Thứ Ba, 27 tháng 8, 2019

Lưu bút ngày xanh

(Truyện hư cấu)


Đó là mùa hè năm 1969 tức là một năm sau Tết Mậu Thân 68 nhiều biến động. Tình hình chiến sự bắt đầu căng thẳng và leo thang làm ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, trước đây vốn dĩ rất thanh bình, yên ổn.

“Lệnh tổng động viên” đã ban hành khiến giới trẻ là sinh viên và học sinh đến trường trong nhiều suy tư, khắc khoải về tương lai của mình trước tình hình đất nước. Lớp thanh niên có thể nhìn thấy trước mắt minh là quân trường, các thiếu nữ cũng bớt mơ mộng về một tương lai đầy hứa hẹn trước mắt. 

Phụ huynh lo lắng không biết con mình sẽ ra sao nếu bị động viên vào quân ngũ. Quân dịch là nỗi ám ảnh của mọi nhà, “bắt lính” là câu nói đầu môi của những ông bố, bà mẹ có con trong độ tuổi phải tòng quân, nhập ngũ.

Năm cuối trung học lẽ ra là một năm đầy hứa hẹn trước ngưỡng cửa Đại học lúc nào cũng mở rộng để chào đón các tân sinh viên. Thế nhưng, năm nay lại khác vì là năm quyết định tương lai có được “hoãn dịch” hay không sau kỳ thi Tú tài.

Thi đậu thì cánh cửa “hoãn dịch vì lý do học vấn” cũng sẽ hé mở. Các cậu “con một” trong gia đình đơn chiếc cố bám víu vào lý do “miễn dịch” này để hy vọng không phải sớm mặc áo lính, mang giầy trận đi khắp 4 vùng chiến thuật.

Bản thân giáo sư Toàn phụ trách lớp một lớp Đệ nhất cũng hoang mang không kém gì đám học trò. Ông hiểu ngày nào còn đứng trên bục giảng thì biết mình còn khoác áo dân sự. Đến một ngày nào đó, ông cũng sẽ phải mặc áo lính và, nếu may mắn, ông sẽ là nột “giáo chức biệt phái”.

Trước khi nghỉ hè, Giáo sư Toàn bỗng nảy ra một ý định khi các học trò chuẩn bị chia tay để bước vào đời. Ông nói với cả lớp:

- Các anh, các chị thường viết “Lưu bút ngày xanh”, nhất là vào năm cuối trung học. Đó là điều tốt để lưu giữ những dòng chữ học trò trước khi chia tay. Tuy nhiên, tôi thấy chỉ những người bạn thân mới được chọn để viết lưu bút, thế người khác bị bỏ quên thì không được viết hay sao?

Cả lớp bắt đầu nhao nhao bàn tán.

- Đúng quá thầy ơi!
- Thầy có cách nào giải quyết số phận hẩm hiu của những người bị bỏ quên chăng?
- Em thấy lưu bút cũng chỉ là hình thức với những câu sáo rỗng như “Mai đây dù có xa nhau, gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”!



Thầy Toàn chờ cho lớp yên lặng rồi tiếp:

- Ý của tôi là các em mỗi người đều viết lưu bút dưới hình thức một là thư gửi cho người bạn mà các em quý nhất trong lớp. Thư bỏ vào phong bì có đề tên người nhận rồi nộp cho tôi. Phần tôi sẽ chuyển cho người bạn có tên trên phong bì… những thư nào không có tên người nhận, tôi sẽ chuyển lại cho người viết. Như vậy, dù không được viết vào lưu bút của ai đó thì chính người viết cũng đã có cơ hội để bày tỏ suy nghĩ của mình…

Cả lớp thi nhau bàn tán về ý kiến độc đáo của thầy. Thầy còn nói thêm:

- Tôi sẽ làm nhiệm vụ của người đưa thư với điều kiện… tôi sẽ đọc trước và sau đó đọc lại cho cả lớp nghe một phần nội dung, tôi cũng đọc những thư không có địa chỉ người nhận. Những việc đó được thực hiện hoàn toàn không tiết lộ tên của người viết cũng như người nhận. Chúng ta làm việc này cũng tương tự như khi đọc một bài văn hay cho cả lớp thưởng thức. Các em có đồng ý không?

Thế là cả lớp vui vẻ tán thành. Vài hôm sau lớp có một buổi “nghe” lưu bút. Người viết xin trích ra đây một vài đoạn nổi bật nhất trong… lưu bút ngày xanh.


- Thầy Toàn nói chúng ta hãy viết một cách chân thật. Đối với tôi, một đứa “bộc tệch, bộc toạc”, chỉ thầy tương lai của mình xám ngắt mầu áo lính. Dù có đỗ hay trượt kỳ thi này tôi cũng sẽ đăng lính chứ không bao giờ “trốn lính”.

- Phải nói thật tình, tôi không ưa lối nói chuyện oang oang với bạn bè… ấy thế mà không hiểu vì sao tôi lại chọn bạn để viết những dòng này. Phải chăng là… duyên số?

- … Tôi thích nhất mái tóc “queue de cheval” của bạn, lúc nào cũng tung tăng như cái đuôi ngựa trước mắt tôi. Chắc tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh này trong suốt cuộc đời mình…

- Tôi có vẻ kênh kiệu trong lớp nhưng tôi viết lưu bút này cho bạn, một người trầm tính. Tình cảm đó dành cho bạn để thể hiện bản chất thật của tôi, không như mọi người tưởng. Tôi nghĩ như vậy.



- Trong số các bạn cùng lớp, cả trai lẫn gái, tôi không thấy có một ai “xứng đáng” để viết những dòng chữ kỷ niệm. Chắc tại tôi là đứa con gái khó tính, khó ưa. Nhưng đó có lẽ là bản chất của tôi, xin các bạn thông cảm.

- Tôi biết thân phận mình chỉ là “cô gái trời bắt xấu” nên cũng chẳng mơ mộng gì cho thêm rắc rối cuộc đời. Tôi chỉ xin được hai chữ “bình yên” trong cuộc sống hằng ngày!

- Nhà tôi nghèo, nhưng nghèo đâu phải là cái tội. Tôi có vẻ như xa cách với bạn bè cùng lớp cũng chỉ vì nghèo. Trước mắt là vậy nhưng ai biết được tương lai? Que sera, sera.



- Lớp mình có quá nhiều cá tính nhưng thế mà hay. Mai đây mỗi người một nẻo rồi có một lúc nào đó ngồi nhớ lại mới thấy đời học sinh quả là thú vị. Chúc các bạn một tương lai rực rỡ phía trước… còn tôi chỉ là “con số không tròn trĩnh”!

- Tôi vốn là anh chàng “cù lần nhất lớp” nên chẳng có ai mời viết lưu bút. Xin cám ơn thầy Toàn đã đem đến cho tôi cơ hội này!



***
--> Read more..

Thứ Ba, 20 tháng 8, 2019

“Friday Review”: The Best Social Event in Town

“Vietnam Investment Review” (VIR) là tờ báo tiếng Anh đầu tiên xuất bản tại Việt Nam dưới hình thức “Business Co-operation Contract” (Hợp đồng Hợp tác Kinh doanh) từ năm 1991. Phía đối tác nước ngoài là một nhóm nhà báo người Úc ký hợp đồng 10 năm với Ủy ban Nhà nước Hợp tác và Đầu tư (SCCI) của Việt Nam.

Một kỷ niệm khó quên trong thời gian này là những buổi “Friday Review” cuối tuần của VIR tại Sài Gòn. Bắt đầu từ những ngày Thứ Sáu, nhóm phóng viên, Tây cũng như Ta, thường có những weekend mà chúng tôi gọi là “Friday Review” để nhâm nhi, chờ đợi “đứa con tinh thần” ra mắt người đọc vào sáng Thứ Hai.

Khởi đầu chỉ là giải trí nội bộ cuối tuần, dần dà “Friday Review” được VIR tổ chức đều đặn vào ngày Thứ Sáu đầu tiên mỗi tháng với thành phần tham dự lên đến hàng trăm người, bao gồm giới doanh nhân, cả trong lẫn ngoài nước. Việc tổ chức “Friday Review” rất được các doanh nhân hưởng ứng vì đây là cơ hội để các họ gặp gỡ, bàn chuyện làm ăn hay chỉ thuần túy vui chơi, giải trí cuối tuần.

Báo VIR trên danh nghĩa là người tổ chức nhưng thực sự không tốn kém vì được các doanh nghiệp hỗ trợ, chẳng hạn như bia Foster’s, nước ngọt Coca Cola, nước suối A&B… cùng với các công ty ca nhạc & thời trang đóng góp phần văn nghệ giúp vui.

Mỗi tháng VIR tổ chức “Friday Review” tại một khách sạn trong thành phố. Các khách sạn như New World, Cavavel, Continental, Rex, Majestic, Omni, Equatorial… đứng ra làm sponsor về địa điểm, họ còn cung cấp thức ăn nhẹ theo kiểu buffet.

Ngay cả đến việc in thiệp mời cũng là “ủng hộ” của các cơ sở in án, bù lại họ có dịp tiếp thị các sản phẩm của mình. Như vậy, cả VIR lẫn các sponsors đều có lợi trong việc hợp tác.

Chúng tôi còn mời Tổng lãnh sự các nước tham dự với tính cách “guest speaker” cho mỗi kỳ họp mặt. “Friday Review” thành công vượt ngoài tất cả dự đoán và được mọi giới đánh giá là ‘the best social event in town’.

Dưới đây là một số hình ảnh những buổi “Friday Review” ngày nào.


Ca nhạc giúp vui cho Friday Review

VIR Friday Review được tổ chức vào mỗi Thứ Sáu đầu tháng

Chương trình ca nhạc giúp vui

Sân khấu biểu diễn 

Đại diện VIR phát biểu ngắn gọn

Biểu diễn thời trang trên sân khấu Friday Review

Friday Review nhân sinh nhật VIR

Bia Foster's tài trợ nước uống

Triển lãm tranh trong buổi Friday Review

Khách trao đổi name cards

Khách Tây & Ta hàn huyên

Friday Review trên Roof Top Khách sạn Rex

Khách tham dự Friday Review

Một tối cuối tuần tại Friday Review

***













--> Read more..

Thứ Năm, 15 tháng 8, 2019

Tháng cô hồn

Sáu Lèo (1) nhìn vào tờ lịch và phát hiện một chuyện lạ. Tháng 8 năm nay cả “ngày trên” và “ngày dưới” đều trùng nhau, chỉ khác có một điều: dương lịch là tháng tám còn âm lịch mới tháng bảy.

Sáu Lèo lại nghĩ, tháng bảy “lịch âm” là tháng của thế giới thần bí, tháng của những người đã khuất nơi cõi âm. Dù họ có là ai khi sống đến lúc chết cũng chỉ là những “cô hồn” lang thang, vất vưởng trong 49 ngày chờ “passport” để lên thiên đàng hay xuống địa ngục.

Thế cho nên mới có tục “cúng cô hồn” cho những người chuẩn bị “ăn cháo lú” trước một chuyến đi quan trọng cho tương lai người chết. Năm nào cũng vậy, Sáu Lèo dù chỉ là anh bán vé số dạo nhưng không quên “cúng cô hồn”, gọi là an ủi cho những người đã khuất.

Nhân vật hư cấu Sáu Lèo

Nhà giàu thì họ cúng gà luộc, bánh kẹo, trái cây kèm theo một xấp tiền lẻ để cô hồn vừa “dằn bụng”, vừa có tiền xài trong suốt 49 ngày chờ phán xét. Cúng xong thì đã có “cô hồn sống” đứng chầu chực để tranh cướp.

Cả người lớn lẫn trẻ con nghèo đói trong xóm sẵn sàng làm nhiệm vụ “ship hàng”, xông  vào xí phần để đưa xuống… âm phủ. Gia chủ cũng khôn lắm, họ cắt người “bảo vệ” đồ cúng. Đến màn “cướp cháo” thì chủ nhà giữ lại con gà luộc, còn kỳ dư dành cho các “cô hồn sống”.


Sáu Lèo thuộc giai cấp nghèo nhưng cũng cúng cô hồn. Đồ cúng chỉ vỏn vẹn có vài cái kẹo “thèo lèo, cứt chuột”, vài miếng khoai, miếng sắn kèm theo một cây nhang để mời hồn về nhận. Cúng xong cả người âm lẫn người dương chẳng ai thèm nhận. Tiếc của nên bưng vào nhà cho các con nhấm nháp!  

Tuy vậy, Sáu Lèo vẫn tin tưởng vào việc cùng cô hồn. Làm người phải ăn ở “có trước, có sau”. Sáu Lèo nghĩ thật đơn giản: “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Với lại tiền bỏ ra mua đồ cúng cũng chỉ có giá trị bằng vài tờ vé số mời chào khách mua hàng ngày.

Bán vé số dạo nên Sáu Lèo biết nhiều chuyện xảy ra trên lộ trình mưu sinh. Có những gia đình cúng rất “hoành tráng”, ngoài đồ ăn thức uống còn có những “hiện vật bằng hàng mã” gửi xuống âm phủ cho người chết dùng.

Thôi thì từ nhà lầu, xe hơi như khi còn sống… tới điện thoại iPhone, Samsung, Nokia để nếu cần thì… gọi về dương thế. Không biết có ai gọi điện về nhắn gửi thêm wifi và cái sạc pin? Không biết đã có cuộc gọi nào nhắc gửi xe hơi mà không có xăng thì làm sao chạy được?



Lại có người dương trần gửi cả hình nhân mỹ nữ để người chết hú hí nơi cõi chết. Chắc họ biết tính hảo ngọt của người đã khuất nên cũng chiều như… chiều vong. Lại cũng có hàng xấp đô la âm phủ để người chết tiêu xài thoải mái, không phải bận tâm bòn rút như ngày còn sống trên dương thế!

Sáu Lèo nghĩ, tiền mua đồ cúng là tiền thật ấy thế mà lại dùng để mua hàng mã. Cúng xong rồi đốt, cũng tựa như các công tử ngày xưa đốt tiền thay đèn để tìm khăn mù-soa cho người đẹp.

Đời thật bất công, có người tiền xài không hết…  mà cũng có người tiền kiếm không ra.



Vốn sinh ra đã là “phó thường dân” nên Sáu Lèo rất an phận, không hề đua đòi “phú quý sinh lễ nghĩa” hay “trưởng giả học làm sang”. Mà chẳng biết có “sang” hay không, hay chỉ là cái thói đua nhau làm những chuyện “ruồi bu” nhân dịp cúng cô hồn!

Sáu Lèo tự an ủi:

“Con vua thì lại làm vua,
Con sãi ở chùa lại quét lá đa.
Bao giờ dân nổi can qua,
Con vua thất thế lại ra quét chùa”

Sáu Lèo lại nghĩ, thời nay làm gì có vua mà chỉ có một trong hai loại người: quan quyền và dân đen. Đến khi thất thế thì bọn quan quyền nào phải “quét chùa” vì chúng đã biến khỏi cái đất nước này.

Trò chơi “ô ăn quan” (2) của trẻ con coi vậy cũng thâm thúy lắm vì thường kết thúc khi ông quan ở hai đầu không còn và khi đó bọn trẻ nói: “Hết quan, hoàn dân”! Thế là xong một ván.



Sáu Lèo tự an ủi mình, thời nay thì “hết quan sẽ về bằng chiếc… quan tài” để trở thành “cô hồn” vất vưởng nơi cõi âm. Thế nên mới có thơ rằng:

“Sinh ra vốn dĩ là dân
Phấn đấu dần dần cũng được thành quan
Hết quan rồi lại hoàn dân
Hoàn dân rồi lại dần dần…  vào quan”.


***
Chú thích:

(1) Trộm vía ông tướng Nguyễn Ngọc Loan, người có biệt danh Sáu Lèo. Chắc ông cũng niệm tình tha thứ trong việc dùng cái tên Sáu Lèo của ông, đó là một cái tên rất bình dân, chất phác trong xã hội Việt Nam. Để tìm hiểu thêm về ông tướng này, bạn đọc có thể tham khảo bài viết “Tướng Nguyễn Ngọc Loan và hức ảnh hành quyết” tại http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/10/tuong-nguyen-ngoc-loan-va-buc-anh-hanh.html

(2) Tham khảo thêm về trò chơi “Ô ăn quan” trên Wikipedia: https://vi.wikipedia.org/wiki/%C3%94_%C4%83n_quan.


