Bên cạnh “Hồi ức một đời người”, tôi thường viết
hồi ức về những giai đoạn thời gian nào đó trong cuộc đời. Chẳng hạn như “41 năm nhìn lại” sau ngày Sài Gòn thất
thủ, 30/4/2016. Đó là năm được đánh giá là “bất an” vì những hiện tượng xã hội…
(tham khảo “41 năm nhìn lại” tại https://chinhhoiuc.blogspot.com/2016/04/41-nam-nhin-lai.html.
Sang đến năm nay, 2021, quả thật là một năm nhiều biến động, không những tại Việt Nam mà cả thế giới hầu như đã bị “chấn động” vì đại dịch Covid-19 hay còn gọi là Viêm Đường Hô Hấp Cấp. Tên Virus Corona còn được gọi bằng nhiều từ ngữ khác, tùy theo mỗi quốc gia và cũng tùy theo chế độ chính trị tại đó.
Phương Tây còn gọi đó là “Virus Vũ Hán” vì họ cho rằng đại dịch bộc phát từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc. Người ta lại còn đặt giả thuyết con virus này không xuất phát từ một ngôi chợ bán dơi rồi lây sang người mà lại có xuất xứ từ phòng thí nghiệm. Dĩ nhiên Trung Quốc phủ nhận điều đó.
Dù ở bất cứ nơi nào trên thế giới, cuộc sống của con người đã bị đảo lộn vì con Virus Corana: social diatancing, lock down, cách ly… rồi lại có những cuộc “chiến tranh vaccine chủng ngừa” và chiến dịch “vaccine passport”. Chưa bao giờ người ta thấy nhân loại bị đe dọa một cách toàn diện trong suốt 2 năm gần đây!
Dù nguồn gốc xuất xứ từ đâu đi nữa thì đại dịch cho đến nay đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người kế từ tháng 12/2019. Cập nhật cho đến tháng 4/2021, trên thế giới có đến 136.733.559 người mắc phải và 2.951.401 người tử vong. Riêng tại Việt Nam, số người mắc là 2.707 người, số ca khỏi bệnh là 2.445 và số ca tử vong là 35.
Ngoài chuyện dịch bệnh, Việt Nam trong năm nay bỗng nở rộ hiện tượng tôn giáo với những ngôi chùa “hùng vĩ”, đặc biệt là ở miền Bắc. Khu Du lịch Tâm linh Chùa Tam Chúc là quần thể du lịch văn hóa tâm linh nối liền 4 tỉnh: Hà Nội – Hà Nam – Hòa Bình – Ninh Bình.
Tam Chúc được “ca tụng” là một trong những ngôi chùa lớn nhất Châu Á. Chùa gồm có hai khu lớn là khu chùa Bái Đính cổ và khu chùa Bái Đính mới, mỗi khu là một quần thể kiến trúc gồm nhiều chùa khác nhau. Nằm trong khu chùa cổ còn có các điểm di tích lịch sử như Hang Sáng, Hang Tối, đền thờ Thánh Nguyễn, đền thờ thần Cao Sơn, Giếng Ngọc.
Ngôi chùa này đã có một số kỷ lục được công nhận: Tượng Phật bằng đồng 100 tấn, dát vàng lớn nhất châu Á; Tượng Phật Di Lặc lớn nhất Đông Nam Á; Chuông đồng lớn nhất Việt Nam nặng 36 tấn; Bảo Tháp 13 tầng, cao 100m, cao nhất châu Á và Khu chùa có 100 cây bồ đề, nhiều nhất Việt Nam.
Hầu như Việt Nam có khuynh hướng chạy theo kỷ lục để quảng bá cho những điều thuộc về tôn giáo một cách khoa trương. Sau một thời gian “lạnh lùng” với tôn giáo, người ta bỗng trở thành những tín đồ quá nhiệt thành, kể cả lớp quan chức chứ không riêng gì người dân!
Chùa Ba Vàng tọa lạc
ở núi Ba Vàng, thuộc phường Quang Trung, thành phố Uông Bí tỉnh Quảng Ninh. Nằm
ở độ cao 340m, với địa thế đẹp hai bên là Thanh Long, Bạch Hổ chầu phục, phía
trước là sông, phía sau là núi hai bên là rừng thông.
