Thứ Hai, 29 tháng 6, 2020

Năm ngày trong khu tự trị Seattle

Ngày 20/6/20020 New York Post đăng bài viết “My terrifying five-day stay inside Seattle’s cop-free CHAZ” của phóng viên người Việt, Andy Ngo (*). Anh là người đã sống 5 ngày kinh hoàng tại khu vực được mệnh danh là “tự trị không cảnh sát” ở thành phố Seattle, tiểu bang Wahsington, Hoa Kỳ.

Phóng viên Andy Ngo

Theo lời kể của Andy Ngo, ngày Thứ Sáu, 8/6/2020, cảnh sát thuộc khu vực phía đông thành phố rút khỏi nhiệm sở trong hoảng loạn, bỏ lại cơ quan công lực hoang vắng trước sức ép của người biểu tình. Chỉ ngay trong đêm đó, những người thuộc cánh tả phong trào Black Lives MatterAntifa tuyên bố họ đã kim soát sáu khu vực trong Capitol Hill.

Những khu này được mệnh danh là “Capitol Hill Autonomous Zone (CHAZ)” (khu vực tự trị Capitol Hill), được gọi tắt là CHAZ, còn có tên CHOP (Capitol Hill Occupied Protest). Hoàn toàn không có một quy định luật pháp nào được công bố, ngoại trừ một điều: “Cảnh sát không được phép vào”!  Andy Ngo kể lại:

“Trong suốt 5 ngày đêm tại đây, tôi đã chứng kiến tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ và bạo lực, cướp bóc. Tôi phải dấu kín việc mình là phóng viên vì đã có nhiều đồng nghiệp đã bị trục xuất khỏi khu vực. Tôi ở trong một nhà trọ tồi tàn, thiếu tiện nghi tối thiểu, phải ăn mặc như những người biểu tình khác, trùm kín mình và luôn đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài”.

Bảng chào mừng đến Khu Tự Trị CHOP

Mỗi ngày Andy Ngo thường ra đường vào buổi chiều và tối, đó là những thời điểm hoạt động mạnh nhất của đám người biểu tình. Vào sáng Thứ Bảy có một vụ nổ súng ở khu vực kiểm soát giữa nằm giữa khu tự trị và phía bên ngoài. Một người chết và một người bị thương tại vùng “biên giới”, cảnh sát đã dùng xe cứu thương để chở các nạn nhân rời hiện trường.  

Cảnh sát cũng bắt Robert James khi anh ta rời khu CHAZ. Anh ta bị bắt giữ vì đã tấn công tình dục một phụ nữ bị khiếm thính trong một căn lều. Cũng trong ngày Thứ Năm, Isaiah Willoughby, cựu ứng cử viên hội đồng thành phố bị bắt vì nghi ngờ đã thành lập một kho vũ khí để tấn công đồn cảnh sát phía đông.  

Cảnh sát trưởng Carmen Best cho biết các cuộc điện thoại đến số 911 tăng gấp ba bình thường: “Người ta thường gọi đến 911 khi bị cướp bóc hoặc bị hãm hiếp. Nhưng trong những ngày này lực lượng cảnh sát không thể đến nơi để giải quyết”.

Một địa điểm cung cấp thức ăn nóng

Số “dân quân” bảo vệ khu tự trị có thể lên đến hàng ngàn người tùy theo tình hình trong ngày. Đây là khu vực có nhiều cửa hiệu buôn bán và đồng thời cũng là nơi lý tưởng để những người đồng tính luyến ái thường tụ tập.

Trước khi khu vực phía đông bị “thất thủ” đã xảy ra nhiều cuộc đụng độ giữa cảnh sát và những người bạo động, kết quả là nhiều cảnh sát đã bị thương vì gạch, đá và bất cứ vật gì có thể tấn công. Người biểu tình cho rằng cảnh sát đã quá hung bạo và kết quả là Thị trưởng Jenny Durkana ra lệnh cấm nhân viên công lực xử dụng hơi cay, đạn cao su trong vòng 30 ngày.

Tại Seattle sau khi cảnh sát “sơ tán”, những người biểu tình mang mặt nạ dùng những phương tiện sẵn có của thành phố để tạo rào cản bảo vệ khu tự trị. Những rào cản đó trở thành “biên giới” của CHAZ nhỏ bé nằm trong quốc gia một nước lớn là Hoa Kỳ.

Một biểu ngữ: “Vùng không có heo…” (ám chỉ cảnh sát)

Một thủ lãnh của CHAZ là phụ nữ, có biệt danh là “Creature”. Cô liên lạc với những người trong toán bằng máy walkie-talkie có gắn ống nghe trên tai. Một số họ có mang súng trường, súng ngắn, gậy gộc hoặc dao nhọn.