***

--> Read more..

Thứ Hai, 12 tháng 8, 2019

“Tam thập lục kế” (3): Mỹ nhân kế


Từ ngàn xưa, và chắc chắn cũng là… ngàn sau, giai nhân trở thành một hình ảnh đẹp luôn được nhắc đến trong văn chương, thi phú. Nhà thơ trữ tình Nguyễn Bính đã không tiếc lời ca ngợi:

“Nàng đẹp, đẹp từ hai khoé mắt,
Làm mờ những ánh ngọc trân châu
Làm phai ánh nước hồ thu thắm,
Làm nhạt bao nhiêu ánh nhiệm màu.”

Không đơn giản chỉ là sắc đẹp của nhi nữ thường tình, người xưa còn đưa phụ nữ vào một trong số “Tam thập lục kế”, cụ thể là kế sách thứ 30, có tên “Mỹ nhân kế”. Tuy là phái yếu, không thể đánh giặc bằng gươm đao, súng đạn nhưng mỹ nhân vẫn thắng được bằng đôi mắt biếc và nụ cười làm có thể làm “khuynh thành, khuynh quốc” hay nói nôm na là “nghiêng thành trì, đổ nước non”.

Người ta đã từng nhìn nhận rằng Thượng Đế sinh ra những người đàn ông “bách chiến bách thắng” nhưng cũng lại sinh ra người đàn bà để khống chế họ! Cũng cùng ý đó, có người lại nhận xét một cách dí dỏm: “Đạn đại bác cũng thua đạn thịt, báng súng không địch được gối bông”!

Anh hùng và mỹ nhân là hai thế lực có thể đối đầu nhau quyết liệt, không khoan nhượng… nhưng cũng có khi họ lại hòa đồng với nhau để tạo thành đôi trai tài - gái sắc. Anh hùng vốn háo sắc và ngược lại, nếu không háo sắc thì không phải là… anh hùng!

Độc tài như Hitler ngày nào vốn tôn thờ chủ nghĩa độc thân nhưng vẫn kín đáo… có người đẹp kề bên! Thế mới có chuyện “chăn gối” biến thành “chiến trường”, phấn son thay gươm giáo, nụ cười thay cung tên. Tất cả những điều trái ngược đó được gói gọn trong một nghệ thuật xử thế: Mỹ nhân kế.

Sử sách Trung Hoa thường nhắc đến “tứ đại mỹ nhân”: Tây Thi, Điêu Thuyền, Vương Chiêu Quân và Dương Quý phi. Sắc đẹp của họ thường được mô tả là “Trầm ngư” (cá phải chìm sâu dưới nước); “Lạc nhạn” (chim nhạn sa xuống đất); “Bế nguyệt” (mặt trăng phải giấu mình) và “Tu hoa” (hoa phải xấu hổ).

Tứ đại mỹ nhân

Nếu Tây Thi có nét đẹp làm cá phải lặn, Vương Chiêu Quân khiến chim nhạn mãi ngắm nhìn quên bay nên rơi rớt, Điêu Thuyền đẹp đến nỗi trăng cũng phải khép, núp vào mây thì Dương Quý Phi mỗi khi ngắm hoa, hoa đều rũ héo vì hổ thẹn!

Tây Thi làm nghề dệt vải tại Trữ La thôn, nàng gặp gỡ và yêu mến một đại thần nước Việt là Phạm Lãi. Việt vương Câu Tiễn bị Ngô vương Phù Sai đánh bại và bắt làm con tin, Phạm Lãi đã dùng kế mỹ nhân để giúp Việt vương.

Tây Thi được chọn là một trong các mỹ nhân tiến cho Ngô vương, và nàng đã khiến Ngô vương say đắm đền độ thả Việt vương về. Việt vương về sau gầy dựng binh lực, đánh bại Ngô vương. Tây Thi – Pham Lãi tở thành một giai thoại nổi tiếng trong lịch sử thời Xuân Thu.

Tây Thi

“Chiêu Quân cống Hồ” lại là một câu chuyện dã sử. Vương Chiêu Quân được nhà Hán tuyển mộ để “làm quà” cho bộ lạc Hung Nô, ngày nay là Mông Cổ. Đó cũng là Mỹ nhân kế, dùng sắc đẹp để mua một thời kỳ hòa bình trong suốt 60 năm giữa nhà Hán và Hung Nô. 

Đời nhà Trần nước ta cũng dùng “Mỹ nhân kế” để mở mang bờ cõi. Huyền Trân công chúa, con gái của vua Trần Nhân Tông, em gái của Trần Anh Tông được gả cho Quốc vương Chiêm Thành là Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô, Lý. Một  năm sau, Chế Mân chết, Huyền Trân công chúa được Trần Anh Tông sai Trần Khắc Chung… đem về lại cố hương. 
 
Vương Chiêu Quân

Điêu Thuyền là một nhân vật dân gian có thật và được hình tượng hóa một cách hoàn thiện bởi La Quán Trung trong bộ truyện “Tam quốc diễn nghĩa”. Triều đình Đông Hán bị suy thoái do sự chuyên quyền của Đổng Trác, một người hung bạo, phá hoại cương thường, bị người đương thời gọi là Quốc tặc.

Tư đồ Vương Doãn áp dụng “Liên hoàn kế” (kế thứ 35) và “Mỹ nhân kế” (thứ 30), dùng Điêu Thuyền khiến Đổng Trác và con nuôi là Lữ Bố đều mê mẩn. Vương Doãn ra kế gả Điêu Tuyền cho Đổng Trác, sau đó lại “chọc quê” Lữ Bố, khiến Bố đang tâm muốn giết Trác để giành lại Điêu Thuyền. Cuối cùng, Đổng Trác bị Lữ Bố giết hại.

Điêu Thuyền

Một cuộc chiến khác cũng xảy ra giữa Đường Huyền Tông và con trai Lý Mạo mà “ngòi nổ” là mỹ nhân Dương Ngọc Hoàn. Nhà vua đem lòng mê mẩn vì sắc đẹp của con dâu và chiếm đoạt nàng, phong làm Dương Quý phi. Câu chuyện cho thấy sắc đẹp của mỹ nhân khiến nhà vua quên hẳn tình phụ tử.

Dương Quý Phi

Qua những câu chuyện của “tứ đại nỹ nhân” trong lịch sử đã qua nói lên sức mạnh “vô song” của những người đẹp. Điều này vẫn đúng cho đến thời nay. “Mỹ nhân kế” đã bị triệt để lợi dụng để làm bước thang leo lên những điểm cao của danh vọng, tiền tài trong nhiều trường hợp.

Không cứ gì người Phương Đông cho rằng sắc đẹp của mỹ nhân là một thứ vũ khí lợi hại, người Phương Tây cũng quan niệm “Sắc đẹp là sức mạnh, nụ cười là lưỡi gươm của nó”.


Có những đức ông chồng nhẫn nhục mang sừng trên đầu để được “vinh thân phì da” nhờ sắc đẹp của vợ. Có những người cha sang trọng hẳn lên nhờ con gái, có những người anh em được “nở mày, nở mặt” nhờ em hay chị gái lót đường.

Trong xã hội thực dụng như ngày nay, “Mỹ nhân kế” đóng một vai trò không kém phần quan trọng trong xử thế hàng ngày. Đã có rất nhiều phụ nữ, tuy bất tài nhưng nhờ nhan sắc bù lại nên có thể chiếm một địa vị cao. Phải nhìn nhận một điều, lỗi một phần ở nơi các xếp đàn ông có tính háo sắc!

Để nói về nhan sắc, người ta thường so sánh sắc đẹp như một tấm hộ chiếu (passport), nhưng kỳ thật không phải vậy, nó chỉ là phần chiếu khán (visa), mà visa hết hạn rất nhanh.

“It has been said that a pretty face is a passport. But it's not, it's a visa, and it runs out fast”.

***

--> Read more..

Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2019

“Tam thập lục kế” (2): Tẩu vi thượng sách


Kế rút lui, hay nói theo một số người là “tẩu vi thượng sách”, là kế cuối cùng trong “Tam thập lục kế” (1). Có người thắc mắc tại sao lại nói đến kế cuối cùng trước khi bàn về những phương kế khác?

Thứ nhất, đây là kế đã được mệnh danh là “thượng sách” trong 36 kế cho nên cần phải bàn đến nó trước. Chuyện Xưa cũng như Nay đã chứng minh, sự lợi hại của kế sách này vượt trội hơn hẳn 35 kế còn lại nên nó xứng đáng để được nói trước.

Thứ nhì, người đời cứ nghĩ nếu rút lui có nghĩa là thất bại. Ít ai hiểu “tìm đường chuồn” lại có những triển vọng sáng sủa trong tương lai. Như vậy, nói một cách khác, lùi một bước để tiến xa hơn. Ta lấy Ngũ Tử Tư làm ví dụ để biện minh cho lập luận này.

Ngũ Tử Tư có người cha bị Sở Vương giết hại, ông một thân một mình phải tìm đường “chuồn” sang nước Ngô với muôn vàn cay đắng, khổ cực. Tại đây, ông được Ngô Vương tin dùng và quay trở về nước Sở, diệt được Sở Vương, trả được thù cha. Như vậy, há chẳng là một “tẩu kế” thượng sách?

Chuyện xưa, tích cũ có rất nhiều cách rút lui. Chuồn nhiều nhất chắc là Lưu Bang, người đã thoát khỏi Bạch Đăng Thành, Hồng Môn Yến nhờ kế của Trương Lương. Trương Lương cũng là “vua chuồn” nên hiến cho người khác kinh nghiệm rút lui của mình.

Bản thân Trương Lương đã lánh họa, thoát thân bằng cách bỏ lên núi tầm sư, học đạo. Cũng chính Trương Lương đã bày cho Hàn Tín qui Hán để đánh Sở trong cuộc chiến “Hán-Sở tranh hùng”. Đó là những cuộc trốn chạy của các võ quan hầu tìm cách gầy dựng lại một cuộc chiến mới.

Thời Xuân Thu, Trùng Nhĩ chạy ra khỏi nước, còn Đường Minh Hoàng lánh nạn ở Tứ Xuyên. Tuy nhiên, có lẽ người “chạy” nhiều nhất là đại gian hùng Tào Tháo. Khởi đầu, Thừa tướng giết hụt Đổng Trác nên phải chuồn, sau đó suốt một đời Tào Tháo lúc nào cũng “hớt hơ hớt hải” khiến “tướng lùn” Trương Tùng tuy khen ngợi mà thành mắng mỏ:

“… Đánh Lã Bố ở Bộc Dương, đánh Trương Tú ở Uyển Thành, đụng Chu Du ở Xích Bích, gặp Quan Vũ ở Hoa Dung, cắt râu vứt áo ở Đồng Quan, cướp thuyền tránh tên ở Vị Thủy… Thế cũng là vô địch trong thiên hạ đấy!”

***

Các bậc anh hùng đều không ít thì nhiều sử dụng “Tam thập lục kế” nhưng cuối cùng “kế rút lui” vẫn là số một chứ không phải là số 36. Chẳng thế mà người ta nhận xét: “Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách” (ba mươi sáu chước, chạy là hơn hết!).

Lưu Bang và cả Ngũ Tử Tư đã dụng kế thứ 21 trong 36 chước có tên là “Ve sầu lột xác” để cao bay xa chạy. Khổng Minh cũng đã từng lui binh khi áp dụng kế thứ 19, “Phô trương thanh thế”. Trong lịch sử, để thoát khỏi sự khống chế của Tần Thủy Hoàng, Tử Phúc đã dùng kế thứ 7, “Từ không thành có”, dẫn người ra nước ngoài tỵ nạn.

***

Trở về với Việt Nam năm 1975. Tại Miền Nam, một cụm từ người ta thường nhắc đến vào thời điểm này là “Di tản Chiến thuật” của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Đó là một hình thức rút lui trong binh pháp nhưng đem lại kết quả “thảm hại” là ngày 30/4/1975.

Trước đó, Quân lực VNCH đòi hỏi kinh phí hoạt động lên tới gần 3 tỷ đôla Mỹ mỗi năm. Khi Mỹ tìm cách rút khỏi Miền Nam, họ giảm viện trợ xuống còn 1,1 tỷ đôla vào năm 1974, nền kinh tế-chính trị lâm vào cuộc khủng hoảng.

Tháng 3/1975, sau khi Phước Long và Ban Mê Thuột thất thủ, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh “tái phối trí”. Đó là một cách rút lui vì bỏ Quân Đoàn 1 và 2 tại Miền Trung, dồn toàn quân về Vùng 3 và 4 để củng cố lực lượng.

Cuộc rút quân tái phối trí dẫn đến thất bại. Hạ tuần tháng 4/1975, ông Thiệu từ chức, các tướng tá tháo chạy, và trong vòng 55 ngày, quân đội VNCH tan rã, chủ yếu vì suy sụp tinh thần và thiếu lãnh đạo.

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đứng trước bản đồ thế giới

Trường hợp “tháo chạy” của VNCH, nếu phân tích một cách cặn kẽ, chỉ là một “con chốt” trong bàn cờ giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng. Những cuộc “đi đêm” của Henry Kissinger, đặc sứ của Tổng thống Nixon, với Bắc Kinh từ năm 1973 đã dẫn đến Hiệp định Paris. Cuối cùng là cuộc “rút quân” của quân đội Mỹ.

Hoa Kỳ chủ trương “tháo chạy” khỏi Miền Nam, cái mà họ gọi là “ra đi trong danh dự”, thực chất chỉ là một đối sách với phong trào phản chiến ngày một gia tăng trong nội bộ nước Mỹ. Trong bối cảnh đó, Miền Nam chỉ là “một con chốt” trên bàn cờ. Người đánh cờ sẵn sàng “thí chốt” bất cứ lúc nào!

Xét cho cùng, cuộc tháo chạy mang lại nhiều hệ lụy đến các bên liên quan. Với VNCH, đó là “người thua cuộc”, với Hoa Kỳ đó là một trang sử mới cho nước Mỹ trên bàn cờ thế giới. Vậy thì, đối với Miền Nam, “tháo chạy” là “hạ sách” nhưng đối với Hoa Kỳ, đó lại là… thượng sách (2).

Hiệp định Paris (1973) dọn đường rút lui cho Hoa Kỳ

“Tẩu vi thượng sách” luôn có hai mặt của vấn đề, tốt cho phía này nhưng lại xấu cho phía kia. Bất luận là đánh nhau bằng văn hay bằng võ, điều rõ ràng là… không ai là có thể thắng hoài hay bại mãi.

“Chạy” cũng có nhiều cách. Bỏ giáp, bỏ vũ khí mà chạy, bỏ đường nhỏ mà chạy tới đường lớn, bỏ đường bộ mà chạy sang đường thủy... Điển hình là cuộc trốn chạy, bỏ nước ra đi, được gọi là “vượt biên” sau ngày 30/4/1975 của người Miền Nam.

"Tẩu kế" cũng chưa chắc là “chạy mất hút” mà có khi “chạy” chỉ là cách để quay trờ lại. Trường hợp cụ thể là những người đã “vượt biên”, họ quay trở lại Việt Nam vì còn thân nhân, bà con và nhất là còn quê hương, nơi họ đã ra chào đời.

“Thuyền nhân” trong một chuyến “Vượt biên”

Ngày nay lại có một hình thức chạy mới của “Tẩu vi thượng sách”: các tham quan tìm cách chạy ra nước ngoài sau khi đã bòn rút của dân trong nước. Theo họ, đây là kế bôn tẩu… đúng lúc nhất!

***

Chú thích:

(1) Tham khảo danh sách “Tam thập lục kế” tại:

(2) Tham khảo tài liệu lịch sử về VNCH, bài phỏng vấn của báo “Der Spiegel” với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tại:

***

--> Read more..

Thứ Tư, 7 tháng 8, 2019

“Tam thập lục kế” (1): Qua cầu… rút ván

Người xưa thường dùng tới 36 mưu kế, còn được gọi là “tam thập lục kế”, để giải quyết sao cho thuận lợi nghiêng về mình. Vấn đề đó có liên quan đến mọi chuyện, lớn cũng như nhỏ, từ chính trị, quân sự cho đến những chuyện xã hội trong xử thế hàng ngày, thậm chí ngay cả trong chuyện tình cảm trai gái.