Tuy nhiên, nhà chùa lại chạy theo việc “kinh doanh mê tín, kiếm tiền” bên cạnh những nhu cầu về tinh thần! Trụ trì chùa Ba Vàng đã để cho Phật tử Phạm Thị Yến, pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quán đăng đàn thuyết pháp tại chùa khiến Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu chùa Ba Vàng chấm dứt việc tổ chức lễ “thỉnh oan gia trái chủ”.
Chùa Ba Vàng đã không theo đúng với nghi lễ Phật giáo truyền thống vì trong nghi thức này có việc gọi vong, nhập hồn, phán số kiếp, quy định việc người đăng ký pháp thỉnh oan gia trái chủ buộc phải trả nợ cho vong bằng tiền do vong yêu cầu thông qua hình thức công đức vào chùa hoặc làm công quả lao động tại chùa.
Nhà chức trách đã
phạt bà Yến một khoản tiền 5 triệu VND, các báo Việt Nam cũng đưa tin bà Phạm
Thị Yến bị công an Uông Bí không cho tạm trú nữa. Bà đã về nơi trú quán gốc là
Hạ Long. Nhà báo, Facebooker Nguyễn Đức bình luận trang cá nhân:
"Ma tăng Chùa Ba Vàng đủ yếu tố cấu thành tội lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cúng một lễ oan gia mà bắt người dân nộp 950 triệu. Thật là cưỡng đoạt bá tánh vốn mê lầm tin lời ma sư. Đây là đường dây lừa đảo trùm sò nhất bị lộ."
Gần đây cũng đã xảy
ra nhiều vụ “lùm xùm” xoay quanh các hoạt động từ thiện của đủ mọi giới trong
xã hội, từ viên chức nhà nước xin nghỉ hưu “non” về làm từ thiện bằng cách lái
xe cứu thương chở bệnh nhân về nhà, dĩ nhiên là miễn phí.
Có cô ca sĩ với anh chồng đá bóng đã kêu gọi mọi người đóng góp, kết quả là tiền của bá tánh ủng hộ lên đến vài trăm tỷ đồng. Cô đã ra tận miền Trung để tận tay cứu trợ đồng bào bị lũ lụt!
Trên nguyên tắc, những hoạt động từ thiện được mọi người hưởng ứng trong hoàn cảnh “lá lành đùm lá rách”. Nhưng người ta tự hỏi, từ thiện theo cách đó có hay không tính cách “đánh bóng”?
Người ta thường nói, làm từ thiện mà muốn được tuyên dương sẽ không còn là từ thiện nữa! Hay nói một cách khác, cách tốt nhất là “tay phải cho đi nhưng tay trái hoàn toàn không biết”…Đó là cái tâm của người hoạt động từ thiện, làm mà không cần ai biết đến để ca tụng.
Mấy tháng gần đây mạng
xã hội đã “dậy sóng” vì việc làm từ thiện của một cặp vợ chồng doanh nhân ở
Bình Dương. Theo tiết lộ của họ, cách đây khoảng 10 năm họ đã bỏ ra vài trăm tỷ
để ủng hộ công việc “cứu nhân độ thế”
của một người được coi là “thần y”.
Rốt cuộc đó chỉ là một màn lừa đảo “xuyên thế kỷ” vì cách chữ bệnh này hoàn toàn “phản khoa học”. Chẳng hạn như “thần y” lấy tay vỗ vào hai bên tai, dùng tay kéo lưỡi bệnh nhân… để trị chứng câm, điếc bẩm sinh. Cặp doanh nhân cũng là một nạn nhân của nhũng vụ lừa đảo!
Hai vợ chồng doanh nhân tung ra một chiến lược “phanh phui và tố cáo thần y” để giúp cộng đồng khỏi bị lừa đảo bằng những video clips được dồn dập tung lên mạng theo kiểu họp báo live stream kéo dài nhiều giờ và nhiều buổi.
Để thực hiện được điều này, họ cần sự hậu thuẫn của mọi người, kể cả việc dùng tiền bạc để mua chuộc các Youtubers làm những clips ủng hộ. Phe của “thần y” cũng rất đông đảo, có cả những người ở nước ngoài cũng lên tiếng bênh vực và phanh phui nhiều chuyện “thâm cung bí sử” của cặp doanh nhân này.
Nổi bật nhất là một băng ghi âm lại những lời than thở, được coi là của nữ doanh nhân, trách “thần y” đã làm rung động trái tim mình đến độ “cuồn cuộn, cuồn cuộn như là ai xúi dục em… anh làm nát trái tim em… đụng vào những con người như anh thì chỉ có chết…”. Nữ doanh nhân khẳng định, băng ghi âm đó đã bị cắt ghép.
Người nữ doanh nhân này từng là Việt kiều Canada từ năm 16 tuổi và kết hôn cùng người chồng Trung Quốc đã có con trai. Người chồng này sau đó mất và để lại tài sản trị giá 18 triệu đôla Mỹ. Sau đó, bà thanh lý hết tài sản, gom tiền đưa con về Việt Nam thành lập công ty, kinh doanh bất động sản, trồng cao su, và mở siêu thị thời trang.
Theo các phương tiện truyền thông, năm 2006, bà kết hôn với người chồng thứ hai, họ có một con gái chung, hai người lại ly hôn năm 2008. Bà lại tiếp tục lập gia đình với một doanh nhân năm 2010 qua một lễ cưới “hoành tráng” với 4.000 khách mời và khoảng 2.000 nhân viên đón khách. Nữ doanh nhân giải bày:
“Ai cũng nghĩ lấy người chồng nổi tiếng, giàu có thì được hạnh phúc, an nhàn. Nhưng thực tế đối với tôi lại là những thị phi, điều tiếng. Có những tai họa khôn lường dồn tôi vào bước đường cùng. Thậm chí có những lúc đối diện với những tình huống sinh tử do có người sắp đặt hãm hại tôi. Tôi phải nhận những “quả đắng” từ lòng ghen ghét, đố kỵ lẫn những tranh giành phù phiếm ở đời”.
Chúng tôi không đi sâu vào chuyện tình cảm của bà nhưng cũng phải nói rằng cuộc chiến giữa “thần y” và “người đẹp” đã khiến cộng đồng mạng tốn nhiều thì giờ binh luận. Thế là xã hội bỗng chia thành 2 phe gay gắt với nhau chỉ vì ủng hộ hoặc chống đối!
Người chồng doanh nhân, được coi là “tu tại gia”, cuối cùng cũng phải “tham chiến”, và dĩ nhiên ủng hộ vợ. Ông có biệt danh "lò vôi" vì trước đây do cuộc sống quá nghèo khó đã phát triển ý tưởng làm lò vôi, sản xuất các loại vôi quét tường, vôi bột công nghiệp… Sau đó, ông bán lò vôi để làm Giám đốc Công ty Thanh Lễ.
Được biết, cặp doanh nhân này còn dành thời gian để tham gia các chương trình từ thiện. Họ đã trao tặng 100% lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh từ năm 2014 đến 2030 dành cho hoạt động mổ tim cho trẻ em nghèo trên khắp cả nước. Chương trình Hằng Hữu này mỗi năm cứu sống hơn 500 người.
Đó là một “vết son” trong cuộc đời họ nhưng cũng là một “vết nhơ” khi người nữ doanh nhân, vì quá nhiệt tình trong chiến dịch chống lại “thần y”, nên đã có nhiều lời chê trách đến cả “đám nghệ sĩ” không lên tiếng ủng hộ bà hay chính quyền địa phương đã “bao che” cho hoạt động của “thần y”.
Trong một live stream, “đám nghệ sĩ” bị coi là “vô cảm, vô can…” . Riêng về việc kết tội “bao che” của chính quyền, nữ doanh nhân đã nộp phạt 7,5 triệu đồng theo quyết định xử phạt hành chính. Tuy nhiên, cặp doanh nhân cho biết sẽ gửi trả lại bằng khen về địa phương, chỉ giữ lại quyết định xử phạt để… “làm kỷ niệm”!
Đoạn kết của cuộc chiến cho đến nay vẫn còn bỏ ngỏ. Vấn đề “ai thắng ai” chưa được giải quyết rốt ráo. Có điều người ta lại phải đặt vấn đề “làm từ thiện” như thế nào vì người ta thường nói “của cho không bằng cách cho”.
Và, theo tôi, đó
cũng là một trong những yếu tố xác định những sự kiện đáng nhớ trong khoảng thời
gian nhân kỷ niệm 46 năm, kể từ ngày 30/4/1975.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét