Thứ Sáu, 7 tháng 5, 2021

Sài Gòn 46

Tôi chào đời năm bốn sáu

Sài Gòn mất tên cách đây cũng 46 năm!

Điều gì đó… hãy gọi là… trùng hợp

Cuộc đời lập lại với con số thật tròn!

 

Nguyên Sa đã từng ca tụng

Sài Gòn phóng Solex qua từng con phố

Giờ thì chiếc xe cổ thay bằng tay ga

Thế mới biết rõ là mình… đã già!

 

“Mùa xuân buồn lắm em ơi

Anh vẫn đạp xe từ Saigon lên trường đua Phú Thọ

Đạp xe qua nhà em

Nhìn vào ngưỡng cửa

Nhà số 20

Anh nhớ má em hồng…” (1)

 

Còn đâu những ngày thơ mộng cũ

Đổi lại bây giờ năm tháng phôi pha

Những hò hẹn ngày xưa... nay chỉ là kỷ niệm

Giờ chỉ còn tem phiếu với lo toan!

 

“Hôm nay Nga buồn như con chó ốm

Như con mèo ngái ngủ trên tay anh

Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình

Để anh giận sao anh chả là nước biển…” (2)

 

Xin trả lời, không buồn như chó ốm

Mà chỉ vì chó chẳng có gì ăn

Nga của anh bụng đói nên buồn

Ra chợ trời kiếm ăn từng bữa!

 

“Chợ bầy những đoạ cùng đầy,

Vàng phơi nắng quái, ngọc vầy mưa sa.

Bán đồ toàn những người ta.

Mua đồ thì rặt những ma cùng mường

Chợ Trời hay Chợ Đoạn Trường?

Đầu Âm Phủ, cuối Thiên Đường là đây” (3)

 

Trải qua một cuộc đọa đầy

“Ma” thì hạnh phúc, “Mường” thì ngồi mua

Kẻ thì cam phận đổi đời

Nhìn hàng mua sạch… về nhà tay không!

“Đổi đời” hai chữ trớ trêu

Nay ngồi thấm thía một thời… điêu linh!  

 

***

Chú thích:

(1) Thơ Nguyên Sa – “Mùa xuân buồn lắm em ơi”

 

Nhà thơ Nguyên Sa (1932-1998)

 

(2) Thơ Nguyên Sa – “Nga”

Chuyện tình của thi sĩ Nguyên Sa và bà Trịnh Thúy Nga: 

“Năm 1952, sau khi hồi cư về Hà Nội, tôi được gia đình cho sang Pháp du học cùng với người anh họ. Ông Lan (tên nhà thơ Nguyên Sa: Trần Bích Lan) qua trước hai năm. Ông thân sinh của ông ấy  buôn bán lớn, sợ Việt Cộng làm phiền nên cho ba người con lớn sang Pháp du học. Tôi quen em gái ông ấy ở Paris, tình cờ đến nhà chơi nên quen ông.”

Quen nhau Tháng Mười Hai năm 1952, đến mùa Hè năm 1953, ông làm bài thơ tỏ tình tặng bà. Cho đến giờ, chưa ai biết nội dung bài thơ đó như thế nào, vì bà muốn giữ kín, cho riêng bà. Chỉ biết rằng, trái tim của cô nữ sinh tên Nga từ đó có một hình bóng, mà cô luôn trân trọng nhớ về, từ mùa Hè năm đó. Bà hồi tưởng lại:

“Hồi đó tôi còn trẻ, cũng chẳng suy nghĩ gì cả, chỉ lo học thi đậu xong rồi về. Phải lo học xong cho sớm chứ đời sống bên Pháp đắt đỏ lắm. Cũng trong năm 1953, cụ thân sinh ông Lan mất ở Hà Nội, ông ấy phải ngưng học, về nước để giúp đỡ gia đình. Lúc đó chúng tôi yêu nhau rồi, ông ấy cũng muốn dỗ dành tôi về Việt Nam chung, nhưng tôi còn ham học cao lên. Tuổi trẻ mà, ai cũng có giấc mơ lớn, và tôi cũng muốn thực hiện ước mơ của mình.”

Cuộc chia tay này là nguyên nhân bài thơ “Paris có gì lạ không em?” ra đời trong nỗi nhớ khắc khoải của ông.

 

“Paris có gì lạ không em?

Mai anh về em có còn ngoan

Mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ

Em có tìm anh trong cánh chim

Paris có gì lạ không em?

Mai anh về mắt vẫn lánh đen

Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm

Chả biết tay ai làm lá sen?…”

 

Bà Nguyên Sa, Trịnh Thúy Nga, bên mộ chồng. Ông mất ngày 18 Tháng Tư 1998

 

(3) Thơ Hoàng Hải Thủy – “Chợ Trời 1976”

 

Nhà thơ & Nhà văn Hoàng Hải Thủy

 ***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts