm đêm gọi những: Bớ Hai,

Giở dậy nấu cám, thái khoai, đâm bèo.”

 

Ngược lại, cũng cần tránh những cuộc “tảo hôn” như trường hợp sau đây:

“Lấy chồng từ thuở mười lăm,

Chồng chê tôi bé, chẳng nằm cùng tôi.

Đến năm mười tám, đôi mươi,

Tôi nằm dưới đất, chồng lôi lên giường,

Một rằng thương, hai rằng thương,

Có bốn chân giường gãy một còn ba,

Ai về nhắn nhủ mẹ cha,

Chồng tôi nay đã giao hòa cùng tôi”.


Xã hội ngày xưa ngoài việc người đàn ông có quyền lấy nhiều vợ… nhưng ở một số trường hợp đàn bà cũng có thể có nhiều chồng như hoàn cảnh của người phụ nữ dưới đây:

“Chữ Trinh đáng giá nghìn vàng,

Từ anh chồng cũ đến chàng là năm.

Còn như yêu vụng, dấu thầm,

Họp chợ trên bụng đến trăm con người”.

 

Không phải chỉ năm mà lại còn lên đến chín đời chồng như trường hợp này:

“Chính chuyên, lấy được chín chồng,

Vê viên, bỏ lọ, gánh gồng đi chơi.

Không ngờ quang đứt, lọ rơi.

Bò ra lổm ngổm chín nơi chín chồng”.

 

Đã cũng có không ít những chuyện các cô gái xứ Đông hay xứ Đoài bị bêu riếu vì các hành vi đáng lên án:

“Cha đời con gái xứ Đông!

Ăn trộm tiền chồng mua khố cho trai.

Cha đời con gái xứ Đoài!

Ăn trộm tiền mẹ mua khoai cho chồng”.

 

Cuộc sống hàng ngày của người phụ nữ thời phong kiến cũng tựa như một bức tranh đa màu, đa sắc. Có những chuyện vui nhưng cũng có không ít chuyện buồn:

“Chị em rủ nhau tắm đầm,

Của em thời trắng, chị thâm thế này?

Chị thâm bởi tại anh mày,

Khi xưa chị cũng hạt chay đỏ lòm”.

 

Ca dao cũng có những câu rất “tục” để “tả chân” về người phụ nữ, chẳng hạn như:

“Cô kia cắt cỏ ven sông,

Cái váy thì cọc, cái lông thì dài.

Thuyền chài nò vẻ quan hai,

Thưa rằng: Chẳng bán để mà quét sân”.

 

Chuyển sang đối tượng đàn ông trong xã hội xưa cũng có những lời nặng nhẹ. Và dĩ nhiên những lời đó xuất phát từ… đàn bà:

“Đàn ông năm, bảy đàn ông,

Đem bỏ vào lồng cho kiến nó tha.

Đàn bà năm, bảy đàn bà,

Đem bỏ ra chợ, kiến tha nó về”.


Đôi khi cũng có những nhận xét một cách vô tư và hài hước về cả hai phía:

“Đàn ông kia hỡi đàn ông!

Nửa đêm giở dậy cắm chông đàn bà.

Đàn bà kia hỡi đàn bà!

Nửa đêm giở dậy rút ruột già đàn ông”.

 

Cuộc sống vợ chồng cũng… khá rắc rối:

“Đương khi bếp tắt cơm sôi,

Con ngồi khóc đói, chồng đòi tòm tem.

Bây giờ bếp đã cháy lên,

Cơm đà sắp chín, tòm tem thì tòm”.

 

Gặp ông chồng yêu vợ thì bao thói xấu của vợ biến thành… điều tốt:

“Lỗ mũi em thì tám ghánh lông,

Chồng yêu, chồng bảo tơ hồng giời cho.

Đêm nằm thì ngày o o,

Chồng yêu, chồng bảo ngáy cho vui nhà.

Đi chợ, thì hay ăn quà,

Chồng yêu, chồng bảo về nhà đỡ cơm.

Trên đầu những rác cùng rơm,

Chồng yêu, chồng bảo hoa thơm rắc đầu”.

 

Ghen tuông là “bản tình trời sinh” dành cho phụ nữ vì người ta thường nói “Ớt nào là ớt chẳng cay / Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng”! Nhưng trong ca dao ngoài hai câu trên còn có hai câu tiếp mà đa số chúng ta không biết:

“Vôi nào là vôi chẳng nồng,      

Gái nào là gái có chồng chẳng ghen”.

 

Cũng tương tự như trường hợp trên, người ta chỉ biết hai câu “Quả cau nho nhỏ, cái vỏ vân vân / Nay anh học gần, mai anh học xa”. Còn hai câu kế tiếp, chắc chắn ít người biết đến công lao của người vợ:

“Tiền gạo thì của mẹ cha,

Cái nghiên, cái bút thật là của em”.

 

Cũng vẫn bắt đầu bằng chuyện quả cau, ca dao được nối tiếp bằng những kể lể công trạng “âm thầm” của người vợ có chồng là học trò:

“Anh lấy em từ thuở mười ba,

Đến năm mười tám, thiếp đà năm con.

Ra đường người nghĩ còn son,

Về nhà thiếp đã năm con cùng chàng.


“Một nửa sự thật” về cuộc sống vợ chồng trong “thâm cung bí sử” được diễn tả qua đoạn ca dao dưới đây. Tương phản hẳn với một nửa kia trước mắt mọi người cứ lầm tưởng là họ có một cuộc sống ngọt ngào, hạnh phúc:

“Ra đường bà nọ, bà kia,

Về nhà không khỏi cái nia, cái sàng.

Ra đường võng giá nghênh ngang,

Về nhà hỏi vợ: Cám rang đâu mày?

Cám rang tôi để cối xay,

Hễ chó ăn mất, thì “Mày với Ông”.

 

Người phụ nữ Việt Nam vốn có tính chiều chồng, nhiều khi chiều một cách thái quá:

“Chồng giận thì vợ làm lành,

Miệng cười chúm chím: Thưa anh giận gì?

Thưa anh, anh giận em chi,

Muốn lấy vợ bé em thì lấy cho”.

 

Thời xưa cũng như thời nay, trước khi nên duyên vợ chồng là thời kỳ hẹn hò, khó có thể nào quên:

“Nhớ ai con mắt lim dim,

Chân đi thất thểu như chim tha mồi.

Nhớ ai hết đứng lại ngồi,

Ngày đêm tơ tưởng một người tình nhân”.

 

Nhớ đến phát khóc, nhớ đến ngẩn ngơ như ngồi trên đống lửa, trên than hồng:

“Nhớ ai em những khóc thầm,

Hai hàng nước mắt dầm dầm như mưa.

Nhớ ai ngơ ngẩn ngẩn ngơ,

Nhớ ai ai nhớ, bây giờ nhớ ai.

Nhớ ai bổi hổi, bồi hồi,

Như đun đống lửa, như ngồi đống than”.

 

Chờ mong nhau đến độ:

“Ngày ngày em đứng em trông,

Trông non, non ngất, trông sông, sông dài.

Trông mây, mây kéo ngang giời,

Trông giăng, giăng khuyết, trông người, người xa”.

 

Họ còn nhớ cả những giây phút thầm kín bên nhau qua những câu thơ… vô cùng tả chân:

“Vú em chum chũm chũm cau,

Cho anh bóp cái, có đau anh đền.

Vú em chỉ đáng một tiền,

Cho anh bóp cái, anh đền quan năm”.

 


Hỷ-Nộ-Ái-Ố trong tình yêu của ngày xưa là vậy đó!

 *** 

--> Read more..

Thứ Năm, 20 tháng 5, 2021

Chuyện tình Công nương Diana

Trong hoàng tộc Anh, có lẽ các phương tiện truyền thông đã phải tốn nhiều giấy mực nhất cho chuyện của Công nương Diana, vợ của hoàng thái tử Charles. Ông là con trai trưởng của Nữ hoàng Elizabeth II, và là người được coi là kế vị một khi Nữ hoàng qua đời để cai trị Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland cùng 15 vùng đất khác thuộc Khối thịnh vượng chung.

Công nương Diana Spencer và hoàng tử Charles công bố lễ đính hôn vào ngày 24/2/1981 và họ chính thức kết hôn ngày 29/7/1981 tại Nhà thờ St. Paul. Cặp vợ chồng vương giả này có với nhau hai người con trai William và Harry…

 



Nhưng họ đã quyết định ly dị vào ngày 28/8/1996 để kết thúc cuộc hôn nhân kéo dài 15 năm. Chỉ một năm sau, Diana thiệt mạng trong một vụ tai nạn xe hơi kinh hoàng xảy ra dưới hầm cầu Alma ở Paris, Pháp, vào ngày 31/8/1997.

 



Tưởng chừng như sau khi Diana qua đời mọi chuyện đều khép lại cho một mối tình vương giả “đẹp như trong truyện cổ tích”.

Thực tế lại khác hẳn. Các phương tiện truyền thông của cả thế giới đã vào cuộc với những tình tiết éo le được phanh phui. Dĩ nhiên, những chuyện đó có thể được “thêm mắm, thêm muối” để hấp dẫn người đọc nhưng chắc hẳn người ta vẫn tin “không có lửa thì sao có khói”!

Diana lần đầu gặp Charles khi nới chỉ 16 tuổi vào tháng 11/1977. Oái oăm là khi đó Charles lại đang hẹn hò với chị của Diana, họ quen nhau vào mùa hè năm 1971 tuy nhiên lai không hỏi cưới cô chị.

 



Tháng 11/1980 Diana đã được Nữ hoàng Elizabeth II và phu quân của bà là Công tước xứ Edinburgh tiếp đón nồng nhiệt. Charles đã cầu hôn vào ngày 6/2/1981 nhưng việc đính hôn của họ vẫn được giữ bí mật.

Năm 20 tuổi, Diana trở thành Công nương xứ Wales tại Thánh đường St. Paul, nơi có nhiều chỗ ngồi hơn Tu viện Wesminster, một nhà thờ thường được sử dụng cho các lễ cưới hoàng gia. Diana mặc chiếc váy cưới trị giá 9.000 bảng với một đuôi váy dài 7,62 mét.

 



Sự kiện này được mô tả như một "hôn lễ cổ tích" và được 750 triệu khán giả truyền hình toàn cầu theo dõi trong khi 600.000 khán giả xếp hàng trên đường phố để chứng kiến cặp đôi đến buổi lễ.

 



Với tư cách là Công nương xứ Wales, Diana thay mặt Nữ hoàng có mặt tại các những buổi lễ trên khắp vương quốc. Bà được các phương tiện truyền thông ca ngợi vì cách tiếp cận trái với thông lệ.

Diana bảo trợ các tổ chức liên quan đến trẻ em và thanh thiếu niên, gần gũi với các bệnh nhân AIDS và chiến dịch tháo gỡ bom mìn. Bà cũng vận động giúp đỡ những người bị ung thư và tâm thần.

 



Diana ban đầu được chú ý vì tính cách rụt rè, nhưng sức hút và sự thân thiện của bà nhanh chóng khiến công chúng quý mến và giúp vững danh tiếng của bà ngay cả sau khi cuộc hôn nhân đổ vỡ.

 



Năm năm sau khi kết hôn, Charles và Diana bắt đầu có những bất đồng, một phần vì sự chênh lệch tuổi tác gần 13 tuổi giữa hai người. Phương tiện truyền thông đưa tin Charles nối lại quan hệ với bạn gái cũ Camilla Parker Bowles và Diana bắt đầu ngoại tình với Thiếu tá James Hewitt, người trước đây từng dạy cưỡi ngựa cho gia đình.

Những chuyện này sau đó bị phơi bày vào tháng 5/1992 khi cuốn sách của Andrew Morton, “Diana: Her True Story”, được xuất bản. Cuốn sách cũng tiết lộ sự bất hạnh và quyết định tự tử của Công nương xứ Wales đã gây ra một cơn bão truyền thông. Morton sau đó tiết lộ rằng vào năm 1991, ông đã thực hiện một cuộc phỏng vấn bí mật với Diana, trong đó bà đã tiết lộ những vấn đề và khó khăn trong hôn nhân của mình.

Nữ hoàng Elizabeth II và Công tước xứ Edinburgh đã có một cuộc họp gia đình giữa Charles và Diana nhằm hòa giải nhưng bất thành. Một số người, kể cả Simone Simmons, bạn thân của Diana, cáo buộc rằng mối quan hệ giữa công nương và cha chồng vô cùng căng thẳng.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu khác lại cho rằng không có dấu hiệu xích mích trong mối quan hệ giữa bố chồng và con dâu. Và chuyện gì phải đến đã đến. Tháng 12/1992, Thủ tướng đương nhiệm, John Major, thông báo quyết định ly thân của của Charles và Diana:

“Thông cáo từ Cung điện Buckingham, với sự tiếc nuối, Hoàng tử và Công nương đã quyết định ly thân. Cả hai không có kế hoạch cho việc ly hôn và địa vị theo hiến pháp của họ không bị ảnh hưởng. Quyết định này được đưa ra một cách ôn hoà và cả hai sẽ tiếp tục cùng nhau nuôi dạy con cái”.

 



Hai người con của cặp vợ chồng vương giả, William và Harry, dĩ nhiên không ít thì nhiều cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc hôn nhân “gãy ghánh” của bố mẹ chứ chưa nói gì đến uy tín của Hoàng gia Anh. Người ta thấy giữa hai hoàng tử có sự bất hòa ngấm ngầm.

 



Người em trai Harry, năm nay 36 tuổi, mới đây đã tuyên bố “ly khai” khỏi hoàng gia để cùng vợ con sang sinh sống tại Hoa Kỳ. Lý do Harry đưa ra qua cuộc phỏng vấn của Oprah Winfrey trên đài truyền hình Mỹ là “tính cách kỳ thị mầu da” của Hoàng gia Anh.

 



Trong tang lễ của ông nội mới đây, Hoàng tế Philip, phu quân của Nữ hoàng Elizabeth II, người ta thấy Harry có về Luân Đôn để tham dự nhưng thiếu bóng dáng của vợ là Meghan Markle. Báo chí để ý thấy hai anh em luôn giữ một khoảng cách, không nói chuyện với nhau.

Thậm chí các báo “là cải” còn đưa ra giả thuyết, họ không phải là “anh em ruột thịt” hay nói một cách khác “cùng mẹ nhưng lại khác cha”! Tin đồn đó thực sự đã tạo một áp lực lớn đối với Hoàng tử Charles cũng như toàn thể hoàng gia nước Anh.

 



Tin mới nhất trên báo chí cho hay, ngày 1/7/2021 này sẽ là kỷ niệm sinh nhật của Công nương Diana và cũng là sinh nhật thứ 60 của bà… nếu còn tại thế. Nhân dịp này, Hoàng gia Anh sẽ khánh thành một bức tượng kỷ niệm bà tại Lâu đài Kensington ở Luân Đôn. Tác giả của bức tượng là điêu khắc gia Ian Rank-Broadley.

Tin cho biết Harry tuyên bố sẽ có mặt trong buổi lễ khánh thành bức tượng cùng cha năm nay đã 72 tuổi và anh để tưởng nhớ Công nương Diana. Hy vọng hai anh em sẽ “tiến lại gần nhau hơn” trong dịp này!   

Dù hơn 20 năm đã trôi qua nhưng cho đến nay sự ra đi của Công nương Diana, được gọi thân mật là “Lady Di”, vẫn khiến hàng triệu người hâm mộ thổn thức và tiếc nuối cho vị Công nương “tài sắc vẹn toàn”.

Người ta lai nhớ đến câu… “hồng nhan đa truân”, dù đó là kẻ dân giã hay là “lá ngọc cành vàng”.

 


***

--> Read more..

Chủ Nhật, 16 tháng 5, 2021

Tôi học ngoại ngữ

Thực tế cho thấy, những người giỏi ngoại ngữ ngoài khả năng thiên phú, trời cho còn cần điều mà người ta thường gọi một cách nôm na là “bạo mồm, bạo miệng”. Kẻ được coi là “liều lĩnh” thường sử dụng ngoại ngữ một cách tự tin, dù thực tế trình độ của họ cũng chỉ ngang bằng những người vốn tính nhút nhát, sợ mình nói sai!

Riêng về sự trôi chảy trong việc dùng ngoại ngữ, rất ít người nhận thấy mình thường nghĩ trong đầu bằng tiếng Việt, sau đó tự dịch sang ngoại ngữ rồi mới nói ra. Đó là 3 bước lám chậm sự lưu loát, trong khi người bản xứ nghĩ bằng ngôn ngữ của mình và cứ thế họ nghĩ và nói rất nhanh.

Như vậy, để có sự trôi chảy khi nói một ngoại ngữ, người ta cần bỏ qua hoặc rút ngắn giai đoạn dịch trong đầu để cuộc đàm thoại được diễn ra một cách tự nhiên, liên tục. Kỹ năng đó sẽ đòi hỏi một quá trình tập luyện và sau một thời gian, bạn sẽ thấy trong giao tiếp với người nước ngoài sẽ dễ dàng hơn.

Thời tôi, thập niên 60s, học sinh lên Trung học Đệ nhất cấp (lớp Đệ Thất, ngày nay là lớp 6) bắt đầu học ngoại ngữ. Có hai ngôn ngữ là Anh văn và Pháp văn để học sinh chọn làm Sinh ngữ Chính và Sinh ngữ Phụ.

Đa số đều chọn Anh văn làm sinh ngữ chính còn số chọn Pháp văn tương đối ít vì một lẽ dễ hiểu là tiếng Anh bắt đầu trở thành một ngoại ngữ của cả thế giới. Duy chỉ có một số ít những học sinh chuyển từ các trường Tây sang trường Việt chọn Pháp văn.

Tôi chọn Pháp văn vì một lẽ ông cụ thân sinh ra tôi khá rành tiếng Pháp nên hy vọng sẽ được học hỏi từ ông. Tuy nhiên, trong suốt thời gian ở cả Đệ nhất và Đệ nhị cấp tôi đã phải chật vật với ngôn ngữ của dân Gaulois.

Sách học Pháp văn thời đó là cuốn sách mà bọn học sinh chúng tôi gọi là “Cua Đờ Lăng” hay “Mô Dzê”, tên chính thức là bộ sách “Cours de Langue et de Civilisation Francaises” của Gaston Maugers được xuất bản lần đầu tiên năm 1963. Bộ sách gồm 4 cuốn nhưng chúng tôi chỉ học Cuốn 1 và 2 dành cho trình độ vỡ lòng.

 

Tài liệu học Pháp văn, “Cours de Langue et de Civilisation Francaises”

 

Dậy chúng tôi Pháp văn là thầy Ngoạn, ông giáo gìa nhất trường và cũng khó tính nhất trong số các thầy. Tới giờ của ông cả lớp đều im phăng phắc đến độ con ruồi bay cũng nghe thấy tiếng! Ông lại còn không “kiêng nể” gì học trò, có những câu la rầy rất thậm tệ đối với cả học trò trai lẫn gái.

Có lần ông đã nói thẳng thừng với những học trò dốt mà không chịu học: “Anh [hay chị] có đi học rồi sau này cũng chỉ ra đầu chợ liếm lá chứ chẳng làm vương làm tướng gì!”. Học trò chỉ biết cúi đầu trước nhưng câu nói mỉa mai của ông giáo già chứ nào dám cãi! 

Quả thật Pháp văn là thứ ngoại ngữ khó dàn trời. Khó từ những chữ đơn giản như “le, la, les…” đến “un, une, des”. Đầu óc hãy còn tương đối “thơ dại” thế mà chúng tôi gặp một bài trong Mauger với tiêu đề “La Bourgogne où le bourgogne?” để phân biệt “rượu vang bourgogne” (viết bằng chữ b thường) với vùng đất “la Bourgogne”, viết hoa chữ B.

“La Bourgogne” là vùng có rượu vang Burgundy nổi tiếng thuộc miền đông nước Pháp nhưng để nói về loại rượu đó tiếng Tây lại viết là… “le bourgone”. Học trò chúng tôi chưa bao giờ được nhắp rượu Burgundy nhưng lại phải chú ý đến mạo từ “le” hay “la” đi phía trước danh từ! 

 

Rượu vang “bourgogne”

 

Chia động từ tiếng Pháp mới học cứ tưởng “dễ ăn” vì chỉ có hai nhóm: động từ nhóm 1, tận cùng bằng đuôi “-er” như “parler, regarder, lancer…” và nhóm 2 là những động từ kết thúc bằng “-ir” như “finir, choisir, grandir…”.

Ấy vậy mà lại còn có thêm nhóm thứ 3 thật “hắc búa”: đó là nhóm động từ bất quy tắc. Vì không theo một quy tắc nào nên học được động từ nào thì biết đến cách chia của động từ đó! Tiếng Pháp có đến 8000 động từ bất quy tắc nên phải mua thêm một quyển “8000 irregulier verbes” để tham khảo và học thêm!

Tuy nhiên, Pháp văn lại dễ hơn Anh văn trong việc phát âm, nghĩa là thấy sao đọc vậy! Chúng tôi học Anh văn sinh ngữ phụ qua quyển “L’anglais vivant” (Class de sixième -Edition bleue) do thầy Đĩnh phụ trách.

Khác với thầy Ngoạn Pháp văn, lúc nào cũng “rếch lô”, thầy Đĩnh là một ông thầy nghiêm khắc đến độ “hét ra lửa” và học trò chúng tôi lén đặt cho ông biệt danh “thầy Đĩnh Hitler”. Đã có lần ông phạt hai anh học trò quỳ trước lớp. Ông lại còn mỉa mai đặt cho họ chức “Chánh tế” và “Phó tế”!

Quyển “L’anglais vivant” do Librarie Hachette xuất bản nên hóa ra là người Pháp soạn sách dậy tiếng Anh cho nên có văn phong British English chứ không phải là American English như “English for Today” mà sau này được dùng trong nhà trường khi nguời Mỹ bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam.

“L’anglais vivant” có kèm theo bộ đĩa “33 tua” để học sinh nghe chứ hồi đó chưa có băng magné như “English for Today”. Thế là học trò cứ lập lại theo đĩa giọng British English mệt nghỉ và thầy giáo cũng đỡ vất vả!

 

Tài liệu học tiếng Anh: “L’anglais vivant” (Classe de sixème bleue)

 

Năm kế tiếp học tiếng Anh trong giờ Sinh ngữ phụ chúng tôi gặp một ông thầy Anh văn “độc đáo” mà học sinh lén đặt cho thầy cái tên “Trúc Khùng”! Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế và được bổ nhiệm về dậy tiếng Anh tại vùng “đèo heo hút gió”.

Khi dậy về pronunciation thầy Trúc chỉ cần kiểm tra từng học sinh cách phát âm chữ “question”, nếu đọc là “quét chần” thì ngồi xuống, 10 điểm... anh chị nào đọc là “quét sân” thì thầy bảo: “Ra ngoài sân mà quét!”.

Mang tiếng là sinh ngữ phụ nhưng Anh văn đã trờ thành niềm đam mê của tôi, có lẽ một phần là do học lớp của thầy Chi. Thầy hãy còn trẻ, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn rồi chọn xứ Ban Mê Thuột là nơi… “khỉ ho cò gáy” để dậy học.

Một lý do nữa là trước khi chọn nghề giáo, thầy Chi là một thành viên của IVS Team. IVS là chữ tắt của tổ chức Tổ chức Tình nguyện Quốc tế (International Volunteer Service) của Hoa Kỳ, hoạt động trong cả lãnh vực nông nghiệp lẫn giáo dục tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Tại Ban Mê cũng có các thành viên của IVS nên thầy Chi tạo một mối quan hệ rất tốt với người Mỹ và học trò chúng tôi có dịp đến nhà thầy, tiếp xúc với họ để thực tập những gì học được tại trường.

Riêng đối với thầy Chi, mối quan hệ đã khắng khít đến độ thầy lập gia đình với một thành viên IVS và đi du học Hoa Kỳ một năm trước ngày Sài Gòn sụp đổ. Lúc thầy lên đường du học, hai học trò cũ là tôi và một người bạn nữa, đứng ra “bảo lãnh” cho thầy vì chúng tôi khi đó là sĩ quan quân lực VNCH!

Hồi đó, ngoài bộ “English for Today” gồm 6 quyển còn có những sách học tiếng Anh một thời đã tung hoành trên mặt trận giáo dục như các cuốn “Life with the Taylors”, “English 900”, “Streamline English”…

 

Bộ sách “English for Today” gồm 6 quyển

 

“English 900”

 

“Streamline English”

 

Tiếng Anh đã trở thành sinh ngữ chính của tôi dù khi còn ngồi trên ghế nhà trường đó chỉ là sinh ngữ phụ. Đến khi đi lính, tôi đã đăng ký kỳ thi tuyển giáng viên của trường Sinh ngữ Quân đội.

May mắn là khóa 4/68 Thủ Đức có 6 Chuẩn úy tốt nghiệp được tuyển thẳng về trường để làm công việc đào tạo Anh văn cho các quân nhân, trước khi họ đi Hoa Kỳ học về chuyên môn. 

Ở đời quả thật có những cái oái ăm không thể ngờ được! 

*** 

--> Read more..

Popular posts