Chủ Nhật, 16 tháng 5, 2021

Tôi học ngoại ngữ

Thực tế cho thấy, những người giỏi ngoại ngữ ngoài khả năng thiên phú, trời cho còn cần điều mà người ta thường gọi một cách nôm na là “bạo mồm, bạo miệng”. Kẻ được coi là “liều lĩnh” thường sử dụng ngoại ngữ một cách tự tin, dù thực tế trình độ của họ cũng chỉ ngang bằng những người vốn tính nhút nhát, sợ mình nói sai!

Riêng về sự trôi chảy trong việc dùng ngoại ngữ, rất ít người nhận thấy mình thường nghĩ trong đầu bằng tiếng Việt, sau đó tự dịch sang ngoại ngữ rồi mới nói ra. Đó là 3 bước lám chậm sự lưu loát, trong khi người bản xứ nghĩ bằng ngôn ngữ của mình và cứ thế họ nghĩ và nói rất nhanh.

Như vậy, để có sự trôi chảy khi nói một ngoại ngữ, người ta cần bỏ qua hoặc rút ngắn giai đoạn dịch trong đầu để cuộc đàm thoại được diễn ra một cách tự nhiên, liên tục. Kỹ năng đó sẽ đòi hỏi một quá trình tập luyện và sau một thời gian, bạn sẽ thấy trong giao tiếp với người nước ngoài sẽ dễ dàng hơn.

Thời tôi, thập niên 60s, học sinh lên Trung học Đệ nhất cấp (lớp Đệ Thất, ngày nay là lớp 6) bắt đầu học ngoại ngữ. Có hai ngôn ngữ là Anh văn và Pháp văn để học sinh chọn làm Sinh ngữ Chính và Sinh ngữ Phụ.

Đa số đều chọn Anh văn làm sinh ngữ chính còn số chọn Pháp văn tương đối ít vì một lẽ dễ hiểu là tiếng Anh bắt đầu trở thành một ngoại ngữ của cả thế giới. Duy chỉ có một số ít những học sinh chuyển từ các trường Tây sang trường Việt chọn Pháp văn.

Tôi chọn Pháp văn vì một lẽ ông cụ thân sinh ra tôi khá rành tiếng Pháp nên hy vọng sẽ được học hỏi từ ông. Tuy nhiên, trong suốt thời gian ở cả Đệ nhất và Đệ nhị cấp tôi đã phải chật vật với ngôn ngữ của dân Gaulois.

Sách học Pháp văn thời đó là cuốn sách mà bọn học sinh chúng tôi gọi là “Cua Đờ Lăng” hay “Mô Dzê”, tên chính thức là bộ sách “Cours de Langue et de Civilisation Francaises” của Gaston Maugers được xuất bản lần đầu tiên năm 1963. Bộ sách gồm 4 cuốn nhưng chúng tôi chỉ học Cuốn 1 và 2 dành cho trình độ vỡ lòng.

 

Tài liệu học Pháp văn, “Cours de Langue et de Civilisation Francaises”

 

Dậy chúng tôi Pháp văn là thầy Ngoạn, ông giáo gìa nhất trường và cũng khó tính nhất trong số các thầy. Tới giờ của ông cả lớp đều im phăng phắc đến độ con ruồi bay cũng nghe thấy tiếng! Ông lại còn không “kiêng nể” gì học trò, có những câu la rầy rất thậm tệ đối với cả học trò trai lẫn gái.

Có lần ông đã nói thẳng thừng với những học trò dốt mà không chịu học: “Anh [hay chị] có đi học rồi sau này cũng chỉ ra đầu chợ liếm lá chứ chẳng làm vương làm tướng gì!”. Học trò chỉ biết cúi đầu trước nhưng câu nói mỉa mai của ông giáo già chứ nào dám cãi! 

Quả thật Pháp văn là thứ ngoại ngữ khó dàn trời. Khó từ những chữ đơn giản như “le, la, les…” đến “un, une, des”. Đầu óc hãy còn tương đối “thơ dại” thế mà chúng tôi gặp một bài trong Mauger với tiêu đề “La Bourgogne où le bourgogne?” để phân biệt “rượu vang bourgogne” (viết bằng chữ b thường) với vùng đất “la Bourgogne”, viết hoa chữ B.

“La Bourgogne” là vùng có rượu vang Burgundy nổi tiếng thuộc miền đông nước Pháp nhưng để nói về loại rượu đó tiếng Tây lại viết là… “le bourgone”. Học trò chúng tôi chưa bao giờ được nhắp rượu Burgundy nhưng lại phải chú ý đến mạo từ “le” hay “la” đi phía trước danh từ! 

 

Rượu vang “bourgogne”

 

Chia động từ tiếng Pháp mới học cứ tưởng “dễ ăn” vì chỉ có hai nhóm: động từ nhóm 1, tận cùng bằng đuôi “-er” như “parler, regarder, lancer…” và nhóm 2 là những động từ kết thúc bằng “-ir” như “finir, choisir, grandir…”.

Ấy vậy mà lại còn có thêm nhóm thứ 3 thật “hắc búa”: đó là nhóm động từ bất quy tắc. Vì không theo một quy tắc nào nên học được động từ nào thì biết đến cách chia của động từ đó! Tiếng Pháp có đến 8000 động từ bất quy tắc nên phải mua thêm một quyển “8000 irregulier verbes” để tham khảo và học thêm!

Tuy nhiên, Pháp văn lại dễ hơn Anh văn trong việc phát âm, nghĩa là thấy sao đọc vậy! Chúng tôi học Anh văn sinh ngữ phụ qua quyển “L’anglais vivant” (Class de sixième -Edition bleue) do thầy Đĩnh phụ trách.

Khác với thầy Ngoạn Pháp văn, lúc nào cũng “rếch lô”, thầy Đĩnh là một ông thầy nghiêm khắc đến độ “hét ra lửa” và học trò chúng tôi lén đặt cho ông biệt danh “thầy Đĩnh Hitler”. Đã có lần ông phạt hai anh học trò quỳ trước lớp. Ông lại còn mỉa mai đặt cho họ chức “Chánh tế” và “Phó tế”!

Quyển “L’anglais vivant” do Librarie Hachette xuất bản nên hóa ra là người Pháp soạn sách dậy tiếng Anh cho nên có văn phong British English chứ không phải là American English như “English for Today” mà sau này được dùng trong nhà trường khi nguời Mỹ bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam.

“L’anglais vivant” có kèm theo bộ đĩa “33 tua” để học sinh nghe chứ hồi đó chưa có băng magné như “English for Today”. Thế là học trò cứ lập lại theo đĩa giọng British English mệt nghỉ và thầy giáo cũng đỡ vất vả!

 

Tài liệu học tiếng Anh: “L’anglais vivant” (Classe de sixème bleue)

 

Năm kế tiếp học tiếng Anh trong giờ Sinh ngữ phụ chúng tôi gặp một ông thầy Anh văn “độc đáo” mà học sinh lén đặt cho thầy cái tên “Trúc Khùng”! Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế và được bổ nhiệm về dậy tiếng Anh tại vùng “đèo heo hút gió”.

Khi dậy về pronunciation thầy Trúc chỉ cần kiểm tra từng học sinh cách phát âm chữ “question”, nếu đọc là “quét chần” thì ngồi xuống, 10 điểm... anh chị nào đọc là “quét sân” thì thầy bảo: “Ra ngoài sân mà quét!”.

Mang tiếng là sinh ngữ phụ nhưng Anh văn đã trờ thành niềm đam mê của tôi, có lẽ một phần là do học lớp của thầy Chi. Thầy hãy còn trẻ, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn rồi chọn xứ Ban Mê Thuột là nơi… “khỉ ho cò gáy” để dậy học.

Một lý do nữa là trước khi chọn nghề giáo, thầy Chi là một thành viên của IVS Team. IVS là chữ tắt của tổ chức Tổ chức Tình nguyện Quốc tế (International Volunteer Service) của Hoa Kỳ, hoạt động trong cả lãnh vực nông nghiệp lẫn giáo dục tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Tại Ban Mê cũng có các thành viên của IVS nên thầy Chi tạo một mối quan hệ rất tốt với người Mỹ và học trò chúng tôi có dịp đến nhà thầy, tiếp xúc với họ để thực tập những gì học được tại trường.

Riêng đối với thầy Chi, mối quan hệ đã khắng khít đến độ thầy lập gia đình với một thành viên IVS và đi du học Hoa Kỳ một năm trước ngày Sài Gòn sụp đổ. Lúc thầy lên đường du học, hai học trò cũ là tôi và một người bạn nữa, đứng ra “bảo lãnh” cho thầy vì chúng tôi khi đó là sĩ quan quân lực VNCH!

Hồi đó, ngoài bộ “English for Today” gồm 6 quyển còn có những sách học tiếng Anh một thời đã tung hoành trên mặt trận giáo dục như các cuốn “Life with the Taylors”, “English 900”, “Streamline English”…

 

Bộ sách “English for Today” gồm 6 quyển

 

“English 900”

 

“Streamline English”

 

Tiếng Anh đã trở thành sinh ngữ chính của tôi dù khi còn ngồi trên ghế nhà trường đó chỉ là sinh ngữ phụ. Đến khi đi lính, tôi đã đăng ký kỳ thi tuyển giáng viên của trường Sinh ngữ Quân đội.

May mắn là khóa 4/68 Thủ Đức có 6 Chuẩn úy tốt nghiệp được tuyển thẳng về trường để làm công việc đào tạo Anh văn cho các quân nhân, trước khi họ đi Hoa Kỳ học về chuyên môn. 

Ở đời quả thật có những cái oái ăm không thể ngờ được! 

*** 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts