Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2020

Từ Ngăn cách, Chia cắt đến Cách ly


Ngày xưa, khi còn là một thanh niên tràn trề nhựa sống, tôi đã nhiều lần nghêu ngao câu hát của Y Vân qua bài “Ngăn cách”:

“Không! Trăm không ngàn lần, không ai giận hờn nếu đã hay rằng:
Lòng người như chiếc lá, nằm trong cơn gió vô tình"

Thật tình, chưa bao giờ phải sống trong tâm trạng của một kẻ thất tình nhìn người yêu lên xe hoa nhưng tôi vẫn thích những lời buồn của người khác:  

“Từ ngày mai ngăn cách, hết rồi là khi đưa đón
Có mấy ai không buồn lúc duyên chưa tròn thương mến
Em lên xe hoa rồi! Biết rằng sầu để một người
Rượu hồng chẳng được say mà đành lòng nếm chua cay!”

“Ngăn cách” – Nhạc Y Vân

Bên Tàu có nàng Ý Nương và chàng Lý Sinh là họ hàng con cô con cậu nên bị cha mẹ ngăn cấm yêu nhau. Thế cho nên họ mới “tương tư” đến nỗi nàng phải làm bài thơ “Trường Tương Tư” để bày tỏ nỗi niềm bị ngăn cách:

“Ngã tại Tương giang đầu,
Quân tại Tương giang vĩ.
Tương tư bất tương kiến,
Đồng ẩm Tương giang thủy”

Ai đó đã dịch nôm là:

“Chàng ở đầu sông Tương
Thiếp ở cuối sông Tương
Nhớ nhau mà không gặp
Cùng uống nước sông Tương”

Nàng Ý Nương với “Trường Tương Tư”

Sông Tương ở tận bên Tàu nhưng tại Việt Nam, năm 1949, nhạc tiền chiến cũng có bài “Ai về sông Tương” của Thông Đạt, một bút danh khác của nhạc sĩ Văn Giảng. Hóa ra sông Tương được nhạc sĩ đưa vào âm nhạc để giãi bày mối tương tư của hai người trẻ yêu nhau trong bối cảnh là dòng sông Hương (chứ không phải sông Tương bên Tàu)!

“Thu nay về vương áng thê lương
Vắng người duyên dáng tôi thương
Mối tình tôi vẫn cô đơn

“Xa muôn trùng lưu luyến nhớ em
Mơ hoài hình bóng không quên
Hương tình mộng say dịu êm…”

“Ai về sông Tương” – Thông Đạt và vợ

Nước Việt phải chịu một thời gian dài “chia cắt” từ năm 1954 cho đến 1975. Hiện tượng chia cắt đất nước là một biến cố xã hội – chính trị sâu đậm nhất trong lòng người Việt. Hiệp định Geneve năm 1954 hình thành 2 miền Nam – Bắc với hai thể chế chính trị khác biệt.

Giới tuyến chia cắt là dòng sông Bến Hải và chiếc cầu Hiền Lương ở vĩ tuyến thứ 17. Năm 1954 cũng đánh dấu cuộc di cư lịch sử của một triệu đồng bào miền Bắc vào Nam. Ở chiều ngược lại, cũng có các đợt “tập kết” của người miền Nam ra Bắc. Lòng người nói chung là ly tán và cuộc chiến tranh giữa 2 miền xảy ra từ đó.

Toàn cảnh cầu Hiền Lương & sông Bến Hải (1959)

Ngày xưa miền Nam chưa có từ ngữ “cách ly” để diễn tả tâm trạng bị ngăn cách, không thể gặp nhau trong thời đại dịch. Ở Phương Tây, người ta gọi là “social distancing”, vì COVID-19 là một bệnh lây nhiễm qua tiếp xúc nên phải giữ khoảng cách với xã hội.

Như thế có nghĩa là tự mình cô lập với bên ngoài, dù bản thân mình có nhiễm bệnh hay không. Thế là có hiện tượng làm việc tại nhà “On-Line” với sự trợ giúp của công nghệ thông tin. Nói thì đơn giản nhưng chuyện sống tách biệt với thế giới bên ngoài cũng lắm nhiêu khê.

Social balancing

Ngoài những tác động về tinh thần, cách ly với xã hội còn những hệ quả liên quan đến đời sống vật chất. Ăn uống thất thường là một thử thách sự kiên trì của người cách ly nhưng có lẽ chuyện ngủ nghê cũng phức tạp không kém. Cứ tưởng tượng hai vợ chồng cùng tự cách ly với bên ngoài thì cuộc sống sẽ như thế nào?

Những năm sau thế chiến thứ 2, những người lính từ các chiến trường trở về nhà và họ đã sinh ra một thế hệ mà người ta gọi là “baby boomer”. Đó là sự “bùng nổ” với hàng loạt những đứa trẻ ra đời trong thời gian ông bố “giã từ vũ khí” để về nhà.

Thế cho nên, đã có những chuyên gia về tâm lý đề ra công thức: “Social distancing = Baby boomer” để nói lên hậu quả của việc vợ chồng cách ly chung. Ông bà ta thường nói “Rảnh rỗi sinh nông nỗi” là vậy.

Xưa: cha ông giải cứu thế giới – Nay: Tôi giải cứu thế giới

trường hợp thứ hai, khi người chồng hoặc vợ phải tự cách ly riêng một mình. Xa mặt thì cách lòng, rất đễ đi đến ly dị! Khi đó, công thức 1 sẽ thay đổi bằng công thức 2 thật bi thảm: “Social balancing = Divorcing boomer”.

Trường hợp thứ 3, chắc là khá phổ biến: cứ hết ăn rồi nằm, ít vận động cơ thể, nên thế nào bụng cũng… “phát tướng” như Ông Địa. Vòng bụng tăng theo tỷ lệ thuận với thời gian bệnh dịch kéo dài. Nhưng bù lại là không phải chui vào “cái giường” có 6 tấm mà ai cũng sợ!

Một cái chết không ai muốn

Có một tấm hình rất đầy đủ ý nghĩa chụp một cặp thanh niên mà tôi thấy được trên trang mạng xã hội. Hình đám cưới trong mùa dịch, chụp trước Tòa Đô Chính ở Sài Gòn: đường xá vắng tanh và đáng chú ý là cô dâu mặc váy đen tung tăng bên chú rể, bất chấp Corona!

Tội nghiệp cho đôi trẻ. Vì yêu nhau nên bất chấp mùa dịch và cô dâu đã chọn áo cưới có “màu áo đen tang tóc” thay vì chiếc soireé trắng tinh hay mầu hồng lãng mạn! 
  

Đám cưới mùa dịch… cô dâu mặc váy đen

Nếu không đủ can đảm để vượt qua những khó khăn trong mùa dịch như cặp tình nhân đã nói ở trên, đây là lời cuối dành cho các bạn trẻ:

“Nếu yêu nhau hãy tạm xa nhau”.

Đó là lời được cho là của Virus Corona. 

***

* Video “Ngăn cách” – Nhạc Y Vân, giọng ca Ngọc Lan: https://www.youtube.com/watch?v=r_0JANVRWv0

* Video “Ai về sông Tương” – Nhạc Thông Đạt, giọng ca Hà Thanh: https://www.youtube.com/watch?v=3r1EYOFJwdQ

***

--> Read more..

Thứ Năm, 26 tháng 3, 2020

Một ngày không thể quên

Truyện của Phương Lan

Lời giới thiệu: Có một thực tế rất phũ phàng: khi tuổi tác đã cao, người ta thường bị lú lẫn. Y học gọi đó là “bệnh sa sút trí tuệ” (dementia), ở mức độ cao hơn sẽ trở thành “bệnh mất trí nhớ” (alzheimer). Dấu hiệu chính là việc mất khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày như là hậu quả của tình trạng suy giảm khả năng nhận thức.

“Một ngày không thể quên” là câu chuyện của người con trước tình trạng sa sút trí tuệ của mẹ khi phải quyết định gửi bà vào Viện dưỡng lão trong bối cảnh xã hội Phương Tây. Người đọc không thể nào trách cô con gái phải đi đến quyết định đau lòng đó vì không còn một giải pháp nào được gọi là “hợp lý” hơn. 

Người viết truyện là Phương Lan, một nhà văn nữ mà chúng tôi đã có vài lần giới thiệu các tác phẩm của chị. Truyện được trích từ tác phẩm “Lấy chồng xa” do Tự Lực phát hành tại Hoa Kỳ. Mời các bạn cùng xem.


Hôm nay là ngày quyết định sẽ đưa mẹ vào Viện dưỡng lão. Cả đêm qua thao thức không ngủ được, Phượng trằn trọc suốt đêm, nghĩ ngợi lan man hết chuyện này sang chuyện khác, lòng rối như tơ vò. Gần sáng nàng mới mệt mỏi thiếp đi, nhưng vừa chợp mắt được một lát, Phượng bỗng choàng tỉnh dậy vì một mùi khét từ nhà bếp xông lên làm nàng tỉnh hẳn ngủ.

“Thôi chết rồi, mẹ lại quên tắt bếp”

Phượng nói thầm như vậy, rồi không kịp xỏ dép, nàng hốt hoảng chạy thật nhanh xuống nhà dưới. Căn bếp mù những khói, hơi khét từ cái nồi đang nấu trên bếp bay tỏa khắp căn phòng, lửa xanh vẫn liếm quanh đáy nồi. Phượng vội vàng tắt bếp gas, bê cái nồi đặt qua một bên, rồi mở tất cả các cửa cho khói bay ra, may quá, nàng xuống kịp, nếu không cả nhà lại bị một phen hoảng vía.  

Từ khi mẹ bị bệnh lú lẫn, Phượng phải khoá ống gas mỗi khi đi làm, nhưng hôm nay nàng ở nhà nên không khóa, vì có dè đâu bà cụ lò mò xuống bếp sớm thế. Phượng đứng im, định thần một lúc cho tim bớt đập, rồi mới chậm rãi bước ra cửa sau. Nàng gặp mẹ từ ngoài vườn đi vào, tay cầm một nắm lá gì dài dài, xanh xanh. Thấy con gái, bà Trình mỉm cười vui vẻ:

- Sáng bảnh mắt rồi, giờ này mới ngủ dậy à? May cho cô, tôi là má ruột, nếu là má chồng, thể nào cô cũng bị rầy.

Phượng nhìn lên bầu trời trắng đục, vừng đông chưa ló dạng, bóng đêm còn lảng vảng, cô khoan khoái hít một hơi thật sâu làn không khí mát mẻ của buổi ban mai, rồi quay sang mẹ, hỏi:

- Má ra vườn chi sớm thế?

- Má ra hái ít hành ngò để bỏ vô nồi cháo…

Vừa nói bà vừa đưa nắm lá lên khoe, Phượng suýt bật cười, nhận ra đó chỉ là một nhúm cỏ, nàng thở ra một hơi dài:

- Má lại quên tắt bếp, mà má định nấu món gì vậy?

- Má nấu cháo gà. Lâu lâu cũng nên đổi món, sáng nào cũng ăn bánh mì hoài, khô khan quá.

Phượng nhìn vô trong nồi, chỉ thấy lổn nhổn một ít gạo sống, và hai con gà bằng nhựa, đồ chơi của mấy đứa nhỏ, mẹ nàng đã bỏ tất cả vô một cái nồi với một chút nước, và bật bếp… Bây giờ tất cả đều cháy thành than, nhưng còn nhận diện ra được, Phượng nhăn mặt:

- Sao má để lửa lớn thế?

- Má muốn nấu cho lẹ để ba ăn xong còn kịp đi làm. Thôi, con lên lầu đánh thức ổng đi, má ở dưới đây pha cho ba ly cà phê.

Thấy Phượng vẫn đứng im, bà dục:

- Sao không đi đi, còn đứng đó? Trễ giờ rồi.

Phượng đau xót nhìn mẹ:

- Má, nhớ lại đi! Ba đi xa rồi mà, ba đâu có nhà?

- Thiệt à? Ba đi xa thiệt à? 

Bà mẹ lập lại một cách ngớ ngẩn, nét mặt chùng xuống, rất buồn. Một cơn gió lạnh lọt qua song cửa, làm lay nhẹ mấy tấm rèm, bà rùng mình, ngẩng nhìn ra bên ngoài, hàng cây maple bên kia đường đã rụng hết lá, vậy là mùa đông sắp tới rồi.

Tim bà se lại, ông ra đi vào một ngày chớm đông, ông đi không bao giờ về nữa… Từ đó, bà sợ mùa đông, tuyết rơi chỉ gợi đến sự chia ly, màu tuyết trắng quá, trắng lạnh như màu áo tang, tuyết rơi phủ ngập khắp nơi, giá băng cũng phủ ngập đời bà. 

Xa nhau đã mấy đông rồi, bà chẳng còn nhớ, nhưng bà vẫn đợi, những đêm không ngủ, nằm nghe tiếng gió gọi, bà tưởng như tiếng thì thầm của người xưa. Ông đang ở đâu? Đêm dài lạnh lẽo, ông có thấy cô đơn không ông? Ở nơi xa xăm nào đó, chắc ông cũng đang nhớ đến tôi, sao ông không về? Ông ơi… 

Bà cố nhớ lại, trong ký ức đã phai mờ của bà, những hình ảnh cũ vẫn hiện ra, nhưng lộn xộn, không theo một thứ tự nào hết. Bà nhớ hôm đó không biết là ngày gì mà nhà bà đông người lắm, khách khứa ra vô tấp nập, đủ mặt bà con họ hàng và cả những người bạn bè.

Gia đình hai đứa con trai lớn của bà từ hai tiểu bang khác cũng về họp mặt đông đủ. Lũ cháu nội, con của Sơn, Hải hiệp cùng hai đứa cháu ngoại con của vợ chồng Phượng thành một đám giặc, rượt đuổi nhau lung tung khắp nhà, làm bà chóng cả mặt.  

Nhưng bố mẹ chúng trái lại, rất khẽ khàng, họ chỉ thì thầm bàn tán, người nào cũng có vẻ mặt quan trọng, người nào cũng mặc quần áo trắng lùng thùng, trông chẳng ra làm sao. 

Phượng cũng đưa cho bà một bộ quần áo trắng bằng vải sô, và biểu bà mặc vô. Bà hỏi chi vậy? Nó nói mặc áo vô để đi tiễn ba. A! bà hiểu rồi, đây là lúc tiễn ông lên đường, vì ông sắp phải đi xa…  

Bà nhớ mấy hôm trước, bệnh ông có mòi thuyên giảm, không thấy ông rên rỉ, những cơn đau hình như cũng rút lui, không còn hành hạ ông như mọi ngày. Bà ngồi bên giường, canh cho ông ngủ. Ông nằm im lìm, mắt nhắm nghiền, một cái mền mỏng đắp lên tới ngực, che thân hình ốm nhom chỉ còn da bọc xương thấy tội quá, căn bệnh ung thư quái ác đã lấy đi của ông hết da thịt. Ông ngủ không yên, lúc tỉnh, lúc mơ, thỉnh thoảng lại ú ớ… Nhưng đến trưa, thì ông hoàn toàn tỉnh táo, ông cầm tay bà dặn dò: 

- Tôi sắp phải đi xa, bà đừng khóc nhé? Hãy can đảm lên…

 Ông còn nói nhiều nữa, nhưng bà nghe tiếng được, tiếng mất, vì ông nói  không rõ, ông chỉ thều thào… Bà tưởng ông nói sảng, chứ đang đau mà đi đâu? Vợ chồng chưa bao giờ xa nhau, lần nào đi xa, ông cũng cùng đi với bà, chẳng lẽ cuộc hành trình lần này, ông lại đơn độc một mình?

Bà khuyên ông nằm nghỉ, không nên nói nhiều, ông nhìn bà lờ đờ, rồi ông thở ra một hơi dài, nhắm mắt lại. Sau bà, đến lượt các con xúm quanh giường nghe ông dặn dò, đứa nào mắt cũng đỏ hoe. 

Rồi ông thôi không nói nữa, ông nằm im, từ từ chìm sâu vào giấc ngủ, giấc ngủ cuối cùng của đời người, mắt ông khép kín, nét mặt thanh thản không chút ưu phiền.

Các con lặng lẽ rút lui, để mẹ riêng tư với cha. Bà nghĩ chắc ông mệt nên ngủ say lắm, không thấy ông trở mình. Bà sờ thử, thấy tay chân ông lạnh ngắt, bà vội vàng lấy thêm mền đắp cho ông, trời mùa đông rét mướt, những người già thật khổ, nhất là ông lại đang bệnh…

Bà chờ ông tỉnh dậy, để nghe ông xác nhận rằng ông chỉ nói chơi thôi, nhưng ông cứ ngủ hoài. Bà rón rén, không dám cử động mạnh, sợ phá giấc ngủ của chồng, chả mấy khi ông ngủ được yên giấc. Bà muốn ngồi đây hoài, không muốn rời ông, để khi ông tỉnh, trông thấy bà, ông yên tâm. 

Tội nghiệp, từ dạo đau nặng, ông đổi tính giống như con nít, hay hốt hoảng, sợ hãi, hơi một tí là giận hờn… Bà ngồi bên ông không biết bao lâu, cho tới khi một đứa con kéo bà đứng lên, nói: 

- Má ơi! gần tối rồi, má phải đi ăn, từ sáng tới giờ má chưa ăn gì cả. 

Bà đâu có thiết ăn? Bữa cơm không có ông mới buồn làm sao, bà nói: 

- Tụi bay và mấy đứa nhỏ cứ ăn trước đi, đừng để phần cho má. Má không thấy đói, má muốn ngồi đây với ba thêm một lúc nữa. 

Nhưng chúng nó cương quyết kéo bà ra khỏi phòng, nói ba mệt để cho ba nghỉ. Thằng Sơn còn kéo cái mền phủ kín cả mặt ba nó, cái thằng thiệt vô ý, vô tứ quá, trùm kín thế làm sao ông thở được? 

- Trời ơi! Có bỏ ra không? Ba bây ngộp mất thôi. 

Bà la lên phản đối, bắt Sơn phải kéo cái mền xuống như cũ, bà mới chịu ra khỏi phòng. Từ lúc đó, tụi nó thay phiên nhau canh gác, không cho bà vô với ông nữa, nói đã có tụi con… 

Bà vẫn không tin rằng ông sẽ đi xa, vậy mà ông đi thiệt mới lạ chứ? Sự thật mà cứ ngỡ như trong một giấc mơ… Cuộc tiễn đưa khá long trọng, có cả kèn trống. Bà và các con mặc áo trắng tiễn ông đi. Trời mưa sụt sùi, các con đi cạnh bà cũng sụt sùi, bà không bằng lòng, gắt: 

- Ba không bao giờ bỏ má đâu, ổng đi rồi ổng lại về, tụi bây khóc lóc chi vậy để ba bây nóng ruột. 

Thiệt tình bà không trông thấy lúc ông đi, và ông cũng chẳng bao giờ thơ từ về nhà. Nhưng bà biết ở một nơi xa xăm nào đó, ông vẫn hướng về bà, vẫn nhớ đến bà, vợ chồng đầu gối, tay ấp mấy chục năm trường, đi xa sao khỏi vấn vương? 

Bà kiên nhẫn đợi ông về, chỗ ngồi của ông trên bàn ăn, bữa nào bà cũng bầy chén, đũa, để ông nhớ rằng ông vẫn còn chỗ trong gia đình này. Nhưng sao ông đi đâu mà lâu quá? Bà ngậm ngùi nói với con gái: 

 - Dạo ba con ở nhà, sáng nào ba cũng chở thằng Thái đi học, còn má ở nhà coi con Uyên… 

Rồi sực nhớ ra điều gì, bà hối: 

- Con lên coi tụi nhỏ dậy chưa? Bồng con Uyên xuống đây cho má thay tã. 

Phượng nhìn mẹ thương xót, Uyên đã chín tuổi rồi, mà sáng nào bà cũng đòi bồng đi thay tã, trí nhớ của bà dừng lại ở ngày ông vĩnh viễn ra đi. Phượng ôm vai mẹ đi vô trong nhà, nàng bật TV lên rồi nói: 

- Chắc cháu Uyên còn ngủ. Má ngồi đây coi chương trình truyền hình Việt Nam, đừng xuống bếp nữa nghe má? Để con lên lầu coi tụi nhỏ ra sao. 

Bà Trình gật đầu, vơ lấy cuộn len và cái áo đan dở lên ngắm nghía: 

- Được, con đi đi! Má vừa coi TV vừa đan nốt cái áo cho ba. Mùa đông sắp tới, ba cần có áo ấm, mà mấy cái kia đã cũ cả rồi. 

Tánh bà tham công tiếc việc, chẳng muốn ở không, bà coi việc chăm lo miếng ngon, áo ấm cho chồng, cho con cháu là bổn phận và cũng là một thú vui của bà. Ông mất đã tám năm, mà ngày nào bà cũng đan áo cho ông, đan gần xong, rồi lại tháo ra đan lại, như vậy cả mấy chục lần. 

Phượng lên lầu, vào buồng mẹ, kiểm soát lại một lần chót cái va li lát nữa sẽ đem theo. Va li đựng toàn quần áo và những vật dụng cá nhân của bà Trình.  Khi biết chắc không còn quên món gì, Phượng đóng nắp lại, ngồi thừ người rất lâu.  

Lúc soạn cái va li này, nàng đã không cầm được nước mắt, mỗi món đồ của mẹ đều gợi lại những kỷ niệm. Nhìn chiếc ghế đu mẹ vẫn thường ngồi, Phượng tưởng như được nghe tiếng ru của mẹ. 

Trên cái ghế ấy, bà đã ru cháu, lúc còn bé thơ, Thái và Uyên không chịu ngủ nếu không có tiếng ru của bà. Ngày xưa, cũng những tiếng ru “ầu ơ, ví dầu” đó đã đưa Phượng vào giấc ngủ êm đềm, bây giờ thì đến các cháu… 

Những buổi sáng tinh mơ, khi các con cháu còn nằm trong chăn ấm, bà đã thức dậy, lui cui nấu nướng, lo bữa sáng ngon lành cho cả nhà. Những buổi tối mùa đông rét mướt, bà thức rất khuya, ngồi bên lò sưởi đan áo ấm. Những khi trái nắng, trở trời, bà không quản ngại thức suốt đêm, trông chừng, dỗ cho cháu ngủ yên giấc… Bà đã nuôi con, nuôi cháu lớn lên bằng tất cả tình thương của bà.  

Tình mẹ bao la như một dòng sông, nước chảy miên man, vô tận. Qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, mẹ lúc nào cũng sát cánh bên đàn con, tận tụy hy sinh, bảo vệ, che chở, giúp đỡ... 

Gia đình lúc nào cũng đầm ấm, yên vui, mọi người quây quần đông đủ dưới một mái nhà, thế mà lúc cuối đời, mẹ lại phải đơn độc một mình. Ôi chặng đường cuối cùng, bao giờ cũng là một chặng đường buồn thảm. Phượng rơi nước mắt, nghĩ đến phút chia tay lát nữa.

Con về mẹ ở lại đây
Chia tay là đứt lìa dây mẫu từ
Ngàn năm biết có bao giờ
Có dòng ước mắt ngược bờ chảy lên?

(Thơ Lê Việt Mai Yên)

Phượng hiểu nỗi cô đơn của mẹ trong những ngày sắp tới, nàng thấy lòng xót xa. Ý định đưa mẹ vô viện dưỡng lão thật ra đã manh nha có từ lâu, kể từ khi bà Trình có triệu chứng lú lẫn và có những hành động có thể gây nguy hiểm. Nhưng Phượng còn nấn ná chưa chịu thi hành, tại thương mẹ nên không nỡ. 

Cho tới mấy tháng gần đây, tình trạng trở nên tồi tệ, khi bà Trình hay mặc quần áo ngủ đi lang thang ra phố một mình và không biết đường về, hàng xóm phải đi tìm dùm. Một lần, bà suýt bị đụng xe lúc băng qua đường, may người tài xế thắng xe lại kịp, bà chỉ bị trầy trụa sơ sài. Bà mỉm cười ngu ngơ lúc được cảnh sát đưa về, mọi người hỏi bà đi đâu? Bà nói bà đi đón ông. 

Tội nghiệp, ngày nào bà cũng đi đón ông, nhiều lần bà thức dậy từ hai, ba giờ sáng, vô phòng đánh thức mấy đứa cháu, biểu sửa soạn đi đón ông ngoại. Từ đó, sợ các con mất ngủ, mỗi buổi tối, sau khi đưa mẹ vô phòng riêng, Phượng phải khoá cửa lại. Có đêm nàng nghe tiếng đập cửa thình thình, mẹ đòi mở cửa cho bà đi chợ… 

Bà Trình thích nấu nướng lắm, phải công nhận ngày trước, bà nấu ăn rất ngon, nhưng từ dạo bị mất trí nhớ, bà chẳng bao giờ tắt bếp. Mấy lần, bà suýt làm cháy nhà vì cái tật hay quên đó, vì vậy, trước khi đi làm, Phượng đã phải tắt ống gas và khoá cửa, sợ mẹ ra ngoài rồi gặp nạn. 

Như vẫn chưa yên tâm, nàng khoá cả ống dẫn nước vì mẹ hay mở vòi nước mà không tắt, làm nước chảy lênh láng khắp nhà, ướt cả thảm, may sao bà chưa trợt chân té ngã.  Phượng đi làm mà trong bụng cứ phập phồng, không yên...  

Tình trạng này không thể kéo dài, không thể để bà cụ ở nhà một mình được nữa. Một cuộc họp gia đình đã diễn ra giữa Phượng và hai người em trai ở tiểu bang khác. Vì sinh kế, không ai có thể bỏ việc để ở nhà săn sóc mẹ, nên tất cả đều đi đến quyết định là phải cho mẹ vào nhà dưỡng lão, nơi đó bà cụ sẽ được chăm sóc tử tế. 

Phượng đã đi thăm dò nhiều nơi, sau cùng nàng chọn cho mẹ một nhà dưỡng lão có người Việt Nam để mẹ đỡ cô đơn. Cuộc hẹn đưa mẹ vô viện sẽ là 11 giờ sáng nay. 

Phượng vô phòng đánh thức hai đứa con để chúng ăn sáng và sửa soạn đi học, xong nàng bước vô phòng ngủ của hai vợ chồng. Dũng đã thức và đang cạo râu, chàng nhìn vợ qua gương và hỏi: 

- Nãy giờ em ở dưới nhà à? 

Phượng gật đầu, kể cho chồng nghe về nồi cháo, và nói má đòi thay tã cho con Uyên, khiến Dũng bật lên cười. Thường ngày Phượng không bao giờ cảm thấy khó chịu vì những tiếng cười vô tư của chồng khi chứng kiến những hành động ngây ngô, nhiều khi rất con nít của mẹ, nàng biết chồng không có ý châm biếm, chàng cười chỉ vì buồn cười mà thôi.  

Dũng mồ côi mẹ từ thuở nhỏ, chàng thiếu tình mẫu tử nên rất quí mẹ vợ. Phượng cho là mình may mắn, và vẫn thầm cám ơn chồng, nhưng không hiểu sao hôm nay Phượng lại thấy bực mình vì tiếng cười vô tư của chồng, mà nàng thấy là không đúng lúc, Phượng có cảm tưởng như chàng là người ngoại cuộc, nàng cau mày trách: 

- Anh có im đi không? Em đang rối ruột đây! 

Dũng ngạc nhiên ngó vợ, nhưng rồi chợt nhớ ra hôm nay là ngày gì, chàng lập tức ngưng ngay tiếng cười vô ý thức của mình. Im lặng một lúc, chàng mới nói, giọng băn khoăn: 

- Hôm nay anh không thể nghỉ làm để đưa má đi được.

- Không sao, tự em sẽ đưa má đi, như vậy tốt hơn. Anh đưa hai đứa nhỏ tới trường và đón về dùm em, vì không biết em sẽ phải ở lại với má bao lâu…

- Được, được, em cứ thong thả lo cho má. Xong việc, nhớ điện thoại vào sở ngay cho anh, cho biết tình hình ra sao. 

Phượng đứng trên đầu cầu thang, nhìn hai đứa nhỏ ôm hôn bà ngoại trước khi đi học, có cảm tưởng như đó là những cái hôn vĩnh biệt, lòng nàng đau như dao cắt. Đợi cho chồng và hai con đã ra khỏi nhà, Phượng mới xuống bếp sửa soạn bữa ăn sáng cho mẹ. Ý nghĩ đây là bữa ăn cuối cùng của mẹ ở nhà, khiến Phượng thấy tim se lại, nàng nhớ tới một đoạn phim được xem đã lâu, nói về bữa ăn cuối cùng của người tử tội, nàng bỗng thấy lòng rưng rưng.  

Phượng tự nhủ thôi đừng nghĩ đến chuyện ấy nữa, cứ để việc gì phải tới, sẽ tới.  Vừa làm nàng vừa hát nho nhỏ, cố tìm hiểu ý nghĩa của lời ca, nhưng không thể.  Dọn bàn xong, nàng mời mẹ ra ăn. Bà Trình nhìn mặt bàn ê hề những thức ăn, hỏi con: 

- Sao con làm nhiều đồ ăn thế? 

Phượng nhìn đi chỗ khác, nói: 

- Má ăn đi, thay cho bữa trưa luôn thể.

- Con cũng cùng ăn với má chứ? 

Phượng gật đầu, nàng ngồi vào bàn, nhưng không tài nào nuốt được. Nhìn mẹ ăn ngon lành, nàng có mặc cảm phạm tội vì đang đánh lừa mẹ. Đợi bà ăn xong bữa, Phượng ngập ngừng mãi, mới mở miệng nói dối: 

- Má có muốn đi phố một lúc không? Vô phòng thay đồ đi, con chở má đi chơi.

- Đi chơi thiệt sao? Thích quá. 

Mắt bà mẹ sáng lên với vẻ vui mừng, được đi ra ngoài, bà sung suớng lắm.  Thường ngày cứ bị nhốt ở nhà, bà thấy bực bội, năm thì mười họa mới được con chở đi chơi, những dịp ấy đối với bà vui như một ngày hội. Thấy Phượng xách theo va li, bà hỏi: 

 - Đi du lịch à? 

Vừa nói bà vừa nhìn quanh khắp căn nhà, như để kiểm soát một lần cuối cùng, theo thói quen trước khi đi xa. Không hiểu sao Phượng có cảm tưởng những tia nhìn của mẹ có vẻ lưu luyến rất tội nghiệp, chắc bà có linh cảm sẽ không được trở về đây nữa? 

Không muốn kéo dài giây phút đau lòng, nàng vội vã đưa mẹ ra xe. Phượng ngồi vào tay lái, tâm trạng bất an nên Phượng lái xe mà đầu óc để tận đâu đâu, mấy lần bị xe khác bấm còi inh ỏi. Bà mẹ bất chợt lên tiếng: 

- Dũng lái xe giỏi hơn con, sao không để cho nó lái? 

Rồi như chợt nhớ ra điều gì, bà hỏi giọng lo lắng: 

- Đi du lịch mà sao không có Dũng và hai đứa nhỏ? 

Phượng ậm ừ, tránh không trả lời, nàng cho xe ra khỏi xa lộ và tìm hướng vào thành phố. Viện dưỡng lão kia rồi, từ xa đã thấy một toà nhà đồ sộ sơn màu vàng nhạt, trông như một cái bệnh viện. Khi quẹo xe vô cổng, Phượng nhìn đồng hồ, 11 giờ 15, trễ mất mười lăm phút. Nàng hoảng lên. Trời, làm thế nào nếu họ không tiếp và cho một cái hẹn khác? Chắc nàng không có can đảm… 

Đậu xe xong, Phượng kéo mẹ đi như chạy tới phòng hướng dẫn, nơi đó người ta chỉ cho nàng phải đi lối nào. Viện dưỡng lão có ba dãy nhà bao quanh một khu vườn rộng có trồng hoa, và nhiều cây lớn cho bóng mát. Nơi đây có nhiều cụ già đang chống gậy đi thơ thẩn một mình, hoặc túm năm tụm ba ngồi trò chuyện trên những băng đá, đó là các cụ tương đối còn mạnh khoẻ. 

Cũng có những cụ già ngồi trên xe lăn, đang được những người khán hộ đẩy đi quanh vườn để sưởi nắng. Khi hai mẹ con sắp bước tới cái cửa tự động để vô tòa buyn đinh chính giữa, bà mẹ bỗng chùn lại không chịu đi nữa, bà hỏi với một giọng lo lắng: 

- Đây là đâu? Trông không có giống khách sạn tí nào. Má không muốn vô, con đưa má về đi, má không muốn đi du lịch nữa. 

Phượng dỗ: 

- Vô một chút thôi má, vô làm giấy tờ xong rồi về. 

Tới phòng nhận bệnh, Phượng trình giấy tờ và được mời vào, cửa được đóng lại ngay sau lưng. Bà y tá người da trắng, trông có vẻ hiền lành tử tế, mời hai mẹ con ngồi, rồi tự giới thiệu: 

- Tôi là Ingrid, y tá trưởng ở đây. Còn đây là… 

Phượng vội đỡ lời: 

- Bà Nguyễn Thị Trình, mẹ tôi. Xin lỗi cô Ingrid, mẹ tôi không nói được tiếng Anh…

- Không sao cả, ở đây có bốn y tá là người Việt và cũng có một số bệnh nhân là Việt Nam, mẹ cô sẽ không cô đơn đâu.

- Được vậy tôi rất mừng. 

Sau khi chờ cho Phượng điền một lô những giấy tờ liên quan đến bảo hiểm y tế, tên tuổi, tình trạng sức khoẻ, bệnh tật và những thuốc men mẹ nàng đang dùng, cô Ingrid cầm xem sơ qua một lượt rồi nói: 

- Sáng mai chúng tôi sẽ đưa bà cụ đi khám bác sĩ để lập hồ sơ bệnh lý. Bây giờ tôi cho người đưa bà cụ đi nhận phòng. 

Nói xong, cô Ingrid bấm chuông, và một người tá mới xuất hiện, Phượng gật đầu chào và hỏi:

 - Tôi đi theo được chứ?

- Dĩ nhiên! Mời hai người theo tôi. 

Cô y tá đi trước dẫn đường, hai mẹ con lúp xúp theo sau, bà mẹ đi sát vào con gái như tìm sự che chở, bà chỉ yên tâm khi có con ở bên cạnh. Họ đi thang máy lên lầu hai, tới trước căn phòng sơn màu xanh, có đề bảng số 204 B, cô y tá dừng lại, gõ nhẹ vào cửa hai tiếng, rồi mở toang cửa phòng: 

- Đây là phòng của mẹ cô, ở chung với một bà cụ cũng người Việt Nam. 

Rồi cô quay đi, sau khi chỉ cho Phượng chỗ để quần áo, cô ghé sát vào tận tai nàng thì thầm: 

- Hai mẹ con từ giã nhau đi nhé, lát nữa tôi sẽ quay lại. 

Phượng thấy tim nhói lên một cái, nàng đưa mắt nhìn mẹ, bà Trình đang nhìn theo cô y tá với một vẻ sợ sệt. Đợi cô ta đi khỏi, Phượng mới đưa mắt quan sát, căn phòng tương đối sáng sủa, tường sơn màu xanh dịu mắt, có một cái cửa sổ trông xuống vườn hoa. 

Ngoài một cái TV ở chính giữa, treo ở trên cao, và một cái bàn hình vuông có bốn cái ghế kê ở cuối phòng - chắc dùng làm chỗ tiếp khách - những đồ đạc còn lại, thứ nào cũng có hai cái: hai tủ đựng quần áo, hai bàn đêm và hai cái giường, một cái để trống dành cho mẹ nàng, và trên cái giường kia có một bà cụ đang nằm xây mặt vào tường. Nghe có tiếng động, bà ta quay lại, nở một nụ cười méo mó: 

- Người mới hả? Ở đây tụi tui kêu là… con so. Tui tên Năm, ở đây trên ba năm rồi. Không sao đâu bà cụ! Vô đây làm bạn với tui cho vui, nằm một mình buồn lắm. Cái giường kia bỏ trống cả tháng nay, người nằm đó chết rồi, chết vì chứng ung thư máu… 

Bà Trình rùng mình, kéo tay con gái: 

- Ở đây toàn người bịnh, sợ quá, má muốn về nhà. Đi về lẹ lên đi con! Mình ở đây khá lâu rồi đó, đã tới giờ con đi rước mấy đứa nhỏ, còn má phải sửa soạn bữa cơm chiều… 

Phượng thở dài, lòng cô chùng xuống, tội nghiệp mẹ luôn luôn nhớ bữa cơm chiều… Đối với mẹ, bữa cơm chiều là quan trọng nhất, vì là giờ phút xum họp của tất cả mọi người trong gia đình trở về nhà, sau một ngày làm việc mệt nhọc.  Bằng tất cả thương yêu, trìu mến, mẹ chăm sóc miếng ngon cho cả nhà, hạnh phúc của mẹ là được nhìn thấy các con cháu sung sướng. Nếu mẹ biết sẽ chẳng bao giờ còn có những bữa cơm gia đình, sẽ chẳng bao giờ mẹ còn được tựa cửa ngóng trông con, cháu trở về? 

Phượng thấy lòng bất nhẫn quá, nhưng nàng biết sẽ phải cuơng quyết, nếu không, sẽ không còn cơ hội nào nữa. Tim đập nhanh trong lồng ngực, Phượng dìu mẹ ngồi xuống giường… 

Đây là giây phút quan trọng nhất, Phượng ngập ngừng mãi, không biết phải mở đầu như thế nào.  Sau cùng, nàng hít vô một hơi thật sâu để lấy thêm can đảm, rồi bằng tất cả cố gắng, nàng nắm lấy tay mẹ, giọng run run: 

- Má nghe con nói!  Đây là phòng của má, má hãy ở đây đêm nay, ngày mai con và Dũng sẽ đưa mấy đứa nhỏ vô thăm má…

- Ồ không… con ơi!  Mẹ nàng kêu lên thảng thốt, vùng ôm chặt lấy con gái như sợ cô chạy mất, má không muốn ở đây, má chỉ thích cái phòng riêng của má, cái giường của má. Má nhớ hai đứa nhỏ, nhớ cái bàn thờ có hình của ba con… 

Phượng ứa nước mắt, nàng cũng ôm mẹ thật chặt: 

- Má hiểu cho con, con cũng đâu có muốn xa má. Nhưng tình thế bắt buộc, má cần người săn sóc, mà con thì không thể… Má ở đây con yên tâm hơn, vì luôn luôn có các bác sĩ, y tá thường trực ngày đêm, chăm lo sức khoẻ cho má, cũng như tất cả mọi người. 

Bà mẹ vừa khóc vừa nói: 

- Má không cần bác sĩ, má chỉ cần các con cháu. 

Giọng bà bỗng dưng tỉnh táo một cách lạ lùng. 

- Má biết dạo này má già cả, lẫn cẫn, không còn giúp ích gì cho mọi người, má vô dụng rồi. Chắc con giận má hay sơ ý, mấy lần suýt làm cháy nhà? Má cũng ân hận lắm, hãy cho má thêm một cơ hội nữa, má hứa sẽ không gây phiền phức cho con nữa đâu. Má hứa sẽ nhớ tắt bếp, má cũng sẽ không đi lang thang ra đường một mình, má sẽ ở nhà suốt ngày đợi con, cháu về… 

Tới đây thì Phượng không thể chịu đựng nổi nữa, nàng cũng bật khóc lên thành tiếng, nước mắt chảy ròng ròng: 

- Ồ không phải vậy đâu má, nhưng mà… 

Phượng nghẹn ngào, không biết sẽ phải tiếp tục ra sao, hai mẹ con ôm nhau, cùng nức nở... Bỗng cánh cửa bật mở, cô y tá hồi nãy trở lại, thấy cảnh đó thì thở dài, làm việc ở đây đã lâu, những cảnh này đối với cô quen thuộc quá, nhưng mỗi khi phải chứng kiến, lòng cô không khỏi se lại. Chờ cho hai mẹ con bịn rịn thêm một lúc nữa, cô mới nhẹ nhàng an ủi: 

- Mới đầu thì ai cũng vậy, nhưng chỉ dăm bữa, nửa tháng nữa thôi, mọi việc rồi sẽ đâu vào đấy cả. 

Rồi cô quay qua, nói riêng với Phượng: 

- Sáng mai sẽ có y tá người Việt Nam, hy vọng bà cụ sẽ thấy thoải mái. Cô yên tâm, chúng tôi sẽ săn sóc mẹ cô tử tế. Bây giờ cô nên về đi, như thế sẽ dễ cho chúng tôi hơn. 

Bà cụ nằm giường bên bỗng lên tiếng: 

- Dùng dằng mãi cũng chỉ đến thế, chẳng ích gì. Cô cứ về đi, không sao đâu, tôi sẽ an ủi mẹ cô dùm cho.

- Vâng cháu xin nhờ cụ. 

Bà mẹ nghe thấy thế, thì vội vàng níu chặt lấy áo con gái. Phượng nhẹ nhàng gỡ tay mẹ ra, dỗ dành: 

- Má thấy chưa? Bác Năm tốt lắm, các cô y tá cũng vậy, ở đây ai cũng chỉ muốn giúp đỡ má thôi mà. Má yên tâm đi, chẳng việc gì  phải sợ hãi cả. Bây giờ con phải về đón mấy đứa nhỏ nghen má.

- Thế con có trở lại không?

- Có chứ, nếu má đừng gây lộn xộn, chiều mai con sẽ đưa các cháu vô thăm má. 

Phượng dịu dàng đặt một cái hôn lên trán mẹ, nàng ôm xiết mẹ một lúc rồi buông ra: 

- Má! Con phải đi, mai con sẽ trở lại.

- Con sẽ không bỏ má ở lại đây một mình chứ? 

Con sẽ vô thăm má thường xuyên mà. Phượng nói với mẹ mà như một lời nhắc nhở với chính mình, con hứa mỗi cuối tuần sẽ đến đón má về. Thôi bây giờ má đi nghỉ đi, con phải về lo cho các cháu.  

Nói xong, Phượng đứng dậy, cô y tá lẹ làng đứng chen vào giữa hai mẹ con, và đẩy nhẹ lưng Phượng: 

- Cô đi ngay đi, lẹ lên! 

Cô ta nắm lấy cánh tay bà mẹ, nhưng bà dằng ra, run rẩy chạy theo con ra cửa: 

- Con ơi! Đừng bỏ má, van con đừng bỏ má! 

Phượng ngập ngừng, quay lại, nhưng cánh cửa đã được khép lại sau lưng nàng, như một bức tường ngăn cách giữa hai mẹ con, ngăn cách những con người già nua, bệnh tật khốn khổ đang chờ chết ở bên trong, với thế giới vui tươi, sinh động ở bên ngoài. Phượng nghe tiếng mẹ gào lớn: 

- Con ơi! Con ơi… 

Phượng rùng mình, có cảm tưởng như vừa nghe tiếng kêu cứu của người tử tội trước khi bị lên máy chém. Nàng bịt tai lại, vùng bỏ chạy, nhưng những tiếng gọi của mẹ vẫn đuổi theo. Phượng biết suốt đời nàng sẽ không bao giờ quên được tiếng gọi “con ơi” ai oán của mẹ. 

PHƯƠNG   LAN 

***

* Các bạn có thể nghe đọc truyện “Một ngày không thể quên” trên YouTube:


***

--> Read more..

Thứ Hai, 23 tháng 3, 2020

Tình yêu thời Corona


Đối với nhiều người, nhất là giới trẻ, tình yêu có sức mạnh “vô địch”, thậm chí còn có thể chiến thắng cả… tử thần. Về già, người ta tỉnh táo hơn và cho rằng yêu là mù quáng và tuổi tác làm người ta sáng suốt hơn. Đó là lời của một bài hát: “love is blind but age makes wise”!

Bây giờ thế giới đang trong cơn đại dịch và người ta bỗng thấy xuất hiện một câu được cho là lời nhắn nhủ của con Virus Corona: “Nếu yêu nhau, hãy tạm xa nhau”. Bất chấp lời đe dọa đó, những kẻ đang yêu vẫn… yêu và họ hôn nhau qua khẩu trang!

“Nếu yêu nhau… hãy tạm xa nhau”

Nữ y tá Chen Ying đứng sau tấm kính nói chuyện qua điện thoại với bạn trai. Hôm ấy là 4/2, ngày thứ 11 cặp tình nhân này chưa gặp nhau.

- Em yêu, anh nhớ em rất nhiều!
- Em cũng nhớ anh
- Anh muốn nhìn mặt em. Mặt em đã đỡ đau chưa?
- Ổn hơn rồi
- Anh muốn ôm em vào lòng
- Em cũng vậy...

Thế rồi họ trao nhau nụ hôn qua tấm kính cách ly của bệnh viện và dĩ nhiên là qua… khẩu trang. Mắt đôi tình nhân hoen đỏ. (https://vnexpress.net/doi-song/chuyen-tinh-cua-nhung-bac-si-o-tam-dich-4054342.html)

Y tá Chen Ying và bạn trai trao nhau một nụ hôn qua kính cách ly của bệnh viện

Rất gần nhưng lại cũng rất xa là tình cảnh vợ chồng bác sĩ Tu Shengjin và Cao Shan trong mùa dịch. Họ làm cùng một bệnh viện nhưng lúc nào cũng ngăn cách nhau qua lớp quần áo phòng dịch kín mít từ đầu đến chân.

Không biết họ có hôn nhau qua khẩu trang hay không nhưng trang web people.cn chụp được một tấm hình hai người “dung dăng dung dẻ” bên nhau trong giờ nghỉ ngơi sau những giờ làm việc cật lực tại một bệnh viện.

Rất gần nhưng cũng rất xa là tình cảnh vợ chồng bác sĩ Tu Shengjin và Cao Shan

Hãng thông tấn AFP ghi lại được cảnh đôi trai gái “tay trong tay”. Họ ôm nhau nhưng lại không hôn với lời chú thích “Chẳng thứ bệnh dịch nào có thể ngăn cách được tình yêu!”.

Chẳng thứ bệnh dịch nào có thể ngăn cách được tình yêu (Ảnh AFP)

Còn DailyMail đăng một tấm hình có thể nói là “đẹp nhất và tình tứ nhất” trong mùa dịch với caption: “Khi tình yêu không thể có bất cứ rào cản nào!”.

Khi tình yêu không thể có bất cứ rào cản nào (Ảnh DailyMail)

Không phải chỉ những người trẻ mới hôn nhau qua khẩu trang. Có lẽ tấm hình cảm động nhất là của một đôi vợ chồng già đứng hôn nhau bên ngoài một bệnh viện. Người ta thấy khẩu trang của người chồng rất đặc biệt, có lẽ ông đến đây để sửa soạn cách ly. Có thể hiểu đây là “nụ hôn từ biệt vợ” (?).

Một đôi vợ chồng già và niềm hạnh phúc trong ngày Valentine (Ảnh China News)

Người ta cũng chọn ngày Valentine để đăng ký kết hôn, bất chấp dịch Corona. Và còn nhiều hình ảnh lãng mạn được chụp tại khắp nơi. Những tấm hình chụp từ Hồng Kông và Singapore nói lên tình yêu và tuổi trẻ.

Jia (29 tuổi) và Su (28 tuổi) cùng làm thủ tục tại văn phòng đăng ký kết hôn ở Thượng Hải

Câu chuyện tình yêu của một cô gái người Nhật có nickname @shihon029 chia sẻ trên Twitter đang khuấy đảo mạng xã hội Nhật Bản. Sự bùng phát của Covid-19 khiến nhiều nơi ở xứ Mặt trời mọc rơi vào cảnh hỗn loạn. Khắp các siêu thị, người dân tranh nhau mua sắm tích trữ nhu yếu phẩm, đặc biệt là giấy vệ sinh.

Một ngày nọ, @ shihon029 đến siêu thị, khi đang chuẩn bị ra về thì nghe vẳng bên tai một giọng nam trầm ấm hỏi mua giấy vệ sinh. Tuy nhiên, anh chàng không gặp may vì cô đã là khách mua nững cuộn giấy vệ sinh cuối cùng. Nhìn thấy vẻ thất vọng trên khuôn mặt đẹp trai của chàng, @shihon029 động lòng. Cô quay lại tỏ ý sẽ chia sẻ cho anh vài cuộn.

@shihon029 - Câu chuyện kể lại của cô gái người Nhật tìm thấy tình yêu qua 2 cuộn giấy vệ sinh trên Twitter

Chia sẻ trên bài đăng, @ shihon029 tiết lộ rằng anh là "hình mẫu trong mộng” và có cảm tình ngay giây phút đầu. Cô nói: “Tôi sống một mình nên cũng không cần nhiều” khi trao 2 cuộn giấy vệ sinh cho chàng trai. Chàng trai ngay lập tức nói “Tôi cũng sống một mình”.

Hai người sau đó trao đổi địa chỉ liên lạc và thường xuyên nói chuyện với nhau. Chàng trai mời @ shihon029 dùng bữa tối để đánh dấu một buổi hẹn hò chính thức. Phải đợi đến khi Corona bùng phát họ mới… tìm thấy nhau!

Ảnh chân dung của @shihon029 trên Twitter

Cuối cùng là Việt Nam qua những chuyện vui thời Corona được đăng trên Tuổi Trẻ Cười. Truyện kể Hà Lan và Ngạn có cảm tình với nhau nhưng thần Cupid đã không an bài.

Tình yêu không phân biệt giàu nghèo, cho dù "tiếng đàn ghi ta của Ngạn không xa hoa bằng tiếng nẹt pô của xe 67 của người thứ ba". Ngạn thấy Hà Lan đi với kẻ khác, Ngạn buồn!

Anh lang thang trong sân trường, nhìn thấy cây phượng, anh nhớ trong túi quần mình con dao gọt xoài để làm món xoài lắc. Buồn không có chuyện gì làm, Ngạn khắc lên cây. Xui cho Ngạn, hành vi “phá hoại cây xanh” của Ngạn đã bị bắt quả tang.

Ngạn bị mời lên văn phòng viết kiểm điểm. Vừa thất tình, vừa bị viết bản kiểm điểm Ngạn sắp khóc. Một cơn gió lạnh đi qua, Ngạn hắt hơi xổ mũi, ho khù khụ. Đám bạn phao tin: "Ngạn dính virus Corona". Hà Lan nghe tin như sét đánh bên tai, nàng quyết định rời xa Ngạn mãi mãi.

Rất tiếc cho Ngạn, anh đã bỏ lỡ tình yêu với Hà Lan vì một chuyện… lãng xẹc. Tình yêu không có lỗi, lỗi là của… thời tiết. Thương thay cho chàng trai viết lên cây nỗi thất tình của mình.

Chuyện tình buồn thời dịch Corona

Truyện thứ hai về “Ngu Ngơ Công tử” và “Thả Thính Tiểu thơ”, họ yêu nhau được hơn 30 ngày trên mạng. Gần tới ngày Valentine nàng nhắn tin nũng nịu: "Hoa hồng và sô-cô-la anh nhé!".

Chàng bèn hồi đáp: "Chúng ta quen nhau đủ lâu rồi, mình hôn nhau nhé!". Nhưng Thả Thính Tiểu thơ đâu phải dân hạng vừa, nàng đốp chát lại: "Thôi đi ba! Chỉ có hộp Sô-cô-la đòi lây Virus Corona à?".

Thả Thính Tiểu thơ sẽ xem lại trình độ “thả thính” của mình. Còn Ngu Ngơ Công tử, chúng tôi rất mừng cho anh, tuy ngu ngơ nhưng không ngờ nghệch. Chia tay là một kết thúc “có hậu” trong chuỗi chuyện tình buồn thời đại dịch Corona!


***

--> Read more..

Popular posts