“Tổng hành dinh” của nhóm là một quán ăn ngoài trời mang tên “Rancho Bravo Tacos Mexican Restaurant”. Xung quanh quán đặt những bảng “Cấm chụp hình”, “Cấm quay phim”.

Dù không công bố bất kỳ luật lệ nào nhưng người ta thấy người biểu tình thực thi nhiều cách hành xử khác nhau tùy theo khu vực và cũng tùy vào giờ giấc trong ngày. Chẳng han như khu vườn hoa, nơi có nhiều cư dân da trắng, sẽ được bảo đảm là những cư dân này không thể “tái chiếm” lãnh thổ của khu tự trị!

Khách hàng trong quán cà phê có mang vũ khí trong Khu Tự Trị

Báo chí cánh tả, còn gọi là “lề phải”, thường nói đến “tinh thần của khu tự trị” qua việc nhắc lại những quan điểm của thị trưởng Seattle. Bà này cùng với Thống đốc Jay Inslee, đều là người của đảng Dân chủ, vẫn thường mô tả người trong CHAZ sống trong bầu không khí yên bình, bất bạo động.

Một số phóng viên đã được mời đến để chứng kiến tận mắt cảnh người trong khu tụ họp trong những buổi tiệc thịt nướng BBQ trên đường phố, họ mang theo cả con nhỏ để vui chơi. Thậm chí có người còn dẫn con cái đến bảo tàng để chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật.

Trang trí nghệ thuật

Trở ngại lớn nhất tại khu tự trị là không có người lãnh đạo chính thức, chỉ có những “thủ lãnh” nổi lên trong từng khu vực. Chẳng hạn như ca sĩ nhạc rap Raz Simone vẫn hàng đêm dẫn toán tuần tra quanh khu vực. Simone gốc người tiểu bang Georgia đã từng có hồ sơ liên quan đến việc bạo hành trẻ em.

Cuối tuần trước Simone đã xuất hiện trên một video được livestream có cảnh anh xử lý một người lái xe khi phát hiện một khẩu súng trường trong xe. Không phải là tất cả mọi người đều đồng tình với cách xử lý đó nhưng chẳng có ai đứng ra bênh vực.

Nhà báo độc lập Kalen D’Ameida từ Los Angeles đã chứng kiến cảnh người của Simone bắt giữ tài xế và yêu cầu giao nạp điện thoại. Một người biểu tình đã giữ phóng viên và đưa về lều an ninh. Nhưng D’Ameida đã trốn thoát trong một khu vực đang xây dựng.

Ca sĩ nhạc Rap, Raz Simone, một trong những thủ lãnh nổi bật trong Khu Tự Trị

Cư dân sống trong CHAZ có khoảng 30.000 người hầu như cũng không có tiếng nói trước những người chủ mới của khu tự trị. Ban đêm người ta vẫn thường nghe tiếng súng và những tiếng la hét vì sợ hãi. Một cư dân sống trong chung cư đã hai lần xin người biểu vực rút khỏi khu vực sinh sống của họ nhưng chỉ nhận được những hành động xua đuổi.

Các cửa hàng và ngay cả nhà riêng trong CHAZ đã bị tràn ngập với những khẩu hiệu viết trên tường. Hầu hết các khẩu hiệu xoay quanh chủ đề “Black Lives Matter”, “George Floyd”, cũng có khẩu hiệu kêu gọi “Tiêu diệt cảnh sát”. Bảng hiệu của cửa hàng đôi khi bị sơn đè lên với dòng chữ “ACAB”, chữ viết tắt của All cops are bastards”, tất cả lũ cảnh sát đều là những tên khốn kiếp!   

Việc kinh doanh tại CHAZ cũng bị ảnh hưởng. Công ty Trader Joe’s Capitol Hill thông báo đóng cửa ngay lập tức và vô thời hạn vì lý do an ninh. Khoảng 100 người biểu tình đã tấn công một tiệm sửa xe để giải cứu một “đồng chí” bị giữ tại đây.

Theo báo cáo của cảnh sát, một người chủ tiệm tên John McDermott đã ngăn cản Richard Hanks khi anh ta cướp phá tài sản trong tiệm và có ý định đốt cửa hàng. Người chủ tiệm và con trai gọi cho cảnh sát rất nhiều lần nhưng không hiệu quả vì họ không thể đột nhập vào CHAZ.

Các cửa hàng bên trong CHAZ

Một số người tình nguyện tìm cách “hạ nhiệt” bầu không khí bạo động, họ lập một “hàng rào bằng người” để thay cho hàng rào kim loại. Đây cũng là một cơ hội hiếm có để cư dân hành động thay cho cảnh sát.

Trong hỗn loạn, hoạt động buôn bán ma túy bùng phát tại CHAZ nhưng cũng phải kể đến những nghĩa cử cao đẹp của cư dân. Những đợt cứu trợ đến dồn dập giúp giải tỏa mối lo thiếu thốn lương thực.

Có một hợp tác xã hoạt động dưới tên “No Cop Co-Op” đã cung cấp rau quả, bên cạnh đó là một “nông trại” bắt đầu hình thành qua hình thức trồng trọt với những kỹ thuật phải nói là rất “lạc hậu”. Lại có một nông trại dành riêng cho người da mầu, còn phục vụ cà phê miễn phí.

Người biểu tình kéo lê một người “gây rối” tại CHAZ

Những nhóm chính trị cánh tả nhân cơ hội này tiếp nhận thành viên mới qua tên gọi “Nước Dân chủ Cộng hòa Hoa Kỳ” hay “Những người Cách mạng Xã hội chủ nghĩa Seattle”. Đó là ý thức hệ chính trị mang màu sắc của Antifa vốn chủ trương “phong tỏa, chiếm đóng và phản công”.


Người qua lại giữa "biên giới"


Chuyện gì sẽ xảy ra nếu đòi hỏi không được đáp ứng? Andy Ngo kể lại lời tuyên bố của một phụ nữ trẻ có nguồn gốc từ Châu Phi:

“Hãy đáp ứng nhu cầu của dân hoặc chuẩn bị để đáp ứng bằng mọi cách cần thiết… Đó không chỉ là lời cảnh báo… Tôi sẽ cho người dân biết điều gì sẽ xảy ra sau đó”.

***
Chú thích:
(*) Andy Ngô, tên Việt là Andy Cường Ngô, đã viết tweet rằng anh ta "bị tấn công bởi antifa," được ghi lại trong một đoạn video do phóng viên Jim Ryan của nhật báo The Oregonian quay hình, đã được xem gần 10 triệu lần trên Twitter chỉ trong một ngày. Một trang GoFundMe cho blogger bảo thủ Andy Ngô đã huy động được hơn $100.000 Mỹ kim trong vòng chưa đầy 24 giờ bởi hơn 3.000 người đóng góp, vượt qua mục tiêu $50.000 được đặt ra lúc ban đầu.

Xem Video "Nhà báo bảo thủ Mỹ gốc Việt Andy Ngô bị Antifa đánh ở Portland" https://www.youtube.com/watch?v=wnBNs8loct8&feature=youtu.be&fbclid=IwAR2mxC6FQGuQ4n48nv8eVQKK7wgfqKUBnSMvpuR0TbiZYqZ92MEr7E_pv-s
***
Nguyên văn bài viết của Andy Ngo trên New York Post: https://nypost.com/2020/06/20/my-terrifying-5-day-stay-inside-seattles-autonomous-zone/

(Hình ảnh đi kèm là của New York Post)

***

--> Read more..

Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2020

Cuộc hội ngộ đồng nghiệp… quốc tế


(23/6/2020)

Hai chữ “quốc tế” tôi dùng trong tựa đề bài viết này có phần hơi quá. Còn “đồng nghiệp” thì lại hơi bị… “khiên cưỡng”. Nhưng thôi, cứ tạm dùng cái tít này để kể lại một cuộc hội ngộ kỳ thú giữa 3 người… đồng nghiệp.

Chúng tôi gặp nhau qua sự sắp xếp của Michael Burr. Chắc các bạn còn nhớ, Mike là người Mỹ và cũng là cựu giảng viên Anh ngữ tại trường Sinh ngữ Quân đội. Anh trở lại sống tại Việt Nam mấy năm gần đây chỉ vì yêu thích nhiếp ảnh. Ngoài thời gian săn ảnh tại xứ Việt, anh còn sang Cao Miên (Kampuchia) để thay đổi đề tài và cũng để gia hạn visa.

Mike nhắn tin có một anh bạn từ New York hiện đang ở chơi Sài Gòn cho đến tháng 9. Anh tên Joseph Bellino, cũng có một thời làm công việc “repeat after me”, có nghĩa là dạy tiếng Anh cho khóa sinh Không quân với bộ sách American English Course.

ALC là bộ sách tiếng Anh dùng để huấn luyện quân nhân người Việt chuẩn bị sang Mỹ để học các ngành chuyên môn. Khóa sinh có thể là những quân nhân được tuyển chọn từ cả 3 binh chủng Hải-Lục-Không quân, chúng tôi dùng bộ sách 8 cuốn này, từ vỡ lòng cho đến trung cấp, để dậy tiếng Anh căn bản trước khi họ lên đường qua Hoa Kỳ học về chuyên môn.

Cả hai đều là bạn của tôi trên Facebook nhưng đây là lần đầu tiên tôi gặp Joe “bằng xương, bằng thịt” ngoài đời. Chúng tôi đều là thế hệ “baby-boomer”, sinh ra sau cuộc chiến tranh thế giới thứ nhì, và đã cũng đã từng mặc áo lính dạy học trong thời chiến tranh Việt Nam nên gọi là “đồng nghiệp” chắc cũng không… nói quá!

Chúng tôi nay đã ngoài 70, Mike còn đội chiếc mũ mang dòng chữ “Vietnam Veteran” để đến với cuộc hội ngộ “bỏ túi”. Cả ba đều có những bộ râu bạc, riêng Mike giờ đã có vẻ “lụ khụ”, yếu hơn một năm về trước, tôi phải đưa tay để đỡ khi anh ngồi xuống ghế.

Ấn tượng đầu tiên khi gặp Joe là anh… mất một chiếc răng cửa nên trông rất… ông già! Sau 2 năm ở Việt Nam, anh trở về Căn cứ Không quân Lackland, San Antonio, Texas. Nơi đây có Defense Language Institute mà tôi đã từng học khóa căn bản giảng viên Anh ngữ năm 1971 và 2 năm sau trở lại với khóa tu nghiệp.

Joe tỏ ra rất khoái khi tôi kể lại tên của một số thầy cô như Eagle, Spence, Hernandez... Anh cho biết cô Eagle và thầy Spence đã qua đời và Hernandez vẫn còn sống! Joe sinh ra ở xứ cao bồi Texas nhưng sau chuyển về New York. Anh nói, “cũng may” khi đến Việt Nam vào mùa đại dịch, nơi còn tương đối yên ổn hơn New York, vừa bị dịch Corona là vừa chịu nạn “Black Lives Matter”!

Tuy dậy cùng trường nhưng hồi cuối thập niên 60 chúng tôi chưa hề quen biết nhau chỉ vì Sinh ngữ Quân đội có rất nhiều chi nhánh để đào tạo đủ các binh chủng và kể cả các lớp “trung sĩ thông dịch viên” cho những quân nhân làm việc cạnh MACV trong thời chiến tranh.

Thế là 3 “ông già” ngồi tâm sự về thời còn trẻ theo nghiệp “repeat after me”. Mike đem theo laptop để cho Joe xem lại những tấm hình của thời các khóa sinh Không quân từ Tent City xếp hàng, đi bộ qua trường Sinh ngữ để học Anh văn. Joe nhiều lúc chăm chú nhìn vào bảng tên khóa sinh, anh nói “biết đâu đó là người quen”.

Mãi đến 12 giờ tôi mới xin phép “rút lui” vì… ngồi lâu quá nên thấy mệt. Mike và Joe còn ngồi lại để tiếp tục cuộc hội ngộ các đồng nghiệp. Thế là chỉ còn hai anh Mỹ ngồi trong quán cà phê ở Sài Gòn để ôn lại những kỷ niệm về Việt Nam.

***

Cuộc hội ngộ giữa Sài Gòn

Ba đồng nghiệp dưới một mái trường ngày ấy

Cựu giảng viên Michael Burr

Cựu giảng viên Joseph Bellino

Cuộc hội ngộ giữa hai cựu chiến binh trên đất nước Việt Nam

Joe chăm chú đọc bản tin của AFLS

Bản tin về sinh hoạt của trường Sinh ngữ Quân đội nhân kỷ niệm Thập tứ chu niên ngày thành lập trường

Những kỷ niệm về Việt Nam mà Mike còn giữ được

Đây là bản đồ Saigon-Cholon mà Mike nua tại PX với giá 26 cents!

Mike và Bằng tưởng lục của VNCH và trên đều anh đội chiếc mũ Vietnam Veteran

Bằng tưởng lục  của Bộ quốc phòng VNCH dành cho Mike với chữ ký của Thiếu tường Phan Trọng Chinh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quân huấn

Một thoáng nhìn lại những ký ức ngày xưa

Các khóa sinh Không quân VNCH tại trường

Chỉnh lại cặp mắt kính để nhìn cho rõ!

Joe trước hình ảnh Tent City dành cho khóa sinh Không quân ngày nào

Tent City, nơi các khóa sinh Không quân tạm trú trong thời gian học sinh ngữ

Một dịp để nhìn lại các khóa sinh xếp hàng đi bộ từ Tent City qua trường sinh ngữ để học Anh văn

Hình Michael Burr chụp mấy năm trước để thấy thời gian khiến con người thay đổi về vóc dáng, hình hài

***

--> Read more..

Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2020

Viết ngắn nhân ngày 19 tháng 6

(19/6/2020)

Đối với các cựu quân nhân của Sài Gòn xưa chắc hẳn ngày 19/6 gợi lại một chút gì đó của quá khứ. Đó là Ngày Quân lực Việt Nam Cộng hòa được tổ chức hàng năm, lần đầu tiên vào ngày 19 tháng 6 năm 1965 cho đến năm 1975.

Đó cũng là ngày mà tập thể chiến sĩ VNCH chính thức lên nắm giữ cả hai vai trò quân sự lẫn hành chính tại Miền Nam Việt Nam qua một buổi lễ ra mắt trước quốc dân và quốc tế. Ủy ban Lãnh Ðạo Quốc gia (do Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu làm Chủ tịch) và Ủy ban Hành Pháp Trung ương (do Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ tịch) được thành lập tại thủ đô Sài Gòn.

Với 3 điều tâm niệm, “Danh dự - Tổ quốc - Trách nhiệm”, người lính VNCH đã làm hết sức mình để bảo vệ Miền Nam nhưng bàn cờ lịch sử của thế giới đã xoay chuyển theo một bước ngoặt chính trị dẫn đến ngày 30/4/1975. Kể từ đó, ngày 19/6 chỉ còn sót lại trong hoài niệm của người Việt trong nước cũng như hải ngoại.   

Một sự tình cờ ngẫu nhiên, tôi sinh ra vào ngày 19/6/1946 tại một ngôi là nhỏ có tên làng Và ở tỉnh Vĩnh Yên, ngày nay gọi là Vĩnh Phúc. Khi đó đang xảy ra cuộc đụng độ giữa Việt Nam Quốc dân đảng và Việt Minh. Mẹ tôi và chú bé sơ sinh nằm một mình trong cuộc chiến vì bố tôi còn lo chuyện chiến sự.

Mãi đến chiều tối mới có người thuộc lực lượng Quốc dân đảng đến chăm sóc hai mẹ con. Tuổi thơ của tôi từ đó sặc mùi thuốc súng cho đến khi tản cư về Hà Nội. Đó là nơi chúng tôi tìm được chút bình yên trong khi cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn.

Năm 1953 gia đình chúng tôi vào Đà Lạt trước khi Hiệp định Geneve chấm dứt một năm sau đó. Quả là một cuộc đời đầy binh lửa, sóng gió, dàn trải từ Miền Bắc vào Miền Nam. Tất cả bắt đầu từ ngày 19/6 nên bài viết ngắn này mang cùng tên... 19/6 “định mệnh”.

***   

* Video “Ngày Quân lực Việt Nam Cộng hòa 19-6-1971 và 19-6-1973: https://www.youtube.com/watch?v=GCANWgxlnTc

***

Ngày Quân lực VNCH

Ngày Quân lực VNCH

Hà Nội, 1949. Mẹ tôi & tôi chụp cùng 2 đứa em

Hà Nội, 1949. Tôi và người em trai (đã mất ngay từ khi còn bé)

Hanoi, 1952

Đà Lạt, 1954 (khoe Bảng Danh Dự!) 


Tôi và bố tại quân trường Thủ Đức 


Tôi của ngày hôm nay

***











--> Read more..

Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2020

Luân lý giáo khoa thư: Bàn về chuyện ăn uống

“Quốc văn giáo khoa thư”“Luân lý giáo khoa thư” là hai bộ sách giáo khoa tiếng Việt được dạy song hành ở các trường Tiểu học tại Việt Nam trong suốt những thập niên thuộc nửa đầu thế kỷ 20.

Nhóm biên soạn sách gồm các ông Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận – đều là những học giả, nhà văn, và là nhà giáo dục nổi tiếng, đương thời rất được tín nhiệm. Công việc biên soạn sách của họ còn mang tính định hướng của một nền giáo dục.

Việc dạy song hành hai bộ sách “Quốc văn giáo khoa thư”“Luân lý giáo khoa thư”  từ lớp Đồng ấu, lớp Dự bị đến lớp Sơ đẳng ở bậc Tiểu học cho thấy vấn đề luân lý, đạo đức và công dân giáo dục không chỉ là một tiết học mà là một nội dung lớn xuyên suốt quá trình phát triển trí óc và tâm hồn trẻ thơ.



Chúng tôi đã giới thiệu “Quốc văn giáo khoa thư” qua bài viết “Nhìn lại sách “Quốc văn giáo khoa thư” (https://chinhhoiuc.blogspot.com/2020/06/nhin-lai-sach-quoc-van-giao-khoa-thu.html). Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chọn đề tài về chuyện ăn uống trong số 62 đề tài của “Luân lý giáo khoa thư” qua 65 trang sách.

Bình luận về các đức tính, tốt cũng như xấu, cuốn sách bàn đến các hiện tượng như Tính ôn hòa, Tính nhẫn nại, Tính hay trạnh lòng, Tính hung tợn, Tính hèn nhát, Tính trễ nải, Tính lười biếng, Tính hay nói xấu, Tính hà tiện, Tính xa xỉ, Tính tiết kiệm…

Thật ra thì tính tham ăn được bàn đến hai lần ở bài 17 (Ăn uống có điều độ) và bài 18 (Tham ăn). Ở bài đầu, các tác giả khẳng định: “Ăn uống phải có điều độ. Đói thì hãy ăn, khát thì hãy uống, mà bao giờ cũng cho vừa phải, đừng ít quá, cũng đừng nhiều quá. Ăn uống có đều độ thì người mới khỏe mạnh”.

Trong phần giải thích, các tác giả dẫn chuyện “Thuốc tràng sinh” của một ông thầy thuốc đã ngoài 80. Bí quyết sống vui, sống khỏe của ông chỉ là việc ăn uống có điều độ. Bài học luân lý được kết thúc bằng một câu cách ngôn: “Ăn để mà sống, chứ không phải sống để mà ăn”.




Ở bài 18 “Tham ăn” được định nghĩa một cách đơn giản: “Tham ăn là một nết rất xấu. Người ta phải ăn thì mới sống, nhưng kẻ tham ăn thì hình như sống để mà ăn. Ta chớ nên tham ăn. Nhiều khi chỉ vì miếng ăn mà phải chịu nhục và hại đến thân”.

Ý nghĩa của bài luân lý được dẫn chứng bằng chuyện một cậu bé tên Tí được mẹ cho phép lấy kẹo trong hũ, nhưng vì quá tham lam nên Tí bốc một nắm to nên không thể nào rút tay ra khỏi hũ, cậu khóc hu hu! Và bài học được đúc kết bằng một câu: “Tham thực cực thân”.




Chuyện trong “Luân lý giáo khoa thư” tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng chắc chắn đã để lại nhiều suy nghĩ trong đầu óc trẻ thơ còn đang cắp sách đến trường. Không những thế, chuyện xưa vẫn còn mang tích cách giáo dục đến những người đương thời.


“Luân lý giáo khoa thư” - Sách in lần thứ bảy, 1933 

Có một lúc nào đó, những kẻ tham ăn (kể cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) chợt thấy rằng mình đã “ăn” quá nhiều. Ăn không chừa một thứ nào!


“Luân lý giáo khoa thư” - Sách tái bản sau năm 1975

***
--> Read more..

Thứ Tư, 10 tháng 6, 2020

Ngựa & Người


Người và ngựa vốn gắn bó với nhau từ khoảng 4.000 năm Trước Công Nguyên, trong đó ngựa đóng vai trò của một “chiến mã” bên con người, rong ruổi trên khắp hành tinh này.

Bên trời Âu mổi tiếng có “Con ngựa thành Troa” (The Trojan Horse) trong thần thoại Hy Lạp. Con ngựa khổng lồ này chỉ bằng gỗ nhưng quân Hy Lạp đã sử dụng để chiến thắng quân Troa theo kế cùa Odyssey trước khi rút lui.

Ngựa gỗ chứa bên trong toàn lính nhưng người Troa lại tưởng rằng đây là món quà tạ lỗi của quân Hy Lạp đền bù cho bức tượng Athena đã bị phá hủy. Quân Hy Lạp trong bụng ngựa sau đó đã xông ra đánh và mở cổng thành cho quân bên ngoài vào để thôn tính thành Troa!

Cũng theo truyền thuyết của Tầu từ thời Tam quốc, có một con ngựa màu đỏ được gọi là “Xích Thố” đã từng qua tay rất nhiều chủ. Người đầu tiên là Đổng Trác, tướng nhà Đông Hán, sau Đổng Trác lại tặng ngựa cho Lã Bố để “tả xung hữu đột” trên chiến trường.

Lã Bố trúng kế của một đại thần nhà Đông Hán, giết chết Đổng Trác nhưng Lã Bố cuối cũng bị Tào Tháo giết, ngựa Xích Thố thuộc về Tào Tháo. Tháo lại tặng ngựa cho người hùng Quan Vũ nhưng Vũ lại một lòng trung thành với người anh em kết nghĩa Lưu Bị nên cưỡi Xích Thố trở về với họ Lưu.