Ngay trong bản thân từ ngữ “mưu kế” cũng đã nói lên phần nào ý nghĩa tiêu cực của hành động. Mưu kế thường được hiểu theo ý xấu vì chỉ nghĩ đến bản thân mình, lợi cho mình, bất kể đến những hậu quả gây ra cho những người khác. Một trong những âm mưu đó là chuyện “qua cầu, rút ván” mà ngày nay rất nhiều kẻ đã áp dụng.

Người xưa gọi kế đó là “Quá kiều trừu bản” với nghĩa nôm na là qua cầu rồi phá cầu, hay qua sông chặt cầu. Ngày nay, đó là những kẻ đã thành đạt, muốn hưởng riêng thành quả của mình. Họ không nghĩ tới, thậm chí còn “hất cẳng”, những chiến hữu, đồng chí đã từng đồng cam cộng khổ với mình.

Hạng người đó là những nhân vật “công đã thành, danh đã toại”, sống trong vinh quang nhưng lại tìm cách triệt hạ những người đã góp phần tạo dựng hào quang đó. Họ chính là những kẻ “vong ân, bội nghĩa”. Xét cho cùng, những người thân tín, ân nhân trong những ngày “nằm gai nếm mật” sẽ trở thành cái gai trước mắt vì họ đã biết rất rõ về mình.

***

Lưu Bang lúc hàn vi còn đi ăn cắp gà, một tỳ vết xấu xa. Đến khi nên tạo dựng cơ nghiệp sẵn sàng chém đầu một loạt những tay chân thân tín như Hàn Tín, Bành Việt, Anh Bố… bỏ tù Tiêu Hà, Trần Hi, Phàn Khoái. Những người này chỉ có mỗi một tội: “biết quá nhiều”! Trương Lương thấy họa chẳng chóng thì chày cũng đến với mình, nên bỏ trốn lên rừng tu tiên học đạo.

Phạm Lãi đã có một nhận xét về Việt vương Câu Tiễn: “Con người này cổ dài, mõn nhọn, có thể cùng chung hoạn nạn mà lại không thể chung ngọt bùi”. Nhận xét này quả là sâu sắc. Đến lúc diệt Ngô thành công, Phạm Lãi lặng lẽ từ quan bỏ trốn, thay đổi họ tên.

Ông lênh đênh khắp nơi và kết quả là được sống ung dung, hưởng thọ đến già. Bạn bè của ông đa số vì còn ham phú quý nên không tránh khỏi việc bị Câu Tiễn nghi kỵ và đã trở thành những “cô hồn” vì bị thác oan bởi kẻ “qua cầu, rút ván”.

***

Nguyên do thầm kín của những kẻ “qua cầu, rút ván” nằm ở những điều SợKhông Sợ. Họ sợ nghe lại chuyện cũ, sợ gặp lại người xưa và sợ cái dĩ vãng xấu xa của mình. Họ không sợ vì hiện tại đã được hào quang che phủ nên hành động một cách độc đoán, sắt máu và tàn nhẫn.

Ngày nay, ta gọi đó là những cuộc thanh trừng, thanh lọc… để đi đến một cuộc… “thanh lý” nội bộ. Ngay cả đến những cá nhân thành đạt cũng triệt để áp dụng kế “qua cầu, rút ván” để trừ khử những bạn bè ngày xưa chỉ vì… họ biết quá nhiều điều xấu về bản thân mình.

Xưa và Nay đều có những điều vẫn gặp nhau. Thời gian không còn là vấn đề vì thời thế bao giờ cũng vậy!   

***

“Qua cầu, rút ván” là kế thứ 27 trong 36 kế của người xưa, hay còn gọi là “tam thập lục kế”. Chúng tôi sẽ có những bài viết bàn về các mưu kế này khi có dịp thuận tiện:

1. Dấu trời qua biển
2. Một tên hai đích
3. Mượn dao giết người
4. Lấy kẻ nghỉ ngơi đánh người mệt mỏi
5. Mượn lửa cướp của
6. Giương đông kích tây
7. Từ không thành có
8. Ngầm vượt bến Trần Thương
9. Chỉ chó mắng mèo
10. Mượn xác hoàn hồn
11. Thuận tay đắt bò
12. Biết rõ cố làm ngơ
13. Điệu hổ ly sơn
14. Muốn bắt thì hãy thả
15. Rút củi đáy nồi
16. Đi trước một bước
17. Động cỏ làm rắn sợ
18. Rơi xuống giếng còn ném đá
19. Phô trương thanh thế
20. Khách biến thành chủ
21. Ve sầu lột xác
22. Bỏ thây gieo vạ
23. Giết gà răn khỉ
24. Trộm rồng thay phượng
25. Bắt giặc phải bắt tướng
26. Đóng vai lợn ăn thịt hổ
27. Qua cầu rút ván
28. Mận chết thay đào
29. Bỏ cục đất cất thoi vàng
30. Mỹ nhân kế
31. Kế kích tướng
32. Không thành kế
33. Kế phản gián
34. Khổ nhục kế
35. Liên hoàn kế
36. Kế rút lui

***

--> Read more..

Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2019

Lấy của ban ngày!


Nguyễn Văn Ngọc (1890-1942), hiệu là Ôn Như, hoạt động trong nhiều  lĩnh vực của đời sống xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX. Ông là nhà giáo, nhà sưu tầm văn học dân gian, nhà nghiên cứu văn học, nhà hoạt động văn hóa. Ông đã từng làm Đốc học tỉnh Hà Đông, Hội trưởng Hội Ái hữu các nhà giáo, Phó hội trưỏng Hội Phật giáo Hà Nội.

Sách ông viết gồm đủ các loại như biên soạn, khảo cứu. Các tác phẩm phải kể đến “Nhi đồng lạc viên”, “Phổ thông độc bản”, “Giáo khoa văn học Việt Nam”, “Đông Tây ngụ ngôn”, “Nam thi hợp tuyển”, “Tục ngữ phong dao”, “Truyện cổ nước Nam”, “Thơ Nôm và hát nói”, “Đào nương ca”...

Tuy nhiên, nổi bật hơn cả là bộ sách “Cổ học tinh hoa” soạn chung với Từ An Trần Lê Nhân (1877-1975). Tác phẩm gồm 2 quyển, trong đó có 250 mẩu chuyện ngắn, các tác giả đã đem đến cho người đọc cách nhìn về cuộc sống và con người, cách xử sự sao cho phù hợp với từng nơi, từng lúc.


Có thể nói, đó là cuốn sách “dạy làm người”, là cái “túi khôn” rất cần thiết không chỉ cho xã hội lúc bấy giờ mà cho cả hôm nay và mãi về sau. Trong phần “Tiểu tự” đầu cuốn sách, tác giả viết:

“Có mới, nới cũ” thường tình vẫn thế. Tân học mỗi ngày một tiến, tất Cựu học phải lùi và có khi sợ rồi mai một đi mất.

“Nhưng, Tân học mà hay, tất là Tân học có một nền tảng vững chắc. Nền tảng ấy tức là tinh hoa của Cựu học. Cựu học nước nhà là một thứ học trải qua bao nhiêu đời, đã làm cho ông cha ta phù thực được cương thường, chấn chỉnh được phong hóa, bảo tồn được quốc thể, duy trì được thế đạo nhân tâm, thật không phải là một cái Học không có giá trị đáng khinh rẻ hay quên bỏ được.

“Vả chăng… ta đã biết truyện đời nay, ta lại cần phải học truyện đời xưa, ta ôn lại việc đời xưa mà ta rõ được việc đời nay, có như thế, thì cái Học của ta mới không đến nỗi khiếm khuyết. Vì, tuy chia làm cổ, kim, nhưng chẳng qua cũng chỉ là buổi sớm, buổi chiều trong một ngày của trời đất, kẻ học giả mà câu nệ chấp nhất, chỉ biết cổ không muốn biết kim, hay chỉ biết kim không muốn biết cổ, thì sao gọi là "bác cổ thông kim" được!

(hết trích)

Trong bài viết này, chúng tôi xin bàn đến chuyện “Lấy của ban ngày” do Nguyễn Văn Ngọc – Trần Lê Nhân biện soạn trong “Cổ học tinh hoa”. Chuyện như sau:

“Nước Tấn có kẻ hiếu lợi một hôm ra chợ gặp cái gì cũng lấy. Anh ta nói rằng:

“Cái này tôi ăn được, cái này tôi mặc được, cái này tôi tiêu được, cái này tôi dùng được.”

“Lấy rồi đem đi. Người ta theo đòi tiền. Anh ta nói:

“Lửa tham nó bốc lên mờ cả hai con mắt. Bao nhiêu hàng hóa trong chợ tôi cứ tưởng của tôi cả, không còn trông thấy ai nữa. Thôi, các người cứ cho tôi, sau nầy tôi giàu có, tôi sẽ đem tiền trả lại”.

“Người coi chợ thấy càn dỡ, đánh cho mấy roi, bắt của ai phải trả lại cho người ấy. Cả chợ cười ồ. Anh ta mắng:

“Thế gian còn nhiều kẻ hiếu lợi hơn ta, thường dụng thiên phương, bách kế ngấm ngầm lấy của người. Ta đây tuy thế, song lấy giữa ban ngày so với những kẻ ấy thì lại chẳng hơn ư? Các ngươi cười ta là các người chưa nghĩ kỹ!”

(hết trích)

Lời bàn của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc – Từ An Trần Lê Nhân:

“Đã là kẻ thấy của tối mắt, tham vàng bỏ nghĩa, thì dù ít, dù nhiều cũng là đáng khinh cả, song đem những kẻ mặt to, tai lớn, vì ham mê phú quý mà lường thầy, phản bạn, hại ngầm đồng bào so với những quân cắp đường, cắp chợ giữa ban ngày để nuôi miệng thì tội đến nặng hơn biết bao nhiêu. Thế mà trách đời chỉ biết chê cười những quân trộm cướp vặt chớ không biết trừng trị những kẻ đại gian đại ác”.


Lời bàn của người thời nay:

Bỏ qua những yếu tố chính trị hiện tại, chúng ta chỉ bàn đến yếu tố xã hội đương thời. Quả là một thời buổi nhiễu nhương khi mọi người luôn luôn chỉ mang trong đầu óc cái tư tưởng… “Lấy của ban ngày”!

Ngày nay, đất nước này được coi như “cái chợ”, nơi mà từ những kẻ cắp nuôi thân đến quan chức nắm quyền sinh sát nuôi gia đình, dòng họ của mình đều chung một mục đích… lấy của giữa ban ngày!  

“Chuyện xưa -  Chuyện nay” sao lại giống nhau đến thế!

“Cổ học – Tân học” gặp nhau ở chỗ phải trừng trị những kẻ đại gian, đại ác, cũng không loại trừ cả những quân trộm cướp vặt.

Có như thế mới tạo dựng một xã hội mới đáng sống. Nếu không, cái chợ đời này sẽ đi đến chỗ diệt vong!

***

--> Read more..

Popular posts