Các chàng cao bồi xứ Cờ Hoa thời Wild Wild West cũng gắn bó với ngựa như một người bạn thân thiết. Điển hình là nhân vật chuyện tranh Lucky Luke với chú ngựa Jolly Jumper, được miêu tả là "chú ngựa thông minh nhất thế giới", lại còn biết đánh cờ, đi trên giây… đồng hành cùng Lucky Luke khắp miền Tây hoang dã của nước Mỹ.

Trở về với xứ Việt, trong “Chinh phụ ngâm khúc” của Đặng Trần Côn, mà chúng ta biết đến từ thời đi học, có những câu thơ nói về lý tưởng của người trai thời loạn sống chết với ngựa trên chiến trường:

“Chí làm trai dặm nghìn da ngựa;
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao.
Giã nhà đeo bức chiến bào;
Thét roi cầu Vị ào ào gió thu…”
  
***
Ngựa có tuổi thọ khoảng từ 25 đến 30 năm. Con ngựa sống thọ nhất có thể kiểm chứng là "Old Billy", một con ngựa sống trong thế kỷ 19 với tuổi thọ là 62 năm. Hiện nay, “Sugar Puff”, con ngựa được liệt kê trong Sách Kỷ lục Guinness như là con ngựa già nhất, đã qua đời ngày 25/5/2007 ở độ tuổi 56.

Hiện nay trên thế giới có hơn 100 giống ngựa nổi tiếng và được phân biệt qua hình dáng, kích thước và tính khí. Chẳng hạn như giống ngựa Mông Cổ hầu như không hề thay đổi kể từ thời kỳ Thành Cát Tư Hãn. Là giống ngựa chiến nổi tiếng sinh ra trên các vùng thảo nguyên Gobi thời đế quốc Nguyên Mông thế kỷ VII - XIII.

Ngựa Mông Cổ có tầm vóc trung bình, cao 1,4m, màu nâu đỏ hoặc nâu sẫm, tốc độ chạy từ 30–40 km/h. Giống ngựa này rất dai sức, có thể phi nước kiệu trong 10 giờ liền nên từ xưa ngựa Mông Cổ đã được mệnh danh là "thiên lý mã".

Có lẽ đây cũng là lý do Việt Nam ta thành lập trung đoàn cảnh sát kỵ binh cơ động dựa vào giống ngựa Mông Cổ. Theo ông Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, nhiều nước trên thế giới đã sử dụng lực lượng kỵ binh trong việc bảo đảm an ninh trật tự, có thể hoạt động tại bất kể địa hình nào.

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, kỵ binh sẽ được dùng trong bất kể công việc gì cần thiết, từ lễ tân nhà nước, các hoạt động nghi thức quốc gia, tới việc phòng chống tội phạm, tuần tra kiểm soát.

Sáng ngày 8/6/2020 các đại biểu Quốc hội đã có dịp chứng kiến buổi diễn hành của cảnh sát kỵ binh. Thành phần tham dự có cả Thủ Tướng, Chủ tịch Quốc hội và các quan chức chính phủ. Tuy nhiên, bầu không khí trang nghiêm của buổi lễ bị phần nào trở thành “ô uế” khi các chú ngựa thoải mái phóng uế trong lúc diễn hành.

Điều này đã khiến người dân không đồng tình và lên tiếng phê phán. Hơn nữa, nhiều ý kiến lại cho rằng những con ngựa nhập từ Mông Cổ sao lại trông giống lừa nhiều hơn là con ngựa thường thấy? La hay lừa chỉ là giống ngựa nhỏ, một loại “pony” như ta thường thấy trẻ em ở các nước Phương Tây thường cưỡi.

Ngựa có đặc điểm là bao tử của chúng không uốn cong như ta thường thấy ở các loài sinh vật khác, thế cho nên ta mới có câu “thẳng như ruột ngựa”! Thực phẩm mà chúng được cung cấp thường biến thành chất thải trong một thời gian quá nhanh nên bất kể phép lịch sự, chúng sẵn sàng thải phân ngay trên đường diễn hành.

Mỗi ngày chúng thải ra khoảng 18kg phân, tính ra trung bình một năm có thể thải ra 7 tấn phân, đó là chưa tính hàng nghìn lít nước tiểu. Một chú ngựa cảnh sát trung bình làm việc khoảng 8 tiếng mỗi ca, 5 ngày trong tuần, nghĩa là sẽ có khoảng 1.400kg phân xuất hiện trên đường phố mỗi năm.

Trên báo Times, người Anh đã than thở về tình trạng phân ngựa năm 1894, khi đó các phương tiện di chuyển chủ yếu dựa vào ngựa: “Nếu tình trạng không dọn dẹp hết phân ngựa thì chỉ trong 50 năm, mọi con đường ở London sẽ bị chôn vùi dưới 2,7 mét phân!”

Tại các nước, văn bản pháp luật có quy định mọi chú ngựa cưỡi nơi công cộng cần phải đeo thêm một chiếc túi sau đuôi để đựng phân. Nhưng chẳng rõ vì sao, quy định này không áp dụng cho đội kỵ binh cảnh sát, mà bản thân cảnh sát thành phố New York cũng từ chối bình luận về vấn đề này.

Thực tế cho thấy, đội kỵ binh không có nghĩa vụ phải dọn phân ngựa trong khi làm nhiêm vụ. Tại Anh, có một tỉ lệ lớn người dân cảm thấy khó chịu khi đội kỵ binh không chịu dừng lại dọn phân. Thậm chí, các sĩ quan còn được hướng dẫn cứ để mặc đống phân ở đó và chỉ được "khuyến khích" báo cáo với hội đồng địa phương mà thôi.

Tại Mỹ, chủ đề "ai sẽ dọn phân" cũng khiến cảnh sát phải bối rối. Như năm 2013, tờ New York Post có đăng tải câu chuyện lực lượng kỵ binh của Sở cảnh sát New York cứ để mặc đống "xú uế" do lũ ngựa thải ra. Đội NYPD từ chối bình luận về vấn đề này, dù sau đó NY Post xác nhận trách nhiệm thu dọn thuộc về Sở vệ sinh công cộng!

Cũng có nơi, mỗi sĩ quan cảnh sát đều mang theo túi nhựa, và sẽ chủ động dọn dẹp nếu ngựa thải ra tại những khu vực đông người qua lại. Một thành viên đội kỵ binh Úc đưa ra một giả thuyết khá hợp lý về việc tại sao ngựa của cảnh sát không chịu đeo túi đựng phân chỉ vì chiếc túi ấy có thể… gây trở ngại cho ngựa lúc phi “nước đại”.

Trong buổi diễn hành tại Việt Nam, ngựa không phi nước đại mà chỉ giới hạn ở “nước kiệu” với những bước chân thong thả. Thế nhưng khi xem lại những bức ảnh trên báo chí, người ta thấy dưới chân ngựa phải nói là… chất thải của ngựa cũng ngập ngụa.

Và ngay sau buổi lễ, phải có một lực lượng xuống đường, ra tay dọn dẹp để giữ cho khu vực Ba Đình được sạch sẽ như lúc đoàn kỵ binh chưa đi qua!

***

Bức tranh "Con ngựa thành Troa" của họa sĩ Giovanni Domenico Tiepolo

Xích thố là một trong những con ngựa nổi tiếng nhất trong Tam quốc

Chàng cao bồi Lucky Luke  chăm sóc móng ngựa Jolly Jumper

Xe ngựa dành cho du khách tại Australia (hình tác giả chụp năm 2007)

Ngựa trong một cuộc diễn hành

Ngựa trong một cuộc diễn hành

Xe ngựa trong thành phố

Xe ngựa trong thành phố

Xe ngựa trong thành phố

Cảnh sát Detroit tuần tra trên đường phố năm 1951

Kỵ binh cảnh sát tuần tra trong thành phố

Kỵ binh cảnh sát tuần tra trong thành phố

Cảnh sát dẹp bạo động trên lưng ngựa

Cảnh phóng uế của ngựa cảnh sát tại Mỹ

Ngựa thường có một túi đựng phân phía sau đuôi

Cảnh sát dọn phân ngựa

Tại Việt Nam, ngày 8.6.2020 có cuộc diễn hành ra mắt của kỵ binh cảnh sát

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ tọa cuộc diễn hành

Hình báo Tuổi Trẻ

Cuộc diễn hành tại khu vực Ba Đình

Đoàn kỵ binh trong cuộc diễn hành

Đoàn kỵ binh trong cuộc diễn hành

Đoàn kỵ binh trong cuộc diễn hành

Hình của RFA

Hình của báo Người Lao Động

Hình của báo Người Lao Động

Hình của báo Người Lao Động


Hình của báo Tuổi Trẻ

Trung đoàn kỵ binh cảnh sát

Trung đoàn kỵ binh cảnh sát

Chân dung một kỵ binh cảnh sát

Vấn đề phân thải của ngựa trong buổi lễ ra mắt

Hình của báo Người Lao Động

Hình của báo Người Lao Động

Hình của báo Người Lao Động

Hình của báo Người Lao Động

Sau buổi lễ là công tác dọn dẹp

Sau buổi lễ là công tác dọn dẹp

Sau buổi lễ là công tác dọn dẹp

***

--> Read more..

Popular posts